Có thể nói năm
2017 là một năm khá khởi sắc đối với văn học thành phố. Dù ở mỗi thể loại khác
nhau nhưng hầu hết các tác phẩm đều được các tác giả tập hợp, tuyển chọn rất
công phu nên chất lượng khá đồng đều. Những trang viết đã mang hơi thở cuộc
sống và gần gũi hơn với người đọc, góp phần tạo nên không khí văn học thành phố
thêm sôi động.
Chất
lượng khá đồng đều
Nhà thơ
Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố cho biết, trong năm qua, các
hội viên của Hội Nhà văn thành phố đã xuất bản 19 tác phẩm, trong đó có 1 tiểu
thuyết tái bản của nhà văn Thái Bá Lợi viết về chiến trường Thừa Thiên
Huế-Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công chiến dịch Tết Mậu
thân 1968. “Trong 19 tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố
xét thưởng có 4 tác phẩm được đánh giá cao, bao gồm: tập truyện dài Chó hoang của nhà văn Bùi Tự Lực
viết cho thiếu nhi. Tập truyện với bút pháp được trau dồi, nội dung chất lượng
cao. Dù mới ra đời chưa được 1 năm nhưng tác phẩm tái bản 2 lần. Tác phẩm này
cũng được Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) thành phố trao giải
thưởng. Một tác phẩm nữa là tập truyện và ký có tên Trầm của tác giả Phạm Phát
được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải A. Tuy đã ngoài 84 tuổi nhưng
với kinh nghiệm qua thời kỳ kháng chiến, cán bộ lãnh đạo thành phố, bút lực của
ông vẫn rất dồi dào. Với giọng văn súc tích, có chất văn trong từng truyện
ngắn, ông đã đưa người đọc quay trở về những kỷ niệm thời chiến tranh và thấm
đẫm tình người sau cuộc chiến. Hai tác phẩm tiêu biểu nữa là tập truyện ngắn Những cuộc hẹn bên lề của Trần Trung
Sáng và tập thơ Kéo co với mùa
Xuân của nhà thơ Nguyễn Kim Huy”, ông Nguyễn Nho Khiêm nhận xét. Có
thể nhận thấy rằng, với tập truyện ký Trầm, qua cách hành văn trong sáng, giản
dị, nhưng khá xúc động, tác giả Phạm Phát đã giúp người đọc có thêm cái nhìn
nhân văn về tình yêu thương con người với những vết thương chưa lành hẳn khi họ
bước ra khỏi cuộc chiến. Trong khi đó, tác phẩm Chó
hoang, bằng sự chịu khó quan sát trong nhiều năm về những chú chó hoang,
tác giả Bùi Tự Lực đã có những nét khắc tinh tế về tính cách của con Vằn, gửi
gắm đến độc giả nhỏ tuổi rằng, “hãy yêu thương con người, yêu thương loài vật,
bởi khi sống có tình yêu thương chúng ta mới hạnh phúc”. Còn Những cuộc hẹn bên
lề của tác giả Trần Trung Sáng lại đem đến người đọc nỗi thương cảm, day dứt,
luyến nhớ bằng mạch văn mộc mạc, chân chất. Bên cạnh đó, văn học trẻ thành phố
cũng xuất hiện những cây bút mới, đặc biệt là tác giả Trương Thị Bách Mỵ chưa
phải là hội viên của Hội Nhà văn thành phố nhưng đã ra tập thơ Đêm chảy dài trên tóc, khẳng định được tên
tuổi của mình với những bài thơ có chất. Ngoài ra còn xuất hiện có một số cây
bút đáng chú ý như Lê Nguyễn Quốc Việt với tập truyện ngắn Sương trắng, Đỗ Thượng Thế với tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa…
Khích
lệ sáng tác
Có được kết quả trên phải
kể đến sự quan tâm của Hội Nhà văn thành phố trong việc tạo điều kiện, khơi gợi
cảm hứng cho các tác giả từ những chuyến đi thực tế, cụ thể là việc tổ chức cho
các hội viên tham gia các trại sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trong
năm 2017, Hội đã tổ chức đi thực tế ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) và thành phố
Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy chỉ đi trong một thời gian ngắn nhưng các hội viên
đã xây dựng đề cương của mình. Trong 19 tác phẩm được xuất bản trong năm qua có
một số tác phẩm hoàn thành ý tưởng từ các trại sáng tác.
