Giới thiệu tập san Hương quê nhà tập 01: Những đóa hồng cho nhau

11:55 PM |
Sau một thời gian tổ chức thực hiện, Hương Quê Nhà sẽ có buổi giao lưu và ra mắt Tập 1 (Tủ sách chuyên đề của Hương Quê Nhà về sáng tác, lý luận phê bình VHNT), với chủ đề: Những đóa hồng cho nhau, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2017, cùng sự góp mặt trên 70 cây bút chuyên và không chuyên trên khắp vùng miền của đất nước.






Blog Phan Nam giới thiệu.

Xem tiếp…

Ngọn nến chưa tắt... - tạp bút của Phan Nam

6:06 PM |
1. Cách đây hai năm, nhận được tin “bông hoa múa” có nụ cười thiên thần Võ Thị Ngọc Nữ ra đi mãi mãi khiến lòng người trào dâng nỗi niềm tiếc thương. Dẫu “điều ước” đã không trở thành sự thật nhưng nghị lực, giấc mơ cống hiến cho nghệ thuật của chị vẫn âm ỉ cháy và ẩn hiện trong làn sương khói mơ hồ. Cuộc sống thì vẫn tiếp diễn, người người con đang mải miết trong vòng quay mưu sinh. Và mỗi lúc dừng lại, ngắm nhìn mưa nắng, không dưng nước mắt đã tuôn rơi lã chã tự lúc nào. Dẫu biết khi mất đi tất cả sẽ trở thành cát bụi nhưng sao ta vẫn nhớ, vẫn tiếc thương, vẫn trân trọng... một đóa hướng dương tràn đầy nghị lực, hi vọng mải miết hướng về ánh mặt trời. Ngọc Nữ đã khiến bao con tim rung động, bao đôi mắt long lanh, bao nụ cười ngập ngừng, bao giọt nước mắt tuôn rơi giữa đời thường. Giá trị của nghệ thuật là ngọn nến thắp lên cho mỗi chúng ta tia hi vọng, làm cho trái tim lạc quan và yêu đời hơn.
Tôi vẫn nhớ, những dòng chia sẻ của chị tinh khôi như những ngày đầu, nhẹ nhàng rót vào cõi nhớ: “Có người đã từng nói với tôi, một người bị bệnh ung thư như tôi sẽ không có quyền lựa chọn điều gì nữa trong cuộc sống, không có quyền được yêu, không có quyền ước mơ và hy vọng ngoài việc ngồi chờ... Ai cũng có thể chọn cách sống cho chính bản thân mình, tôi chọn cho mình đi hết con đường mà tôi đã chọn bằng nỗ lực và niềm tin, tôi tin mình sẽ đem lại hạnh phúc cho những người yêu thương mình, dù đó chỉ là khoảnh khắc”. Và hạnh phúc thật sự được nhen lên trong nhang khói cay xè khóe mắt, người đã ra đi nhưng tâm hồn, vẻ đẹp, hương thơm còn lan tỏa đâu đây. Tình yêu đối với nghệ thuật chưa bao giờ vơi cạn... Có một câu ca dao xa xưa khuyên răn mỗi người hướng về điều tốt đẹp: “Chớ than phận khó ai ơi!/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Mỗi người khi về với đất là lúc mỗi mầm cây cắm vào đó tìm hi vọng tỏa bóng mát giữa đời. Càng đáng trân trọng hơn khi người ấy ta chưa bao giờ gặp nhưng ánh lửa từ nghệ thuật và hi vọng còn trong nỗi nhớ sâu cùng...

