BI HÀI KỊCH NGHI ÁN “ĐẠO” THƠ
Ngày 18-1, lãnh đạo Hội Nhà văn TP
HCM đã có kết luận chính thức về nghi án "đạo" thơ và những lùm xùm
quanh giải thưởng hội khiến dư luận trong giới văn nghệ nóng bỏng thời gian gần
đây.
Nhà văn Trần Nhã Thụy – trưởng ban kiểm
tra Hội Nhà văn TP HCM cho biết
đã nghiêm túc làm việc về nghi án "đạo" thơ liên quan đến hội
viên hội Nhà văn TP HCM Nguyễn Thị Thanh
Long. Theo nhà thơ Lê Huy Mậu cho biết thì bài thơ "Chiều cuối
năm" của ông đã in trong tập thơ "Bốn giọt nước" rất giống
bài thơ "Những ký âm ngân" của Nguyễn Thị Thanh Long.
"Có thể nói Nguyễn Thị Thanh Long đã lấy toàn bộ bóng dáng, tư tưởng, cái
hồn và những câu tinh túy nhất của tôi để biến thành "Những ký âm
ngân" – Nhà thơ Lê Huy Mậu nói. Bài thơ của Nguyễn Thị Thanh Long sáng tác
năm 2013, còn bài thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu công bố năm 2007. Dưới đây là hình
ảnh chụp lại nguyên văn hai bài thơ của hai nhà thơ đã chuyển tới ban kiểm tra,
để độc giả có sự đánh giá riêng.
 |
Nguyên văn hai bài thơ "chiều cuối năm" và "những ký âm ngân" |
Trước cáo buộc của nhà thơ Lê Huy Mậu, ban kiểm
tra và hội đồng thơ Hội Nhà văn TPHCM đã họp
bàn, phân tích các khía cạnh chuyên môn. Ông Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội
Nhà văn TP HCM cho biết: "Kết luận cuối cùng của Hội là sáng tác của Nguyễn
Thị Thanh Long có bị ảnh hưởng từ bài thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, nhưng không
phải là "đạo" thơ". Đúng vào thời điểm nhạy cảm này, "Khúc
dịu buồn nắng gió cao nguyên" - một bài thơ khác của Nguyễn Thị Thanh Long
(không nằm trong tập thơ dự kiến trao tặng thưởng) do nhà thơ Nguyên Hùng gửi đến
ban kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM "tố" là đã "đạo" gần như
nguyên vẹn từ bài "Khúc thiếu phụ" của tác giả Thy Minh đã in trong tập
thơ "Mắt hoàng hôn". Nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết: "Về mặt
con người, dĩ nhiên tôi rất chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long trong lúc
hoạn nạn thế này. Đúng vào thời điểm xảy ra sự việc, bố của nhà thơ vừa qua đời
ngày 18-1 sau cơn đột quỵ nguy cấp. Hiện tại, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long vẫn
đang phải chăm sóc em gái bệnh rất nặng, đang nằm cấp cứu nên khó có thể trả lời
điện thoại của mọi người. Nhưng về mặt công việc, trong quá trình làm việc tôi
không bao che cho ai cả, thậm chí còn làm kỹ lưỡng, đi đến cùng sự thật".
 |
Hài bài thơ có những câu giống nhau "cùng khuôn đúc". |
Với
tư cách là trưởng ban kiểm tra, nhà văn Trần Nhã Thụy yêu cầu làm việc với tất
cả các bên liên quan, người tố cáo là nhà thơ Nguyên Hùng, hai tác giả liên
quan là Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh. Nhưng nhà thơ Nguyên Hùng không cung
cấp thông tin về tác giả Thy Minh mà chỉ cho biết nghe nói tác giả này đang ở
nước ngoài. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long xin
nhận lỗi sau những ồn ào và cung cấp tác giả đích thực của bài thơ –
nhà thơ Nguyễn Vĩnh, hội viên hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ. Sau khi
liên lạc được với nhà thơ Nguyễn Vĩnh, ông này xác nhận cả trên điện thoại và bằng
văn bản về việc đã từng in bài thơ này trên tạp chí Văn nghệ Việt Trì nhưng
chính ông đã tặng bản quyền bài thơ "Người đàn bà thơ" cho cả hai nhà
thơ Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh, với lời nhắn: "Em toàn quyền sử dụng".
