Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ: Sông dịu dàng cất tiếng hát ru - bài của Phan Nam.

7:45 PM |

Ảnh Phan Nam. 
Vào ngày 23.11 vừa qua, tại thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng vừa diễn ra buổi ra mắt tác phẩm mới, tuyển tập thơ Vẫn còn của tác giả Nguyên Lâm Huệ, NXB Hội nhà văn tháng 10.2018. Đến dự buổi giới thiệu có đông đảo văn nghệ sỹ thành phố và bạn đọc yêu thơ.
Trong lời mở đầu cuốn sách, tác giả tâm sự: “Lần này tôi tập hợp một số bài thơ trong những tập thơ của tôi làm nên cuốn sách cuối cùng này như muốn gửi gắm những tâm tư tình cảm, những thăng giáng giữa dòng đời của một gã thi sĩ lãng tử suốt một đời rong ruổi ngược xuôi, nghêu ngao cất lên tiếng hát của lòng mình giữa chốn nhân gian bé mọn nhiều yêu thương nhưng cũng đầy đắng đót”. Cuốn thơ như một nhật ký hành trình được tác giả ghi lại qua mỗi địa danh, nơi chốn với biết bao xúc cảm, kỷ niệm với những con người, số phận gắn liền với chặng đường phiêu lãng của thi sĩ Nguyễn Lâm Huệ. Như nhận xét của nhà thơ Hồ Sĩ Bình: “Thơ đối với Nguyễn Lâm Huệ là một sự cứu rỗi, sự thăng hoa của nỗi buồn và hạnh phúc, của thất bại dồn nén và mơ mộng cuối trời của một kẻ lưu linh lạc địa, giang hồ phiêu bạt lấy thơ ca làm niềm hạnh ngộ”. Bàng bạc trong thơ Nguyên Lâm Huệ là những xúc cảm, những yêu thương, những khao khát, những buồn vui được tác giả bày tỏ, chia sẻ trong thơ, thơ như người bạn tri âm tri kỷ, bởi thơ tôi là máu thịt của lòng tôi. Có lẽ vì thế nên thơ Nguyên Lâm Huệ không làm duyên làm dáng, không lên gân lên guốc, thơ mộc mạc, đơn sơ, giản dị, không trau chuốt, gọt giũa ngôn từ. Cái tình, cái nghĩa trong thơ làm nên giọng điệu, làm nên thi ảnh ngọt ngào, say đắm: Tôi nghe những tiếng lòng/ Dội lên từ gỗ đá/ Cảm ơn người nghệ sĩ/ Thức dậy những linh hồn (Đêm say ở vườn tượng). Có lẽ khi đặt chân đến đâu, anh cũng gói ghém, lưu lại cho mình những vần thơ đầy tiếc nuối, man mác, u hoài: Rêu vàng úa phủ một màu phế tích/ Em sầu thương hóa đá ngàn đời (Mỹ Sơn thánh địa), Nét hoa văn rêu phủ/ In đậm dấu thời gian/ Trải bao mùa trăn trở/ Hỡi những ngọn tháp Chàm? (Trưa Phan Rang), Dừng chân nhấp chén rượu đào/ Mắt buồn bắt gặp vì sao cuối trời (Về phố cổ), Phượng rung cành tiếng ve kêu/ Hoa đan sắc lửa nắng chiều lâng lâng/ Hè về nên Huế bâng khuâng/ Mùa xuân sót lại trên vành môi thương (Chiều hè trên Huế), Hà Nội ơi một thời ta còn mãi/ Tình yêu xưa và những dấu chân thầm/ Hồ Gươm xanh vẫn màu xanh chờ đợi/ Góc phố kia hoa sữa đã thôi nồng (Một thời còn mãi)
Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ tại buổi ra mắt sách (ảnh Phan Nam).
Nhưng đặc biệt nhất trong thơ Nguyên Lâm Huệ vẫn là những vần thơ dành cho nơi tác giả được sinh ra, quê mẹ Hà Tĩnh (mỗi huyện ở Hà Tĩnh anh viết tặng riêng một bài thơ), và nơi anh sinh sống làm việc, thành phố Đà Nẵng hiện đại, trẻ trung: Xanh ngát dòng sông La/ Chảy dài như nghĩa mẹ/ Núi Hồng bóng hình cha/ Trọn tình trong nắng gió (Về quê), Nay ngoảnh lại ba mươi năm đằng đẵng/ Sương thu rơi tóc trắng dựng bờm/ Chỉ còn lại những tháng ngày phố Cẩm/ Với mắt người chiều ấy đẫm hoàng hôn (Chiều phố Cẩm). Trong hơn 300 trang sách dày dặn, mảng thơ về mẹ, quê hương là một phần không thể thiếu trong huyết quản, mạch nguồn nuôi dưỡng hồn thơ tác giả và cũng chính ân tình sâu nặng ấy lặng lẽ tái tạo nên nhưng vần thơ tràn đầy xúc cảm, yêu thương: Tôi yêu quê tôi/ Yêu ngày tháng tuổi thơ/ Tiếng nôi đưa kẽo kẹt/ Những trưa hè mẹ hát/ Và hàng cây gió thổi nghiêng nghiêng (Quê tôi), có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, quê cha đất tổ là những gì gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy cao quý, thiêng liêng. Tác giả Lam Giang nhận xét: “Quê hương trong thơ anh luôn luôn khắc đậm hình bóng của mẹ, hình bóng tuổi thơ. Sự sum vầy, gặp lại, sự khắc khoải chờ mong. Mẹ và quê hương tưởng chừng như hai hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi đọc thơ anh lại thấy  bóng dáng mẹ hiền lẫn vào trong quê hương cũng như quê hương hóa thân vào mẹ”. Ngoài những đau đáu về quê nhà với biết bao lo âu, trăn trở, trách nhiệm với thời cuộc, với nhiễu nhương thế sự cũng được tác giả thể hiện trong thơ. “Giữa dòng đời xuôi ngược, thơ Nguyên Lâm Huệ thường xoáy vào những góc khuất đắng cay, những mảnh đời góc cạnh. Qua cái lăng kính mở ra đời sống, Huệ hội tụ về lòng mình những nghĩ suy đôi khi mang tính triết lý nhẹ và buồn…” (Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo).
PHAN NAM.
Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ, tên thật là Nguyễn Xuân Huệ, sinh ngày 20.8.1954 tại Hà Tĩnh, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tác phẩm thơ đã xuất bản: Lặng lẽ một dòng sông (2008), Khúc độc ca (2012), Hoang mạc trắng (2014), Vẫn còn (NXB Hội nhà văn 2018).


Xem tiếp…

Lang thang Hội An... - bài viết Phan Nam.