2. Cách đây mấy hôm, tôi có đọc trên facebook của nhà văn Đinh Lê Vũ những dòng chia sẻ sau khi nghe tin ca sỹ Văn Ngân Hoàng ra đi: “Mình chỉ biết cô ấy qua facebook chứ không quen, cũng chưa gặp, chưa có dịp coi cô ấy hát ở sân khấu lần nào (nói chung là không có liên can gì). Biết thêm, cô là ca sĩ của một phòng trà khá lớn ở thành phố nơi mình sống. Đôi lần lướt qua facebook cô ấy, mình nghĩ cô là người sống tình cảm và chân thành...”. Tôi cũng như anh, chưa bao giờ biết đến Văn Ngân Hoàng, nhưng sao nghe tin chị ra đi, vẫn dâng trào một nỗi niềm xúc động. Có lẽ, chính giọng của chị vẫn còn vang vọng đâu đây, làm ấm thêm niềm tin của tình yêu và hi vọng. Những bản tình ca ngọt ngào hát “dưới giàn hoa cũ” đọng lại mãi cho một tình yêu bất tận, vô cùng. Làm nghệ thuật là làm một công việc đặc biệt, một công việc lặng lẽ trong bao hư vô phù phiếm giữa cuộc đời.
Album “dưới giàn hoa cũ” ngân lên trong không gian tiếc nuối, u buồn. Chị vẫn còn rất trẻ, mai đây, sân khấu Đà thành sẽ mất đi một giọng ca nhiều gắn bó, tâm huyết với nghệ thuật. Trên dòng thời gian của chị, những dòng thương nhớ, tri ân vẫn còn kéo dài thêm: “Một giọng ca trong trẻo, vút cao và đầy sức sống. Nhưng mãi sau tôi mới biết, ẩn sau giọng hát mạnh mẽ, hút hồn đó là cuộc chiến dữ dội giữa Em và căn bệnh ung thư quái ác. Vượt lên tất cả, Em vẫn hát, vẫn cố để lại một điều gì đó thật tươi đẹp cho đời... cho nghệ thuật, cho thỏa tâm hồn nghệ sĩ”. Đó là những tâm sự thật lòng của những con người yêu quý tâm hồn và cống hiến của người nghệ sĩ. Dòng đời sẽ còn nhiều biến động với nhiều vất vả, lo toan. Nhưng có lẽ ngọn nến của tình yêu và hi vọng thì sẽ không bao giờ tắt, vọng mãi trong câu hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời / À à ơi! Tiếng ru muôn đời”...

Đà Nẵng, tháng 07.2017
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Giới thiệu tập san Áo trắng số 06 (tháng 7-2017)

3:58 PM |
ÁO TRẮNG Số 6. 2017 (Phát hành thứ hai 24. 7. 2017)
HÈ MUỘN
VĂN: 
Nhược Nam, Y Nguyên, Đ.P. Thùy Trang, Khánh An, Minh Vy, Khuê Việt Trường, Nguyễn Đình Thu, Nhật Linh, Văn Tần Thu Ba, Nguyễn Minh Thuận, Phi Tân, Nguyễn Thị Mỹ Liên, Phan Nam.
THƠ: 
Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Bàng, Trần Nhã My, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn An Bình, Lưu Lãng Khách, Nguyễn Tấn Thuyên, Nguyễn Đình Xuân, Kai Hoàng, Phan Duy, Tô Ngọc Duy Qúy, Nguyễn Văn Ân, Hoa Nguyên, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Vũ Hồng Khương, Vân Anh.
THƠ 5 CHỮ DỰ THI:
Hồng Chinh Nguyễn Thị, Võ Khoa Châu, Nguyễn Ngọc Hưng, Trần Phúc Thịnh, Kim Phượng Hà, Gia An, Đỗ Hoàng Tâm, Trần Thành Nghĩa, Linh Thảo, Tự Lan San.
CÁC MỤC KHÁC:
*Nguyệt ký: Lê Minh Quốc *Thơ Thầy Cô: Nguyễn Hữu Trung *Giới thiệu cây bút trẻ: Lê Hứa Huyền Trân *Bông hồng cho tình đầu: Hà Nhữ Uyên *Nụ hồng: Huỳnh Thị Kim Uyên *Bài thơ yêu thích: Lê Thành Văn *Hương vị quê nhà: Dưa lá sắn (Lê Minh Hải) *Du lịch: Kỳ thú đảo Lý Sơn ( Như Trang).
CHỦ ĐỀ CÁC SỐ TỚI: 
*15.8.2017: Mưa trong hồn người
*15.9.2017: Biển của mỗi người
*15.10.2017: Thu vàng huỳnh hoa
THÔNG BÁO: 
*Bạn đọc ở TP.HCM có thể mua tập san Áo Trắng tại Nhà sách NXB TRẺ, số 161B Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM. Gía 30.000 đ/ cuốn. Các bạn ở xa có thể mua Áo Trắng qua Cty Sách điện tử Trẻ: www.ybook.vn *Dưới bài viết gửi cho Áo Trắng, ngoài bút danh các bạn nhớ ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ ATM (nếu có), để chúng tôi dễ dàng gửi báo biếu và nhuận bút. Sau 1 tháng, bài được chọn đăng trên Áo Trắng, chúng tôi sẽ gửi bảo đảm báo biếu và nhuận bút.
*Bài gửi cho Áo Trắng nếu viết theo chủ đề, xin gửi trước 1 tháng về email: at_bien@yahoo.com
Cám ơn các bạn.
Blog Phan Nam giới thiệu.


