Thơ Phan Nam, hứa hẹn vườn cây, trái siêu thực - bài viết của Du Tử Lê

1:45 AM |
-“mái nhà chảy
cột kèo chảy
viên ngói vỡ niềm tin”
-“người đưa tay vuốt cơn gió trở về
hình như ngôi mộ đang xếp hàng
kể về sự sống”
-“tỷ dụ niềm tin phơi góc vườn
nắng sớm cong queo
người đàn bà ngồi hớp nỗi buồn
tháng ba đồng khô lõi cháy”
-“vốc cạn không gian và thời gian”
- “ngôi nhà thanh xuân không lối về

vén giấc mơ luồn lách qua vách ngăn luân hồi”
Đó là những câu thơ siêu thực xen kẽ giữa những câu thơ mang tính tượng trưng hay, hiện thực của một người làm thơ trẻ (rất trẻ), mới bước vào tuổi 21, Phan Nam - Hiện đang theo học ngành báo chí, khoa ngữ văn, Đại học Đà Nẵng. Trong ghi nhận riêng, tôi thấy dường như lớp người làm thơ trẻ gần đây, có xu hướng nghiêng về thơ siêu thực, nhiều hơn lớp trước?  Trong số đó, có Phan Nam?
Dõi theo lộ trình thi ca của Phan Nam, người chỉ mới bắt đầu làm thơ năm 2013 (18 tuổi), tôi nghĩ, dường Phan Nam, cũng đã sớm cho thấy trong cõi-giới thơ của Phan, nhiều cây, trái siêu thực. Tựa đó là chiếc địa-bàn, định hướng lộ trình thi ca của người trẻ tuổi này? Điều khiến tôi chú ý hơn nữa, là khả năng vận dụng những động từ cụ thể đi với những game màu siêu thực. Một chủ tâm mà, những người làm thơ non tay, hoặc bị não hóa với quan niệm văn phạm cũ; cho rằng, một động tự cụ thể phải đi trước hay sau một danh từ cụ thể - Hoặc ngược lại… Nhưng, Phan Nam thoát khỏi vòng phấn cổ điển kia, khi viết:“Người đưa tay vuốt con gió trở về; “…Niềm tin phơi góc phố / nắng sớm cong queo”; hay “tôi với lấy linh hồn tôi chìm nghỉm”… Lại nữa, Phan Nam cũng không thường trực đưa “cái tôi” ra “tiền trường” ngữ cảnh mà, ít thôi. Sự không sử dụng tối đa chủ thể “tôi” (hay “anh”), có cái hay là sự ít xuất hiện đó, có tác dụng thêm tính khách quan cho nội dung bài thơ. Một phần nào, nó cũng “giải phóng” bài thơ khỏi cảm xúc có trước của nhà thơ - - Cho người đọc cảm thấy được tự do bước vào, ở lại, đón nhận hay từ chối bài thơ:

phẳng lặng những mảng màu
bóng tối vây kín một nửa
cơn gió thất hứa
quẩn quanh trang sách chưa một lần giở
giấc mơ xa
giấc mơ kín
che dấu điệu nhạc câm nín…
(Trích Phan Nam, “Sến Khúc”)

Hay:

tiếng gà gáy đánh tan một không khí tĩnh lặng
hoa gạo đỏ lửa nhân gian
rải một niềm tin từ lòng đất
nhấn sâu mạch nguồn khóe mắt…
(Trích “Tỷ Dụ”)

Tôi cũng rất thích những liên tưởng gián-cách trong thơ Phan. Thí dụ:

bức tường tróc mảng cuối cùng
màu rêu góp xanh cho lá

Thay vì viết “màu rêu xanh như lá”, liên tưởng trực tiếp thì, Phan Nam lại viết “rêu góp xanh cho lá”. Với cách viết này, không những Phan loại bỏ được liên tự “như” mà, động từ “góp” còn cho người đọc cảm tưởng như màu lá xanh hơn, nhờ phần góp thêm của rêu. Và, màu xanh ấy cũng đã:

nhắn nhủ mùi hương
Lặng lẽ vuốt mái tóc gầy

Chỉ trong 4 câu thơ, Phan đã 2 lần (tình cờ?) sử dụng kỹ thuật liên tưởng gián cách và, một lần nhân cách hóa vật-thể vô hình, khi dùng động từ “vuốt”. Lộ trình thơ Phan Nam, trong ghi nhận của tôi, không chỉ ẩn tàng khuynh hướng siêu thực, với những liên tưởng gián cách mà, Phan còn hăm hở bước sâu vào cánh rừng lục bát. Cánh rừng nguyên sinh, nhiều cổ thụ. Qua ba bài lục bát, tôi có trong tay, hết 2 bài Phan dùng cùng một thi-nhãn “đêm”, xuyên suốt bài thơ:

