Những giọt mưa từ lòng đất cằn khô - Nguyễn Khánh Tuyết Vy
Tuesday, January 30, 2018
 |
Tác giả Nguyễn Khánh Tuyết Vy. |
Dòng văn học hiện thực đã ra đời trên
thế giới với vô số những tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt là dòng văn học này đã
phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam vào những năm 1932 – 1945, khoảng thời gian mà
văn học Việt Nam đã trải qua nhiều biến động sâu sắc được khơi nguồn lên từ những
thay đổi về chính trị, từ sự du nhập những “luồng gió mới” của văn hóa phương
Tây. Và ở thế kỉ XXI ngày nay, dòng văn học này đã có phần lắng dịu hơn trước.
Tuy nhiên; thời đại và xã hội nào cũng có những bất công, những tệ nạn, những
khổ đau ẩn tàng dưới vỏ bọc của sự giả tạo, của sự thực dụng bất di bất dịch. Từ
xưa đến nay, các nhà văn chân chính đã lý luận, định nghĩa rất nhiều về nghệ
thuật. Những lý luận đanh thép và chứa chan tâm huyết, lý tưởng của họ. Thế
nhưng, có bao giờ trên đôi cánh chữ nghĩa ấy, họ đã bay đến hết những địa hạt
trên thế giới? Có bao giờ họ đã lần đến tất cả những hố sâu cuộc đời? Tôi tin rằng
chưa. Có những địa hạt, có những hố sâu đen tối vẫn còn hoang vu chưa có người
nghệ sĩ nào phát hiện và khai phá, hay có lẽ bởi sự đen tối cùng cực của những
hố sâu ấy mà chưa ai đủ can đảm để khai phá? Tháng 5 năm 2016, một cuốn tiểu
thuyết đã lọt lòng giữa xã hội vốn còn tồn tại nhiều bất an và vô số hoài nghi
chưa được giải tỏa… Cuốn tiểu thuyết được văn đàn thế giới chào đón và ủng hộ,
bởi nó không chỉ mang màu sắc mới mẻ của ngành tâm lý học, mà nó còn là đứa con
của sự dấn thân, của khát vọng sống tốt đẹp và hạnh phúc chân chính. Đó là tác
phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) của nhà văn người Nhật –
Nakamura Fuminori, đã được Aki dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm đã được nhà xuất
bản Văn Học phối hợp với nhà xuất bản VanVietBooks đồng xuất bản.
 |
Nhà văn Nakamura Fuminori. |
Nakamura
Fuminori sinh năm 1977, anh là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học
Nhật Bản hiện nay. Anh đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý, giải thưởng
Akutagawa với tác phẩm Đứa bé trong lòng đất (2005), giải thưởng
David Goodis của văn học Hoa Kỳ với tác phẩm Đen tối (2014)… Tác phẩm Ngăn
kéo trên cùng (Phần tăm tối) là một trong những cống hiến lớn lao của
Fuminori cho văn đàn thế giới. Đọc những chương đầu tiên của truyện Ngăn
kéo trên cùng (Phần tăm tối); người đọc có cảm giác bí ẩn, khó hiểu, rối rắm với
diễn biến câu chuyện theo kiểu vòng xoắn từ ngoài vào trong của hình trôn ốc.
