Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên: “Hãy khởi hành nghề viết bằng những chất liệu chân thực”

10:40 AM |


NGUYỄN NHÃ TIÊN

Tiểu sử:
Bút hiệu khác : Dã Châu
Sinh ngày 9.10.1952
Quê làng Phường Đông (Mỹ Hảo), Xã Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam
Chỗ ở hiện nay:  Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Dạy học, viết báo, làm thơ, viết văn, bình luận phê bình…
Hội viên Hội Nhà Văn Thành Phố Đà Nẵng

Tác phẩm chính:
* Tập thơ: Cõi về  (Nxb Đà Nẵng 1997)
* Tập thơ: Khúc hồi âm của lá  (Nxb Hội Nhà văn 2003)
* Tập bút ký và truyện ngắn: Ngày bắt đầu truyền thuyết  (Nxb Đà Nẵng  2007)
* Tập bút ký: Đi tìm huyền thoại cho đất (Nxb hội nhà văn 2015)

Tác phẩm sắp xuất bản:
* Tiểu luận: Gió thổi miền bất diệt
* Tập truyện ngắn: Nơi đất gọi chim về
* Thơ Nguyễn Nhã Tiên


  Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên: cây bút viết tản văn có nghề (lời nhà thơ Thanh Quế) vừa cho ra mắt tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” được đông đảo độc giả đón nhận. Nói về tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật giới thiệu: “Tập bút ký Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã Tiên (NXB Hội nhà văn, 8.2015) gồm 45 bài, được viết trong nhiều năm tháng, hầu hết đã đăng trên nhiều báo và tạp chí trên cả nước là một cuộc truy tìm lại những mảnh vỡ của sự vĩnh hằng, được ghi chép bằng tiếng nói mơ hồ mà có thực của dòng tâm thức”. Còn nhà văn Bùi Xuân (hội nhà văn TP Đà Nẵng) nhận định: “Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã Tiên rộng mà không bị dàn trải, ngắn mà vẫn chứa đựng hồn cốt. Hồn cốt đó chính là cái bản sắc văn hóa vùng miền mà nhà thơ ngộ ra khi đến và kể lại bằng giọng điệu văn chương tự sự có bản sắc riêng của mình”.
Mới đây nhất, theo thông báo của hội đồng nghệ thuật của hội nhà văn TP Đà Nẵng, tập bút ký của nhà văn Nguyễn Nhã Tiên nhận được tặng thưởng văn học 2015 của hội (giải A). Nhân dịp này tôi có cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Nhã Tiên xung quanh tác phẩm này. Kính mời theo dõi:
- Xin chào nhà văn Nguyễn Nhã Tiên, nhà văn có chia sẻ là phải đến 10 năm tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” mới ra mắt bạn đọc, vậy nhà văn có thể chia sẻ đôi điều tại sao cuốn sách thành hình lại mất nhiều thời gian như vậy?
- Gọi mười năm là một con số ước lệ, có thể lâu hơn hoặc ngắn hơn, kể từ khi “thai nghén” đến khi hoàn thành tác phẩm tôi phải dồn hết tâm sức trong một khoảng thời gian để đi, cảm và viết, có thể là 5 năm đến 7 năm, hoặc có thể là tròn 10 năm. Thứ hai, nói 10 năm để cho ra “đứa con tinh thần” tới tay bạn đọc là một quá trình đầu tư cho tác phẩm thật sự nghiêm túc và tâm huyết, để tác phẩm đọng lại sức sống trong lòng những độc giả luôn quý mến và dành tình cảm cho những tác phẩm của Nguyễn Nhã Tiên.
Trong đời sống nhà văn, kinh tế hết sức khó khăn làm cho tác phẩm ra đời chậm, vì tôi là người hoàn toàn sống nhờ nghề viết. Tình hình văn hóa đọc bây giờ… ngay cả khi tác phẩm được in trong 10 năm mới được 1 cuốn sách nhưng cũng chưa chắc phát hành hết. Nếu như tên tôi quen biết với độc giả, được nhà xuất bản lưu tâm thì được chi trả nhuận bút bằng số sách phát hành, kể cả sách tặng. Vì vậy, có 2 nguyên nhân là lý do sáng tác, điều kiện kinh tế nên phải mất tới gần 10 năm tập bút ký “Đi tìm huyền thoại cho đất” mới được trình làng.
Tác phẩm "Đi tìm huyền thoại cho đất"
- Chắc chắn, trong 10 năm nhà văn đã đi qua rất nhiều miền đất với nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, vậy nhà văn có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những chuyến đi ấy?
- Cuộc đời làm báo, làm văn nghệ phải đi nhiều, muốn đi nhiều và “khát” đi nhiều. Có nhiều vùng đất mình nặng nợ tình cảm, nơi mà “linh hồn” của đất níu bàn chân lại thì tôi dừng ở đó lâu và thường thường những tác phẩm ra đời sau đó là những bài viết hay, những tác phẩm tâm đắc. Trong hành trình sáng tạo ra tác phẩm “đi tìm huyền thoại cho đất”, tôi cố gắng đi thật nhiều để giải mã những ẩn ngữ, những bậc ngôn của đất, của gạch, của đá… để “nghe” những di sản hữu hình đó đang nói gì…
Trong những chuyến đi lên miền núi Tây Bắc tôi nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ địu con lên nương, mẹ hát ru con bao nhiêu lời thì tự bao giờ thấm vào trong vô thức và đến đời con cũng hát những lời ru đó, cũng thuộc những khúc ru đó. Như vậy nó trở thành biên giới vô hình trong văn hóa cộng đồng, tôi đi qua và phát hiện những điều tưởng chừng giản dị nhưng phát hiện đó lại tái hiện rất chân thực và là chất liệu chính để tôi sáng tạo ra những tác phẩm.
Bài viết “Mỹ Sơn – nhớ và quên”, nằm trong tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất” với ý đồ là phải tôn vinh Mỹ Sơn: một di sản văn hóa hữu hình, nhưng cái để tạo ta một Mỹ Sơn đẹp trong lòng mọi người chính là cái “siêu hình”. Gọi là siêu hình bởi vì những thời đại đi qua nó, những con người đi qua nó, những con người đóng góp cho Mỹ Sơn bằng những tác phẩm cũng đi qua nó… đã tạo cho Mỹ Sơn một linh hồn níu chân du khách, tỏa sáng trong di sản văn hóa nhân loại.
Đi đến Mỹ Sơn, được gặp những du khách, những nhà nghiên cứu với tâm huyết bảo vệ và trùng tu Mỹ Sơn làm cho tình cảm của tôi dành cho Mỹ Sơn rất đặc biệt, nên cảm xúc cũng lên ngôi trong các bài viết của tôi về Mỹ Sơn. Theo tôi, di sản cần được phát huy bằng sự “điêu tàn”, ở đó ta có thể lắng nghe “thời gian vỡ trên từng viên gạch”.
- Là một nhà thơ với rất nhiều tập thơ rất nổi tiếng như “Cõi về” (NXB Đà Nẵng 1997), “Khúc hồi âm của lá” ( NXB hội nhà văn 2003), vậy nhà văn Nguyễn Nhã Tiên có thể cho biết cơ duyên nào giúp nhà văn chuyển sang viết văn xuôi và đặc biệt thành công ở thể loại bút ký.
- Không thể nói là “chuyển” thơ qua bút ký mà đó là hệ quả tất yếu của hoạt động văn học. Cái đẹp của thơ chính là từng khoảnh khắc, từng tia chớp, từng ánh lửa… Còn văn xuôi có nhiều hình thức thể hiện, đối với tôi mỗi tác phẩm văn xuôi là một nỗi niềm xúc động, những góp nhặt, một nhu cầu kể chuyện, phơi bày gương mặt thời gian qua từng vùng đất, trong đó còn là sự cảm nhận và ký gửi những màu sắc văn hóa khác nhau hiện lên trên từng tác phẩm.
Ví dụ như tôi nghe tiếng nước Thu Bồn, mà từ âm thanh tiếng nước tôi nghe ra tiếng người con gái gội đầu bên sông, tức là âm thanh của mỗi vùng đất muốn nói với tôi điều gì. Theo tôi viết bút ký không phải là chụp hình minh họa lại thế giới mà cái cốt là ta cảm nhận được điều gì, thông điệp sẽ nằm ở đâu trong tác phẩm, đó mới chính là nhu cầu tự thân của thể loại bút ký. Tôi đã viết bút ký ở những buổi đầu cầm bút và trong những khoảng thời gian nhất định tôi sẽ tập trung viết ở những thể loại nhất định, cái chính là mang đến độc giả tác phẩm mà tôi ưng ý nhất, có đủ sức chuyển tải những thông điệp mà tôi muốn nói, có thể đủ sức lay động lòng người.
Nhà văn trong một buổi giao lưu (ảnh: internet) 
Là một tác giả chuyên viết tản văn, bút ký, vậy nhà văn có thể chia sẻ quan điểm về ý kiến: tản văn có phải là fast – food không?
- Tôi xin khẳng định là không. Nói hình tượng “mỳ ăn liền” cho vui chứ thực ra một tác phẩm tản văn khi ra mắt bạn đọc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tôi cho rằng một tác phẩm tản văn là sự lên ngôi của cảm xúc, là “lát cắt” của bản sắc văn hóa. Đã là một văn nghệ sĩ thì cái máu thường hằng của anh, cái nhạy cảm nhất của anh chính là mạch cảm xúc, chính là sự nhạy bén để soi chiếu vấn đề dưới nhiều hình thức khác nhau và những góc độ khác nhau.