Câu chuyện về nghi án "đạo" thơ có thể kết thúc. Chỉ vì thiếu kiến thức
pháp luật, chưa chứng tỏ được bản lĩnh văn hóa nên tạo ra một câu chuyện bi
hài, làm ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách văn nghệ sĩ.
Bài thơ "Người đàn bà thơ" của tác giả Nguyễn Vĩnh đã in trong tạp chí Văn nghệ Việt Trì nhưng lại đem "tặng bản quyền" cho cả hai nữ sĩ Thanh Long và Thy Minh với lời nhắn "Em toàn quyền sử dụng"?
So sánh chữ ký của tác giả Nguyễn Vĩnh trên văn bản nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cung cấp và văn bản mới đây gửi tới Hội Nhà văn TP HCM để xác nhận về việc đã "tặng bản quyền" cho cả Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh, có thể thấy đây là chữ ký của cùng một người.
Bài thơ "Người đàn
bà thơ" của tác giả Nguyễn Vĩnh đã in trong tạp chí Văn nghệ Việt Trì
nhưng lại đem "tặng bản quyền" cho cả hai nữ sĩ Thanh Long và Thy
Minh với lời nhắn "Em toàn quyền sử dụng"? So sánh chữ ký của tác giả
Nguyễn Vĩnh trên văn bản nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cung cấp và văn bản mới
đây gửi tới Hội Nhà văn TP HCM để xác nhận về việc đã "tặng bản quyền"
cho cả Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh, có thể thấy đây là chữ ký của cùng một
người. "Bất luận lý do gì thì việc làm của Nguyễn Thị Thanh Long là sai
trái. Hội đã cảnh cáo nhắc nhở nghiêm khắc với hội viên Nguyễn Thị Thanh Long.
Ban chấp hành Hội đồng ý để Nguyễn Thị Thanh Long rút ra khỏi ban kiểm tra của
hội. Đồng thời, Ban chấp hành chấp thuận đơn xin rút khỏi tặng thưởng của
hai tác giả Nguyễn Thị Thanh Long và La Mai Thi Gia" – ông Trần Văn
Tuấn cho biết. Riêng về lá đơn xin "từ chức" phó chủ tịch Hội đồng
thơ của nhà thơ Trần Hữu Dũng, ban chấp hành Hội chưa chấp thuận và ông Trần
Văn Tuấn cho biết thêm: "Cá nhân tôi động viên nhà thơ Trần Hữu Dũng ở lại
với anh em. Anh Dũng cũng hứa là sẽ suy nghĩ thêm trong vòng vài tháng tới".
HÒA BÌNH
Nguồn: nld.com.vn
 |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ảnh: internet) |
TIẾT LỘ BA CÂU CHUYỆN VỀ BẢN QUYỀN
Lẽ ra tôi không kể những chuyện dưới
đây. Vì tôi tâm niệm rằng: nếu mình làm một điều tốt mà kể ra thì việc làm tốt ấy
có nguy cơ biến mất. Nhưng chắc các bạn sẽ chia sẻ với tôi khi tôi kể những
chuyện này. Mong mọi người thông cảm.
