Triểm lãm "quái vật nhựa" ở Đà Nẵng

12:30 PM |

Sáng ngày 30.6, tại khuôn viên thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng diễn ra cuộc triển lãm “quái vật nhựa” với nhiều mô hình ấn tượng và độc đáo. Triển lãm lấy cảm hứng từ ảnh hưởng xấu của đồ nhựa đối với môi trường sinh thái tự nhiên, Green Hero - một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường đã lên ý tưởng thực hiện một số mô hình từ vật liệu tái chế để gửi đến mọi người thông điệp: giảm nhựa, thêm sạch, thêm xanh. Toàn bộ bối cảnh triển lãm được chia thành hai khu vực: khu vực trung tâm (bối cảnh chính) và khu vực xung quanh (bối cảnh phụ).
Triển lãm thu hút người xem (ảnh Phan Nam)
Bối cảnh chính phác họa một loài sinh vật bị “nhựa hóa” thành một loài thủy quái ghê gớm đang đồng hóa những loài nhỏ bé gia nhập vào cộng đồng quái vật, bối cảnh phụ mô tả về những quái vật nhựa cỡ nhỏ đại diện cho tập đoàn quái vật nhựa và sinh vật biển đáng thương khác. Giữa một rừng mô hình mang tính nghệ thuật đầy biểu tượng, triển lãm hy vọng gửi gắm đến người xem hồi chuông báo động về sự xâm lăng của “quái vật nhựa”, nhằm đánh thức cảm xúc và nhận thức của mọi người về tình trạng “ô nhiễm trắng” đại dương. Triển lãm diễn ra trong hai ngày 30.6 và 1.7.2018.
Tin, ảnh: PHAN NAM.
Một số hình ảnh tại triển lãm:







Blog Phan Nam. 


