HOÀNG HÔN CUỐI MÙA - thơ Phan Nam

11:37 PM |
Phan Nam tại quê nhà, trên núi Đất Đỏ (12.01.2016)
kiếp độc hành buổi bình minh ló dạng
trốn biền biệt mấy nẻo đường trần gian
lướt lẻo với làn gió sớm quyện mắt ai
đong đưa khung trời mộng bao la hồng trần

nốt chấm than dai dẳng kiếp lầm than
non nước tình hòa trọn trong nét vẽ
khói nhạt màu rạn vỡ khối linh hồn
bức tranh cuộc đời gieo neo trong vô định

dừng chân tại đây có còn là nhà
khúc hò cũ vậy gọi từng nhịp đời
vẫn tiếng hát hằng dấu chân lặng lẽ
réo con tim đi tìm một kiếp đời

về phía em còn chút gì trao tên
cũng hụ hôn nồng thắm thuở say đắm
cũng hương yêu chớm nở phía xa xăm
rớt hoàng hôn đêm về ngập tâm can…

 PHAN NAM

Tiên Phước, 31.1.2016



Tác giả giữ bản quyền, vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý.
Xem tiếp…

LẶNG NGHE XUÂN VỀ - thơ Phan Nam

1:10 AM |
      
ảnh: internet

   Những con đường ngập tràn câu đối          
   phối sắc màu nhấp nháy lên mặt người      
   phía đất trống chậu hoa cười trong nắng         
   nhánh hoa tươi lắc lẻo trong hơi sương 
   bước chân vội lắng nghe xuân đang nồng

    chưa nhìn thấy cánh én chao mấy độ
    thoảng xa xa còn mùi khói năm cũ
    mẻ rượu đế rực hồng trong lò nấu
    khúc nhạc xuân chới với giấc mơ đầu

    vẫn xôn xao và có gì lạ lắm
    bờ môi mọng không say không cạn chén
    bao lì xì ngày xưa nằm trong khém
    ru nỗi lòng ùa theo từng tháng năm

     gia đình: hai chữ quá thiêng liêng
     kêu lòng mình quằn quại với thời gian
     gõ nụ cười bay về miền phiêu lãng
     chớp mắt rồi thấy tiếc mùa xuân hồng...

                                                                         PHAN NAM
                                                          Quê nhà Tiên Phước, 31.01.2016



Tác giả giữ bản quyền bài viết, không sao chép khi chưa có sự đồng ý.
Xem tiếp…

Cuộc thi viết: TẾT TRONG TRÁI TIM MỖI NGƯỜI

4:42 PM |
 Trong tim mỗi chúng ta đều có một ngăn dành riêng cho Tết, hãy viết về những điều vi diệu đang an trú trong cái ngăn tuyệt vời ấy nha!
TẾT TRONG TIM MỖI NGƯỜI do MTO tổ chức chính là cuộc thi dành cho bạn!

AI ĐƯỢC THAM GIA?
Tất cả các bạn YÊU TẾT và THÍCH CHIA SẺ VỀ TẾT.
DỰ THI NHƯ THẾ NÀO?
BƯỚC 1: Trong giới hạn tối đa 1000 chữ, hãy viết về một kỉ niệm, một câu chuyện, một ấn tượng, một cảm nhận, một bài học hoặc bất cứ điều gì... về Tết của chính bạn. Hài hước hay sâu lắng đều được. Những bài viết càng mạch lạc, độc đáo, nổi bật tinh thần Tết, càng dễ dàng chiến thắng.
BƯỚC 2: Gửi bài viết dự thi kèm theo hình ảnh minh họa và  thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, trường, lớp, số điện thoại của bạn đến email TetcungMucTim@gmail.com
BƯỚC 3: Những bài được vượt qua vòng sơ khảo sẽ được BTC chọn đăng trên trangwww.muctim.com.vn, bạn chia sẻ link bài viết lên facebook cá nhân của bạn với hashtag#TetcungMucTim #MTO #Tet2016 #Tettrongtimmoinguoi
BƯỚC 4: Chờ đón kết quả lì xì hấp dẫn từ MTO.
Giải Nhất:       Bao lì xì 3.000.000đ.
Giải Nhì:         Bao lì xì 2.000.000đ
Giải Ba:          Bao lì xì 1.000.000 đ

