Chùm thơ của tác giả PHÁT DƯƠNG (Cần Thơ)

3:13 PM |
Họ tên thật: Dương Thành Phát. Sinh ngày: 19/3/1995.
Quê quán: Bạc Liêu. Nơi ở: Sóc Trăng.
Sinh viên khoa Văn học ĐH Cần Thơ.
Cộng tác viên minh họa cho một số báo thiếu nhi: Khăn quàng đỏ, Ngôi sao nhỏ...
Có một số tác phẩm thơ được đăng báo.

KHÓA

Lách lách lách cách chìa xâu tiếng thử lòng
Những rãnh sâu nông tạo riêng chiều khác biệt,
Khóa chốn thân yên, khóa điều bỏ công quý giá
Chìa chỉ có người thân thuộc giữ biết thôi.

Tham chút mất còn người ta bẻ khóa nhau
Lục tung kiếm tìm, đào tung từng trật tự
Xì xào xì xầm lách cách tiếng người bấm khóa
Mặc niệm chuyện mình người khác chuyện riêng tư.

Những khóa giả bền chào đời như một thói hư
Đầu đã sẵn tiêm những chiều nuông tấm bé,
Khóa vị trí mình vào nếp hằn đậm bụi
Khóa chặt tai thừa những tiếng phớt lờ nghe.

Những ổ khóa mất chìa khóc ướt những tàn che
Kí ức đổ rung ứ đầy không chỗ chứa.
Những ổ khóa đắp bằng cặn đất
Mạ một lớp đồng học cách diễn dạ thưa.

Ta đã khóa mình bao nhiêu đó đủ chưa?
Cột hồn vào chìa quăng dưới cầu hẹn ước.


CĂN PHÒNG ĐÓNG

Có chăng hợp tan khiến kí tự cũng buồn
Dĩ vãng quay về đóng đinh mùa ngưng tụ,
Khoảng trống không vừa nắng len không đủ
Căn phòng vẫn còn màu đêm.

Căn phòng ghét gió trời lưu bụi cũ thành quen
Cửa sổ đã nằm yên liệt người vì mệt mỏi,
Những con người chơi trò cắt bóng giết thời gian rảnh rỗi
Đốt nến lên
tự sưởi mình.

Câu chuyện chỉ vui khi từ chối cá tính mình
Nhét cho vừa khuôn từng hốc tường đậm mùi quá khứ,
Nhặt không hết câu chữ
Một phần ba hồn qua đời.

Không có khăn tang thắt cho căn phòng rơi
Vực sâu vẫy tay, chúng ta buộc phải chào nhau ở đó,
Bức tường dày chưa bao giờ nghĩ rằng phá nó
Chưa bao giờ băn khoăn bên kia có gì?

Căn phòng màu chì cắt miếng mình vuông
Sao bản thân phải quay
đổ xúc xắc cho cuộc đời người khác?
Vai có hay
diễn hoài cũng nhạt
Chỗ không vừa cố đặt chỉ đau.

Còn có căn phòng không hỏi vì sao
Chấp nhận cũ càng, ôm vào lòng vụn vằn kí ức,
Người bỏ lại vết thương nơi lồng ngực
Chối bỏ nơi đây kết tụ khối ung thư.

Vì sao cánh cửa kia không mở bao giờ?
Vì sao bức tường vẫn đứng kia không bao giờ mòn được?
Vì sao chỉ ra đi và nhìn về phía trước
Mà chưa bao giờ quay lại nhìn sau?

Đến vô tình bụi cũ cũng đau...

PHÁT DƯƠNG



Xem tiếp…

CHÙM THƠ CỦA TÁC GIẢ Hoàng Anh 79 (An Giang)

8:23 PM |
SÀI GÒN ĐÊM XUỐNG QUÊN VÀ NHỚ

Ta về thành phố gió heo may
Yêu dấu theo mùa đã đổi thay
Dòng đời mê mải còn xuôi ngược
Giấc mộng chưa thành tay trắng tay

Đèn treo nỗi nhớ đứng bơ vơ
Căn gác trọ xưa phủ bụi mờ
Quay ngược thời gian về dĩ vãng
Vậy mà xa lắc những ngày mơ

Nhớ mắt em hiền như mắt thu
Bờ môi đỏ mọng ướt sương mù
Ngực căng xuân chín thời con gái
Hương quyện theo từng bước lãng du

An Hạ mưa bay phố thị buồn
Đâu còn em đợi dưới lầu chuông
Kỷ niệm xanh màu rêu thánh giá
Ta lạc bên trời xa cố hương

Bến Dược chia nguồn mấy bể dâu
Phù du mộng mị gởi bên cầu
Sài Gòn đêm xuống quên và nhớ
Ta với mình ta cạn chén sầu !