Xem tiếp…

Lấy nồi lành đổi... cà lem - tản văn Phan Nam

2:25 PM |
Tranh: P.S (nguồn: sggp.org.vn) 
Những giờ rảnh rỗi, tôi thường bật máy tính lên “cày” phim bộ nước ngoài, thỉnh thoảng lang thang tìm kiếm xem lại những phim cũ của điện ảnh trong nước. Một đứa trẻ sinh ra từ làng ngày xưa phải xem ké ti vi nhà hàng xóm thì có biết gì đến phim… chiếu rạp, phim điện ảnh như bây chừ, và những cảnh phim ấy thỉnh thoảng đưa tôi trở về một một miền ký ức đẹp đẽ được lưu giữ trong bảo tàng ấu thơ. Cô gái chạy như bay trên đồi cát nóng bỏng để ôm những que kem về cho những đứa em thơ dại, cái nắng, cái gió, cái rát của tuổi thơ ăm ắp gió Lào chợt thổi về xao động trái tim. Cảnh những đứa trẻ chuyền nhau que kem mà vị ngọt tan chảy đầu lưỡi thấm đượm tâm hồn, cảnh cô bé mua que kem trong chuyến tìm nguồn trong phim “hương dẻ” và sau này cũng trên chuyến xe ấy que kem đưa cô trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Buổi trưa xóm nhỏ, khi con chim chìa vôi còn đang bận “vừa hót vừa bay” thì lũ trẻ rong chơi với cái nắng như thiêu như đốt với đủ trò nghịch phá, mệt nhoài rồi lại lăn đùng trên chiếc võng chìm vào giấc mơ lúc nào không hay. Giấc mơ còn đang lưng chừng phía chân trời thì tiếng leng keng từ đâu vọng tới, đánh thức đứa trẻ chạy ra ngoài sân ngơ ngác nhìn theo. Ông bán cà rem đến mấy đứa ơi. Thế là lục tung khắp ngóc ngách căn nhà để tìm nào nồi niêu xoong chảo không còn dùng nữa, nào dép đứt, sắt vụn gom lại rồi yên vị dưới bóng mát của hàng cây trước ngõ chờ xe cà rem tới. Chiếc xe đạp cà tàng thong dong dưới con đường làng, ông bán cà rem dừng lại nở nụ cười đôn hậu, lấy khăn lau từng giọt mồ hôi nhễ nhại, thong thả lật nắp thùng gỗ lấy ra từng que cà em xanh xanh, trắng trắng, hồng hồng phát cho từng anh em chúng tôi, đứa mô cũng có phần. Cầm que cà rem mà hạnh phúc dâng trào như con sóng sông quê, mắt đứa nào đứa nấy sáng rực bỏ mặc những tia nắng lọt qua kẽ lá dọi thẳng vào khuôn mặt lem luốc. Tiếng leng keng từ chiếc chuông của xe cà rem làm xôn xao cả khoảng trời vắng lặng, chỉ chờ có vậy, lũ trẻ trong xóm cũng ùn ùn kéo đến mang theo những đôi dép hư mà bọn chúng cẩn thận giấu kỹ rất lâu. Mỗi đứa chỉ một que cà rem nên mút xong vẫn còn thòm thèm ước chi có thật nhiều để thưởng thức cho thỏa lòng, quả thực cà rem là một món xa xỉ đối với mỗi đứa trẻ thôn quê. Lúc ấy, ăn xong cầm thanh tre nho nhỏ trên tay xoay qua nhìn lại chỉ ước mong đôi dép thiệt nhanh… đứt để còn đổi cà rem. Thật là. Bận má kể hồi nhỏ ngoại mất sớm, ông đi lập nghiệp phương xa rồi lấy vợ mới, má phải ở với bà nội. Bà đi hái chè suốt ngày trong thung sâu bỏ má ở nhà một mình. Có một lần, người bán cà rem đến vì thèm quá mà không biết mần răng má lấy nồi lành, dùng nấu bánh Tết để đổi… cà lem. Người bán cà rem, không hiểu sao lấy luôn nồi lành của đứa trẻ thơ dại, sau này nhiều hồi hỏi thăm lần dò, bà biết được người bán trưa hôm đó, và khi người bán hôm trước cho đứa cháu mình quay trở lại đã bị bà chửi cho một trận và buộc phải hoàn trả lại nồi cho bà, không hiểu sao lại lam tham thế nhỉ, đi dụ con nít bởi mấy que cà rem, hic.
Cà rem, cà lem mà ngày nay chúng ta gọi là kem bắt nguồn từ tiếng Pháp crème đã có xuất xứ từ lâu đời, dẫu mới chỉ phổ biến ở nước ta từ đầu thế kỷ XX nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim của trẻ thơ. Ký ức với cà rem chắc chắn đọng lại trong tâm khảm của rất nhiều người, như một khoảnh khắc đẹp mà chắc hẳn mỗi người không bao giờ muốn quên đi, bôi xóa. Cà rem ngày xưa với đủ màu sắc, được làm thanh một khối đông đặc tròn hoặc vuông khá đơn điệu, không thương hiệu, không bao bì nhưng vị ngọt thanh mát dịu dàng thấm đẫm miền ký ức. Có lẽ, chẳng có ai đủ sức rao hàng “cà rem” dưới cái nắng rát da của buổi trưa hạ nên mỗi người bán cà rem đều sắm cho mình cái chuông, chỉ lần lắc nhẹ là tiếng leng keng quyến rũ lại vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm. Có nơi người bán sắm cái kèn thổi kêu “toe toe” dụ lũ trẻ con đến nhưng tôi nghĩ cái chuông vẫn được dùng phổ biến vì âm thanh của chúng có phần vang xa và vui tai hơn. Mấy năm nay, ông lão bán cà rem trên chiếc xe đạp hầu như không còn xuất hiện, dần dà mỗi nhà đều đã sắm tủ lạnh, thích ăn khi nào thì đã có sẵn trong tủ, chỉ cần thò tay vào mà lấy, quá tiện lợi và dễ dàng. Miền ký ức quá vãng có lẽ cũng chẳng ai muốn nhắc lại bởi dòng chảy cuộc sống cuốn trôi đi tất cả. Bây chừ ăn kem còn dễ hơn ăn cơm ý, có chuyện chi mô mà nhắc. Dép đứt, nồi niêu hư đều được mấy bà mua phế liệu thu gom hết, cái chi cũng quy bằng tiền chứ nếu có cà rem chắc cũng chả ai thèm đổi. Buổi tối, tôi làm thêm ở quán kem mùa hè, những lần chờ kem được làm ra để phục vụ cho khách, trông thấy cục kem tan chảy mà lòng không khỏi xao động khôn nguôi. Muốn một lần bị dụ lấy nồi lành đổi cà rem như cây chuyện má kể nhưng có lẽ chẳng giấc mơ ngày ấy chẳng bao giờ quay trở lại: “ta sớm biết có nỗi buồn đến... ngọt/ như những ngày nắng ấm rất... căm căm/ người xuất hiện dậy tôi bài học mới/ bài: yêu người như yêu cây cà-rem” (thơ Du Tử Lê).
Đà Nẵng, trưa 29.6.2018
PHAN NAM