10:25 PM |

Con đường từ Đà Nẵng đẹp như cổ tích với hàng dừa xanh ngắt, những bãi cát trải dài vô tận, vang vọng câu hát tựa sóng vỗ đưa tôi đến miền đất vô cùng xa lạ nhưng cũng rất đỗi quen thuộc: phố cổ Hội An. Ở Đà Nẵng chừng mấy năm, trong khi nhiều người khác đã mòn gót phố Hội, với vô vàn các tác phẩm, ký ức, hình ảnh, kỷ niệm được lưu giữ tại nơi đây thì tôi mới đến đây chừng vài lần, trong nỗi khao khát dịu dàng. Nói là đến với phố Hội nhưng thực ra tôi đang tìm đến cốt cách, tâm hồn, sự thủy chung mộc mạc của đất và người xứ Quảng đã nuôi dưỡng, uốn nắn biết bao xúc cảm, yêu thương trong lòng người trẻ như tôi. Lần đầu đến phố Hội vào một ngày nắng đẹp, tôi cùng chị lang thang chụp hình trong nỗi buồn hoang hoải đương đốt cháy da thịt. Cũng chỉ ghé quán café nào đó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, bỏ mặc dòng đời ngược xuôi với đủ thứ lo toan, mệt mỏi và cũng kịp ghi lại đôi dòng cảm xúc vội vàng: Mỗi bước chân bám chặt rêu phủ/ Tôi lang thang qua ngóc ngách cuộc đời/ Kết sợi dừa từ đôi tay cần mẫn/ Chở che cơn gió mặn mòi…
Hồn phố neo đậu trong tâm trí tôi qua từng góc nhỏ tưởng chừng chẳng có gì để nói, nhưng luôn ẩn chứa sức sống tiềm tàng chan chứa miền tâm tưởng xa xôi. Mỗi bước chân lao xao lắng nghe tiếng thời gian vỡ trên mái nhà, màu vàng của bức tường dọc ngang đủ sức khơi gợi những bóng hình ẩn hiện đâu đây, dòng sông Hoài mải miết lắng sâu hồn phố… bức tranh yên ả dịu dàng đến nỗi không cần phải tô vẽ, điểm trang. Tôi đọc bài thơ Hồn phố của nhà thơ La Trung khá tình cờ nhưng cũng tràn đầy khao khát, dâng trào: Gánh phong trần đọng lại những giọt thơ/ theo tiếng guốc vỡ òa sau ngõ ngách/ trăng mười bốn trải tơ vàng mái cổ/ lữ khách say hồn vịn phố ngẩn ngơ. Còn đó những nỗi âu lo theo từng nhịp thăng trầm của đô thị cổ trăm năm thương cảng, còn đó biết bao con người ngày đêm nặng gánh mưu sinh, còn đó bài toán giữ gìn và phát triển ăn mòn tâm tư nỗi niềm của những người con đã trót thương, trót nhớ, trót vương vấn với Hội An, nhưng lên trên tất cả là mỗi góc nhỏ lặng lẽ nơi phố Hội luôn ám ảnh trong ta một thứ tình cảm ngọt ngào khó lòng xóa nhòa. Nhớ lần đầu tiên đến Hội An, vội vàng như cơn gió thoảng hoặc tâm trí, trên đường trở về thành phố hiện đại bên bờ sông Hàn, nhắm mắt lại vẫn thao thức một điều gì đó tiếc nuối, thực khó diễn tả thành lời. Ở Hội An, tôi không vội đong đếm trời xanh mây trắng trên đầu, cũng không vội ngắm nhìn mỗi ngóc ngách, mỗi ngôi nhà với những mặt hàng tơ lụa gấm vóc, những phòng trưng bày nghệ thuật đầy thu hút và sáng tạo, những ánh đèn huyền bí và mê hoặc, tôi chỉ mong góp nhặt cho mình chút dịu dàng yêu thương qua những ngày giông bão. Lòng chợt mường tượng giây phút nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ngẩn ngơ giữa cái “ngã ba tình” đẹp đẽ đến lạ lùng. Lang thang đến mệt nhoài mới tìm quán café nào đó nghỉ chân giây lát trước khi trở về cuộc sống thường nhật hằng ngày.
Uống cà phê ở phố cổ Hội An (ảnh Phan Nam)
Nhớ có lần đọc bài viết có nhắc đến chi tiết Hội An buồn quá, tĩnh lặng quá, cần phải tìm chút động khi người đàn ông trung niên thả rớ bắt cá chỉ để phục vụ… dạ dày của mấy con cò trắng. Tự nhiên có chút xao động khi mỗi bước chân, mỗi cái đụng chạm, mỗi khoảnh khắc trôi qua trong đôi mắt lữ khách chẳng phải là “cảnh động” đánh thức vẻ đẹp, giấc mơ di sản. Trôi qua cảnh quay đẹp, khung hình lạ lẫm là đôi quang gánh bạc màu, là thông điệp nghệ thuật gửi gắm qua mỗi tác phẩm mới lần lượt ra đời chứng tỏ sức sống Hội An cháy bỏng như cái cách mà mỗi ngày chúng ta tìm đến phố Hội, con đường ngắn nhất để tìm đến… chính mình. Chỉ hi vọng ngày nào cũng được lang thang Hội An, cho thỏa lòng rứa thôi: Ngã ba này là bến sông xưa/ hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp/ bao năm rồi người xa biền biệt/ bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm… (Hội An, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh).
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Nét đẹp gốm xưa

5:32 PM |

Chào mừng ngày di sản Việt Nam 23.11.2018, bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với các nhà sưu tập tổ chức triển lãm với chủ đề Nép đẹp gốm xưa, nhằm khuyến khích động viên người dân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đồng thời giới thiệu quảng bá đến công chúng tham quan và du khách nét đẹp của gốm sứ Việt. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nghệ thuật gốm sứ luôn đồng hành với sự phát triển của xã hội, phục vụ đắc lực cho nhu cầu thưởng lãm và ứng dụng vào đời sống sinh hoạt của con người. 
Trao tặng bằng khen cho nhà sưu tầm có hiện vật tham gia triển lãm.

Triển lãm giới thiệu hơn 100 hiện vật gốm sứ đặc sắc từ giai đoạn Champa đến cuối thế kỷ XIX được sưu tầm trên dải đất miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam (Việt Nam), của các nhà sưu tập: Nguyễn Ngọc Ẩn (Mũi Né, Bình Thuận), Nguyễn Đình Bằng (Hải Châu, Đà Nẵng), Phạm Phú Khánh (Hải Châu, Đà Nẵng), Ngô Hữu Toàn (Thanh Khê, Đà Nẵng), Trương Hoài Tuyên (Sơn Trà, Đà Nẵng). Trong buổi khai mạc triển lãm, bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật với khoảng 100 tác phẩm mỹ thuật, hiện vật gốm sứ của 13 họa sỹ, nhà sưu tập. Thời gian triển lãm sẽ diễn ra từ 22 – 28.11.2018.
Một số hiện vật được trưng bày.
Tin, ảnh: Phan Nam.

Xem tiếp…

Bụi bay vào mắt, khắc khoải những phận người... - Phan Nam.