Tác giả kể sự việc không theo trình tự thời gian, anh kể chuyện dưới dạng hồi
kí. Quá khứ, hiện tại và câu chuyện của hai nhân vật Kozuka Ryodai và Mamiya đều
được Fuminori kể song song nhau, đan cài vào nhau một cách nhuần nhuyễn, khéo
léo đến nỗi người đọc khó lòng nhận ra. Mở đầu tác phẩm là tinh thần nhân
đạo của Fuminori xoáy sâu vào đời sống của tầng lớp bần cùng, nghèo khổ trong
xã hội đương đại Nhật bản. Một sự tiến bộ đáng chú ý ở tác phẩm này, đó là
Fuminori đã đi sâu vào tâm lý học. Tâm lý học cộng với sự phát triển bất bình
thường của những mối quan hệ con người đang tồn tại trong xã hội, là một trong
những nguyên nhân cốt lõi của sự phát sinh những tên tội phạm giết người hàng
loạt. Nhân vật đầu tiên xuất hiện khá độc đáo, đó chỉ là cậu học sinh tên là
Kozuka vừa trở về nhà từ đám tang ở nhà bạn cậu, cậu bé sống với mẹ và gia đình
của người cha dượng. Tại gia đình ấy, ngày qua ngày, cậu phải chứng kiến sự
đánh đập tàn nhẫn của cha dượng đối với mẹ, cậu phải sống trong sự ghẻ lạnh của
những người lớn dành cho cậu. Giọng văn hơi khô cứng của Fuminori thể hiện những
tâm tình đầy cô đơn, đầy đau khổ, đầy tuyệt vọng và bất an tinh thần luôn không
ngừng rỉa rứt một đứa trẻ từng phút từng giờ. Kozuka phải sống trong sự thiếu
thốn tình thương mà đáng lẽ cậu bé cần có. Đêm hôm đó, tôi ra khỏi căn
phòng vốn được sắp xếp cho mình, bởi lần đầu tiên sau ngần ấy năm, tôi bỗng có
mong muốn được nằm ngủ trong vòng tay của mẹ.. Fuminori kể câu chuyện bằng một
giọng văn có vẻ rất dửng dưng, nhưng ẩn trong cái vẻ dửng dưng ấy, là chứa đựng
cả một tâm hồn dễ xúc động và nhạy cảm. Đó là nỗi lòng của cậu bé Kozuka khi bà
nội trách oan việc cậu đánh em gái, dù bà biết cậu không hề làm. Trước những bất
công từ gia đình, cậu vẫn phải im lặng và không có quyền bày tỏ hay lên tiếng
oán trách ai: Nếu không có cái thứ dị vật là tôi đây, gia đình này sẽ hoàn
hảo biết mấy. Sự tồn tại của tôi chắc hẳn khiến bà ấy cảm thấy ngứa mắt lắm. Những
uất hận sâu kín như những nhát dao cứa sâu vào cậu bé Kozuka Ryodai những
thương tổn, khiến tâm hồn cậu học sinh tiểu học ấy trở nên như một thứ dị tật
quái đản: Cái cảm giác rạo rực cứ thế nhen dần lên theo mỗi bước chân đi
và rồi được bao trùm bởi hương nước hoa dịu dàng khi tôi tiến lại gần người phụ
nữ. Sự ham muốn về tình dục nhen lên một cách mãnh liệt trong đầu óc non nớt của
cậu bé: Giá mà tôi có thể vươn tay ra chạm vào đôi chân ấy. Nó đang ở ngay
trước mắt tôi, một tạo vật rõ ràng hiện hữu trên đời này nhưng khi đó, nó lại
vượt quá nhận thức của tôi. Qua những dòng văn mô tả cuộc sống hai mẹ con
Kozuka sau khi họ bị đuổi khỏi gia đình vì lý do Kozuka bị nghi ngờ có ý định
giết em gái, tác giả đã làm bật lên trong truyện những tiếng gào thét tức tưởi
đến nghẹn ngào: Tôi đập tấm ván tủ bếp hết lần này đến lần khác, cho tới
khi cơn đau ở đôi tay truyền đến, máu chảy ra và những mảnh chén bát tán loạn
bay trúng mẹ. Mẹ đang ôm mặt, cúi người trên mặt sàn.. Lời gào thét đau đớn ấy
chẳng thấu đến ai, mà chỉ thoát lên trong khoảnh khắc kì lạ giữa hai mẹ con họ,
để rồi tắt lịm trong đau đớn: Tôi vẫn cảm thấy người mẹ trước mặt thật
đáng thương và định vội vàng tiến lại gần. Thế nhưng vốn đang bị vây hãm bởi tầng
tầng lớp lớp cảm xúc, mắt tôi cứ hoa lên và rồi tôi gục xuống sàn ngay tại đó..