Câu chuyện thứ nhất:
Gần 30 năm trước, tôi có in một truyện
ngắn có tên “Bụi Trắng” ở một tờ báo chuyên ngành. Ít lâu sau, tôi thấy một
truyện ngắn xuất hiện trên báo Tiền phong Chủ nhật trùng tên, bèn đọc, thì hóa
ra là truyện ngắn của mình nhưng lại tác giả lại là người khác. Hỏi ra biết
“tác giả” là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở Hà Nội. Nhưng tôi
đã không công khai chuyện này. Tôi chỉ nhờ người phụ trách tờ báo nói với bạn
sinh viên này phải nghiêm khắc sửa chữa lỗi lầm đó. Tôi không làm ầm ĩ chuyện
này vì nghĩ bạn ấy còn rất trẻ và sai lầm là chuyện dễ hiểu. Người Pháp có câu
“70 tuổi cũng không dám chắc mình không đui, không què”. Tôi đã sống 60 năm
trên cõi đời này và ngày nào tôi cũng có nguy cơ mắc sai lầm. Nếu tôi công khai
chuyện đạo văn này thì bạn ấy sẽ bị dư luận lên án và nếu không đủ bản lĩnh, bạn
ấy sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc. Như vậy, quyền chính đáng và sự minh bạch của tôi
trong chuyện này có thể lại hại đến tương lai của một người trẻ.
Câu chuyện thứ hai:
Trước khi đi Cuba học, tôi đã gửi bản
thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay cho một biên tập viên của một Nhà xuất bản. Mấy
năm sau về nước, tiểu thuyết của tôi cũng không thể in được vì có những vấn đề
mà ngày nay chúng ta gọi là “nhạy cảm”. Tôi đã rút bản thảo về. Một người viết
là đàn anh của tôi nói để ông ấy in cho. Nhưng khi sách ra đời thì ảnh tác giả
là ảnh của ông ấy và tên tác giả không phải tên tôi. Ông ấy cũng lấy gần hết số
nhuận bút cuốn tiểu thuyết đó. Tôi hỏi ông ấy sao lại thế, thì ông ấy trả lời
vòng vo. Một số bạn bè tôi, trong đó có biên tập viên đã giữ bản thảo của tôi mấy
năm, đều rất nổi giận và muốn “xử lý” ông ấy. Nhưng tôi đã yêu cầu họ bỏ qua.
Vì sao? Vì tôi có quen biết gia đình ông ấy và tôi rất cảm thông với vợ và con
của ông ấy. Họ theo ông từ một miền quê nghèo ra Hà Nội và sống một cuộc sống rất
khó khăn. Người vợ của ông ấy là một phụ nữ vô cùng hiền dịu và chịu khó. Nếu
tôi công khai chuyện này thì chị ấy sẽ xấu hổ và đau khổ vô cùng. Có một lý do
phụ nữa mà tôi đã nói với những người bạn biết chuyện này là “trong đầu tôi còn
rất nhiều cuốn sách, tôi “tặng” ông ấy cuốn sách đó”. Một điều lạ lùng là sau
này và cả bây giờ, ông ấy thi thoảng lại phê phán những sáng tác của tôi trên
báo chí một cách không thiện chí. Trên thực tế, tôi đã quyết định in một bài
phê phán thơ tôi trên tờ báo tôi phụ trách nội dung, vì nhà phê bình ấy đã phê
thơ tôi một cách trong sáng theo cách hiểu của ông. Tệ hơn là ông ấy còn phê
phán đạo đức của tôi nữa . Và trong phần tiểu sử bản thân in trong sách của
mình bây giờ, ông ấy vẫn kê khai cuốn tiểu thuyết của tôi là của ông ấy. Một
câu chuyện thật bi hài phải không các bạn.
