Tuổi học trò trong thơ Nguyễn An Bình - bài viết của Phan Nam.

8:21 AM |
Ảnh internet. 

Trong dòng chảy ngược xuôi của cuộc sống với bao bộn bề lo toan, thật hiếm khi chúng ta có thời gian hồi tưởng, suy niệm về quá khứ, về tuổi học trò tinh khôi trong trắng, vô ưu vô lo. Nhà thơ Nguyễn An Bình, thi sĩ kỳ cựu của đất phương Nam đắm đuối với trang viết, đặc biệt là mảng thơ về tuổi học trò và đã cho ra đời nhiều thi phẩm được đông đảo độc giả yêu thơ đón nhận: Còn một chút mưa bay (2013), Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ (2016) và mới đây là tập sách Hạ đỏ lên trời (NXB Hội nhà văn 2018). Khung trời hoa mộng với sân trường, bảng đen, phấn trắng, hoa phượng, sợi tóc, cơn mưa, tà áo, tiếng ve, nắng vàng, mây trắng… ẩn hiện chập chờn qua từng dòng thơ êm ả, dịu ngọt chảy tràn trong tim người đọc, qua từng khung ảnh nhạt nhòa thời gian. Có nhiều thơ xuất bản từ trước năm 1975, sau một thời gian vắng bóng, nhà thơ Nguyễn An Bình trở lại độc giả với tập thơ Còn một chút mưa bay và từ đó đến nay ông miệt mài sáng tác, toàn tâm toàn ý với thi ca, với con chữ. Thơ ông nhịp điệu, nhẹ nhàng, lãng mạn và tràn tiếng nhạc, tựa như những mầm cây đang thổn thức, cựa quậy bên trong tâm hồn, mặc kệ sương gió thời gian phủ kín mái đầu thi sĩ. Lật mở tập thơ, có thể bắt gặp hành trình thi ca của ông dài như đường phượng bay, thổi qua từng trang ký ức: Rồi cũng chia tay đường phượng bay/ Làm sao đếm hết lá trên vai/ Một trời mưa nhỏ rơi trong mắt/ Ai nhặt giùm tôi trên ngón tay? (…) Sợi tóc nào vương mùa hạ cũ/ Có người về nhớ chuyện trăm năm/ Một mai trang sách vàng nhung nhớ/ Mới thấy đêm khuya lạnh chỗ nằm (Xa rồi đường phượng bay). Phải có một trái tim nhạy cảm, sâu sắc, khắc khoải mới có thể viết nên những vần thơ đằm thắm, tình cảm như thế, và phải có một tấm lòng dành trọn cho mái trường xưa cũ mới có những vần thơ tiếc nuối, u hoài như thế:
Ngôi trường cũ tôi không về kịp nữa/ Nhớ mái vòm rêu phủ bóng thời gian/ Bầy sẻ nâu thôi không còn ríu rít/ Trường trăm năm trơ gạch ngói hoang tàn
Tàn lim xanh đâu còn nghe chim hót/ Rải hoa vàng cho sắc nhớ thêm tươi/ Trái phượng già cuối mùa chưa kịp rụng/ Em có về thương nhớ tiếng ve rơi
Từng viên gạch vẫn đỏ tươi màu đất/ Dẫu trăm năm luôn giữ mãi tình hồng/ Bao vôi vữa đâu chôn vùi ký ức/ Trong dòng đời chìm nổi bến đục trong (Trường cũ)
Bìa tập thơ Hạ đỏ lên trời (ảnh Phan Nam)
Ngoài thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, ngũ ngôn có lẽ là thể thơ được ông yêu thích, tính cô đọng, hàm súc và mềm mại chảy vào bài thơ rất tự nhiên, mộc mạc: Phượng hồng còn thắp lửa/ Đỏ một trời tương tư/ Tiếng ve rền khung cửa/ Gõ từng nhịp thiên thu (Về đâu những mùa hạ xưa); Em có nghe cỏ hát/ Bốn mùa nở đầy hoa/ Tim treo lời mật ngọt/ Đỏ tươi màu phù sa (Có một thời yêu nhau). Cởi bỏ chiếc áo học trò để bước vào đường đời đầy giông bão, quăng quật khiến cảm xúc chai sần, tàn lụi, thế nhưng có một người thầy giáo cũ vẫn ngày đêm nâng niu xúc cảm, nâng niu khát vọng chạm đến mọi ngóc ngách tươi đẹp của tuổi học trò thơ mộng, bình yên. Khi đọc từng con chữ được viết ra từ tâm huyết của nhà thơ, cảm xúc tự đâu ùa về, giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên mi ngỡ như vừa mới hôn qua, dòng mực tím vẹn nguyên trên tà áo: Thuở ấu thơ còn thơm mùi sữa/ Xé giấy học trò viết vu vơ/ Bao lần quên mất lời thầy giảng/ Ngoài sân say tiếng chim líu lo (…) Dăm thằng bạn học khoái văn chương/ Mài đũng quần mơ thi văn đàn/ Khoe bài Tuổi Ngọc, Văn, Văn học/ Sóng Thần, Điện Tín, Đuốc Nhà Nam… (Thuở ban đầu ấy).
Phan Nam & nhà thơ Nguyễn An Bình tại cafe Phố Xưa, Đà Nẵng, ngày 19.11.2017.
Trở về mái trường xưa, hoa phượng giăng kín ký ức, chảy trong huyết quản, thắp sáng tâm khảm: Chờ em ướt lạnh chỗ nằm/ Tóc rơi lời hẹn xa xăm không đành/ Bao mùa mắt lá còn xanh/ Trôi theo nỗi nhớ lên nhành phượng xưa (Phượng yêu). Bàng bạc trong thơ Nguyễn An Bình là dòng thời gian đong đầy nhịp thở, bóng hình người xưa khao khát yêu thương, nỗi nhớ đông đặc khuấy động từng trang ký ức, khúc hát xa xăm vang vọng trôi qua cõi người. Tất cả chỉ còn rung lên từng hồi giữa thinh không nhiệm màu, muốn quên đi tất cả nhưng càng quên lại càng nhớ, càng xóa nhòa lại càng hiện rõ, thực khiến người ta phải động lòng. Lòng cố níu ước gì mưa không dứt/ Sao mưa cứ đùa rắc nhẹ xuống từng cơn/ Tay muốn giữ nhưng dòng đời vẫn chảy/ Con nước vô tình thả vạt tóc buông (Mưa tháng sáu), khép lại tập thơ trong dòng chảy miên man, vô tận...
PHAN NAM
(Nhân đọc Hạ đỏ lên trời, Nguyễn An Bình, NXB Hội nhà văn 2018)


