Nhà thơ Nam Trân, một tài năng còn ít người biết đến

10:32 PM |
Nhờ cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân (in lần đầu năm 1942) mà nhiều người mới biết được Nam Trân (15/2/1907 - 21/12/1967), với tập thơ Huế, đẹp và thơ (1939). Gần đây, Đặng Thị Hảo và Nguyễn Hữu Sơn phát hành cuốn Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, tập hợp các bài viết công phu, nhiều thông tin, cuốn sách trở thành một tư liệu quý về một con người tài năng và tài hoa, nhưng còn ít người biết đến.

Sinh thời, Nam Trân còn chủ trì dịch Nhật ký trong tù, Thơ Đường, Thơ Tống, Người Xô Viết chúng tôi, Thơ và từ Mao Trạch Đông, Thơ văn Lý Trần… Ông cũng đặt dấu ấn trong việc giảng dạy Kinh thi và Đường thi.

Sau khi đọc lại cuốn sách Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả (NXB Tri thức), nhưng không điểm sách, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ một góc nhìn về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Trân. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết này đến bạn đọc.
1. Những năm cuối 1960, khi đọc Thi nhân Việt Nam, tôi còn nhớ cảm giác kỳ cục của mình lúc ấy: vừa sung sướng (vì ông là người Quảng Nam, lấy bút danh Nam Trân, trùng với cách gọi trái bòn bon quê tôi), vừa hơi buồn vì nghĩ ông chỉ làm thơ cho Huế mà thôi. Nhưng rồi lại vui khi thấy những bài thơ trích trong tập Huế, đẹp và thơ lại mang đậm cái nhìn và cái chất giọng của người xứ Quảng, chẳng mượt mà, ẻo lả, chúng có những nét gọn, dứt khoát, thuần phác.
Nhà thơ Nam Trân
Thơ về Huế thì nhiều và không ít bài hay, nhưng kiểu viết của Nam Trân thì không có mấy người, nên Hoài Thanh đã cho rằng ông làm “lối thơ tả chân biệt thành một lối”.
Được ra Huế chơi từ nhỏ, tôi lang thang dọc khu Kim Long và thơ thẩn với sông Hương, trầm tư với chùa Linh Mụ, mơ mộng với Dòng Thiên An, như vậy mà sao tôi vẫn bị ám ảnh bởi những câu thơ năm chữ trần trụi của ông: “Lửa hạ bừng bừng cháy/ Làn ma trốt trốt bay/ Tiếng ve rè rè mãi/ Đánh đổ giấc ngủ ngày/ Đường sá ít người đi/ Bụi cây lắm kẻ núp/ Xơ xác quán nước chè/ Ra vào người tấp” - trong bài Huế, ngày Hè. Có lẽ trong thơ ca, tìm được một cách nhìn khác và một giọng lạ là đủ đóng đinh vào ký ức người đọc rồi.
Bẵng đi gần nửa thế kỷ, giờ cầm trên tay cuốn Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, tôi thấy có cơ hội biết được đầy đủ hơn một khuôn mặt làm văn chương mà mình từng ái mộ. Đôi khi, cái ý nghĩ về việc mình nhớ mồn một những nhà văn nào đó ở trời Tây mà lại xa lạ với những nhà văn ở xứ mình làm tôi bất an thật sự. Vì thế tôi cảm động khi biết một Nam Trân lặng lẽ đi đúng vòng đời có 60 năm, trải qua nhiều vị trí và không gian khác nhau, để lại những dấu ấn đáng kể trong ký ức của giới chuyên môn.
Rời quê nhà (Đại Lộc, Quảng Nam) từ sớm, Nam Trân học ở Huế (trường Quốc học) và ở Hà Nội (trường Bảo hộ), sau khi đỗ tú tài, ông làm việc ở Huế, lên đến chức Thị lang Bộ Lại. Từ 1945 đến 1954 ông tham gia kháng chiến ở Quảng Nam, sau đó tập kết ra Bắc, trải qua nhiều công việc. Ông từng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1, từ năm 1959 về làm quản lý phòng tư liệu của Viện Văn học.
Trong 8 năm cuối đời, Nam Trân đã tập trung dịch thuật và tham gia biên soạn, cũng như giảng dạy các khóa ngắn hạn, theo yêu cầu của Viện Văn học.
Chú thích ảnh
2. Nam Trân có Huế, đẹp và thơ, gồm 37 bài, tập hợp từ những bài thơ đăng rải rác trên các báo cả nước. Ngay sau đó, 7 bài thơ của ông được chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam, được khen là độc đáo. Có thể xem đó là cú vượt vũ môn lần thứ nhất của Nam Trân, là một lần cho tất cả, để ông được ghi nhận là nhà thơ Việt Nam.
Qua chuyện này, ta thấy cần có đôi mắt xanh và một công trình để đời của nhà phê bình biết chừng nào! Dù vậy, người làm nghiên cứu và giảng dạy về thơ Việt Nam hôm nay hình như vẫn còn nợ Nam Trân trong việc đưa ông vào một phối cảnh nghiên cứu kỹ và đầy đủ hơn giữa những nhà thơ cùng thời.
32 bài viết mang tính chất tưởng niệm, nghiên cứu, hồi ức ở công trình Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả cho thấy được một Nam Trân nổi bật vì thơ và một Nam Trân được cảm phục, yêu mến vì kiến thức vững vàng, phong cách tận tụy, cẩn trọng, thể hiện trong từng văn bản.
Người viết tự hỏi: theo như tiểu sử, Nam Trân chỉ học có 12 năm chữ Hán rồi học tú tài Pháp, vậy mà làm sao ông có một nền tảng chữ Hán và chữ Pháp đáng nể trọng đến như vậy? Dẫu biết thế hệ của Nam Trân, truyền thống đọc và tự học là phổ biến, nhưng còn công việc ở triều đình Huế và hoạt động kháng chiến, thời gian đâu? Cho nên, đôi khi chúng ta ra sức phê phán các thiết chế cũ, cũng vô tình phủ định không ít các giá trị mà tiền nhân đã tạo nên bằng tâm huyết và kinh nghiệm của cả cộng đồng.
Và thực tế cũng cho thấy, phần nhiều các khuôn mặt lớn của trí thức Việt Nam thế kỷ 20 đều là những người đã trải qua nhà trường Nho học và Tây học. Nam Trân, trong cuộc đời không dài của mình, đã để lại một hình ảnh đẹp trong lòng đồng nghiệp, phải chăng bởi vì ông có chung một cốt cách của những người trí thức thuở ấy?
Nguyễn Thị Thanh Xuân.