 |
Các đại biểu tham dự hội nghị văn trẻ Đà Nẵng 2017 (ảnh: Đinh Trang) |
Bên cạnh đó, Hội cũng
đã tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ (mở rộng) với sự tham
gia của 36 tác giả trẻ đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa
Thiên-Huế, Quảng Trị và Hải Dương. Chia sẻ về ý nghĩa của hội nghị này, anh
Phan Nam, một cây bút trẻ cho biết: “Hội nghị đã giúp kết nối những người viết
trẻ xích lại gần nhau hơn, tạo nên không khí đoàn kết, thân mật và gần gũi. Ở
đó, tôi được nghe những chia sẻ, ý kiến của các tác giả trẻ trên con đường sáng
tạo không mệt mỏi. Tuy vẫn còn thiếu một số đại biểu là các tác giả nổi bật
trên văn đàn trẻ miền Trung nhưng các đại biểu tham dự đúng chất “trẻ”, đầy
nhiệt huyết và sôi nổi. Hội nghị đã góp phần tạo thêm động lực để tác giả trẻ
tiếp tục hành trình sáng tác và chinh phục bạn đọc”. Anh Trương Công Tưởng, một
cây bút trẻ đến từ Bình Định tham gia hội nghị cũng đề xuất, trong hội nghị lần
sau, Hội Nhà văn thành phố cần mời thêm nhiều tác giả trẻ có tên tuổi để các
tác giả trẻ có cơ hội làm quen, giao lưu, trao đổi; đồng thời hỗ trợ kinh phí,
tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, biểu dương lực lượng và nội lực của những
người viết trẻ. Theo ông Nguyễn Nho Khiêm, thế hệ những nhà văn sau 1975 hầu
hết là các cây bút chủ lực nhưng lớn tuổi và cần có thế hệ nối tiếp. Một thế hệ
trẻ mới tiếp nối đã có cách nhìn khác, giọng văn khác, những người đi trước cần
có trách nhiệm săn sóc, giúp đỡ. Tuy lớp trẻ có nhiều điều kiện sáng tác hơn
trước nhờ được học hành bài bản, biết ngoại ngữ, viết nhanh nhưng nếu chọn nghề
viết thì chưa thể sống được nên bị chi phối nhiều. Do đó, việc đam mê viết chỉ
trở thành nghề tay trái. Dù chưa có kinh nghiệm tổ chức nhưng hội nghị đã có
những thành công nhất định, góp phần giúp lớp trẻ hòa nhập nhịp sống văn học
của thành phố. Với chủ trương đưa thi ca gần hơn với đời sống người dân thành
phố, nhân dịp Ngày Thơ Việt Nam 2018 (15 tháng Giêng), Hội Nhà văn thành phố
phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức đêm thơ tại Trung tâm Hành chính quận
với chủ đề “Thơ đồng hành cùng đất nước” và giao ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà
hát Trưng Vương làm tổng đạo diễn chương trình. “Năm nay, Hội chọn quận Liên
Chiểu để tổ chức đêm thơ, bởi vừa qua Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa-Thể thao và
Du lịch công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia, đồng thời hội cũng
mong muốn nhấn mạnh đến văn hóa phía tây bắc của thành phố”, ông Khiêm khẳng
định.
 |
Tuyển thơ "như tiếng biển đêm" gồm 20 tác giả nữ Đà Nẵng ra mắt bạn đọc nhân dịp xuân Mậu tuất 2018 |
Vào đầu tháng 3-2018, Hội Nhà văn thành phố sẽ tổ chức tọa đàm “Thơ nữ Đà
Nẵng, nội dung và thư pháp” nhân dịp Hội Nhà văn xuất bản tuyển tập Như tiếng biển đêm của 20 tác giả nữ
thành phố. Trong đó có một số cây bút đáng chú ý như Hoàng Thị Thương (Quế
Hương), Đinh Thị Như Thúy, Khánh Hồng, Ngô Thị Thục Trang… Sự ra đời của tuyển
tập này nhằm khẳng định những đóng góp tích cực của lực lượng sáng tác nữ của
thành phố đối với lĩnh vực văn học thành phố trong thời gian qua. “Đây là một
sự khích lệ lớn đối với các tác giả nữ. Sáng tác là một công việc rất... cô
đơn, nhưng được ghi nhận, được đánh giá đúng cũng là một nhu cầu rất đỗi tự
nhiên của người cầm bút, dù là chuyên hay không chuyên. Và tôi rất háo hức mong
chờ ngày ra mắt tuyển tập này để được thưởng thức những tác phẩm tâm huyết, đầy
tính nữ của các cây bút mà mình yêu thích”, chị Ngô Thị Thục Trang khẳng định.
ĐOÀN LƯƠNG
Nguồn: baodanang.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.