Xem tiếp…

Chơi thơ, thú vui độc đáo... - Ngô Minh

6:26 PM |

Bé Bê Lim (Hoàng Dạ Thi), con gái út của hai thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, làm thơ từ lúc chưa biết chữ. Sau mấy chùm thơ của em được in trên báo, các nhà báo, nhà thơ liên tục đến nhà hỏi chuyện để viết bài khen. Em sợ quá, làu bàu với mẹ: "Con làm thơ để chơi, có chi mà cứ phỏng vấn!". Đúng là có thứ thơ để chơi thật. Các nhà thơ Việt Nam sau này đa số nghiêm túc, làm thơ để giáo dục, nên ít chơi thơ. Nhưng cũng có không ít người chơi thơ rất thâm hậu.
Chơi thơ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đến nay. "Chơi thơ (trong sáng tác) là trò chơi trí tuệ và là thú vui tao nhã lúc trà dư tửu hậu. Muốn chơi thơ, người chơi phải rành luật thơ, lại phải thâm thúy, nhạy cảm mới ứng đối được. Chơi chữ, chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất. Chơi thơ là chơi chữ với lối hồi văn liên hoàn, họa vần, họa chữ, nói lái, độc vận, điệp từ, hay chơi cấu trúc thơ. Sách "Chơi chữ Hán Nôm" (NXB Thuận Hóa, 2002) của Hải Trung giới thiệu hàng chục cách chơi cấu trúc thơ của Trung Quốc, Việt Nam xưa như dạng "thuận nghịch độc", hay "Thuận Hán, nghịch Nôm", cấu trúc vòng tròn, xoắn ốc, hình Hà Đồ, thơ hình núi...
Ví dụ bài thơ "Vũ Trung Sơn Thủy" của vua Thiệu Trị chỉ 56 chữ Hán, mà có thể đọc đến 64 bài thất ngôn bát cú, 64 bài thất ngôn tứ tuyệt.  Nhưng chơi thơ như vua Thiệu Trị là cực khó, phải thâm thúy chữ Hán và rất sành thơ mới làm được. Đa số các cụ đồ hay chữ thường chơi thơ thuận nghịch độc. Hàn Mặc Tử từ nhỏ đã có bài thơ  "Cửa sổ đêm khuya", có thể đọc ngược xuôi theo 6 cách: Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương/ Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương/ Tha thiết liễu in hồ gợn sóng/ Hững hờ mai thoảng gió đưa hương/ Xa người nhớ cảnh tình lai láng/ Vắng bạn thơ ngâm rượu bẽ bàng/ Qua lại yến ngàn dâu ủ lá/ Hòa đàn sẵn có dế bên tường. Đọc ngược:Tường bên dế có sẵn đàn hòa/ Lá ủ dâu ngàn yến lại qua... Bỏ hai chữ đầu mỗi câu sẽ có bài thơ ngũ ngôn, rồi lại đọc xuôi, đọc ngược (Nguyệt rọi cửa lòng gương/ Buồn thêm nỗi vấn vương...). Rồi bỏ hai chữ cuối mỗi câu lại có bài thơ mới, đọc xuôi đọc ngược...
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ảnh: tư liệu internet)