 >> Hạn chót nhận bài dự thi là ngày 29/2/2016.
>> Mỗi bạn có thể tham dự nhiều bài viết khác nhau với nhiều cách thể hiện khác nhau.
>> Bài viết dự thi phải do bạn sáng tác. Bạn chịu trách nhiệm về bài dự thi của mình.
>> Mực Tím có quyền sử dụng bài viết dự thi để giới thiệu trong những hình thức thông tin liên quan đến cuộc thi.
>> Thông tin cuộc thi sẽ được cập nhật trên Mực Tím Online tại địa chỉ www.muctim.com.vn và fanpage của Báo Mực Tím tại địa chỉ fb.com/tapchimuctim trong thời gian diễn ra cuộc thi.
>> Mọi thắc mắc về cuộc thi mời bạn gửi emai đến TetcungMucTim@gmail.com

                                                                                      
                                                                                Nguồn: Báo Mực Tím

Tác giả bài viết giữ bản quyền, sao chép vui lòng ghi rõ nguồn.

Xem tiếp…

CUỐI NĂM ĐI HỚT TÓC… thơ Phan Nam

12:54 AM |

Ảnh Phạm Bá Thịnh (Sông Hương)

Chỉ còn vài bước chân vội
Gục đầu vào mặt đất
Kêu gào
Khóc thét
Trỗi dậy linh hồn bé nhỏ hư hao

Tiếng chết
Lặng câm trong bàn tay ấm
Khi hai khuôn mặt chạm lưng hơi thở
Chưa thấu sự sai bảo nhọc nhằn
Giữa đường trần

Ngày mới
Năm mới
Lún phún mầm xanh thơ dại
Réo gọi linh hồn quay về bến đợi
Héo queo trong góc đất thềm nhà

Có nên phác họa bốn bề
Rạn nứt thời gian
Chớp nhoáng khoảnh khắc
Cuối năm lũ lượt nằm nghe sợi tóc sai bảo
Gật đầu ai chẳng vâng lời
Giật mình! Cuộc đời như giấc chiêm bao…

PHAN NAM
Tiên Phước, 30.1.2015



Bản quyền thuộc về tác giả, xin vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý.
Xem tiếp…

BÁNH TỔ TRONG NGÀY TẾT XỨ QUẢNG - Tản mạn Phan Nam

1:44 AM |

  Có thể nói không ở nơi đâu có nhiều loại bánh và nhiều cách chế biến bánh Tết như vùng đất Quảng Nam. Từ cách làm ban đầu qua nhiều đời truyền lại, những người biết làm bày cho những người chưa biết làm, người lớn tuổi bày biểu lại cho thế hệ con cháu mà ẩm thực ngày Tết xứ Quảng thực sự phong phú đáng kinh ngạc.

Trong số đó ấn tượng nhất vẫn là chiếc bánh tổ mà đúng như tên gọi nghĩa là dâng lên đấng bề trên, tưởng nhớ cha ông, tri ân nguồn cội. Không khí Tết của người Quảng có lẽ rộn ràng nhất khi mọi người, mọi nhà tất bật với việc gói bánh để dâng lên tiền hiền trong lễ cúng tất niên. Ở đây tôi xin được đi sâu hơn về chiếc bánh tổ có xuất xứ từ Quảng Nam, để nói về cái thú thích ăn đồ ngọt và chế biến bánh ngọt trong tâm thức người Quảng. Nói về nguồn gốc bánh tổ thì có nhiều giai thoại, quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: lúc chia tay năm mươi người con để lên non, tổ mẫu Âu Cơ đã làm ra chiếc bánh tổ để phân phát cho các con thay lương khô lót dạ trên đường đi. Theo tôi quan điểm này dựa theo truyền thuyết nên không có nhiều sự chính xác. Có thể do nhiều người đặt tính dân tộc lên trên hết nên đặt ra giả thuyết gắn liền với mẹ Âu Cơ, sự tự hào về gốc tích nòi giống “Con Rồng cháu Tiên”.

- Ý kiến thứ hai lại cho rằng khi anh hùng áo vải Quang Trung dấy binh khởi nghĩa vào cuối thế kỷ XVII, nhà vua lo lắng trong cuộc hành quân xa không đủ lương thực đi đường. Biết được điều đó, người dân xứ Quảng với lòng tự tôn dân tộc, sự ngưỡng mộ với vua, muốn góp sức giúp vua đánh giặc nên đã sáng tạo ra loại bánh này để dâng lên vua. Đây là sự giải thích của nhiều bậc cao niên về nguồn gốc xuất hiện của chiếc bánh tổ, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa có nhiều tài liệu chứng minh được điều đó. Có thể đây cũng là một sự giải thích hợp lý khi bánh Tổ được sản sinh ra từ một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, kho tàng ẩm thực phong phú của vùng đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt, có lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc.

- Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định chiếc bánh tổ có nguồn gốc là “loại bánh lùng kú mà người Hoa vẫn làm để cúng ông bà trong dịp Tết”. Bánh tổ có mặt tại Hội An rất sớm cùng với sự hình thành của các khu phố cổ, khi người Hoa du nhập qua cảng biển vào đô thị sầm uất nhất lúc bấy giờ khoảng thế XVI đến thế kỷ XVII. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì lùng là cái lồng, kú là hấp. Bánh lùng kú một trong những phẩm vật đặt trên bàn người Hoa, đặc biệt có những chấm đỏ lỗ chỗ trên đó để lấy “hên” đầu năm mới”. 
Bánh tổ ngày Tết (ảnh internet)
Nhiều tài liệu cũng cho rằng đây là loại bánh do người Trung Hoa gốc Minh Hương sáng tạo ra rồi sau đó người Quảng học tập rồi dần chế biến theo cách riêng của mình. Có lẽ đây là quan niệm hoàn toàn có căn cứ bởi vì “nói theo tiếng Quảng Đông, lùng kú có nghĩa là cái lồng hấp bởi bánh tổ được đặt trong cái rọ nhỏ để hấp bằng lồng” mà chế biến bánh tổ hoàn toàn theo cách này. Người dân xứ Quảng đặt tên bánh theo hình dáng là “bánh ổ”, lâu dần đọc lệch thành “bánh tổ”.

Có nhiều quan niệm về gốc gác của chiếc bánh tổ nên vẫn chưa thể xác định một cách chính xác, chỉ biết rằng bánh tổ đã có mặt tại xứ Quảng hàng trăm năm nay và mỗi năm Tết đến chiếc bánh không thể thiếu trong mâm cúng của người dân nơi đây. Có lẽ người dân muốn dâng lên đất trời, hướng về ông bà nên đặt tên bánh là bánh tổ để con cháu mai sau giữ gìn chiếc bánh đặc biệt này chăng?


Ở phố cổ Hội An, bánh tổ cùng với cao lầu đã trở thành đặc sản không thể thiếu đối với du khách thập phương gần xa. Ở các nơi khác của đất Quảng mỗi khi ngày Tết người dân mới làm bánh nên họ càng nâng niu giữ gìn từng chiếc bánh như linh hồn trong mâm cỗ. Chiếc bánh tổ còn thể hiện cái thú ăn ngọt của người Quảng khi nguyên liệu làm bánh là bát đường đen, một đặc sản khác cũng gắn sâu vào đời sống ẩm thực của mỗi người.

Nói đến bát đường đen mới nói đến một đặc sản rất đặc biệt vừa là nguyên liệu, vừa là gia vị trong rất nhiều món ngon, bánh trái của người dân nơi đây và dĩ nhiên bánh tổ mà thiếu đi đường đen là thiếu đi hồn cốt của ẩm thực xứ Quảng. Bởi vậy, nên bánh tổ của người Quảng luôn luôn đặc trưng, khác biệt với chiếc bánh tổ của người Hoa ở phương Nam. Bánh của người Hoa được làm từ đường thẻ hoặc đường cát nên có màu vàng hoặc trắng, ngoài ra không có rắc mè lên trên còn bánh tổ của người Quảng được làm từ đường đen nên có màu đen đặc trưng, được trang trí bằng những hạt mè lóng lánh phía trên. 


Hấp bánh - công đoạn cuối cùng khi làm bánh (ảnh: internet)

Người Hoa ở Đồng Nai trang trí chiếc bánh bằng giấy đỏ trong khi đó bánh tổ của người Quảng lại làm bằng lá chuối trông thô và mộc mạc hơn. Dẫu có khác nhau về hình thức nhưng ý nghĩa của việc đặt bánh lên bàn thờ tổ tiên, thắp nén nhang tưởng nhớ nguồn cội dân tộc đúng như tên gọi của bánh. Theo một số quan niệm thì gạo nếp tượng trưng cho mạch sống và sự đoàn kết keo sơn của cộng đồng; màu đen hoặc vàng của bánh tổ tượng trưng cho sự vất vả của người dân lao động chân chất, mộc mạc, một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm để thu gạo nếp, nguyên liệu làm bánh; vị ngọt của đường nhắc nhỏ trong tâm tưởng mỗi người phải sống tốt đẹp, hướng đến sự thanh tao, trong sạch trong tâm hồn, sống có ích cho đời, cho người.

