Thế kỉ 20 vốn là thời đại vàng son của văn học
Anh, Pháp, Mỹ với một kho tàng văn học vĩ đại. Bên cạnh đó, nước Úc cũng có một
tài năng nở rộ, đó chính là nữ nhà văn Colleen McCullough cùng cuốn tiểu thuyết
sáng giá của thế giới Tiếng chim hót trong bụi mận gai.
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của nữ tác giả
này, hẳn ta sẽ ngạc nhiên khi bà không phải một cây bút chuyên nghiệp mà chỉ là
một nhân viên y tế bình thường. McCullough từng có mơ ước được trở thành bác
sĩ, bà đã cố gắng vượt qua mọi rào cản trong nghịch cảnh để tìm đường vươn tới
ước mơ. Trên con đường ấy, tất cả những gì nhà văn đã trải qua: tuổi thơ cay đắng,
những định kiến, một gia đình thiếu tình thương dành cho bà… tất cả như trở
thành những giọt nước mắt mang nỗi đau và khát vọng hạnh phúc của những con người
nghèo khó, đặc biệt là người phụ nữ hoàn toàn được bà gửi vào tác phẩm Tiếng
chim hót trong bụi mận gai. Đâu đó trong cuốn tiểu thuyết đã mang những dấu ấn bất
hạnh của cuộc đời McCullough đã làm nên giá trị tác phẩm!
Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có
một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi
mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót
bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi
đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả
sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi
bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng
đến trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có
thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết
nói như vậy.
Và cô bé Meggie trong thiên tiểu thuyết này
chính là con chim đã cất lên thiên tình ca tuyệt dịu khiến thượng đế trên thiên
đình cũng phải mỉm cười. Qua mối tình giữa Meggie Cleary và linh mục Ranph de
Bricassart; nhà văn không chỉ muốn ngợi ca tình yêu chân chính mà quan trọng
hơn cả, bà muốn tố cáo những bất công của xã hội, muốn đề cao vẻ đẹp tâm hồn của
người phụ nữ cùng khát vọng hạnh phúc.
Câu chuyện được kể theo lối sử biên gia
đình, mỗi nhân vật đều có những nét tính cách độc đáo, nhưng sống động nhất
chính là nữ nhân vật Meggie và linh mục Ranph.
Mở đầu tác phẩm, một xã hội đầy bất công diễn
ra trước mắt người đọc cùng nỗi bất hạnh của cô bé Meggie. Bao giờ cũng thế, mỗi
lần nhìn thấy con bé, lòng anh lại xốn xang một niềm ngạc nhiên khó hiểu. Nó
kháu khỉnh lạ, tóc đẹp tuyệt vời; anh ngoắc một búp tóc, kéo duỗi ra, rồi lại
thả ra: thật thích thú khi thấy mớ tóc dài lại cuộn vào như cái lò xo và nhảy về
chỗ cũ , đó là cảm nhận của Paddy (cha của Meggie) lúc ông đặt cô bé ngồi trên
đùi sau một ngày làm lụng vất vả. Ta không thể không ngỡ ngàng trước một cô bé
ngoan và đáng yêu như Meggie lại phải sống trong sự thiếu quan tâm của gia
đình. Ngay cả niềm vui nho nhỏ của cô trong ngày sinh nhật cũng bị tước đoạt, con
búp bê cô nhận được trong ngày sinh nhật đã bị các anh trai giằng lấy và phá hỏng.
Hành động đó nảy sinh từ sự thiếu giáo dục, vô ý thức của những đứa trẻ được
sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, bần hàn. Cha mẹ không có thời gian dạy dỗ
chúng vì họ phải đau đáu lo cái ăn cái mặc mỗi ngày cho cả nhà. Đây là lời tâm
sự của Fiona (mẹ của Meggie) với Frenk là đứa con riêng của bà, lời tâm sự đầy nhẫn
nhục chịu đựng: “Chúng ta là những người bình thường, những người lao động, vì
vậy, chẳng bao giờ ta giàu và thuê được người giúp việc. Hãy bằng lòng với thân
phận ta hiện nay và những gì ta có.”.