Hỏi đêm
Đêm có hay rằng
Vì sao rơi xuống
Cho tàn cuộc chơi
Hỏi đêm
Đêm bận ra khơi
Thuyền không người lái
cũng rồi cơn mê…

(Trích “Hỏi Đêm”). Và:

xin đêm
một giọt sương khuya
ánh trăng lẻ bạn
chia lìa hoàng hôn
xin đêm
rớt một phím đờn
vần thơ sáng tỏ
chắp mùa nông sâu...”
(Trích “Xin Đêm”)

Nhịp đi, hơi thở lục bát Phan Nam, vẫn còn trong bóng rợp ca dao. Nhưng với tôi, nỗ lực nhân cách hóa được Phan liên tiếp khai thác, trong hai bài lục bát vừa kể, là một nỗ lực đáng chú ý, để có thể làm mới thể thơ rất khó làm mới này. (Phải chăng vì thế, ít ai muốn ném mình trên đỉnh nhọn cheo leo của thể thơ truyền thống đó?) Qua vài ghi nhận nhỏ, có tính cách cá nhân, tôi tin, tương lai, Phan Nam sẽ còn mang lại cho thi ca, cho người đọc nhiều hơn nữa cây, trái siêu thực từ những con chữ mà, Phan đã sớm làm chủ được chúng - Như những hòn bi-ve sẵn trong túi áo.
Mong lắm thay.
DU TỬ LÊ
(Calif. Jan. 2016)

ĐỌC THÊM THƠ PHAN NAM:

GÓC PHỐ TÌNH YÊU

1.

bức tường bong tróc mảng cuối cùng
màu rêu góp xanh cho lá
nhắn nhủ mùi hương
lặng lẽ vuốt mái tóc gầy
nắng bay
mưa bay
những chuyến xe vẫn trôi, một cách bình thường
những đồng tiền lẻ trao tay
không có gì đáng nói
quán bún bốc hơi bên này
quán chè mát đượm bên kia
lặng lẽ dâng hiến đời phố
nỗi buồn tỏa lên trang thơ
chiều nay em về bên lối cũ đường xưa

2.

thương, thương biết mấy cho vừa
nụ cười lấm tấm giọt mồ hôi xa
chuyện tình buôn gánh bán bưng
khoảng cách giữa đời thực và trang giấy
chén chè mát lành ruột gan
tô đậu hủ ngào ngạt đôi môi
lặng lẽ trôi
lặng lẽ
lặng
vào nhịp điệu lặp lại ngày tháng
vào lời nói câu chào bâng quơ
ở đó những phận người
ở đó một góc phố
quán quen
rất quen
đến nỗi dăm bảy ngàn tiền lời không còn quan trọng nữa
khép nép chuyện tình thoáng qua

3.

xin trả lại giấc mơ vỉa hè
ngồi bẹp mặt đất
không một điểm dừng chân
ngơ ngẩn từng khoảng lặng
những bà, những cô, những mẹ, những người chưa từng gặp
áp đặt giao diện nỗi nhớ
phía trên tầng cao tiếp xúc
tôi nhớ mình đã đi qua đây
kiếm tìm bóng dáng hạnh phúc.

NHỮNG NGÔI MỘ XẾP HÀNG

giả sử tôi sẽ tháo dỡ tấm bia
được chạm khắc bởi những người sống
sẽ chẳng biết ai là ai
ngoài lớp mặt nạ bị thời gian chôn vùi
tôi đang mơ về sự đáng thương của loài người sau chiếc hộp sọ hóa thạch
trừng trừng nằm lại
trừng trừng đi lên
bỏ mặc ngọn lửa thiêu đốt đồng tiền
người đưa tay vuốt cơn gió trở về
hình như ngôi mộ đang xếp hàng
kể về sự sống
đầy dẫy hỗn loạn
một bài thơ đã hóa tro tàn
một cuốn thơ đã hóa tàn tro
có thể người ta sẽ nhầm lẫn
tội ác có thật sự nằm dưới đám cỏ dại thi nhau mọc lên vô tội vạ
giả sử vô số khúc ca
đánh mất trật tự vốn có
nỗi buồn tâm sự cùng hồn ma
bởi vì mộ không còn là ngôi mộ.