Mặc dù mang thân phận bất hạnh và những khuyết tật về tâm lý, nhưng bản chất cậu
bé Kozuka vẫn là bản chất thánh thiện, trong sáng: Hễ lưu lại nơi đây, giữa
những cây to này, tôi lại thấy mình như được hòa làm một với chúng, không còn cảm
giác cô đơn chút nào. Chẳng rõ tôi đang nhân cách hóa cây cối hay đang tự vật
hóa bản thân mình? Cậu bé đã được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ Trẻ em để điều
trị vì tâm lý bất ổn. Tại đó, cậu được gia đình một người bác sĩ nhận làm con
nuôi, lớn lên, cậu trở thành bác sĩ khoa Tâm thần và là người tiếp quản phòng mạch
của ông. Tác phẩm không có xúc cảm ngọt ngào, ủy mị nào. Bao trùm tác phẩm là một
màu xám đen âm u, lạnh lẽo, những tàn cây rung lắc vì gió mạnh ngoài đường phố.
Nhờ trí tưởng tượng không giới hạn của nhà văn Fuminori, những hình ảnh trong
tác phẩm đã trở nên đẹp một cách ám ảnh và đi vào không gian siêu thực: Mối
nối của những sợi dây kia bỗng nhiên rơi tuột rồi bung ra và chẳng biết vì sao
đống dây nhợ ấy lại đột ngột hóa thành những hoa văn hình học – những họa tiết
sọc dài đan kết bởi những chiếc bóng xen vào nhau trên sàn nhà nơi tổ chức tang
lễ. Dưới lần vải đen tối; dường như mọi sự vật chỉ còn nổi bật lên hình hài, ở
đó ẩn chứa một câu chuyện, ẩn chứa bí mật của mọi nỗi thống khổ và những bi kịch
cuộc đời. Đến giữa thiên tiểu thuyết, tình yêu, hay là khát vọng hạnh phúc đột
nhiên bừng dậy như những giọt nước ngọt ngào và mát mẻ của một cơn mưa đầu mùa
không phải rơi xuống từ bầu trời trong sáng, đó là một cơn mưa được phun lên từ
lòng đất cằn khô. Fuminori không viết nên một câu chuyện khô khan và đen tối đến
thế, trong sâu thẳm nhà văn, vẫn là một trái tim còn đa mang những giấc mơ đẹp
đẽ: Em nghe thấy không, trên thế gian này thật sự có một nơi rất tuyệt vời
– nơi mang lại cho ta niềm vui đến mức cả cõi lòng như thể được thổi bùng sức sống.
Những thứ nhạt nhẽo tuy không thiếu nhưng nếu nhìn kĩ hơn một chút, em sẽ phát
hiện ra rằng bên trong những gì nhạt nhẽo đó là những điều thật sự tốt đẹp của
cuộc đời. Đó chính là mối tình giữa vị bác sĩ tâm lý Kozuka và cô gái bệnh nhân
Yukari, người con gái từng bị xã hội ruồng bỏ và trở thành gái mại dâm. Họ gặp
nhau, trong chính vũng lầy hôi hám và đen đủi của đời họ. Họ yêu nhau, giữa sự
quên lãng cơn đau từ vô số những vết thương chằng chịt phủ vây tuổi thơ và cuộc
đời họ. Tình yêu mọc lên và nẩy nở một cách vô thức ngay bên cạnh những kí ức
đau khổ, những hóa chất điều trị, những dòng điện truyền lên não, những tiếng
gào thảm thiết của Yukari đang vẫy vùng chống chọi lại kí ức đau thương của cô…
Tình yêu giữa một bác sĩ tâm lý và một bệnh nhân không còn là mới mẻ. Tình cảm
đó đã xảy ra thường đến nỗi, người ta đặt nghi vấn rằng liệu đó có phải là tình
yêu thật sự hay chỉ là một vấn đề tâm lý thông thường? Kozuka đã rất khó xử khi
chàng cho rằng: Chán thật, rõ ràng ngay từ đầu, đây chỉ đơn thuần là hiện
tượng “cảm nắng” giữa bệnh nhân và bác sĩ, chứ thực tế cô ấy có yêu tôi đâu.