MƯA SÓC TRĂNG

Sóc Trăng buổi sớm hôm mai
Trời mưa lất phất chảy dài phố xa
Ừ, thì ướt áo người ta
Ừ, thì ướt áo đời ta chẳng buồn

Trời làm ra giọt mưa tuôn
Trời làm nỗi nhớ từ muôn thuở nào
Nhớ thời mơ hái trăng sao
Đôi môi đỏ rói, cặp đào trắng au

Ướm tay vừa một lối vào
Đường cong mòng mọng chênh chao đất trời
Thời gian vùn vụt đưa thoi
Cái già xồng xộc tóc rồi pha sương

Vội chi em bước riêng đường
Vội chi em để tim rươm rướm sầu
Chùa Dơi vọng tiếng kinh cầu
Bước chân lữ thứ về đâu dặm trường !

MAI XA RỒI PHAN THIẾT

Chiều ta về với biển
Biển vẫn xanh muôn trùng
Sóng xô bờ lặng lẽ
Chút tình buồn mông lung 

Con đường xưa bụi đỏ
Mịt mùng gót chân son
Không mùa thu lá khóc
Sao sương lạnh buốt hồn 

La Gi hoàng hôn tím
Còn không đồi dạ lan
Hay như trăng muôn thuở
Sầu treo Lầu Ông Hoàng

Em có về Mương Mán
Thương con tàu đi xa
Ta chim trời  bạt gió
Tìm đâu một sân ga 

Chiều tàn trên phố nhỏ
Quán cũ giờ không em
Một mình ly rượu nhạt
Tình xa càng xa thêm 

Mây bay bay viễn xứ
Em sợi khói bên trời
Ta một đời say ngủ
Chiêm bao tận ngàn khơi 

Mai xa rồi Phan Thiết
Biển vẫn xanh êm đềm
Như chiều trôi biền biệt
Tình em kiếp nào quên? 

HOÀNG ANH 79

Xem tiếp…

GIỚI THIỆU ẤN PHẨM TUỔI TRẺ PHẬT VIỆT SỐ 12 - 18.5.2016

1:15 PM |

Tuổi trẻ Phật Việt tập 12 phát hành ngày ngày 18/05/2016, với các nội dung sau:

 1. PV Hòa thượng Thích Trí Quảng, PV Danh hài Phúc Béo.

   2. Nếp sống đạo:

- Niềm tin - Vien Anh
- Quy y - Trung Công.
- 500 ngàn đồng - Đặng Trung Thành
- Tiếng chim sẻ trên nhành cây khế - Ngọc Điệp
- Mỗi ngày trôi qua bạn đang lớn lên - Mang Viên Hưng Định
- Câu chuyện hai bông lúa - Tịnh Tâm
- Con đã trở về - Viên Anh
- Giúp người rồi người sẽ giúp ta - Châu Uyên Lâm
- Linh ứng Quán Thế Âm Bồ Tát 

3. Nhịp sống trẻ:

- Bóng mát cửa chùa - Phan Nam.
-Hoa rơi cửa Phật -Trương Bảo Yến
- Tiếng chuông chùa - Đỗ Thị Minh Thủy
-Thương người lập làng - Kim Tâm
- Người chị chung phòng khó tính - Hoàng Thị Linh
- Trĩu nặng ơn người - Huệ Nghiêm Tâm 

4.
 Dấu chân tuổi trẻ:

-Nhớ mãi mùa hạ - Liên Quý - Liên Khang
- Tui với nó - Đại Ngốc
- Sư Huynh - Sa Mạc
- Quê hương yêu thương - Thanh Ngân 

5. Vườn Thơ:

- Bảy đóa sen hồng - Thanh Pháp
-Cảm tác mùa đản sanh - Kim Hoa
- Con về - Phạm Thị Mỹ Thuận
-Phật đản - Trà Kim Long
- Nét cọ huy hoàng - Lê Đàn
- Tự cảm trước chùa - Diệu Hiếu 

7. Phòng mạch
8. Sức khỏe - Thế nào là phòng bệnh đúng nghĩa.

Quý vị có nhu cầu thỉnh đọc Tuổi trẻ Phật Việt xin vui lòng liên hệ - Thu Bui (0983092657).