TỶ DỤ

tỷ dụ niềm tin phơi góc vườn
nắng sớm cong queo
người đàn bà ngồi hớp nỗi buồn
tháng ba đồng khô lõi cháy

tiếng gà gáy đánh tan một không khí tĩnh lặng
hoa gạo đỏ lửa nhân gian
rải một niềm tin từ trong lòng đất
nhấn sâu mạch nguồn khóe mắt

trầy trật một góc sân khoảng trời
trầy trật một bình yên diệu vợi
khi đường cày trật khỏi bùn non
đồng quê phơi giọt mồ hôi tích cổ

muôn đời hạt ngọc trời ban
khi con người bất chất từng miếng cơm manh áo
khi ích lợi ra khỏi mạch ray lợi ích
hà cớ chi không theo tự nhiên thuận nghịch

địa trường khắc nghiệt phủ kham khổ
dõi mắt trông trời, trông nắng, trông mây (*)
người đàn bà chân đất quay ra quay vô
xin đừng nhấn nút phẫn nộ
bàn phím cam chịu muôn phần
                  Đà Nẵng, 27.3.2016
----  
(*) ý ca dao

NGÔI NHÀ THANH XUÂN

ngày ngày tôi gieo một vài ý tưởng vào cánh đồng ký ức
những ý tưởng chưa hiện hình cứ mặc sức rong chơi
cào bằng suy niệm của chiêm bao cảm xúc
vẫn ngỡ mình lạc giữa cổng trời

tôi vẫn đứng đó mà không dám bước lên
say giấc ngọt ngào của niềm tin vụn vỡ
có những khuôn mặt tôi quen hoặc không quen
vốc cạn không gian và thời gian

tôi đắm chìm giữa bộn bề suy nghĩ
năm giác quan chết lặng mà tôi không hề hay biết
lồng ngực không muốn đập, trái tim chẳng muốn cho đi
giọt mồ hôi cổ tích mà tôi không biết có vị gì

từng dòng cảm tưởng bồi lấp khoảng trống trong tôi
cân/đo/đong/đếm trôi vụt thời trai trẻ
ngôi nhà thanh xuân không lối về
vén giấc mơ luồn lách qua vách ngăn luân hồi…

Đà Nẵng, 2.4.2016

NẤC THANG

Buổi sáng
Ta đi tìm chính mình
Ly cà phê nhạt nắng
Lặng câm chườm lên sự chuyển động vô hình

Khi mùi phố nguy nan
Con người bóc trần vị đắng
Lại vô định
Cúi xuống đi tìm dấu chân lạc loài

Bốn mùa rơi bốn mùa rơi
Hạ trắng vội vã đón gió mùa Đông Bắc tràn về
Suy xét chủ quan thiển cận
Đòi hỏi khen chê

Ta quyết kiếm tìm những giải pháp
Giải khát bế tắc
Giải khát lòng tham
Những nấc thang tĩnh lặng...

HỎI ĐÊM

Hỏi đêm
Đêm có hay rằng
Vì sao rơi xuống
Cho tàn cuộc chơi
Hỏi đêm
Đêm bận ra khơi
Thuyền không người lái
Cũng rồi cơn mê
Hỏi đêm
Đêm có đi về
Khi tâm lặng lẽ
Bơ vơ kiếp này
Đêm rằng, đêm mãi loay hoay
Chờ bình minh gọi cho ngày nắng lên.

XIN ĐÊM

xin đêm
một giọt sương khuya
ánh trăng lẻ bạn
chia lìa hoàng hôn
xin đêm
rớt một phím đờn
vần thơ sáng tỏ
chắp mùa nông sâu
xin đêm
khúc hát thương sầu
gót chân cuối xóm
ngõ sau uốn mình
xin đêm, khói bụi nguyên trinh
vân tay khẽ nối ân tình hư vô

Phan Nam.



