Hội thảo khoa học cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lưu Quang Vũ

4:15 PM |

Ngày 29.8, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch của Lưu Quang Vũ, viện văn học phối hợp với trường Đại học Duy Tân tổ chức hội thảo khoa học cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông. Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, viện trưởng viện văn học, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, ông Lê Công Cơ, nhà giáo ưu tú, chủ tịch HĐQT trường ĐH Duy Tân, ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng, cùng nhiều nhà khoa học và đông đảo các bạn sinh viên khoa khoa học xã hội & nhân văn trường ĐH Duy Tân.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các giảng viên trong cả nước: viện văn học, ĐH Duy Tân, trường ĐH KHXH & nhân văn Hà Nội, TP HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quảng Nam, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủ Dầu Một… trong đó có 55 báo cáo lựa chọn in kỷ yếu, 7 báo cáo gồm 3 tham  luận về thơ, 1 kịch, 1 truyện ngắn, 1 hồi ký trình bày tại hội thảo. Hội thảo là dịp để nhìn lại, đánh giá, tổng quát về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lưu Quang Vũ, các tiếp cận mới về thơ, truyện ngắn, kịch… từ ký hiệu học, chủ nghĩa hiện sinh, phê bình sinh thái, các tham luận làm rõ thêm về cá tính sáng tạo, sự nhạy bén và tầm vóc tư tưởng mang tính thời đại trong các tác phẩm ông.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phát biểu tại hội thảo
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17.4.1948, mất ngày 29.8.1988, là nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn hiện đại Việt Nam. Ông sinh tại Phú Thọ nhưng quê gốc ở Đà Nẵng, trong suốt quá trình sáng tác văn học ông đã để lại một số truyện ngắn, các tập thơ Hương cây – Bếp lửa (1968, in chung với Bằng Việt), Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993) và rất nhiều vở kịch nổi tiếng như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tôi và chúng ta…
Tin, ảnh: Phan Nam.

Xem tiếp…

Đinh Thị Như Thúy: yêu thương trao lời... - bài cảm nhận của Phan Nam.

8:35 AM |

Và ngôi nhà ấy & khu vườn ấy & niềm tin ấy đưa tôi đến. Với những bản tặng đã được gói ghém & ký sẵn: Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Đinh Lê Vũ, Huỳnh Lê Nhật Tấn..., có lẽ tôi là người nhỏ tuổi nhất, trong một buổi sáng trong trẻo đến hoang vu...
Sau các tập thơ Cùng đi qua mùa hạ (NXB Văn nghệ 2005), Phía bên kia cây cầu (NXB Phụ nữ 2007) & Ngày linh hương nở sáng (NXB Hội nhà văn 2011) được trao nhiều giải thưởng văn chương uy tín, tác giả Đinh Thị Như Thúy tiếp tục ra mắt tập thơ mới Trong những lời yêu thương (NXB Hội nhà văn 12.2017). Đây là cuốn sách nằm trong kế hoạch sách Nhà nước đặt hàng hằng năm nhằm tôn vinh ghi nhận hơn nữa những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong lao động sáng tạo nghệ thuật, của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình vào sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước.
Với 62 bài trong gần 200 trang in, chủ yếu là thơ tự do và thơ văn xuôi, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đã thổi một mạch ngầm trong trẻo, dịu dàng với những dòng thơ tươi mới, quyết liệt, ngập tràn sự khai phá, táo bạo. Mang sứ mệnh kiến tạo giá trị thi ca xuất phát từ những yêu thương tự trong sâu thẳm, tác giả làm sống dậy linh hồn đất đai, từ thực thể đến tâm thức, với những ám ảnh lạ lùng, sâu sắc và cũng không kém phần thi vị. Những bông hoa trắng ẩn hiện từ xa xôi vang vọng tiếng gọi tự do, từ đại ngàn đến thành thị chỉ như một giấc mộng dài, đánh thức đất đai xứ sở: “Vẻ đẹp đó. Quá chừng tinh khiết và lộng lẫy. Làm con người choáng váng. Thấy mình sao trần tục. Một ước muốn gột rửa bất chợt dâng đầy/ Là vậy. Bạn biết không? Sự cứu rỗi của cà phê không chỉ ở trong trái chín. Trong từng giọt sậm thơm lừng mỗi sáng/ Mà ở đây. Cả trong mùa tưới. Mùa hoa. Trong đất đai nồng nã. Trong ngọn gió hoang. Mang nỗi nhớ bay đi. Vượt trùng trùng xa ngái. Tìm đến một người” (Hoa trắng tháng hai, trang 27). Đọc thơ Đinh Thị Như Thúy, thực khó định vị chính xác chúng ta đang ở đâu, những không gian nối tiếp nhau, mở ra vô tận, trong từng ánh mắt, từng hơi thở, từng cử chỉ, từng cái động chạm. Dường như những biến động trong thơ chị lạ lùng, tràn đầy tinh tế, cứ ẩn hiện chập chùng như sương, như gió, như mây, như nước, chẳng mang hình hài cụ thể nhưng vẫn mang lại cảm giác ấm áp, bao dung và nhân hậu. Nhà thơ Phan Hoàng từng nhận xét: “Từ vùng đất Tây Nguyên, từ khu vườn của mình, Đinh Thị Như Thúy đã cất lên tiếng thơ trong trẻo như suối nguồn, huyền ảo như đại ngàn, nghiêm cẩn như bảng đen phấn trắng, mang đến cho nền thơ Việt đương đại một ánh chớp, một giấc mơ đẹp và quyến rũ”. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thi ca Thừa thiên Huế, chị có khoảng thời gian dạy học ở Tây Nguyên, năm 2012 chị chuyển về công tác tại Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng. Đến với thành phố bên bờ sông Hàn không lâu, chị đã phát lộ miền tâm tưởng cao đẹp với nhiều khát vọng thầm kín: “Thường đi dọc sông Hàn mỗi sớm mai/ Thời khắc vắng/ Đón ngọn gió đến từ bờ Đông/ Ngọn gió ăm ắp ánh mặt trời/ Ban mai/ Sông Hàn trắng/ Vẫn thương làm sao những vòm cây xa xôi/ Khu vườn thiếu hơi thở/ Lặng/ Dịch chuyển không làm nên ngăn cách/ Sông Hàn ban mai kéo một vệt sáng/ Cơn rùng mình bén ngọt/ Cắt vào ngày” (Ban mai đi dọc sông Hàn, trang 99).