Bất công đầy rẫy ở cả trường học, nơi mà những
đứa trẻ lẽ ra phải được học tập thoải mái, được giáo dục nhân phẩm. Ở lớp, khi
Meggie không thể viết được bằng tay phải, cô bé đã phải cắn răng chịu đựng những
trận tròn khủng khiếp của xơ Agata. Ngay đến trường học cũng lệ thuộc vào nhà
thờ và mang nền giáo dục lối mòn, sáo rỗng. Nơi đó hoàn toàn không có sự dạy bảo
xuất phát từ lương tâm, không có tình yêu thương mà chỉ có áp đặt và hình phạt.
Xơ Agata (cô giáo của Meggie) xuất hiện trong truyện như một hung thần, một ác
quỷ khoác chiếc áo của sự kênh kiệu và giả dối để đội lốt nữ tu: “Cái gọng thép
của cặp kính tròn đè ép lên sống mũi xơ Agata một cạch không thương tiếc, để lại
hai vết hằn đỏ tươi, sau đôi mắt kính, cặp mắt ti hí độc ác màu xanh nhợt rình
mò đầy ngờ vực.” Với những nét xấu ác trên gương mặt vị nữ tu, McCullough đã
tài tình khắc họa rất ấn tượng tính cách vô nhân đạo của xơ Agata.
Như một bản nhạc buồn thảm, u ám của cuộc đời
Meggie; rất tự nhiên, câu chuyện dẫn dắt người đọc bước vào thế giới tâm hồn cô
từ khi cô còn là một đứa trẻ. Tâm hồn Meggie, một tâm hồn ngây thơ mà chất chứa
trong đó cả một thế giới trong sáng, sinh động, thánh thiện nhất. Cô bé đã cất
tiếng thét sợ hãi khi cô nhìn vào bên trong chiếc đầu của con búp bê bị phá hỏng:
Ánh sáng lọt vào qua đôi môi hé mở, và răng hiện thành những hình bóng đen đen,
như răng một con thú nhỏ nào đó và phía trên tất cả những cái đó, Meggie nhìn
thấy mắt Agnès – hai quả cầu nhỏ rắn chắc
xâu vào sợi dây thép tàn nhẫn cắm vào đầu búp bê. Dường như, vạn vật hiện hữu
xung quanh Meggie đều gây vào tâm hồn cô những xúc cảm mạnh.
Một tâm hồn giàu cảm xúc như tâm hồn Meggie
phải sống trong cảnh nghèo khó, nghèo vật chất lẫn tình thương. Cô ao ước được
thấy mẹ cười trìu mến với mình, được mẹ quan tâm đến mình thật nhiều: Meggie gật
đầu, mỉm cười ngập ngừng; có những lúc nó thiết tha mong muốn mẹ cất tiếng cười,
nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Thời thơ ấu của Meggie dường như chẳng bao
giờ cô có được hạnh phúc nào bền lâu. Đến cả cô bạn gái thân nhất của Meggie – niềm
vui cực kỳ lớn lao trong đời cô bé cũng chỉ đến với cô trong thoáng chốc. Chỉ
vì cách giải quyết quá thô lỗ và nông cạn của Paddy (cha của Meggie) khi ông
phát hiện tóc con gái mình bị lây chấy từ Tereza – một cô bé người Ý, ông đã
phá hỏng tình bạn rất đẹp giữa Meggie và Tereza. Trong cuộc sống nghèo khó và
xã hội đầy rẫy bất công, chỉ le lói lên chút ánh sáng của tình người, nhưng rồi
ánh sáng đó cũng nhanh chóng vụt tắt và bị vùi dập trong vũng bùn của kiếp sống
tối tăm.
Rồi Meggie, cô bé ấy vụt lớn, “lột xác”
thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Nàng là đóa hoa rực rỡ nhất Drogheda.