Có lần nhà văn Trần Dần kể với tôi về người bạn thơ ở Hà Nội,  ông gọi là "thi sĩ Chúc Bờ sông" vì ông ấy ở bên bờ Sông Hồng. Thi sĩ Chúc có nhiều bài thơ cực ngắn, viết xong rồi cất vào hòm, bạn bè tới vui chén rượu thì lấy ra "ngắm". Ví dụ có bài có cái nhan đề là "Vợ chồng". Còn cả bài thơ chỉ có một chữ: Xong! Trần Dần bình: "Vợ chồng - Cái mớ bòng bong ấy gọi là xong!". Nhưng Phùng Quán lại chê là lời bình quá dài dòng! Đó là một cách chơi thơ rất tài tử. Thơ Bút Tre cũng là một thứ thơ chơi  thâm hậu. Với cách ngắt vần lục bát trái khoáy, nhà thơ đã biến mọi thứ nghiêm túc thành trò cười: Con ruồi là giống hiểm nguy/ Một chân của nó rất vi trùng nhiều... Nhưng ông đã làm nên một trường phái thơ mới nổi tiếng ở Việt Nam: Trường Phái Bút Tre! Thơ Bút Tre Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về  là cách chơi vắt dòng lục bát tài hoa, tạo ra nhịp điệu mới trong lục bát Việt Nam. Sau này trường phái Bút Tre trẻ  phát triển liên tục:  Núi Voi trông thật giống con voi/ Có cả đầu đuôi có cả vòi / Núi cũng như người hăng sản xuất/ Đầu thì trồng sắn đít trồng khoai...
Đa số thơ chơi là thơ xướng họa. Nhà thơ Lý Hoài Xuân kể, hồi chung tỉnh Bình Trị Thiên, một hôm trong một cuộc họp có cả vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ cùng dự, nhà thơ Văn Lợi liền  ứng tác viết vào mảnh giấy bài thơ bốn câu, rồi chuyền cho Mỹ Dạ: Lâm vào cảnh sắc ngàn xưa/ Thị vàng rơi xuống ngẩn ngơ lòng người/ Mỹ nhân sắc nước hương trời/ Dạ nào chẳng muốn trao lời tri âm. Bốn câu thơ những chữ đầu mỗi câu kết thành tên Lâm Thị Mỹ Dạ. Mỹ Dạ chưa kịp đọc xong, Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi cạnh, liếc đọc rồi làm ngay bài thơ họa chuyển cho Văn Lợi, cũng bốn chữ đầu thành tên Lâm Thị Mỹ Dạ: Lâm ly kẻ mặt chau mày/ Thị thành son phấn làm bay hương đồng/ Mỹ miều má thắm môi hồng/ Dạ còn trong sáng như dòng sông quê. Văn Lợi liền ứng tác tiếp bài thơ khác. Lần này bốn chữ đầu  bốn câu thành tên Hoàng Phủ Ngọc Tường: Hoàng hôn về lối xóm/ Phủ bóng người gái quê/ Ngọc ngà nơi thôn dã/ Tường tận càng đam mê. Hoàng Phủ đọc xong, nhẹ nhàng đưa cho Lâm Thị Mỹ Dạ.  Mỹ Dạ đỏ mặt, rồi ứng tác ngay bài họa:
Hoàng cung xưa vẫn còn đây
Phủ rêu năm tháng xanh dày thời gian
Ngọc kia lũ đã cuốn tràn
Tường giăng kín mít bóng hoàng hôn buông.
Chơi thơ là sinh hoạt lý thú của làng thơ, làm cho người nghe sảng khoái và yêu thêm sự bí ẩn và kỳ diệu của thơ!
NGÔ MINH
Nguồn: báo công TP Đà Nẵng