4:54 PM |
Bìa sách (ảnh: facebook tác giả Sơn Trần)
Sau một thời gian dài thai nghén, tác giả Sơn Trần vừa cho ra mắt tác phẩm đầu tay Bụi bay vào mắt, NXB Hội nhà văn tháng 10.2018. Là một giáo viên dạy văn, hội viên hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi, anh sáng tác đều đặn và khẳng định sự hiện diện cũng như tên tuổi của mình trên các ấn phẩm báo chí, văn chương nghệ thuật.
Trong tác phẩm được xuất bản lần này, độc giả sẽ nhận thấy sự trau chuốt trong hình thức trình bày, nội dung từng chuyện đến câu chữ, văn phong được nhà văn Sơn Trần gửi gắm, chuyển tải. Mười lăm truyện ngắn trong hơn 145 trang sách chưa thể hiện hết khả năng cũng như gia tài sáng tác của anh, tuy nhiên, khi đắm chìm vào mỗi số phận, mỗi nhân vật, trong không gian, trạng huống có vấn đề được nhà văn đặt ra và giải quyết một cách thấu đáo, chúng ta phần nào nhận biết được bi kịch trong cuộc sống được phơi bày thực chân phương, sâu sắc. Xuyên suốt trong các sáng tác của nhà văn Sơn Trần là không gian chuyện được miêu tả rất có chiều sâu, và những phận người hiện ra rõ ràng, rành mạch, kèm theo đó là những bức bối xã hội với những nỗi đau thầm kín, những thanh âm xa vắng khiến người đọc không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Nhà văn Lê Anh Hoài, báo Tiền Phong nhận xét: “Truyện ngắn Bụi bay vào mắt lấy làm tựa đề cho tập truyện của nhà văn Sơn Trần gượng nhẹ như thể sợ hãi những điều tốt đẹp thầm lặng bay mất. Hoặc giả, anh lo lắng những nhân vật của mình bị kinh động, và họ bị mất tự nhiên? Sự do dự, lưỡng phân của tác giả ở đây lại là một thủ pháp hay: Trước những đổi thay của cuộc sống, thật khó lường được điều lợi hại của dở hay, hãy nghĩ thêm về nó theo hướng của điều thiện”. Trong truyện Sơn Trần mỗi người đọc có thể có cảm nhận dành cho riêng mình, vì những xáo trộn, những nhân vật được hiện ra quá bất ngờ, họ có xuất thân, có gặp gỡ, có chia tay, có yêu thương, có cô đơn & có cả những giọt nước mắt. Anh viết chuyện buồn quá, hay do cuộc sống luôn tồn tại nhưng mâu thuẫn, giằng xé giữa hai bờ hư thực nên tác giả muốn độc giả có những khoảng trống để chiêm nghiệm, hoặc giã có thể đọc lại tác phẩm nhiều lần để tường tận số phận mỗi nhân vật. Như trong kết thúc câu chuyện Bụi bay vào mắt, anh viết:  “Tôi đi dọc con đường bê tông về phía trước chùa. Ngôi mộ cổ, cây bồ đề già không còn dấu vết. Ban đêm, đứng gió, làm gì có bụi mà mắt tôi xon xót. Tôi dừng lại nhìn quanh. Cảnh quê thật êm đềm như thể chưa có sự xáo trộn nào đã xảy ra. Chợt có tiếng người xôn xao rồi tan vào gió đêm. Mấy cô, mấy chị trong xóm khăn áo lên chùa đọc kinh, lễ Phật. Tôi bước theo họ vào chùa. Sư trẻ chỉnh tề cung kính chắp tay lạy, mời đoàn Phật tử vào điện thờ sau khi đã thỉnh một hồi chuông dài, ngân vang”.
Tác giả Sơn Trần & Phan Nam ở Đà Nẵng, tháng 11.2017
Cách kể chuyện mạnh về tường thuật hơn hội thoại có lẽ khiến truyện của tác giả không thực sự trôi chảy, tưởng chừng như khô khốc, không hấp dẫn, nhưng ẩn sâu dưới lớp vỏ sần sùi ấy là cả một mạch ngầm nhân ái, vị tha, bao dung và cao thượng. Nhà văn Sơn Trần nhấn nhá, đưa đẩy, mê hoặc người đọc bằng cách tạo ra bi kịch ngay từ đầu: Đau lắm lời ru, Mắt mèo, Oan Nghiệp…, miêu tả không gian khắc nghiệt nhằm tạo sự chú ý như trong chuyện: Cầu tre lắc lẻo, Hẻm cụt, Cát chảy… một số câu chuyện dẫu có hậu hay kết thúc mở cũng gợi nhiều cảm xúc nhân văn, nhân bản, yêu thương: Về phía mặt trời mọc, Miền mây trắng bay, Thương nhớ lục bình… Nhà văn Tống Ngọc Hân nhận xét: “Sơn Trần là thầy giáo dạy văn cấp ba, cái nghề trồng người khiến ngòi bút của anh tuyệt đối hướng về con người”. Trong tập truyện này, độc giả không thể đọc nhanh, đọc lướt mà phải đọc chậm, đọc kỹ, vì mấy chục con người, mấy chục số phận hiện ra và rồi lẩn khuất đâu đó, bắt buộc chúng ta phải lần dò, giải mã, bao quát, soi rọi. Thực khó để biết đâu là bến, đâu là bờ, đâu là niềm vui và đâu là nước mắt: “Người dân ở xóm chợ, mỗi lần con nước lên, nhìn từng giề lục bình tím biết thường hay nhắc về một người đàn ông vì nghèo mà bị người yêu phụ bạc, đành chấp nhận cuộc đời thương hồ trôi nổi. Người đàn ông ấy đã cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi và người đàn bà bị mất chồng con trong một trận lũ. Trông họ như một gia đình, nhưng thực ra ba con người ấy chỉ là những cánh lục bình lạc loài trên dòng sông số phận, vô tình gặp nhau tạo thành giề, thành cụm. Cứ thể họ dắt díu nhau trên suốt hành trình cuộc đời đầy sóng gió!”.
PHAN NAM
Xem tiếp…