Ngay lập tức, Kozuka cũng tự mình bác bỏ lý thuyết cứng nhắc ấy: Tôi chẳng
thể thuyết phục bản thân tin tưởng vào tình yêu. Thế nhưng, nếu đây không phải
là tình yêu thì tình yêu thật sự là gì? Tác phẩm không đi vào giải quyết vòng
luẩn quẩn phức tạp của tâm lý, nó chỉ tâm tình với bạn đọc cái lý lẽ tự
nhiên và bất diệt của tình yêu. Một tác phẩm lấy chất liệu từ lĩnh vực tâm lý,
nhưng vẫn trung thành với lý tưởng và mục tiêu của văn chương. Dù giấc mơ của
Fuminori có đẹp đến đâu, giấc mơ vẫn tan vỡ theo sự run rủi tàn nhẫn của số phận,
tan vỡ vì tình yêu mãnh liệt và sự hy sinh cao cả của Kozuka. Yukari lãng quên
chàng bác sĩ Kozuka sau khi cô được bác sĩ điều trị, cô không còn nhớ mọi kí ức
đau buồn của mình nữa, cô trở thành vợ một chủ quán cà phê. Kozuka quyết định
hy sinh hạnh phúc của mình cho cuộc sống bình yên của người yêu. Tuy nhiên, khi
Yukari nhớ ra mọi kí ức đau thương của mình, cô thắt cổ tự vẫn để giải thoát mọi
đau khổ. Điều này chứng tỏ, Fuminori không giật dây điều khiển các nhân vật và
sự việc như những tác giả truyện trinh thám. Nhà văn không lảng tránh thực tế,
anh đã để cho sự việc diễn ra thật tự nhiên như cuộc đời đầy đủ mọi hỷ, nộ, ái,
ố và sự cuồng quay của thế cuộc, nhân sinh. Tấm vải che phủ được nhà ảo thuật
giở ra, bí mật lộ diện trước mắt bạn đọc ở cuối truyện. Hóa ra duyên phận và bi
kịch của Kozuka và Yukari, đều do bác sĩ Yoshimi phần nào đã ngấm ngầm điều khiển
trong trò chơi kì quái của con người mang sẵn bệnh lý tâm thần như ông ấy! Tác
phẩm đã bác bỏ thuyết tin vào số trời. Không phải do thiên mệnh, mà mọi việc xảy
ra trong cuộc sống con người đều được quyết định bởi tình cảm, nhân cách, lối sống,
hành vi của con người và một xã hội lành mạnh hay xấu xa. Điều thiện vẫn mang
trọng trách thực thi công lý và tiêu diệt cái ác. Ở đoạn kết, với tình yêu nồng
nàn dành cho Yukari và sự trả thù thích đáng cho số phận đau thương của bản
thân, Kozuka đã giáng đòn tâm lý nặng nề xuống những kẻ hãm hại cuộc đời
Yukari.
 |
Tác phẩm 'ngăn kéo trên cùng' (ảnh: Zing News) |
Ngòi bút sâu cay và khéo léo của Fuminori cất lên lời tuyên chiến mạnh
mẽ, nhà văn đã thẳng thắn luận tội bọn chúng, anh mong muốn bọn chúng phải chịu
sự trừng phạt về tâm lý như vết thương tâm lý chúng đã gây ra cho những người
vô tội. Nhân vật Kozuka đã thay anh nói lên lời tuyên chiến ấy trước mặt gã bác
sĩ thâm độc Yoshimi: Đó chính là thú vui nhằm giết thời gian của một lão
già xấu xa, đúng chứ? Chính vì càng già càng thiếu đi những thú vui cho bản
thân, nên dù muốn hay không, bản chất biến thái trong ông cũng cứ theo đó mà
ngày một lớn dần.. Không quá châm biếm và đả kích xã hội như Vũ Trọng Phụng, ở Ngăn
kéo trên cùng (Phần tăm tối), Fuminori lấy tâm lý học để đồng cảm sâu sắc với
những người bị xã hội đẩy vào cuộc đời bần cùng và sự bệnh hoạn tâm lý như
Kozuka thuở nhỏ. Nhưng ở góc độ nhân đạo, nhà văn vẫn bày tỏ sự căm phẫn và
khinh miệt rõ ràng đối với những kẻ thích đùa cợt trên khổ đau của người khác,
nhà văn vẫn bày tỏ ước mơ về những hạnh phúc giản dị mà bất cứ người lương thiện
nào cũng xứng đáng có được. Thế giới đau thương trong tác phẩm làm tôi bâng
khuâng nhớ một câu thơ của Lý Bạch: Muốn say hoài, chẳng muốn tỉnh chi!.