Xem tiếp…

Câu thơ neo đậu phía thượng nguồn... - Phan Nam

11:31 PM |

Xưa tôi sống trong làng
  Giờ làng sống trong tôi
               (Nguyễn Ngọc Hạnh)      
 Giấc mơ thi ca, liệu còn hiện hữu giữa đời sống này. Nhiều người làm thơ đã đi tìm, nhiều người yêu thơ đang giải mã, nhiều tác phẩm liên tục xuất bản. Trong núi thơ tưởng chừng đã dư giả đó, tôi rất may mắn được biết ông, một nhà thơ hằng ngày vẫn miệt mài trên trang viết, chưng cất nên cuộc đời dài đằng đẵng trong từng giọt thơ được chăm chút, vuốt ve, cẩn trọng...

Không cẩn trọng sao được khi ông đang cõng hai trang thơ “nặng ký” trên báo Đà Nẵng và báo Công an Đà Nẵng cuối tuần với niềm đam mê cháy bỏng với thơ. Và giấc mơ thi ca của tôi, một người trẻ “măng” được thành hình cũng từ ngày ấy, ngày đầu tiên được ông phát hiện khi tôi còn ngồi trong giảng đường đại học, chưa hề quen biết. Theo cảm quan của tôi, ông là một người thích giao lưu, đọc nhiều và rất quan tâm đến lớp trẻ làm thơ chúng tôi. Tôi không thể hình dung được trong vô số khoảng thời gian bị guồng quay của phố xá chiếm dụng, thời gian nào ông dành cho những cuộc gặp gỡ bạn bè văn nghệ trong cả nước, thời gian nào ông dành cho làng quê, thời gian nào ông dành cho thi ca, thời gian nào ông dành cho những bóng dáng tình yêu đã “hóa thân” vào trong thơ của ông? Nhà thơ Trần Dzạ Lữ gọi ông là “người đắm đuối cùng thơ”, còn tôi, khi tìm đọc lại những bài thơ trong tập thơ tình thì những câu thơ cứ nối tiếp nhau ám ảnh trong tâm trí: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn” (Làng). 
Phan Nam và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ở Đà Nẵng, 2018.
Tôi cũng được sinh ra ở làng quê đầu nguồn Vu Gia-Thu Bồn không xa, nơi ngõ nguồn con sông Tiên chảy ngược, nơi bóng dáng quê nhà cứ ăn sâu vào tâm khảm, vỗ về tuổi thơ khốn khó, ăm ắp kỷ niệm. Và có lẽ, không chỉ tôi mà có rất nhiều độc giả, không chỉ ở nông thôn mà cả thị dân đều thuộc nằm lòng bài thơ Làng của ông, khi tác phẩm này được nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh phổ nhạc, ca sỹ Quang Hào biểu diễn rất thành công trên sóng truyền hình. Nhiều bài thơ khác của ông cũng được các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trọng Đài, Đình Thậm, Nguyễn Duy Khoái, Võ Hoài Phúc, Trọng Lưu... phổ nhạc thành công, trong đó tôi rất thích bài hát “Qua đò nhớ mẹ” mà nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến ở tận Hoa Kỳ phổ thành ca khúc, và được nhiều người biết đến. Thơ của ông được rất nhiều nghệ sỹ thể hiện, chạm vào cõi lòng người mộ điệu, hài hòa giữa thơ và nhạc, giữa truyền thống và hiện đại, giữa chộn rộn và lắng sâu mang đậm hồn quê khắc khoải, nồng nàn: “Không gọi đò, con gọi mẹ ơi/ Sông thì hẹp/ mà vô bờ đến vậy/ Con đi qua hết một thời trai trẻ/ Từ chiếc đò lòng mẹ/ Qua sông” (Qua đò nhớ mẹ). Và, đến bây giờ, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn còn đang mơ, “giấc mơ” được neo đậu phía đầu nguồn dòng sông quê ấy, bởi vì không ở đâu bằng nơi con sông tắm mát tuổi thơ mình, sưởi ấm nỗi lòng người con xa xứ:
Xin cũng đừng bội ước với dòng sông
Nơi ấy vẫn là nơi em đến
