ĐÀ NẴNG TRONG TRÁI TIM TÔI - Bút ký của Phạm Thị Hải Dương

12:56 AM |
Tôi vẫn giữ thói quen đến sớm hơn giờ hẹn mỗi lần gặp Trình ở Papa Container cà phê. Quán nằm ở góc giao giữa Tân Trào và Thanh Tịnh, cách chỗ tôi trọ học chừng một cây số. Đây là một trong số nhiều không gian cà phê ở Đà Nẵng mà hai đứa tôi thường hay lui tới, từ ngày quen biết nhau. Papa Container quyến rũ các bạn trẻ bởi lối thiết kế không gian mang hơi hướng cổ điển, điểm xuyến hơi thở của Paris hoa lệ. Ban đầu, tôi không mấy hạp với Papa Container cũng như nhiều thứ khác ở Đà Nẵng. Mang theo gót chân còn đỏ màu đất bazan về phố, tôi như đứa trẻ dùng dằng sau cánh cửa nhà quê, trước vùng trời cao rộng đang hiển hiện trước mắt. Bốn năm trước, tôi gặp Đà Nẵng lần đầu tiên vào tháng Chín. Khi ấy, vài cơn mưa lay phay thảng hoặc ghé ngang thành phố. Nhìn mưa rụng xuống sân kí túc xá, tôi da diết nhớ mùa mưa năm nao. Chị em tôi nép sau lưng ngoại, chực cho được miếng tóp mỡ mằn mặn vị mắm quê, bên ngoài mưa lót ngót trút lên gian bếp nhỏ. Nửa năm hơn, tôi thở bằng hoài niệm. Nhìn nắng nhớ mùa lên rẫy mót sắn mì, bàn chân dại đi vì đất nóng. Đêm chụp xuống, tôi ngồi ở hồ sen kí túc xá nhìn ra Quốc lộ 1. Đêm vàng lắm, tôi cố xé ánh sáng lạnh căm của hàng cột đèn trơ trọi đứng giữa tim đường, tìm cho được vầng trăng mát ngọt sau vườn nhà ngoại, nhưng tịnh không có. Có ngày thèm cà phê, tôi tấp xe vào quán bên đường. Bàn nhỏ thó, đặt san sát nhau. Phim nước ngoài không lồng tiếng, người nói chuyện bốn phía, dòng xe lớn, nhỏ ngược xuôi trên đường…ly cà phê tự dưng nhạt thếch. Tôi không dỗ được trái tim ngỗ ngược của mình, nó quày quả bỏ ra khỏi quán ồn ào, ngược về vườn cà phê cũ. Nơi giọng Quang Dũng thổn thức trên vòm lá xanh “Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố/Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ…” (*)
(*) Lời ca khúc Cho đời chút ơn, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Tôi tưởng mình như công tử Mộng Long, lỡ “ăn sim rừng, uống suối nguồn” của sơn nữ Phà Ca nên suốt đời nặng nợ núi rừng. Sau bận đêm ngày thương tưởng quê hương, tôi len lén nghĩ, dù sao cũng mang tiếng là công dân của thành phố, nhỡ có ai hỏi gì về Đà Nẵng, mình mà lớ ngớ thì biết rúc vào đâu? Sợ bị…quê độ nên tôi lân la trên mạng internet, nắm vài thông tin cơ bản nhất về thành phố. Mới đầu, tôi không biết gì về Đà Nẵng ngoài những cụm khô khan: “…đầu biển cuối sông”, “5 không”, “3 có”, “…đầu tàu kinh tế của miền Trung” hay câu ca “Quê em đất rộng dân nghèo/Có hòn Non Nước, có đèo Hải Vân”.v.v. Tôi thuộc lấy vài tuyến đường quan trọng, một số điểm du lịch cần trải nghiệm, vài món nổi tiếng mà Đà Nẵng có trên bản đồ du lịch. Rất cơ bản và mô phạm. Nhưng đấy đã là câu chuyện của dĩ vãng, trước khi tôi gặp Trình. Cuộc đời khéo đưa đẩy để chúng tôi cùng hòa mình trong dòng chảy văn – báo ở mảnh đất có dòng “Hàn giang xanh biếc”. Trình chính là người thuần hóa được trái tim chỉ biết đập bằng hoài niệm của tôi. Biết Trình ba năm, tôi chưa từng nghe anh thốt ra những điều, đại loại như anh yêu Đà Nẵng. Song cứ nhìn cách anh áp thân người phía trước vào lan can phía bờ Tây sông Hàn, miệng lẩm nhẩm theo điệu tango “Chiều Đà Nẵng” phát ra từ chiếc loa nhỏ phục vụ du khách về đêm tôi cứ ngỡ anh là con của đất “Mùa hoa lử rụng cũng vừa sang thu.”(*)
