NGUYỄN NHÃ TIÊN
Tiểu sử:
Bút hiệu khác : Dã Châu
Sinh ngày 9.10.1952
Quê làng Phường Đông (Mỹ Hảo), Xã Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam
Chỗ ở hiện nay: Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Dạy học, viết báo, làm thơ, viết văn, bình luận phê bình…
Hội viên Hội Nhà Văn Thành Phố Đà Nẵng
Tác phẩm chính:
* Tập thơ: Cõi về (Nxb Đà Nẵng 1997)
* Tập thơ: Khúc hồi âm của lá (Nxb Hội Nhà văn 2003)
* Tập bút ký và truyện ngắn: Ngày bắt đầu truyền thuyết (Nxb Đà Nẵng 2007)
* Tập bút ký: Đi tìm huyền thoại cho đất (Nxb hội nhà văn 2015)
Tác phẩm sắp xuất bản:
* Tiểu luận: Gió thổi miền bất diệt
* Tập truyện ngắn: Nơi đất gọi chim về
* Thơ Nguyễn Nhã Tiên
|
Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên: cây bút viết tản văn có nghề (lời nhà thơ Thanh Quế) vừa cho ra mắt tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” được đông đảo độc giả đón nhận. Nói về tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật giới thiệu: “Tập bút ký Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã Tiên (NXB Hội nhà văn, 8.2015) gồm 45 bài, được viết trong nhiều năm tháng, hầu hết đã đăng trên nhiều báo và tạp chí trên cả nước là một cuộc truy tìm lại những mảnh vỡ của sự vĩnh hằng, được ghi chép bằng tiếng nói mơ hồ mà có thực của dòng tâm thức”. Còn nhà văn Bùi Xuân (hội nhà văn TP Đà Nẵng) nhận định: “Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã Tiên rộng mà không bị dàn trải, ngắn mà vẫn chứa đựng hồn cốt. Hồn cốt đó chính là cái bản sắc văn hóa vùng miền mà nhà thơ ngộ ra khi đến và kể lại bằng giọng điệu văn chương tự sự có bản sắc riêng của mình”.
Mới đây nhất, theo thông báo của hội đồng nghệ thuật của hội nhà văn TP Đà Nẵng, tập bút ký của nhà văn Nguyễn Nhã Tiên nhận được tặng thưởng văn học 2015 của hội (giải A). Nhân dịp này tôi có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Nhã Tiên xung quanh tác phẩm này. Kính mời theo dõi:
- Xin chào nhà văn Nguyễn Nhã Tiên, nhà văn có chia sẻ là phải đến 10 năm tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” mới ra mắt bạn đọc, vậy nhà văn có thể chia sẻ đôi điều tại sao cuốn sách thành hình lại mất nhiều thời gian như vậy?
- Gọi mười năm là một con số ước lệ, có thể lâu hơn hoặc ngắn hơn, kể từ khi “thai nghén” đến khi hoàn thành tác phẩm tôi phải dồn hết tâm sức trong một khoảng thời gian để đi, cảm và viết, có thể là 5 năm đến 7 năm, hoặc có thể là tròn 10 năm. Thứ hai, nói 10 năm để cho ra “đứa con tinh thần” tới tay bạn đọc là một quá trình đầu tư cho tác phẩm thật sự nghiêm túc và tâm huyết, để tác phẩm đọng lại sức sống trong lòng những độc giả luôn quý mến và dành tình cảm cho những tác phẩm của Nguyễn Nhã Tiên.
Trong đời sống nhà văn, kinh tế hết sức khó khăn làm cho tác phẩm ra đời chậm, vì tôi là người hoàn toàn sống nhờ nghề viết. Tình hình văn hóa đọc bây giờ… ngay cả khi tác phẩm được in trong 10 năm mới được 1 cuốn sách nhưng cũng chưa chắc phát hành hết. Nếu như tên tôi quen biết với độc giả, được nhà xuất bản lưu tâm thì được chi trả nhuận bút bằng số sách phát hành, kể cả sách tặng. Vì vậy, có 2 nguyên nhân là lý do sáng tác, điều kiện kinh tế nên phải mất tới gần 10 năm tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” mới được trình làng.
 |
Tác phẩm "Đi tìm huyền thoại cho đất"
|
- Chắc chắn, trong 10 năm nhà văn đã đi qua rất nhiều miền đất với nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, vậy nhà văn có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những chuyến đi ấy?
