Ba tôi & đôi dép hàn... - tản văn của Phan Nam

7:35 PM |

Ảnh Internet

Tết đến, xuân về, biết bao chuyện phải lo nên chẳng  còn ai đủ sức ngắm mưa, đợi nắng. Vòng quay cuộc  đời hối hả, ngược xuôi trên tờ lịch đang dần rơi rụng,  để lộ ra khoảng trống khó lòng che giấu. Tôi chưa  bao giờ hình dung ra cái cảnh “gạo tháng giêng, tiền  tháng chạp” của những ngày tháng chưa xa, khi đám  con nheo nhóc co ro trong cái lạnh cuối đông, mà Tết  chỉ trông chờ vào đôi vai gầy của mẹ, bàn tay thô ráp  của ba. Những bông cúc vạn thọ lặng lẽ nở bên hiên nhà cũng chẳng ai thèm nhắc đến, bỏ mặc bầy ong tha hồ chuyên chở mùa xuân, kết tinh hương thơm mật ngọt cho đời. Vậy mà đứa trẻ nào cũng mong ngóng, ngày ngày đếm ngược cho thời gian qua mau, cứ trông mong thầy cô thông báo nghỉ học để được theo mẹ đi chợ Tết, được sắm quần áo, giày dép mới. Chúng tôi vô tư chạy nhảy khắp nơi, trong lòng tràn đầy sự háo hức, vui mừng. Còn mẹ phải cân đo đong đếm để mua đủ thứ đồ lặt vặt trong khi túi tiền lại eo hẹp nên phải lựa chọn, trả giá đủ kiểu.

Bao giọt mồ hôi trên trán mẹ, cứ thế, ùa ra hòa lẫn những mùi hỗn tạp ở chợ, càng khiến thân thể má thêm gầy gò, đen đúa. Chọn mua cả buổi trời, chúng tôi cũng được khoác lên mình màu áo mới, đôi dép sặc sỡ sắc màu ánh lên cái nắng nhợt nhạt ngày cuối đông. Tung tăng chân sáo trên con đường về làng, khoảng cách xa như vậy nhưng bao mệt nhọc dường như tan biến, để lại dòng sông Tiên lững thững uốn quanh thị trấn. Buổi tối hôm ấy, tôi thấy ba lặng lẽ hàn đôi dép rọ cũ kỹ sứt quai, ngọn đèn dầu hiu hắt đổ lệch trên vách. Nhìn lên kệ sách, đôi dép mới của tôi vẫn nằm đó, được tôi nâng niu cất giữ để đi chơi Tết, không hiểu sao hình ảnh người ba cặm cụi hàn dép cứ mãi ám ảnh tôi cho đến bây giờ. Ba lấy một miếng sắt từ lưỡi rựa hư rồi cẩn thận gọt giũa, tra vào cán mới, còn chiếc dép cũ để lại cắt lấy một miếng nho nhỏ, nung nóng thanh sắc rồi cẩn thận hàn đôi dép, khói từ chỗ hàn bốc lên nghi ngút.

 Làn khói bắt đầu giăng giăng khắp bếp, vây kín lấy ba, vương vất khắp nhà, bóng hình của ba như chìm vào hư ảo. “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, cánh én của đại thi hào Nguyễn Du chẳng biết tìm ở nơi đâu, bầu trời cao rộng ngoài kia rộn ràng thế nào, chỉ thấy đôi chân nứt nẻ của ba lặng lẽ mang đôi dép hàn mà khóe mắt chợt cay cay, chẳng thể lý giải từ đâu vọng về. Bức tranh xuân với đầy đủ sắc màu tươi sáng, gam màu nóng lạnh... ẩn hiện giữa dòng đời, khắc sâu ánh nhìn của người nghệ sỹ. Khoảnh khắc đôi dép hàn của ba chảy vào tâm trí tôi tự nhiên như suối nguồn, đong đầy mắt môi, thân xác.

Ảnh tác giả

Chợt nhớ từng đọc bài viết về nghề “hàn dép”, hiện nay không còn ai làm nghề này nữa, cõi lòng xốn xang thương về đôi dép hàn của ba, đã từng nâng niu đôi bàn chân của đứa con nhỏ vững bước vào đời. Người thợ hàn dép cũng như người nghệ sỹ thầm lặng chăm chút dấu chân trên đường, với từng động tác tỷ mẫn, “không chỉ hàn dính mối mà còn cắt miếng nhựa nhỏ ‘bạ’ thêm lớp ngoài cho chắc”, tự dưng thấy nhớ thấy thương làm sao. Không biết người thợ ấy đã phiêu dạt đến nơi nào, mùa xuân này có còn ngắm nghía ôm đôi dép vào lòng, chờ đợi đứa con tha hương cầu thực nơi đất khách quê người về quê ăn Tết. Đôi dép hàn của một thời quá vãng nhắc nhớ con người phải biết vượt qua mọi hoàn cảnh trái ngang, linh động sáng tạo trong mọi công việc, biết cách ứng xử phù hợp với môi trường và hoàn cảnh sống. Dép “hàn” của thuở hàn vi, hay lòng người cũng cần hàn gắn cho chắc chắn, giữa bao giông bão đổi thay chẳng thể nào cầm nắm...

PHAN NAM.


Xem tiếp…

Những người hùng của biển - tản văn Trần Nguyên Hạnh.