Câu chuyện thứ ba:
Tôi có viết một bài thơ về mẹ mình
như là một sự ân hận về những gì trong những năm tuổi trẻ tôi đã làm cho mẹ buồn
và lo lắng về tôi. Tôi chưa in bài thơ này ở đâu mà chỉ thi thoảng cho một hai
người bạn đọc trong cuốn sổ làm thơ của mình. Khi từ Cuba về nước, tôi nghe tin
một người bạn vong niên bị mất. Tôi đã đến gia đình em ấy để thắp nén hương cho
em. Người mẹ của em ấy đã lấy cho tôi xem lá thư của em viết cho bà trước khi mất
chừng một tháng. Kèm theo lá thư đó là bài thơ mà trong thư em ấy viết “con viết
tặng mẹ bài thơ này”. Mẹ em ấy là một tri thức, bà nhận ra trong bài thơ là
tình yêu của em ấy dành cho bà và sự ân hận của em ấy về những năm tháng trước
đó em ấy đã làm cho bà buồn phiền và lo lắng. Bà cho tôi đọc bức thư và bài
thơ. Tôi “choáng váng” nhận ra đó là bài thơ tôi viết cho mẹ mình. Sau đó bà
nói với tôi bà đã khóc trong đau đớn khi mất đứa con của mình và bà cũng khóc
vì hạnh phúc bởi lần đầu tiên bà thấy con mình đã viết được những lời như vậy về
mẹ. Lúc đó tôi hiểu rằng: em ấy đã chép bài thơ trong sổ tay của tôi viết cho mẹ
tôi, để gửi cho mẹ em ấy. Tôi đã khóc. Tôi đến trước bàn thờ có di ảnh em ấy,
thắp một nén hương cho em và thầm nói: “Bài thơ này thuộc quyền sở hữu trọn vẹn
của em. Anh chỉ là người chấp bút bài thơ này cho em mà thôi. Cầu nguyện cho em
thanh thản chốn thiên thu”. Bài thơ ấy vẫn trong sổ tay của tôi. Tôi chỉ viết
thêm một dòng chữ phía trên tên bài thơ . Dòng chữ đó là tên của em ấy. Và tôi
vô cùng xúc động và hạnh phúc vì điều đó. Đến bây giờ tôi vẫn tin, tôi không
sáng tác bài thơ ấy mà tôi chỉ là người chép giúp em bài thơ của em cho mẹ em
mà thôi. Mong linh hồn em ở chốn thiên thu thứ lỗi cho tôi khi kể câu chuyện liên
quan đến em.
*** *** *** ***
Đấy là 3 câu chuyện về bản quyền
trong không ít câu chuyện về bản quyền của tôi và những câu chuyện bản quyền của
bạn bè tôi mà tôi biết. Vấn đề bản quyền tôi nghĩ không chỉ là luật pháp mà
trong đó còn chứa đựng sự tôn trọng, sự chia sẻ và lòng cảm thông đối với những
trường hợp cụ thể. Để đi đến một hành động văn hóa là vô cùng khó khăn, tôi đã
từng viết: để vứt một cọng rác xuống nơi công cộng chỉ mất 1 giây, nhưng để tự
nguyện cúi xuống nhặt một cọng rác nơi công cộng lên phải mất 100 năm. Thời
gian 100 năm ước lệ ấy chỉ sự hình thành văn hóa.
 |
Ảnh: Phan Nam. |
ĐẠO VĂN
Chữ
“đạo” từ Hán Việt có nghĩa là ăn trộm, “đạo văn” tức ăn trộm văn của người
khác. Mà ăn trộm thì bao giờ, thời nào cũng xấu nên bị dư luận lên án. Nếu là
ăn trộm tài sản, vật chất của người khác sẽ bị kết tội hình sự đi tù. Nhưng
ăn trộm văn thì khác hơn, vì “văn” thiên về giá trị tinh thần, “định giá” tài
sản không dễ, lại khó “kết án” vì “văn” không chỉ thể hiện trên câu chữ mà
còn ở tư tưởng, ý tưởng, hình tượng…
Thành
ra “đạo văn” luôn là vấn đề được quan tâm ngăn chặn. Cũng là quy luật, đã là
“kẻ trộm” thì thường tinh ranh nên chỉ “ăn cắp” cái có giá trị. Chẳng kẻ trộm
nào đi ăn cắp cái không giá trị. Chính điều này lại làm nảy ra một tâm lý “tự
hào” ở người bị “đạo”: Văn mình hay nên mới bị ăn cắp, rồi coi đó như một biểu
hiện của thành công nên chẳng có ý kiến gì. Đây cũng là “kẽ hở” để nhiều kẻ
“đạo văn” tiếp tục “hành nghề”. Nhìn vào lịch sử thì “đạo văn” có từ rất xưa
và có điểm chung là chỉ thể hiện ở những “tác phẩm” được để ý của các tác giả
tên tuổi. Nhà thơ nổi tiếng Virgil của La Mã cổ đại từng bị cáo buộc
“chuyển thể” một ít nội dung từ một tác phẩm của tác giả Quintus Ennius. Năm
1593, nhà viết kịch Robert Greene cáo buộc William Shakespeare “đạo văn” từ kịch
bản của mình. Sự thật thì không biết ra sao vì không có “tòa án” làm rõ trắng
đen nhưng có một sự thật khác là Shakespeare thường “mượn” đề tài, ý tưởng từ
người khác, nơi khác. Ví như ông mượn cốt truyện "Hamlet" từ
văn học cổ điển Đan Mạch. Như vậy lại phải làm rõ “đạo văn” và “ảnh hưởng”.