Ví dụ như khi tôi viết tản văn “tiếng chim kêu” trong một khoảnh khắc nào đó, tất nhiên là không thể giống “mỳ ăn liền”, đó là giây phút tôi muốn được bày tỏ tâm trạng, xúc cảm thông qua điểm nhìn và một thông điệp gần gũi để bạn đọc có thể cảm nhận, đồng cảm. Giữa cái bát nháo của đời sống xã hội, nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ ra đời làm người ta ngộ nhận giá trị đích thực của văn chương, đặc biệt là tản văn. Tuy nhiên, có một câu danh ngôn mà tôi rất yêu thích là “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, vì thế tôi tin nếu như nhà văn có cái tâm với tác phẩm của mình thì bất cứ thể loại nào cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.
- Khi đọc tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất”, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật có bình luận: Văn của Nguyễn Nhã Tiên có “chất thơ đậm đà của một nhà thơ khi viết văn xuôi”, vậy nhà văn có thể chia sẻ quan điểm về bình luận này của Nguyễn Đông Nhật?
- Nguyễn Đông Nhật là một nhà thơ nên ông ấy nói bằng kinh nghiệm, bằng trực giác mách bảo, mà trực giác mách bảo thì thường đúng. Dĩ nhiên sau này Nguyễn Đông Nhật có nói thêm một câu mà tôi thường lưu tâm khi viết bài lý luận phê bình: cái bản năng như con ngựa buông cương chạy trên đường làng, nếu như người mê với gió, mê với đường xa thì thả cho cơn mê đó trôi miên man; còn người tỉnh táo thì kìm dây cương giữ lại.
- Thông điệp chính mà nhà văn muốn gửi đến độc giả qua tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất”?
- Hành trình “đi tìm huyền thoại cho đất” là hành trình đi tìm cái đẹp của những vùng đất mà ẩn chứa trong nó những mật ngôn, những giá trị… mà nhà văn sẽ không bao giờ lý giải hết. Tôi muốn khẳng định những vùng đất mãi mãi là huyền thoại với những nét đặc trưng về tự nhiên, về văn hóa và tính cách con người của vùng miền đó.
- Sau tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất” nhà văn có dự định tiếp tục viết bút ký hay theo đuổi ở những thể loại khác?
- Thì tôi vẫn viết hàng ngày bởi vì nghiệp viết đã “đeo bám” nên rất khó dứt bỏ, nếu có thể tôi cũng rất muốn xuất bản cuốn “Đi tìm huyền thoại cho đất” 2. Nhưng như đã nói ở trên điều kiện kinh tế khó khăn làm cho tác phẩm ra đời chậm, hơn nữa tôi không cho phép sự dễ dãi trong từng câu chữ, đòi hỏi tôi viết văn rất “khó”, mỗi tác phẩm là sự chăm chút tỷ mỷ và tâm huyết. Tôi cũng xin cảm ơn sự giúp sức của xã hội để tác phẩm nhanh chóng tới tay bạn đọc.
- Mới đây, tác phẩm “Đi tìm huyền thoại cho đất” được xét tặng thưởng của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố, vậy nhà văn có thể chia sẻ đôi chút cảm xúc? Liệu đây có phải là sự công nhận cho một tác phẩm tâm huyết?
- Tôi cũng xin nói rất thật là cảm ơn sự trân trọng của mọi người dành cho tác phẩm. Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi độc giả đón nhận tác phẩm, và cảm thấy rất vui khi ở đây được bạn bè, mọi người, các văn nghệ sĩ thân hữu đều thuộc lòng tâm hồn của mình, biết đến tính cách con người của mình nữa.
- Cuối cùng, nhà văn có lời khuyên nào dành cho các cây bút trẻ muốn dấn thân vào nghề viết?
- Đừng bao giờ giả dối, người trẻ hãy khởi hành nghề viết bằng những chất liệu chân thực. Hãy sáng tạo tác phẩm từ niềm xúc động, đi từ sự rung cảm của trái tim để tạo sự sâu lắng và tạo thành thông điệp nhân văn trong tác phẩm. Đích thực của đời sống thi ca, vốn là “bào thai”, những bờ bụi, những phù phiếm sẽ rơi rụng và không tồn tại.
- Xin chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhã Tiên, kính chúc nhà văn sức khỏe, có nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.
                                                                           
PHAN NAM thực hiện


Xem tiếp…

QUÀ TẶNG THÂN HỮU - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

6:47 PM |
1. CHUYỆN CỔ TÍCH

Trệt xuống đất cho mát trời ông địa
Nước mắt quê hương uống thét phát ghiền
Mấy thằng nam đừng chơi gian lận
Lót long đền, phái nữ họ ghen !

Món dân dã, lai rai tới bến
Đâu ở đâu, lại giống xứ mình
Trước khi chết còn xuống câu vọng cổ
Bạn ta cười, vỗ vế, y kinh !

Mấy bà bạn trông còn được đại
Lâu ngày giờ như thấy hồi xuân
Mấy cha cứ đèo bồng, phát ớn
Nước nôi gì mà cứ phân vân !

Cạn ly đi để nhớ hồi con nít
Chơi nhà chòi cùng rủ tắm mưa
Của thượng đế cho thì cứ nhận
Ai nhớ quên cũng tới bây giờ !

Nhỏ nhiếc gì, thân ai nấy giữ
Nhắc làm chi quá khứ, thêm thèm
Nghèo, giàu gì cũng thời có số
Cục đất không còn mà để chọi chim !