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí sông Hương số 355, tháng 9.2018

5:01 PM |

Mục lục sông Hương số 355, tháng 9.2018

VĂN
- “TUẦN LỄ VÀNG 1945” (Trích đoạn tuồng lịch sử) - Nguyễn Phước Hải Trung
- CƠN DÔNG - Đinh Ngọc Tâm
+ Minh họa: Đỗ Kỳ Huy
- CÓ MỘT NƠI SẼ LÀ NHÀ - Nguyễn Thị Duyên Sanh
+ Minh họa: Nguyễn Duy Linh
- MÔI FREUD - Lê Vũ Trường Giang
+ Minh họa: Nhím

THƠ:
- TRẦN VĂN THIÊN
+ Chữ
+ Chị
- NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
+ Bầu trời Facebook
+ Hồng xiêm chín
- VŨ DY
+ Thơ nháp dưới chân tường rêu mốc
- KHALY CHÀM
+ Từng đêm tôi với bóng tôi
- ĐẶNG VĂN SỬ
+ Thủy tức ùa
- PHAN NAM
+ Cha
- ĐINH PHƯƠNG
+ Rơi
+ Chúng mình
- TRẦN VĂN LỢI
+ Trở lại với dòng sông
- HỒNG CHINH
+ Tháng bảy
- LÂM BẰNG
+ Đức tin
- NP PHAN
+ Dõi theo
- NGUYỄN VĂN CHƯƠNG
+ Vẽ đêm
- TRẦN HUY MINH PHƯƠNG
+ Côn Đảo
+ Về phía dòng sông
- ĐỖ THỊ NHẠN
+ Mảng đời sương khói
- NGUYỄN THANH HẢI (giới thiệu)
+ Những bông mưa đã rụng xuống mình
+ Là trở về thăm một chuyến sắp đi xa
+ Mới đó đã ngày xưa
Sông Hương (ảnh Phan Nam)
NHẠC: 2 BÀI
- Ngoảnh lại - Thơ: NP PHAN & Nhạc: TRẦN ANH PHƯƠNG
- Đoản khúc thu - Nhạc và lời: HỒ HOÀNG VINH
NGHIÊN CỨU VÀ BÌNH LUẬN
- H’MÔNG - THUYẾT LUÂN HỒI TỘC NGƯỜI - Nguyễn Mạnh Tiến
- NAM BỘ ĐẦU THẾ KỶ 20 QUA TIỂU THUYẾT NGƯỜI TÌNH CỦA MARGUERITE DURAS - Nguyễn Thị Tuyết
CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI
- Sách cát - JORGE LUIS BORGES - Võ Hoàng Minh dịch
HUẾ - DÒNG CHẢY VĂN HÓA
- MỘT SỐ BIẾN ĐỔI CỦA CA HUẾ TRONG THẾ KỶ XX QUA CÂU CHUYỆN VỀ BÀI TƯƠNG TƯ KHÚC - Phan Thuận Thảo
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM:
- KHI VĂN CHƯƠNG “BẢO TRÌ Ý THỨC LÀM NGƯỜI” - Sơn Ca
- VỀ CÁC CHIỀU CẠNH CỦA PHÊ BÌNH - Đỗ Lai Thúy
- DI CHỮ TỪ VỰC THẲM - Nguyễn Thanh Tâm
Bìa 1: Tác phẩm “Em mơ gặp Bác Hồ” (Sơn mài, 80cm x 120 cm) của họa sĩ LÊ PHAN QUỐC
Bìa 2: Hiện đại, hậu hiện đại… rồi sao nữa? - VŨ LÂM
Bìa 3 (Những khoảnh khắc đẹp): Tác phẩm “Nơi ấy bình yên” của NSNA NGÔ THANH MINH

