Những giọt mưa từ lòng đất cằn khô - Nguyễn Khánh Tuyết Vy

9:04 AM |
Tác giả Nguyễn Khánh Tuyết Vy.
Dòng văn học hiện thực đã ra đời trên thế giới với vô số những tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt là dòng văn học này đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam vào những năm 1932 – 1945, khoảng thời gian mà văn học Việt Nam đã trải qua nhiều biến động sâu sắc được khơi nguồn lên từ những thay đổi về chính trị, từ sự du nhập những “luồng gió mới” của văn hóa phương Tây. Và ở thế kỉ XXI ngày nay, dòng văn học này đã có phần lắng dịu hơn trước. Tuy nhiên; thời đại và xã hội nào cũng có những bất công, những tệ nạn, những khổ đau ẩn tàng dưới vỏ bọc của sự giả tạo, của sự thực dụng bất di bất dịch. Từ xưa đến nay, các nhà văn chân chính đã lý luận, định nghĩa rất nhiều về nghệ thuật. Những lý luận đanh thép và chứa chan tâm huyết, lý tưởng của họ. Thế nhưng, có bao giờ trên đôi cánh chữ nghĩa ấy, họ đã bay đến hết những địa hạt trên thế giới? Có bao giờ họ đã lần đến tất cả những hố sâu cuộc đời? Tôi tin rằng chưa. Có những địa hạt, có những hố sâu đen tối vẫn còn hoang vu chưa có người nghệ sĩ nào phát hiện và khai phá, hay có lẽ bởi sự đen tối cùng cực của những hố sâu ấy mà chưa ai đủ can đảm để khai phá? Tháng 5 năm 2016, một cuốn tiểu thuyết đã lọt lòng giữa xã hội vốn còn tồn tại nhiều bất an và vô số hoài nghi chưa được giải tỏa… Cuốn tiểu thuyết được văn đàn thế giới chào đón và ủng hộ, bởi nó không chỉ mang màu sắc mới mẻ của ngành tâm lý học, mà nó còn là đứa con của sự dấn thân, của khát vọng sống tốt đẹp và hạnh phúc chân chính. Đó là tác phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) của nhà văn người Nhật – Nakamura Fuminori, đã được Aki dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm đã được nhà xuất bản Văn Học phối hợp với nhà xuất bản VanVietBooks đồng xuất bản.
Nhà văn Nakamura Fuminori.
Nakamura Fuminori sinh năm 1977, anh là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Nhật Bản hiện nay. Anh đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý, giải thưởng Akutagawa với tác phẩm Đứa bé trong lòng đất (2005), giải thưởng David Goodis của văn học Hoa Kỳ với tác phẩm Đen tối (2014)… Tác phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) là một trong những cống hiến lớn lao của Fuminori cho văn đàn thế giới. Đọc những chương đầu tiên của truyện Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối); người đọc có cảm giác bí ẩn, khó hiểu, rối rắm với diễn biến câu chuyện theo kiểu vòng xoắn từ ngoài vào trong của hình trôn ốc. Tác giả kể sự việc không theo trình tự thời gian, anh kể chuyện dưới dạng hồi kí. Quá khứ, hiện tại và câu chuyện của hai nhân vật Kozuka Ryodai và Mamiya đều được Fuminori kể song song nhau, đan cài vào nhau một cách nhuần nhuyễn, khéo léo đến nỗi người đọc khó lòng nhận ra.  Mở đầu tác phẩm là tinh thần nhân đạo của Fuminori xoáy sâu vào đời sống của tầng lớp bần cùng, nghèo khổ trong xã hội đương đại Nhật bản. Một sự tiến bộ đáng chú ý ở tác phẩm này, đó là Fuminori đã đi sâu vào tâm lý học. Tâm lý học cộng với sự phát triển bất bình thường của những mối quan hệ con người đang tồn tại trong xã hội, là một trong những nguyên nhân cốt lõi của sự phát sinh những tên tội phạm giết người hàng loạt. Nhân vật đầu tiên xuất hiện khá độc đáo, đó chỉ là cậu học sinh tên là Kozuka vừa trở về nhà từ đám tang ở nhà bạn cậu, cậu bé sống với mẹ và gia đình của người cha dượng. Tại gia đình ấy, ngày qua ngày, cậu phải chứng kiến sự đánh đập tàn nhẫn của cha dượng đối với mẹ, cậu phải sống trong sự ghẻ lạnh của những người lớn dành cho cậu. Giọng văn hơi khô cứng của Fuminori thể hiện những tâm tình đầy cô đơn, đầy đau khổ, đầy tuyệt vọng và bất an tinh thần luôn không ngừng rỉa rứt một đứa trẻ từng phút từng giờ. Kozuka phải sống trong sự thiếu thốn tình thương mà đáng lẽ cậu bé cần có. Đêm hôm đó, tôi ra khỏi căn phòng vốn được sắp xếp cho mình, bởi lần đầu tiên sau ngần ấy năm, tôi bỗng có mong muốn được nằm ngủ trong vòng tay của mẹ.. Fuminori kể câu chuyện bằng một giọng văn có vẻ rất dửng dưng, nhưng ẩn trong cái vẻ dửng dưng ấy, là chứa đựng cả một tâm hồn dễ xúc động và nhạy cảm. Đó là nỗi lòng của cậu bé Kozuka khi bà nội trách oan việc cậu đánh em gái, dù bà biết cậu không hề làm. Trước những bất công từ gia đình, cậu vẫn phải im lặng và không có quyền bày tỏ hay lên tiếng oán trách ai: Nếu không có cái thứ dị vật là tôi đây, gia đình này sẽ hoàn hảo biết mấy. Sự tồn tại của tôi chắc hẳn khiến bà ấy cảm thấy ngứa mắt lắm. Những uất hận sâu kín như những nhát dao cứa sâu vào cậu bé Kozuka Ryodai những thương tổn, khiến tâm hồn cậu học sinh tiểu học ấy trở nên như một thứ dị tật quái đản: Cái cảm giác rạo rực cứ thế nhen dần lên theo mỗi bước chân đi và rồi được bao trùm bởi hương nước hoa dịu dàng khi tôi tiến lại gần người phụ nữ. Sự ham muốn về tình dục nhen lên một cách mãnh liệt trong đầu óc non nớt của cậu bé: Giá mà tôi có thể vươn tay ra chạm vào đôi chân ấy. Nó đang ở ngay trước mắt tôi, một tạo vật rõ ràng hiện hữu trên đời này nhưng khi đó, nó lại vượt quá nhận thức của tôi. Qua những dòng văn mô tả cuộc sống hai mẹ con Kozuka sau khi họ bị đuổi khỏi gia đình vì lý do Kozuka bị nghi ngờ có ý định giết em gái, tác giả đã làm bật lên trong truyện những tiếng gào thét tức tưởi đến nghẹn ngào: Tôi đập tấm ván tủ bếp hết lần này đến lần khác, cho tới khi cơn đau ở đôi tay truyền đến, máu chảy ra và những mảnh chén bát tán loạn bay trúng mẹ. Mẹ đang ôm mặt, cúi người trên mặt sàn.. Lời gào thét đau đớn ấy chẳng thấu đến ai, mà chỉ thoát lên trong khoảnh khắc kì lạ giữa hai mẹ con họ, để rồi tắt lịm trong đau đớn: Tôi vẫn cảm thấy người mẹ trước mặt thật đáng thương và định vội vàng tiến lại gần. Thế nhưng vốn đang bị vây hãm bởi tầng tầng lớp lớp cảm xúc, mắt tôi cứ hoa lên và rồi tôi gục xuống sàn ngay tại đó.. Mặc dù mang thân phận bất hạnh và những khuyết tật về tâm lý, nhưng bản chất cậu bé Kozuka vẫn là bản chất thánh thiện, trong sáng: Hễ lưu lại nơi đây, giữa những cây to này, tôi lại thấy mình như được hòa làm một với chúng, không còn cảm giác cô