Vẫn là suối nguồn chảy ra biển lớn
Là bến sông xưa em neo đậu mưa chiều
                                             (Giấc mơ)
Những nỗi niềm xúc động tái hiện trong từng con chữ mộc mạc, chân phương, lắng đọng phù sa vỗ về nơi con tim người đọc, để rồi những trái tim đồng điệu tìm đến với nhau soi rọi trong ánh mặt trời. Gần hết một đời làm thơ nhưng ông vẫn không khỏi lo lắng, mơ hồ khi nhìn về dòng sông chuyên chở tình thơ, nuôi dưỡng xác thân, tâm hồn. Tâm trạng của ông cũng chính là nỗi niềm của biết bao nhiêu người, khi xa quê, vẫn sợ một ngày đó lạc lõng trên bước đường về, khi vuông đất chôn nhau cắt rốn ngậm ngùi tiếc nhớ. Đôi khi, lắng lòng lại, chính nhà thơ cũng không thể hiểu nổi chính mình, đành mượn thơ để bày tỏ nỗi lòng: một mình/ đứng tựa bơ vơ/ sông xưa/ đã lấp đôi bờ cỏ khô/ sông giờ cạn hẹp thành ao/ người về/ đâu biết ngõ nào là quê (Lạc). Mấy dòng lục bát ngắn gọn mà đúc kết cả một chặng đường dài, ẩn hiện qua mỗi hạt bụi vương vương khóe mắt, rồi dòng nước mát lành của sông quê rửa trôi giữa ngã ba đường, chan chứa giọt mắt của vị tha và bao dung. Bỗng dưng chợt nhớ lại dòng thơ của nữ sĩ BPranta (Panama): “Chúng ta sống vội vàng, như thể ngày mai/ Đã là ngày tận thế/ Lẽ ra/ Nó vẫn là nguyên vẹn/ Y như ngày đầu tiên” (Bài thơ “Ngày”, Bằng Việt dịch, nguồn Văn Mới 6/2015, NXB Văn học 2015). Cũng cách phô diễn dung dị như thế, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trao gửi đến mỗi người nhiều nghĩ suy mà khi đọc lại, đều rất tươi mới. Ở hai bên bán cầu, nhưng tôi tìm được ở nữ sĩ BPranta và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh những xúc cảm chân thành, tự nhiên, gần gủi như có một sợi dây kết nối vô hình. Phải chăng đời thơ của ông luôn luôn chuyển động, nên câu thơ cứ chảy tràn vào tâm trí người đọc, không cần màu mè phô diễn, không ồn ào câu nệ, không cần làm dáng làm duyên. Nỗi lòng trước vẻ đẹp thiên nhiên của người đi kẻ ở cũng đầy khát khao cháy bỏng, cứ thế vỗ về, khắc cốt ghi tâm: “không còn thì tôi xin đành/ người ơi tôi cúi hôn mình trên sông” (Về quê). Dường như có một dòng chảy lặng lẽ vô hình trong thơ ông bắt trúng mạch đập trong ký ức của mỗi người, để mỗi khi được đọc, được sờ, được cầm nắm đều dâng trào một nỗi niềm man mác không thể lý giải bằng lời. Tôi cũng có một nỗi niềm gì đây không thể viết ra, tựa như vì sao có cơ duyên đã gặp nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh và được ông giới thiệu những bài thơ đầu đời trên một trang thơ trang trọng, vì sao nỗi xúc động cứ dâng trào, gợi nhớ, tri ân... Tự nhiên, tôi mong muốn được “già” trước tuổi để được đọc, được gọi, được chia sẻ thơ của ông một cách nghiên cẩn và kính trọng như một người bạn tri âm, đầy hệ lụy:
Lụy đò mà chẳng qua sông
cứ rong ruổi bến, cứ trông ngóng bờ
Một đời luỵ với câu thơ
còn bao nhiêu chuyến, bao giờ đò ơi?
                                                (Lụy)

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, tôi không đọc bằng lý trí mà đọc bằng con tim, đọc ngất ngây say đắm, đa tầng... Tôi mong được một lần cùng chuyến trên con đò thơ ấy.
PHAN NAM.