Nhà thơ Du Tử Lê giao lưu với công chúng yêu thi ca tại Huế ngày 14.08.2016 (ảnh: Phan Nam)


Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Du Tử Lê

8:15 AM |
Chân dung nhà thơ Du Tử Lê (ảnh: nguoinoitieng.tv)
Nhà thơ: Du Tử Lê, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, theo gia đình di cư vào miền Nam. Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An, Trần Lục rồi đại học Văn Khoa Saigon, nguyên sĩ quan QL/VNCH. Ông làm việc tại cục Tâm Lý Chiến trong vai trò phóng viên chiến trường, trước khi làm Thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong. Năm 1969, Du Tử Lê theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana. Ông định cư tại Hoa Kỳ sau biến cố 30 tháng 4-1975. Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai...

Nhà thơ Du Tử Lê (tranh: Đinh Cường).
KHÚC THỤY DU

1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được!

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gậm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt dài nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi

tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng khôn khép
bàn tay nàng khôn thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?

hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

3.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi

đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết!

tình yêu như dao nhọn
an đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn ý nghĩa gì
ngoài tình em tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.
                        3/68

CHÂN DUNG

tôi ngồi trong nỗi tôi riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về

tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào
tưởng người ngọn sóng lao xao
biển muôn năm gọi tôi nào có vui
người về có nén hương, thôi
cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng

tôi-ngồi-trong-cõi-nhân-gian

AI NHỚ NGÀN NĂM
MỘT NGÓN TAY

Tháng tư tôi đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
Có môi chưa nói lời chia biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia

Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân ai dưới tàng phong ốm
Mà tiếng giày rơi như suối reo

Tháng tư khao khát, đêm, vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao anh biết trăng không lạnh
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi

Tháng tư hư ảo người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi: một khán đài
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự biển khơi

Tháng tư xe ngựa về ngang phố
Đôi mắt nào treo mỗi góc đường
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bến sông

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đóa hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như chiều: tôi mồ côi

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trộn, như sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thương?

Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi

Tháng tư người nhắc làm chi nữa
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôi mưa... đã... mưa

Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?


DU TỬ LÊ
(Nguồn: Tạp chí sông Hương SĐB 22/09-2016)

Nhà thơ Du Tử Lê giao lưu với công chúng yêu thi ca tại Huế ngày 14.08.2016 (ảnh: Phan Nam).

Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Phan Nam

9:20 AM |
Tác giả: Phan Nam, sinh năm: 1995
Quê quán: xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Hiện là sinh viên chuyên ngành báo chí, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.

em, một vẻ đẹp man dại
lao xao gió
lao xao tình
vừa chống đỡ
vừa chăm chút
trang trại tâm hồn tạo nên những mầm xanh.
                                                                   (Vọng âm biển)

Trang trại tâm hồn ấy, vẻ đẹp man dại ấy biết đâu chính là say đắm nồng nàn “những vạt sáng lấp ló phía non ngàn” mà tác giả đang vừa chăm chút lại vừa chống đỡ trước vọng âm biển của thơ ca. Phan Nam còn rất trẻ, vừa muốn thoát khỏi lối mòn, nhưng còn đang loay hoay cơn mê thơ thôi thúc, chưa biết rồi sẽ về đâu, nhưng Nam đã hiểu và “bắt đầu cởi áo, tận hưởng chút khí tươi lọt vào căn phòng...”:

ta không cần níu kéo
những điều đã qua
những dự cảm rời
những chắp vá
đôi lần trò chuyện ấm trà dần cạn từ lâu rồi...

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu:


CHO NGƯỜI Ở NƠI XA

những chiếc hộp bịt kín hơi thở
bung ra từ căn phòng
nỗi niềm trào lên vòm họng
em nói về sự đau khổ
những dấu chân ra đi khi con chim sau vườn thôi cất tiếng hót
em rơi gì
hỡi người thiếu nữ
đêm dậy thì vắt lên vai và ý nghĩ về những ngày đã qua
em hãy vươn đến một nơi xa
nơi đó có những cánh chim không phải từ trong khu vườn nhỏ bé
không phải là tòa lâu đài có những khuôn mặt hoàng tử
nơi đó có anh
đang thật lòng lắng nghe lời chia sẻ từ trái tim biết nói
xin em đừng bỏ lại những lần vấp ngã trên cánh đồng
có ba, có má, có những người thân thương
đang dõi theo
hình như chúng ta đã sống lâu quá dưới một mái nhà
xin em đừng trượt theo đồ thị hình sin
hãy mở mắt ra đón nhận niềm tin
từ vòm mây nhẹ nhàng trút xuống
ta không cần níu kéo
những điều đã qua
những dự cảm rời
những chắp vá
đôi lần trò chuyện ấm trà dần cạn từ lâu rồi...