Xem tiếp…

Nhà thơ Nguyễn Giúp: Một dòng sông thơ - bài viết của Phan Nam

12:29 PM |
Tôi từng đọc câu thơ của tác giả trẻ Kai Hoàng: “tôi viễn xứ nhận ra điều có lẽ/ tim mỗi người đều chứa một dòng sông”, chắc hẳn vì trong tim mỗi người đều chứa dòng sông cho riêng mình nên thi ca đã tạc dựng ngôi đền đầy linh thiêng và bí ẩn. Chính dòng sông đời người chuyên chở biết bao buồn vui, trắc trở, gian truân, gập ghềnh của số phận nên mỗi khi có dịp dừng lại nơi bến đợi, lòng người không khỏi xuyến xao, bồi hồi. Cầm trên tay thi phẩm “gió từ sông thổi lên” (NXB Hội nhà văn tháng 04.2017) của tác giả Nguyễn Giúp ta sẽ càng thấy rõ hơn một dòng sông thi ca biến đổi không ngừng, luân phiên tuôn trào, để rồi thắp lên trong tâm khảm thi sĩ cái tình cái nghĩa trọn vẹn của sông quê, bồi đắp nên một chân dung thơ mới trên vùng đất “ba sông”, phía Bắc xứ Quảng. Nhà thơ Nguyễn Giúp sinh năm 1961, tại Ái Nghĩa, Đại Lộc, nơi có dòng sông Vu Gia ngày đêm chuyên chở cõi mộng thi ca bao đời nay trên miền đất “chưa mưa đà thắm”. Và trong khoảng thời gian gần đây, nhiều người làm thơ trên vùng đất này đang có xu hướng cách tân thơ, hoàn toàn rũ bỏ vần điệu, hòa nhập vào không gian thơ đương đại, và tôi nghĩ Nguyễn Giúp là đại diện tiêu biểu cho phong cách thơ tự do xứ Quảng hiện nay. Trong bài thơ “nhà ngoại tôi trăng lên”, tác giả viết: “Cớ sao em không đi bên đời tôi cho hết thảy như cha mẹ tôi với nhau/ Cớ sao em không ra sông nhìn nước chảy/ Cớ sao em không bội thực tình yêu của tôi dành cho em/ Cớ sao em qua cầu cho tôi bạt xứ”, đó là những câu thơ táo bạo thể hiện “tình yêu” một cách quyết liệt, bằng cách sử dụng điệp từ “cớ sao”, tác giả muốn nói, muốn trách, muốn hờn, muốn giận... dẫu có cay đắng, xót xa nhưng khát khao yêu thương chưa bao giờ cạn vơi. Thi ca nhập vào sông như nhập vào chính phận người, có chảy qua mới có sự lắng đọng, có gian truân mới có phút giây yên ả, có dâng hiến mới có lòng vị tha. Dòng sông trong thơ của Nguyễn Giúp là một dòng sông đặc biệt, dòng sông chứa đựng cái quê nhà tưởng chừng đã cũ nhưng hơi thở, huyết mạch, niềm tin thì luôn luôn mới: “Đêm trôi/ Sông thổn thức/ Phía những con thuyền không về/ Nguyên rằm lừng lựng mắt em đen một dải mong manh/ Ngân hà về đâu hỡi những hoa đăng/ Về đâu hỡi những cơn mơ hoang tịch diệt/ Sớm mai sông nguyên sơ/ Lòng xóa được khúc sâu?” (trích bài thơ “hoa đăng”).
Tôi gặp tác giả “gió từ sông thổi lên” trong một đêm rằm tháng tư, tôi cảm nhận anh là một con người tĩnh lặng, luôn luôn nhẹ nhàng, ít nói, kể cả khi trong không khí rộn ràng của mùa trẩy hội. Vâng, bản chất của thi sĩ là sáng tạo và đơn độc, có lẽ khi đắm chìm vào trang viết, năng lượng của anh mới thực sự khai phóng và chuyển hóa. Tập thơ đầy tay với 46 thi phẩm này chính là kết tinh của giọt phù sa neo đậu tâm khảm, làm cho trái tim tác giả thổn thức chấp bút? Nhà thơ Nguyễn Giúp ký tặng tôi tập thơ, anh nói khi hoàn thành bản thảo chừng 100 trang in là được rồi, và trong 100 trang in có phần lặng lẽ, nhẹ nhàng, không vồn vã, không ồn ào cũng đủ đưa độc giả khám phá một chân dung thơ Nguyễn Giúp đầy trách nhiệm và bản lĩnh qua mỗi trang viết. Nhà thơ Nguyễn Vân Thiên từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Giúp mở rộng nhiều đề tài khác nhau, cũng lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường gần gũi quanh anh. Nhưng, hiện thực trong thơ Nguyễn Giúp có cái - gì - đó tưởng như là cái diễn ra trước mắt có thể sờ - nghe - ngửi - nếm được, lại lung linh mờ mờ ảo ảo như trong chiêm- bao - giữa - ban - ngày. Anh thường viết theo thể thơ tự do, không vần, nhưng anh đã tạo cho riêng mình một nhịp giọng thơ rất riêng. Nói theo thuật ngữ âm nhạc thì thơ Nguyễn Giúp: khúc thức rất tự do, phóng khoáng nhưng vẫn giữ được luật cân phương rất tự nhiên. Thơ anh thường có cấu tứ khá lạ và độc đáo nên mỗi bài thơ của anh có thể xem là một tác phẩm độc lập có đời sống riêng...”. 



