Tình ca biển - chùm thơ của tác giả Phan Nam.

8:30 AM |
TÌNH CA BIỂN
(quý tặng anh Hữu Phú, chú Nguyên Chương)

chưa kịp khắc tên bài thơ
bầu trời thành phố nặng trĩu nỗi niềm
người đàn ông đắn đo nhịp thở
bãi cát dài không một dấu chân

những con sóng bạc đầu
mơ màng nuôi dưỡng đức tin
nếu tình yêu là lẽ sống
sông Hàn ấm nóng cuộc vui

bản tình ca hòa nhịp bao lâu
lữ khách dõi mắt trông theo cánh chim trời
chạm trổ hoàng hôn tắt nắng
hình hài nào cho cơn mưa

viết cho những người đàn ông muôn đời lặng lẽ
gọi tên Đà Nẵng
trôi qua cơn mê...

NỖI BUỒN MÙA THU

không thể định hình nổi mùa thu
bên kia triền núi gầy guộc
ở nơi ấy ba tôi lưng trần chân cộc
vốc một nấm đất, gieo từng mầm non

cơn mưa trôi qua màu xanh héo hon
tôi bơi theo nỗi nhớ gãy vụn
ký ức ngày thơ bé lần lượt rơi xuống
không còn chỗ cho thi ca

quê mình mùa này ánh nắng nhạt nhòa
chập chờn sóng FM báo tin biển động
đám mây vắt ngang lán trại
gọi tên đỉnh núi từng làn mây trắng bay

khoảng trống đo đong giấc ngủ
con suối xuôi dòng
lắng nghe tình yêu lắng đọng
qua bao nhiêu thác ghềnh?

BÀI THƠ THÁNG CHÍN

tháng chín
tôi không còn thấy những bông hoa
tôi không còn thấy ngọn cỏ dại
tháng chín
khu vườn đang rơi tự do
tôi thấy bố mẹ tôi như đóa hoa mới nở

tôi reo lên
bằng nỗi xúc động của một đứa trẻ
thế giới chui tọt vào ngôi nhà nhỏ bé
và tôi không còn thấy
quả đồi phía sau lưng
đằng trước thăm thẳm màu xanh đại dương

những con sóng đã quật ngã tôi
bằng một hơi thở vĩnh cửu
bố mẹ cầm tay tôi lau nước mắt
cánh cửa tái sinh trong lòng đất

tháng chín
ban phát cho thế gian
những hạt thóc cũ mèm...

PHAN NAM.

Anh Hữu Phú (trái), chú Nguyên Chương (phải) và Phan Nam tại Đà Nẵng ngày 18.08.2017
Blog Phan Nam.
Xem tiếp…

Áo lụa phơi buồn - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

10:40 PM |
Ở CỘT MỐC 241 VĨNH XƯƠNG
- tặng các chiến sĩ Biên Phòng cửa khẩu -

 Ta về thăm lại Vĩnh Xương
 Đứng bên cột mốc mà thương nhớ nhà
 Phía trời Hồng Ngự đâu xa
 Vậy mà vẫn lạc tình ta với người

 Nam Vang ngày đó xa rồi
 Chút tình còn nợ gái Khmer lai
 Chiều nay gặp lại tóc dài
 Lòng ta sóng vỗ gió ngoài biên cương

 Lục bình trôi giữa cô đơn
 Ta nghe mưa ướt một hồn thơ đau
 Tình cờ đâu nợ gì nhau
 Sao ta cứ thấy tình trào hơi men

 Nụ cười, ánh mắt không tên
 Người dưng đâu phải người quen mà gần
 Nắm tay cho thấy tình thân
 Để còn hơi ấm cho lần chia xa

 Phập phồng áo lụa nở hoa
 Gió mơn man gió mây là đà trôi
 Đời đang khuyến mãi cuộc chơi
 Nghĩ chi dâu bể kiếp người trăm năm !
 Vĩnh Xương, 26/9/2017