Nỗi u hoài thế nhân vận vào đôi mắt nữ sĩ, cứ quấn lấy không rời, không đành tâm dứt bỏ, đành buông xuôi cảm xúc dưới những hơi thở khác, những sự sống khác, khoảnh khắc khác, tưởng như thật gần gụi nhưng lại hóa xa xôi: “tôi thuộc về giọng nói thì thầm trong tôi”. Định hình phong cách theo con đường của một người mê đắm với thi ca, nhưng chị là vô cùng tỉnh táo trong những lời yêu thương gửi trao đến độc giả, đến công chúng, dẫu đôi khi rơi vào cảm tính cá nhân, tuy nhiên điều đó càng minh chứng sự sắc sảo trong thơ chị, những con chữ được viết ra từ gan ruột, từ đáy lòng: “Ta chờ tiếng thì thầm/ Chờ hơi thở gấp/ Chờ một động chạm để tỏ bày cảm xúc/ Sao tất cả luôn quá chừng xa xỉ/ Cô độc níu bàn tay ta lưng chừng/ Không cho phép/ Chẳng điều kỳ diệu nào có thể xảy ra/ Sao chúng ta chạm mặt nhau chỉ để rời xa/ Sao cứ muốn trốn nhanh về nơi trú ẩn/ Vùi mặt vào gối chăn/ Tìm dấu vết chính mình/ Nghe đơn côi chảy rùng rùng trong máu/… / Đau đớn thú nhận đời sống thật quá buồn” (Chưa bao giờ ta đến được giấc mơ của nhau, trang 57). Tầng tầng lớp các câu thơ đa nghĩa dẫn chúng ta đến một miền thơ nhiều gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng cũng tràn đầy hoa thơm trái ngọt, ở đó không gian, xúc cảm tưởng chừng mong manh dễ vỡ, man mác u buồn nhưng cũng lấp lánh sắc màu, sắc màu của cái đẹp, sắc màu của tình yêu.
Đinh Thị Như Thuý nhận giải nhất Thơ ca và nguồn cội lần 2 ở làng Chùa, Hà Nội
Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật tu từ “phép điệp” tạo nên phong cách thi ca riêng, thú vị và độc đáo. Những bài thơ với trùng trùng điệp điệp thi ảnh, âm thanh gợi lên cõi giới thẩm mỹ đẹp đẽ, trong trẻo lạ lùng đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của tác giả nhằm chuyển tải đến bạn đọc những khao khát tìm kiếm, tỏ bày, những lời trao gửi yêu thương: “Những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng/ Sương dâng mịt mờ/ Suốt một ngày dài một đêm dài/ Một ngày dài một đêm dài/ Rồi ngày dài rồi đêm dài tiếp nối/ Những tiếng gọi cứ tan vào khoảng rỗng/ Sương dâng mịt mờ/ Chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Những cây trổ mầm xanh bên cầu/ Những cây trơ trụi lá/ Những cây nứt ngang thân mềm rễ đỏ/ Những cây ngơ ngác đơm hoa/ Nhẫn nại đứng im lìm trong màn sương bủa vây như sữa/ Chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Đầm đìa chảy/ Từ lá từ thân/ Những dòng nước mắt trong suối lạnh/ Chỉ cây/ Và cây/ Buồn bã chịu đựng/ Chỉ cây/ Và cây/ Vẫn những tiếng gọi như tan vào khoảng rỗng/ Vẫn sương dâng mịt mờ/ Suốt những ngày dài những đêm dài/ Vẫn chỉ cây/ Và cây/ Và cây/ Bất lực/ Cháy những đốm lửa rưng rưng trong ký ức (Cây trong sương, trang 145).  Với chỉ hai hình ảnh chỉ “cây” và “sương”, tác giả đưa ta lạc vào chốn mê hoặc trong cõi giới thi ca đầy ngọt ngào và quyến rũ, tác giả luôn tạo ra khoảng trống bất tận để độc giả được hòa mình vào tâm hồn của tác giả, cùng hòa nhịp và cùng đồng điệu. “Đốm lửa” trong thơ Đinh Thị Như Thúy chính là đốm lửa của niềm tin và hy vọng, của sự dâng hiến cháy bỏng, của yêu thương vẫy gọi từ xa xăm diệu vợi. Còn rất nhiều điều đặc biệt trong tập thơ khá dày dặn “trong những lời yêu thương” được xuất bản lần này, đưa chúng ta khám phá mọi ngóc ngách của con chữ từ khi được gieo trồng đến khi “mọc như một kiêu hãnh lặng câm”.
Đà Nẵng, những ngày bên ly café, tháng 8.2018
PHAN NAM.