Tôi nghĩ, đây là nhận xét rất đúng, bao quát được không gian và giọng điệu của thơ Nguyễn Giúp. Qua một chặng đường thơ, tôi nghĩ, thi phẩm này là thành quả rất xứng đáng của tác giả, để lưu giữ một cách sâu sắc và có hệ thống những giá trị của công cuộc lao động nghệ thuật. Nguyễn Giúp là một tác giả được rất nhiều bằng hữu độc giả yêu quý, và anh làm thơ cũng rất nhiều, tôi nghĩ, trong thi phẩm “gió từ sông thổi lên” chưa thể đưa độc giả khám phá hết “đời thơ” của anh. Chắc chắn, còn rất nhiều bản thảo được tác giả “giấu đi”, chưa cho xuất bản. Cũng chính vì lẽ ấy, tôi càng trân trọng và nâng niu hơn thi phẩm “gió từ sông thổi lên”, như một cách bày tỏ niềm ngưỡng vọng và trân quý một người thầy giáo luôn luôn hết mình với trang thơ, với văn học nghệ thuật. Thi phẩm cũng sẽ đưa người đọc khám phá những câu thơ đi dọc những dòng sông, đi dọc quê mẹ và gói trọn ân tình của một người con quê xứ:
- Tháng Hai, lễ hội Bà Bô Bô trống giục thuyền đua/ Sông đôi bờ vẫy gió/ Lam lũ khuôn mặt người nhơn hậu/ Thuyền xuôi Cửa Đợi... (Khúc Thu Bồn)
- Quay xuống mà cạn sông/ Chắp hai tay lên ngực lạy với lòng Quảng Nam/ U u trăm năm ngàn năm cỏ dựng/ Anh hùng cọ núi xương khô... (Tôi & Sông)
- Chí lớn bọc lá gừng lá nghệ mà vạn dặm mai sau/ Những Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi.../ Và máu trổ hoa thời những người đàn bà đánh giặc/ Gò Nổi, một lát cắt tối ưu toàn cục.. (Gò Nổi)
- Nhiều đêm nằm mơ sông Hàn gợn chút trăng non dát vàng ghế đá/ Câu thơ chảy tràn/ Nhà thơ sao băng/ (...) Em nói gì với Đà Nẵng hôm nay/ Về hành trình bay có năm ngọn núi/ Về những cây cầu hướng tới đại dương/ Về Mỹ Khê sóng xanh cát mịn/ Về tuổi em hai mươi? (Ngày góc phố bắt đầu).
Trong 46 bài thơ thì chỉ có duy nhất một bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, còn lại hoàn toàn là thơ tự do nên sẽ gây chút khó khăn cho độc giả khi tiếp cận tác phẩm, đọc xong cũng không dễ hiểu, dễ nhớ. Tuy nhiên, đây là một tập thơ, theo tôi, rất đáng đọc, bởi vì toàn bộ thi phẩm ẩn chứa một khát khao, một hành trình mới đưa độc giả khám phá một chân dung thơ, phác họa một “phù điêu sông” rất độc đáo và thú vị. Với những ký ức đan xen, mảng màu pha trộn, giọng thơ khi chậm rãi lúc cuồn cuộn, câu thơ vắt dòng xoáy sâu vào tâm thức độc giả. “Gió từ sông thổi lên” đã thổi vào hồn tôi một dòng sông đầy bao dung và trắc ẩn.