Xem tiếp…

Nhịp đời thân thương... - bài viết của Phan Nam.

10:05 AM |
ảnh internet. 

Đêm ngày 14.9, tại quán café ROYAL (số 9, Lê Duẩn, Đà Nẵng) diễn ra buổi ra mắt tập thơ Nhịp đời thân thương (NXB Văn học 2018) của tác giả Nguyễn Thị Kim Anh, hiện tác giả đang sinh sống tại Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Tác giả Kim Anh bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, thế nhưng chị đã vượt lên số phận bằng chính nghị lực đáng quý, chị đã vịn câu thơ đứng dậy để viết tiếp ước mơ của mình với hai tập thơ Nhật ký thời gian (NXB Văn học) và bây giờ là tập Nhịp đời thân thương. Tập thơ được trình bày khá đẹp và trang nhã, gồm 69 bài thơ trong hơn 100 trang in. Đọc thơ Kim Anh để cảm nhận tiếng lòng của người con gái luôn hướng về cái đẹp, niềm tin và khát vọng: Đẹp gì cố gắng sẽ nên/ Tựa như hoa nhỏ mang tên xương rồng (Yêu đời). Phần không thể thiếu trong thơ chị là nỗi niềm đồng cảm với những số phận giống như mình, những con chữ như rút ruột ra để viết, khiến người đọc cảm thông và đồng cảm: đó là những phận người bán vé số lang thang trên hè phố, những đứa trẻ phải xa nhau khi bố mẹ ly hôn, những bà mẹ mong ngóng đứa con làm ăn ở phương xa chưa về, những đứa trẻ mồ côi “sống tạm trú dưới khung trời bất hạnh”, những người cùng chung hoàn cảnh khuyết tật như tác giả nhưng luôn đong đầy nghị lực sống, hòa nhập và cống hiến hết mình cho xã hội.
Bìa tập thơ (ảnh Phan Nam)
Tác giả Diễm Phượng, trong lời tựa mở đầu tập thơ Nhịp đời thân thương nhận xét: “Kim Anh làm thơ không phải để thi thố tài năng mà là để thể hiện những cảm xúc, những yêu thương em gom nhặt được từ cuộc sống. Thơ bình dị, mộc mạc, cách viết, cách cảm mang dáng dấp của những câu chuyện kể gần gũi thân thương, giọng thơ hiền hòa như lời tâm sự, nhắn gửi…”. Cảm xúc bất chợt với cảnh đẹp quê hương, khoảnh khắc giao mùa đong đầy nỗi niềm ẩn hiện trong tâm thức của biết bao thi nhân tự bao đời nay, một lần nữa được thắp sáng trong thơ Kim Anh, nhẹ nhàng, tình tứ nhưng cũng tràn đầy thi vị: Tháng Hai đến mặt trời lên chiếu rọi/ Nắng ửng hồng từng ánh chói xa xôi (Tháng Hai đến), Vệt nắng bên thềm chói chang/ Đồng quê lúa chín ngả xanh vàng/ Kìm sim trổ nụ xuân vừa khép/ Đấy phượng bung chồi hạ đã sang (Giao mùa), Lòng cảm động nên chưa tả hết/ Bởi tình quê thống thiết vậy mà/ Việt Nam tổ quốc bao la/ Dòng đời lắng đọng đậm đà chẳng quên (Hè quê), Vào Sa Huỳnh cũng lắm cảnh thiên nhiên/ Đức Phổ đó bạn hiền mê chụp ảnh/ Bãi cát lại pha màu vàng óng ánh/ Cùng cánh đồng sát cạnh muối trắng tinh (Du lịch quê em). 