BUỔI TRƯA Ở CHÂU PHONG

 Tình cờ mà lại đáng yêu
 Chú ơi cho Cháu hỏi điều cháu mơ
 Vàm Kinh Cũ có bao giờ
 Vẫn còn lạ lẫm đến giờ chưa quen

 Thật tình Chú cũng như em
 Phải đâu thổ địa nên quên hết rồi
 Trưa nay nắng bỗng tuyệt vời
 Long lanh mắt nhớ dáng trời áo xanh

 Vườn sau chim hót trên cành
 Chút duyên văn nghệ gọi anh được rồi
 Mai đây gặp lại ngoài đời
 Em ơi, đừng để nụ cười gió bay !
 Châu Phong, 27/9/2017

 ÁO LỤA PHƠI BUỒN

 Em đi áo lụa phơi buồn
 Ta về nghe gió thổi mòn lối thu
 Quê nghèo vắng tiếng mẹ ru
 Nỗi đau còn đó buổi từ tạ xưa

 Đời nhau định sẵn cơn mưa
 Nên giờ hai đứa vẫn chưa hết buồn
 Nếu xưa đừng ghé môi hôn
 Người dưng qua phố ai còn nhớ ai

 Sao em lại cắt tóc dài
 Lấy gì che gió tạt ngoài hiên mưa
 Ta còn đau một hồn thơ
 Khi mà bến cũ sông hờ hững trôi

 Tóc bay áo lụa nghiêng trời
 Ta đem phơi gió bên đồi trăng tan
 Lá nào rụng xuống trái ngang
 Nắng nào hiu hắt khi hoàng hôn rơi

 Buồn xưa và nỗi ngậm ngùi
 Tình ta với nhỏ một đời ăn năn
 Ta về nói với xa xăm
 Đời sao cứ lấy lỗi lầm buộc nhau !

  TRÚC THANH TÂM

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí văn hóa Phật Giáo số 281 (ngày 15.09.2017)

6:49 PM |
Trân trọng giới thiệu tạp chí văn hóa Phật Giáo số 281 (phát hành ngày 15.09.2017)



Blog Phan Nam giới thiệu.

Xem tiếp…

Người thầy lý tưởng - tạp bút Nguyễn Khánh Tuyết Vy.

