|
Tranh: P.S (nguồn: sggp.org.vn) |
Những
giờ rảnh rỗi, tôi thường bật máy tính lên “cày” phim bộ nước ngoài, thỉnh thoảng
lang thang tìm kiếm xem lại những phim cũ của điện ảnh trong nước. Một đứa trẻ
sinh ra từ làng ngày xưa phải xem ké ti vi nhà hàng xóm thì có biết gì đến
phim… chiếu rạp, phim điện ảnh như bây chừ, và những cảnh phim ấy thỉnh thoảng
đưa tôi trở về một một miền ký ức đẹp đẽ được lưu giữ trong bảo tàng ấu thơ. Cô
gái chạy như bay trên đồi cát nóng bỏng để ôm những que kem về cho những đứa em
thơ dại, cái nắng, cái gió, cái rát của tuổi thơ ăm ắp gió Lào chợt thổi về xao
động trái tim. Cảnh những đứa trẻ chuyền nhau que kem mà vị ngọt tan chảy đầu
lưỡi thấm đượm tâm hồn, cảnh cô bé mua que kem trong chuyến tìm nguồn trong
phim “hương dẻ” và sau này cũng trên chuyến xe ấy que kem đưa cô trở về nơi
chôn nhau cắt rốn. Buổi trưa xóm nhỏ, khi con chim chìa vôi còn đang bận “vừa
hót vừa bay” thì lũ trẻ rong chơi với cái nắng như thiêu như đốt với đủ trò nghịch
phá, mệt nhoài rồi lại lăn đùng trên chiếc võng chìm vào giấc mơ lúc nào không
hay. Giấc mơ còn đang lưng chừng phía chân trời thì tiếng leng keng từ đâu vọng
tới, đánh thức đứa trẻ chạy ra ngoài sân ngơ ngác nhìn theo. Ông bán cà rem đến
mấy đứa ơi. Thế là lục tung khắp ngóc ngách căn nhà để tìm nào nồi niêu xoong
chảo không còn dùng nữa, nào dép đứt, sắt vụn gom lại rồi yên vị dưới bóng mát
của hàng cây trước ngõ chờ xe cà rem tới. Chiếc xe đạp cà tàng thong dong dưới
con đường làng, ông bán cà rem dừng lại nở nụ cười đôn hậu, lấy khăn lau từng
giọt mồ hôi nhễ nhại, thong thả lật nắp thùng gỗ lấy ra từng que cà em xanh
xanh, trắng trắng, hồng hồng phát cho từng anh em chúng tôi, đứa mô cũng có phần.
Cầm que cà rem mà hạnh phúc dâng trào như con sóng sông quê, mắt đứa nào đứa nấy
sáng rực bỏ mặc những tia nắng lọt qua kẽ lá dọi thẳng vào khuôn mặt lem luốc.
Tiếng leng keng từ chiếc chuông của xe cà rem làm xôn xao cả khoảng trời vắng lặng,
chỉ chờ có vậy, lũ trẻ trong xóm cũng ùn ùn kéo đến mang theo những đôi dép hư mà
bọn chúng cẩn thận giấu kỹ rất lâu. Mỗi đứa chỉ một que cà rem nên mút xong vẫn
còn thòm thèm ước chi có thật nhiều để thưởng thức cho thỏa lòng, quả thực cà
rem là một món xa xỉ đối với mỗi đứa trẻ thôn quê. Lúc ấy, ăn xong cầm thanh
tre nho nhỏ trên tay xoay qua nhìn lại chỉ ước mong đôi dép thiệt nhanh… đứt để
còn đổi cà rem. Thật là. Bận má kể hồi nhỏ ngoại mất sớm, ông đi lập nghiệp
phương xa rồi lấy vợ mới, má phải ở với bà nội. Bà đi hái chè suốt ngày trong
thung sâu bỏ má ở nhà một mình. Có một lần, người bán cà rem đến vì thèm quá mà
không biết mần răng má lấy nồi lành, dùng nấu bánh Tết để đổi… cà lem. Người
bán cà rem, không hiểu sao lấy luôn nồi lành của đứa trẻ thơ dại, sau này nhiều
hồi hỏi thăm lần dò, bà biết được người bán trưa hôm đó, và khi người bán hôm trước cho
đứa cháu mình quay trở lại đã bị bà chửi cho một trận và buộc phải hoàn trả lại
nồi cho bà, không hiểu sao lại lam tham thế nhỉ, đi dụ con nít bởi mấy que cà
rem, hic.
Cà
rem, cà lem mà ngày nay chúng ta gọi là kem bắt nguồn từ tiếng Pháp crème đã có xuất xứ từ lâu đời, dẫu mới
chỉ phổ biến ở nước ta từ đầu thế kỷ XX nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trái
tim của trẻ thơ. Ký ức với cà rem chắc chắn đọng lại trong tâm khảm của rất nhiều
người, như một khoảnh khắc đẹp mà chắc hẳn mỗi người không bao giờ muốn quên
đi, bôi xóa. Cà rem ngày xưa với đủ màu sắc, được làm thanh một khối đông đặc
tròn hoặc vuông khá đơn điệu, không thương hiệu, không bao bì nhưng vị ngọt
thanh mát dịu dàng thấm đẫm miền ký ức. Có lẽ, chẳng có ai đủ sức rao hàng “cà
rem” dưới cái nắng rát da của buổi trưa hạ nên mỗi người bán cà rem đều sắm cho
mình cái chuông, chỉ lần lắc nhẹ là tiếng leng keng quyến rũ lại vang vọng khắp
hang cùng ngõ hẻm. Có nơi người bán sắm cái kèn thổi kêu “toe toe” dụ lũ trẻ
con đến nhưng tôi nghĩ cái chuông vẫn được dùng phổ biến vì âm thanh của chúng
có phần vang xa và vui tai hơn. Mấy năm nay, ông lão bán cà rem trên chiếc xe đạp
hầu như không còn xuất hiện, dần dà mỗi nhà đều đã sắm tủ lạnh, thích ăn khi
nào thì đã có sẵn trong tủ, chỉ cần thò tay vào mà lấy, quá tiện lợi và dễ
dàng. Miền ký ức quá vãng có lẽ cũng chẳng ai muốn nhắc lại bởi dòng chảy cuộc
sống cuốn trôi đi tất cả. Bây chừ ăn kem còn dễ hơn ăn cơm ý, có chuyện chi mô
mà nhắc. Dép đứt, nồi niêu hư đều được mấy bà mua phế liệu thu gom hết, cái chi
cũng quy bằng tiền chứ nếu có cà rem chắc cũng chả ai thèm đổi. Buổi tối, tôi làm
thêm ở quán kem mùa hè, những lần chờ kem được làm ra để phục vụ cho khách,
trông thấy cục kem tan chảy mà lòng không khỏi xao động khôn nguôi. Muốn một lần
bị dụ lấy nồi lành đổi cà rem như cây chuyện má kể nhưng có lẽ chẳng giấc mơ
ngày ấy chẳng bao giờ quay trở lại: “ta sớm
biết có nỗi buồn đến... ngọt/ như những ngày nắng ấm rất... căm căm/ người xuất
hiện dậy tôi bài học mới/ bài: yêu người như yêu cây cà-rem” (thơ Du Tử
Lê).
Đà Nẵng, trưa 29.6.2018
PHAN NAM
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.