Bên cạnh đó là những vần thơ mộc mạc, chân chất xuất phát từ chính tâm sự, nỗi lòng trong sâu thẳm trái tim nhân hậu, vị tha của tác giả hướng về đấng sinh thành: “Con biết mẹ, con biết cha/ Hằng ngày vất vả nhưng mà chẳng than/ Sáng xuống ruộng, chiều lên ngàn/ Làm bao là việc gian nan cả đời” (Cha mẹ), lời tự vấn của tác giả rung động lòng người: “Mẹ mang một nắng hai sương/ Đem ra chợ đổi làm đường con đi” (Mẹ em). Phần cuối tập thơ là mảng tình buồn dung dị nhưng cũng rất đáng yêu: Ước gì anh đến chiều nay/ Hoa đỏ trao tay em tặng/ Để em có dịp tỏ bày/ Trao gửi trái tim trong nắng (Ước gì). Thơ là cầu nối yêu thương của tất cả mọi người, với tác giả Kim Anh chiếu cầu ấy chính là động lực, là nguồn sống của chị: Mang số phận ngậm ngùi cay đắng/ Thôi thì mình cố gắng vượt qua/ Yêu thơ kết bạn một nhà/ Nối vòng tay lớn cho ta bớt sầu (Số phận).

Đà Nẵng, 20.9.2018
PHAN NAM.


Xem tiếp…

Giới thiệu tuần báo văn nghệ TP HCM số 515 ra ngày 13.9.2018

10:00 AM |

Tuần Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
thuộc LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TP.HỒ CHÍ MINH
Số 515, ra ngày thứ năm, 13.9.2018.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:
. Tầm nhìn văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh / Hoàng Xuân Huy.
Từ trang tư liệu cũ – Trao đổi – Nghiên cứu – Lý luận phê bình:
- “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”:
. Phát biểu của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.
. Ông James G.Zumwalt xuyên tạc bịa đặt về chuyện Gạc Ma trên báo Mỹ (phần 1: Xuyên tạc bịa đặt về sự “im lặng”) / Lê Hương Lan & tập thể nhóm Google.Tienlang
. Bước lùi thế kỷ về Nam Phong - Phạm Quỳnh / Lê Vĩnh Trường.
Bút ký ghi chép, hồi ức, chân dung:
. Tình và đời / Trần Tử Văn.
Truyện ngắn:
. Quá khứ cha về / Đào Sỹ Quang.
. Mẹ kế / Trần Thị Lành.
. Cát bụi / Bùi Đế Yên.
Tạp bút:
. Nụ cười Việt Nam / Vũ Hạnh.
. Tỷ phú không tiền; Trăng xưa / Từ Kế Tường.
. Thư cảm ơn / Bùi Ngọc Quế.
Thơ:
. Ước gì / Bình Địa Mộc.
. Khúc tri âm / Trịnh Bửu Hoài.
. Tôi tìm / Trần Biên Thùy.
. Về quê / Ngưng Thu.
. Giếng quê / Phạm Ánh.
. Nhắn với con yêu trong bụng mẹ / Trần Đức Tín.
. Mộ gió / Phan Nam.
. Cách hai đầu biên giới / Hà Ngọc Hoàng.
. Rằm tháng bảy / Doãn Thị Như.
. Gửi bạn kiến trúc sư / Lê Anh Phong.
. Kí ức bùn non / Nguyễn Thị Minh Thùy.
. Bầu trời xanh giữa thành phố rộn ràng / Khuê Việt Trường. 