(*) “Đêm sao – Vọng Hải đài” của Vũ Minh
Hôm trước, lúc bàn xong đề tài mới với tôi, trước khi đứng dậy ra về, Trình đột nhiên cười méo xẹo: “Chỉ có Đà Nẵng mới chiều được em!”. Tiếng động cơ Ducati Monster 796 khuất rồi, tôi vẫn còn nghĩ về lời chủ nó. Tôi nhớ, lần ngồi cạnh nhau ở nhà hát Trưng Vương, trong lúc chờ Khánh Ly hát bài tiếp, Trình chắm chúi vào một điểm nào đó trên sân khấu, anh nói với tôi mà như tự thoại với mình: “Em là thứ hỗn hợp được tạo thành từ hai loại nguyên liệu bất nhất: trẻ nhỏ và đàn bà.” Ba năm, không biết bao lần Trình khốn đốn vì kiểu ba bữa nắng, ba bữa mưa của tôi. Mà hình như Trình nói đúng, chỉ có mỗi Đà Nẵng mới kiên nhẫn đáp ứng hết tất cả yêu cầu đối lập trong tôi mà thôi.  Tôi – trẻ con, thường thèm cùng Trình ngồi im ở những không gian đậm chất “vintage” như Papa Container, Lý Băng Phương, Nia hay Cộng cà phê. Hai đứa chống cằm nhìn ra đường, mỗi người đuổi theo một suy nghĩ riêng. Hôm nào thư thả, chúng tôi hè nhau trèo lên tầng hai Green & Brown trên đường Trần Cao Vân, vừa đọc sách vừa nhâm nhi trà đào. Mưa lất phất, tôi nhắn Trình ghé Pon Pas trên đường Nguyễn Văn Linh, tự gắp hai cái bánh sâu dừa, ngồi vào chiếc bàn nhỏ có bình hoa cúc Pico. Vừa ăn, vừa nhìn mưa qua khung kính lớn như mấy bạn mười hai, mười ba tuổi đang ngồi trong quán. Vậy mà có khi tôi cũng bất chợt “già”. Trình biết, mỗi lần tôi muốn nghe Trịnh hay bolero. Hai cá tính âm nhạc không có bà con gì với nhau, hệt như tôi mấy năm nay vậy. Trịnh thì đơn giản, tôi không có tiền nghe ở Da Vàng, Tiếng Tơ Đồng hay Cội Đá thì có thể đến quán Hằng. Hằng nằm khiêm tốn ở K61/11A Nguyễn Lương Bằng, hai ba cây guitar acoustic và những người say mê Trịnh, hoặc chưa thể hiểu hết những điều Trịnh kể với đời, như tôi. Còn với bolero, tôi có thể nghe ở Tiếng Dương Cầm hoặc nghe “ca sĩ nghiệp dư” ở các quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành. Tôi nhắc nhiều đến cà phê Đà Nẵng bởi một phần cuộc sống của tôi, Trình và cư dân thành phố hầu như gắn với thú vui này. Mà nói cho trúng, cà phê Đà Nẵng không chỉ là thú vui lúc nhàn tản. Nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Đà Nẵng. Nhìn vào đây, bạn bè xa gần có thể cảm nhận được một phần sinh hoạt văn hóa của người Đà Nẵng, đặc biệt là giới trẻ. Tự bao giờ, tôi đã thương kiểu ngồi nhâm nhi cà phê mà phải chia nhau từng centimet không gian, hít hà hơi người mỗi lần đến Long, đến Phố… Tôi và Trình, cũng có lúc với đôi người bạn khác, thường ới nhau rất gọn: “Hàn phố lẹ mi ơi!” Chúng tôi ngồi chen giữa một bác trung niên chắm chúi đọc báo. Một gã vận pull bạc thếch, quần jean sờn, phì phà thuốc lá. Bàn bên cạnh, dăm bảy cậu sinh viên đang tập trung vào tờ giấy A0 nhì nhằng nét vẽ. Đấy là cà phê cóc, nơi những phận đời khác biệt dường quyện vào nhau. Cà phê Đà Nẵng bây giờ đã “chuyên biệt” hơn. Cà phê dành riêng cho các bạn trẻ, cho giới kinh doanh, cho văn nghệ sĩ…Đà Nẵng giờ này như người phục vụ ý nhị khéo chiều lòng từng vị khách với cá tính và sở thích khác nhau.