- Cuộc đời làm báo, làm văn nghệ phải đi nhiều, muốn đi nhiều và “khát” đi nhiều. Có nhiều vùng đất mình nặng nợ tình cảm, nơi mà “linh hồn” của đất níu bàn chân lại thì tôi dừng ở đó lâu và thường thường những tác phẩm ra đời sau đó là những bài viết hay, những tác phẩm tâm đắc. Trong hành trình sáng tạo ra tác phẩm “đi tìm huyền thoại cho đất”, tôi cố gắng đi thật nhiều để giải mã những ẩn ngữ, những bậc ngôn của đất, của gạch, của đá… để “nghe” những di sản hữu hình đó đang nói gì…
Trong những chuyến đi lên miền núi Tây Bắc tôi nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ địu con lên nương, mẹ hát ru con bao nhiêu lời thì tự bao giờ thấm vào trong vô thức và đến đời con cũng hát những lời ru đó, cũng thuộc những khúc ru đó. Như vậy nó trở thành biên giới vô hình trong văn hóa cộng đồng, tôi đi qua và phát hiện những điều tưởng chừng giản dị nhưng phát hiện đó lại tái hiện rất chân thực và là chất liệu chính để tôi sáng tạo ra những tác phẩm.
Bài viết “Mỹ Sơn – nhớ và quên”, nằm trong tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất” với ý đồ là phải tôn vinh Mỹ Sơn: một di sản văn hóa hữu hình, nhưng cái để tạo ta một Mỹ Sơn đẹp trong lòng mọi người chính là cái “siêu hình”. Gọi là siêu hình bởi vì những thời đại đi qua nó, những con người đi qua nó, những con người đóng góp cho Mỹ Sơn bằng những tác phẩm cũng đi qua nó… đã tạo cho Mỹ Sơn một linh hồn níu chân du khách, tỏa sáng trong di sản văn hóa nhân loại.
Đi đến Mỹ Sơn, được gặp những du khách, những nhà nghiên cứu với tâm huyết bảo vệ và trùng tu Mỹ Sơn làm cho tình cảm của tôi dành cho Mỹ Sơn rất đặc biệt, nên cảm xúc cũng lên ngôi trong các bài viết của tôi về Mỹ Sơn. Theo tôi, di sản cần được phát huy bằng sự “điêu tàn”, ở đó ta có thể lắng nghe “thời gian vỡ trên từng viên gạch”.
- Là một nhà thơ với rất nhiều tập thơ rất nổi tiếng như “Cõi về” (NXB Đà Nẵng 1997), “Khúc hồi âm của lá” ( NXB hội nhà văn 2003), vậy nhà văn Nguyễn Nhã Tiên có thể cho biết cơ duyên nào giúp nhà văn chuyển sang viết văn xuôi và đặc biệt thành công ở thể loại bút ký.
- Không thể nói là “chuyển” thơ qua bút ký mà đó là hệ quả tất yếu của hoạt động văn học. Cái đẹp của thơ chính là từng khoảnh khắc, từng tia chớp, từng ánh lửa… Còn văn xuôi có nhiều hình thức thể hiện, đối với tôi mỗi tác phẩm văn xuôi là một nỗi niềm xúc động, những góp nhặt, một nhu cầu kể chuyện, phơi bày gương mặt thời gian qua từng vùng đất, trong đó còn là sự cảm nhận và ký gửi những màu sắc văn hóa khác nhau hiện lên trên từng tác phẩm.
Ví dụ như tôi nghe tiếng nước Thu Bồn, mà từ âm thanh tiếng nước tôi nghe ra tiếng người con gái gội đầu bên sông, tức là âm thanh của mỗi vùng đất muốn nói với tôi điều gì. Theo tôi viết bút ký không phải là chụp hình minh họa lại thế giới mà cái cốt là ta cảm nhận được điều gì, thông điệp sẽ nằm ở đâu trong tác phẩm, đó mới chính là nhu cầu tự thân của thể loại bút ký. Tôi đã viết bút ký ở những buổi đầu cầm bút và trong những khoảng thời gian nhất định tôi sẽ tập trung viết ở những thể loại nhất định, cái chính là mang đến độc giả tác phẩm mà tôi ưng ý nhất, có đủ sức chuyển tải những thông điệp mà tôi muốn nói, có thể đủ sức lay động lòng người.
 |
Nhà văn trong một buổi giao lưu (ảnh: internet)
|
- Là một tác giả chuyên viết tản văn, bút ký, vậy nhà văn có thể chia sẻ quan điểm về ý kiến: tản văn có phải là fast – food không?
- Tôi xin khẳng định là không. Nói hình tượng “mỳ ăn liền” cho vui chứ thực ra một tác phẩm tản văn khi ra mắt bạn đọc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tôi cho rằng một tác phẩm tản văn là sự lên ngôi của cảm xúc, là “lát cắt” của bản sắc văn hóa. Đã là một văn nghệ sĩ thì cái máu thường hằng của anh, cái nhạy cảm nhất của anh chính là mạch cảm xúc, chính là sự nhạy bén để soi chiếu vấn đề dưới nhiều hình thức khác nhau và những góc độ khác nhau.