Ánh đèn khuya của thầy - tản văn Phan Nam

10:38 AM |

Ảnh: Internet. 
Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất khó khăn phía tây xứ Quảng. Tôi đã xa quê nhiều năm để đi lập nghiệp chốn phồn hoa đô hội. Tôi còn nhớ như in hình ảnh người thầy dẫn dắt những học trò nhỏ đến trường lúc sương mù còn giăng khắp núi, những cơn mưa tầm tã đầu đông không thể cản nổi bước chân thầy trò trong hành trình đi tìm con chữ. Thế nhưng khó phai mờ nhất trong tâm trí tôi là hình ảnh người thầy bên ánh đèn dầu trong những đêm khuya...
Những nơi mà điện chưa tới với hơn một ngày ròng rã đi bộ để đến trường thật sự là một khó khăn rất lớn cho cả thầy lẫn trò. Mặc cho cái đói, cái rét như cắt da cắt thịt của vùng núi cao, chúng tôi vẫn cắp sách đến trường trong sự dìu dắt của thầy. Trong kí ức của tôi ánh đèn dầu của thầy thật nhỏ bé thế nhưng nó thắp sáng niềm tin cho học trò, cho học trò một tình thương vô hạn mà thầy ban phát cho chúng tôi. Giờ đây ánh điện văn minh đã kéo đến những bản làng xa xôi, thế nhưng ngọn đèn dầu vẫn rực cháy trong tôi như tình thương của thầy không bao giờ tắt đối với những thế hệ học trò. Sự lạnh lẽo tối tăm của miền rừng núi không thể xua tan bóng hình người thầy hằng đêm vẫn miệt mài bên trang giáo án. Ánh đèn hiu hắt thực sự không đủ sáng nên thầy phải cúi sát vào trang vở để soạn bài được tốt nhất để truyền thụ cho học trò.
Nhiều lúc gió lùa qua khung cửa sổ làm ánh đèn vụt tắt nhưng thầy vẫn lặng lẽ khép cánh cửa sổ và tiếp tục với công việc của mình. Thầy đã gắn bó cả cuộc đời mình với những cô cậu học trò ở những vùng núi xa xôi với một khao khát cháy bỏng là truyền ngọn lửa đam mê tri thức để thắp sáng tương lai cho chúng tôi. Chính trái tim cao cả của thầy là động lực và là hành trang để chúng tôi bước vào đời. Dẫu biết muốn có quả ngọt phải trải qua trái đắng thế nhưng mỗi lần nhớ lại hình ảnh người thầy sớm khuya cặm cụi bên ánh đèn dầu với một niềm tin giản dị làm khóe mi tôi đã nhỏ lệ tự bao giờ. Lúc chim muông còn ngủ quên trong màn đêm thăm thẳm của núi rừng, lúc mà những học trò thơ dại đang chìm đắm trong giấc mơ đẹp, lúc bếp lửa sưởi ấm đêm đêm chỉ còn vài đốm than hồng… cũng là lúc thầy vẫn lặng lẽ bên ánh đèn dầu. Ánh đèn khuya như người bạn tri kĩ của thầy mỗi khi đông về, chính ánh sáng ấy là ngọn lủa mạnh mẽ nhất thắp sáng một niềm tin bất diệt mà thầy dành cho chúng tôi: những đứa con được sinh ra ở núi rừng…
 Người ta thường ví người làm nghề giáo là những người đưa đò thầm lặng nhưng đối với tôi đó là những chuyến đò nghĩa tình khắc sâu trong tim học trò. Đó là một tình thương vô hạn sáng mãi trong tiềm thức. Giờ đây tôi đã xa thầy để đi đến bến tương lai nhưng kí ức thuở ấy, sự ân cần thương yêu của thầy chính là niềm tin để tôi bay vào miền xa thẳm. Ánh đèn khuya của thầy khắc sâu kí ức của tôi và chắc chắn sẽ luôn ẩn hiện trong con tim khối óc của những học trò nhỏ đến suốt cuộc đời.
                                                                                                         PHAN NAM

Xem tiếp…

Nhà văn Đà Linh, một số phận bị đứt gãy...

7:42 PM |

Cái nổi bật ở những truyện ngắn của nhà văn Đà Linh (tên thật là Nguyễn Đức Hùng), vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 30 phút ngày 30.9.2013 tại nhà riêng ở Hà Nội, không phải kỹ thuật, mà là giọng văn. Cái giọng tưng tửng, khô khô, nhiều khi như tường thuật lạnh lùng. Nhưng giấu bên dưới cát khô lại có một mạch nước ngầm nhân ái...!
Nhà văn Đà Linh (trái) với nhà phê bình Thái Bá Vân (tháng 6.1998, tại Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Đà Linh (tên thật là Nguyễn Đức Hùng) vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 30 phút ngày 30.9.2013 tại nhà riêng, ở một con hẻm phố Đường Thành, Hà Nội. Đà Linh mất không đột ngột. Anh đã biết trước kết cục này của mình từ 3 tháng trước, khi Bệnh viện Việt - Đức khẳng định là căn bệnh ung thư dạ dày của anh đã di căn ra toàn cơ thể. Khi tôi ra Hà Nội và tới thăm anh, Đà Linh rất mệt, nằm trên giường, nhưng sắc mặt vẫn bình thản. Anh chấp nhận số mệnh.
Chúng ta, rồi ai cũng phải chấp nhận số mệnh, cũng phải nói “vâng” với nó khi tới lượt. Nhưng Đà Linh mới 55 tuổi. Với một nhà văn, thì đó là tuổi chín chắn của sáng tác. Truyện ngắn của Đà Linh cũng thường có những cái kết khá bất ngờ, khá đột ngột. Bây giờ, anh chính là nhân vật duy nhất trong truyện ngắn cuối cùng của anh, một truyện ngắn cũng có kết thúc đột ngột. Và đau buồn.
Tôi lật giở lại tập sách Mãi mãi là bí mật của tôi in năm 2004. In ở NXB Lao Động. Nhiều năm sau, đó là NXB mà Đà Linh đã chuyển về công tác cho tới khi anh vĩnh viễn rời nó. Trong tập sách của tôi có một bài ngắn viết về một tập truyện ngắn của Đà Linh in trước năm 2004. Tôi giật mình vì cái đầu đề của bài viết này: “Khi những quan hệ bị chặt gãy”. Nhưng với nhà văn, khi thân xác ra đi thì tác phẩm có thể vẫn còn lại, vì tác phẩm là tinh anh của nhà văn. Tôi muốn chép lại bài viết rất ngắn này như lời tiễn biệt một nhà văn, và một người em đã từng thân thiết trong rất nhiều năm.
“Khi những quan hệ bị chặt gãy”
Truyện ngắn như một ánh chớp, trước khi tắt nó vừa kịp soi rõ một cái gì. Cái gì ấy nhiều khi khá bất định, nhưng nó lại làm nên những dáng nét, dù thấp thoáng, để truyện ngắn người này khác truyện ngắn người kia.
Đà Linh cũng đã bắt đầu có “thâm niên” viết truyện ngắn, nhưng cái nổi bật ở anh không phải kỹ thuật, mà là giọng văn. Cái giọng tưng tửng, khô khô, nhiều khi như tường thuật lạnh lùng.
Nhưng giấu bên dưới cát khô lại có một mạch nước ngầm nhân ái. Đà Linh quan tâm đến số phận nhân vật, nhưng trước hết, anh quan tâm đến quan hệ giữa các số phận ấy, những mối quan hệ có bề ngoài đơn giản nhưng bên trong phức tạp. Và một khi những mối quan hệ được thiết lập giữa các nhân vật bị đứt gãy, lập tức lộ ra những khoảng trống mang tính bi kịch. Những nhân vật của Đà Linh, phần lớn đều có chút gì đó “tưng tưng”, không bình thường. Không phải họ muốn vậy, mà thực ra, cái “kênh” của tác giả thường “tăm” được những nhân vật kiểu như vậy. Vasilli Suksin cũng từng có những nhân vật gàn gàn dở dở kiểu như vậy (nhưng dĩ nhiên Suksin xử lý truyện ở một tầm cao hơn nhiều, vì ông là một thiên tài).