Từ ngày bị Trình “dụ khị” bới móc hết đường lớn ngõ nhỏ ở Đà Nẵng, tôi không còn phải miễn cưỡng tìm hiểu về thành phố tôi đang sống để đối phó với lương tâm như trước nữa. Tôi thật sự phục tâm sức người Đà Nẵng dành cho “Thành Thái Phiên” kiêu hùng. Trình có tặng tôi vài bức ảnh của Đà Nẵng trước khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Còm cỏi, chậm chạp và nhếch nhác là ba tính từ Trình và tôi thống nhất miêu tả Đà Nẵng qua loạt ảnh ấy. Thỉnh thoảng tôi lại giở ra xem, so sánh với Đà Nẵng hiện tại để tin vào sự phát triển thần kỳ của thành phố.  Hai mươi năm qua, Đà Nẵng đã thật sự dọn mình vươn lớn, trở thành một “chàng thanh niên” cứng cáp, thoát khỏi diện mạo ốm yếu, còi cọc buổi đầu. Đà Nẵng thật sự đã đứng vững trong lòng bạn bè trong và ngoài nước. Trăm người dễ cả trăm biết thương hiệu về quy hoạch đô thị bền vững, gắn với sự phát triển tự nhiên của môi trường sinh thái của Đà Nẵng. Người khác nhớ Đà Nẵng vì sự năng động, trẻ trung của thành phố với những trục đường khang trang, những cây cầu độc đáo, các khu đô thị, khu du lịch, nghỉ dưỡng hai bên bờ sông Hàn lộng gió, kéo ra tận ngoại vi thành phố. Và cứ nhắc nhớ đến Đà Nẵng, hẳn nhiên ai nấy đều ấn tượng với những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn bàn tay và khối óc của con người nơi này. Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) là một ví dụ. Năm rồi, tôi được may mắn cùng Trình dự đưa tin từ khi khai mào lễ hội. Đà Nẵng mùa pháo hoa no đầy người xe. Đêm trình diễn, chúng tôi và nhiều anh em báo chí khác được bố trí địa điểm đẹp nhất để phục vụ công tác truyền thông. Trình muốn tôi tập trung thưởng thức pháo hoa mà không phải lăn tăn chuyện hình ảnh. Đêm ấy, dưới vòm trời sáng rực ngày kỉ niệm giải phóng thành phố, dòng Hàn giang đón nhận vũ điệu của ánh sáng và âm nhạc. Hai bên dòng sông Hàn như một bữa tiệc lớn đa sắc, đa thanh. Mỗi đội thi mang về Đà Nẵng một phong cách trình diễn khác nhau. Những gương mặt cười đứng bên nhau. Tiếng của cảm xúc vỡ tràn từ dòng người mỗi lần một đốm pháo bung tóe trên sóng nước. Tất cả như đang thả mình vào đêm lung linh kì ảo. Hội tan, chúng tôi vẫn ngồi yên ở tầng cao nhất của tòa nhà, đợi dòng người dưới chân thưa bớt. Trình không còn giữ kiểu hỏi chuyện như tự thoại với thinh không, anh quay qua tôi, từng lời mồn một: “Mấy tháng nữa tốt nghiệp, Mây tính ở Đà Nẵng hay về quê?” Câu hỏi của Trình cũng là câu hỏi của tôi. Tôi chưa từng nghiêm túc quyết định sẽ về chốn nào. Nhưng mỗi việc nghĩ đến ba tháng thực tập phải xa Đà Nẵng, tôi nghe lòng cồn cào không dứt. Đà Nẵng có gì để níu chân tôi? Không rõ nữa. Hà cớ gì phải buồn, phải nhớ! Trình nói với kết quả học tập của tôi, ở lại Đà Nẵng theo chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là không vấn đề. Tôi cũng từng tìm hiểu việc Đà Nẵng thu hút nhân tài bằng hàng loạt ưu đãi, kể cả việc đưa đi học tập ở nước ngoài theo Đề án 922. Nhiều người ngoại tỉnh có được việc làm ổn định và trở thành công dân Đà Nẵng nhờ chính sách đãi ngộ của thành phố. Đà Nẵng là thành phố mở, sẵn lòng thay đổi để phù hợp với xu thế vận động và phát triển chung. Đà Nẵng luôn sẵn lòng giữ lại những ai đủ tình yêu với thành phố. Tôi có đủ duyên để lưu lại hay không? Thời gian xa Đà Nẵng đã cận kề, có thể mùa pháo hoa với Trình là lần cuối tôi được thấy mình thăng hoa theo bản hòa tấu nhạc nước của thành phố. Tháng trước, trước khi đi công tác, Trình có gửi mail cho tôi, vỏn vẹn: “Điều gì khiến em không thế xa Đà Nẵng?” Sau đó, anh gọi và hẹn tôi trả lời ở Mây cà phê khi anh trở về.  