Nàng là hiện thân của nữ tính, là tình yêu đắm say mà kín đáo của vị linh mục Ranph
de Bricassart có “Thân hình cao lớn, vóc dáng tuyệt mỹ, khuôn mặt quý phái
thanh tú, toàn bộ ngoại hình của cha là một sự hài hòa và hoàn mỹ tuyệt vời -
không phải mọi tạo vật của Chúa đều được ban thưởng hậu như thế. Toàn bộ thân
hình cha, từ mái tóc xoăn lượn sóng và cặp mắt xanh kỳ diệu cho đến đôi bàn tay
và bàn chân nhỏ nhắn thanh nhã đều thực sự là hoàn hảo.”.
Vẻ đẹp
của Meggie hoàn toàn đối lập với hình ảnh của Mary Cason già nua – bà chị ruột của
Paddy, một người đàn bà sa đọa. Trong khi Meggie ngày càng trở nên xinh đẹp thì
Mary Cason ngày càng chịu sự trừng phạt của tuổi già. Mụ không còn được tự do
trong cái thân hình xấu xí, phục phịch mang trong đó là cả một tâm hồn tàn độc,
bỉ ổi. Mụ là con nhện cái già của những gì tồi tệ và đáng kinh tởm. Những chi
tiết miêu tả hình hài của Mary Cason lúc mụ chết đã bộc lộ lên được bản chất xấu
xa của mụ: Cặp mắt mở to chi chít những vết đốm, cặp môi mỏng thâm sì; và khắp
nơi nhung nhúc ruồi. Phải bảo Mrs.Smith đuổi ruồi trong lúc cha làm lễ, lẩm nhẩm
trước xác chết những lời thiêng liêng cổ xưa. Cái trò hề gì thế này, mụ ta phải
bị nguyền rủa kia chứ! A, cái mùi bốc lên! Trời ơi, con ngựa chết ở bãi chăn thả,
phơi xác giữa trời, cũng không bốc mùi hôi thối đến thế. Chạm vào mụ khi mụ đã
chết cũng ghê tởm như trước đây lúc mụ còn sống, nhất là đôi môi ruồi bâu này.
Mấy giờ nữa là mụ sẽ bị giòi bọ đục khoét. Sự trừng phạt của thượng đế dành cho
người đàn bà đầy quyền lực, dâm đãng, đầy tội lỗi, hiểm ác! Tác giả thẳng thừng
ném vào xác chết mụ đàn bà lố lăng ấy những ngôn từ cay cú nhất. Mang danh
nghĩa mụ để tài sản tại cho gia đình người em trai của mụ, nhưng thực chất mụ
chỉ lợi dụng sự chất phác và ngu muội của họ để thuê họ như những người làm
công cho điền trang của mụ.
Ở Droghedra; vẻ đẹp hình thể lẫn tâm hồn của
Meggie hoàn toàn đối lập với vẻ thô kệch, lố bịch, đáng tởm của Mary Cason. Đồng
thời, vẻ đẹp đó cũng như ngạo mạn thách thức với sự độc tôn của đấng vạn năng
là đức Chúa Trời. Vẻ đẹp của nàng nổi bật lên như vừng dương mới mọc, tỏa ngát
hương như những đóa hoa hồng trong vườn. Nàng mới thực sự là đóa hồng làm say
lòng cả Drogheda làm dấy lên trong lòng cha Ranph một tình cảm nguy hiểm, một
tình cảm không thể dành cho linh mục: Chăm chú nhìn nó, cha cảm thấy một cách sắc
bén hơn bao giờ hết sự bất lức, sự hồ nghi lòng dũng cảm của mình – cái cảm
giác nó rỉa rứt và bám theo cha suốt đời. Meggie trong lòng cha là tro của hoa
hồng, cô gái như hiện ra từ truyện cổ tích, quyến rũ một cách tuyệt vời. Quả thật,
khó mà tìm được một cô gái như Meggie, một cô gái đặc biệt không thể nhầm lẫn
được với bất kỳ cô gái nào khác và có lẽ chỉ có trong cổ tích. Vẻ đẹp của nàng
là nỗi ám ảnh ngọt ngào nhất, là mối cám dỗ đáng sợ nhất đối với vị linh mục trẻ.