Cái khát khao của những nhân vật “hơi có vấn đề” trong truyện Đà Linh thật ra lại rất bình thường. Họ muốn thiết lập những quan hệ đồng đẳng với người khác, họ khao khát sự thông cảm, tình thương yêu, và chính họ cũng khát khao yêu thương người khác. Nhưng với họ, thiết lập một quan hệ đã khó, giữ được quan hệ ấy lâu bền càng khó hơn. Chúng ta, những người được coi là “bình thường” cũng chẳng đã từng gặp những vấn đề như vậy hay sao?
Sach khac hoa chan dung nha van Da Linh hinh anh 1
Nhưng, những nhân vật của Đà Linh, một khi đã không giữ được những quan hệ như lòng họ mong muốn, họ lại không biết phải giải quyết nó như thế nào! Họ có thể hơi gàn dở, nhưng họ tin vào những điều tốt đẹp! Vì thế, khi những phía thấy được của cuộc đời mở ra những điều họ không muốn thấy, thì họ đành quay mặt...! Họ bất định lắm, nhưng biết làm sao, vẫn có những con người như vậy trong đời mà! Nếu không có họ, không có những bất định “lửng lơ con cá vàng” của họ, thì đời rồi sẽ ra sao?
Những truyện ngắn của Đà Linh thường không có hậu, nó có những cái kết bỏ ngỏ, những câu chuyện dang dở, những số phận nhân vật chưa đi tới tận cùng. Nó hy vọng người đọc tìm ra những đáp án, đáp số. Nó dành hẳn cho người đọc quyền phán quyết. Nó không hề gợi ý người đọc nên xử lý như thế nào. Khi những quan hệ giữa con người hay giữa con người với thiên nhiên bị chặt gãy, hay đơn giản chỉ là “có vấn đề”, thì chính người đọc sẽ quyết định về cái “khoảng trống” mà truyện ngắn Đà Linh thả ra...
THANH THẢO
Nguồn: Báo Thanh niên.

Xem tiếp…

Giới thiệu tập san Áo Trắng: Thương nhớ trường xưa, phát hành 21.11.2018

9:19 AM |

ÁO TRẮNG Số 10.2018. (Phát hành thứ hai  12. 11. 2018)


THƯƠNG NHỚ TRƯỜNG XƯA
VĂN: 
Chu Nguyễn Nhật Quỳnh, Huy Hải, Phước Ly, Vũ Thị Huế, Huỳnh Duy Lộc, Trương Đình Tuấn, Võ Khoa Châu, Hắc Tố Quyên.                                                                     
*Tạp bút dự thi “Gia đình tôi”: Hồng Minh (Bạc Liêu), Đặng Hồng (Long An), Phan Nam (Đà Nẵng), Mai Hoàng (Hà Nội), Nguyễn Thị Diệu Hiền (Quảng Nam), Đinh Hạ (Nghệ An), Hồng Điệp (TP.HCM), Tạ Hương Nhuận (Khánh Hòa), Lò Duy Bưu (Buôn Ma Thuột), Lưu Lãng Khách (TP. HCM), Nhu (Cần Thơ), Bùi Như Ý (Thanh Hóa), Trương Diễm Phúc (Bình Định), Phạm Vinh Ca (Trà Vinh), Phi Tân (Huế).
THƠ:                                                           Nguyễn An Bình, Nguyễn Đình Ánh, Hoàng Tấn Linh, Hoàng Lan, Huỳnh Ngọc Duy Tùng, Hương Văn, Mai Tuyết, Nguyễn Chí Ngoan, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Xuân Cảm, Phạm Văn Hoanh, Ngô Công Tấn, Thạch Đà, Thụy Du, Lê Hưng Tiến, Thạch Đờ Ni, Trần Hoan, Trần Đức Tín, Trần Văn Nghĩa, Kim Phượng Hà, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Thành Trung, Quang Thám, Nguyệt Kim Sơn, Nguyễn Hữu Phú, Ngưng Thu, Trần Anh Dũng, Trịnh Bửu Hoài.
CÁC MỤC KHÁC:
*Thơ Thầy Cô: Nguyễn Giang San (Đồng Tháp) *Giới thiệu cây bút trẻ: Đoàn Hạo Lương (Đà Nẵng).
CHỦ ĐỀ CÁC SỐ TỚI:                
*15.12.2018: Giai điệu Giáng Sinh (Viết về những ca khúc mùa Noel).
* 15. 1. 2019: Xuân 2019 (Giá bán 30.000đ/cuốn bằng giá số thường nên nhuận bút cũng bằng số thường. Mong các tác giả thông cảm.)
THÔNG BÁO:
*Bạn đọc ở TP.HCM có thể mua tập san Áo Trắng tại Nhà sách NXB TRẺ, số 161B Lý Chính Thắng, Quận 3. Gía 30.000 đ/ cuốn. Bạn đọc ở Đà Nẵng mua Áo Trắng tại Chi nhánh NXB TRẺ, số 280 D Trưng Nữ Vương, q. Hải Châu. Các bạn ở nơi khác có thể mua Áo Trắng  trên mạng Tiki. *Dưới bài viết gửi cho Áo Trắng, ngoài bút danh các bạn nhớ ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ ATM (nếu có), để chúng tôi dễ dàng gửi  báo biếu và nhuận bút. Sau 1 tháng, bài được chọn đăng trên Áo Trắng, chúng tôi sẽ gửi bảo đảm báo biếu và nhuận bút.
*Bài gửi cho Áo Trắng nếu viết theo chủ đề, xin gửi trước 40 ngày về email: at_bien@yahoo.com. Cám ơn các bạn.                                                      


Xem tiếp…

Những mùa đông yêu dấu... - Phan Nam.

9:31 AM |
Ảnh Phan Nam. 

Có những nỗi nhớ chìm đắm như con tàu ký ức, có một bảo tàng ấu thơ với biết bao hoài niệm, niềm thương nỗi nhớ gắn bó với ta trong suốt chặng đường đời, và ký ức ngọt ngào trong trẻo ấy một lần nữa được khơi gợi trong cuốn sách bé bé xinh xinh của tác giả Trần Nguyên Hạnh: Những mùa đông yêu dấu. Với giọng văn thỏ thẻ tâm tình nhưng cũng không kém phần mượt mà, sâu lắng, tác giả đưa ta về một miền tuổi thơ mà chắc hẳn trong mỗi chúng ta không thể nào lãng quên. Những hình ảnh quen thuộc như thước phim quay chậm đầy mê hoặc đưa ta đến thế giới tuổi thơ ngập tràn thanh âm, sắc màu. Đó là cánh chuồn với đủ màu sắc sặc sỡ mà bất kỳ đứa trẻ con nào cũng phải trầm trồ, đó là chiếc thuyền nhỏ dọc ngang khua khoắng mặt sông năm tháng, đó là những chiếc khăn len của mẹ ủ ấm tôi qua bao mùa đông giá lạnh, đó là những đám mây mở ra một thế giới vừa êm dịu tựa như một chiếc gối ôm, vừa ấm áp như lòng mẹ… Và còn rất nhiều niềm vui nỗi buồn chất chứa chảy tràn qua từng con chữ, khiến lòng người bồi hồi thao thức muốn quay trở về bờ bãi, trở về mái nhà xưa, trở về quê hương ngập tràn thương nhớ.
Ảnh: Facebook tác giả Trần Nguyên Hạnh.
Tản văn là dòng nhật ký của tâm hồn, dẫu dung lượng rất ngắn nhưng cũng đủ chuyển tải tâm tư tình cảm được tác giả gửi gắm và chia sẻ đến độc giả. Ở đó dường như có một sợi dây liên kết vô hình xâu chuỗi ký ức của mỗi người, và từng mảnh vỡ ký ức tưởng chừng rời rạc ấy lại chính là chất xúc tác đưa mọi người đến gần nhau hơn. Trong tản văn Dưới mái hiên nhà, tác giả bày tỏ: “Có những khoảnh khắc, những sự việc xảy đến với chúng ta mà dù cho thời gian đã phủ bụi gió sương ta vẫn không thể nào lãng quên được. Đó là những khoảnh khắc đã làm nên cuộc sống, con người, cách nghĩ và tâm hồn ta”. Trong tập sách Những mùa đông yêu dấu tuyệt nhiên chúng ta đọc mà hoàn toàn vô ưu vô lo, mỗi tản văn như một hơi thở, một nhịp đập vô cùng trong trẻo đưa ta sống lại khoảnh khắc thời thơ ấu hoang sơ diệu kỳ. Cuộc sống thường nhật nhiều khi không được như điều ta hằng mong ước, có những trở ngại, những khó khăn, bất trắc khiến ta cáu giận, không thể kiểm soát hành vi, cảm xúc bản thân. Và tác giả Trần Nguyên Hạnh làm sống dậy ký ức tuổi thơ trong lòng mỗi người hoàn toàn có chủ đích, để khi ta đọc từng đoạn văn, từng con chữ, xác thân như được thả lỏng, tâm hồn như được thanh lọc, hơi thở như được điều hòa để ta biết yêu thương, biết quan tâm, sẻ chia với nhau nhiều hơn. Chỉ cần đọc đoạn miêu tả ánh nắng cũng đủ làm trái tim thêm phần lãng mạn, đôi mắt thêm phần dịu dàng: “Theo từng bước chân tôi, nắng tràn qua con đường làng, làm những cánh hoa như bừng sáng. Nắng hong khô những giọt sương mai còn đọng trên cỏ. Nắng nhuộm vàng cánh đồng lúa chín, cho hương lúa thơm ngọt phả vào cánh mũi”.
Tác giả Trần Nguyên Hạnh và Phan Nam ở hội nghị văn trẻ, Đà Nẵng, tháng 11.2017