Điều gì khiến tôi ray rứt nếu một ngày kia rời Đà Nẵng? Cùng thành phố lớn lên từng ngày, tôi đâu quên được những khi để mình tạm xa phố trẻ rộn ràng. Lúc ấy, tôi chạy xe từ Hòa Khánh, qua Điện Biên Phủ, rẽ phải Nguyễn Tri Phương, vòng qua bùng binh gặp Nguyễn Văn Linh, qua cầu Rồng, nhằm hướng Ngũ Hành Sơn. Lần nào đến đây, tôi cũng thích đi bộ để tận hưởng cảm giác cái bí bức, oi nồng của mặt đất tan biết, hơi lành lạnh phả vào da thịt. Trình đùa, chắc tôi sắp lên tiên. Phải rồi, tôi say bầu không khí uyên nguyên thoát tục của Non Nước – Ngũ Hành Sơn. Tôi tưởng mình như nữ sĩ họ Huỳnh (*): “Khách trần mơ cảnh Thiên thai/Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non”. Tôi làm sao quên được những buổi tối hiếm hoi cùng Trình đi thưởng thức sân khấu nghệ thuật cuối tuần ở phía đông cầu Rồng. Ai đó hát, đến bây giờ còn xói vào lòng tôi mỗi lần nghĩ tới lúc phải xa Đà Nẵng: “Có qua bao lận đận, mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình...” (**)
(*) Nữ sĩ Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 – 1982)
(**) Lời bài hát Đà Nẵng tình người, sáng tác Đình Thậm
Tôi đã suy nghĩ nhiều ngày, lật lại hết kỉ niệm và cuối cùng cũng đã có đáp số cho Trình, và cả bản thân mình. Tôi không thể xa nơi này, tuyệt nhiên không. Vì thành phố giữ tôi bởi những người như Trình – người Đà Nẵng.  Tôi vẫn thầm cảm ơn đời, ít nhất đến bây giờ, đã ưu ái để tôi được sống và đi, được trải nghiệm và thể hiện trên trang viết. Sau nhiều lần gặp gỡ, hỏi chuyện từng nhân vật “khác người”, cả tôi và Trình đều thống nhất kết luận rằng: Người Đà Nẵng rất… đáng yêu. Năm 2014, bắt đầu “thò tay” viết báo, nhân vật đầu tiên tôi gặp là một chú làm nghề sửa xe góc đường Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập. Chuyện thường ngày ở huyện nếu chú không treo bảng bơm vá miễn phí cho học sinh, người khuyết tật, người nghèo, kèm cả số điện thoại di dộng. Chú đã giúp không biết bao nhiêu người trong suốt mười ba năm qua.  Mới hôm qua, tôi đọc được câu chuyện rất nhân văn trên mạng xã hội facebook về người Đà Nẵng. Chị dẫn con đến khu vui chơi của Indochina rồi lơ đểnh thế nào bỏ quên chiếc ví, bên trong gần ba mươi triệu tiền mặt. Anh nhặt được, thông tin lên fanpage “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” và đã tìm lại được khổ chủ. Trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” vốn là kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân và du khách, do bốn lãnh đạo Sở của Đà Nẵng quản lí, xử lí các vấn đề văn hóa, văn minh đô thị…Đây là một trong hàng loạt những điểm thú vị Đà Nẵng mới có mà thôi. Kể chuyện dễ thương của người Đà Nẵng thì biết bao giờ cho hết. Riêng chiều nay, tôi đang đợi Trình để bàn cách viết sâu về nhóm bạn trẻ cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần cầm tấm biển “Ask Me Anything" (Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì)” đứng ở tuyến Bạch Đằng. Từ tháng 5/2016, nhóm bạn này xuất hiện để giúp khách nước ngoài các thông tin: đường sá, địa điểm ăn uống, văn hóa, lịch sử, đi đâu, làm gì...