Bánh tổ được làm và chế biến không quá cầu kỳ và phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỷ mẫn trong từng công đoạn nhỏ, muốn làm được chiếc bánh thì dễ nhưng muốn bánh ngon và đạt đến độ dẻo ngọt vừa ăn thì không dễ một chút nào. Đầu tiên, cần phải lựa chọn nguyên liệu làm bánh, chỉ cần hai nguyên liệu là bột nếp và bát đường, ngoài ra cần chuẩn bị thêm mè và một ít gừng nếu muốn tăng hương vị. Nếp được lựa chọn luôn tròn trịa và trắng hơn để dành lại làm bánh Tết, sau đó xay nhuyễn để thành bột nếp. Bát đường sẽ được chặt ra để tạo ra từng miếng nhỏ sau đó được nấu chảy tan, người dân quê tôi hay gọi là “thắng đường”.

Công đoạn thắng đường cần phải được thực hiện một cách cẩn thận để đường “thắng” đạt được độ sánh, đẹp. Sau đó tiếp tục gạn hết chỉ lấy nước đường, có thể cho thêm một ít gừng để tạo vị cay cay dịu nhẹ cho thành phẩm. Công đoạn quan trọng nhất được người dân Hội An gọi là “lấy trùng”, tức là tính toán để bột đường trở thành bánh không quá khô rất khó ăn, hoặc quá lỏng bánh sẽ bị hỏng. Đây là khâu cho bột nếp vào trộn đều với đường “thắng” đã để nguội để tạo thành bánh. Khi bánh đường đã xong thì chỉ cần chọn khuôn và đặt lá vào đổ bánh vào khuôn là ra chiếc bánh. Tiếp theo chuẩn bị hấp bánh liên tục trong ba giờ, khi bánh chín phơi khoảng một đến hai nắng là sẽ có thành phẩm chiếc bánh tổ đậm đà phong vị quê hương.

Ngoài ý nghĩa đặc biệt dâng lên tổ tiên thì chiếc bánh có thể bảo quản khá lâu trong điều kiện thông thường. Trong khi bánh chưng chỉ có thể dùng được trong vài ba ngày Tết thì bánh tổ có thể dùng trong nửa tháng vẫn rất ngon, hấp dẫn và đặc biệt nhất là bánh tổ chiên dầu tuyệt không gì bằng. Có lẽ vì người Quảng khoái ăn ngọt nên bánh tổ luôn luôn được chú trọng trong những ngày lễ Tết. Bánh tổ được bày lên đĩa trông rất bắt mắt khi được cắt ra từng lát và thường đường xếp theo hình cánh phượng tượng trưng cho sự may mắn, phát đạt, tấn tới trong năm mới. 

Ngày Tết bây giờ được tinh gọn đi rất nhiều, việc sắm sửa cũng tiết kiệm hơn nhưng trong tâm thức người Quảng bánh Tết chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong mâm cúng. Có thể nói chiếc bánh tổ là “quốc hồn quốc túy” dâng lên đất trời, dâng lên tiên tổ. Người Quảng có câu ca: “Nem chả Hòa Vang/ Bánh tổ Hội An/ Khoai lang Trà Kiệu/ Thơm rượu Tam Kỳ” chứng tỏ sự phong phú trong kho tàng ẩm thực của vùng đất này và chiếc bánh tổ sống mãi với đất trời như tâm niệm của dân tộc ta: “chim có tổ, người có tông”.

                                                                                     PHAN NAM
                                                            Quê nhà Tiên Phước, đêm 29.01.2016


Tác giả giữ bản quyền bài viết, vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý.
Xem tiếp…

NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN TẤT NIÊN - Bài viết Phan Nam

1:12 AM |
1. Những ngày cuối năm, ai nấy cũng tất tả hoàn thành những công việc cuối cùng để đón xuân về, Tết đến. Lễ tổng kết, họp mặt tại cơ quan hay tổ chức nơi làm việc là hết sức quan trọng. Trên bàn tiệc tất niên những chuyện vui buồn, trà dư tửu hậu dường như được trao trọn cho nhau trong buổi tiệc trà cuối cùng của năm. 