 Nguồn: Vườn Tâm


Xem tiếp…

TIẾNG ĐỘC HUYỀN - Trúc Thanh Tâm

8:34 PM |
CÙNG EM NÓI CHUYỆN TRĂM NĂM

Từ trong tiếng vọng xa xăm
Cho mưa ướt đất nẩy mầm cây yêu
Ta đi qua bến sông chiều
Nghe con nước trở dạt bèo thở than

Đưa em về lũy tre làng
Bùi ngùi chỉ thấy bóng hoàng hôn rơi
Người thân theo đất đi rồi
Dường như đâu đó còn lời mẹ ru

"Bướm vàng xa nhánh mù u"
Gió đưa bụi cuốn mịt mù trời quê
Cố hương lạ lẫm nẻo về
Mấy mươi năm đó đủ tê tái lòng

Đời người chưa hết long đong
Mộng phù du chảy theo dòng trầm luân
Cùng em nói chuyện trăm năm
Chờ nhau đi tiếp cuộc thăng trầm nầy !

TIẾNG ĐỘC HUYỀN

Tiếng độc huyền rơi từ quá khứ
Xé hồn ta, chảy máu trinh nguyên
Áo hoa mờ ảo trong sương mỏng
Là những ẩn tình ta với em !

Phương Nam ơi, bạt ngàn lúa trổ
Cánh cò chao, trắng muốt tuổi thơ
Và trai, gái vẫn thề non hẹn biển
Phải lòng nhau nên cứ bắt đợi chờ !

Tiếng mẹ ru, võng đưa kẽo kẹt
Gió ruộng đồng khuấy động thời gian
Trong im vắng, đừng ai làm tan vỡ
Giữa không gian, trầm bổng một ngón đàn !

Chiều Bảy Núi, đất trời như gần lại
Đêm Núi Sam, trăng đẹp quá trăng ơi
Trong sâu thẳm đắng cay và hạnh phúc
Ta ru ta, với thân phận làm người !

Đừng nói trăm năm đi không tới
Cuộc đời nầy như giấc ngủ non
Tuổi thơ ơi, nụ cười mới lớn
Người học hoài chưa hết cái khôn !

Ta đứng cười vang cùng thế sự
Lở, bồi rồi như một giấc mơ
Để nghe trăn trở bao dòng lệ
Đủ biết tình yêu chẳng bến bờ !

Cả một đời ta, vai gánh nặng
Văn chương, thân hữu với tình em
Thiên đường, địa ngục gần nhau lắm
Còn tiếng độc huyền rớt trong đêm !

TRÚC THANH TÂM



Xem tiếp…

MẤY ĐẶC ĐIỂM CỦA THƠ CA VIỆT NAM SAU 1975 - Phạm Ngọc Hiền

11:07 AM |
     1.  Dòng cảm hứng sử thi mở rộng biên độ thể loại

Trong giai đoạn 1955 - 1975, nền văn học cách mạng Việt Nam khá thuần nhất về đề tài, cảm hứng giọng điệu. Nhất là trong giai đoạn chống Mỹ (1965 - 1975), thể tài anh hùng ca giữ vai trò chủ đạo, lấn át tất cả các thể tài khác. Tuy nhiên, sau năm 1975, trên thi đàn Việt Nam không còn hiện tượng độc tôn, độc diễn. Nhiều khuynh hướng thể tài, cảm hứng giọng điệu cùng song song tồn tại.
Khuynh hướng sử thi vẫn tiếp tục phát triển theo quán tính. Nhưng thay vì cổ vũ chiến đấu, thơ ca chuyển sang tổng kết chiến tranh, ca ngợi quá khứ hào hùng, khẳng định thành quả cách mạng.
Hàng loạt trường ca ra đời cho thấy sức sống của thể tài lịch sử dân tộc vẫn mạnh mẽ sau chiến tranh: Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Trầm tích (Hoàng Trần Cương), Oran 76 ngọn, Ba dan khát (Thu Bồn), Những vùng rừng không dân (Phạm Tiến Duật)….
Trước sự bùng nổ của trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng, một số nhà lý luận phê bình đã nêu ý kiến xác định tính chất thể loại. Cảm hứng chủ đạo của nó: Tráng ca hay hùng ca, hiện thực hay lãng mạn?... Và tên gọi của nó là gì: Trường ca, tráng ca, truyện thơ, sử thi?...
2. Cảm hứng thế sự mở đường cho nền văn học phi sử thi phát triển