Với giọng văn cực kỳ thẳng thắn, McCullough dám
đả kích cái giả dối của nhà thờ Công giáo, bà lôi nó ra phơi bày trước sự thật
khi miêu tả một Đức khâm mạng trong nhà thờ: Ừ thì người ta cũng đã trình rõ về
ông ta: con người dè dặt hiếm có trong những thói quen của mình, điều xa hoa
duy nhất mà ông tự cho phép mình là chiếc ô tô thượng hạng (và chạy rất nhanh).
Châm biếm một cách rất ư nhẹ nhàng qua những chi tiết nhỏ nhặt nhưng nói lên được
tổng thể vấn đề: Nước này lại giàu, nó làm đầy kho bạc của nhà thờ một cách hào
phóng.; McCullough đã tố cáo sự xa hoa của nhà thờ; sự giàu có mà lẽ ra phải được
nhường lại, được chia đều cho bao phận người nghèo khó, khốn khổ.
Tỏa sáng giữa cuộc đời là điều thiện, vang lừng
khắp không trung khiến thượng đế còn phải mỉm cười thán phục là thiên tình ca của
tình yêu tuyệt đích.
Bản thiên tình ca được mua lấy bằng nỗi đau
khổ tuyệt dịu, được cất lên bằng trái tim không phải của một bậc thánh, một vị
thần mà bằng trái tim của loài người nhỏ bé. Nhỏ bé như một con chim yếu ớt giữa
đám gai góc mà số phận phủ xuống thế nhân, Meggie không đầu hàng trước rào cản
tình yêu là vị Chúa Trời mà Ranph đã hiến dâng Người thể xác lẫn linh hồn của
mình. Nàng đã đoạt lấy hạnh phúc từ tay Chúa tại một căn nhà nhỏ trên bãi biển,
chính nơi đây, nàng đã được sống cùng Ranph như một cặp vợ chồng. Đó là ước mơ
cả đời mà nàng đã phải hy sinh để nhận về mình biết bao thiệt thòi và cay đắng
vì lý tưởng to lớn của Ranph. Ranph hiến cả bản thân và có lẽ hiến luôn cả giới
tính của ông cho Chúa, Meggie lại hy sinh cuộc đời nàng cho lý tưởng của Ranph.
Ở đây, phải chăng tác giả muốn người đọc nhận thức được một điểm mới mẻ của
tình yêu chân chính? Tình yêu xuất phát từ sự hy sinh cao cả, chứa đựng cả khổ
đau và dục vọng.
Ông úp mặt vào vai nàng, áp má vào làn má mịn
màng của nàng và buông mình theo cơn hứng tình cuồng dại, như đấu tranh với
chính số phận. ý nghĩ quay cuồng, lẫn lộn, ý thức mờ đi, và lại một luồng sáng
bừng lên chói lòa; trong giây lát ông cảm thấy mình ở bên trong mặt trời, ánh
quang huy mờ đi, cái nhá nhem màu xám, bóng tối. Đều đó nghĩa là làm con người,
làm người đàn ông. Thật táo bạo, bất ngờ xiết bao! Đang chìm ngập trong mảng
màu u tối của tác phẩm, McCullough bỗng chốc đẩy người đọc vào một khu vườn địa
đàng tràn ngập ánh dương, tình yêu cựa mình thức dậy, bùng lên như bão tố giữa
nỗi đau tuyệt dịu. Nỗi đau ập xuống đầu Ranph và Meggie suốt mấy mươi năm. McCullough
quả là một cây bút thần tình! Bà không chỉ giỏi phơi bày ra những cái xấu trong
xã hội bằng giọng kể cay nghiệt và điêu luyện; mà bà còn viết về tình yêu bằng
những ngôn từ mãnh liệt, xuyên cùng khắp bản năng con người.