Quên tuổi trẻ để sống vì tuổi trẻ
Suôi gia rồi sống hết đời đi
Người dưng cả, đừng chơi kê tán
Lỡ có ai lén thấy, phân bì !

Bạn bè cũ gặp nhau quá đã
Vui thật tình nghĩ chi tới trăm năm
Đồ nhấm nháp còn nằm chương ướng
Sao mấy cha lại muốn ăn năn !

Mấy chục năm, biết trên biết dưới
Có chìm xuồng cũng hú hí cho vui
Hương một thuở nghe còn thơm phức
Nhầm nhò gì, chuyện cổ tích, trời ơi !

2. CHUYỆN NHƯ ĐÙA

Ta đã chết mà như không chết
Hồn vẫn còn quanh quẩn trần gian
Bởi địa ngục không còn chỗ trống
Và phía kia, khóa cửa thiên đàng !

Nghĩ mà thương những thằng bạc số
Sống trên đời chẳng có xác thân
Nghĩ mà tủi những lời hoa mỹ
Núp sau lưng mua bán quỷ thần !

Ta trở lại căn nhà từ biệt
Người thân vui, hồn cũng đỡ buồn
Vừa chạy được lá bùa hóa kiếp
Ghé Sài Gòn, ăn mì gõ đêm hôm !

Ở mọi miền, chợ đêm đâu cũng có
Chỗ bán thức ăn, chỗ bán nước, tuyệt vời
Đèn lấp lánh treo đời phù phiếm
Ta thấy mình sét đánh một lằn roi !

Chốn nhộn nhịp và những nơi mạt rệp
Cũng đèn dầu, cũng đấu đá, nhà xiu
Ba, bảy chục năm may mà còn sống
Nghe quốc gọi bầy, bìm bịp lại kêu !

Ta đã biết đời là bến tạm
Bốn ngàn năm, gang tấc có gì xa
Những xác chết đã giữ yên bờ cõi
Hồn hóa thành cầu nối tới Trường Sa !

Trăng hí hởn thả mình trên biển
Nào biết nỗi đau khi sóng vỡ tràn bờ
Ngủ một giấc cho thấy còn sáng suốt
Biết bạn, biết thù, biết rõ những ngu ngơ !

Sáng ra chợ, lựa vỉa hè gió mát
Trải chiếu ra, bày bán thuốc trường sinh
Khui một chai thuốc sâu cực mạnh
Ực một hơi, chẳng chút rùng mình !

Người chung quanh, ồ lên nhăn mặt
Sao ông ngu, uống thứ chết người
Tôi đã uống thuốc trường sinh trước đó
Chứng tỏ mình bán thật thuốc hay !

Người ủng hộ ngày càng đông đúc
Như tôm tươi, mặc sức đếm tiền
Chỉ những kẻ trên đời sợ sống
Mới mua giùm thằng quãng cáo thuốc tiên !

10-01-2013

3. CHUYỆN THỜI SỰ

Một thời chinh chiến tàn khốc đó
Dòng sông dậy sóng, máu thây trôi
Nghe quen tiếng súng như rang bắp
Pháo dập từng nơi dội đất trời !

Chất độc tràn lan trên đất mẹ
Những vành tang trắng, lệ nhớ thương
Từng lớp người đi, không về nữa
Từng lớp đấu tranh cũng xuống đường !

Hỏa châu thay pháo hoa rực sáng
Vậy mà, đâu đã hết chiến tranh
Trong yên bình đó nghe đau điếng
Giặc của thời cơ cứ hoành hành !

Ta lọc được gì qua nhân nghĩa
Đời chưa bình đẳng, lắm điêu ngoa
Vết thương từ phía quân thù tặng
Chưa đau bằng phản bội phía quân ta !

Trường đâu phải nơi nào cũng xanh sạch đẹp
Thầy dạy rập khuôn, trò chẳng sáng kiến gì
Thời đại thông tin còn xài bùa, phép
Nói dối an toàn, sự thật giấu giếm đi !

Ông bà ta, sợ tình người bạc bẽo
Bằng mặt nhau nhưng chẳng bằng lòng
Tưởng ôm cây đứng cho mình thẳng
Đâu biết rằng mình đã bị cong !

Em thấy không, bầu trời đầy khói bụi
Trái đất nóng lên, bão lũ tung hoành
Ta đang hạnh phúc hay những người cùng khổ
Rừng núi, đồng bằng càng lúc mất cây xanh !
Đất nước ta ơi, mấy ngàn năm đó
Còn nhân dân, còn gặp những nụ cười
Điều sợ nhất khi mất đi văn hóa
Khi đồng tiền làm chủ những cuộc chơi !

Đừng khóc nghe em, hãy dành nước mắt
Để một lần khóc những người thân
Để được khóc khi đầu thai kiếp khác
Những ẩn tình chưa chắc được giải oan !
  Cuối năm Quý Tỵ - 2013

TRÚC THANH TÂM


Xem tiếp…

ĐIỂM NHẤN Ở MỘT BÀI THƠ - Thư Hoàng

6:40 PM |

Không có bài thơ nào đi vào lòng người mà tác giả viết bằng sự hời hợt, phô trương. “Dại Khờ” khẳng định một thông điệp như thế! Điểm nhấn đầu tiên ở tác phẩm chính là tấm lòng chân thành nơi người viết.

DẠI KHỜ

Cô gái đọc bài thơ
Và khóc
Cô ngỡ mình mau nước mắt
Dại khờ
Cô đâu biết
Có một đêm trăng vỡ
Người viết lạc lòng
Rơi nước mắt
Vào thơ

Dương Đức
10.7.2013

Lời bình của Thư Hoàng:
Một bài thơ tự do với từng câu chữ đẹp mộc mạc được tác giả xâu khéo vào phần nội dung bất ngờ khiến người đọc vỡ òa trong cảm xúc. Tiếng nói thơ không từ cô gái, không hẳn nhà thơ, mà vang lên rất khách quan cho cả hai tuyến nhân vật.  Lối viết này kiệm ở cách thể hiện chi tiết cảm giác mà chắt lọc hình tượng chính và trên nền đã định hình đó lại để người đọc ngân tiếp tiếng lòng mình. Có một chút gì đó phát triển từ thơ Hai ku nhưng bên cạnh cái khe khắt tiết chế còn pha nhè nhẹ nét lãng mạn trong thơ, cảm xúc bằng lời được giấu đi bớt.  Tôi đã đọc khá nhiều bài thơ của tác giả Dương Đức. Anh là một người viết có cái nhìn tổng quát, biết cách dẫn dắt thơ. Đôi mắt anh luôn tự quan sát lại đường đi nước bước của chính thơ mình. Điều đó giúp cho bài thơ  thoát được nhiều hạn chế và đi đúng quỹ đạo , tiệm cận nhanh với cái hay, cái ấn tượng cần có của một bài thơ hay. Có được khả năng kiểm soát tay viết âu cũng do anh sẵn mang tư duy của một người bình thơ. Thi thoảng tôi vẫn bắt gặp những lời bình đẹp, sâu sắc của anh. Vốn đây là bài thơ tình nhưng tác giả không muốn người đọc bị thu hút bởi câu chuyện tình yêu mà anh mong mỏi trao gởi sự giao thoa từ tâm hồn nhà thơ đến trái tim bạn đọc.  Sự "dại khờ' ở cô gái là đã khóc khi vội tin những dòng thơ. Sau phút giây trào dâng bồng bột, cô buồn cười cho mình quá đắm say những điều hư cấu. Và dường như người viết biết được nụ cười trên đôi môi chưa ráo lệ ấy là một sự buộc tội xem nhà thơ như một diễn viên, một tay phù thủy lão luyện.
Cô gái đọc bài thơ
Và khóc
Cô ngỡ mình mau nước mắt
Dại khờ
Song giọt nước mắt đang rơi trên má cô gái không hề có chút giả tạo, có hơi hướm thị trường nào. Chính giọt nước mắt tương tự một đêm trăng buồn chàng thi sĩ không dằn được lòng mà mang ra ký thác vào thơ.
Có một đêm trăng vỡ
Người viết lạc lòng