Trong thời gian mười năm sau chiến tranh, cảm hứng thế sự đời tư vẫn chưa có chỗ đứng trong nền văn học Việt Nam. Nó chỉ được xuất hiện như một gam màu phụ trong bức tranh sử thi cách mạng. Chẳng hạn, trong trường ca Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh đã tái hiện bức tranh hoành tráng của những binh đoàn làm nên chiến thắng vĩ đại. Tuy nhiên, tác giả cũng lồng ghép vào bức tranh sử thi ấy hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhoi ở hậu phương không thấy chồng trở về:

Hai mươi năm chị tôi đi đầy đò
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền

Một trong những nhà thơ tiên phong nhìn nhận lại những mặt được - mất của chiến tranh là Chế Lan Viên:

Mậu Thân hai nghìn người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi. (…)
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau
mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
                                         (Ai? Tôi!)

Những nhà thơ từng khoác áo lính cũng nhìn thấy được tính hai mặt của tấm huân chương. Đứng Trước tượng đài Ki ép, Nguyễn Duy chiêm nghiệm:

quằn quại những con đường dĩ vãng
lót chân người dằng dặc máu xương 

Tố Hữu - người có giọng thơ sử thi cường tráng nhất cũng chuyển dòng cảm hứng. Trong hai tập Một tiếng đờn, Ta với ta, có rất nhiều bài được viết bằng giọng điệu thế sự. Ông than thở tình người đen bạc, thay đổi khôn lường. Ông băn khoăn trước lối sống thực dụng đang tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm:

Đời đâu phải thị trường nhân phẩm
Gian ác mang mặt nạ thánh hiền
Tình nghĩa cũng theo thời lạnh ấm
Bạc vàng đo giá trị, sang hèn?
                  (Chân trời mới)

Cảm hứng thế sự và đời tư là hai yếu tố cấu thành nền văn học phi sử thi. Cả hai cảm hứng này đều phổ biến trong văn học Việt Nam sau năm 1975.
3. Thơ thiên về bộc lộ cảm xúc đời tư của cái tôi cá nhân phức tạp, bí ẩn, vô thức

Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, thơ Việt Nam đã quay trở lại cảm hứng đời tư đã có từ trước đó nhưng dĩ nhiên, có sự cách tân đổi mới trên nhiều phương diện.
Thời chiến tranh, thơ Việt Nam phổ biến cái tôi - công dân mang những phẩm chất chung của cộng đồng. Trong môi trường sử thi, con người cá nhân không có dịp bộc lộ.
Chủ thể trữ tình thường tách mình ra khỏi cộng đồng. Nó thường mang cảm giác cô đơn, sầu bi, không thể tâm sự cùng ai những nỗi cảm thương của mình. Nó là một con người cá tính, không chịu sự ràng buộc của xã hội, gia đình, thậm chí cả tình yêu đôi lứa. Ta thường gặp những tiếng than thở cô đơn như:

Một mình cô đơn và trống trải (Lê Lâm)
Một mình anh thức dậy đợi mặt trời (Việt Hà)
Tôi trần trụi như một thân cây (Bùi Chí Vinh)
Một mình em thơ thẩn với trăng (Hiền Phương)
Ta lang thang khắp phố phường
Người đông lòng vẫn lạnh lùng phố ơi

              (Nguyễn Thị Thu Hồng)
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn 
                      (Tố Hữu)