“Ai đó nói rằng: Ấu thơ như một người bạn luôn dõi theo con người trong mỗi hành trình. Mỗi khi tôi quay đầu nhìn lại, dù ở thời điểm nào, tôi vẫn nhận được từ người bạn ấu thơ ấy một nụ cười an nhiên”, tác giả chia sẻ trong trong Lối về ấu thơ và chắc chắn mỗi người chúng ta hoàn toàn đồng cảm với tác giả. Nhạc sỹ Đỗ Bảo từng viết ca khúc Những mùa đông yêu dấu, chắc chắn tác giả Trần Nguyên Hạnh rất thích ca khúc này nên đã đặt tiêu đề tản văn ngắn của mình và sau này trở thành tiêu đề cho cả tập sách. Ở bìa bốn cuốn sách, tác giả chia sẻ chân thành như một tâm sự thầm kín: Có những mùa mà yêu thương thảng hoặc tràn về như gió thổi – lồng lộng hoang hoải và ngập tràn thương yêu. Đôi lúc xốn xang và day dứt đến bần thần. Đôi lúc lại dịu dàng êm ái tưởng chừng như câu ca anh dành cho tôi ở một ngày thu trong trẻo…
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Nhai bắp rang đọc truyện Kim Dung

5:15 PM |

“CHƯỞNG” KIM DUNG VỚI TUỔI THƠ TÔI
Điểm nổi bật trong tác phẩm của Kim Dung là lòng nhân đạo, nhân ái và đi vào chiều sâu tâm linh, trí tuệ. Đọc Kim Dung, ta tìm thấy những giá trị văn hóa phương Đông và văn minh Trung Hoa…
Kim Dung đã chắt lọc tinh hoa của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, hòa trộn với sức sáng tạo và nền tảng kiến thức sâu rộng, mượn chuyện giang hồ để gửi gắm tình đời nên được độc giả Việt Nam cả bình dân và bác học mến mộ.
Khơi dậy ước muốn hành hiệp trượng nghĩa
Tôi biết đến tác phẩm của Kim Dung vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn học phổ thông. Ngày ấy, đã thành thói quen, sau bữa cơm tối, cả gia đình lại quây quần bên chiếc radio chạy bằng hai quả pin cối, nghe các tác phẩm văn học Trung Quốc. “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung đưa tôi đi khắp xứ Trung Hoa, đến những hòn đảo đẹp như thiên đường và cả đại mạc Mông Cổ xa xôi rền vang vó ngựa…
Nhà văn Kim Dung để lại di sản đồ sộ các tiểu thuyết võ hiệp.
Có lần, vào năm cuối cấp THPT, đạp xe lên phố huyện, tôi vào cửa hiệu cho thuê truyện duy nhất lúc bấy giờ. Thuê liền dăm tập của bộ tiểu thuyết “Thiên long bát bộ”, tôi đề ra mục tiêu làm sao trong một đêm phải xong ba tập. Quê nghèo chưa có điện, đèn dầu bố mẹ chỉ cho thắp đến 21 giờ rồi tắt để đi ngủ, tôi lấy đèn pin của bố rồi trùm chăn đọc. Sáng ra, tôi trả đèn dưới gối bố rồi đi học, tối về nghe ông phàn nàn không hiểu sao pin mềm nhũn hết cả. Thế rồi, tôi đem truyện đến lớp cho các bạn thuê lại, thay nhau đọc. Khoảng hơn một tuần tôi thu hồi được vốn. Sau đận ấy, việc thuê và cho thuê lại truyện Kim Dung khiến tôi “có tích lũy”.
Trong ký ức thuở học trò, tiểu thuyết Kim Dung khơi dậy ước mơ ham hiểu biết, được hành hiệp trượng nghĩa qua từng nhân vật chính diện, cũng như phản diện. Nhân vật được ông khắc họa theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt. Trương Vô Kỵ trong “Ỷ thiên đồ long ký” hoàn hảo từ trí tuệ đến võ công. Quách Tĩnh trong “Anh hùng xạ điêu” nhân hậu, khờ khạo nhưng lại được bù nhờ sự sắc sảo từ người vợ Hoàng Dung.
Dương Quá của “Thần điêu đại hiệp” thì thông minh nhưng cực đoan. Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” thì quá ma lanh, sự tinh khôn của một người vượt lên từ đáy xã hội. Chỉ có Tiêu Phong ở “Thiên long bát bộ” là nhân vật đàn ông đúng nghĩa, vừa tài giỏi, trượng nghĩa, vừa chung thủy, sâu sắc… Nếu lúc nhỏ ta thích được anh hùng cái thế, đáng bậc trượng phu như Quách Tĩnh, Kiều Phong thì lớn hơn chút lại ước mình được phong lưu như Lệnh Hồ Xung, Đoàn Dự hay Vi Tiểu Bảo...
Đề cao lòng yêu nước và nghĩa khí
Nếu như thời thơ ấu, tìm đến tiểu thuyết Kim Dung theo kiểu có gì đọc nấy thì đến bậc đại học tôi bắt đầu đọc có hệ thống hơn. Tôi tìm đọc từ những tác phẩm đầu tiên như: Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm cho đến các bộ truyện có sự gắn kết về thời gian để hiểu hơn về cốt truyện, các tuyến nhân vật cũng như sự gửi gắm triết lý của nhà văn. Có thể thấy, chủ nghĩa yêu nước là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Kim Dung. Sự độc lập tự chủ của dân tộc Hán luôn được ông nhấn mạnh, nhất là trong các tác phẩm có bối cảnh Trung Quốc bị đe dọa bởi những người Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ…
Dần dần chủ nghĩa yêu nước trong tiểu thuyết của ông cũng bao gồm cả các dân tộc ít người tạo thành Trung Quốc rộng lớn bây giờ. Ví dụ, trong “Anh hùng xạ điêu”, Thành Cát Tư Hãn và các con của ông được nhấn mạnh là những vị tướng tài ba, những dũng sĩ kiêu hùng trên đại mạc. Khang Hy trong “Lộc đỉnh ký” là vị vua tài năng, có lòng trắc ẩn với ước muốn hòa hợp dân tộc để xây dựng một đại Thanh lớn mạnh. Hay Tiêu Phong trong “Thiên long bát bộ”, dù là người Khiết Đan nhưng được người Hán nuôi dưỡng nên đã vì người Hán mà ngăn cản vua Liêu tiến quân, tránh được cuộc chiến tranh tàn khốc.
Còn nhớ, lúc trà dư tửu hậu, nói về tiểu thuyết Kim Dung, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhận xét, các tác phẩm của ông giống như cuốn từ điển thu nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa. Ông đã đề cập đến nhiều lĩnh vực từ y thuật, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo…, cho đến các triết lý của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão… Ông đã tôn trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là các mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, anh em, nhất là giữa sư phụ với đồ đệ và giữa các huynh đệ với nhau.
Truyện Kim Dung có nhiều nhân vật được khắc họa theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt. Về bản chất, các nhân vật chia rõ chính - tà nhưng sự thật tà không hẳn là gian ác, mà chính cũng không thuần là nhân nghĩa. Có những nhân vật ra mặt đức độ rất lâu như Nhạc Bất Quần trong “Tiếu ngạo giang hồ”, đến một lúc nào đó lại hiện rõ sự gian ác, tráo trở làm người đọc không khỏi bất ngờ. Duy chỉ Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” là không theo mô thức của các nhân vật chính, không phải là một biểu tượng của một anh hùng hảo hán, chính tà bất phân, không theo một tiêu chuẩn đạo đức nhất định, nhưng sống “nghĩa khí”, hết lòng vì bạn.
Nhà văn Vũ Đức Sao Biển, người thực hiện bộ biên khảo 5 tập: “Kim Dung giữa đời tôi”, viết về 12 bộ sách võ hiệp của Kim Dung từ phong cách xây dựng nhân vật, võ công, tình yêu, rượu, âm nhạc đến pháp luật… nhận định: Điểm nổi bật trong tác phẩm Kim Dung chính là lòng nhân đạo, nhân ái. Kim Dung đi vào chiều sâu tâm linh, trí tuệ, biểu dương tình yêu thương giữa con người với con người.
CAO SƠN
Tác giả tiểu thuyết võ hiệp huyền thoại Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, vừa qua đời ở tuổi 94, sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Kim Dung sinh ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), trong một gia tộc khoa bảng. Ông là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập và là tổng biên tập đầu tiên của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959. Trong 17 năm, từ 1955 - 1972, ông đã viết 15 cuốn tiểu thuyết. Với 300 triệu bản in đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia…, ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. Tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử… Tháng 2/2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc.