Rơi nước mắt
Vào thơ
Ôi giọt nước mắt mờ trông hy vọng để đến được với bạn tri âm chỉ có thể bằng chân tình. Giọt nước mắt chua chát, đơn côi trong cõi lòng thi nhân đã nhân bản lên thành triệu triệu giọt nước mắt hồi đáp ngọt ngào nơi bạn đọc.  Họ gặp nhau trong nỗi buồn, trong cuộc cờ nhân thế… Tâm tình trong thơ anh gói gọn, chặt chẽ. Nhìn bài thơ toàn cục có vẻ nguyên tắc khô khan vì dẫu hàng ngang hay hàng dọc đều quá kiệm chữ, kiệm lời. Cùng một ý nghĩ trên, hẳn nhiều tác giả sẽ thích kể lể, bộc bạch bằng hết nhưng với anh Dương Đức chỉ là những nét phác thảo mênh mông. Đó chính là dấu ấn trong phong cách thơ anh. "Dại Khờ" đẹp nhờ ngôn ngữ đặt đúng chỗ, kiệm mà tinh. Cái tình người viết chắt chiu qua từng biểu hiện nhỏ. Nếu nhóm từ "mau nước mắt" thể hiện một cảm xúc mạnh kèm theo đó là sự ngượng ngùng xấu hổ là một nhóm từ đặc trưng cho con gái thì "đêm trăng vỡ' mãnh liệt bi tráng phù hợp với một nhà thơ nam. Và nếu cô gái 'khóc" ngang bằng với hình ảnh nhà thơ "lạc lòng" là hai sự so sánh quá tinh tế, đặt để cho từng nhân vật….thì quả tất cả đã được sắp xếp chỉnh chu, cân ý cân lời. Nghệ thuật đảo ngữ ở cuối bài mang đến cho thơ chất lãng mạn khi động từ "rơi" lại đứng trước chủ thể "nước mắt", Cảm xúc chúng ta cũng chợt dâng lên không có điểm dừng và xoáy theo dòng nước mắt thi nhân.
Người viết lạc lòng
Rơi nước mắt
Vào thơ
Đời thi sĩ buồn vậy, lặng lẽ bên những cánh thư dầy như xác lá. Vinh quang chỉ thảng thốt đến ở một vài bài thơ nào đó rồi thôi. Hàng ngàn, hàng vạn bài thơ mới có lấy một bài được mọi người yêu và nhớ.
Dù là vậy thơ vẫn là hơi thở, mạch sống của người thi sĩ, người yêu thơ và tự nguyện vì đời nhả tơ góp sức.
4/6/16
THƯ HOÀNG