Xem tiếp…

Giới thiệu văn nghệ An Nhơn tập 13, tháng 8.2018

8:53 AM |
Trân trọng giới thiệu tập san văn nghệ An Nhơn, Bình Định tập 13 tháng 8.2018


Nguồn: văn nghệ An Nhơn


Xem tiếp…

Âm vọng quê xứ... (*) - bài viết của Phan Nam

8:39 AM |

Sau tập thơ Vọng nguồn (NXB Đà Nẵng 2015), tác giả Đinh Huyền, hội viên hội VHNT Quảng Nam tiếp tục cho ra mắt tập thơ mới Giấc mơ màu diệp lục (NXB Đà Nẵng tháng 3/2018). Cuốn sách tập hợp 65 bài thơ với cảm hứng chủ đạo về quê hương đất nước, những nỗi niềm quê xứ ăm ắp, nghĩa tình với bạn bè, anh em văn nghệ, tiếng lòng khắc khoải của tác giả trong dòng chảy nhân sinh, trong mạch ngầm thời gian. Mỗi vần thơ được viết ra là mỗi ước vọng hướng đến cái hay, cái đẹp, tấm lòng bao dung vị tha trước những mất được hơn thua, sự đổ vỡ biến động ngày đêm giằng xé cõi người. Mở đầu tập thơ là âm vọng tự ngàn đời đã nuôi dưỡng hồn thơ của biết bao người con đất Việt, hòa quyện vào tâm tình thi sĩ trong cái “nhìn dòng nước màu thời gian mưa nắng/ mới hay đêm qua trời đổ mưa nguồn”: Chúng con hát ngợi ca/ Sự huyền nhiệm trái tim tình yêu/ Hạt giống mẹ gieo mầm/ Lớn lên theo thời gian/ Có phù sa tiếng ngân đàn bầu/ Hồn thiêng/ Âm thổ/ Vọng ngàn sau (Mẹ! Giọt đàn bầu).
Tiếng thơ của tác giả đã đi qua bao mùa nắng mưa, thẩm thấu bao hương vị cuộc đời, vẫn cố gắng tìm cho mình một chỗ để nương náu, để tìm về ngưỡng vọng và tôn kính, thật đáng quý biết bao. Âm vọng quê xứ bàng bạc trong thơ Đinh Huyền, tựa như hơi thở đất mẹ đã làm nên sự sống, đã nuôi dưỡng xác thân hình hài của những trái tim chưa lớn, vẫy gọi mầm sống lên xanh. Những hình ảnh, những suy tư tưởng như cũ càng, mỏi mòn ấy gieo niềm hi vọng lên trang thơ đang ngày đêm cựa quậy, tái tạo tâm tưởng: đất đã xanh màu hi vọng/ mùa đã vàng trái ngọt bờ môi/ câu thơ chảy giữa dòng nhân nghĩa/ mẹ cho em còn lại trên đời (Em gái Quảng Nam). Khi thơ cất tiếng tất cả như hòa quyện làm một, đất mẹ và người con, tác giả và bạn đọc, tình yêu và thi ca… muôn đời không thể nào tách rời, như một niềm tin, như một lẽ sống, như một định nghĩa không thể chối bỏ, phủ nhận. Trong dòng chảy bất tận ấy, có những dòng thơ tựa mạch nguồn chảy trong huyết quản, thấm trong mạch máu, kết nối trái tim với trái tim: Con thuyền số phận đã buộc chúng ta/ trên cuộc hành trình này/ không thể khước từ ruồng bỏ/ đọt dớn mọc từ đâu/ sao mà xanh đến thế/ bãi biền kia từ đâu/ sao ngút ngàn biêng biếc/ đêm đêm tiếng sóng vỗ bờ/ âm thổ ngọn nguồn quê xứ/ ngàn năm hát ngôn ngữ thi ca/ về tình yêu và lẽ sống (Con thuyền tình yêu).