Ví dụ như khi tôi viết tản văn “tiếng chim kêu” trong một khoảnh khắc nào đó, tất nhiên là không thể giống “mỳ ăn liền”, đó là giây phút tôi muốn được bày tỏ tâm trạng, xúc cảm thông qua điểm nhìn và một thông điệp gần gũi để bạn đọc có thể cảm nhận, đồng cảm. Giữa cái bát nháo của đời sống xã hội, nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ ra đời làm người ta ngộ nhận giá trị đích thực của văn chương, đặc biệt là tản văn. Tuy nhiên, có một câu danh ngôn mà tôi rất yêu thích là “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, vì thế tôi tin nếu như nhà văn có cái tâm với tác phẩm của mình thì bất cứ thể loại nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.
- Khi
đọc tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất”, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật có bình
luận: Văn của Nguyễn Nhã Tiên có “chất thơ đậm đà của một nhà thơ khi viết văn
xuôi”, vậy nhà văn có thể chia sẻ quan điểm về bình luận này của Nguyễn Đông
Nhật?
- Nguyễn Đông Nhật là một nhà thơ nên ông ấy nói bằng kinh
nghiệm, bằng trực giác mách bảo, mà trực giác mách bảo thì thường đúng. Dĩ
nhiên sau này Nguyễn Đông Nhật có nói thêm một câu mà tôi thường lưu tâm khi
viết bài lý luận phê bình: cái bản năng như con ngựa buông cương chạy trên
đường làng, nếu như người mê với gió, mê với đường xa thì thả cho cơn mê đó
trôi miên man; còn người tỉnh táo thì kìm dây cương giữ lại.
- Thông
điệp chính mà nhà văn muốn gửi đến độc giả qua tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho
đất”?
- Hành trình “đi tìm huyền thoại cho đất” là hành trình đi
tìm cái đẹp của những vùng đất mà ẩn chứa trong nó những mật ngôn, những giá
trị… mà nhà văn sẽ không bao giờ lý giải hết. Tôi muốn khẳng định những vùng
đất mãi mãi là huyền thoại với những nét đặc trưng về tự nhiên, về văn hóa và
tính cách con người của vùng miền đó.
- Sau
tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất” nhà văn có dự định tiếp tục viết bút ký
hay theo đuổi ở những thể loại khác?
- Thì tôi vẫn viết hàng ngày bởi vì nghiệp viết đã “đeo bám”
nên rất khó dứt bỏ, nếu có thể tôi cũng rất muốn xuất bản cuốn “Đi tìm huyền
thoại cho đất” 2. Nhưng như đã nói ở trên điều kiện kinh tế khó khăn làm cho
tác phẩm ra đời chậm, hơn nữa tôi không cho phép sự dễ dãi trong từng câu chữ,
đòi hỏi tôi viết văn rất “khó”, mỗi tác phẩm là sự chăm chút tỷ mỷ và tâm
huyết. Tôi cũng xin cảm ơn sự giúp sức của xã hội để tác phẩm nhanh chóng tới
tay bạn đọc.
- Mới
đây, tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất” được xét tặng thưởng của Liên hiệp
các hội văn học nghệ thuật thành phố, vậy nhà văn có thể chia sẻ đôi chút cảm
xúc? Liệu đây có phải là sự công nhận cho một tác phẩm tâm huyết?
- Tôi cũng xin nói rất thật là cảm ơn sự trân trọng của mọi
người dành cho tác phẩm. Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi độc giả đón
nhận tác phẩm, và cảm thấy rất vui khi ở đây được bạn bè, mọi người, các văn
nghệ sĩ thân hữu đều thuộc lòng tâm hồn của mình, biết đến tính cách con người
của mình nữa.
- Cuối
cùng, nhà văn có lời khuyên nào dành cho các cây bút trẻ muốn dấn thân vào nghề
viết?
- Đừng bao giờ giả dối, người trẻ hãy khởi hành nghề viết
bằng những chất liệu chân thực. Hãy sáng tạo tác phẩm từ niềm xúc động, đi từ
sự rung cảm của trái tim để tạo sự sâu lắng và tạo thành thông điệp nhân văn
trong tác phẩm. Đích thực của đời sống thi ca, vốn là “bào thai”, những bờ bụi,
những phù phiếm sẽ rơi rụng và không tồn tại.
- Xin chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhã Tiên, kính chúc
nhà văn sức khỏe, có nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
PHAN
NAM thực hiện
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.