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí văn nghệ Bình Định số tháng 6.2018

4:14 PM |

Tháng Sáu, kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Văn nghệ Bình Định trân trọng giới thiệu trang thơ của những người làm báo, cùng ghi chép của nhà báo Trần Đăng về một chuyến tác nghiệp ở Trường Sa. Trang truyện ngắn kỳ này với sự góp mặt của cây bút trẻ Thiên Nga So Zuôn với CHUYỆN MÙA ƯƠI, Nguyễn Mỹ Nữ với CÔ HẢI ĐƯỜNG, Ngô Nhân Đức với NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM.
CHUYỆN MÙA ƯƠI được viết với giọng văn hiền lành và trầm buồn về những hủ tục lạc hậu từ bao đời trùm phủ lên bản làng, gây nên thảm cảnh tan vỡ hạnh phúc gia đình và nỗi thống khổ của người phụ nữ; CÔ HẢI ĐƯỜNG như một ký ức đẹp về thời tuổi trẻ trong lòng người học trò xốc nổi và cá tính qua giọng văn dịu dàng, chất chứa yêu thương và đầy nữ tính; NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM với giọng văn vừa nhẩn nha, vừa bạo liệt đầy sức ám gợi về phần con và phần người trong con người, về cái đẹp vĩnh hằng giữa cuộc đời nhơ nhớp và tủi cực…
Trang văn trẻ kỳ này với sự góp mặt của các cây bút trẻ: Phan Nam, Vĩnh Thông, Hoàng Khánh Duy, Thiên Trần, Vân Phi… 
Cùng các chuyên mục thường kỳ khác. Mời các bạn đón đọc.


Blog Phan Nam.



Xem tiếp…

Niềm tin trong ngăn đá... - bài viết Phan Nam

3:43 PM |
Nhà thơ Hman & nhạc sỹ Thu Thủy tại buổi ra mắt sách
(ảnh: Phan Nam) 
Chiều ngày 16.6.2018, tại khuôn viên thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng diễn ra buổi ra mắt tập thơ “niềm tin trong ngăn đá” của tác giả Bùi Mỹ Hồng, tác giả không thể đến tham dự vì lý do sức khỏe.
Trong lời tựa tập thơ, nhà thơ Hman, trưởng đại diện NXB Văn học tại Miền trung & Tây Nguyên giới thiệu: “Có vẻ đây là tập thơ cuối cùng của Bùi Mỹ Hồng. Cơn bạo bệnh đã ăn mòn cơ thể chị, gặm nhấm thời gian của chị và sự sống ấy chỉ có thể được tính bằng ngày…”. Qua lời giới thiệu của nhà thơ Hman, độc giả cảm nhận phần nào sợi dây cảm xúc xuyên suốt qua 49 thi phẩm trong 125 trang in của chị, nỗi cô đơn, nỗi buồn, nỗi dằn vặt thống thiết ngân lên tự sâu thẳm thân xác của chị, vang vọng giữa đời thường như một hy vọng nhỏ nhoi vừa được thắp sáng trong mưa, trong tận cùng hoang lạnh vẫn là khát khao tận hiến, khát khao sống và khát khao hạnh phúc. Mở đầu tập thơ, tác giả viết: “Thử một lần vượt qua cái gọi là định mệnh/ trên con đường không định hướng/ (không thể quay đầu lại vì đã đi quá xa)/ Thôi thì cứ sống (kiên cường) như loài cỏ dại/ Không cần biết cuối trời mây có ngủ quên”, dẫu con đường của chị ngắn ngủi và tràn đầy bất trắc khi phải đối diện với bệnh tật nhưng trong thơ vẫn hiện lên những ánh lửa, nhưng tia chớp soi rọi tâm hồn con người, để mỗi người chúng ta thêm trân quý khoảng thời gian quý giá đang sống, góp phần hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Trải lòng với những nỗi đau qua từng câu thơ, từng con chữ sẽ khiến độc giả có phần mệt mỏi và ngột ngạt khi khám phá tập thơ, nhưng chắc chắn thơ chị không chỉ có không khí u buồn, uẩn ức và tiếng thở dài cho số phận. Đâu đó là những ô cửa ngập tràn sắc màu ngoài kia trôi qua trong đôi mắt tinh tế của thi sĩ, chắp cánh vần thơ đẹp đẽ đến nao lòng: “Mong một ngày cánh cửa nằm im/ sẽ nhắc nhở gió vuốt ve hồn cây cỏ/ nhắc nhở hơi ấm thôi rơi xuống vực đêm/ nhắc nhở ta mỉm cười/ mỗi bình minh/ mỗi hoàng hôn mà không cần trái ngọt…” (Trái tim đổi màu).
Ảnh bìa tập thơ. 
Cái đẹp dịu dàng của nữ sĩ thấm vào mỗi cơn đau thấm đượm mỗi dòng thơ khi đối diện với bốn bức tường hoang vắng, đối diện với chính mình, đối diện với nỗi cô đơn đặc quánh làm lòng người thêm phần sợ hãi, lạc nhịp: “Bầu trời đêm sâu thật sâu/ ôm chiếc gối/ che đậy cái cảm giác đang ùa về/ (không thể khóc như ngày chưa biết yêu)/ ngửa mặt ngăn giọt nước mắt quay trở lại/ Đêm cô đơn bám víu vào giấc mơ chìm/ một lần buông tay là vĩnh viễn/ trượt sâu vào miền câm lặng/ miền của gió mưa và nắng gắt” (Tiếng khóc trái tim). Kể từ khi phát bệnh, chị trở nên yêu quý bản thân, yêu quý khoảng thời gian còn lại của đời mình, yêu quý những người thân trong gia đình, yêu quý những bằng hữu đang ngày đêm cầu nguyện cho chị, và chị chia sẻ: “Với bản thân/ ly cà phê đen không đường/ Với gia đình/ viên kẹo me chua – chua – ngọt – ngọt/ Biết rằng vẫn không lạc đường/ cho đến khi nhìn thấy ánh sáng/ cũng là lúc chiếc đồng hồ cát chảy xuống hạt cuối cùng” (Biết ơn). Niềm tin dẫu chỉ được đặt “vào nơi lạnh lẽo” trong ngăn đá như lời nhận xét của nhà thơ Hman, và điều đọng lại khi đọc tập thơ của tác giả Bùi Mỹ Hồng là niềm hy vọng đang thắp sáng giữa đời, xoa tan bóng tối lan tràn trong tâm hồn, vẫy gọi sự sống lên xanh:

Cởi chiếc áo khoác
hơi lạnh phủ lên đôi cánh tay trần
uống nguộm trà thơm làm tràn dòng nước mắt
nhiều con chữ nhảy múa khúc khích
hôn lên tiếng chuông gió đang vang trong tim
Có gì đâu phải cuối đầu hờn dỗi với giấc mơ không đến
Siết chặt hai tay
móc ngóe với giọt trà cuối cùng
bôi xóa hết mọi ngóc ngách không vui
tô lại màu xanh biếc trong khu vườn trụi lá…
                                            (Giấc mơ chuông gió)
 Khép lại tập thơ trong khoảng trống cuối ngày, nỗi buồn tự đâu ùa đến, thầm nghĩ đời người rồi cũng như những vần thơ, lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi như con nước sông Hàn mải miết trôi xuôi: “Ai ngân tiếng nấc thành thơ/ Gieo vào hồn kẻ dại khờ nỗi đau/ Con sóng vỗ trắng bạc đầu/ Trong vô vọng vẫn chờ câu tương phùng”...
Bên bờ Hàn giang, 23.6.2018
PHAN NAM

Tác giả: Bùi Mỹ Hồng, sinh năm 1963,  sinh và sống ở thành phố Đà Nẵng, đã có thơ in trên Báo Đà Nẵng, báo Thanh niên, tạp chí Non Nước, báo văn nghệ TP HCM,  tạp chí sông Hương, Kiến thức ngày nay, văn nghệ Bình Dương… Tập thơ đã xuất bản: Thủy tinh mù (2012), Lửa đêm khuya (2014), Niềm tin trong ngăn đá (NXB Văn học 2018).


Xem tiếp…

Góc viết dịu dàng... - tản văn Phan Nam

2:15 PM |
Phan Nam trong một quán café ở Đà Nẵng tháng 2.2017. 