11:53 AM |

Tôi phải kể sao về thầy nhỉ? Thầy, một thầy giáo già người dong dỏng cao, giọng nói và cử chỉ thầy lúc nào cũng mềm mỏng, từ tốn. Thầy, một người thầy giảng bài hấp dẫn và dễ hiểu. Nhưng tôi, đứa học trò lạnh lùng năm xưa lại không thích thầy chỉ vì thầy dạy môn Lý, môn học mà tôi ghét cay ghét đắng trong tất cả các môn.
Giọng giảng bài của thầy to, không sang sảng mà đầy ấm áp đã đưa chúng tôi trôi ngược về mấy thế kỷ trước. Học đến chương Điện, một học sinh ghét Lý như tôi mà còn phải tò mò mở tròn mắt chăm chú nghe thầy mở đầu bài giảng bằng phát minh của Edison, thầy đưa cả bốn mươi mấy đứa trong lớp trở về cuộc sống khốn khó, thời của những cái máy nghe đài xưa lắc lơ mà hồi còn nhỏ, thầy cũng như bao người dân đã sử dụng nó để nghe tin tức ngoài mặt trận khi đất nước còn kháng chiến chống Mỹ. Tôi hình dung ra cảnh trong lúc pháo nổ bom rơi ngoài đường thì xung quanh cái máy nghe đài kêu rèn rẹt trong những ngôi nhà đóng kín cửa, mọi người đang ngóng chờ tin chiến trận mà người thân họ xông pha ngoài đó. Cái bóng đèn dây tóc bình thường quen thuộc trong đời sống, qua lời kể của thầy, nó trở nên sống động, tưởng chừng như nó đã góp mặt vào lịch sử văn minh nhân loại kể từ khi nhà bác học vĩ đại Thomas Edison sáng chế ra.
Tôi dở Lý nhất lớp, có lẽ vì thế nên thầy quan tâm tôi thật nhiều. Tiết nào thầy cũng gọi tôi phát biểu ít nhất một lần, tôi rất khó chịu. Thật là còn gì “nhục” hơn khi câu hỏi nào tôi biết câu trả lời thì ông thầy không gọi, còn câu hỏi nào tôi không biết thì thầy lại gọi! Và thế là tôi cứ luôn bị gọi lên phát biểu ý kiến trong tình cảnh dở khóc dở cười nhất, đơ mặt ra nhìn thầy, còn thầy nhìn tôi mỉm cười rồi nhẹ nhàng bảo ngồi xuống. Cái thói quen đáng ghét của thầy “hay gọi tôi phát biểu” đó còn khiến tôi không được thoải mái. Tới tiết thầy, tôi phải cố tập trung không dám lơ đãng dù đôi lúc mệt hoặc buồn ngủ cách mấy. Bởi thầy có thể “tóm” tôi bất cứ lúc nào, bởi tôi không muốn thấy ánh mắt thất vọng của thầy khi thầy biết tôi không tập trung, bởi tôi không muốn thầy thất vọng trước bao tâm huyết thầy bỏ ra. Nhưng, người thầy tận tụy ấy chẳng bao giờ dành chút thời gian để la mắng học sinh. Lần đầu tiên trong đời, tôi có một ông thầy giáo lý tưởng như thế, thầy chỉ luôn nói: “Con chưa học bài”, “Con chưa làm bài tập”, “Lần sau cố gắng lên con!”, “Ừ, giỏi!”. Lời quở trách của thầy chỉ có vậy, lời động viên của thầy cũng chỉ có vậy, cùng với ánh mắt thầy buồn buồn hoặc sáng lên lúc thầy quở trách hoặc ngợi khen chúng tôi.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, tới tiết Lý, cả lớp chúng tôi đứng lên hát tặng thầy. Hát xong, thầy cảm ơn và đó cũng là lần đầu tiên thầy dành ra mấy phút khuyên bảo chúng tôi vài điều. Ký ức tôi đến giờ vẫn còn đọng lại lời thầy hôm đó, đọng lại rõ nhất một câu nói của thầy hồi ấy đã khiến nước mắt tôi rơi: “Thầy không có bất cứ suy nghĩ xem thường một học sinh nào. Đối với thầy, các em sau này đều có thể thành đạt. Nhất định là các em sẽ thành đạt, nếu các em cố gắng.”. Tôi có cảm nghĩ thầy dành riêng lời đó cho mình. Có bao giờ, bạn hối tiếc khi bạn không còn cơ hội đền đáp ơn nghĩa một người? Có bao giờ, bạn hối tiếc khi bạn không còn cơ hội biểu lộ tình cảm và sự biết ơn đối với người đã quan tâm, lo lắng cho bạn?... Xa thầy, tôi đã hối tiếc về điều đó. Suốt năm lớp Mười Hai, tôi tìm thầy khắp trường nhưng không gặp vì thầy dạy buổi chiều, tôi học buổi sáng. Chỉ đôi lúc ngồi học trong lớp, tôi bất chợt trông thấy thầy ngoài sân, bóng dáng thầy lúc nào cũng âm thầm, lặng lẽ, đơn độc một mình. Tại sao chưa bao giờ thầy được học sinh nào ngưỡng mộ nhắc tới hoặc vây quanh trò chuyện thân mật? Hay có lẽ bởi tình thương thầy dành cho chúng tôi lặng lẽ quá chăng!...
Một buổi trưa nọ tan học, thầy sắp bước ra khỏi cổng. Điều ước nhỏ nhoi của cô học trò sắp rời xa trường rồi cũng đến. Vâng, chỉ một điều ước nhỏ nhoi là được gặp, hỏi thăm thầy thôi mà sao tôi đã phải chờ đợi rất lâu? Ông Trời chắc đã hiểu cho tấm lòng thành của một đứa học trò ngoan dành cho thầy thầy nên đã cho tôi được gặp thầy hôm ấy! Cô gái vốn ít nói, trầm tính như tôi hôm đó bỗng nhiên dám đứng giữa sân trường cất tiếng gọi to: “Thầy!... Thầy ơi!...”; thời gian như ngưng đọng, đóng băng tiếng gọi để nó âm vang mãi trong niềm vui sướng mãnh liệt về kỷ niệm Mười Một khó quên. Thầy quay lại, tôi cúi đầu chào thầy rồi vội vàng hỏi: “Năm nay thầy có dạy lớp Mười Hai không?”. Thầy nheo đôi mắt yếu ớt lại, trìu mến nhìn tôi: “Không con à! Thầy dạy dở lắm nên thầy không được dạy Mười Hai.” Ngày cuối năm, đứng nói chuyện với nhỏ bạn, khi tôi hỏi bạn còn nhớ ông thầy dạy Lý năm lớp Mười Một không, bạn nói: “Nhớ chứ, hồi đó tiết nào ổng cũng rảo khắp lớp, gọi hết đứa này tới đứa kia phát biểu. Sợ muốn chết!”, tôi cười với bạn, thầm mong được trở lại ngày ấy.
 Nhớ đến lời thầy năm ấy, tôi cảm phục tấm lòng vị tha và niềm tin thực sự thầy dành cho chúng tôi. Thầy, người thầy lý tưởng nhất trong đời tôi. Và bây giờ, tôi ao ước được nghe thầy kể lại chuyện Edison và sự ra đời của chiếc bóng đèn dây tóc một lần nữa…


NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY.

   
Xem tiếp…

Có một trái tim luôn xao động... - bài viết Phan Nam.

10:18 AM |

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả thơ ca khúc nổi tiếng Thời hoa đỏ từ giã cõi tạm ngày 12.9, để lại trong lòng công chúng mộ điệu bao tiếc nuối, thương cảm...
 Tôi biết đến ca khúc Thời hoa đỏ khá muộn, thế nhưng khi lần đầu lắng nghe, trái tim đã không khỏi xao xuyến, vì ca từ, giai điệu quá hay, chảy tràn nỗi lòng khắc khoải u hoài. Màu hoa luôn đi theo bước chân tuổi trẻ gắn liền với tất cả con tim, khối óc, xác thân của mỗi người được hòa quyện trong một không gian thi ca đẹp đẽ và ấm áp. “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao...” ngân vang trong ngày ông mất, đi vào trong lòng mỗi người về năm tháng trót thương, trót nhớ, trót thổn thức, trót vấn vương. Và đằng sau ca khúc đã quá nổi tiếng này, là cả một chuyện tình buồn, với người vợ đầu mà ông yêu thương bằng tất cả nhiệt huyết đắm say. Dù cho cuộc tình đổ vỡ nhưng khi vợ cũ qua đời, ông đã đến bên mộ vợ khóc thương sầu thảm, tự trong sâu thẳm, con chữ tuôn trào trong nước mắt, để lại cho đời bản tình ca bất hủ mà chắc chắn, sẽ còn sống mãi với thời gian. Thời hoa đỏ được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972-1973, đến năm 1989 ở xứ Bạch Dương xa xôi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc đã nhanh chóng chắp cánh cho bài thơ bay đến công chúng, neo đậu trong tâm thức của biết bao tầng lớp nhân dân, từ học sinh cho đến trí thức, người trẻ lẫn người già, người bình dân và cả giới thượng lưu... Có lẽ, tôi thuộc thế hệ muộn nhất khi lắng nghe giai điệu ngọt ngào sâu lắng, cũng là lúc nghe tin nhà thơ Thanh Tùng, tác giả thơ của bài hát qua đời. Còn gì buồn hơn, còn gì xót xa hơn, còn gì ám ảnh hơn thế... cho bao nuối tiếc khi biết đến ông quá muộn nên chưa có cơ hội được trông thấy ông bằng da, bằng thịt, được lắng nghe hơi thở ngập ngừng của một con người tài hoa với nỗi ám ảnh màu hoa kết tinh từ huyết lệ. Và thế là ông đã ra đi mãi mãi...