Thơ cách mạng thời chiến tranh không mang âm hưởng buồn nhưng thơ sau Đổi mới thường mang âm hưởng buồn. Nhưng nỗi sầu của con người rất đa dạng. Có những nỗi buồn rất khó gọi tên, khó diễn tả, phức tạp, bí ẩn. Như “Nỗi buồn của chiếc bóng” của Phạm Thị Ngọc Liên:

Nhiều khi nỗi buồn của tôi như sợi len dài
quấn xiết vào trái tim hỗn loạn (…)

Thơ Việt Nam thường nói đến cõi sâu vô thức, bí ẩn của tâm linh con người. Trong Đêm ngụ ngôn, Từ Dạ Thảo đã vẽ nên giấc mơ siêu thực:

… những giấc mơ trò chuyện cùng nhau
… những giấc mơ gặp gỡ rồi chia tay
rời bỏ căn nhà thân xác tạm trú
… những giấc mơ mơ thấy mình lạc lối

Nhiều nhà thơ quan niệm thơ là tiếng nói tâm linh bí ẩn, là dòng chảy của tiềm thức. Phan Hoàng xem thơ như một Hộp đen báo bão. Nó bí ẩn giống như dòng chảy của tiềm thức con người. Muốn hiểu thơ, phải làm thao tác giải mã.

hộp đen con tàu bất an
lưu giữ những giấc mơ chênh vênh tiềm thức
những giấc mơ chênh vênh
như con người vốn chênh vênh
giữa thiên thần và ác quỉ

Đời sống tâm linh của con người vốn bí ẩn. Nội cảm phức tạp ấy lại được chuyển tải qua những ký hiệu ngôn từ đa nghĩa. Bởi vậy, phải chăng độc giả phải có trình độ thẩm mỹ cao mới có thể hiểu được thơ Việt Nam thời kỳ Đổi mới?
4. Quan niệm thơ là trò chơi chữ nghĩa

Trong thời hòa bình, quan niệm về hình thức thơ rất đa dạng. Nhiều người xem thơ là sân chơi chữ nghĩa. Giá trị của bài thơ nằm ở sự mới lạ về hình thức nghệ thuật. Những người đi đầu là những nhà thơ lão thành như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường… Sau gần 30 năm lạc điệu giữa môi trường sử thi, họ bắt đầu tung tẩy ngòi bút trở lại. Dương Tường xem Trần Dần là “nhà cách tân số một”, “Trần Dần dân chủ hóa chữ, hoán cải tương quan chữ, tìm những tương quan mới cho chữ cũ”. Có thể thấy lối thơ ấy trong Mùa sạch:

Anh vẫn tìm em qua chiều chủ nhật sạch
Qua công viên trong vắt sạch
Qua đèn hàn hạt sạch
Qua lưng vai thăn thắt sạch
Qua ngày ngăn ngắt sạch
Tìm em

Họ không còn coi trọng vấn đề văn học phản ánh hiện thực, không quan tâm tới nghĩa đen, nghĩa thực của câu chữ. Giá trị của từ không phải là nghĩa thực của nó mà sự gợi tưởng của nó, tức là bóng chữ. Nhiều nhà thơ không bằng lòng với những con chữ có sẵn từ xưa nay. Họ sáng tạo ra những con chữ mới, mặc cho nó vô nghĩa. Trong bài Noel 1, Dương Tường sáng tạo ra một kiểu thơ có thể cảm thụ bằng nhiều giác quan. Có nhiều từ lạ lẫm mô phỏng âm thanh của phố xá. Cách sắp xếp độ dài ngắn các câu cũng tạo ra những ấn tượng thị giác, kích thích trí tò mò:

Nen ren em quen
Em về phố lặng
Lòng đổ chuông
llềnh lluềnh nước

Nhiều nhà thơ thiên về lối biểu đạt ẩn dụ, siêu thực. Họ ghép các từ ngữ khác trường nghĩa lại với nhau, tạo ra hình ảnh mới lạ làm cho câu thơ mơ hồ, đa nghĩa. Trong bài Biển bốc cháy của Vi Thùy Linh, các biểu tượng biển, núi gợi lên những hình ảnh tính dục:

Biển bốc cháy
Những núi vú ưỡn lên nóng bỏng
Những núi vú non tơ sáng rực
Định hướng lại mọi luồng hải đăng