đơn chút nào. Chẳng rõ tôi đang nhân cách hóa cây cối hay đang tự vật hóa bản thân mình? Cậu bé đã được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ Trẻ em để điều trị vì tâm lý bất ổn. Tại đó, cậu được gia đình một người bác sĩ nhận làm con nuôi, lớn lên, cậu trở thành bác sĩ khoa Tâm thần và là người tiếp quản phòng mạch của ông. Tác phẩm không có xúc cảm ngọt ngào, ủy mị nào. Bao trùm tác phẩm là một màu xám đen âm u, lạnh lẽo, những tàn cây rung lắc vì gió mạnh ngoài đường phố. Nhờ trí tưởng tượng không giới hạn của nhà văn Fuminori, những hình ảnh trong tác phẩm đã trở nên đẹp một cách ám ảnh và đi vào không gian siêu thực: Mối nối của những sợi dây kia bỗng nhiên rơi tuột rồi bung ra và chẳng biết vì sao đống dây nhợ ấy lại đột ngột hóa thành những hoa văn hình học – những họa tiết sọc dài đan kết bởi những chiếc bóng xen vào nhau trên sàn nhà nơi tổ chức tang lễ. Dưới lần vải đen tối; dường như mọi sự vật chỉ còn nổi bật lên hình hài, ở đó ẩn chứa một câu chuyện, ẩn chứa bí mật của mọi nỗi thống khổ và những bi kịch cuộc đời. Đến giữa thiên tiểu thuyết, tình yêu, hay là khát vọng hạnh phúc đột nhiên bừng dậy như những giọt nước ngọt ngào và mát mẻ của một cơn mưa đầu mùa không phải rơi xuống từ bầu trời trong sáng, đó là một cơn mưa được phun lên từ lòng đất cằn khô. Fuminori không viết nên một câu chuyện khô khan và đen tối đến thế, trong sâu thẳm nhà văn, vẫn là một trái tim còn đa mang những giấc mơ đẹp đẽ: Em nghe thấy không, trên thế gian này thật sự có một nơi rất tuyệt vời – nơi mang lại cho ta niềm vui đến mức cả cõi lòng như thể được thổi bùng sức sống. Những thứ nhạt nhẽo tuy không thiếu nhưng nếu nhìn kĩ hơn một chút, em sẽ phát hiện ra rằng bên trong những gì nhạt nhẽo đó là những điều thật sự tốt đẹp của cuộc đời. Đó chính là mối tình giữa vị bác sĩ tâm lý Kozuka và cô gái bệnh nhân Yukari, người con gái từng bị xã hội ruồng bỏ và trở thành gái mại dâm. Họ gặp nhau, trong chính vũng lầy hôi hám và đen đủi của đời họ. Họ yêu nhau, giữa sự quên lãng cơn đau từ vô số những vết thương chằng chịt phủ vây tuổi thơ và cuộc đời họ. Tình yêu mọc lên và nẩy nở một cách vô thức ngay bên cạnh những kí ức đau khổ, những hóa chất điều trị, những dòng điện truyền lên não, những tiếng gào thảm thiết của Yukari đang vẫy vùng chống chọi lại kí ức đau thương của cô… Tình yêu giữa một bác sĩ tâm lý và một bệnh nhân không còn là mới mẻ. Tình cảm đó đã xảy ra thường đến nỗi, người ta đặt nghi vấn rằng liệu đó có phải là tình yêu thật sự hay chỉ là một vấn đề tâm lý thông thường? Kozuka đã rất khó xử khi chàng cho rằng: Chán thật, rõ ràng ngay từ đầu, đây chỉ đơn thuần là hiện tượng “cảm nắng” giữa bệnh nhân và bác sĩ, chứ thực tế cô ấy có yêu tôi đâu. Ngay lập tức, Kozuka cũng tự mình bác bỏ lý thuyết cứng nhắc ấy: Tôi chẳng thể thuyết phục bản thân tin tưởng vào tình yêu. Thế nhưng, nếu đây không phải là tình yêu thì tình yêu thật sự là gì? Tác phẩm không đi vào giải quyết vòng luẩn quẩn phức tạp của tâm lý, nó chỉ tâm tình với bạn đọc cái lý lẽ tự nhiên và bất diệt của tình yêu. Một tác phẩm lấy chất liệu từ lĩnh vực tâm lý, nhưng vẫn trung thành với lý tưởng và mục tiêu của văn chương. Dù giấc mơ của Fuminori có đẹp đến đâu, giấc mơ vẫn tan vỡ theo sự run rủi tàn nhẫn của số phận, tan vỡ vì tình yêu mãnh liệt và sự hy sinh cao cả của Kozuka. Yukari lãng quên chàng bác sĩ Kozuka sau khi cô được bác sĩ điều trị, cô không còn nhớ mọi kí ức đau buồn của mình nữa, cô trở thành vợ một chủ quán cà phê. Kozuka quyết định hy sinh hạnh phúc của mình cho cuộc sống bình yên của người yêu. Tuy nhiên, khi Yukari nhớ ra mọi kí ức đau thương của mình, cô thắt cổ tự vẫn để giải thoát mọi đau khổ. Điều này chứng tỏ, Fuminori không giật dây điều khiển các nhân vật và sự việc như những tác giả truyện trinh thám. Nhà văn không lảng tránh thực tế, anh đã để cho sự việc diễn ra thật tự nhiên như cuộc đời đầy đủ mọi hỷ, nộ, ái, ố và sự cuồng quay của thế cuộc, nhân sinh. Tấm vải che phủ được nhà ảo thuật giở ra, bí mật lộ diện trước mắt bạn đọc ở cuối truyện. Hóa ra duyên phận và bi kịch của Kozuka và Yukari, đều do bác sĩ Yoshimi phần nào đã ngấm ngầm điều khiển trong trò chơi kì quái của con người mang sẵn bệnh lý tâm thần như ông ấy! Tác phẩm đã bác bỏ thuyết tin vào số trời. Không phải do thiên mệnh, mà mọi việc xảy ra trong cuộc sống con người đều được quyết định bởi tình cảm, nhân cách, lối sống, hành vi của con người và một xã hội lành mạnh hay xấu xa. Điều thiện vẫn mang trọng trách thực thi công lý và tiêu diệt cái ác. Ở đoạn kết, với tình yêu nồng nàn dành cho Yukari và sự trả thù thích đáng cho số phận đau thương của bản thân, Kozuka đã giáng đòn tâm lý nặng nề xuống những kẻ hãm hại cuộc đời Yukari.
Tác phẩm 'ngăn kéo trên cùng' (ảnh: Zing News)
Ngòi bút sâu cay và khéo léo của Fuminori cất lên lời tuyên chiến mạnh mẽ, nhà văn đã thẳng thắn luận tội bọn chúng, anh mong muốn bọn chúng phải chịu sự trừng phạt về tâm lý như vết thương tâm lý chúng đã gây ra cho những người vô tội. Nhân vật Kozuka đã thay anh nói lên lời tuyên chiến ấy trước mặt gã bác sĩ thâm độc Yoshimi: Đó chính là thú vui nhằm giết thời gian của một lão già xấu xa, đúng chứ? Chính vì càng già càng thiếu đi những thú vui cho bản thân, nên dù muốn hay không, bản chất biến thái trong ông cũng cứ theo đó mà ngày một lớn dần.. Không quá châm biếm và đả kích xã hội như Vũ Trọng Phụng, ở Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối), Fuminori lấy tâm lý học để đồng cảm sâu sắc với những người bị xã hội đẩy vào cuộc đời bần cùng và sự bệnh hoạn tâm lý như Kozuka thuở nhỏ. Nhưng ở góc độ nhân đạo, nhà văn vẫn bày tỏ sự căm phẫn và khinh miệt rõ ràng đối với những kẻ thích đùa cợt trên khổ đau của người khác, nhà văn vẫn bày tỏ ước mơ về những hạnh phúc giản dị mà bất cứ người lương thiện nào cũng xứng đáng có được. Thế giới đau thương trong tác phẩm làm tôi bâng khuâng nhớ một câu thơ của Lý Bạch: Muốn say hoài, chẳng muốn tỉnh chi!. Đó gần như là mối dây cảm thông của hai con người ở hai thế hệ cách xa. Có lẽ nỗi khổ đau của con người ở mỗi thời đại là khác nhau, nhưng những tiếng thở than