Nằm
trong quy luật ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa, ảnh hưởng trong văn học từ nước
này đến nước khác, trường phái này đến trường phái kia, tác giả này đến tác
giả nọ… như một điều tất nhiên. Có ảnh hưởng chủ động và bị động. Chủ động
thì người chịu ảnh hưởng biết rõ mình tiếp thu, kế thừa và loại bỏ cái gì,
còn bị động thì có khi giẫm vào vết chân người đi trước mà không tự biết.
"Đạo văn" là ăn cắp ý tưởng, ăn cắp văn của người khác, trắng trợn
thì giữ “nguyên trạng”, “tử tế” hơn thì “chế biến” đi chút ít và coi đấy như
là của mình. Còn ảnh hưởng bị động không phải là "đạo văn" nhưng do
“hồn nhiên” mà vô tình “mượn” của người khác. Căn nguyên là do đọc nhưng
không ghi chép, không thẩm định, không “tiêu hóa”, không biến kiến thức, tri
thức đã có tan nhuyễn vào ý đồ sáng tạo, tình huống văn cảnh cụ thể, riêng biệt
của mình. Ảnh hưởng bị động là đáng trách. Năm 1941, nhà phê bình Vũ Ngọc
Phan trong "Nhà văn hiện đại" đã từng phê bình một nhà văn nước ta
có trang viết phỏng theo gần như dịch lại tiểu thuyết "Những đêm trắng"
của Dostoevsky. Có hai khả năng xảy ra đối với trường hợp này: Một là “đạo
văn”; hai là “ảnh hưởng bị động”, do quá say mê Dostoevsky, thuộc Dostoevsky đã
vô tình đem “hiểu biết” của mình về
Dostoevsky “viết”
thành “tác phẩm”!!!
Như
vậy “đạo văn” thuộc về phạm trù đạo đức, đúng với tên gọi là “ăn cắp văn” phải
kiên quyết bài trừ. Ảnh hưởng thuộc về vấn đề năng lực, học thuật, vốn sống,
kinh nghiệm… Chống “đạo văn” bằng cách nào? Vì thuộc phạm trù đạo đức nên hầu
như các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng phương pháp giáo dục làm
gương. Tức trong bài viết của giáo sư nếu trích dẫn một từ quan trọng cũng phải
nêu nguồn và yêu cầu sinh viên cũng làm tương tự. Nếu phát hiện “đạo văn”,
giáo sư sẽ bị nghỉ dạy, sinh viên sẽ bị đình chỉ học. Nhưng giáo dục dù tốt
cũng không thể triệt để. Cực chẳng đã nên hiện nay nhiều nơi chống “đạo văn”
bằng công nghệ, tức bằng máy quét được cài đặt phần mềm, đưa văn bản vào máy,
máy sẽ chỉ rõ văn bản đã copy từ đâu, dĩ nhiên văn bản gốc đã được đưa lên
internet. Nước ta đã có vài trường đại học áp dụng cách này và cho thấy những
tín hiệu tích cực. Nên chăng mỗi tòa soạn báo, mỗi nhà xuất bản cũng nên có
“phần mềm” này. Có thể tốn kém chút ít nhưng hiệu quả, góp phần làm trong sạch
hóa, lành mạnh hóa văn chương và đạo đức xã hội!
NGUYỄN THANH
Nguồn: qdnd.vn
|
PHAN NAM
(tổng hợp nhiều nguồn).
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.