BẮT ĐẦU CỞI ÁO

cơn gió vừa vuốt qua tai
mang theo bụi bặm ẩm mốc
chứa đựng lời trần tình của tiếng khóc
rù rù những vòng quay

nhánh xương rồng đung đưa trên mái
đập vào mắt chuỗi ngày lặp lại
ta đang sống chung hoặc chết trên chính đôi tay mình

một linh hồn vừa bị đánh cắp
ám vào giấc ngủ sự sai lầm của quá khứ
ám vào giấc ngủ cơn ác mộng phù du
ùa về thét gào mảnh trăng non

sống là còn
chết là hết
và ta bắt đầu cởi áo
tận hưởng chút khí tươi lọt vào căn phòng hôm nay...


VỌNG ÂM BIỂN

những âm thanh vang lên trong cuống họng
những vạt sáng lấp ló phía non ngàn
gió ngang
mây cao
kéo vài giọt sóng dạt bờ
núi và biển
gần và xa
như những nhịp đập
rạt rào rạt rào, đựng trên chiếc lá
loe hoe nóc nhà
bỏng bẩy sợi dây vắt trên mặt nước
mặn lòng
mặn dòng
có lẽ đó là vịnh biển
đêm kéo giấc mơ trở mình
lặng lẽ cơn ho
em, một vẻ đẹp man dại
lao xao gió
lao xao tình
vừa chống đỡ
vừa chăm chút
trang trại tâm hồn tạo nên những mầm xanh.

                                                               Hải Vân sơn, 21-10-2016

THOÁT KHỎI BỘ NHỚ

nơi thu, em
giãy giụa nét vẽ khi đầy khi vơi
bên khung cửa sổ những nốt nhạc rơi
bóng bẩy cơn mơ của mùa

nơi ra đi, em
chỉ cần nắm tay nhau cũng đủ hiểu
những phác nét âm thầm sau đôi lần hò hẹn
gò hàn đôi bờ mi

nơi khung ảnh, em
nhấp nháy vùng sáng khắc ghi
một vành nôi phía sau con nước
khép hờ phút giây hạnh phúc

nơi, chấm, mắt, em
cơn mê thoát khỏi bộ nhớ
virus xâm nhập hơi thở
con chữ nào xóa hết nỗi buồn đêm nay...

HOA VĂN TÌNH YÊU

đôi ta vứt bỏ cuộc tình vào khói nhang ngày cũ
lặng lẽ và hân hoan
luân chuyển và tro tàn
cứ quấn lấy nhau chạm trổ hoa văn

phải mất một khoảng thời gian
rất nhanh và rất chậm
hời hợt và tỷ mẩn
hóa thành bản vẽ đậm đà chi tiết

rồi cuộc chia ly cũng đến như chưa từng gặp gỡ
tình cờ phác lộ
những mảnh vỡ lồng lộng khứ hồi
viện bảo tàng bắt đầu tập làm quen với những ánh mắt dò xét

khi bứt bình phong vén xuống
ngày và đêm cũng được vén xuống
bụi bám vào không gian
để lộ những khoảng trống
bắt buộc phải cắt bỏ
những phút giây thao thức giao tình...

PHAN NAM
(Nguồn: Báo Đà Nẵng)


 Trang thơ Phan Nam trên báo in Đà Nẵng số ra ngày chủ nhật 13.11.2016.


PHAN NAM.

Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Phan Đình Chúng

10:09 AM |
Tác giả: Phan Đình Chúng, sinh 22.01.1993, quê quán: Tam Kỳ - Quảng Nam. Hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đà Nẵng. Mỗi bài thơ là mỗi cái nhìn tinh tế của tác giả về những mùa đã qua, về tình yêu, tình cảm đối với quê hương đất nước. Và có lẽ được sinh ra và lớn lên ăm ắp tiếng hát lời ru của mẹ nên trong mỗi người chúng ta hồn thơ đã được nuôi dưỡng ngọt ngào, đẹp đẽ như vậy.
Nhân dịp xuân đinh dậu 2017, blog Phan Nam xin trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm tiêu biểu:

THÁNG TƯ VỀ

Chợt tháng Tư về,
len lỏi giữa đường quê,
Mưa đổ nhòa sương,
cũng xóa mờ dòng lệ,
Đâu rồi tháng Tư,
thắm nắng vàng ngạo nghễ,
Giờ chỉ còn mưa,
giăng kín nẻo đường về.
Chợt tháng Tư về,
chân lặng bước lê thê.
Giữa những ngày mưa,
buồn giăng giăng khệ nệ,
Gió nỡ lạnh căm,
đôi ba mùa kể lể.
Sao bỗng chạnh lòng,
nghe dạ tái, tim tê...