Nhai bắp rang đọc truyện Kim Dung

Có một thời tôi từng mơ màng như nhân vật “em” trong “Bài thơ thứ hai gửi cho người tình sầu cố xứ” của Trần Dzạ Lữ: “Em ước mùa đông trong chăn ấm/ Nhai bắp rang đọc truyện Kim Dung…”. Nhưng rồi ước mơ vẫn chỉ là mơ ước thôi. Vì hồi ấy, nhà nghèo, làm gì có chuyện vừa nhẩn nha bắp rang vừa “nhai” truyện của nhà văn Kim Dung. Đến lúc mua được truyện Kim Dung thì đã qua rồi thời nhai bắp rang thay cơm.
Thuở ấy, đến nhà bạn học nhóm, thấy chị của bạn chong đèn đọc Kim Dung, trong tôi dậy lên cảm giác thèm thuồng, chỉ là thèm đọc sách mà thôi. Mỗi khi giải xong bài tập, tôi lân la đọc ké. Vì đọc ké những chương hồi không đầu không cuối nên chỉ hiểu lơ mơ nhưng luôn mơ màng về những nhân vật trong sách.
“Sau này có tiền, nhất định mua truyệnn của ông về đọc cho thỏa thích!” - là tôi tự nhủ. Nhưng trước khi có đủ khả năng mua sách, tôi đã kịp xin tiền mẹ đạp xe đến tiệm ở gần chợ thuê sách về đọc. Tranh thủ đọc đến quên mọi thứ, đọc rất vội. Vừa nhanh trả cho chủ tiệm để đỡ tốn tiền thuê (tính bằng ngày) và để đổi quyển khác. Có lúc đọc say sưa, để nồi cơm cháy khét hoặc nồi rau luộc chín đến nhuyễn nhừ.
Sau này một vài nhà trong thôn sắm được ti vi và đầu đĩa thì cả xóm chung tiền thuê băng đĩa phim kiếm hiệp được chuyển thể từ truyện của Kim Dung về xem chung. Vậy mà lạ, sau này, được sở hữu trọn bộ sách của Kim Dung trên giá sách nhưng cảm giác lại không thú vị bằng hồi thuê sách đọc. Nhớ những trang sách ố vàng, nhàu nhĩ. Có trang không lành lặn, bị mất chữ nên vừa đọc trang sau vừa suy ngược lại tình tiết, diễn biến của trang trước.
Mỗi quyển sách hay mỗi tác giả đều đem đến cho người đọc những cảm nhận riêng. Với Kim Dung, tôi tin rằng ông đã thổi những ước mơ bay bổng vào tâm hồn thơ trẻ của bao nhiêu người, trong đó có tôi. Người mơ một lãng tử giang hồ hành hiệp trượng nghĩa; người mơ về một giai nhân tuyệt sắc lang bạt kỳ hồ.
Tôi mê Kim Dung không chỉ vì những thế kiếm điêu luyện liên miên như nước chảy hoa trôi của những cao thủ kiếm thuật hay sự gặp gỡ và chia ly của những cặp “tiên đồng ngọc nữ”; mà trên hết, điều đọng lại sau cùng là triết lý nhân văn thấm đẫm ông gửi qua từng trang sách: chính thắng tà.
CHÂU NỮ

Phan Nam (tổng hợp nhiều nguồn)


Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí sông Hương số 357, tháng 11.2018