Mỗi khi đắm chìm vào không gian ở một quán café nào đó trong lòng phố, không hiểu sao trong lòng tôi vang lên những thanh âm dịu dàng. Viết lách tựa như hơi thở mỗi ngày, nuôi dưỡng tâm hồn mình với biết bao rung động sâu kín, ngập tràn bí ẩn và cũng rất đỗi thành thật. Mỗi khi đối diện với con chữ, tôi được sống đúng với con người mình, sống đúng với hiện tại, sống đúng với những gì cuộc sống ban tặng. Nghề phu chữ là một nghề đặc biệt, mỗi góc nhìn, mỗi tác phẩm đến với bạn đọc đều xuất phát từ mục đích góp phần vào công cuộc duy trì những giá trị chân thiện mỹ phổ quát đến bạn đọc, lan tỏa yêu thương, tái tạo hạnh phúc để cuộc sống trở nên tươi mới, tốt đẹp hơn. Tôi rất may mắn và hạnh phúc khi có nhiều dịp đặt biệt hội ngộ cùng những người anh, người chú ở những góc quán văn nghệ lẩn khuất đâu đó trong lòng thành phố, những trăn trở, nghĩ suy trước mỗi tác phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, mỗi con chữ như một số phận đeo đuổi cả cuộc đời cầm bút. 

Nghề viết là một nghề rất đặc biệt, nhiều khi chơi đó mà cũng làm đó, dịu dàng như cơn gió nhẹ thoảng qua, âu yếm mơn man da thịt mới sực nhớ nhân vật đang sống cùng cuộc đời của tác giả, lật lại để mà nhớ mà thương. Bạn là một người yêu thích công việc biên tập, viết lách tự do và góc nhìn của bạn trước mỗi vấn đề, sự kiện luôn sâu sắc, bao quát hầu hết trên trang trang viết. Dường như mỗi con người đi qua đời bạn đều đọng lại một điều gì đó đáng kể, man mác u buồn nhưng cũng tràn đầy giá trị nhân bản, bao dung và ngập tràn yêu thương. Góc viết dẫu chỉ khép nép ở một góc quán nào đó cũng đủ thể hiện đời sống bất biến của ngôn ngữ, ở đó con chữ làm trung tâm, chuyển động theo thời gian và không gian, diễn tả cuộc sống muôn màu, thổn thức nhịp đập của trái tim. Những xao động chẳng bao giờ dừng lại, dẫu chỉ một chiếc lá rơi, bài hát vang lên đâu đó mỗi buổi chiều, tiết quét chổi êm đềm trên hè phố, những con sóng lăn tăn mải miết xô bờ… 

Khoảnh khắc bắt gặp đó rồi lại tan biến đó, để lại sâu trong tâm khảm mỗi người nhiều kỷ niệm nhưng cũng ngập tràn nghĩ suy, đắn đo trước bao lựa chọn hay ngả rẽ cuộc đời. Hẹn bạn anh góc quán, anh gửi tôi xem bài thơ mới nhất của anh, tôi lắng nghe thanh âm trong lòng mình chợt trào dâng, dẫu chỉ thoáng qua, nhưng chắc chắn tôi sẽ không giờ quên. “Tin tức trên báo chỉ là những con chữ nhàu nhĩ nhàn nhạt/ Chúng không biết phẫn nộ/ Không biết đau đớn/ Không biết xót thương/ Anh nhìn em mà không biết nói gì với em/ Ta nhìn nhau mà không biết nói gì với nhau” (Đinh Lê Vũ, ý nghĩ ghi vội của buổi sáng), góc quán ấy chúng ta đã đến và đã đi, với ước muốn làm mới chính mình và làm mới cảm hứng sống mỗi ngày. Tôi không thể quay lưng trước dòng chảy của cuộc sống cũng như quay lưng với chính mình. Góc quán dịu dàng hàng ngày âm thầm nuôi dưỡng niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, vào sự tử tế đang ươm hoa kết trái, bay bổng giữa dòng đời. Sáng nay, tôi chọn cho mình một nhánh hoa đẹp, rồi tự mình cắm trên chiếc bàn nhỏ, bật máy tính lên đong đếm khoảnh trống sâu hun hút, nỗi cô đơn đông đặc tự bao giờ…
Đà Nẵng, 19.6.2018
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Tọa đàm nâng cao chất lượng sáng tác văn học thiếu nhi