Góc nhỏ Sài Gòn:
. Rong chơi với chợ đêm Sài Gòn / Trần Thanh Tâm.
Văn học nước ngoài:
. Truyện ngắn: Chuyện kể của người tài xế taxi ; Câu chuyện trong nhà ga / Robert Turne (Mỹ), Hải Yến (dịch).
Báo chí:
Điểm tin, bài văn hóa văn nghệ:
. Tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ hội kỷ niệm 150 năm ngày hi sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 – 2018) / Dương Đông, Hồ Kiên.
. 300 gian hàng tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 14 – năm 2018 / Nguyễn Dương, Lã Quốc.
. Khởi động cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ IV năm 2018 / Tuấn Anh, Thu Hà.
. Giao lưu ra mắt sách “Ngày tôi còn bé” / Phương Thảo, Quỳnh My.
. Phát động Giải Ảnh báo chí Khoảnh khắc vàng lần thứ 5 – 2018 / Ngọc Chi, Trần Hoàng.
. Vinh danh Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM - Việt Nam / Cao Nguyễn, Thu Vân.
. Mời tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật đen trắng năm 2018 / Thanh Vân, Khánh Nga.
Sách trên kệ sách:
. Đọc “Nhật ký chiến trường” của nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý / Lê Văn, My Quỳnh.
Kính văn nghệ:
. Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh / Tú Xã.
Thầy thuốc văn nghệ:
. Đau đầu gối / Bác sĩ Đào Ty Tách.
---------------------------------------------------------------
Trân trọng kính mời quý cộng tác viên tiếp tục gửi bài cộng tác, quý độc giả đón đọc và cổ động Tuần Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
Blog Phan Nam.


Xem tiếp…

Báo Người Hà Nội giới thiệu thơ Phan Nam

5:24 PM |

PHAN NAM sinh năm 1995, hiện sống tại Đà Nẵng. Đã có thơ, tản văn, truyện ngắn đăng trên một số báo, tạp chí, website văn học nghệ thuật. Được trao tặng thưởng tác phẩm hay tạp chí Non nước 2017.

Nỗi buồn mùa thu

không thể định hình nổi mùa thu
bên kia triền núi gầy guộc
ở nới ấy ba tôi lưng trần chân cộc
vốc một nấm đất, gieo từng mần non

cơn mưa trôi qua màu xanh héo hon
tôi bơi theo nỗi nhớ gãy vụn
ký ức ngày thơ bé lần lượt rơi xuống
không còn chỗ cho thi ca

quê mình mùa này ánh nắng nhạt nhòa
chập chờn sóng FM báo tin biển động
đám mây vắt ngang lán trại
gọi tên đỉnh núi từng làn mây trắng bay

khoảng trống đo đong giấc ngủ
con suối xuôi dòng
lắng nghe tình yêu lắng đọng
qua bao nhiêu thác ghềnh?



Đôi dòng...

Lấy khô khát mà xanh
Lấy lạnh lẽo mà đong đầy hạnh phúc
Lấy tĩnh lặng mà xôn xao ngày mới
Lấy vần thơ phác họa nỗi buồn
Những khoảng trống cứ thế tuôn rơi

Đã đi qua bao ngày nắng
Đã đi qua bao ngày mưa
Bên kia đại dương những vì sao vụt tắt
Yêu thương biết mấy cho vừa

Thành phố nghiêng theo mây trắng
Cửa biển mắt nhắm mắt mở
Có ai vừa cất lên tiếng ca chờ đợi
Ngày mai là một ngày đẹp trời...

Phố dài

Lục bình từ đâu tới
Mà sông mải miết trôi
Hai bên sông là phố
Hai bên đường sưa bay
.
Mùa vàng đã chín rụng
Hoa như mưa rơi rơi (*)
Giăng ngập trong đáy mắt
Cầm chổi quét thềm ngày
.
Trời gom từng lọn mây
Nước gom từng làn sóng
Nắm tay anh tay em
Cửa Hàn hôn nhè nhẹ
.
Nàng Tiên Sa ở đâu
Đi mãi không hết phố
Những hòn cuội lặn sâu
Cánh cửa, ai, đang mở...
(*) thơ Thanh Tùng

PHAN NAM.


Xem tiếp…