Tiên Phước, tháng 06.2017
PHAN NAM.


Xem tiếp…

Định lý hình thành từ hạnh phúc - chùm thơ Nguyễn Khánh Tuyết Vy

11:34 AM |
Tranh: Họa sỹ Hoàng Đặng
VŨ TRỤ ĐÓA HỒNG

Đóa hồng nở ra
Cái vũ trụ đỏ rực
Hạt sương, một ngôi sao băng nhỏ
Rơi
Đậu
Lên vũ trụ đóa hồng

Lồng vào vũ trụ đóa hoa
Vũ trụ tôi
Kéo một đường chân trời mỏng tang
Tôi đưa tay gỡ đi đường chỉ ấy
Khuấy trộn trời đất
Tạc hình một kỉ nguyên đầy tình yêu và sức sống

Vũ trụ tôi lồng vào trụ đóa hoa
Tôi rơi vào đóa hoa
Không gian đỏ rực
Một ngọn lửa
Một tình yêu
Chan hòa vào cái vũ trụ còn phong kín nhụy hương

Ngọn lửa trong đóa hồng vẫn âm ỉ
Không thiêu rụi những xúc cảm tinh khôi
Tôi hòa tan trong mùi hương dẫn dụ
Con ong chúa tung mình vỗ cánh
Phành phạch tiếng gọi bản năng
Mê mải mùa trăng mật

KHÁT VỌNG

tôi muốn mình là con sóng hung hăng
cuốn theo chiều gió
đập vào vách đá
cho bọt vỡ
tan hoang

tôi muốn mình là con sơn ca
véo von buổi đêm dài
tắm ướt mình trong sương lạnh

tôi muốn mình là cái cây
vươn cành trong nắng
lan những nhánh rễ
tôi tìm nguồn sống
trong đất mẹ thẳm sâu

Người ơi!
Xin đừng nhốt sóng
Xin đừng nhốt chim sơn ca vào lồng
Xin đừng trồng cái cây vào hoá chất
Người ơi!
Xin đừng giẫm đạp tôi bằng lời cay đắng
Xin đừng trói buộc tôi
Vào những công thức toán, những phần mềm…
Tâm hồn tôi là vườn hoa trăm sắc
nở bung những cánh thơ
chỉ yêu chàng
chỉ rung động mãnh liệt
trong đôi mắt toả nắng giữa thành phố
mù sương 