4:03 PM |
Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Trong khuôn khổ phiên chợ sách lần thứ II được tổ chức tại thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng, sáng ngày 15.6, diễn ra chương trình tọa đàm “nâng cao chất lượng sáng tác văn học thiếu nhi” do hội nhà văn TP Đà Nẵng phối hợp cùng NXB Kim Đồng chi nhánh miền Trung tổ chức. Buổi tọa đàm nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các tác giả, dịch giả Đà Nẵng hoạt động trong sáng tác văn học dành cho thiếu nhi trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá lan tỏa rộng rãi tác phẩm đến bạn đọc, qua đó nhằm giúp các nhà văn nhà thơ xác định đúng chủ đề, hướng tiếp cận bạn đọc, giúp không ngừng nâng cao chất lượng các tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Nhà văn Văn Thành Lê phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh Phan Nam)
Qua hơn 10 tham luận của các đại biểu là các tác giả tâm huyết với văn học thiếu nhi như: nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, dịch giả Bùi Xuân, nhà thơ Cao Xuân Sơn, Thanh Quế, Nguyễn Kim Huy, nhà văn Quế Hương, Lê Trâm, Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng, Mạc Ly, Nguyễn Thị Anh Đào, Văn Thành Lê… đã trình bày ưu điểm cũng như những khó khăn trong công cuộc sáng tác tác phẩm thiếu nhi, chỉ ra những giải pháp thẳng thắn góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm, các ý kiến về việc xây dựng văn hóa đọc trong bộ phận học sinh hiện nay, quảng bá tác phẩm đến với đối tượng độc giả nhỏ tuổi.
Một số tác phẩm văn học thiếu nhi của các tác giả Quảng Nam, Đà Nẵng (ảnh: Lê Trâm)
Buổi tọa đàm giới thiệu một số tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng viết cho thiếu nhi như: Bầy chim lạc, Mùa hái quả, Người thoáng hiện (thơ Tagore, dịch giả Bùi Xuân), Chú hưu cao cổ trắng (Lauren St John, dịch giả Bùi Xuân) Cát cháy, Những đám mây kể chuyện (Thanh Quế), Nội tôi, Chó hoang (Bùi Tự Lực), Mơ về phía chân trời (Lê Trâm), Triền sông thơ ấu (Nguyễn Kim Huy), Trận thư hùng (Mạc Ly)… ngoài ra còn một số tác phẩm của các tác giả xứ Quảng dành cho thiếu nhi như: Bình minh trên sông Hoài (NXB Hội nhà văn), Mõm đen ngày trở về (NXB Kim Đồng) của tác giả Nguyễn Bá Hòa, Trong và ngoài rào gai (NXB Kim Đồng) của tác giả Nguyễn Tam Mỹ.
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Ban mai đi dọc sông Hàn - chùm thơ của tác giả Đinh Thị Như Thúy

8:10 AM |
Tranh: họa sỹ Hoàng Đặng. 
Ban mai đi dọc sông Hàn

thường đi dọc sông Hàn mỗi sớm mai
thời khắc vắng
đón ngọn gió đến từ bờ Đông
ngọn gió ăm ắp ánh mặt trời

ban mai
sông Hàn trắng
thương làm sao những vòm cây xa xôi
khu vườn thiếu hơi thở
lặng

dịch chuyển không làm nên ngăn cách
sông Hàn ban mai kéo một vệt sáng
cơn rùng mình bén ngọt
cắt vào ngày

Có những ngày

Với cái nhìn trống rỗng trong gương soi
Tôi bắt đầu một ngày dài mệt mỏi
Một ngày dài nhàn nhạt
Chẳng có niềm vui nào ra hồn
Cũng chẳng có nỗi buồn nào
đáng để tôi được khóc
(Có lúc tôi thèm được khóc biết bao!)

Đành rũ bỏ bộ mặt bơ phờ
Tôi dọn cho mình dáng vẻ thản nhiên
Rồi ném thời gian vào công việc

Khi đêm xuống
Trong bóng tối, tôi ngồi chờ một giấc mơ
Chỉ có những con bướm đêm
Chỉ có ngọn gió đẫm hương
Và tiếng côn trùng như dao
cứa vào lòng tôi buốt nhói
Trái tim héo rũ rơi  rơi

Tôi thức dậy
trống rỗng nụ cười

Mơ dã quỳ

Dè dặt thắp lên
Táo bạo thắp lên
Thắp lên bằng tất cả những gì đang có
Thắp tràn lá xanh

Dã quỳ vàng vào nắng, vào sương vào bụi đỏ
Màu vàng nhức nhối
Dâng hiến một linh cảm bất an
Mùa xao xác

Chờ tìm về những chuyến xe qua 
Chờ ánh chớp từ những mắt nhìn không nhìn
Những bàn tay không vẫy
Chờ ngàn năm, ngàn năm
Kiên nhẫn biết ngày hồi sinh, ngày khánh kiệt