Tình yêu của họ vụt lóe lên nhưng bất diệt
giữa thế gian. Tình yêu đó mang đến sự thánh thiện giữa cuộc đời đầy đau khổ, bất
công. Tình yêu đó xuất phát từ sức phản kháng mãnh liệt trong tâm hồn Meggie
cũng như trong tâm hồn của bao người phụ nữ: Nàng hạnh phúc khôn tả, suốt đời
không khi nào nàng có được hạnh phúc trọn vẹn như thế. Từ lúc ông chặn đón nàng
ở cửa, tất cả trở thành bản trường ca của xác thịt – những cái ôm riết, tay,
thân thể, khoái lạc không thể tả được. Lấy được người mình thật lòng yêu thương
– hạnh phúc giản đơn ấy mà người phụ nữ phải đấu tranh mới có được, điều đó nói
lên vị trí thấp kém của phụ nữ trong thời đại ấy. Phụ nữ vốn chỉ được phép sống
theo khuôn khổ và nương theo số phận. Nhưng ở đây, tác giả đã cho Meggie tự quyết
định cuộc đời mình dù cho đời nàng bị chắn ngang bởi một nhân vật thần bí, chi
phối hoàn toàn cả xã hội nước Úc bấy giờ: Đức Chúa Trời. Nguyện kinh không đem
lại cho cô niềm an ủi và niềm vui, và cô tuân theo những lề luật của nhà thờ chỉ
vì nếu không thì sau khi chết sẽ vĩnh viễn bị thiêu trong lửa địa ngục.
Tình yêu Meggie đã kéo Ranph khỏi ánh sáng
giả dối của đức tin: “Em được đặt trên đường đi của ta để làm cho ta hiểu: sự
kiêu hãnh của những đấng chăn chiên như ta là giả dối và trống rỗng biết chừng
nào.” và kéo ông khỏi tham vọng về tiền bạc, tình yêu khiến ông không còn nghĩ
đến khối tài sản kếch xù của Mary Cason vì tài sản đó vốn thuộc về Meggie.
Tình yêu giữa họ theo luật của nhà thờ Công
giáo và theo định kiến xã hội, là mối tình tội lỗi, nhưng nếu xét về bản chất,
mối tình này đẹp hơn và thánh thiện hơn hết những thứ đó. Nó đẹp hơn bởi vì nó không
được tạo nên từ giả dối, nó trong sáng đến tận cùng của chân – thiện – mỹ.
Kết thúc truyện vừa bi thương vừa có hậu, bi
thương vì Ranph biết được Den là con trai của ông và Meggie. Den hoàn hảo hơn
ông, cậu tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả với Chúa mà cha cậu chưa thật sự
gánh vác được. Nhưng cuối cùng cậu vẫn chết, Ranph cũng vỡ tim mà chết sau khi
ông biết sự thật, bi kịch lớn nhất của ông. Đó như là đòn giáng nặng nề nhất mà
Chúa Trời dành cho ông và Meggie khi họ đã dám chống lại nguyên tắc của tôn
giáo. Nhưng kết thúc vẫn có hậu theo một mặt khác, Jaxtina (con gái của Meggie
và chồng nàng là Luke), một cô gái năng động và hiện đại đã làm chủ được cuộc đời
mình, cuộc sống hạnh phúc về mọi mặt đã mở ra với Jaxtina.
Con người có thể không thật sự chiến thắng nổi
số phận. Cuộc đời có mất mát, có đau thương, và mâu thuẫn khơi nguồn cho sự
vùng lên đấu tranh để hứng lấy bi kịch. Nhưng bằng sức mạnh của nội tâm với
lòng tin tuyệt đối vào cái đẹp, cái thiện; con người vẫn có thể thoát khỏi bóng
tối của đau thương để tìm đến ánh sáng. Từ đó, McCullough muốn gợi nên chân lý
về được và mất trong cuộc đời.