Đó gần như là mối dây cảm thông của hai con người ở hai thế hệ cách xa. Có lẽ nỗi
khổ đau của con người ở mỗi thời đại là khác nhau, nhưng những tiếng thở than
oán trách đời, những tiếng rên la từ kiệt cùng của tâm thức người nghệ sĩ lại
thật giống nhau! Cuộc đời thi sĩ Lý Bạch cũng có một cõi mộng: Cõi trời đất
trong thơ Lý Bạch lắm lúc ngả nghiêng và cuồng quay trong cơn say của ông, là
cõi mộng tan vỡ vào sự phũ phàng của cuộc đời, vào bất tận của vũ trụ. (Lý
Bạch và cõi mộng tan vỡ, Nguyễn Khánh Tuyết Vy). Cõi mộng tan vỡ, như một quy
luật muôn kiếp, những giọt mưa trong sáng từ lòng đất cằn cỗi của Nakamura
Fuminori được phun trào lên một cách say sưa và mạnh mẽ nhất, để rồi cũng vỡ
tan vì những phũ phàng cay nghiệt nhất. Sau khi đòn tâm lý được giáng xuống những
kẻ đã làm hại cuộc đời Yukari, oán thù đã được trút sạch, một cuộc đời bình yên
và tươi sáng cũng mở ra cho Kozuka. Ở đây, Fuminori bày tỏ khát vọng của tất cả
mọi người. Một tâm hồn yêu đời, yêu người vẫn là khát vọng lớn nhất của bất cứ
ai được sinh ra trên cõi đời: Mình chỉ mơ ước được trải qua một cuộc sống
yên bình, dù không có ai kề cận, ở một nơi nào đấy, tản bộ rồi đọc sách. Mơ ước
không phải mang trong lòng những nỗi niềm phức tạp đến thế, chỉ muốn trở thành
người có một nội tâm đơn giản hơn dù chỉ chút xíu thôi cũng được. Một số bài giới
thiệu sách đánh giá tác phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) dưới
góc độ là một tiểu thuyết trinh thám. Tôi vẫn không đồng ý việc nhìn nhận tiểu
thuyết này ở góc độ trinh thám, vì nó không đi sâu vào điều tra tội phạm. Tác
phẩm chỉ đặt ra giả thuyết về những tệ nạn xã hội qua số phận các nhân vật
Kozuka, Yukari và những dẫn chứng vụ án giết người có thật tại Nhật Bản. Trước
khi đi vào những chi tiết quan trọng của truyện, Fuminori đã dành ra một chương
ngắn để kể về cuộc đời và phân tích tâm lý tên sát nhân Miyazaki, điều này khiến
mạch truyện hơi loãng và rời rạc. Nhưng dụng ý của nhà văn khi anh viết như vậy,
là để tô đậm yếu tố tâm lý. Theo anh, tâm lý con người thật khó hiểu; nhưng tâm
lý lại quyết định phần lớn cuộc đời và lối sống của họ, quyết định cả sự an
ninh của xã hội loài người. Khi người ta không còn lối thoát để sống lương thiện,
thì khả năng là họ sẽ bị biến đổi nhân cách và có những hành động không khác
loài thú hoang. Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) có kết cấu rất phức tạp,
tác giả vận dụng triệt để nghệ thuật kể: truyện lồng trong truyện. Đã vậy, tác
giả còn khéo léo bắt từ câu chuyện của nhân vật này sang câu chuyện của nhân vật
khác mà không để lộ dấu hiệu nào cho người đọc nhận biết sự thay đổi ấy. Lối kể
chuyện ấy của Fuminori, nói lên rằng bất cứ ai cũng có thể mang thân phận của
Kozuka Ryodai, anh đánh lừa chúng ta bằng việc đánh tráo nhân vật thật sự, khiến
ta phải vỡ òa trong sự bất ngờ thú vị khi ta nhận ra nhân vật tôi của xuyên suốt
câu chuyện không phải chỉ có một người. Thông điệp của câu chuyện đã được truyền
tải thật kín đáo mà đầy ấn tượng. Trò đùa con chữ của Fuminori, đã mang đến cho
bạn đọc niềm khoái cảm trước sự biến chuyển kì diệu và khó lường trong nghệ thuật
xây dựng cốt truyện, và chỉ có tài nghệ của một nhà văn mới làm được như vậy! Văn
phong và ngôn từ trong tác phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) không