Xem tiếp…

Giới thiệu văn nghệ Thái Nguyên số 43 (932) phát hành thứ ba, ngày 23.10.2018

11:39 PM |

Trong số này:
Chuyện người chuyện ta
Chính sách nhà công (Thái Văn)
Chính trị – Xã hội
Luật an ninh mạng: Khoảng trống về điện toán đám mây (Lê Trung Nghĩa)
Nhìn lại 10 năm báo Văn nghệ Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị: Nỗ lực không ngừng nghỉ (Thu Huyền)
Sáng tác văn học
Truyện ngắn
Sóng hồ trên núi (Lục Mạnh Cường)
Thơ
Chử Đồng Tử (Nguyễn Hưng Hải)
Hỏi; Ngồi buồn cắn chắt;Mùa đi chưa hết đốt tay (Tân Quảng)
Tản văn
Vị đắng (Phùng Thị Hương Ly)
Nghệ thuật
Mong chờ những bước tiến của kịch múa (Minh Châu)
Văn hóa – Đời sống
Tục chơi họ (Suối Linh)
Câu chuyện văn hóa
Những quả trứng (Bích Hồng)
Nghiên cứu – Trao đổi
Bàn thêm về câu thơ “Trí chủ hữu hoài phù địa trục” (Nguyễn Trung)
Văn học nước ngoài
Truyện dịch
Chút hơi ấm cuối cùng (Tác giả: Elena Pucillo Truong (Ý); Dịch giả: Trương Văn Dân)
Thơ dịch
Đôi mắt ngây thơ; Những cảnh mộng; Cốc hy vọng; Cánh cổng thứ năm (Tác giả: Raed Anis Al-Jishi (Ả Rập Xê Út); Dịch giả: Nguyễn Thị Thùy Linh)
Hồ Núi Cốc, Đại Từ, Thái Nguyên (ảnh: internet)
Bạn đọc
Ý kiến bạn đọc
Văn hóa chào hỏi của học sinh (Yến Nhung)
Thơ châm
Đi giày trên núi lửa (Hồ Xuân Sỹ)
Hội chứng… nóng trong người (Hà Nhữ Uyên)
Góc biếm họa
Tranh của họa sỹ Huy Chương
Phóng sự – Ký sự
Thầy Nguyễn Khắc Ân (Văn Giang)
Xem tiếp…

Hà Nội ngày xa ấy... - Thanh Thảo

4:36 PM |
Ảnh tư liệu internet. 

Bài hát “Tiến về Hà Nội” nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1948 ở vùng tự do Ba Thá (Hà Đông). Tôi có biết địa danh Ba Thá này, khi còn nhỏ tôi theo học ở trường học sinh Miền Nam Mai Lĩnh (Chương Mỹ-Hà Đông) thì Ba Thá chỉ cách trường chúng tôi hơn chục cây số, và cũng cách thị xã Hà Đông khoảng vài chục cây số đường đất. Hóa ra, từ kháng chiến chống Pháp, Ba Thá đã là “vùng tự do” theo cách nói hồi đó, hay “vùng giải phóng” theo cách nói sau này. Bài hát của Văn Cao, theo những người đã chứng kiến cuộc “Tiến về Hà Nội” của những người lính Cụ Hồ ngày 10.10.1954, cách đây tròn 64 năm, là “đúng đến từng nhịp chân chiến sĩ”:

“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”

Đó vừa là nhịp hành khúc, vừa là tiếng reo hoản hỉ của một dân tộc đã tự giành lấy Độc lập cho đất nước mình sau chín năm trường kỳ kháng chiến và làm một “Điện Biên chấn động địa cầu”. Năm 1948, Văn Cao vừa tròn 25 tuổi (ông sinh năm 1923), và bài hát “Tiến về Hà Nội” là một tác phẩm âm nhạc tràn ngập tính tiên báo. Bài hát ấy cũng được viết ra ở nơi chỉ cách Hà Nội hơn 30 cây số. Thực dân Pháp, dĩ nhiên, không hề biết sự ra đời của bài hát này, còn toàn dân Việt Nam cũng chỉ hát lên từ ngày giải phóng Thủ đô 10.10.1954. Hà Nội có bao nhiêu bài hát hay ngợi ca từng mặt hồ, từng con phố, từng di tích lịch sử, nhưng “Tiến về Hà Nội” là bài hát duy nhất viết về cuộc tiến quân về giải phóng Thủ đô từ khi Thủ đô còn trong tay thực dân Pháp, khoảng thời gian mà bài hát ra đời tới ngày Thủ đô giải phóng kéo dài 6 năm. Đó là một điều đặc biệt kỳ lạ. Đầu năm 1955, hồi ấy tôi mới 9 tuổi, lần đầu được ra Hà Nội từ Nghệ An-ra để “du học lớp 1” bên Trung Quốc.
Ảnh sưu tầm internet.
Với tôi, Hà Nội hồi đầu gặp gỡ ấy là quán kem Long Vân bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, nơi tôi được ông anh họ dẫn đi chơi và cho ăn que kem đầu tiên trong đời. Que kem thật đặc biệt với một đứa bé nhà quê mới từ Quảng Ngãi tập kết ra Bắc như tôi, nhưng nó đọng lại trong tôi đúng 63 năm rồi. Còn Hà Nội, mãi ba năm sau, khi từ Khu học xá Nam Ninh về nước, tôi mới bắt đầu biết về Hà Nội. Và bài hát tôi được nghe lần đầu vào dịp Quốc khánh 2.9 năm 1958 là bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho, cũng mở đầu bằng chữ “Tiến”, nhưng là “Tiến bước dưới quân kỳ”. Bài hát này được nhạc sĩ Doãn Nho viết vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1958 ngay trên đỉnh đồi A1 khi nhạc sĩ đi với đoàn văn công quân đội về thăm và biểu diễn tại chiến trường xưa:

“ Vừng đông đã hửng sáng/ núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa”…
 “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim”…

Buổi sáng sớm ngày 2.9.1958, tôi từ nhà ở Thái Hà ấp theo má tôi bắt tàu điện đi lên Cửa Nam, và đứng trong biển người chờ xem duyệt binh. Khi đoàn quân rầm rập qua Cửa Nam tiến về đường Nam Bộ, tôi bỗng nghe ầm vang bài hát ấy cất lên từ những hàng quân. Cảm giác nổi gai ốc vẫn là cảm giác còn trong tôi sau 60 năm mỗi khi nhớ lại buổi sáng khi mình được nghe bài hát ấy. Không biết các chiến sĩ trong đoàn quân diễu binh đã tập bài hát trong bao nhiêu lâu, nhưng họ hát thì đều và mãnh liệt tới mức như những đợt sóng trào làm rung động mọi người dân đứng xem. Mãi sau này, khi được chơi thân thiết với Văn Cao, tôi mới được nghe ông nói về sự ra đời của bài hát “Tiến về Hà Nội”. Thì ra, như bao sáng tạo đích thực khác, bài hát ra đời cũng khá tình cờ, và Văn Cao cũng viết rất nhanh bài hát này. Thậm chí, khi hoàn thành, bài hát còn bị phê bình là “lạc quan tếu” kia đấy. Thì vào năm 1948 ấy, ai dám nghĩ ngay tới ngày về Hà Nội oai hùng như thế, đẹp tuyệt vời như thế. Nhưng Văn Cao đã nghĩ. Và đã thấy. Nghệ thuật mang tính dự báo là như vậy.
THANH THẢO.

Xem tiếp…

Đà Nẵng, mưa & những câu chuyện tình...

3:49 PM |
Ảnh: Phan Nam. 