Trước đây, người ta xem thơ như là một phương tiện để chuyển tải tư tưởng tình cảm. Nay, nhiều người xem thơ như một trò chơi sáng tạo. Họ nắn từ ngữ thành những hình thù khác nhau. Bởi vậy, đến với thơ trẻ là đến với những trò chơi chữ nghĩa bất tận. Ở đó, chỉ có luật chơi chứ không có luật thơ.
5. Mở rộng quan niệm thể loại thơ

Đi đôi với việc đổi mới ngôn ngữ thơ, người ta cũng mở rộng quan niệm về thể loại thơ. Thể thơ lục bát vẫn tiếp tục được sáng tác nhưng biến thể rất nhiều. Trước hết, nó gia tăng yếu tố trào phúng, ngôn ngữ bụi bặm, lệch chuẩn. Tác giả đã làm lạ hóa câu thơ lục bát bằng cách ngắt nhịp bất thường, tốc độ đọc nhanh - chậm, viết hoa - viết thường, không thụt đầu dòng…
Thể thơ tự do được sử dụng khá nhiều. Mỗi nhà thơ có một lối thể nghiệm riêng trong thể thơ tự do, như Nguyễn Quang Thiều, Phan Huyền Thư, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phạm Sỹ Sáu, Phan Trung Thành… Sự sáng tạo thể thơ tự do chủ yếu thể hiện ở lối vắt dòng, ngắt nhịp và tạo hình cho bài thơ.
Thơ Hai kư vốn là một thể thơ truyền thống của Nhật Bản nhưng ngày càng phổ biến khắp thế giới. Ở Việt Nam, thơ Hai kư được đưa vào chương trình môn Văn bậc trung học. Nhiều nhà thơ, nhà giáo đã vận động sáng tác một thể loại mới là thơ Hai kư Việt. Hiện nay, Câu lạc bộ thơ Hai kư hoạt động rất sôi nổi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và có chi nhánh ở nhiều tỉnh.
 Thơ văn xuôi đã được sáng tác từ thời Tiền chiến, tuy nhiên, chưa phổ biến. Sau Đổi mới, thơ văn xuôi mới phát triển mạnh mẽ và có nhiều hình thức tồn tại rất đa dạng. Mỗi nhà thơ sáng tạo cho mình một hình thức thơ văn xuôi không giống ai: Nhân chứng của một cái chết (Nguyễn Quang Thiều), Ô mai (Đặng Đình Hưng), Bài thơ hai từ (Trần Tiến Dũng), Mười bài tập mùa xuân (Mai Văn Phấn), Phóng đãng của trí nhớ (Nguyễn Quốc Chánh)…
Trước đây, trong văn học Việt Nam, đã có hiện tượng thơ song ngữ Hán - Nôm do tác giả tự dịch. Từ những năm 1980 trở đi, hiện tượng thơ song ngữ trở nên phổ biến hơn. Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam dịch tác phẩm của mình sang tiếng Việt, như: Bàn Tài Đoàn, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Vi Hồng Nhân, Triệu Lam Châu… Thứ hai là những tác giả người Việt dịch thơ mình ra các thứ tiếng Nga - Anh - Pháp… Chẳng hạn như: Thái Bá Tân, Lê Trọng Bổng, Nguyễn Văn Âu, Đào Anh Kha, Vi Thùy Linh… Hiện tượng thơ song ngữ khác thơ dịch ở chỗ, tác giả tự sáng tác bằng tiếng Việt và tự dịch ra tiếng nước ngoài. Tức là, tác giả sáng tác hai lần bằng hai thứ tiếng khác nhau. Trong xu thế hội nhập thế giới, thơ song ngữ ở Việt Nam sẽ ngày càng có cơ hội phát triển nhiều hơn.
Nhìn chung, thơ Việt Nam sau năm 1975 đã cố gắng phá vỡ những khuôn khổ cứng nhắc của nền văn học sử thi. Nó đi tìm một lối thể nghiệm mới trên phương diện ngôn ngữ và thể loại. Dẫu rằng trên hành trình tìm kiếm hình thức mới, các nhà thơ tân hình thức, thơ trẻ luôn gặp những cặp mắt kỳ thị, những lời giễu cợt phản bác. Có thể những cuộc thử nghiệm của nó thành công hoặc thất bại. Nhưng những thanh âm mới mà nó đệm vào dàn nhạc thơ ca dân tộc vẫn có những tiếng vang nhất định.