mềm mại, không dịu dàng. Nhưng ngôn từ trong trác phẩm này có sức mê hoặc và đầy
mỹ cảm của một thế giới siêu thực. Dường như Fuminori đã đắm chìm trong thế giới
riêng của anh, anh đồng cảm với nỗi đau khổ con người nhưng anh thoát ly khỏi mọi
ước lệ tầm thường của không gian, của sự vật trong đời sống. Mọi thứ đều đến gần
tâm hồn chúng ta bằng những hình hài và những cách hiện hữu lạ lùng, bí ẩn. Những
chiếc bóng vây bủa trong một gian phòng, trong mắt nhà văn lại hóa thành những
sợi dây đen dài đan kết nhau tạo nên một bức tranh hoa văn. Chiếc thòng lọng mà
nhân vật Mamiya treo cổ, trong tưởng tượng của nhà văn, nó lạ hóa thành một cái
vòng sáng lập lòe như một lối thoát duy nhất khỏi một không gian đen ngòm không
lối ra. Theo tôi, trong tủ sách văn học chính thống vẫn còn hiếm hoi những sáng
tác phơi bày thực trạng đen tối ám ảnh nặng nề thời đại của chúng ta đang sống:
những kẻ chuyên bắt cóc phụ nữ và trẻ em để cưỡng hiếp, những tên giết người
hàng loạt và buôn bán trái phép nội tạng con người, những sinh viên phải nhận lấy
một tương lai u ám khi họ trở thành nạn nhân rơi vào đường dây của tổ chức buôn
bán ma túy, những em học sinh bị xâm hại tình dục… Những vấn đề nguy hiểm đó vẫn
luôn rình rập và mang đến cho người dân nỗi bất an hằng ngày. Nhưng có lẽ bởi
tính chất đen tối và nhạy cảm của những vấn đề đó, các nhà văn không chọn những
vấn đề ấy để đưa vào sáng tác của họ. Giữa thời đại mà đạo đức suy đồi và sự
lên ngôi của đồng tiền, vật chất,…; người ta lãng quên văn học, bởi do sự thờ
ơ, tính thiếu thực tế của nhiều tác phẩm văn học trước những thực trạng xấu
đang diễn ra ngày càng nhiều. Ở các thế kỉ trước, nền văn học đã xuất hiện những
tác phẩm phơi trần những hiện thực xấu xa ấy như: Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Thằng
gù ở nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, Chàng Ngây Thơ của
Voltaire, cùng những truyện ngắn của Nam Cao và các nhà văn hiện thực khác… Hiện
nay, những hiện thực đen tối trong xã hội còn khá nhiều, nhưng quả thật, tác phẩm
hiện thực xã hội dường như hơi vắng bóng. Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) thật
sự là món quà quý giá Fuminori mang đến cho bạn đọc, cho cuộc đời còn lẩn khuất
nhiều khổ đau. Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) của Nakamura Fuminori là
mũi khoan xoáy sâu vào tâm thức con người, là cơn mưa trong lành được phun trào
từ lòng đất ẩn chứa biết bao cảnh đói nghèo, tội ác, đặc biệt là tội ác tiềm ẩn
trong những con bệnh tâm thần,… Fuminori đã “đe dọa” bạn đọc khi anh mở đầu câu
chuyện: Nếu mở trang giấy này ra, toàn bộ thế giới của ngươi sẽ sụp đổ..
Theo tôi, trái hẳn “lời đe dọa” ấy, Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) xây
dựng lên trong mỗi con người chúng ta một giấc mơ, một sức mạnh, một niềm tin
trong những khoảng tối tăm, lạnh lẽo, cô đơn và đau khổ cùng cực vì chỉ
có con tim là đập mãi không ngừng. Tác phẩm như một bản tuyên ngôn nhân
quyền đầy xúc cảm lớn lao.
NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY.
Tags:
lý luận phê bình
,
nghiên cứu
,
nguyễn khánh tuyết vy
,
trao đổi
,
văn học nước ngoài
Bạn đang xem
Những giọt mưa từ lòng đất cằn khô - Nguyễn Khánh Tuyết Vy
tại
Blog Phan Nam
Xin
trân trọng
và
cảm ơn
rất nhiều, kính chúc sức khỏe, an lành!
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.