Thi ca không thể dập tắt khi con người còn rung động trước cái đẹp, còn biết yêu cái đẹp, còn khao khát chiêm ngưỡng và trân trọng cái đẹp như một lẽ tự nhiên. Mỗi câu hát, lời ru, khoảnh khắc, hình ảnh, mùa màng… đắm chìm trong thơ Đinh Huyền ngọt ngào, uyển chuyển chẳng cần giải thích, đong đếm chi nhiều, cứ như thế mà cảm nhận, mà yêu thương, mà vỗ về cho trọn nghĩa, trọn tình, trọn xúc cảm. Những địa danh xuất hiện cũng chỉ là chất xúc tác để hồn thơ thêm duyên dáng, êm ả, xao xuyến qua mỗi bước chân tác giả. Điều không thể thiếu ở đời chính là tình cảm, tình cảm chắp cánh cho thi ca, thi ca đưa người đọc khám bá những cung bậc tình cảm ấy qua những con chữ, những bài thơ được tác giả gửi gắm. Dẫu không phải ai cũng có thể cảm nhận thơ, đọc cho hết tập thơ một cách nghiêm túc nhưng thi ca vẫn là một phần của cuộc sống, đưa chúng ta đến gần với nhau hơn: “Tôi về tìm lại cố hương/ Tôi tìm tôi cuối con đường nhân sinh/ Về nghe đất gọi tên mình/ Nén hương ngưỡng vọng tạ tình. Thưa quê!” (Cố hương).
PHAN NAM.
(*) Đọc Giấc mơ màu diệp lục, Đinh Huyền, NXB Đà Nẵng 2018)

Bài viết đã được đăng trên báo công an Đà Nẵng số 186, ra thứ bảy, ngày 4.8.2018
Blog Phan Nam.
Xem tiếp…

Linh vật Nghê trong văn hóa Việt

10:46 AM |
Ảnh: Phan Nam (chụp lại). 

Nghê là linh vật đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa Việt, Nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, Nghê được chạm khắc trên kiến trúc, Nghê được tô, đắp chầu trước cổng. Nghê xuất hiện trong tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, miếu, Nghê có trong cung điện lăng tẩm. Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, lành mạnh hóa môi trường thẩm mỹ, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh & triển lãm phối hợp với sở Văn hóa thể thao Đà Nẵng tổ chức triển lãm tư liệu “Linh vật Nghê Việt” tại bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Triển lãm là tiếp nối của các các triển lãm đã được tổ chức: “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2014, cũng trong năm 2014 và 2015 bảo tàng Nam Nịnh phối hợp bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa bộ sưu tập Nghê Việt đi triển lãm ở nhiều địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, bảo tàng lịch sử quốc gia với triển lãm chuyên đề “linh vật Việt Nam” năm 2015, triển lãm “linh vật Việt” tại bảo tàng Hà Nội năm 2016…
Tặng sách Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa đến các nghệ nhân Đà Nẵng. (ảnh: Phan Nam)
Trong thời gian qua, linh vật Nghê dường như bị lãng quên, bị người Việt thay thế bằng những linh vật không phù hợp với biểu tượng văn hóa Việt Nam. Nguy hại hơn, những linh vật mang biểu tượng văn hóa nước ngoài lại được sao chép, nhân rộng, bày đặt khắp nơi từ công sở đến di tích, từ tư gia đến nơi công cộng. Chỉ trong vòng mấy chục năm qua, biểu tượng, linh vật của nước ngoài đã bị nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn là biểu tượng của người Việt.
Phiên bản tượng linh vật Nghê được trưng bày tại triển lãm. (ảnh: Phan Nam)