Không thắm tươi không cười cợt
Rừng rực
Dã quỳ cháy và khóc
ĐINH THỊ NHƯ THÚY
Nguồn: vannghedanang.org.vn

Xem tiếp…

Mỗi mùa pháo hoa... - tản văn của Phan Nam

9:07 AM |
Pháo hoa 2018 (ảnh: Đông Phước Hồ) 

1. Lần đầu tiên được xem pháo hoa cách đây mười năm qua sóng truyền hình, khỏi phải nói tâm trạng của gia đình tôi nôn nao, háo hức lạ kỳ. Giây phút đếm ngược chờ bản hòa ca của của âm thanh & ánh sáng tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng trong cái đêm hôm ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cậu bé như tôi dẫu chỉ ngắm nhìn qua khung hình tivi nhỏ bé. Đến khi tôi chọn thành phố xinh đẹp bên bờ sông Hàn làm nơi neo đậu cảm xúc, tôi mới vỡ lẽ thành phố này còn nhiều điều đặc biệt, cảm xúc hơn thế. Tôi tình cờ bắt gặp xúc cảm buổi ban đầu ấy qua khúc thơ của tác giả Huỳnh Văn Chính được viết trong đêm khai mạc lễ hội pháo hoa quy mô, đặc sắc nhất miền Trung và của cả nước bấy giờ, lòng người không khỏi rung động, xuyến xao: “Tôi không nén được lòng mình xúc động/ Giữa dòng người trẩy hội đêm pháo hoa/ Thôi gạt bỏ chuyện giàu nghèo danh phận/ Hãy nhìn lên… cả thành phố vỡ hòa”. Nhà báo Nguyễn Đức Nam chia sẻ những dòng tâm sự giản dị đời thường những cũng rất đỗi ý nghĩa, hi vọng mỗi mùa mùa pháo hoa đi qua soi sáng tâm hồn những rung động thẩm mỹ hết sức tốt đẹp. Ở đó mỗi người dân thành phố là mỗi đóa hoa tô điểm thành phố ngập tràn sắc hoa, chính những con người ấy góp nên thành công rực rỡ của đại tiệc âm thanh ánh sáng vang vọng trên bầu trời thành phố. Từ cô chú công nhận quét đường đến lực lượng công an, quân đội, bảo vệ dân phố đang làm nhiệm vụ, người giữ xe, người bán nước bên vệ đường, nhân viên, cán bộ công ty điện lực; các nhà báo, phóng viên miệt mài đưa tin về lễ hội; những nghệ sỹ biểu diễn, cống hiến hết mình trên sân khấu đến mỗi người dân nở nụ cười hiền lành, thân thiện hòa cùng du khách vui niềm vui chung, mong ngóng thời khắc “cả thành phố vỡ òa”. Đứng trong dòng người chiêm ngưỡng vẻ đẹp pháo hoa, mỗi dòng thơ là mỗi dòng cảm xúc tuôn trào tự sâu đáy lòng được tác giả thổn thức chấp bút: “Tôi ngây ngất đêm Sông Hàn huyền thoại/ Nàng Tiên Sa xõa mái tóc phiêu bồng/ Bỗng rực rỡ sắc màu muôn tinh tú/ Ngỡ bồng lai mở hội giữa tầng không/ Cám ơn bạn dù đường xa vạn dặm/ Đã về đây vì tiếng gọi Sông Hàn/ Đã về đây nối nhịp cầu thân ái/ Cho dư âm đại tiệc pháo hoa vang! (Cảm xúc sông Hàn, thơ Huỳnh Văn Chính). Tôi hình dung mỗi ngọn cây, bụi cỏ, con nước cùng góp sức tô điểm những vũ điệu không hồi kết của đại tiệc pháo hoa. Rung động thẩm mỹ là có thật. Khát khao cống hiến cho cái đẹp là có thật. Khát khao chiêm ngưỡng cái đẹp là có thật. Hi vọng về ngày mai tươi sáng là có thật. Vì thế khó ai có thể lột tả hết cảm xúc của mình mỗi khi tiếng pháo khắc khoải âm âm bên tai, bức tranh ánh sáng nối đuôi nhau hiện lên và tan biến trên bầu trời, dẫu chỉ là khoảnh khắc cũng đủ chạm vào trái tim, vào hồn người.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (ảnh: internet)