TIẾNG GỌI

Trên những ngọn núi đắm mình trong nắng
Tôi bước dài trong nỗi nhớ
Ngất ngây

Tôi luôn cố gắng gọi tên một tình yêu
Tôi luôn cố gắng phân tích chiều sâu của lý tưởng
Nhưng mọi lời minh chứng đều bất lực
Đời tan đi
Người tan đi
Chỉ còn em
Khúc phong dao gác lại bên ngưỡng cửa
Của sự trưởng thành

Mỗi giấc tôi ngủ
Mỗi sáng tôi thức dậy
Mỗi bước tôi đi
Mỗi khi sự chờ đợi vang lên như điệp khúc thường ngày
Những cuộc thí nghiệm không khóa được nỗi nhớ
Và vô số những cánh hoa cúc
Rơi nhẹ qua kẽ tay bốn mùa

Tôi yêu em
Bằng bản năng những ngôn từ thác loạn
Nỗi nhớ là nếp nhà bình yên
Chạm khắc vào khúc quanh bí ẩn

Tôi gọi em
Bằng con tim chứa chan nước mắt
Em gọi tôi
Bằng con chữ vang dội vào thinh không bất tận
Khi tôi mở ra trang sách nhỏ – em
Mang tiếng lòng của hôm qua và ngày mai
Viết lại những nghiệm thức cuộc đời
Và tôi đợi hạnh phúc được sinh ra từ đó
Tôi gọi em – những câu văn, những vần thơ!
Đợi số mệnh của bài thơ cất cánh

ĐỊNH LÝ

Bầu trời
Nặn hình hơi nước thành đám mây
Và một định lý hình thành
Trong sự đơn giản.

Cánh bướm
Trở thành bản kí họa những sóng ánh sáng
Và một định lý hình thành
Trong sự kì ảo.

Những hạt nguyên tử gặp nhau
Những tế bào gặp nhau
Mở đường cho sự sống
Và một định lý hình thành
Từ đơn giản đến phức tạp.

Ta, anh và những mùa trăng
Thao thức trong sự đợi chờ vô tận
Định lý hình thành từ hạnh phúc

Ánh trăng nổi váng trên cỏ
Những giọt sữa thơm
Giọt sương rơi xuống
Mùi hương những bông hoa rơi xuống
Chiếc lá khép vào giấc ngủ
Ta đưa bàn tay hứng định lý đêm
Thả vào lồng ngực anh
Ta say
Trong cánh tay
Ghì siết định lý tình.


 NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY

Xem tiếp…

Loay hoay giữa hai cảnh phố, quê - tản văn của Phạm Thị Hải Dương

11:33 AM |
Tôi thấy mình thờ ơ với phố, dù đã ở phố nhiều năm. Đã không thương phố thì thôi, lâu lâu tôi còn mang theo quê về ở cùng với phố.Là khi tôi lom khom kéo túi hành lí cuối cùng ra khỏi hầm xe. Lúc thẳng người lại, tôi chỉ kịp thấy một làn khói xam xám đang tan dần trong không trung. Cùng với vali quần áo, tôi đang loay hoay với mươi kí gạo, hai con cá quả được xỏ bằng dây chuối khô và những rau muống còn nồng nồng mùi nước ruộng. Có đêm, tắt hết điện rồi mới phát hiện chưa buông rèm cửa sổ. Tật lười, dù biết đôi mắt sẽ không chịu nhắm lại nếu có ánh sáng.
Ánh sáng từ đâu hắt vào cửa kính. Chọn đầu giường đậu lại. Thành phố có thứ phát sáng rất kì lạ. Những tòa nhà cao nằm chen chúc thi nhau thả điện lên bầu trời. Vùng trời đón lấy rồi gieo vào mặt đất u minh những làn sáng nhờ nhờ. Cùng nửa vầng trăng bị bỏ rơi, hỗn hợp sáng ấy dễ khiến người ta trằn trọc tới sáng. Đêm trở thành mảnh đất gieo trồng hồi ức. Đêm trăng xưa, chốn có con nước cũ lững thững chảy ngang nhà, vạ vào thành mương đầy vơi theo hai mùa mưa nắng. Trăng tròn bầu bĩnh thả từng mảng sáng phủ lên con đường li ti sỏi đá. Dưới trăng, con đường như được dát một lớp lụa vàng mát lành lạnh. Trăng chui vào từng kẽ lá nên thấy rõ tôi đang ngồi trên chạc ba cây xoài, đợi Miên bưng mủng dâu da đi qua. Tôi tưởng mình sẽ khóc rồi ngủ luôn trên cây khi không thấy Miên về. Nước mắt quyện với trăng, không rơi được xuống đất nên nằm im trên phiến lá, tôi nhìn xuống và tưởng tượng. Nhưng chưa đến một hồi, nghe tiếng dép Miên từ đằng cây me dội lại, tôi lật đật phóng ầm xuống đất, chạy ù đến chỗ nó thò tay bốc trái dâu, bóc vỏ bỏ nguyên trái vô miệng. Lần nào Miên cũng cười tủm tỉm khi nghe tôi hứa sẽ đưa nó về nhà, vì chốc nữa thôi, người “đưa bạn về nhà” không phải tôi, mà là nó. Tôi bỏ gối, tựa đầu vào cửa sổ, mảnh trăng ốm yếu như sắp rơi ra khỏi bầu trời nhìn tôi tha thiết. Tôi muốn hỏi trăng có nhớ hết từng bước chân dài, ngắn của hai đứa tôi trên con đường cũ, nhưng không đành lòng. Sợ trăng phố tủi thân vì tôi chỉ hoài nhớ vầng trăng óng ả, ngủ yên trong trang kí ức ngày xưa đã vắng.
Đám cưới ngày cuối tuần. Mười người một bàn. Chén trơn, trắng sứ. Vải voan tím hoa cà buộc thân ghế trắng. Cổng hoa cũng hai màu trắng và tím. Hẳn cô dâu là người chu đáo và tự tôn. Bồi hồi về lại đám cưới Miên, lúc màn hình thông minh chiếu hình ảnh của cô dâu chú rể từ lúc mới yêu nhau. Phải chi Miên có chồng trễ chừng vài năm, gì chứ bộ ảnh đẹp như thế này không khó. Lúc khách chưa đến đủ, tôi thong thả đảo mắt một vòng. Ba mảng tường được đèn phủ màu vòi voi nền nã. Tôi thích kiểu không gian trước mắt. Thiết kế không làm tôi có cảm giác cần thêm oxy để ngồi đến tan tiệc. Thứ cảm giác dễ thở thế này đã không trở lại bên cạnh tôi, từ sau đám cưới Miên. Miên cưới Tháng Mười âm lịch. Miền Trung có câu: “Ông tha bà chẳng tha. Trời hành cơn lụt hai ba tháng Mười.” Thế mà năm đó, cả ông lẫn bà đều tha cho Miên yên ba ngày cưới. Đêm trước, trời còn mưa lót ngót. Thanh niên xúm xít căng bạt che mưa, ngồi quanh cây đèn hột vịt, kết lá dừa đựng rạp. Vậy mà sáng sớm cúng rạp xong, trời