Trước thực trạng đó, ngày 8.8.2014, bộ VHTT&DL ban hành công văn 2662 về việc không sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ban tổ chức triển lãm đã chọn lọc trưng bày 200 hình ảnh, tư liệu linh vật Nghê kèm theo diễn giải gồm các nội dung: Nguồn gốc, đặc điểm tạo hình, phân loại linh vật Nghê Việt, linh vật Nghê của Việt Nam so sánh với một số quốc gia, Nghê chốn chùa chiền, cung vua phủ chúa, lăng tẩm, đền miếu, Nghê chốn đình làng và các hiện vật bảo tàng, một số sản phẩm phiên bản tượng linh vật Nghê, thế kỷ XVII, di tích quốc gia đặc biệt đền vua Đinh Tiên Hoàng, Hoa Lư, Ninh Bình. Qua các tư liệu và các hiện vật trưng bày tại triển lãm, người xem thấy được sự phong phú của linh vật Nghê trong văn hóa Việt, sự tương đồng và khác biệt với linh vật của các quốc gia trong khu vực, sự tài hoa của cha ông ta trong việc sáng tạo ra các tác phẩm linh vật Nghê phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Một số hình ảnh linh vật Nghê Việt.
Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa và nhân dân hiểu thêm về hình thức, ý nghĩa của linh vật Nghê Việt, là dịp để các nghệ nhân, các cơ sở chế tác thủ công mỹ nghệ tạo ra các sản phẩm, linh vật phù hợp với văn hóa Việt Nam. Triển lãm giúp thế hệ trẻ nhận biết, bảo vệ, bảo tồn, phát huy, phát triển linh vật Nghê Việt góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Triển lãm diễn ra tại bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng (số 78 Lê Duẩn) từ ngày 15 đến hết ngày 30.8.2018.
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Chút tình giữ lại... - bài viết của Phan Nam.

8:25 AM |
Khúc giao mùa, NXB Đà Nẵng
tháng 8.2018. 

Đều đặn cuối hạ đầy thu, tập san Khúc giao mùa, tiếng lòng của đất và người Liên Chiểu lại được cất lên tự sâu thẳm yêu thương. Như lời giới thiệu đầu tuyển tập: “Khúc giao mùa âm vang giai điệu vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi vừa xa xăm, lắng sâu, vời vợi… Từ trái tim, cái đẹp bung nở, lan tỏa, gắn kết những tâm hồn đồng điệu, làm dịu nỗi đau thân phận đời người”. Khúc hát yêu thương cất lên giữa đời thường, cho niềm vui tinh thần lan tỏa, hạnh phúc tưởng chừng như xa xôi to lớn hóa ra thật giản dị, đời thường từ những vần thơ lắng sâu trong tâm hồn đất mẹ. Liên Chiểu, nguồn cảm hứng dạt dào qua đôi mắt thi sĩ đang ngày đêm cựa quậy, thức giấc, ẩn hiện qua trang thơ: “Em ơi! Đà Nẵng quê anh/ Rừng ôm thành phố, biển xanh ôm người/ Hải Vân núi dựng ngút trời/ Hùng quan đệ nhất muôn đời oai linh/ Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Minh/ Đất quê muôn thuở khối tình yêu thương” (Đợi em về, thơ Trần Toàn). Dẫu bây chừ “hồn quê Liên Chiểu đi lên phố phường” (thơ Huỳnh Sự) nhưng Liên Chiểu vẫn là mảnh đất chứa đựng hồn quê trong tâm tưởng, cho những con người trót vương vấn mối tình trăm năm với mảnh đất này, vẫn khắc khoải nhớ về.
Buổi ra mắt Khúc giao mùa (hình ảnh chia sẻ từ facebook)
Hải Vân, đề tài muôn thuở của biết bao văn nhân, thi sĩ vẫn âm vọng nỗi niềm qua từng con chữ: “Đệ nhất hùng quan ai khéo tạc/ Đường lên tới đỉnh thấy trời gần (…)/ Cưỡi sóng thuyền ai vờn mặt biển/ Hoàng hôn buông xuống mờ sương giăng/ Nam Ô một thuở hồng trang sử/ Tiếng thét quân hùng dậy núi sông/ Đất nước hò reo Vua mở cõi/ Phương Nam tỏa rạng giống tiên rồng/ Sáu trăm năm trước còn bia đá/ Xin nhắc ai rằng có nhớ không (Lên đỉnh Hải Vân, thơ Lê Ngọc Xuân). Sáu năm ăm ắp nỗi niềm quê xứ, Khúc giao mùa như khúc hát đong đầy tình nghĩa, mối giao hòa của con người và thi ca, của niềm tin và hạnh phúc đang vẫy gọi phía trước.
Bìa và mục lục Khúc giao mùa 6 (Ảnh: Trần Trung Sáng)
Cùng với sự cộng tác của hàng loạt tác giả, học giả tên tuổi, các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ có những mới lương duyên sâu nặng với Liên Chiểu đã làm nên vóc dáng, hình hài của Khúc giao mùaTin xuân dâng cho đời bao hoa thơm trái ngọt: Nguyễn Khắc Sính, Nguyễn Hoàng Thọ, Bùi Văn Tiếng, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Minh Hùng, Phạm Phát, Thanh Quế, Đông Trình, Nguyễn Minh Hùng, Đỗ Phan, Đinh Thị Như Thúy, Bách Mỵ… Là một tập san văn nghệ thuần khiết, Khúc giao mùa là lát cắt, là tia chớp soi rọi tâm hồn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần con người, lưu giữ chút tình riêng ngọt ngào, cho cây đời mãi xanh tươi.
Đà Nẵng, 13.8.2018
PHAN NAM.
Bài viết được đăng trên báo công an TP Đà Nẵng số 194, ra thứ ba 14.8.2018:
Phan Nam.