Xem tiếp…

THƠ VÀ SỰ TỒN TẠI CỦA THƠ - Đinh Thị Như Thúy

9:07 PM |
Có một thực tế trong đời sống văn chương hiện nay mà chúng ta không thể không nhìn thấy, là thơ đang dần vắng bóng trên các trang báo ra hằng ngày, hằng tuần.
Thậm chí trên các tạp chí văn chương ra hằng tháng, số lượng các bài thơ được in cũng giảm bớt. Thế nhưng số lượng những người làm thơ, số lượng các tập thơ được xuất bản hằng năm, theo thống kê của các Nhà xuất bản, của các Hội Văn học Nghệ thuật từ địa phương đến Trung ương, thì ngày lại càng tăng. Thơ và người làm thơ nhiều lên trong khi sự yêu thích mến chuộng đam mê thơ ở người đọc ít lại. Đó như một nghịch lý. Hơn thế nữa, mỗi khi nhắc đến thơ và người làm thơ, rất nhiều người gắn bó với văn chương lại tỏ bày thái độ vừa ngao ngán vừa ngậm ngùi. Trước thực tế đó, tôi đã có lúc tự hỏi: Vậy thơ còn có ý nghĩa gì? Có vai trò gì trong đời sống chúng ta? 
Và chúng ta phải làm gì để thơ tồn tại như một nâng đỡ cứu chuộc cho đời sống con người? Ai trong chúng ta cũng có lúc cần viện dẫn thơ để bày tỏ lòng mình. Đó là lúc trong ta có những xúc cảm không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường. Hay nói theo cách khác, đó là lúc những cách diễn đạt thông thường không thể nói hết tâm trạng, ý nghĩ, tình cảm của chúng ta. Người không thể làm thơ thì đọc thơ của người khác, nhìn vào thơ người khác để thấy mình. Người làm được thơ thì dùng con chữ mà nói lên suy nghĩ. Lúc đó thơ như một nâng đỡ, giúp chúng ta giải thoát những bức xúc, những phẫn nộ, những buồn bã, bi thương. Có khi thơ giúp ta bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ. Có khi thơ là cầu nối dẫn ta đến sự đồng cảm sẻ chia với một người nào đó có cùng trăn trở nghĩ suy như ta. Chẳng thế mà nhà thơ Trần Lê Văn đã từng viết: Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi. Thơ là tiếng vọng. Thơ cũng là con thuyền. Chúng ta không thể no đủ nhờ vào thơ, nhưng cuộc sống tinh thần của chúng ta sẽ nghèo nàn biết mấy, nếu thơ không hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Người xưa còn làm thơ để tỏ lòng tỏ chí, để chiến đấu, để khát vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng đáng với con người hơn. Thế nhưng, để thơ thật sự hiện hữu như một tiếng vọng, như một con thuyền, như một vũ khí đấu tranh và thật sự là một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo thì những người làm thơ chúng ta không có quyền dễ dãi trong suy tư cảm xúc, trong tư tưởng và nhất là trong lao động để tạo ra ngôn ngữ thơ. Có một nhà thơ đã nói: điều khác biệt giữa thơ và các thể loại văn chương khác là thơ sử dụng mặt trái của ngôn ngữ, trong khi đó các thể loại khác thì sử dụng mặt phải của nó. Nói như thế để thấy rằng làm thơ và cảm nhận thơ không thể sử dụng lối tư duy theo kiểu nghĩ gì viết thế hay giải thích ý nghĩa của từng con chữ trong câu thơ, khổ thơ để suy diễn ý nghĩa của bài thơ. Làm như thế chúng ta sẽ giết chết thơ.
Thơ có lúc cũng bị giết chết bằng một cái bẫy dịu dàng khác, mà chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra, đó là cái bẫy của thói quen sử dụng ngôn từ. Thói quen này hình thành một cách từ từ bằng những gì chúng ta đã đọc, đã học, đã sử dụng trong suốt một thời gian dài. Và thói quen này bị dẫn dụ từ những tác phẩm hay, những đỉnh cao trong thơ ca Việt Nam và thế giới. Sự hợp lý, sự thú vị trong các từ ngữ được sử dụng khiến chúng ta bị lôi cuốn rồi nhập tâm. Đến lúc viết, chỉ cần có ý tứ, có cảm hứng thì các từ ngữ đó lập tức xuất hiện và chúng ta thấy chấp nhận được ngay. Có lúc chúng ta mê đi và còn nghĩ viết một bài thơ sao dễ dàng làm vậy. Chúng ta bị rơi vào bẫy mà chúng ta không nhận biết được. Từ cái bẫy đó chúng ta làm ra các tác phẩm thơ na ná các bài thơ đã đọc, các hình tượng thơ cũ kỹ, các từ ngữ thơ khô xác vì đã bị vắt kiệt ý nghĩa, đã bị sử dụng quá nhiều đến mất hết những dưỡng chất sống động tươi xanh của sự sống. Ví dụ khi viết về mùa thu ta bị choán đầy bởi những lá vàng, cúc vàng, những mây xanh, những tơ trời, gió heo may và cảm giác buồn hiu hắt... Viết về mẹ nếu không có hình ảnh con cò ăn đêm, dãi nắng, dầm mưa, thì lại mẹ chờ chồng, chờ con, hy sinh tuổi xanh, tuổi trẻ... Viết về mùa hạ có tiếng ve, có chia tay dưới tàng phượng đỏ... Mùa xuân có mai vàng đào đỏ, có đông tàn xuân tới, có đất trời đơm hoa, có xuân chiến thắng... Rồi cứ nỗi buồn thì băng giá, con tim thì thổn thức, mắt thì long lanh, đêm thì cô đơn, em thì đến từ cõi chiêm bao... Tổ quốc thì thiêng liêng, rồi vững tay súng, vững lòng tin vào ngày mai... Ta cứ dùng chữ như một sự cưỡng bức chữ theo ý nghĩ chủ quan dễ dãi của mình mà không băn khoăn gì về cái gọi là độc sáng trong sáng tác nghệ thuật. Nếu cứ bị thói quen đó, cái bẫy ngôn từ đó dẫn dắt thì làm thế nào mà thơ không chết?
Người viết đã vậy, lại thêm có những người đọc với thói quen đọc cũ: khư khư giữ quan niệm thơ phải du dương vần điệu, bằng lòng với dòng thơ câu trước gọi câu sau, các câu mang ý nghĩa rõ rệt để diễn tả một vấn đề rõ rệt... Đứng trước một câu thơ khó, những người đọc này sẽ lập tức phản ứng đòi truy cho được một cách hiểu, có khi bằng định kiến còn quy chụp diễn giải khiến người viết không khỏi e ngại... Và khi người viết đã e ngại, người phê bình thì lúng túng không làm tốt việc định hướng, người biên tập chọn đăng thơ cũng ngại ngần, thì chúng ta dễ dàng quay về bằng lòng với những gì quen thuộc an toàn, để rồi mỗi lúc giở một trang thơ lại lắc đầu chê trách rằng:  sao thơ ngày mỗi nhạt nhẽo. Thơ nhạt nhẽo và vô bổ. Thơ quay lưng với những tiêu cực đau đớn của xã hội. Thơ không dám động đến thân phận cực nhục thực sự của con người. Vậy thơ có tồn tại được trong lòng người yêu thơ? Những bài thơ phải là chân dung thật sự của người viết, vì vậy cần phải viết với lòng say đắm, sự ao ước được thể hiện bản thân; đôi khi viết trong sự buồn bã chán chường hoang mang, trong sự thôi thúc điên rồ; sự thoát ra khỏi những lối mòn để chấp nhận tất cả, cả ánh sáng và bóng tối của căn phận ngôn từ.
Sáng tạo thật sự luôn không dễ dàng, người sáng tạo luôn phải chấp nhận khó khăn, mất mát, có khi cả những đánh giá bất công vì những bất đồng. Nhưng lặp lại, chọn lối đi an toàn trong sáng tạo là điều tối kỵ trong đời sống văn chương nói chung. Một đời sống thi ca đang quẫy cựa bao giờ cũng tốt hơn nhiều so với một đời sống thi ca bất động đông cứng. Một lối đi riêng, hay nhiều lối đi riêng của thơ trong dòng chảy thơ ca là điều cần thiết bởi nó chứng tỏ thơ vẫn đang vận động. Điều cuối cùng tôi muốn nói trước thực tại thơ đang dần mất bạn đọc, với mong mỏi tìm lại sự yêu thích mến chuộng đam mê cho thơ, là rất cần có một đời sống tự do riêng cho thơ. Hãy để những người viết thể nghiệm tất cả những gì họ muốn thể nghiệm. Có thể họ sai lầm. Có thể họ thất bại. Cũng có thể trong họ sẽ có người tìm đến được sự đổi mới có giá trị thật sự của thơ ca. Và những gì còn lại cần phải chờ sự thẩm định qua thời gian...

(http://nhavantphcm.com.vn)




Xem tiếp…

ÂM THANH CUỘC SỐNG - chùm tản văn ngắn Hoàng Hạ lam Phương

9:55 AM |
TRỒNG HOA

Tôi cực kì yêu thiên nhiên và cũng rất thích mang thiên nhiên vào nơi ở. Đó là lí do vì sao tôi rất thích trồng cây và nuôi động vật. Đó là một trong những sở thích của tôi trong cuộc sống
Tôi từng không ít lần mua chậu thủy tinh và nuôi cá cảnh. Tôi thích đặt chúng trên bàn hay bất kì nơi nào dễ nhìn thấy nhất. Hễ đi ra lại dòm, đi vô lại ngó. Những lúc buồn chán, tôi có thể ngồi hàng giờ chỉ để nhìn chúng đớp bóng nước và rượt đuổi nhau.
Tôi còn rất thích trồng các loại hoa linh tinh nữa. Còn nhớ ngày đó, mỗi lần ăn sữa chua xong, tôi đều giữ lại cái hũ nhựa rồi rửa sạch. Sau đó chạy xe máy rong ruổi trên các khu đất hoang để lựa loại đất mềm, tơi xốp nhất.Tôi cho đất vào các hũ, thêm tí nước cho ươn ướt. Sau đó trồng  các loại hoa mười giờ, tám giờ hái được khi ra ngoài. Sau đó, hì hụi đục lỗ trên các hũ, luồn dây qua đó rồi treo lủng lẳng đầy cửa sổ. Từ ngày trồng hoa, tôi siêng dậy sớm hẳn. Mục đích là dậy sớm mở cửa sổ để ánh nắng chiếu vào, hoa có điều kiện quang hợp. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, tôi thích cầm cái chai đựng đầy nước có đục cái lỗ bé xíu ở nắp cẩn thận tưới lên từng chậu hoa. Vừa tưới, tôi lại vừa đếm xem hôm nay có bao nhiêu chiếc nụ sẽ nở. Mỗi khi phát hiện ra một chiếc nụ he hé chuẩn bị bung nở, tôi vui sướng lạ kì.
Hoa trồng một thời gian thì sẽ lụi dần. Một phần vì chúng già cỗi không thể sinh sôi nảy nở được nữa, một phần vì trồng trong chiếc chậu bé tí không đủ chất dinh dưỡng. Cứ sau một đợt như vậy tôi lại thay hoa mới và đất mới. Những nhánh hoa cằn cỗi sẽ được thay bằng những cành non mơn mởn. Những vốc đất đầy rễ sẽ được thay bằng những nắm đất mới tơi xốp hơn. Và cứ như thế, tôi lại bắt đầu một mùa hoa mới.
ĐN, 1.1.2016