2. Cô bạn có nhiều bài viết hay về sự kiện pháo hoa cũng như những kỷ niệm tươi đẹp về đất và người Đà Nẵng, mỗi lần đọc bài viết của bạn, không hiểu sao trong tôi trào dâng trào, đan xen những xúc cảm khác nhau, vừa lạ vừa quen, vừa chân thật lại vừa đặc biệt. “Trong đời sống, những gì lặp đi lặp lại thường dễ khiến xung quanh nhàm chán. Song, vẫn có những thứ lặp lại, mỗi lần “đến hẹn lại lên” sẽ khiến số đông hứng khởi và chờ đợi nhiều hơn. Cảm giác này hao hao giống tâm trạng của một chàng trai nóng lòng gặp lại ý trung nhân sau lần đầu chạm mặt” (Huyền thoại những cây cầu, Phạm Thị Hải Dương), đấy là những dòng chia sẻ của bạn về lễ hội pháo hoa DIFF 2018, chắc hẳn mỗi người đều cảm nhận nét tươi mới, trẻ trung, ngọt ngào nhưng cũng không kém phần hiện đại, phá cách được gửi gắm qua mỗi con chữ. Pháo hoa, phục vụ công chúng, mọi tầng lớp nhân dân, bất kể “giàu nghèo danh phận” như câu thơ của tác giả Huỳnh Văn Chính, nhưng để cảm nhận hết vẻ đẹp, lột tả hết vẻ đẹp ấy thông qua con chữ thực khó muôn phần. Nhưng ở đây, rất nhiều tác giả, nghệ sỹ tâm huyết viết về lễ hội pháo hoa tự sâu gan ruột của mình góp vào bức tranh đa sắc màu, để mỗi mùa pháo hoa đi qua còn chút gì để nhớ để thương. Trong bài “thơ về pháo hoa sông Hàn”, nhà thơ Ngô Minh viết: “Anh là đêm sông Hàn hoa nở/ Hoa pháo mâm xôi/ Hoa pháo cẩm tú cầu/ Hoa pháo mặt trời/ Hoa pháo mặt trăng/ Hoa pháo nở như tình yêu chớp giật/ (…) Anh là đêm sông Hàn/ Hoa em nở/ Buốt tim”, tình yêu như ngọn sóng triều dâng, và khi pháo hoa bừng tỉnh, tình yêu ấy càng lấp lánh nhiệm màu qua từng con chữ. “Nhắc ai nhớ hẹn tháng Ba/ Gặp nhau đêm hội pháo hoa Sông Hàn/ Tháng Ba xuân thắm chưa tàn/ Pháo hoa quốc tế Sông Hàn hẹn ai”, nhà thơ Hải Như với dòng thơ những ngày đầu đặt chân đến thành phố bên sông Hàn cũng kịp ghi lại đôi dòng kỷ niệm với đất và người Đà Nẵng, mặc dầu bây chừ lễ hội không còn tổ chức vào tháng ba, nhưng tiếng pháo báo hiệu non sông liền một dải, đất nước thống nhất vẫn vẹn nguyên như hôm nào. Mỗi mùa pháo hoa ngân vang trên bầu trời thành phố, những ca khúc lại hiện về thực rõ, thực đẹp, đôi khi chúng ta ngắm nhìn vẻ đẹp của pháo hoa không phải bằng mắt nữa mà lắng nghe bằng trái tim, dùng trái tim để cảm nhận: Đà Nẵng đẹp như mơ (Đinh Gia Hòa), Lung Linh sông Hàn (Quỳnh Hợp), Sắc màu Đà Nẵng (Trần Ái Nghĩa), Đà Nẵng pháo hoa khúc tình ca (Thanh Sử)… Pháo hoa đắm chìm giữa đời thường, cất lên tiếng nói của đời sống, chiếm trọn tình cảm của người dân. Và mỗi mùa pháo hoa đi qua, huyền thoại lại bắt đầu: “Đêm pháo hoa tôi, bạn và thơ/ xuống đường cùng sông Hàn, cầu Rồng Đà Nẵng/ không gian đêm rỡ ràng tỏa nắng/ tôi, bạn và thơ làm sao im lặng/ khi hồn mình thăng hoa mênh mông…” (Pháo hoa, thơ Lê Anh Dũng).
Đà Nẵng, 9.6.2018
PHAN NAM

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí Đất Quảng & tạp chí Non Nước tháng 6.2018

5:08 PM |


Trân trọng giới thiệu tạp chí Đất Quảng số 170 tháng 6.2018


Trân trọng giới thiệu tạp chí Non Nước số 245 tháng 6.2018




Blog Phan Nam.

Xem tiếp…