Sáng ngày 12.10, tại không gian cà phê thứ bảy, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng diễn ra buổi ra mắt sách Những chuyến xe đàn bà (NXB Trẻ, quý III.2018) của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc nhân dịp kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Cuốn sách là những quan sát, chia sẻ, ghi chép, cảm nhận, kỷ niệm được lưu giữ… về hành trình của những người phụ nữ trên chuyến xe DanaFototour – hành trình sống của tác giả Dona Đỗ Ngọc. Cuốn sách còn chia sẻ những nỗi buồn, nỗi đau của những người phụ nữ sống không hạnh phúc, chia tay với chồng và những cuộc gặp gỡ mới tốt đẹp hơn. Mở đầu cuốn sách, chị viết: “Niềm vui của đàn bà nhiều khi thật đơn giản, chia sẻ với nhau vẻ đẹp của những bông hoa, tiếng cười lảnh lót một góc đồi. Chỉ ngắm nhìn dã quỳ trong nắng trong mưa, rồi về, phía xa là cơn giông xám đen một góc trời. Những giây phút vui vẻ, thảnh thơi bên nhau thật quý giá, sau những lo toan bận rộn con cái, công việc đời thường. Có một cái gì thật cảm động khi ngắm nhìn họ từ xa. Những ánh mắt long lanh tươi sáng kia, những nụ cười hồn nhiên vô tư tạo cho họ một thần thái, một nhan sắc khác. Một vẻ đẹp có sức lan tỏa, truyền cảm hứng sống đầy năng lượng. Ngắm những người đàn bà từ xa, chụp ảnh họ, tôi như viết ngôn tình bằng ống kính…”.
Ảnh bìa cuốn sách (ảnh Phan Nam)
Những trang viết đầy chân thật và tinh tế của tác giả đã chạm đến cõi lòng bạn đọc, khiến họ rung động men theo con chữ để đi tìm cảm hứng sống, để cảm nhận một phần nào đó những góc khuất, những suy nghĩ từ sâu thẳm tâm hồn của người phụ nữ, những âm thầm, suy tư, đau đớn, khó khăn mà họ phải đối mặt, gánh chịu trong công việc và cuộc sống đời thường. Tác giả Dona Đỗ Ngọc tâm sự với độc giả về ý tưởng ra đời cuốn sách, về công việc sáng tác cũng như những trải nghiệm trong hành trình sống và những câu chuyện về đàn bà riêng tư nhưng cũng không kém phần thú vị. “Cuộc sống đa dạng và sinh động đến độ chúng ta không cần phải sáng tác, tạp văn có thể hiện sự chiêm nghiệm của mình, cuộc sống tràn đầy chất liệu, chỉ cần quan sát và chắt lọc lại trên trang viết. Tôi viết cho đàn bà để đàn ông đọc, hàng ngày cuộc sống vợ chồng không bộc lộ hết, bỏ qua sự chia sẻ của mỗi người, đọc và thương yêu hơn những người đàn bà của mình”, chị chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Chọn thể loại tạp văn, chị không ngại bày tỏ quan điểm về tình yêu lối sống rạch ròi và dứt khoát: “Lấy được người mình yêu (hay một người tốt mình trân trọng, mình an tâm), làm những gì mình thích, sống được với đam mê của mình… là hạnh phúc nhất của đời người.
Tác giả Dona Đỗ Ngọc chia sẻ tại buổi ra mắt sách.
Tôi luôn nói với các con: Con hãy đi con đường của mình, hiểu và biết mình thích gì để có thể bền bỉ theo đuổi đến cùng”. Cuốn sách là tập hợp “những bài viết nhẹ nhàng tươi vui, tác giả kể những câu chuyện đời thường với góc nhìn tinh tế mà lại không kém phần hóm hỉnh, về cuộc sống, về hội bạn gái, về những mối quan hệ người với người mà chị chứng kiến. Phụ nữ trong góc nhìn của Dona Đỗ Ngọc đáng yêu, vui tươi, hồn nhiên, hiếm có tác giả nữ nào hiểu và nhìn phụ nữ với cái nhìn yêu thương trân trọng hồn nhiên như thế”. Nhà báo Khánh An nhận xét: “Chuyện đàn bà của Dona Đỗ Ngọc lúc nào cũng ấm áp, xoa dịu dù sự tình có buồn bã, thê lương đến đâu, và rút cục cũng thấy, chị thật sự là đàn bà hạnh phúc. Có thể bởi thái độ sống không phụ thuộc ở khách quan, mà chính bởi tại khách quan mỗi người”. Còn nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc nhận xét: “Đã từng làm việc chung với Đỗ Ngọc, tôi nhận thấy chị là người quyết đoán, rạch ròi, không “nửa nạc nửa mỡ”, đâu ra đó, không “ba rọi”. Ấy là tính cách của một người mạnh mẽ, xông xác, trực tính, tất nhiên, phải cứng cỏi, nặng về lý. Tôi đã nhầm to. Nhầm thật đấy chứ. Không ngờ, đọc kỹ những gì chị viết, tôi bất ngờ nhận ra trong góc khuất của tâm hồn ấy lại chứa chan một sự đa cảm, nhạy cảm và quan sát, có góc nhìn tinh tế lắm”.
GĐ TBT Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt phát biểu
Trong gần 200 trang sách của tác giả Dona Đỗ Ngọc không chỉ là những chuyện đàn bà, chuyện tình yêu hôn nhân & gia đình: Người trẻ hôm  nay, Chồng cũ, Hai mươi năm sau, Điều quý giá nhất, Hình xưa bóng cũ, Yêu online, Một lần nằm viện, Chuyện đàn bà… mà còn là những câu chuyện về những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc, về ẩm thực & du lịch xen lẫn đôi chút triết lý sống nhẹ nhàng nhưng cũng đầy chất thơ, hấp dẫn, lôi cuốn: Tam giác mạch mùa thu, Những góc nhỏ Sài Gòn, Tết miệt vườn, Khói than dừa, Phải lòng Hội An, Về quê, Hương Việt ở Cheb, Món ngon miền Tây, Sa Đéc, Sáng B’lao…
PHAN VĂN NAM.

Tác giả Dona Đỗ Ngọc là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, chị từng có thời gian công tác tại báo Phụ nữ TP HCM, hiện đã nghỉ hưu. Tác phẩm đã xuất bản: Đàn bà liêu xiêu (in chung, 2014), AND Tình yêu (2017), Những chuyến xe đàn bà (NXB Trẻ 2018).

Một số hình ảnh tại buổi ra mắt sách:





Tác giả Dona Đỗ Ngọc ký tặng sách (ảnh Phan Nam)

Thực hiện: Phan Nam.

Xem tiếp…

Những bông hoa mùa trần gian (*) - bài viết của Phan Nam.