ÂM THANH CUỘC SỐNG

Thật tuyệt vời nếu mỗi buổi sáng thức giấc, âm thanh đầu tiên bạn nghe được không phải là tiếng còi xe inh ỏi, không phải là tiếng nổ của động cơ,… mà thay vào đó là những tiếng chim hót, những bài hát hay… Tôi gọi những điều đó là “âm thanh cuộc sống”.
Tôi học tập tại Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại là đã có hơn 2 rưỡi năm sống và học tập ở đây. Với 1 lần chuyển trọ, 2 nơi “tạm trú”, tôi thấy tạm hài lòng với nơi ở thứ 2 của mình.
Đó là một căn phòng không quá rộng, chỉ độ 15 mét vuông, với 1 cửa chính và 1 cửa sổ. Tôi đặc biệt thích khung cửa sổ của nhà mình. Đó là nơi mỗi buổi sáng thức dậy tôi có thể mở chốt, đẩy tung hai cánh cửa bằng gỗ cũ kĩ để nhìn ra khoảng trời bên ngoài. Tôi mắc thêm hai tấm rèm màu xanh nước biển dịu nhẹ để có thể kéo lại mỗi khi thích. Tuy nhiên việc mắc rèm chỉ là để cho khung cửa sổ nhìn thơ mộng, trữ tình hơn; để cho căn phòng trông đáng yêu hơn; còn việc buông rèm chỉ là phụ.
Mỗi sáng, khi thức dậy, thói quen đầu ngày của tôi là mở tung cửa sổ, mở một bài hát quen thuộc, sau đó mới bước xuống giường. Sau khi hoàn tất các công việc cần thiết sau khi ngủ dậy, nếu như không đi đâu, tôi thường ngồi yên bên cửa sổ, tựa khuôn mặt lên khung sắt và đưa tầm mắt ra bầu trời cao rộng bên ngoài. Cùng lúc đó, đôi tai cũng dỏng lên, nghe ngóng những âm thanh quen thuộc.
Cứ mỗi buổi sáng, không biết từ đâu có một đàn chim sẻ tầm mười con bay đến và hót líu lo. Chúng đậu trên các mái tôn của những ngôi nhà bên cạnh, bay nhảy trên đó, trêu chọc, đùa giỡn với nhau và hót véo von. Lũ chim sẻ bay đi bay lại giữa các mái tôn. Chúng chuyền từ mái nhà này sang mái nhà kia như chơi trò đuổi bắt. Chúng thường di chuyển theo từng cặp, con mái bay đi trước, con trống đuổi theo sau. Cũng có những con không đi theo từng cặp, chúng đậu yên trên mái tường loang lổ, chiếc đầu bé xíu ngúc ngoắc về bốn phía như tìm kiếm điều gì. Thỉnh thoảng, chúng lại nhảy nhảy về phía trước như bắt gặp điều gì đó.
Khi mặt trời dần dần thức giấc, hé những tia nắng sớm đầu tiên cũng là lúc bầy chim sẻ bay đi tìm kiếm thức ăn cho một ngày mới. Và lúc đó, tôi cũng bắt đầu khép cửa lại để ra đường, bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng.
Bầy chim sẻ cũng những âm thanh trong trẻo của chúng như đã tiếp thêm tinh thần cho tôi vào mỗi sáng. Tôi cảm thấy yêu đời hơn, vui tươi hơn khi được nghe âm thanh thánh thót ấy mỗi ngày!
ĐN, 29.1.2016

VẼ TRƯỚC TƯƠNG LAI

Tôi đã từng vẽ ra trước tương lai của mình từ năm tôi còn học 12. Tôi còn nhớ rõ, đó là lúc tôi làm hồ sơ thi đại học. Khi tôi đặt bút làm hồ sơ, tôi đã hoạch định luôn tương lai của mình từ đó. Khi ấy, tôi chọn cho mình ngành báo chí, một ngành mà theo tôi, sau này phải bôn ba nay đây mai đó, không ổn định. Vì thế, tôi nghĩ, nghề của mình không hợp với việc có gia đình. Đơn giản vì tôi không muốn làm khổ những người thân xung quanh…
Tôi dự định sẽ học xong đại học, ra đi làm báo. Mà các bạn biết rồi đây, nghề báo lắm vất vả, gian nan, nhất là với con gái. Nhưng tôi không hề sợ. Tôi quyết tâm theo và tôi tin tôi làm nổi. Tôi biết gia cảnh của mình không mấy khá giả, cũng chẳng quen biết hay “con ông cháu cha” gì nên việc ra trường và có chân ngồi văn phòng là điều không hề dễ. Vì thế tôi biết trước, mình sẽ phải bôn ba nhiều lắm.
Tôi nghĩ sau khi học xong 4 năm, sẽ ra trường đi làm. Cố gắng bươn chải, tìm kiếm, làm hết sức mình để tích lũy một số tiền kha khá để hưởng già. Tôi sẽ chẳng lập gia đình, và dĩ nhiên sẽ không sinh con. Vì nếu có gia đình thì sao có thể bôn ba được nữa. Gia đình, con cái, bao nghĩa vụ sẽ trói buộc chân mình, nếu thế sớm muộn mình sẽ bỏ nghề mất thôi. Quan điểm của tôi là sẽ không lập gia đình. Nếu có lập gia đình thì sẽ không sinh con. Nhất định là như thế! Tôi sẽ đi làm kiếm tiền để đến khi trung niên sẽ tìm xin một đứa bé về nuôi. Và sau này, khi tôi không còn nữa, gia tài của tôi (nếu có) sẽ thuộc về nó.
Tôi vốn thích cuộc sống tự do, tự tại, không ràng buộc. Tôi thích ở một mình, ăn một mình ngủ một mình. Đôi khi, cảm thấy như thế là cô đơn, buồn tẻ, nhưng bù lại cũng có cái sướng của nó. Ung dung, tự tại, thích làm gì thì làm, thích sống như thế nào thì sống. Sẽ chẳng bị ai than phiền, nhăn nhó, cũng chẳng phải bận tâm, lo lắng cho ai. Nói thì nói thế, nhưng tôi cũng thích có người yêu. Có người yêu cũng vui chứ, cũng hạnh phúc lắm chứ! Ấy là những lúc đau ốm có người bên cạnh chăm sóc, lo lắng cho. Ấy là những lúc buồn bực, bức xúc có chỗ để xả giận… Nhưng mà cũng lắm lúc phiền toái oái ăm lắm lận…! Những lần cãi nhau, những ngày chả buồn nói với nhau câu nào dù chẳng có lí do gì đáng kể,… Những lúc ấy, cảm giác sao mà khó chịu ghê gớm, muốn bỏ quách đi cho xong!
Tôi thích cuộc sống một mình, làm bạn với hoa cỏ, chim muông. Tôi thích có một căn nhà nho nhỏ (nhà trọ cũng được) thoáng mát. Buổi sáng ngủ dậy, mở tung cửa sổ đón những tia nắng đầu tiên. Buổi chiều có thể nằm dài trên giường nghe vi vu gió hát. Buổi tối thoải mái thả cửa sổ nghe từng lọn gió thổi nhẹ vào căn phòng, mơn man lên khuôn mặt; nhìn ngắm ánh trăng non đầu tháng đang thổn thức… Tôi sẽ nuôi cá cảnh. Sẽ sắm một cái bể cá thật to, nhưng sẽ nuôi chỉ một đôi cá. Mỗi ngày sẽ cho nó ăn, lúc buồn có thể nhìn ngắm đôi cá vui đùa, đuổi bắt nhau, thích lắm! Tôi sẽ nuôi thêm một nàng cún xinh xắn. Mỗi ngày sẽ ôm nó vào lòng, vuốt ve nó, vỗ về nó cứ như nuôi một đứa trẻ vậy. Và mỗi khi đi làm về, cún ta sẽ chạy vù ra tận ngõ ngoe nguẩy cái đuôi mềm mại, duỗi mõm vào đôi chân như đòi bế… Ôi, một cuộc sống tựa mơ như thế thú vị làm sao. Tôi sẽ chẳng buồn phiền, lo âu gì cả. Mà nếu có buồn phiền, tôi sẽ dắt cún đi dạo chơi, chở cún đi ăn vặt, cứ như thế phiền muộn sẽ tự động bay đi…
Đến tận bây giờ, năm 3 đại học rồi nhưng tôi vẫn giữ ý định đó. Tôi có người yêu. Tôi đem ý định đó nói với anh ấy, anh bảo tôi khùng. Tôi nói, chúng ta có thể yêu nhau, có thể sống cùng nhau, nhưng đừng cưới nhé! Anh không đồng ý! Thì kệ anh, nếu không đồng ý thì anh cưới một mình anh đi, em không cưới. Mà nếu có cưới, em sẽ không sinh con đâu. Em không thích bị ràng buộc, càng không muốn làm khổ những người xung quanh. Hy vọng là anh sẽ hiểu…
Tôi sẽ cố gắng thực hiện giấc mơ ấy của mình, thực hiện cuộc sống mà mình hằng mong ước!
ĐN vào thu, 13.8.15