Ngày nay, tất niên theo phong cách Tây cũng được người Việt áp dụng theo phương thức hội họp, gặp mặt cuối năm, được tổ chức như một sự kiện để tổng kết, đánh giá những thành tích đã làm được trong năm. Thường thì tất niên tại các cơn quan thường diễn ra sớm, trong không khí thân mật, ấm áp, không gian rộng với sự tham gia của nhiều người, có nhiều món ăn, đồ uống được dọn ra thịnh soạn.


Cúng tất niên... (ảnh: internet)

Các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… đều tổ chức tất niên để gặp gỡ đồng nghiệp, giao lưu gặp mặt, đồng thời cạn chén nâng ly chúc mùa xuân mới, chúc thành công hạnh phúc trong năm mới và bỏ qua những điều chưa may mắn gặp phải trong năm. Có thể hiểu tất niên ở đây có nghĩa là bữa tiệc, buổi liên hoan, chiêu đãi… do cơ quan đứng ra tổ chức theo dạng hội họp, sự kiện. Đây là hình thức tổ chức theo kiểu phương Tây mà bây giờ chúng ta cũng quen gọi là tất niên. 

Trong buổi tất niên còn diễn ra các hoạt động trao thưởng cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác, lĩnh vực đảm nhận. Ngoài việc trà rượu thoải mái thì những niềm vui cuối năm như thế cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Ngày nay tất niên “lớn” thường được sự chào đón của cả tập thể nên được tổ chức khá long trọng, phần thưởng ngoài giấy khen còn kèm theo hiền kim, hiện vật. Tất niên đúng chất của một buổi gặp mặt công việc và vui chơi, tất niên của hạnh phúc, của niềm vui và cho cả những phấn đấu để đạt được nhiều thành công hơn nữa trong năm mới.

Tất niên tổ chức theo gia đình thường diễn ra gần giáp Tết, quy mô cũng nhỏ hơn nhiều. Và chuyện hội họp bạn bè tất niên là dịp để xua tan đi những muộn phiền của năm cũ, nâng ly rượu thay lời cuối năm. Ngoài chuyện tất niên tại cơ quan tổ chức thì tất niên tại gia đình bây giờ cũng rất được chú trọng theo hình thức bữa tiệc tại gia. Tất niên của các gia đình hiện đại tổ chức theo hình thức thường này khá phóng khoáng, vui vẻ. 

Mọi người thường làm theo phong cách bữa tiệc “tự phục vụ” với các món nướng, món lẩu hoặc hình thức bàn tròn, bày thức ăn ra đĩa như ngày giỗ cưới. Khi đời sống phát triển, con người luôn có nhu cầu làm phong phú hơn các hoạt động để củng cố các mối quan hệ, nhất là tiệc tùng để gặp mặt anh em, bạn bè để chia sẻ mọi tâm tư nỗi buồn trong cuộc sống và cũng như là lời cám ơn sự giúp đỡ, tiếp sức của mọi người đối với gia chủ. Tiệc tất niên theo gia đình thường diễn ra khá muộn khi mọi công việc hầu như cơ bản đã được hoàn tất, hầu như là vào những ngày cuối cùng của năm. 

Khách mời tất niên gia đình thường là rất thân quen, có mối quan hệ đặc biệt với gia chủ nên tất niên cũng được làm rất tươm tất, khá đầy đủ với nhiều sự chuẩn bị. Ở thôn quê tất niên theo hình thức này rất ít khi diễn ra vì có một lễ nghi quan trọng hơn là “chạp mã” hay “dẩy mã”. Nói chung là vào dịp cuối năm, người dân quê sẽ tranh thủ  “thăm và sửa lại mồ mã tổ tiên” để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên. Sau đó sẽ là tiệc nhẹ của gia chủ, khách mời là họ hàng và bà con lối xóm…

2. Có lẽ bây giờ có thể hiểu tất niên là tiệc, hội hộp cuối năm nhưng theo lễ nghi, phong tục truyền thống của dân tộc thì cúng tất niên diễn ra vào ngày cuối cùng của năm, tức là vào ngày 30 đối với năm đủ, ngày 29 đối với năm thiếu. 

Theo tư liệu trên wikipedia: “Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày Mồng 1 tháng Giênggiờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ. 

Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà”. Hầu hết những công việc chuẩn bị cho mâm cùng tất niên thường phải xong từ chiều, hương khói nghi ngút chuẩn bị cho việc cúng bái.