oán trách đời, những tiếng rên la từ kiệt cùng của tâm thức người nghệ sĩ lại thật giống nhau! Cuộc đời thi sĩ Lý Bạch cũng có một cõi mộng: Cõi trời đất trong thơ Lý Bạch lắm lúc ngả nghiêng và cuồng quay trong cơn say của ông, là cõi mộng tan vỡ vào sự phũ phàng của cuộc đời, vào bất tận của vũ trụ. (Lý Bạch và cõi mộng tan vỡ, Nguyễn Khánh Tuyết Vy). Cõi mộng tan vỡ, như một quy luật muôn kiếp, những giọt mưa trong sáng từ lòng đất cằn cỗi của Nakamura Fuminori được phun trào lên một cách say sưa và mạnh mẽ nhất, để rồi cũng vỡ tan vì những phũ phàng cay nghiệt nhất. Sau khi đòn tâm lý được giáng xuống những kẻ đã làm hại cuộc đời Yukari, oán thù đã được trút sạch, một cuộc đời bình yên và tươi sáng cũng mở ra cho Kozuka. Ở đây, Fuminori bày tỏ khát vọng của tất cả mọi người. Một tâm hồn yêu đời, yêu người vẫn là khát vọng lớn nhất của bất cứ ai được sinh ra trên cõi đời: Mình chỉ mơ ước được trải qua một cuộc sống yên bình, dù không có ai kề cận, ở một nơi nào đấy, tản bộ rồi đọc sách. Mơ ước không phải mang trong lòng những nỗi niềm phức tạp đến thế, chỉ muốn trở thành người có một nội tâm đơn giản hơn dù chỉ chút xíu thôi cũng được. Một số bài giới thiệu sách đánh giá tác phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) dưới góc độ là một tiểu thuyết trinh thám. Tôi vẫn không đồng ý việc nhìn nhận tiểu thuyết này ở góc độ trinh thám, vì nó không đi sâu vào điều tra tội phạm. Tác phẩm chỉ đặt ra giả thuyết về những tệ nạn xã hội qua số phận các nhân vật Kozuka, Yukari và những dẫn chứng vụ án giết người có thật tại Nhật Bản. Trước khi đi vào những chi tiết quan trọng của truyện, Fuminori đã dành ra một chương ngắn để kể về cuộc đời và phân tích tâm lý tên sát nhân Miyazaki, điều này khiến mạch truyện hơi loãng và rời rạc. Nhưng dụng ý của nhà văn khi anh viết như vậy, là để tô đậm yếu tố tâm lý. Theo anh, tâm lý con người thật khó hiểu; nhưng tâm lý lại quyết định phần lớn cuộc đời và lối sống của họ, quyết định cả sự an ninh của xã hội loài người. Khi người ta không còn lối thoát để sống lương thiện, thì khả năng là họ sẽ bị biến đổi nhân cách và có những hành động không khác loài thú hoang. Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) có kết cấu rất phức tạp, tác giả vận dụng triệt để nghệ thuật kể: truyện lồng trong truyện. Đã vậy, tác giả còn khéo léo bắt từ câu chuyện của nhân vật này sang câu chuyện của nhân vật khác mà không để lộ dấu hiệu nào cho người đọc nhận biết sự thay đổi ấy. Lối kể chuyện ấy của Fuminori, nói lên rằng bất cứ ai cũng có thể mang thân phận của Kozuka Ryodai, anh đánh lừa chúng ta bằng việc đánh tráo nhân vật thật sự, khiến ta phải vỡ òa trong sự bất ngờ thú vị khi ta nhận ra nhân vật tôi của xuyên suốt câu chuyện không phải chỉ có một người. Thông điệp của câu chuyện đã được truyền tải thật kín đáo mà đầy ấn tượng. Trò đùa con chữ của Fuminori, đã mang đến cho bạn đọc niềm khoái cảm trước sự biến chuyển kì diệu và khó lường trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, và chỉ có tài nghệ của một nhà văn mới làm được như vậy! Văn phong và ngôn từ trong tác phẩm Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) không mềm mại, không dịu dàng. Nhưng ngôn từ trong trác phẩm này có sức mê hoặc và đầy mỹ cảm của một thế giới siêu thực. Dường như Fuminori đã đắm chìm trong thế giới riêng của anh, anh đồng cảm với nỗi đau khổ con người nhưng anh thoát ly khỏi mọi ước lệ tầm thường của không gian, của sự vật trong đời sống. Mọi thứ đều đến gần tâm hồn chúng ta bằng những hình hài và những cách hiện hữu lạ lùng, bí ẩn. Những chiếc bóng vây bủa trong một gian phòng, trong mắt nhà văn lại hóa thành những sợi dây đen dài đan kết nhau tạo nên một bức tranh hoa văn. Chiếc thòng lọng mà nhân vật Mamiya treo cổ, trong tưởng tượng của nhà văn, nó lạ hóa thành một cái vòng sáng lập lòe như một lối thoát duy nhất khỏi một không gian đen ngòm không lối ra. Theo tôi, trong tủ sách văn học chính thống vẫn còn hiếm hoi những sáng tác phơi bày thực trạng đen tối ám ảnh nặng nề thời đại của chúng ta đang sống: những kẻ chuyên bắt cóc phụ nữ và trẻ em để cưỡng hiếp, những tên giết người hàng loạt và buôn bán trái phép nội tạng con người, những sinh viên phải nhận lấy một tương lai u ám khi họ trở thành nạn nhân rơi vào đường dây của tổ chức buôn bán ma túy, những em học sinh bị xâm hại tình dục… Những vấn đề nguy hiểm đó vẫn luôn rình rập và mang đến cho người dân nỗi bất an hằng ngày. Nhưng có lẽ bởi tính chất đen tối và nhạy cảm của những vấn đề đó, các nhà văn không chọn những vấn đề ấy để đưa vào sáng tác của họ. Giữa thời đại mà đạo đức suy đồi và sự lên ngôi của đồng tiền, vật chất,…; người ta lãng quên văn học, bởi do sự thờ ơ, tính thiếu thực tế của nhiều tác phẩm văn học trước những thực trạng xấu đang diễn ra ngày càng nhiều. Ở các thế kỉ trước, nền văn học đã xuất hiện những tác phẩm phơi trần những hiện thực xấu xa ấy như: Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, Chàng Ngây Thơ của Voltaire, cùng những truyện ngắn của Nam Cao và các nhà văn hiện thực khác… Hiện nay, những hiện thực đen tối trong xã hội còn khá nhiều, nhưng quả thật, tác phẩm hiện thực xã hội dường như hơi vắng bóng. Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) thật sự là món quà quý giá Fuminori mang đến cho bạn đọc, cho cuộc đời còn lẩn khuất nhiều khổ đau. Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) của Nakamura Fuminori là mũi khoan xoáy sâu vào tâm thức con người, là cơn mưa trong lành được phun trào từ lòng đất ẩn chứa biết bao cảnh đói nghèo, tội ác, đặc biệt là tội ác tiềm ẩn trong những con bệnh tâm thần,… Fuminori đã “đe dọa” bạn đọc khi anh mở đầu câu chuyện: Nếu mở trang giấy này ra, toàn bộ thế giới của ngươi sẽ sụp đổ.. Theo tôi, trái hẳn “lời đe dọa” ấy, Ngăn kéo trên cùng (Phần tăm tối) xây dựng lên trong mỗi con người chúng ta một giấc mơ, một sức mạnh, một niềm tin trong những khoảng tối tăm, lạnh lẽo, cô đơn và đau khổ cùng cực vì chỉ có con tim là đập mãi không ngừng. Tác phẩm như một bản tuyên ngôn nhân quyền đầy xúc cảm lớn lao.
NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY.