HOÀNG HẠ LAM PHƯƠNG




Xem tiếp…

NÀO PHẢI LỖI MÙA THU - chùm thơ Hoài Huyền Thanh

9:55 PM |
ANH & EM

Anh
Em nhìn Anh nói
Lặng lẽ nghe Anh độc thoại
Đây
 không phải lần đầu
Dặn lòng không bối rối
Cớ sao
Như  mây lưng chừng đỉnh núi
Em bâng quơ tự hỏi
Nếu… như là… không nếu
Liệu lá có buồn khi nắng rưng rưng
Em
Anh nhìn Em lặng lẽ
Vốn như đời Em vẫn thế
Dòng sông mải miết
Chở nỗi buồn
 hỏi chuyện người dưng
Trả áo hoàng hoa
 ngày xưa ai lỗi hẹn
cho heo may về
quay quắt nhớ thu xa.


MỘT GÓC TRỜI RIÊNG

Qua nói Qua qua mà Qua không tới
Nên con nước buồn lay lắt chao nghiêng
Bậu không muốn nhớ cũng thành nỗi nhớ
Trằn trọc ba mươi năm… một góc trời riêng

Bậu nói thương sao con sào kinh ngã bảy
Nước nông sâu nào ai biết bao giờ
Qua nhắn nhủ sao Bậu lo đến vậy
Thương đỏ lòng ai đâu lại làm ngơ!

Con Kinh Tẻ chẻ tình ta hai lối
Vàm Xáng Vịnh Tre buốt giá nhớ Vàm Nao
Chợ Mỹ Luông muỗng ly đâu có thiếu
Tách cà phê buồn thiếu muỗng dạ nao nao

Bao nhiêu năm bến bờ xa khuất ấy !
Có lần nào Qua nhớ miệt đồng bưng
Cỏ lác đăm chiêu ngóng anh cò trắng  
Bậu chờ ai mà “thương vô cớ nhớ vô cùng”

NÀO PHẢI LỖI MÙA THU

Thu biết gì đâu !
Mà rải lá vàng thương nhớ
Cho heo may về hiu hắt những vần thơ
Thu biết gì đâu !
Mà nũng nịu giận hờn ai vô cớ
Cho một thời đắm đuối mộng và mơ
Thu biết gì đâu!
Mà bước chân ngại ngần len góc phố
Cho bóng đổ nghiêng chiều
Hoài vọng nhớ vu vơ
Thu biết gì đâu !
Mà nhặt nhạnh nỗi buồn  đem giấu bớt
Sợ khói lam chiều đong đếm nỗi bơ vơ !
Thu biết gì đâu !
Mà con nắng
thèm nồng nàn thêm chút nữa!
ướp cho thơm hanh cho vàng lẫn trời đất và hoa.

HOÀI HUYỀN THANH

Xem tiếp…

ĐẶNG CÔNG XÊ ĐONG ĐẦY BÓNG QUÊ - Phan Nam

9:47 PM |

Sinh ra và lớn lên tại miền quê Hòa Phong, Hòa Vang đã đong đầy hồn thơ đầy chân chất, tình nghĩa của người con Đà thành. Tập thơ “bóng quê” của tác giả Đặng Công Xê là một quà tặng ý nghĩa mà người con xa quê dành tặng nơi chôn nhau cắt rốn, dành tặng bằng hữu. Một cuốn sách mỏng với 39 bài thơ trong 70 trang in đã ghi trọn tình nghĩa của người lữ khách dành cho quê hương xứ sở. Khi đọc những thi phẩm được viết trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến nay, điều dễ dàng nhận ra là một hồn thơ man mác nỗi buồn, đong đầy xúc cảm và cái tình thật khó mờ phai. Tôi rất ấn tượng với lời đề từ của Hoàng Diệp Lạc khi mở tập thơ: “Ở đời điều quý nhất là nghĩa tình, với thơ thì cảm xúc thật chính là yếu tố nội hàm để những xác chữ được thổi hồn tạo nên bài thơ”. Quả đúng như vậy, với một tâm hồn sâu sắc, cảm nhận thời gian một cách chậm rãi, thơ Đặng Công Xê rót vào lòng người một cách tự nhiên:

Tôi lang thang dưới mưa phùn xứ Huế
Để đi tìm xác phượng chiều đông
Cành phượng vĩ xác xơ trong gió
Hoa tàn rơi, phủ cát bụi phong trần
                    (Hồn phượng vỹ)

Mặc dầu sinh ra tại Đà thành nhưng Xê Đặng công lại chọn xứ Huế để sinh sống và lập nghiệp. Vùng đất mộng mơ với vẻ đẹp mộng mơ trầm mặc đã nuôi dưỡng hồn thơ người thi sĩ một cách rất tự nhiên, tách ra khỏi nhưng hư danh phù phiếm, lặng lẽ “đi tìm xác phượng” trong một buổi chiều đông, ưu tư nhìn “cát bụi phong trần”. Trong tập “bóng quê”, những bài thơ được sáng tác ở xứ Huế chiếm phần lớn. Có thể kể đến những thi phẩm: Hồn phượng vỹ (1994), chiều ni về Huế (2004), nguyên tiêu núi Ngự (2009), buồn vương lối cũ (2011)... Điều đặc biệt trong tập thơ là tất cả 39 bài thơ đều được ghi thời gian, địa điểm ra đời. Có thể thấy rằng thơ Đặng Công Xê là chuỗi hành trình đi tìm xúc cảm, tác giả dùng thơ để bày tỏ lòng mình trong mỗi miền đất đi qua, thơ như là cuốn nhật ký tạc ghi khoảnh khắc của tâm hồn. 