hửng nắng. Hai bên đường, đất từ từ ráo mặt. Tối trước ngày rước dâu, Miên còn sốt ruột: “Mây coi cu Hải đã xúc cát đổ xuống mấy chỗ sình chưa. Họ trai tới nơi mà lai quần lấm lem, kì lắm!. Mai Mây nhớ đứng gần má Miên lúc làm lễ nghen, chặm nước mắt cho bả, không thôi trôi hết phấn.” Nhìn lên sân khấu, cô dâu mặc váy cưới màu oải hương, tôn thềm ngực đầy đặn và trang nhã. Thanh tú đến mức tôi thấy nhoi nhói nhớ cưới Miên. Sao cũng đây với đấy, chừng một kiếp người lại có thể vời vợi xa nhau đến thế! Kiểu như cô dâu này và Miên của tôi, nhất quyết phải tròn đều như khuôn. Hạnh phúc cũng từ khuôn đúc ra. Tăm tắp đều. Không được suy suyển, nhốn nháo.
Tôi chưa bao giờ đem phố về kể cho Miên nghe. Mỗi lần nghe Miên hỏi thăm, Mây còn giữ cửa sổ chung cư mùa gió, kì này Mây con đã chuyển trường hay vẫn còn lội nước bì bõm, trả lời chung chung vẫn vậy. Phố, thường là nơi người ta nhận diện rõ ràng sự lớn đổi, vậy mà nhẩm đi nhẩm lại cốt chẳng có gì hệ trọng khiến ta đặc biệt để tâm lưu luyến. Đặc biệt như kiểu nhớ miếng bánh bò lén bẻ cho thằng bên kia hàng rào, khi nó cạ vai nó vào vai mình. Phố có chừng ấy thứ: Việc làm. Đẻ. Giao tế. Đổi chác. Ngoại tình cộng làm tình. Lâu lâu có người chết. Một cái váy đen quá gối tới đám ma. Mặt rơi như quả cóc, quả ổi trên cành bị chém ngang. Hết chuyện! Có chồng ở phố. Loi ngoi bảy tám năm cũng chen được một phòng ở tầng 12, chung cư tầm trung. Sống như nhiều cặp vợ chồng thành phố khác. Ban ngày chen chúc đưa đón con rồi đến chỗ làm. Xong bữa cơm tối, lại nói với nhau chuyện cơ quan, nghe bé Mây thỏ thẻ chuyện trên lớp. Cất cho mình vài thứ phố tặng để lỡ ra đường ai hỏi, có mà lấp vô. Như quán cà phê bolero hẻm Phan Thành Tài với bìa menu hình nhạc sỹ Tú Nhi. Những ngày không đến nghe hát, đứng trên tầng bảy quán, nhìn về phía sở thú trung tâm thành phố, nơi có con khỉ già còm cõi tự đếm tuổi rồi khóc một mình.
Mỗi lần bế Mây về ngoại, tôi cũng đinh ninh trong đầu, nhất định kể chuyện phố cho Miên nghe. Kể về cô ca sỹ tên Phương đến quán cà phê bolero mỗi tối thứ tư và chủ nhật. Mỗi khi cô cất giọng: “Xin trả lại những kỉ niệm buồn vui. Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi…”, là cả quán lặng đi. Sẽ đưa Miên đi nghe Phương hát. Đưa Miên đi siêu thị lớn sắm quần áo cho bé Bông. Hai bà mẹ vừa nấu ăn, vừa canh chừng Mây và Bông khi hai con chơi đồ hàng cạnh cửa chính. Nói với Miên đủ chuyện. Rằng sáng hôm qua đi làm, đường ách quá, hình như chống chân lâu hơn hôm kia. Chiếc xe máy trước mặt coi chừng mới được mua. Ưng văng tục. Đã chật chội lại còn xe cộ. Vân vân và mây mây. Muốn ẵm con về quê luôn cho xong. Mà đếm can đảm, thiếu mất mấy miếng mới đủ lót thành con đường từ chung cư ra tới bến xe. Đành bám víu ở phố. Định kể Miên nghe nhiều lắm! Thế mà xe đò vừa qua hết đường lộ, len qua đồng lúa nhưng nhức mùi rạ mới. Xe như bị hút vào miên viễn. Đẩy tất cả những gì của phố ở lại. Hệt kẻ phụ bạc rũ tay cô gái trẻ tội nghiệp. Phố như cô gái ấy. Ngu ngốc và Cuồng si. Cô gái đáng thương tên Phố rơi khỏi vòng nhớ. Biến hẳn.
Ai nhẩm tính giùm tôi, hãy còn bao nhiêu năm tôi phải loay hoay san sẻ mình cho quê và phố?

 PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
(Nguồn: vannghedanang.org.vn)

Xem tiếp…