KHÚC TƯƠNG TƯ

Chút thư tình,
em nghe tôi tương tư.
Có trả lời tôi,
xin cứ để từ từ,
Mong em chớ,
gật đầu hay chối vội,
Để mỗi đem về,
tôi lại khúc tương tư...

XA

Hạ về phai nhạt bóng xuân qua,
Ong bướm lặn tăm chẳng là đà.
Đất trời, non nước đều xanh cả
Điểm một nhành hoa nụ tím cà,

Bỗng nhớ năm nào sắp tháng ba
Vườn nhà đang độ lúc đơm hoa
Thế rồi sương gió quần tơi tả,
Ta ngỡ đời hoa đã chớm già.

Đâu những chiều xa, những chiều xa,
Đường về hạ trắng, nắng phôi pha,
Gió buồn hiu hắt chành đôi ngả,
Mưa lỡ từng cơn thấm đậm đà.

XIN

Ngươi về có nhớ tình xưa
Mỗi khi mưa đến là a nhớ người...
Nhớ ánh mắt... nhớ nụ cười...
Nhớ khi e khóc làm nhòe khóe mi
Nhưng mà xin người đừng đi....
Để anh được mãi yêu em trọn đời
“Tôi đến đây không phải tôi mộng, tôi mơ,
Mà muốn gởi chút hồn thơ thả vào trang vở,
Dẫu bên nhau thoáng đầu còn bỡ ngỡ,
Nhưng âu cũng là kẻ sĩ, kẻ yêu thơ”

IN BÓNG MẶT HỒ

Có cô gái giữa chiều,
Lặng yên ngồi tịch liêu,
Nghiêng mình trong gió thoảng,
Nắng chiều loang lổ xiêu,
Đầu xanh soi bóng nước,
Vàng hoe cũng ít nhiều,
Tóc rối không gỡ được,
Mà sao vẫn diễm kiều....

LỠ

Một thoáng đông tàn, sương bỡ ngỡ,
Vội tìm vạt nắng, nắng bơ vơ...
Chút gió mây ngàn vương kẻ ở,
Có chăng, còn nhung nhớ dại khờ...

BIỂN KHÓC CHIỀU NAY

Sao nghe vắng lặng buổi trời chiều,
Sóng vỗ tràn bờ, cát quạnh hiu,
Lạnh lẽo gió đưa ùa biển vắng.
Lê thê lẻ bước chán chê nhiều.

Mưa bay ướt áo nghe lành lạnh,
Quán xá gió lùa muốn đổ xiêu.
Xơ xác thu về trên mọi nẻo,
Tim ai cũng lạnh tái tê nhiều?

TÌNH MỘNG MƠ

Em ạ! Thu đến phải không?
Trời xanh, mấy trắng, nắng hồng.
Cây lá đong đưa trái ngọt,
Gió chiều phe phẩy bên sông.
Em ạ! Thu đến phải không?
Tình ta e ấp ngọt nồng,
Ướt át mi sầu đẫm lệ,
Giọt buồn man mác, mênh mông.
Em ạ! Thu đến phải không?
Tình duyên dang dở bóng hồng.
Trống vắng cõi lòng lồng lộng.
Giật mình chợt hóa hư không.

THOÁNG MƠ

Người đi một thoáng hoa chưa nở,
Một thoáng hồn ai lạnh như tờ,
Hạ về, Thu đến nghe tình lụy,
Giữa chốn trăng mờ, vẹn ý thơ.
Lá đùa, đưa đẩy theo làn gió,
Nắng tắt, đìu hiu, bỗng dại khờ.
Nhớ ai, ai nhớ, chờ ai đợi.
Một thoáng yêu đầu, tựa giấc mơ...