Khi qua bến phà sông Gianh, người lữ khách đã phải thốt lên: “Than thở rồi đi rồi lại ngồi/ Khách buồn đưa mắt mãi xa khơi” (Đò đêm). Trong một đêm trăng vàng u tịch, con đò chòng chành nghe trăng vỗ sóng, lòng người xốn xang đưa tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật mà lòng không khỏi u buồn. Khi đặt chân đến một vùng đất xa lạ, đập vào mắt người lữ khách là hình ảnh rất giản dị nhưng cũng tràn đầy tình người: “Hình như thiếu vắng người quen/ Chợt nhìn di ảnh nhớ thương cụ bà” (Quán trà đá ở Hà Nội). Cái tình đã khắc sâu vào hồn thơ Xê Đặng Công với một bức tranh thơ mộc mạc, dung dị và đầy uyển chuyển. Đôi khi chỉ là thoáng qua nhưng lại đọng lại rất nhiều dư vị khó phai, đầy suy ngẫm: “Chiều ni ra bờ sông/ Chao ôi! Chừ lạnh ngắt/ Đôi tình nhân thoăn thoắt/ Đi qua bờ nhân gian” (Chiều ni về Huế). Dĩ nhiên tình cảm dành cho quê hương đã tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ tập thơ. Bài thơ Bến Hàn Giang khắc khoải trong tâm thức người con xa quê:

Chiều hè bên bến Hàn Giang
Có đôi chim trắng rẽ sang Sơn Trà
Bến Hàn Giang bóng của ta
In trên sóng nước chiều tà chim ơi
                 (Bến Hàng Giang)

Chỉ có những điểm nhìn đầy tinh tế mới có thể sáng tạo ra một tứ thơ trọn vẹn ý nghĩa như vậy. Và “bóng quê” trong lòng người con xa xứ với ký ức “trong vắt”:

Ẩn dưới hàng tre xanh
Sông Túy Loan trong vắt
Cánh đồng Trung bát ngát
Bọc xóm làng quê hương
               (Bóng quê)

 Nhà thơ Hoàng Diệp Lạc nhận xét: “Bóng quê của tác giả Đặng Công Xê, không còn là một quê quán cụ thể nào nữa, mà chính là xứ sở anh đã đi qua, ngang qua và hoài niệm”. Thực vậy, khi đặt bút viết nên vần thơ hình ảnh quê nhà và những địa danh người lữ khách đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn thi sĩ và người đọc chắc hẳn sẽ đồng cảm với anh. Với bút pháp lấy cảnh ngụ tình, quan sát tỷ mỷ trước những chuyển động của cuộc sống, của từng mùa trôi qua trong đời người đã tạo nên những vần thơ tròn trịa, khắc khoải và đầy tính nghệ thuật . Khép lại tập thơ, lòng tôi thổn thức với từng con chữ, trong những vần thơ mà tác giả viết. Và tôi tin độc giả cũng sẽ có cảm nhận giống như tôi khi đọc tập thơ này.

PHAN NAM


Xem tiếp…

Dừng lại và tách mình - Vĩnh Thông

10:07 AM |
     1.     Biết sáng tạo, biết dừng lại

Viết văn thơ là sáng tạo nghệ thuật. Đọc câu này, bạn sẽ nghĩ tôi đang nói huề vốn, bởi ai cũng biết điều đó, nó tất nhiên là phải thế, vậy thì phát biểu câu đó làm gì? Thiệt ra tôi nói câu nầy bởi vì, mặc dù ai cũng hiểu điều đó, nhưng không phải ai khi đặt bút viết cũng đều đang sáng tạo nghệ thuật. Có những thứ, viết chỉ là viết, nhưng không phải là sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo, tất nhiên bạn không giẫm lên lối mòn cũ kỹ mà người đi trước đã giẫm nát bèn bẹt, và đồng thời cũng không lặp lại chính mình. Bạn phải mới, nếu không mới thì không sáng tạo, mà là “tối tạo”. Làm mới, ban đầu cũng đừng quá quan trọng thành quả, nói thẳng ra là nếu có dở cũng chớ vội buồn. Vì khi bạn chịu làm mới, thì ít ra bạn cũng đã sáng tạo, đã đáng khích lệ rồi. 

Nhưng, quá chăm chăm vào việc làm mới trang viết của mình, bạn lại dễ sa vào việc chú trọng kỹ thuật, bóng bẩy, lạ lẫm, này nọ… Điều đó khiến bạn dễ sa vào công việc lắp ghép chữ, thiếu hẳn cảm xúc. Bạn dùng từ, đặt câu rất mới, nhưng người ta chỉ đọc một lần rồi buông xuống, thậm chí không đọc hết cả tác phẩm nổi, vì bạn không gây được cảm hứng nơi người đọc, họ chỉ thấy cái thứ đang đọc là một mớ chữ nghĩa được nhào nặn khô khan. Mới cỡ nào, độc cỡ nào, mà không nối nhịp được với tâm hồn người đọc, thì viết cho ai? Vậy nên, nói dễ mà không phải dễ. Tất nhiên, tôi cũng không hoàn toàn làm được. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có quyền nói. Nói là để chia sẻ cùng nhau, nói là cách tự nhắc nhở mình.

Nếu không làm được, cứ nghỉ. Chẳng ai đuổi việc bạn, bạn có quyền nghỉ giờ nào mình thích, và sau đó “nhảy vô” bất cứ lúc nào mình muốn. Không phải nghỉ dăm ba bữa, có khi phải hàng tháng, hàng năm, thậm chí chục năm, không sao cả. Đối với một thứ mình chưa làm được, thay vì cứ cắm đầu vào đó để tạo những sản phẩm không vừa ý, thì nên dành thời gian đó để làm những thứ khác, biết đâu sẽ gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Nhà hết gạo, mẹ đang đi chợ mua gạo, thay vì bỏ phí thời gian ngồi đợi gạo cũng chẳng được gì, hãy dùng thời gian đó để luộc rau, vậy đó! Làm được thì bắt tay vào làm, không được thì học và có quyền thử nghiệm. Nhưng nên nhớ, đừng xem “sản phẩm thử” là “sản phẩm thiệt”. Không có gì phải gấp!

2.     Riêng tôi: cho một sự tách mình

Đã lâu, tôi muốn và cố gắng thực hiện: tách mình khỏi đời sống văn chương. Điều đó không có nghĩa là dừng viết. Vẫn viết, nhưng một mình viết, lặng thầm như công việc của riêng mình. Không tham gia vào những thị phi. Từ những ngày mới viết, tôi đã không thích chen lấn vào không gian xô bồ của đời sống văn học. Không hội hè, không giao lưu, không họp mặt. Kể cả xã giao, làm quen, tất tần tật cũng không. Đôi khi có thiệp mời, chẳng đặng đừng, phải có mặt chốc lát. Càng lớn, càng lâu năm với nghề, ý muốn tách mình càng mãnh liệt. Đến nỗi, nói, tôi cũng không.

Như vụ cô giáo Lam, vụ thơ nửa tỷ… mặc họ, nói làm gì. Bạn Facebook trong giới sáng tác đông, nhưng tôi lại rất chán đọc những bàn luận như những vụ đó. Bởi trong số đó, có những status sâu sắc, nhưng xin lỗi, cũng đầy những status sặc mùi thể hiện. Thậm chí, chửi cả những cây bút gấp đôi tuổi đời của mình. Nếu họ sai, có trăm ngàn cách để nói, tại sao ta phải dùng phong cách của hàng tôm cá? Tôi chỉ là một người làm việc sáng tác, cắm đầu vào trang viết. Làm được cái gì, hưởng thành quả cái đó, vậy thôi. Quan tâm chăng là vài giải thưởng lớn trong năm, tìm sách đọc. Còn bao nhiễu nhương ngoài kia, xin được đứng ngoài cuộc. Xin làm người vô sự - nghe, thấy, biết, và im lặng mỉm cười cho qua.

VĨNH THÔNG


Xem tiếp…