Xem tiếp…

Hội nghị cộng tác viên tạp chí Non Nước 2017 - Đinh Trang

9:49 AM |
Quang cảnh hội nghị
(ảnh Đinh Trang) 
Hội nghị tổ chức vào sáng ngày 24/01/2018 tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Tham dự hội nghị gồm những cộng tác viên từng gắn bó với tạp chí trong nhiều năm, những tác giả được Tặng thưởng của tạp chí Non Nước năm 2017, các cây bút trẻ và phóng viên báo đài tại thành phố Đà Nẵng.  Chủ trì hội nghị là Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước và Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, TBT TC Non Nước.
Đánh giá tình hình hoạt động năm 2017, Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật - Tổng biên tập tạp chí Non Nước nêu rõ, trong năm qua, tạp chí Non Nước đã xuất bản 12 số với hơn 6.000 bản, đã có nhiều cải tiến về nội dung và tiếp tục đổi mới hình thức nhằm nâng cao chất lượng, đặc biệt mở rộng một số trang chuyên đề như Bán đảo Sơn Trà - bảo tồn và phát triển; Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Hội nghị nhà văn trẻ thành phố Đà Nẵng…, song vẫn còn một số tồn tại là chưa có nhiều bài viết mảng nghiên cứu, lý luận phê bình mang tính phản biện xã hội cao; công tác phát hành và quảng bá chưa được đẩy mạnh… Năm 2018, tạp chí Non Nước tiếp tục cải tiến cơ cấu bài vở theo các mục đã định sẵn, xây dựng và nâng cao chất lượng các chuyên mục, tăng cường các bài viết giới thiệu về tác giả, tác phẩm Đà Nẵng, tổ chức nội dung thành các chuyên trang như: Vấn đề hôm nay; Tác giả trẻ, chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên chủ chốt trong và ngoài thành phố; mời các nhà văn, các nhà nghiên cứu tên tuổi ở trung ương và các tỉnh thành bạn tham gia cộng tác thường xuyên cho tạp chí để nâng cao chất lượng tạp chí và phục vụ bạn đọc tốt hơn. 
 Nhà văn Huỳnh Văn Hoa phát biểu.
Nhà thơ Thanh Quế phát biểu.
Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố phát biểu.
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha - Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố phát biểu. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt phát biểu.

Ông Diệp Dân Hùng - Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu.
Nhà văn Huỳnh Viết Tư phát biểu. 
Trên tinh thần cộng tác và xây dựng, các cộng tác viên đã đóng góp nhiều ý kiến chân tình, qua đó góp phần giúp tạp chí phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế để ngày một hay hơn, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp Hội, nâng cao nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của bạn đọc ở Đà Nẵng và các tỉnh bạn. Tại Hội nghị, Tạp chí Non Nước trao Tặng thưởng cho 07 tác giả có tác phẩm đạt chất lượng cao. Các tác phẩm được Tặng thưởng gồm:

1. Văn xuôi
Tác giả TRẦN NGỌC
 Các bài viết chuyên đề: Hồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn; Công viên Vườn tượng 21 nền kinh tế APEC giữa lòng Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước số 238, 239.
Tác giả XUÂN ĐÀI
Truyện ngắn: Khóc..., Tạp chí Non Nước số 233.
Tác giả LÊ THỊ THÚY ÁI
Truyện ngắn: Noah, Tạp chí Non Nước số 240
2.Thơ
Tác giả PHAN NAM
Chùm thơ: Bản phác thảo đêm trắng; Tình ca biển; Tổ quốc; Khu vườn của tôi, Tạp chí Non Nước số 232, 239, 240.
3. Âm nhạc
Tác giả TRẦN ÁI NGHĨA
Ca khúc: Khoảng trời của tôi; Tiếng chuông, Tạp chí Non Nước số 232, 237.
4. Nghiên cứu lý luận phê bình
Tác giả NGUYỄN VĂN HÙNG
Bài nghiên cứu: Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ, Tạp chí Non Nước số 237.
5. Mỹ thuật
Tác giả HỮU ĐỨC
Chùm tranh: Vết thời gian; Nắng bên thềm; Hội An; Gốm; Bếp quê, Tạp chí Non Nước số 230, 237.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm trao bằng khen cho các tác giả được Tặng thưởng năm 2017.
(ảnh: Đinh Trang)
ĐINH TRANG

Xem tiếp…

Vị ngọt quê hương... - tản mạn của Phan Nam.

10:33 AM |
Đường đen sau khi phơi khô thấm đẫm màu nắng
(ảnh Phan Nam)
ĐƯỜNG ĐEN – SẢN VẬT 
XỨ QUẢNG
Vào một ngày đầu thu 2015, tôi có mặt tại nhà ông Trần Đình Hai (thôn 5, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Tại đây chính là cơ sở hiếm hoi còn lưu giữ nghề thủ công chế biến mía thành đường đen, đặc sản của Quảng Nam. Có đến tận nơi làm đường đen bạn mới chứng kiến hết sự tỷ mỷ, cần mẫn của người nông dân làng nghề. Từ công đoạn róc mía, rót đường non trong lò thủ công đến khi từng bát đường được ra lò luôn đòi hỏi tâm huyết với đường đen. Đó là vợ chồng anh Mai Văn Dũng và chị Trương Thị Quỳnh Nga, người làm công trong cơ sở của ông Trần Đình Hai, và cũng là những người cuối cùng quyết tâm giữ gìn đặc sản đã làm nên thương hiệu ẩm thực của vùng đất xứ Quảng xưa.
Chị Nga phơi từng bát đường đen sau khi đưa từ lò rót đường ra (ảnh Phan Nam)
Chị Nga cho biết: “Đường đen ở đây được làm từ mía rặt nên có giá 50 ngàn đồng một cặp. Ngày trước người dân làm đường rất nhiều nhưng vì công việc nặng nhọc, thu nhập lại không đáng kể nên số người ta bỏ lần, còn giới trẻ bỏ đi thành phố với các công việc khác thu nhập cao hơn. Còn tôi quyết tâm giữ trọn niềm vui với công việc này để lưu giữ hương vị quê hương cho con cháu mai sau”. Cũng theo lời chị Nga, nghề làm đường đen này có từ trước giải phóng, thời đó nổi tiếng khắp xa gần nhưng bây giờ có nguy cơ mai một dần. Thật khó có thể tưởng tượng đặc sản ăn sâu vào tâm thức người Quảng xưa lại không có người kế thừa. Công việc làm đường này khá vất vả thường là phải hứng chịu nắng nóng từ công đoạn chặt, thu gom mía, phơi đường non, chỉ cần một cơn mưa trút xuống là công sức coi như tiêu tan. Nhìn vợ chồng chị Nga, anh Dũng chăm chút cho từng bát đường, trong tôi trào lên cảm giác trân trọng bàn tay của những người giữ hồn quê đất Quảng.
Anh Dũng chăm chút từng bát đường đen (ảnh Phan Nam)
Đường đen là món ăn đặc biệt và khoái khẩu gắn liền với tuổi thơ tôi, giờ nhìn lại bàn tay tài hoa của những người thợ làm đường đen mà tôi không thể cầm lòng được. Những con người cuối cùng gắn bó với nghề đang cố gắng bảo tồn và phát huy đặc sản độc đáo đã trở thành thương hiệu cho một vùng đất với kho ẩm thực phong phú, nền văn hoá đa dạng, lâu đời.
Khi đến vùng đất xứ Quảng “chưa mưa đà thấm” chắc chắn du khách bốn phương nức lòng với bao bánh trái đậm đà tình quê như: bánh ít lá gai, bánh tổ, đậu hũ, chè thập cẩm… Khi có dịp đến với Quảng Nam bạn hãy ghé lại gian hàng của những người bà đã đến tuổi thất thập nhưng hằng ngày vẫn thầm lặng mưu sinh tại góc nhỏ trong lòng chợ quê. Mấy nải chuối chín, vài bọc cau khô, bịch tiêu nhỏ đã được xay xát được đặt bên cạnh củ hành nén tỏi chính là những mặt hàng mà bà trưng bày trên chiếc bàn nhỏ. Bát đường đen được gói ghém rất cẩn thận được đặt chính giữa đã tạo nên linh hồn của những gian hàng chợ quê. Rất nhiều người tìm đến mua đường để thẩm thấu vị ngọt đất quê hương và cũng để tìm chốn tĩnh lặng hàn huyên với biết bao câu chuyện của đời người.
                                                                                              Phan Văn Nam.