Lời trần tình đầy sắc sảo và cay đắng của
Meggie với đức Chúa Trời:
Mà Ngài có biết thế nào không, hở Chúa? Ngài
không còn làm tôi sợ như trước nữa đâu. Ôi, trước đây tôi sợ ngài, sợ sự trừng
phạt của Ngài biết bao! Suốt đời vì sợ Ngài mà tôi không rời khỏi con đường đức
hạnh. Mà con đường ấy dẫn tôi đến đâu? Nếu như tôi phạm vào tất thảy mọi điều
răn của Ngài thì cũng chẳng có gì tệ hại hơn. Ngài đối xử với chúng tôi như với
con nít, chỉ biết đe dọa, trừng phạt. Nhưng tôi không còn sợ Ngài nữa. Tôi tuyệt
nhiên không nên căm thù Ranph, mà căm thù Ngài mới phải. Ranph khốn khổ chẳng
có lỗi gì, tất cả là tại Ngài. Ông ấy chỉ sống trong nỗi khiếp sợ Chúa, như trước
kia tôi cũng thế. Chưa bao giờ tôi hiểu nổi làm sao ông ấy có thể yêu Ngài. Tôi
không hiểu phải yêu Ngài vì lẽ gì.
Một cô gái không có điều kiện đến trường học
tập như Meggie không ngờ lại có thể thốt ra lời lẽ đầy sáng suốt và chí lý
dâng lên cho đức Chúa Trời. Lời trần tình của Meggie hay chính lời trần tình của
McCullough? Hay lời trần tình của bao phụ nữ bất hạnh?... Lời lẽ dồn dập như một
đoản hùng ca đập tan nỗi thống khổ, bất công đang bao trùm cuộc sống. McCulough
thật sự táo bạo khi viết nên câu chuyện. Nét táo bạo của bà thể hiện ở cả nội
dung và cách diễn đạt đã biến tác phẩm giống như một khúc nhạc nghê thường lúc
trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm.
Tuy nhiên, truyện gây được sức hút với độc
giả chính là ở chất lãng mạn của mối tình Meggie và vị linh mục Ranph hài hòa với
chất hiện thực phê phán. Colleen McCullough từng được miêu tả là một phụ nữ tự
tin, thẳng thắn. Vậy nên, trong tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai của bà
không chứa một chi tiết nào thừa, không một lời lẽ nào lan man và sáo rỗng, tất
cả đều hướng thẳng đến mục đích mà tác giả muốn phơi bày. Từng lời nói, từng
hành động,… của các nhân vật; dù nhỏ nhặt đến đâu cũng ẩn chứa ý nghĩa quan trọng.
Hiểu được những chi tiết ấy, ta mới có thể hiểu được chiều sâu cuốn tiểu thuyết
này.
Nữ học giả Germaine Greer cho Tiếng chim hót
trong bụi mận gai là: cuốn sách xấu xa hay nhất mà tôi từng đọc. Cuốn tiểu thuyết
bị cho là xấu xa bởi nó đi ngược với những định kiến của thời đại, nó xấu xa vì
nó dám chống lại những nguyên tắc nhà thờ và dám châm biếm cả những lời răn của
Chúa Trời, khơi dậy những dục vọng của bản năng con người… Cái xấu xa ấy nằm cả
ở sự vùng lên nổi loạn giữa xã hội bất công bằng mối tình cao cả, tuyệt dịu giữa
một thiếu nữ và một vị linh mục. Vậy nên, sự xấu xa ấy vẫn được toàn thế giới
hoan nghênh. Không chỉ ở một thời đại mà bao giờ cũng thế, cuộc đời là một bụi
mận gai khổng lồ, và hạnh phúc thường ẩn náu trong những bụi gai đó. Một tâm hồn
đẹp, một niềm tin mãnh liệt, lòng can đảm là những hành trang để con người phá
tan những bụi gai khổ đau, tìm lấy hạnh phúc. Con chim trong truyền thuyết đã
lao vào bụi gai mới có thể cất lên tiếng hót tuyệt vời nhất, và tiểu thuyết Tiếng
chim hót trong bụi mận gai đã cất giữ được một tiếng chim hót vượt thời gian hay
là khúc ca vang lừng, trường cửu của cả nhân loại.
NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.