SUY TƯ

Nghe! 
Hạ về, 
Lòng tái tê. 
Ghét nắng, đợi mưa, 
Mà sao mưa chẳng về? 
Để mặc ai lòng hiu quạnh, 
Cô đơn nhiều, chân bước lê thê.
Mùa mưa trôi qua, nắng còn ở lại, 
Hầm hập, chói chang, thiêu đốt đoạn đường về. 
Chỉ mình ta đứng giữa mùa hè lay lắt gió. 
Đường như rực đỏ, 
trưa hè heo hút mấy đầu xe. 
Không còn thấy màu hoa phượng, 
không còn sầu những tiếng ve.
Vẫn hối hả, ngược xuôi, 
bon chen, toan tính giữa chốn bộn bề. 
Chợt thấy mình mất mát niềm vui, 
giữa dòng đời lênh đênh chìm nổi.
Lệ rơi cay khóe mắt còn nóng hổi, 
bỗng giật mình, 
tỉnh dậy, 
giữa cơn mê…

NGỤ TÌNH THU

Nắng gởi tình cho gió.
Gió gởi tình cho mây.
Hạ cũng đã sắp tàn,
Thu đến nghe dào dạt.
Xào xạc lá vàng hoe.
Nắng mùa thu nhè nhẹ
Không giống nắng chị hè
Chẳng gì là mát mẻ.
Ai cho tôi một vé
Cưỡi mây cùng đón thu.
Nghe gió cười vi vu
Chào mùa thu lại đến.
Trên trời:
Mây lững lờ trôi dạt,
Nắng tình tứ nhẹ nhàng,
Khác nắng hạ sỗ sàng,
Phũ phàng – mây tan tác.
Để những chiều tức giận
Mây kéo quân đánh sang.
Sấm chớp nổ liên hoàn,
Nhưng mây toàn bại trận.
Rút quân về uất hận,
Mây nhỏ lệ phong trần,
Xây bảy sắc cầu vồng,
Đoạn tình mây và nắng.
Rồi hôm nay thu đến,
Nắng ngỏ lời nhớ mây
Mây e thẹn ngậm ngùi,
Nối tình xưa trở lại.
Mây trôi hoài trôi mãi,
Nắng nhẹ nhàng theo mây,
Đùa vui vẻ cả ngày,
Cho tình thêm ấm lại.
Nắng vuốt nhẹ tóc mây,
Mây vụng về tránh né,
Đặt nụ hôn nhè nhẹ
Lên khóe mắt mặt trời.
Một cuộc tình mây-nắng
Ngàn đời dài lê thê.
Dưới đất:
Cây và lá vội vàng
Chia tay một thời gian
Xa lá, cây mãi nhớ:
“Tình xưa dẫu nồng nàn.
Hãy để cho thời gian
Chứng minh tình đôi lứa”
Lá bịn rịn, bàng hoàng,
Cây nhẹ nhàng rủ nhẹ.
Lá cứ bay nhè nhẹ,
Trên mắt, lệ vàng hoe.
Rồi thời gian chưa xa,
Cây lại thầm nhớ lá
Không đưa đẩy rộn ràng,
Không chuyện trò cùng bạn.
Lá cũng khóc hóa vàng,
Xa cây lá khô khan:
“Chờ một ngày xuân tới,
Tình ta lại huy hoàng.”
Thiên nhiên là tạo hóa,
Sao cũng thật hữu tình?
Ta sống sao cho trọn,
Chữ tình nghĩa, thủy chung

KHÚC TỰ TÌNH TRONG ĐÊM ĐÔNG

Và rồi...!
Anh đi giữa phố đơn côi,
Ôm ấp sầu riêng một mảnh đời,
Đông chờ yêu thương, thương chưa ngỏ,
Lạnh về, buồn đến, gió chưa vơi....
Vội vàng...!
Cô đơn kẻ bước xa xôi,
Se sắt mình anh lạnh giữa trời...
Tự mùa đông nào, đông kia, đông nay nữa...
Mùa lạnh không tàn, mưa gió chẳng phai phôi.
Ừ thì...!
Đông mang nỗi xót xa thôi,
Mây xám buồn tênh một khoảng trời.
Dặn lòng...vui vẻ khi mùa mới,
Mùa buồn năm này, ta gởi gió mây trôi...

PHAN ĐÌNH CHÚNG

Nam Phan và anh Đình Chúng tại Tiên Phước, tháng 7.2015.

Xem tiếp…