GV khoa Xã hội, trường ĐH Sài Gòn




Xem tiếp…

CHÙM THƠ CỦA TÁC GIẢ Trần Nguyên Phúc (Hải Phòng)

8:44 PM |
Nhà thơ: Trần Nguyên Phúc
Bút danh: Phúc Nguyên. (Ngày sinh: 28 tháng 2 1950)

ĐT: 01689 746 575
Quê quán: thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng
huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

TỰ KHÚC

Ngoảnh lại xôn xao mùa Thu
Heo may vò xoăn lá biếc
Đồng xa đắm đuối cánh cò
Chân mây chớp giật

Đặt bàn tay lên ngực
Biết điềm tĩnh hơn
Mùa Thu mà cau còn non
Sao lá trầu vội vàng sương muối

Người mê mải cuốc cày quên buổi
Quên cả người đợi dưới trăng ngàn
Tự nhủ sông Hàn xoay nhịp cầu Hàn
Mà nghẽn rác rều ngày lũ quét

Sống chưa hết những điều thua thiệt
Liệu còn mang trái nợ sang mùa
Nắng đổ lửa trên vòm tháp cổ
Mơ xương rồng trổ hoa

Thấp thỏm ngày đón đợi sân ga
Mà lảng tránh ánh nhìn xao xuyến
Ba mươi năm chất chồng kỷ niệm
Nhóm lửa rừng xa cháy ở lòng

Những thân cây vùi dập bão dông
Còn kịp vặn mình chồi lộc mới
Đời sao ngọt ngào lời nói dối
Mặc nhiên đất thở hồn Thu.

KHOẢNG LẠ

Bồng bềnh theo áng mây trôi
Đỏ sông còn rắc nửa trời sương bay
Tảo lam xanh biếc đường này
Cả cơn sóng dữ cho gầy cói hoang

Người đâu bưng phố đến làng
Áo con gói ngực bãi vàng cát phơi
Cái còng khoe gọng xuân tươi
Tỉnh tình tinh quét đỏ trời chiều hôm

Vẩn vơ dõi lớp sóng chồm
Bến giờ sao vắng cánh buồm chân mây
Làng chài thưa cột đáy lay
Đã xưa tít tắp những ngày buồm dong
Mải ham con nục con hồng
Cạn ngày gỡ lưới bòng bong đem về.

BÓNG CHIỀU

Ngựa trắng nắng buộc đồi hoang
Rũ bờm gõ móng bụi vàng dốc xưa
Gập ghềnh chiều vắng hoa mưa
Tôi vồi vội xế em vừa vào thung

Lao xao hoa lá mấy từng
Thả hương cho cánh ong rừng nghiêng chao
Mặt chiều quẫy động làm sao
Tình thơ giăng mắc ý vào hư vô
Ngổn ngang tam đảo ngũ hồ
Bóng chiều nhuộm tím vai bờ sóng xanh.

RƯỢU BÀU SEN
“Cho Tư Hà”

Thả bộ Bàu Sen tìm lại
Lá sen non mướt búp tay mềm
Chênh chao chiều phố núi
Em ngực đầy mắt men

Ly này vơi làm quen
Sao vun đầy quãng nhớ
Chạm tay rừng xưa mười năm bom lũ
Ta cảm hương em gần

Gặp được người nhưng không gặp tuổi xuân
Mưa lấp vết bom, lũ mòn dấu đạn
Ta đành lòng đổi chiều làm sáng
Quên nỗi buồn xanh

Nào cạn!
Giọt nồng tan trên môi anh
Giọt đắng lắng mắt ấy
Mùi cá nướng dâng thơm ngậy

Sẻ chia ấm mềm
Đầy đặn thế
Không thể chối từ em
Ô hay! Bạc đầu run rẩy

Cái ngoắc tay trăm phần trăm
Cái nhìn lạ quen
Quán lá sàn tre bập bềnh hắt sáng
Chầm chậm chiều
Ướp mặt vào Sen...

Quảng Ngãi, 23.07.2011.


TRẦN NGUYÊN PHÚC



Xem tiếp…