Ảnh Phan Nam.
Vị ngọt quê hương...
 Những người Quảng xa quê chắc hẳn không ai có thể quên được hương vị quê nhà đã gắn sâu vào nỗi nhớ. Có thể nói đất Quảng Nam rất phong phú về ẩm thực với các loại bánh trái làm nức lòng du khách bốn phương có thể kể đến bánh tráng, bánh ít lá gai, bánh tổ, bánh ghẹ... Riêng tôi, bát đường đen là món quà quê vô giá làm ấm lòng người con xa xứ. Thực sự hiếm có nơi nào trên đất nước ta có đặc sản độc nhất vô nhị như bát đường đen. Đây là một loại đường được chế biến từ mía có màu đen hoặc vàng nâu có hình thù giống cái bát người dân quê tôi thường gọi là tán đường. Bánh đường đen có hình tròn, mặt trên bằng phẳng, mặt dưới hình vòng cung, màu đen sậm. Các bánh đường đen thường được gói trong rơm rạ, hai bánh úp mặt vào nhau và đựng trong những giỏ lớn để dễ dàng vận chuyển. Bánh đường rất cứng nên phải dùng dao phay chặt ra từng miếng nhỏ. Từng mảnh từng mảnh đường tưởng chừng rời rạc nhưng lại in sâu trong tiềm thức của tôi.

Chợ quê xứ Quảng được đặc trưng bởi những gian hàng nhỏ của những người bán hàng thường đã đến tuổi thất thập. Đây là vẻ đẹp tự bao đời nay của chợ truyền thống với các mặt hàng dân dã như trầu cau, hành tỏi, một vài loại bánh trái vườn và đặt ngay chính giữa gian hàng là những bát đường được chăm chút rất cẩn thận. Khi nhớ về quê hình ảnh bát đường như in sâu trong kí ức, mỗi lần như thế tôi thường điện về nhà như để thỏa nỗi lòng: “Mẹ ơi, mẹ gửi ra cho con cặp đường, con thèm quá!”. Tôi rất thích ăn “sống”, cầm từng mảnh nhỏ của đường đen mút từ từ để cảm nhận vị ngọt ngào của quê hương thấm sâu trong từng thớ thịt, một hương vị đậm đà thật khó quên trong đời. Đặc biệt bát đường đen dùng để nấu chè thì tuyệt ngon.  Tôi chợt nhớ đến câu ca ngày xưa mẹ ru hời đã ăn sâu vào tiềm thức tự lúc nào: “Thương em từ lúc nằm nôi/ Em nằm em khóc anh chia đôi cục đường/ Bây giờ em có người thương/ Em đem trả lại cục đường cho anh”. Thuở nhỏ tôi thường xuyên được ăn món chè mẹ nấu. Mỗi độ tết đến xuân về, mẹ thường mua một cặp đường để nấu chè đặt lên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ về cha ông, nguồn cội. Nguyên liệu để nấu chè cũng rất đơn giản: một tán đường đen, lon đậu, lon nếp, một ít bột năng và có thể thêm vào bắp non đã được chà xát. Sau đó vài giờ sẽ có một nồi chè thơm lừng hương nếp hòa quyện với bắp non và đậu. Tôi thích nhất là khi ăn chè lúc còn nóng hổi khi đó sẽ cảm nhận được hết vị ngọt ngào của đường, vị “ngọt” của quê hương đất tổ.

 Dẫu có đi xa đến phương trời nào đi chăng nữa thì ảnh bát đường đen là món quà tuyệt vời từ xứ sở, từ những con người chân đất đầy chất phác, lam lũ. Đất Quảng đặc biệt là vậy, từ những món quà giản dị nhưng lại vô cùng ấm áp, thấm đẫm tình người. Bát đường đen xứ Quảng đã đi sâu vào trong đời sống và tâm thức của người dân nơi đây. Nó đã từng là một “món ăn” và là một “gia vị” không thể thiếu trong kho tàng ẩm thực người Quảng xưa. Ngày nay, các loại đường khác như đường cát, đường phèn, đường phổi đã thay thế bánh đường đen nhưng trong tâm thức của tôi vị ngọt của bát đường đen đã thấm sâu vào máu thịt của vị “ngọt” quê hương.
PHAN NAM


Xem tiếp…

Tiếng lòng của người trẻ - bài viết của Phan Nam.

10:56 AM |
Nhóm người trẻ đam mê văn thơ của chúng tôi đến với nhau, rồi trở nên thân thiết chỉ bởi những tiếng thơ, tiếng lòng trong quãng đời sinh viên đầy mộng đầy mơ. Có những nỗi buồn trong cuộc sống, có những khoảnh khắc không thể nói ra thành lời chúng tôi đã dùng văn thơ để nói thay tiếng lòng của mình. Khi có thời gian tụ hội chúng tôi chia sẻ với nhau những bài thơ viết vội, những câu văn chắp nối. Ngôi trường nơi tôi đang học tập có một không gian tuyệt vời, không gian sư phạm đầy cây xanh, bóng mát, hoa thơm. Chỉ có mấy bạn yêu văn chương, hiếm hoi lắm. Chúng tôi đến từ nhiều trường khác nhau: bách khoa, ngoại ngữ, sư phạm… hoặc có những thành viên đặc biệt đang đi làm nhưng đều có chung tình yêu mãnh liệt với văn chương. Chúng tôi đã viết ra những vần thơ lòng thật đặc biệt để đọc cho nhau nghe, để chia sẻ cảm xúc, để bình luận, nói chuyện phiếm quanh quẩn chuyện giảng đường, cuộc sống. Những người bạn của tôi có một tình yêu đặc biệt với thơ, chỉ đơn giản là thích, là giãi bày… 
Buổi họp mặt của chúng tôi ngày ấy...

Tôi cũng vậy. Có nhiều bài thơ đong đầy cảm xúc có khi già dặn, có khi thơ ngây, có khi trầm buồn nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu, lại có lúc xúc cảm trước vẻ đẹp của cuộc sống. Dẫu biết là những vần thơ, câu văn còn non nớt nhưng khát khao chia sẻ luôn đong đầy, những ưu tư còn nặng vương mang. Cảm xúc bất chợt tuôn ra chỉ đơn giản như vậy. Có những ngày chán nản, một người bạn thân thiết của tôi đã từng động viên: văn thơ là linh hồn cuộc sống, tự dưng tôi nhớ mãi câu nói ấy. Thật khó tưởng tượng cuộc sống sẽ khô khan thế nào nếu không có văn thơ. Thỉnh thoảng thì tôi cũng có viết, có chia sẻ đôi bài thơ, tản văn nhỏ. Dẫu chỉ là một người trẻ lâu lâu mới viết, nhưng trái tim tôi không khỏi rộn ràng chào đón những ngày đẹp dịu dàng đắm say, mùa của ngọt ngào xưa cũ. Tạm biệt những người bạn của tôi để vội vàng trên chuyến xe về quê, vội vàng cất bước vào vòng tay của mẹ cha nơi gốc làng, gốc xóm. Tự dưng tôi lại nhớ những ngày sinh hoạt văn thơ, những tiếng lòng còn dang dở, mãi mãi dâng tràn trong trái tim của những người trẻ. 
Nhóm bạn trong chương trình đêm thơ - nhạc "Thương lắm Quảng Nam" của nhà thơ Trần Phước Ninh tại quán cà phê Đá Vàng, Nam Phước, Duy Xuyên (đêm ngày 06.09.2014).