9:09 AM |

Một chút xáo động cho những ngày cuối thu, lòng chợt buồn man mác nhận ra tấm thân mình đương khát yêu thương, & cho những bông hoa mùa trần gian: "đời là bể khổ, và hạnh phúc nằm ở chỗ, ta được sinh ra", cảm ơn anh Trần Duy Trung rất nhiều ạ...
Trên tay tôi là tập thơ đầu tay của anh, một người anh tôi chưa từng gặp, chưa từng nói chuyện, ngay cả trên mạng xã hội cũng rất ít khi tương tác. Có lẽ anh là một người điềm tĩnh, còn tôi thì không sôi nổi. Tập thơ với 39 bài thơ, nhiều bài tôi đã đọc trên không gian mạng, đọc đi đọc lại & thích, chỉ vầy thôi. Thơ anh là tập hợp của những trường liên tưởng lạ, đầy tính ẩn dụ. Tôi trân trọng & ngưỡng mộ anh bởi tình cảm đong đầy, chân thành & có trách nhiệm được anh gửi gắm trong thơ. Nói như nhận xét dành cho thơ anh mà tôi tình cờ đọc được trong bài giới thiệu của anh Trương Đình Phượng, cũng là một bạn viết: “đọc thơ Trần Duy Trung có cảm giác đang chứng kiến cuộc dâng hiến của một con tằm, Trung làm thơ như rút ruột mình ra mà viết”.
Duy Trung là một con người từng trải, dẫu còn trẻ nhưng không vì thế mà anh dễ dãi, viết vội, đặc biệt là với thơ, anh chọn cho mình một con đường riêng, chắt lọc mà sâu sắc, hàm súc mà đầy đủ, mộc mạc mà thanh thoát. Tập thơ chỉ gồm 39 bài thơ với 68 trang giấy, có lẽ anh đã bỏ bớt một số bài từ tập bản thảo 50 bài khi đoạt giải cuộc thi thơ “tác phẩm đầu tay” của tổ chức Du Tử Lê Foundation. Điều đặc biệt trong tập thơ này là từ trang 54 đến trang 64 anh bỏ trống với lời nhắn: “những trang bỏ trắng cuối cuốn sách này là khoảng trống dành cho bạn…”, tôi dự định sẽ viết một bài thơ chép tay tặng anh vào một trang trong đó, hi vọng là tôi có thể làm được. Trong tập thơ này, tôi thích nhứt là bài Khúc tao nôi cho Trần, tình cảm của người cha dành cho con khiến đất trời cũng phải cảm động, nghiêng ngả, huống chi là lòng người.
Gia đình nhà thơ Trần Duy Trung (ảnh chia sẻ từ facebook)
Ngôn ngữ được anh cô đọng hết mức có thể, nhưng vẫn diển tả tình cảm ngọt ngào, trĩu nặng và sâu lắng: cha đến mở cửa giấc mơ/ nhìn con ngoan thiếp ngủ…/ cha thấy dòng sông/ và những cánh buồm đỏ/ những con đường và mặt trời ở đó/ hoan ca mùa tinh khôi (Khúc tao nôi cho Trần). Những không gian đa chiều mở ra cho độc giả khoảng trống tưởng tượng và ở đó mỗi người chúng ta soi tâm thức vào đó để cùng đồng hành sáng tạo cùng tác giả. Thơ anh chú trọng về ý thức, tâm hồn nhạy cảm, phong phú, tuy nhiên giọng thơ chưa có bước đột phá để tiếp thêm nội lực cho không gian suy tưởng, gây đôi chút tiếc nuối. Những xáo động trong thơ anh tĩnh lặng, nhẹ nhàng, hình ảnh thơ, đôi khi, rơi vào lối mòn, chưa thực sự tươi mới, tuy vậy vẫn lột tả được sức sống đặc biệt trong thơ: trong đôi mắt em xáo động/ những giọt mùa tan nhanh trên sóng nước/ và bài ca buổi sáng như một đôi cánh vút/ lao vào vẻ đẹp của tháng Giêng (Bài ca buổi sáng).
Trong Những bông hoa mùa trần gian, anh viết: “cái hôn ngày hôm qua/ cái ôm ngày hôm nay/ như bông hoa/ chúng ta đang rộ nở/ chúng ta tận hiến cuộc đời cho mỗi phút giây/ cho sự hiện diện này/ rực rỡ và duy nhất// vì cuộc đời là có thật/ vì tình yêu là có thật”, tình cảm, tình yêu là khái niệm mà muôn đời con người cũng không thể lý giải đầy đủ, và thi ca làm chức năng xóa nhòa khoảng cách, ranh giới giữa người với người, làm chúng ta thức tỉnh, vươn tới cõi giới đẹp đẽ tạo hóa ban tặng. Trong bức tranh thi ca đa màu sắc đương rộ nở như hiện nay, chỉ “cần một hiện diện vắng mặt” cũng làm ta phải lưu tâm, nhứt là khi nó xuất phát từ khát vọng chinh phục cái đẹp của người viết, dẫu không đễ gì chạm tới cái đích đó, nhưng khi đọc thơ Trần Duy Trung, niềm tin ấy vẫn còn hiện diện ở chung quanh ta…
PHAN NAM.
(*) Nhân đọc tập thơ Sự tĩnh lặng của nước, NXB Đà Nẵng & Domino Books xuất bản, quý III, 2018.