8:11 AM |

Tháng 11, những vần thơ về nhà giáo trong số báo này mang hơi thở khác lạ về nghĩa thầy trò tiềm ẩn như những hạt giống luôn sẵn sàng nhú mầm nơi miền ký ức màu mỡ. Ý tưởng mạnh, những câu thơ phảng phất nét vẽ thơ ngây song thăm thẳm tình đời tràn ra khỏi bài học trong trang vở đã lấm màu thời gian.
Mảng văn xuôi số này. “Tình yêu” đưa ta về vùng quê xưa lưu dấu tuổi mới lớn với những rung động đầu đời mà chính lũ con gái đương độ dậy thì không định nghĩa được, và rồi bỗng một ngày chững lại bâng khuâng ngóng gió hè, say mê ngắm những cánh đồng gió đùa trên sóng lúa chập chờn, say nước sôngtràn hoa nắng, say con đò và say gì chẳng biết nữa... Trên những bụi tre lào xào, con chim cu gáy, chim bìm bịp vẫn kêu. Và dường như bên bến sông lồng lộng gió trời vẫn in bóng câm lặng của người ấy đứng chờ cho đến tuổi hoa niên. “Gam màu lạnh” như ngọn gió hanh hao lùa qua hẻm phố xưa với vài ba khuôn mặt thấp thoáng tuồng không quen biết song lộ ra dấu vết sợi duyên tình trói buộc. Những tổ ấm nổi trôi giữa vùng ký ức cuộn sóng. Vài chiếc bóng nhòa vào nhau rồi tan ra, rồi nhập lại trong cơn đau của niềm hạnh phúc mong manh và lầm lỗi vẫn ánh lên sắc màu khi bóng của một người đàn ông bỗng đổ xuống lạnh lùng…
Mảng nghiên cứu mở ra nhiều hướng tiếp cận. “Giọng điệu văn chương Sơn Nam” nhìn lại một di sản hơn 60 đầu sách thuộc nhiều thể loại của nhà văn Sơn Nam. Qua sự phân tích và dẫn dụ, các tác giả làm bật lên tình cảm chân thành của chính tác giả đối với nhân vật của mình. Những con người tự nhiên đi vào tâm thức nhà văn, đi lại nói cười trong trang văn của Sơn Nam hòa quyện trong sự bao dung lẫn nhau, dìu nhau đi qua những hoàn cảnh khắc nghiệt, và đó cũng là cách để tác phẩm của Sơn Nam đi cùng năm tháng. “Bước đầu tìm hiểu lối nối vòng trong đồng dao” viết về một dạng văn học dân gian được cấu tạo theo lối nối vòng rất tự nhiên, thanh thoát, càng đọc càng thú vị như là một sáng tạo độc đáo và vô tình nghệ thuật văn chương của đồng dao đã đóng góp đáng kể cho kho tàng văn chương Việt. “Ba vùng mỹ thuật hiện đại Việt Nam” nhận chân những thành tựu của những họa sĩ bậc thầy về hội họa Việt Nam. Bằng tài năng và đặc biệt là tâm huyết với cội nguồn văn hóa dân tộc, họ đã thúc đẩy tiềm năng sáng tạo từ chính truyền thống để tạo nên những tác phẩm lớn. Cho là thấy xu hướng và khả năng “đi tắt” của các họa sĩ Việt Nam mong đạt đến đẳng cấp của các bậc thầy thế giới. “Những tập thơ đầu tiên của tôi” - Pablo Neruda luôn tâm niệm rằng “nhà thơ, ít nhất, phải là nỗ lực cá nhân vì lợi ích của tất cả mọi người”. Những cảm thức kỳ lạ đối với một người vừa viết những tập thơ và dòng thơ đầu tiên như Neruda vừa ám ảnh, vừa mãnh liệt, và đặc biệt nó cô độc mà dường như kết nối vô hình với những hình tượng đã sẵn.
Dưới đây là Mục lục:
VĂN
- TÌNH YÊU - Phạm Ngọc Túy
+ Minh họa: Phan Thanh Bình
- BIỂN - Lê Vi Thủy
+ Minh họa: Lê Văn Ba
- GAM MÀU LẠNH - Nhụy Nguyên
THƠ:
- NGUYỄN NHẬT HUY
+ Thế giới hình chai vỡ
- NHẬT CHIÊU
+ Đón đợi thu không
- HUỲNH MINH TÂM
+ Trong hương cỏ mùa thu
+ Chúng ta hư đốn
- NGUYỄN THÁNH NGÃ
+ Ngày sinh của chiếc lá
- NGUYÊN HÀO
+ Phận chữ
+ Nét vẽ hình chữ nhật
- YẾN THANH
+ Đường tròn của thầy
- TRƯƠNG THỊ KIM THỦY
+ Chỉ là...
- NGUYỄN CHÍ NGOAN
+ Mê lộ giấc mơ
+ Mật ngữ đồng bằng
- NGÔ THỊ Ý NHI
+ Mặt trời đi trong chiều sương
+ Sương
- NGUYỄN THIỆN ĐỨC
+ Ánh sáng của đêm thẳm
+ Sự sâu thẳm của bóng đêm
- KAI HOÀNG
+ Trên con dốc của chiều
+ Những phố
- LƯU XÔNG PHA
+ Trên cánh gió
- SƠN TRẦN
+ Tản mạn phía
+ Vấp
- TRẦN TỊNH YÊN
+ Bản thảo tro bụi
- NGUYỄN VĂN THANH
+ Với các bệnh nhi ung thư
Sông Hương (ảnh internet)
NHẠC:
- Lời thầy - Nhạc và lời: TRẦM TÍCH
- Lặng lẽ trong đời - Nhạc và lời: NGUYỄN TẤT NGÃI
NGHIÊN CỨU VÀ BÌNH LUẬN
- GIỌNG ĐIỆU VĂN CHƯƠNG SƠN NAM - Hà Trần Thùy Dương - Phạm Phú Phong
- BA VÙNG MỸ THUẬT HIỆN ĐẠI VIỆT NAM - Vũ Hiệp
- BẢN CHẤT CỦA LỐI NỐI VÒNG TRONG ĐỒNG DAO - Triều Nguyên
CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI
- NHỮNG TẬP THƠ ĐẦU TIÊN CỦA TÔI - Pablo Neruda - Ngô Thanh Tuấn dịch và giới thiệu
- KÝ ỨC VÀ PHẢN CHIẾU: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ LẠI VIỆT NAM CỦA MỘT CỰU BINH MỸ - William D. Adams - Văn Cầm Hải dịch và giới thiệu
*Huế, dòng chảy văn hóa
- NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐÀNG TRONG: VĂN CHỨC QUỐC SƯ HỒ QUANG ĐẠI - Trần Đình Hằng - Lê Đình Hùng
- TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO CỦA NGUYỄN VĂN THÀNH  ĐỐI VỚI XIÊM LA VÀ MÃN THANH DƯỚI THỜI NGUYỄN - Đặng Thị Thanh Loan
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM:
- MỌC NHƯ MỘT KIÊU HÃNH LẶNG CÂM… - Phan Văn Nam
* Những khoảnh khắc đẹp (Bìa 3):
- “Ra đầm”. Ảnh: NSNA TUYẾT MAI
* Bìa 2: Hội họa của Francis Bacon - TRẦN PHƯỢNG TRÚC LINH
* Bìa 1: Tác phẩm “Đêm trăng ấy” (Sơn dầu, 80cm x 80cm, 2018) của họa sĩ NGUYỄN VĂN TÙNG
- Vi nhét: NGUYỄN THIỆN ĐỨC 

Xem tiếp…