Dẫu chỉ là phong trào thơ và thơ phong trào nhưng tôi mãi nâng niu, trân trọng những bài viết nhỏ ấy. Những tiếng cười, những tiếng nói, những phút thẩn thơ của những sinh viên còn đang trên giảng đường có lẽ phải tạm dừng tại góc sân trường nầy… Tôi lục lại mấy bài thơ cũ mà mà những người bạn ấy đã từng chia sẻ, bất chợt lắng đọng với khúc thơ của người chị Huyền Trang (Hà Tĩnh), người đã thắp lên tình yêu đối với văn chương trong tôi:

em đi nhặt những thứ lẻ loi
của những chiều tàn hoang mảnh vỡ
nhưng
màn đêm
không phải là phép màu gắn lại
ngày nắng lên nhật khuyết một góc màu...
                                                                              Tác giả: Huyền Trang (6.5.2014)
Rồi thời gian cũng trôi đi, nhưng tình yêu văn chương sẽ không bao giờ tắt, vì văn chương nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta hướng tới những điều tốt đẹp. Lặng nhìn cánh phượng vẫn mãi tuôn rơi, bông bằng lăng chiều tím, hoa sữa ngạt ngào đâu đây… như đưa tôi vào giấc mộng đầy nung nấu, khát khao đi tìm. Và dĩ nhiên, văn thơ cũng như nắng, sẽ không bao giờ tắt trong tôi. Tiếng lòng xưa sẽ không bao giờ chết, như niềm đam mê trên những trang thơ mãi còn, mãi dở dang…
         Đà Nẵng, 16.6.2015
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Bi hài kịch nghi án "đạo" thơ...

10:49 AM |
BI HÀI KỊCH NGHI ÁN “ĐẠO” THƠ 
Ngày 18-1, lãnh đạo Hội Nhà văn TP HCM đã có kết luận chính thức về nghi án "đạo" thơ và những lùm xùm quanh giải thưởng hội khiến dư luận trong giới văn nghệ nóng bỏng thời gian gần đây.
Nhà văn Trần Nhã Thụy – trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM cho biết đã nghiêm túc làm việc về nghi án "đạo" thơ liên quan đến hội viên hội Nhà văn TP HCM Nguyễn Thị Thanh Long. Theo nhà thơ Lê Huy Mậu cho biết thì bài thơ "Chiều cuối năm" của ông đã in trong tập thơ "Bốn giọt nước" rất giống bài thơ "Những ký âm ngân" của Nguyễn Thị Thanh Long. "Có thể nói Nguyễn Thị Thanh Long đã lấy toàn bộ bóng dáng, tư tưởng, cái hồn và những câu tinh túy nhất của tôi để biến thành "Những ký âm ngân" – Nhà thơ Lê Huy Mậu nói. Bài thơ của Nguyễn Thị Thanh Long sáng tác năm 2013, còn bài thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu công bố năm 2007. Dưới đây là hình ảnh chụp lại nguyên văn hai bài thơ của hai nhà thơ đã chuyển tới ban kiểm tra, để độc giả có sự đánh giá riêng.
Nguyên văn hai bài thơ "chiều cuối năm" và "những ký âm ngân"
Trước cáo buộc của nhà thơ Lê Huy Mậu, ban kiểm tra và hội đồng thơ Hội Nhà văn TPHCM đã họp bàn, phân tích các khía cạnh chuyên môn. Ông Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho biết: "Kết luận cuối cùng của Hội là sáng tác của Nguyễn Thị Thanh Long có bị ảnh hưởng từ bài thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, nhưng không phải là "đạo" thơ". Đúng vào thời điểm nhạy cảm này, "Khúc dịu buồn nắng gió cao nguyên" - một bài thơ khác của Nguyễn Thị Thanh Long (không nằm trong tập thơ dự kiến trao tặng thưởng) do nhà thơ Nguyên Hùng gửi đến ban kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM "tố" là đã "đạo" gần như nguyên vẹn từ bài "Khúc thiếu phụ" của tác giả Thy Minh đã in trong tập thơ "Mắt hoàng hôn".  Nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết: "Về mặt con người, dĩ nhiên tôi rất chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long trong lúc hoạn nạn thế này. Đúng vào thời điểm xảy ra sự việc, bố của nhà thơ vừa qua đời ngày 18-1 sau cơn đột quỵ nguy cấp. Hiện tại, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long vẫn đang phải chăm sóc em gái bệnh rất nặng, đang nằm cấp cứu nên khó có thể trả lời điện thoại của mọi người. Nhưng về mặt công việc, trong quá trình làm việc tôi không bao che cho ai cả, thậm chí còn làm kỹ lưỡng, đi đến cùng sự thật".
Hài bài thơ có những câu giống nhau "cùng khuôn đúc".
Với tư cách là trưởng ban kiểm tra, nhà văn Trần Nhã Thụy yêu cầu làm việc với tất cả các bên liên quan, người tố cáo là nhà thơ Nguyên Hùng, hai tác giả liên quan là Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh. Nhưng nhà thơ Nguyên Hùng không cung cấp thông tin về tác giả Thy Minh mà chỉ cho biết nghe nói tác giả này đang ở nước ngoài. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long xin nhận lỗi sau những ồn ào và cung cấp tác giả đích thực của bài thơ – nhà thơ Nguyễn Vĩnh, hội viên hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ. Sau khi liên lạc được với nhà thơ Nguyễn Vĩnh, ông này xác nhận cả trên điện thoại và bằng văn bản về việc đã từng in bài thơ này trên tạp chí Văn nghệ Việt Trì nhưng chính ông đã tặng bản quyền bài thơ "Người đàn bà thơ" cho cả hai nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh, với lời nhắn: "Em toàn quyền sử dụng". Câu chuyện về nghi án "đạo" thơ có thể kết thúc. Chỉ vì thiếu kiến thức pháp luật, chưa chứng tỏ được bản lĩnh văn hóa nên tạo ra một câu chuyện bi hài, làm ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách văn nghệ sĩ.
Bài thơ "Người đàn bà thơ" của tác giả Nguyễn Vĩnh đã in trong tạp chí Văn nghệ Việt Trì nhưng lại đem "tặng bản quyền" cho cả hai nữ sĩ Thanh Long và Thy Minh với lời nhắn "Em toàn quyền sử dụng"? 