Xem tiếp…

Chạm tay tháng mười... - tản văn Phan Nam

8:26 AM |
Ảnh: https://baonghean.vn/ 

Hơi lạnh sáng nay xuyên thấu qua từng làn da thớ thịt, mơn man ánh nhìn đắm đuối của chàng lữ khách. Dòng sông luân chuyển buồn vui ngày cũ lặng lờ trôi mãi mịt mờ biển khơi, hỏi rằng em có nhớ những ngày đầu lúc đôi ta gặp gỡ. Chiếc lá vàng khẽ chạm vai áo, len lỏi qua những nỗi buồn trung du. Giọt cà phê khuấy động đáy mắt, mùa gặt còn vương vấn tà áo, phải không em? Cơn mưa nhè nhẹ nhỏ từng giọt đơn côi xuống bậc thềm trước hiên quán cà phê, đóa sen cuối mùa vẫn cố gắng tìm chút hương sắc trong từng cánh nhỏ xao động mặt hồ. Lòng sen như lòng người, miệt mài tận hiến những vẻ đẹp giấu kín, vừa muốn thổ lộ vừa muốn ẩn hiện chút bí hiểm màu nhiệm nào đó dưới mặt nước trong veo thấp thoáng mây trời. Bức ảnh được lưu lại rất nhanh sau đó, trang cá nhân lại có thêm góc nhỏ cho riêng mình, và đôi khi muốn chia sẻ đến tất cả mọi người những hoài niệm cố hương, nơi ta chôn nhau cắt rốn, nơi ta tha hương cầu thực, nơi thời gian không cần đong đếm, nơi yêu thương không cần tất tả ngược xuôi…
Cuốn sách trên tay vẫn còn dang dở, chưa biết khi nào mới kịp khép lại, mùa thu miệt mài tận hiến chút ngọt ngào xưa cũ. Cơn mưa lặng lẽ giăng kín khu vườn, bỏ mặc từng chùm dâu da chua chua ngọt ngọt trĩu nặng từ tận gốc đến ngọn cây, món quà nhà quê chín lịm trong nỗi nhớ, ánh lên trong tâm thức những tia chớp nhỏ nhoi cũng đủ làm ta nao lòng, cồn cào nỗi nhớ niềm thương. Người bà với nải chuối xanh ngang qua phố cũ, tiếng rao hàng nghèn nghẹn trên gương mặt bạc màu thời gian, chợt nghĩ đến bức tranh mùa đông buồn bã se sắt cõi lòng. Chặng đường tuổi trẻ chắc chắn không chỉ có những khung cảnh, những nét đẹp đọng lại trên từng miền đất mới, trải nghiệm mới, khao khát mới, ở đó còn có chỗ cho những ưu tư và chênh vênh giấu kín. Lưu lại khoảnh khắc tươi đẹp nơi góc quán, đôi mắt bạn hun hút cuối khung cửa, khẽ rung câu chuyện tình yêu.
Tác giả Phan Nam.
Bình yên đến qua từng dòng nhật ký ngày cũ, dòng chữ run run kể lại xúc cảm riêng mình, dành cho riêng mình, lưu lại biết bao xáo động không dễ dàng bày tỏ. Góc nhỏ của người thương, mang đến cho ta hạnh phúc ngập tràn, dư vị cuộc sống đôi khi đến từ những điều bình dị, nhỏ nhặt, kín đáo. Tình mình bây giờ như mưa trên sông / Mưa đầu sông, mưa cuối sông / Tình mình bây giờ như cơn gió đông, / Gió đầu đông, gió cuối đông (*), khúc nhạc uyển chuyển ru hời màn mưa, thẩm thấu tâm hồn, chảy tràn bờ bãi, nuôi dưỡng mầm non phía bên kia chuyến đò hạnh phúc. Trang viết chắp nối biết bao hoài niệm sao vẫn mãi dang dở. Câu thơ ta cố gắng chu toàn sao vẫn mãi thiếu vắng cảm xúc mặn nồng ngày xanh. Quà sách ta trân trọng nâng niu cho trọn vẹn cảm xúc, cho đong đầy nghĩa tình, cho yêu thương còn vang động khắp khu vườn ngôn từ, lắp ghép mái nhà bình yên. Quả ngọt miền trung du đang vẫy gọi, như sông suối nuôi dưỡng cánh đồng nồng đượm phù sa. Bàn tay của bà, của mẹ nâng niu từng chùm lòn bon mà đất trời ban cho làm tim ta đau nhói, muốn quay về tận hưởng khúc hát nằm nôi đưa ta vào sâu giấc ngủ, như cánh chim vỗ cánh mịt mờ tâm tưởng. Hôm nay, vội vã đến bến xe mang thùng xốp được gói ghém cẩn thận, từng chùm, từng chùm lòn bon đưa về dãy trọ qua bước chân vội vàng, xao xuyến, chia sớt mỗi người mỗi chùm, tự hào khoe quả ngọt quê em đấy. Loại quả được vua ngự ban với tên gọi mỹ miều: Nam Trân (Ngọc phương Nam), bất chợt giọt lê tuôn rơi như cơn mưa tháng mười…
PHAN NAM
(*) Lời ca khúc Mộng sầu, Trầm Tử Thiêng.



Xem tiếp…