Xem tiếp…

Giấc mơ ta đã... - bài viết Phan Nam.

7:51 AM |
Tác giả Thế Quy. 

Phải mất gần 3 năm sau tập thơ đầu tay Khoảng vắng, tác giả Nguyễn Thế Quy tiếp tục xuất bản tập thơ mới “Giấc mơ ta đã…” (NXB Hội nhà văn quý II, 2018), tác giả cùng nhóm thân hữu và nghệ sỹ Ngọc Sang cũng sẽ tổ chức đêm thơ, nhạc “Tình thơ tình người” nhân dịp ra mắt tập thơ tại Nam Phước, Duy Xuyên vào đầu tháng 9.2018.
Trong lời giới thiệu mở đầu tập thơ, nhà giáo nhà thơ Đoàn Huyên viết: “Trong 44 bài thơ được viết với hai thể thơ lục bát và tự do, Quy gần như gói trọn niềm tâm sự của mình trước bộn bề cuộc sống. Những tháng ngày đi hành nghề, Quy đã không bỏ sót một chi tiết nào, để rồi khi về lại với màn đêm, câu thơ lại cắt lên từng tiếng hát, từ sâu thẳm trái tim Quy, một trái tim nguyên lành không tỳ vết, những bài thơ cháy bỏng lại ra đời”. Những vần thơ chân tình, giản dị nhưng cũng tràn đầy rung cảm, yêu thương của chàng trai dù khiếm khuyết thân thể nhưng lại đầy đặn tâm hồn. Những khát khao hạnh phúc đời thường tưởng như vô cùng giản đơn cũng chính là niềm tin, là nghị lực phi thường dẫn bước anh vào đời. Dòng thơ tri ân có lẽ là dòng thơ cảm động, nghẹn ngào được anh viết ra tự sâu đáy lòng, dẫu đôi khi còn vụng về nhưng tình cảm lại dạt dào, khắc khoải: Con lặng ngồi đếm những ưu phiền/ Đếm nếp nhăn hằn lên mặt/ Nhìn những tàn phai mà tim quặn thắt/ Con sợ thời gian cướp mất một thời/ Sợ yêu thương lạc lõng chơi vơi/ Sợ mình con đếm đời lá rụng… (Sợ). Đấy là một trong số rất nhiều tâm sự anh viết tặng Cô, người dẫu không sinh thành nhưng đã nuôi dưỡng anh cho đến ngày hôm nay, “thi sĩ gần như dành trọn trái tim để yêu thương cô” (lời nhà thơ Đoàn Huyên).
Bìa tập thơ Giấc mơ ta đã... (ảnh Phan Nam)
Hình bóng quê nhà ẩn hiện trong thơ anh chân thật đến từng chân tơ kẽ tóc, mỗi rung động bật lên từ vẻ đẹp quê hương luôn mang lại nhiều cảm xúc: Từng cuộn khói quyện vào sương chiều rụng/ Hoàng hôn về oằn đôi thúng bội thu/ Nghe xuân sang dịu dàng trong quyến rũ/ Ngỡ em về chúm chím nụ ban sơ/ Sương khuya xuống hôn nồng nàn phố chợ/ Ai khéo dựng nên nét rực rỡ quê nghèo (Nét quê). Cách đây ba năm, lần đầu tiên tôi cảm nhận được ân tình Duy Xuyên hòa quyện trong từng hơi thở, từng vần thơ của anh đầy nhịp nhàng, giàu thi ảnh, nhạc tính: Về đây anh, ta dìu bước qua sông/ Thu Bồn bồi lở như lòng đôi ta/ Duy Xuyên, như bản tình ca/ Gập ghềnh trắc trở nhưng đậm đà sắt son (Về với Duy Xuyên). Tập thơ nho nhỏ, mong mỏng, được chính anh thiết kế và trình bày, đã cho thấy nỗ lực tuyệt vời của anh dành cho thi ca, cho con chữ. Tình yêu là một chủ đề muôn đời trong thi ca, tưởng như ăn nhập đến không thể tách rời, tiếng lòng khe khẽ vang lên cho biết bao thi sĩ “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Trong tập thơ mới này, mảng thơ tình được anh viết nhiều hơn, chắc chiu hơn và nỗi buồn cùng nhiều hơn, mỗi khi đối diện với nỗi cô đơn phong kín, anh lại đi tìm nàng thơ cho riêng mình giữa bao trống vắng, lặng câm: Mây mệt nhoài, nằm thườn thượt cong vòng/ Nhớ suối tóc/ Ai hong đêm trăng sáng?/ Rồi có khi mây bồng bềnh lãng đãng/ Tạc bờ môi duyên dáng/ Lúc nhỏ cười/ Mây tan tành khi đã chán cuộc chơi/ Trả yên bình trên nền trời trong vắt (Mây).
Phan Nam và anh Thế Quy tại thị trấn Nam Phước tháng 8.2016
Tình thơ tình người là sợi dây gắn kết mọi người đến gần nhau hơn, mọi người đến với nhau không hẳn vì tha ca, không hẳn vì cái tình cái nghĩa mà cuộc sống dành tặng cho mỗi chúng ta. Dòng thời gian mải miết trôi như dòng Thu ngoài kia, chẳng bao giờ dừng lại, chỉ có giọt phù sa lặng lẽ bồi đắp cho đời bao hoa thơm trái ngọt, bồi đắp miền thơ đẹp đẽ giấu kín trong trái tim. Như nhận xét của nhà thơ Đoàn Huyên: “Dù ngôn ngữ còn đơn sơ, mộc mạc, nhưng với cảm xúc đầy đặn, Quy đã thổi vào đó một tình yêu đắm say, có thể làm rung động lòng người. Đọc thơ Quy, bạn sẽ thấy sức sống mạnh mẽ, của chàng trai còn độ thanh xuân, dù bị giới hạn của thân thể, nhưng những gì Quy viết  gần như một con người vẹn nguyên với hình hài, khối óc, trái tim đa cảm”. Và mọi người hoàn toàn có thể bỏ qua một số tồn tại về câu chữ, cách trình bày và cùng nhau thưởng thức trọn vẹn tập thơ, nhen lên ngọn lửa yêu thương, cùng nhau lắng nghe dư âm cuộc sống.
Đà Nẵng, 8.8.2018
PHAN NAM
Bài viết đã được biên tập và đăng báo công an TP Đà Nẵng 191, thứ sáu 10.8.2018:

>>> Mời đọc thêm bài viết: Khoảng vắng bên dòng sông Thu.


Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí Non Nước số 247 tháng 8.2018

9:21 AM |
Trân trọng giới thiệu tạp chí Non Nước số 247 tháng 8.2018




Xem tiếp…

Sông quê chảy mãi... - bài viết của Phan Nam.

5:06 PM |
Văn Nguyên Lương. 

Nhà thơ Nguyễn Văn Lương, bút danh Văn Nguyên Lương, người con của quê hương xứ Quảng vừa ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay “sóng chữ sông quê” (NXB Hội nhà văn quý III, 2017).
Trong lời tựa ở phần mở đầu tập thơ, nhà thơ Phan Hoàng giới thiệu: “Là nhà giáo giảng dạy bộ môn khoa học tự nhiên nhưng anh lại rất yêu văn chương và có khả năng sáng tác thơ. Đó cũng là lẽ thường tình của một người con sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống thi ca Quảng Ngãi. Ký ức tuổi thơ, nỗi nhớ quê nhà, kỷ niệm tình đầu cùng nỗi truân chuyên khắc khoải trên hành trình phiêu bạt, sự đồng cảm với những số phận bất hạnh là nguồn cảm hứng cho những tứ thơ đầu tiên của Văn Nguyên Lương...”. Lật mở từng trang thơ, khám phá những con chữ được viết ra từ gan ruột của anh, nỗi xúc động chợt ùa tới không thể kìm chế, để rồi nước mắt giàn giụa tự lúc nào. “Câu thơ ngập nắng vàng tươi/ Và gió mùa phơi phới/ Đưa ta về nơi ấy an nhiên”, phải chăng nỗi niềm giăng giăng ngõ nguồn sông quê, đưa đôi chân mỗi người tìm về nương trú, và đối với thi sĩ, cái bến sông ấy còn nuôi dưỡng hồn thơ giữa “cây đời tục lụy”. Ngôi nhà quê cũ bốn bề gió lộng, đụng đâu cũng thấy cái đói, cái nghèo đeo bám, vì vậy những người nông dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nâng niu đùm bọc lẫn nhau. Đó mới chính là điều đáng quý ở đời.
Ảnh: Phan Nam.
Cái nghĩa tình dạt dào như phù sa, như sữa mẹ, như máu thịt ngấm vào thơ Văn Nguyên Lương, để rồi thơ chạm vào độc giả đong đầy yêu thương. Anh từng bày tỏ về nỗi buồn thuở ấu thơ trông mẹ đi làm phương xa, từng ngày, từng ngày nhìn ngắm áng mây trôi bàng bạc trên đỉnh cao vợi, thả hồn theo dòng sông Thoa ảo huyền soi bóng, hòa quyện câu hò lúc gần lúc xa vang vọng tâm tưởng. Tất cả như dòng chảy ngầm trong sâu thẳm tâm hồn anh, để rồi qua bao va vấp tuổi trẻ, mạch thơ cuồn cuộn tuôn chảy, và anh “chở đôi thúng chữ/ vượt biển vô thường”. Trong phần đầu “mắc cạn sông quê” gồm 22 bài thơ, là những hồi ức trong trẻo tinh khôi, chan chứa nghĩa tình mà anh dành trọn cho quê hương xứ sở. Xúc động nhất là những vần thơ viết về mẹ: “Có nơi nào bình yên/ hơn tấm lòng của mẹ?