So sánh chữ ký của tác giả Nguyễn Vĩnh trên văn bản nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cung cấp và văn bản mới đây gửi tới Hội Nhà văn TP HCM để xác nhận về việc đã "tặng bản quyền" cho cả Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh, có thể thấy đây là chữ ký của cùng một người.
Bài thơ "Người đàn bà thơ" của tác giả Nguyễn Vĩnh đã in trong tạp chí Văn nghệ Việt Trì nhưng lại đem "tặng bản quyền" cho cả hai nữ sĩ Thanh Long và Thy Minh với lời nhắn "Em toàn quyền sử dụng"? So sánh chữ ký của tác giả Nguyễn Vĩnh trên văn bản nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cung cấp và văn bản mới đây gửi tới Hội Nhà văn TP HCM để xác nhận về việc đã "tặng bản quyền" cho cả Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh, có thể thấy đây là chữ ký của cùng một người. "Bất luận lý do gì thì việc làm của Nguyễn Thị Thanh Long là sai trái. Hội đã cảnh cáo nhắc nhở nghiêm khắc với hội viên Nguyễn Thị Thanh Long. Ban chấp hành Hội đồng ý để Nguyễn Thị Thanh Long rút ra khỏi ban kiểm tra của hội. Đồng thời, Ban chấp hành chấp thuận đơn xin rút khỏi tặng thưởng của hai tác giả Nguyễn Thị Thanh Long và La Mai Thi Gia" – ông Trần Văn Tuấn cho biết. Riêng về lá đơn xin "từ chức" phó chủ tịch Hội đồng thơ của nhà thơ Trần Hữu Dũng, ban chấp hành Hội chưa chấp thuận và ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm: "Cá nhân tôi động viên nhà thơ Trần Hữu Dũng ở lại với anh em. Anh Dũng cũng hứa là sẽ suy nghĩ thêm trong vòng vài tháng tới".
HÒA BÌNH
Nguồn: nld.com.vn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
(ảnh: internet)
TIẾT LỘ BA CÂU CHUYỆN VỀ BẢN QUYỀN
Lẽ ra tôi không kể những chuyện dưới đây. Vì tôi tâm niệm rằng: nếu mình làm một điều tốt mà kể ra thì việc làm tốt ấy có nguy cơ biến mất. Nhưng chắc các bạn sẽ chia sẻ với tôi khi tôi kể những chuyện này. Mong mọi người thông cảm.
Câu chuyện thứ nhất:
Gần 30 năm trước, tôi có in một truyện ngắn có tên “Bụi Trắng” ở một tờ báo chuyên ngành. Ít lâu sau, tôi thấy một truyện ngắn xuất hiện trên báo Tiền phong Chủ nhật trùng tên, bèn đọc, thì hóa ra là truyện ngắn của mình nhưng lại tác giả lại là người khác. Hỏi ra biết “tác giả” là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở Hà Nội. Nhưng tôi đã không công khai chuyện này. Tôi chỉ nhờ người phụ trách tờ báo nói với bạn sinh viên này phải nghiêm khắc sửa chữa lỗi lầm đó. Tôi không làm ầm ĩ chuyện này vì nghĩ bạn ấy còn rất trẻ và sai lầm là chuyện dễ hiểu. Người Pháp có câu “70 tuổi cũng không dám chắc mình không đui, không què”. Tôi đã sống 60 năm trên cõi đời này và ngày nào tôi cũng có nguy cơ mắc sai lầm. Nếu tôi công khai chuyện đạo văn này thì bạn ấy sẽ bị dư luận lên án và nếu không đủ bản lĩnh, bạn ấy sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc. Như vậy, quyền chính đáng và sự minh bạch của tôi trong chuyện này có thể lại hại đến tương lai của một người trẻ.
Câu chuyện thứ hai:
Trước khi đi Cuba học, tôi đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay cho một biên tập viên của một Nhà xuất bản. Mấy năm sau về nước, tiểu thuyết của tôi cũng không thể in được vì có những vấn đề mà ngày nay chúng ta gọi là “nhạy cảm”. Tôi đã rút bản thảo về. Một người viết là đàn anh của tôi nói để ông ấy in cho. Nhưng khi sách ra đời thì ảnh tác giả là ảnh của ông ấy và tên tác giả không phải tên tôi. Ông ấy cũng lấy gần hết số nhuận bút cuốn tiểu thuyết đó. Tôi hỏi ông ấy sao lại thế, thì ông ấy trả lời vòng vo. Một số bạn bè tôi, trong đó có biên tập viên đã giữ bản thảo của tôi mấy năm, đều rất nổi giận và muốn “xử lý” ông ấy. Nhưng tôi đã yêu cầu họ bỏ qua. Vì sao? Vì tôi có quen biết gia đình ông ấy và tôi rất cảm thông với vợ và con của ông ấy. Họ theo ông từ một miền quê nghèo ra Hà Nội và sống một cuộc sống rất khó khăn. Người vợ của ông ấy là một phụ nữ vô cùng hiền dịu và chịu khó. Nếu tôi công khai chuyện này thì chị ấy sẽ xấu hổ và đau khổ vô cùng. Có một lý do phụ nữa mà tôi đã nói với những người bạn biết chuyện này là “trong đầu tôi còn rất nhiều cuốn sách, tôi “tặng” ông ấy cuốn sách đó”. Một điều lạ lùng là sau này và cả bây giờ, ông ấy thi thoảng lại phê phán những sáng tác của tôi trên báo chí một cách không thiện chí. Trên thực tế, tôi đã quyết định in một bài phê phán thơ tôi trên tờ báo tôi phụ trách nội dung, vì nhà phê bình ấy đã phê thơ tôi một cách trong sáng theo cách hiểu của ông. Tệ hơn là ông ấy còn phê phán đạo đức của tôi nữa . Và trong phần tiểu sử bản thân in trong sách của mình bây giờ, ông ấy vẫn kê khai cuốn tiểu thuyết của tôi là của ông ấy. Một câu chuyện thật bi hài phải không các bạn.
Câu chuyện thứ ba:
Tôi có viết một bài thơ về mẹ mình như là một sự ân hận về những gì trong những năm tuổi trẻ tôi đã làm cho mẹ buồn và lo lắng về tôi. Tôi chưa in bài thơ này ở đâu mà chỉ thi thoảng cho một hai người bạn đọc trong cuốn sổ làm thơ của mình. Khi từ Cuba về nước, tôi nghe tin một người bạn vong niên bị mất. Tôi đã đến gia đình em ấy để thắp nén hương cho em. Người mẹ của em ấy đã lấy cho tôi xem lá thư của em viết cho bà trước khi mất chừng một tháng. Kèm theo lá thư đó là bài thơ mà trong thư em ấy viết “con viết tặng mẹ bài thơ này”. Mẹ em ấy là một tri thức, bà nhận ra trong bài thơ là tình yêu của em ấy dành cho bà và sự ân hận của em ấy về những năm tháng trước đó em ấy đã làm cho bà buồn phiền và lo lắng. Bà cho tôi đọc bức thư và bài thơ. Tôi “choáng váng” nhận ra đó là bài thơ tôi viết cho mẹ mình. Sau đó bà nói với tôi bà đã khóc trong đau đớn khi mất đứa con của mình và bà cũng khóc vì hạnh phúc bởi lần đầu tiên bà thấy con mình đã viết được những lời như vậy về mẹ. Lúc đó tôi hiểu rằng: em ấy đã chép bài thơ trong sổ tay của tôi viết cho mẹ tôi, để gửi cho mẹ em ấy. Tôi đã khóc. Tôi đến trước bàn thờ có di ảnh em ấy, thắp một nén hương cho em và thầm nói: “Bài thơ này thuộc quyền sở hữu trọn vẹn của em. Anh chỉ là người chấp bút bài thơ này cho em mà thôi. Cầu nguyện cho em thanh thản chốn thiên thu”. Bài thơ ấy vẫn trong sổ tay của tôi. Tôi chỉ viết thêm một dòng chữ phía trên tên bài thơ . Dòng chữ đó là tên của em ấy. Và tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc vì điều đó. Đến bây giờ tôi vẫn tin, tôi không sáng tác bài thơ ấy mà tôi chỉ là người chép giúp em bài thơ của em cho mẹ em mà thôi. Mong linh hồn em ở chốn thiên thu thứ lỗi cho tôi khi kể câu chuyện liên quan đến em. 

*** *** *** *** 
Đấy là 3 câu chuyện về bản quyền trong không ít câu chuyện về bản quyền của tôi và những câu chuyện bản quyền của bạn bè tôi mà tôi biết. Vấn đề bản quyền tôi nghĩ không chỉ là luật pháp mà trong đó còn chứa đựng sự tôn trọng, sự chia sẻ và lòng cảm thông đối với những trường hợp cụ thể. Để đi đến một hành động văn hóa là vô cùng khó khăn, tôi đã từng viết: để vứt một cọng rác xuống nơi công cộng chỉ mất 1 giây, nhưng để tự nguyện cúi xuống nhặt một cọng rác nơi công cộng lên phải mất 100 năm. Thời gian 100 năm ước lệ ấy chỉ sự hình thành văn hóa.
NGUYỄN QUANG THIỀU
(Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn)



Ảnh: Phan Nam.
ĐẠO VĂN
Chữ “đạo” từ Hán Việt có nghĩa là ăn trộm, “đạo văn” tức ăn trộm văn của người khác. Mà ăn trộm thì bao giờ, thời nào cũng xấu nên bị dư luận lên án. Nếu là ăn trộm tài sản, vật chất của người khác sẽ bị kết tội hình sự đi tù. Nhưng ăn trộm văn thì khác hơn, vì “văn” thiên về giá trị tinh thần, “định giá” tài sản không dễ, lại khó “kết án” vì “văn” không chỉ thể hiện trên câu chữ mà còn ở tư tưởng, ý tưởng, hình tượng…

Thành ra “đạo văn” luôn là vấn đề được quan tâm ngăn chặn. Cũng là quy luật, đã là “kẻ trộm” thì thường tinh ranh nên chỉ “ăn cắp” cái có giá trị. Chẳng kẻ trộm nào đi ăn cắp cái không giá trị. Chính điều này lại làm nảy ra một tâm lý “tự hào” ở người bị “đạo”: Văn mình hay nên mới bị ăn cắp, rồi coi đó như một biểu hiện của thành công nên chẳng có ý kiến gì. Đây cũng là “kẽ hở” để nhiều kẻ “đạo văn” tiếp tục “hành nghề”. Nhìn vào lịch sử thì “đạo văn” có từ rất xưa và có điểm chung là chỉ thể hiện ở những “tác phẩm” được để ý của các tác giả tên tuổi. Nhà thơ nổi tiếng Virgil của La Mã cổ đại từng bị cáo buộc “chuyển thể” một ít nội dung từ một tác phẩm của tác giả Quintus Ennius. Năm 1593, nhà viết kịch Robert Greene cáo buộc William Shakespeare “đạo văn” từ kịch bản của mình. Sự thật thì không biết ra sao vì không có “tòa án” làm rõ trắng đen nhưng có một sự thật khác là Shakespeare thường “mượn” đề tài, ý tưởng từ người khác, nơi khác. Ví như ông mượn cốt truyện "Hamlet" từ văn học cổ điển Đan Mạch. Như vậy lại phải làm rõ “đạo văn” và “ảnh hưởng”.