Thời khắc cuối năm là thời khắc quan trọng và linh thiêng nên cúng tất niên được bàn thờ cúng trời, đất (một số nơi gọi là “cúng cô bác”) đặt vào một vị trí mặt tiền, thường là trước hiên nhà, bàn thờ tổ tiên cũng được chăm chút cẩn thận, được đặt mâm ngũ quả và hương đèn đầy đủ. Một số người tâm niệm rằng cúng tất niên là “rước ông bà” về xum vầy cùng con cháu trong ba ngày Tết nên lễ cúng phải trang nghiêm, chu đáo. 

Vì vậy, bàn thờ tổ tiên và tục thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn luôn được khắc sâu trong tâm thức của người Việt. Cũng theo một số quan niệm thì “hương và đèn, hương tượng trưng cho tinh tú, sự nối kết giữa âm và dương, đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời”. Nhang khói ngày Tết thực sự không thể thiếu trong phong tục thờ cúng của người Việt. Việc bày biện vàng mã cũng hết sức tinh gọn, chủ yếu nhìn đẹp mắt và thể hiện lòng tôn kính đối với những người bề trên.

 Tóm lại, ngày Tết cổ truyền của dân tộc luôn có những lễ nghi, phong tục tập quán, ngày hội… tốt đẹp của dân tộc. Ngày tất niên dù được tổ chức theo phương thức nào cũng cần tránh mê tín dị đoan, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân tộc. Lễ tiết cần đề cao sự hướng thiện, tưởng nhớ cội nguồn, phát huy bản sắc văn hóa, say mê những việc làm thiết thực.

 Những sự hồ hởi, mong ngóng, an nhiên trong lòng mỗi người sẽ được cầu phúc trong mùa xuân mới, nhang khói là hư vô nhưng luôn ẩn chứa bao hoài vọng lớn lao. Xin kết bài viết bằng khúc thơ trong bài thơ “Tết này mời bạn ghé thăm” trong chiều tất niên của nhà thơ Lê Huy Mậu (Vũng Tàu): Vợ tôi lục tung cả tháng/ Muối dưa, làm kiệu, cuốn nem/ (Mách nhỏ bạn điều này nhé/ Cứ nhằm dưa kiệu mà khen!)...
                                                                       PHAN NAM
                                                        Quê nhà Tiên Phước, đêm 27.1.2016


Xem tiếp…

GIÂY PHÚT VÀ KHOẢNH KHẮC

4:13 PM |
Viết cho ngày cuối năm...

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nửa thôi cả thế giới sẽ đón chào năm mới 2015. Mình vẫn cô đơn và giây phút đó chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng đó là một khoảnh khắc, khi ta trường thành hơn với những năm trôi qua ta cần đi tìm cho mình nhiều câu trả lời hơn.. hoặc lặng im... 

Có những khoảnh khắc đi theo mãi trong đời, có những giây phút thật sự đặc biệt... Năm mới bước đến như làm lòng ta quay cuồng nhiều hơn và cần phải suy nghĩ, năm cũ đã qua đi với những giây phút của khổ đau, điên rồ vã cả những vấp ngã, có những điều thật khó chấp nhận... nhưng rồi thời gian qua đi để ta tiếp tục học cách sống, học cách tồn tại...



Một năm trôi qua chứa đựng trong nó những kỉ niệm đẹp, những khoảnh khắc ý nghĩa và cả những giây phút cứ trôi đi một cách vô vị... có lẽ vì ta ko biết làm gì, ko biết tô màu cho cuộc sống này chăng...

Có những thứ ta phải quên đi trong năm cũ, những mục tiêu và dự định có thể vẫn cứ dang dở nhưng có thể thời gian buột ta đặt ra và buộc ta làm, bởi vì ko 1 lý do nào để thời gian dừng lại...
Tạm gác những nụ cười bất chợt thoáng quá, hướng đến năm mới trong sự lo âu, sợ sệt và đón chào những khoảnh khắc đẹp có thể lướt qua cuộc sống...

Hi vọng năm mới vẫn sẽ bình yên, hãy bình yên theo 1 cách vốn có. Hi vọng sẽ ko có 1 tin xấu nào ập đến vì lúc đó mọi thứ sẽ sụp đổ, hi vọng sẽ ko có...
Hi vọng sẽ có những dư vị ngọt ngào, những niềm vui nho nhỏ... như thế là đủ cho 1 cuộc sống rồi...

                                                                                                           Đêm 31.1.2014
                                                                                                               PHAN NAM
Xem tiếp…