/ Chở che con suốt một đời thơ”, “Con nay đã lớn khôn rồi/ Hoa đời đẫm giọt mồ hôi mẹ trồng/ Giờ bên đèn điện sáng lòng/ Đèn dầu mẹ, mãi rực hồng trong tim”, “Dẫu lớn khôn con vẫn là con trẻ/ Thèm khát những ngày/ Bên bếp lửa đón xuân sang!”. Còn đây, hình bóng của ngoại, của dì chăm bẵm đứa cháu, vuốt ve tháng ngày bình yên: “Đò ơi/ Chở về tuổi thơ/ Để tôi nghe tiếng bài chòi ngoại hát”, “Vườn xưa lá vàng héo rũ/ Con về đây thăm dì/ Mà lòng ngẩn ngơ/ Còn đâu tiếng cười giòn năm cũ/ Còn đâu tay nắm dịu dàng”. Và rất nhiều xúc cảm được anh gửi gắm đôi bờ hạnh ngộ, dẫu đôi khi quá chú tâm vào việc kể lể những hoài niệm ngày tháng xa quê, khiến câu thơ dễ sa vào lối mòn. Phần hai tập thơ “vấp tình” gồm 14 bài thơ với rung động đầu đời của chàng trai mới biết yêu, dẫu biết thi sĩ dại khờ quá đỗi, mà sao người vẫn chấp nhận đổi trao. Vẻ đẹp chân thật, trong trẻo ấy một lần nữa cất lên, tự bao đời nay đã làm cho bao tha nhân đắm đuối. Hãy nghe chàng trai nói lên nỗi lòng trong “bức thư tình đầu”:
Ánh mắt dài như sợi chỉ
Khâu nỗi buồn anh hóa kiếp
Anh như dãy hình dung từ
Vẽ em trong ngôn ngữ
Trinh nguyên...
                   (Bức thư tình đầu)
Sông quê vẫn ngày ngày soi mắt đỏ, soi thấu cõi lòng thi nhân những đóa hoa thơ đương chớm nở. Tiếng yêu dịu dàng say đắm được nhà thơ chăm chút, vun vén giữa dòng đời nổi trôi. “Từ độ vấp ánh mắt em/ Anh chơi vơi giữa cuộc đời mộng mị/ Đắp nỗi nhớ lên giấc ngủ/ Gối đầu về phía không em”, lời thú nhận đáng yêu và đầy gợi cảm gieo vào lòng người nỗi xao động, nghẹn ngào. Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng nói: “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”, và tôi tìm được nhiều điều hơn thế, trong thơ Văn Nguyễn Lương. Lặng lẽ khép lại tập thơ, tôi nghĩ ngay đến sự tồn tại của thi ca trong cuộc sống xô bồ ngày nay. Với thơ Văn Nguyên Lương, chắc chắn độc giả sẽ còn được khám phá nhiều điều mới mẻ hơn nữa khi anh dấn thân vào cõi thơ, ám ảnh và khát khao: Những loài hoa tỏa ra tiếng nói/ Màn đêm không thể phủ nhòa/ Tiếng nói là ánh sáng/ Từ le lói mặt trời/ Khơi nguồn cuộn sóng thi ca (Tiếng đêm).
Đà Nẵng, 02.11.2017
PHAN NAM

Xem tiếp…