 Nằm trong quy luật ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa, ảnh hưởng trong văn học từ nước này đến nước khác, trường phái này đến trường phái kia, tác giả này đến tác giả nọ… như một điều tất nhiên. Có ảnh hưởng chủ động và bị động. Chủ động thì người chịu ảnh hưởng biết rõ mình tiếp thu, kế thừa và loại bỏ cái gì, còn bị động thì có khi giẫm vào vết chân người đi trước mà không tự biết. "Đạo văn" là ăn cắp ý tưởng, ăn cắp văn của người khác, trắng trợn thì giữ “nguyên trạng”, “tử tế” hơn thì “chế biến” đi chút ít và coi đấy như là của mình. Còn ảnh hưởng bị động không phải là "đạo văn" nhưng do “hồn nhiên” mà vô tình “mượn” của người khác. Căn nguyên là do đọc nhưng không ghi chép, không thẩm định, không “tiêu hóa”, không biến kiến thức, tri thức đã có tan nhuyễn vào ý đồ sáng tạo, tình huống văn cảnh cụ thể, riêng biệt của mình. Ảnh hưởng bị động là đáng trách. Năm 1941, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong "Nhà văn hiện đại" đã từng phê bình một nhà văn nước ta có trang viết phỏng theo gần như dịch lại tiểu thuyết "Những đêm trắng" của Dostoevsky. Có hai khả năng xảy ra đối với trường hợp này: Một là “đạo văn”; hai là “ảnh hưởng bị động”, do quá say mê Dostoevsky, thuộc Dostoevsky đã vô tình đem “hiểu biết” của mình về 
Dostoevsky “viết” thành “tác phẩm”!!!

Như vậy “đạo văn” thuộc về phạm trù đạo đức, đúng với tên gọi là “ăn cắp văn” phải kiên quyết bài trừ. Ảnh hưởng thuộc về vấn đề năng lực, học thuật, vốn sống, kinh nghiệm… Chống “đạo văn” bằng cách nào? Vì thuộc phạm trù đạo đức nên hầu như các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng phương pháp giáo dục làm gương. Tức trong bài viết của giáo sư nếu trích dẫn một từ quan trọng cũng phải nêu nguồn và yêu cầu sinh viên cũng làm tương tự. Nếu phát hiện “đạo văn”, giáo sư sẽ bị nghỉ dạy, sinh viên sẽ bị đình chỉ học. Nhưng giáo dục dù tốt cũng không thể triệt để. Cực chẳng đã nên hiện nay nhiều nơi chống “đạo văn” bằng công nghệ, tức bằng máy quét được cài đặt phần mềm, đưa văn bản vào máy, máy sẽ chỉ rõ văn bản đã copy từ đâu, dĩ nhiên văn bản gốc đã được đưa lên internet. Nước ta đã có vài trường đại học áp dụng cách này và cho thấy những tín hiệu tích cực. Nên chăng mỗi tòa soạn báo, mỗi nhà xuất bản cũng nên có “phần mềm” này. Có thể tốn kém chút ít nhưng hiệu quả, góp phần làm trong sạch hóa, lành mạnh hóa văn chương và đạo đức xã hội!
NGUYỄN THANH
Nguồn: qdnd.vn


 PHAN NAM
(tổng hợp nhiều nguồn).

Xem tiếp…

Mùa xuân và con giáp...

11:25 AM |
 
Tác phẩm 'thiếu nữ và thú cưng'
Acrylic, Trần Văn Tâm. 
Hòa trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm 2018, trước thềm xuân Mậu Tuất, hội mỹ thuật phối hợp với bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm tranh nghệ thuật với chủ đề “sắc xuân Mậu Tuất 2018”. 
Đến dự và thưởng lãm có sự hiện diện của ông Bùi Xuân, phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng; ông Hà Vỹ, phó giám đốc sở VHTT&DL, ông Nguyễn Nho Khiêm, phó chủ tịch liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng và đông đảo văn nghệ sỹ, công chúng yêu thích mỹ thuật.
Văn nghệ chào mừng (ảnh Phan Nam)
Triển lãm giới thiệu 42 tác phẩm nghệ thuật của 30 họa sỹ thành phố với chủ đề xuyên suốt là mùa xuân và con giáp. Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha, chủ tịch hội mỹ thuật thành phố cho biết cách đây 5 năm, lần đầu tiên nhóm họa sỹ trẻ của mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm mùa xuân và con giáp.
Họa sỹ Hồ Đình Nam Kha phát biểu khai mạc (ảnh Phan Nam).
Từ đó hội mỹ thuật nảy ra ý tưởng tổ chức triển lãm mỹ thuật giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật về mùa xuân và con giáp vào chương trình hoạt động của hội, được tổ chức thường niên hằng năm và đến lần này là lần thứ 4, điều đặc biệt nữa là các hội mỹ thuật trong toàn quốc thì chưa có hội nào năm nào cũng tổ chức mùa xuân và con giáp.
Cắt băng khai mạc triển lãm (ảnh Phan Nam)
Những tác phẩm với nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, trúc chỉ, tổng hợp, nhiều ý tưởng đa dạng, đã tạo nên một bức tranh lớn về mùa xuân đa phong cách, đa màu sắc với nhiều đường nét, thủ pháp trẻ trung và sáng tạo, gần gũi quần chúng yêu nghệ thuật thị giác. “Mỗi tác phẩm đem đến người xem những cung bậc cảm xúc sâu lắng của một tác giả, đó cũng là một niềm cảm hứng sáng tác của anh chị em họa sỹ muốn nhắn gửi tình cảm của mình cho công chúng yêu nghệ thuật thị giác thưởng ngoạn nhân dịp đón xuân về”, họa sỹ Nam Kha chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm.
Tác phẩm 'cung đàn mùa xuân', Acrylic, tác giả Nguyễn Duy Luân.
Hội họa được bắt nguồn từ cảm xúc, cảm xúc bắt đầu từ sợi tơ mong manh chảy dài trên quãng đời vô định, gắn kết những tâm hồn đồng điệu, gắn kết những yêu thương và sẻ chia cuộc sống với chiều kích không gian và thời gian, soi rọi vào tâm thức ý tưởng của mỗi họa sỹ bằng hình ảnh, ánh sáng của đời thường để bắt đầu một ngày mới, một mùa mới...
Khoảnh khắc giao thừa, Acrylic, tác giả Trần Hồng Lâm.
Tác phẩm Gọi Xuân, Phan Thanh Hải, màu sáp trên trúc chỉ 
(ảnh Phan Nam chụp lại)
Những chú chó của chúng ta, màu nước trên trúc chỉ, Lê Trịnh Mỹ Uyên.
Năm Tuất được xếp thứ 11 trong 12 con giáp, chó là con vật gắn bó lâu đời với con người, có những đức tính tốt đẹp được tôn vinh như trung thành, thông minh, những tác phẩm vẽ về con giáp và mùa xuân đang vẫy gọi chắc chắn sẽ mang lại nhiều hứng khởi, sáng tạo trong năm mới.  Triển lãm diễn ra từ ngày 18 đến ngày 26.01.2018 tại bảo tàng Mỹ thuật số 78 Lê Duẩn, Đà Nẵng.
Phan Văn Nam.

Xem tiếp…