6:59 PM |

 

Dù không sinh ra ở biển nhưng tâm hồn tôi lại có một tình yêu tha thiết với biển. Mỗi khi chạm vào biển, thả mình trong dòng nước mát lạnh của biển cả, trái tim tôi bỗng rộn ràng những nhịp đập tươi vui. Yêu biển tôi càng yêu những hàng phi lao dài hun hút đang mạnh mẽ chống chọi với gió biển khắc nghiệt, với mưa nắng bão bùng của biển khơi để ôm lấy chở che những bãi bờ, kiên cường che chắn cho biết bao những mái nhà những phận người trước thiên tai, mưa bão. Tôi gọi phi lao là người hùng của biển.

Phi lao (còn gọi là dương liễu) là loài cây thân gỗ, thường cao đến vài chục mét. Là loài cây quen thuộc, phi lao được trồng ở nhiều vùng biển. Trên khắp các vùng biển Việt Nam hầu như đi đâu cũng bắt gặp những hàng phi lao đứng thẳng tăm tắp đang kiên cường đứng trước biển...

Dẫu vậy có một điều về phi lao không phải ai cũng biết là loài cây này cũng có thể sản sinh ra những chùm hoa xinh đẹp, thậm chí có trái. Hoa phi lao màu đỏ thẫm, nở tua tủa thành chùm. Trái thuộc dạng quả kép, khi chín có thể tự phóng thích hạt ra ngoài sản sinh ra những cây con. Ai có thể ngờ được một loài cây mạnh mẽ như phi lao lại sở hữu những bông hoa vô cùng xinh xắn và đáng yêu.

Người dân miền biển không chỉ xem phi lao là người hùng, mà còn là người bạn, là ân nhân của họ. Dường như loài cây này  sinh ra là dành cho biển. Không chỉ làm đẹp cảnh quan, che bóng mát phi lao còn là cây trồng có tác dụng làm vành đai phòng hộ, chắn gió, giữ cát ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái. Điều này lí giải vì sao loại cây này lại xuất hiện ở khắp nơi trên vùng biển Việt Nam. Sinh ra đã gắn liền với biển, phi lao đã trở thành người những hùng canh gác vào bảo vệ bình yên cho ngư dân vùng biển, bảo vệ bờ cát trước sự xâm thực của biển cả. Mỗi năm biển vẫn xâm thực những bãi bờ, nếu không có những gốc rễ chằng chịt của phi lao bám trụ giữ lấy, biết bao mái nhà và công trình đã bị đe dọa.


Có một sức sống mạnh mẽ đến từ những hàng phi lao đang đứng hiên ngang kia. Sự xanh tươi và vững chãi của hàng phi lao kia đã gợi nhắc tôi về sức sống bền bỉ và sự kiên cường của chúng. Cả cuộc đời của mình, những đồi phi lao đã che chở cho biết bao gia đình, che chở cho biết bao những nóc nhà để những đứa trẻ lớn lên no ấm, để mùi khói bếp vẫn thơm nồng, những tiếng cười trẻ thơ trong trẻo hòa trong tiếng sóng, những giấc ngủ đêm đông yên bình. Khi nghĩ đến phi lao tôi lại thấy yêu biết bao cuộc đời tận hiến của loài cây này.

Mỗi năm mưa bão và gió lớn vẫn đe dọa những vùng biển yên bình. Có những hôm bão đến vào nửa đêm, chúng quật ngã tả tơi đồi phi lao nhưng cây nào cây nấy vẫn kiên cường bám trụ, mưa bão dù dữ dội đến mấy cũng không thể thổi bay những nóc nhà. Người dân yên tâm ở trong mái nhà của mình những giấc ngủ trẻ thơ vẫn tiếp tục bởi có sự tin cậy từ những người hùng, những chiến sỹ phi lao ngoài kia. Chỉ đến sáng mai khi đất trời dịu lại, cơn bão qua đi, dân chài thức dậy mới xót thương và biết ơn những hàng phi lao đang chắn gió đón bão và mang lại bình yên cho xóm làng.

Tôi đã nhận ra tình yêu biển trong tôi từ lâu đã gắn liền với loài cây này. Có một sự dự phần tuyệt vời của những hàng phi lao trong sự bình yên của biển hôm nay. Chúng là người người hùng của biển, luôn có mặt, luôn thường trực, để canh gác và gìn giữ cuộc sống người dân trên biển. Tôi thường tìm về với biển mỗi khi buồn, cảm nhận sự bình yên và tươi mới mà biển mang lại, đón nhận những nguồn năng lượng mới. Và cứ mỗi lần lao mình ra biển đùa giỡn dưới những tán cây, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ hòa trong tiếng cười trẻ thơ trong trẻo, cảm nhận vị mằn mà của biển lẫn trong làn gió dịu nhẹ, ngắm nhìn ánh mắt mừng vui của những cặp vợ chồng đang cất lưới lòng tôi lại thầm cảm ơn những hàng phi lao kia.

Biển chính là bình yên trong tôi. Yêu biển tôi càng yêu biết bao những đồi phi lao đang đón nắng gió, chịu mưa sa bão táp quật vào mình. Thương những mầm xanh mới ngày nào nay đã vươn lên thành những tán cổ thụ vững vàng trước sóng, trước gió. Lần nào về với biển tôi cũng muốn ôm lấy những thân cây này mà vỗ về, an ủi, khích lệ. Biển của tôi cần biết bao sự che chở của chúng. Tạo hóa thật kì diệu khi đã đặt để những người hùng này ở đây, để mái nhà ngư dân được bảo vệ, những giấc ngủ trẻ thơ được an lành trong tiếng sóng êm dịu xô vào bờ cát, để mỗi khi tôi tìm về, biển vẫn vẹn nguyên và bình lặng như xưa...

TRẦN NGUYÊN HẠNH.

Nguồn: vannghedanang.org.vn

Xem tiếp…