Trong văn học “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, có lẽ, nhà thơ Thanh Tùng là minh chứng sống động nhất, chỉ Thời hoa đỏ cũng quá đủ làm rung động, si mê biết bao tâm hồn người yêu nhạc, yêu thơ. Bài hát gắn liền với tên tuổi của hai nữ ca sĩ là Lệ Thu và Thái Bảo. Trong đó, ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên thu âm bài hát này và được cho là người thể hiện thành công nhất. Phiên bản của Lệ Thu từng gây ấn tượng sâu sắc và lấy đi nước mắt của nhiều người sau khi được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam... Sinh ra ở Nam Định nhưng tuổi trẻ gắn bó với đất Cảng đã tạo nên mạch ngầm ngưng tụ trong thơ ông, về một thời tuổi trẻ hết lòng vì tình yêu, về những vẻ đẹp rực cháy, dâng tràn sức sống. Mãi về những ngày cuối đời sống ở TP HCM, ông mới có nhiều thời gian đi đây, đi đó nhưng có lẽ cái màu hoa ấy vẫn chưa hề dịu tắt, vẫn yêu thương cõi người một cách nồng nàn, như những gì ông đã gắn bó và tận hiến cho tình yêu, cho thi ca. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã chia sẻ nỗi niềm xúc cảm khi viết bài thơ mà sau này trở thành ca khúc cùng tên rất nổi tiếng: “Bài thơ được tôi viết khi đã chia tay cuộc tình với nhân vật nữ trong thơ (vợ tôi). Do vậy, tôi nhớ mãi “Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi… Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ… Như tháng ngày xưa ta giận hờn/ Ta nhìn sâu vào mắt nhau...”. Bài thơ toàn màu hoa đỏ, màu rực rỡ của cánh phượng ven mọi con đường thành phố Hải Phòng, màu đỏ của dòng máu tươi, của lửa cháy tình yêu trong tuổi trẻ, trong con tim từng đôi trai gái - và ở thời hoa đỏ này còn là mùa hạ có tiếng ve ngân ồn ào. Mùa của yêu thương bốc cháy trái tim trai trẻ. Nhưng tất cả vẫn là một nốt nhạc buồn, một dấu chấm than và nốt lặng kéo dài cho tới hết đời tôi” (nguồn: nhavantphcm).
Cuộc đời của ông là một bản nhạc buồn, như bao thi sĩ vẫn luôn nặng nợ ân nghĩa da diết giữa dòng đời nghiệt ngã, đó còn là minh chứng hùng hồn cho những giai đoạn thăng trầm của đất nước. “Chân leo dốc Trường Sơn/ Giờ mỏi giữa sân nhà/ Muốn lăn vào lòng mẹ/ Như những ngày còn thơ/ Tiếng mẹ run như sóng/ Tiếng mẹ mềm như tơ/ Mẹ cười hay mẹ khóc/ Chỉ thấy mắt ta mờ” (trích bài thơ Người về, Thanh Tùng). Chỉ mình ông mới biết tại sao ông lại yêu nhiều đến thế, yêu say đắm đến thế, yêu đến quên cả bản thân mình: “Anh đang gom nắng đầu hè/ Gọi hương sắc dậy, rừng ve chín đều/ Gió vàng xô bức tranh thêu/ Phượng hồng tô điểm, tình yêu trở mùa/ Hoàng hôn bảng lảng mõ khua/ Bến sông vọng tiếng chuông chùa bâng quơ” (Bức Tranh Tình, thơ Thanh Tùng). Gian truân trong cuộc sống, lận đận trong đường đời, mãi đến năm 2001 ông mới có tập thơ in riêng mang tên Thời hoa đỏ, tái bản năm 2016, tập thơ cũng đã được trao giải thưởng hội nhà văn VN 2002.
Có lẽ, bấy nhiêu cũng đã quá đủ, cho màu hoa rực cháy mãi mãi, như trong câu thơ ông viết: “Trái tim luôn xao động/ Như bên trong vẫn đầy ắp sóng Hồ Tây”.

Tiên Phước, đêm 14.09.2017
PHAN NAM.



Blog Phan Nam.

Xem tiếp…