ở Đà Nẵng, miễn phí hoàn toàn. Rồi chuyện một nhóm sinh viên của một trung tâm ngoại ngữ, hai tuần một lần “tiếp tế” bánh bao, hoa hồng cho cảnh sát giao thông và lao công. Chuyện một cô giáo ngồi xe lăn quanh năm kèm trẻ con học ở vùng biển heo hút Xuân Thiều. Chuyện một ông già cắm chốt phía mạn bắc đèo Hải Vân, chuyên vá sửa xe, cứu nạn người kém may mắn… Trong nhiều câu chuyện mà tôi may mắn được biết, có một trường hợp tôi mãi không thể quên. Ấy là việc thiện nguyện của các bạn trẻ thuộc dự án “Một bức tranh – Nhiều hi vọng.” Trong suốt một thời gian dài, đều đặn các bạn tổ chức “Hát cho bệnh nhân nghe” ở bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng vào chiều chủ nhật. Các ngày khác, các bạn thay nhau mang sách, báo đến từng phòng bệnh, cho bệnh nhân mượn đọc. Các hành lang bệnh viện, các bạn treo những bức tranh về thiên nhiên và khát vọng sống của con người để kích thích tinh thần cho người bệnh. Sau này, các bạn còn khiến tôi khóc khi gửi tôi đoạn video clip các bạn treo tóc giả cho nữ bệnh nhân. Thì ra, mỗi chủ nhật mời bệnh nhân xuống sảnh bệnh viện xem văn nghệ, thấy các cô tự ti vì không còn tóc do hóa trị, xạ trị, các bạn đã vận động mọi người tặng tóc, làm tóc giả tặng các cô. Trong clip các cô cười sảng khoái, khoe có tóc rồi tha hồ đi…ăn đám cưới.  Nhìn các cô, tôi lại nhớ anh chàng một chân chuyên chơi trống cajon ở cà phê Mercury, 02B Nguyễn Thị Minh Khai. Anh chàng này là điển hình sống động vượt qua căn bệnh ung thư nhờ bài thuốc lạc quan. Và tôi biết, từng ngày, những bạn trẻ Đà Nẵng đang túc trực “điều trị” cho hàng loạt nạn nhân của ung thư, bằng sự lạc quan, yêu đời, yêu người tỏa ra từ các bạn. Nắng đã ngủ yên, tôi vẫn đang ngồi ở chốn cũ, những giọt nước đọng bên ngoài ly matcha trà xanh đã tan hết. Những lúc đợi Trình thế này, tôi có thời gian ngẫm nghĩ về Đà Nẵng như chiều nay. Đà Nẵng đã cho tôi nhiều trải nghiệm buồn vui, cho tôi một người bạn đáng quý như Trình. Người Đà Nẵng, hằng ngày, giúp tôi tôn tạo niềm tin với cuộc đời. Giờ đây, tôi cất quê hương vào một góc trái tim thì mới có thể đón nhận Đà Nẵng. Cũng như Đà Nẵng rồi sẽ phải cất giữ những thành tựu sau ngày sinh nhật hai mươi tuổi “độc lập”, để sẵn sàng kiến tạo những thành tựu mới mẻ, đáng tự hào hơn.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
(Nguồn: tạp chí Non Nước số 229, 12/2016)


Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Huyền Thư

1:20 PM |
Nhà thơ trẻ: Huyền Thư, tên thật: Tăng Thị Huyền Anh. Quê quán Đông Hưng, Thái Bình; hiện đang học tập và làm việc tại Wellington, New Zealand.
Bài thơ “nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?” tác giả Huyền Thư được trao giải thưởng cuộc thi thơ trẻ New zealand. Thơ Huyền Thư cũng đã xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí trong nước. Thơ Huyền Thư là tiếng lòng của những người làm thơ trẻ hôm nay, với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen, đó là những rung động tuổi trẻ, những nỗi niềm của người con xa quê, tình cảm đối với cha mẹ và cõi lòng khắc khoải đến tận cùng biển trời quê hương. Và còn có những gam màu đẹp và lãng mạng trong những dòng thơ của Huyền Thư ở chân trời mới: Nhưng tôi vẫn chờ tiếng thì thầm từ Châu Đại Dương/ Chờ đôi mắt em thốt lên những điều dịu dàng nhất/ Hơi ẩm gió mùa mang làn hương sự thật/ Còn tôi thương em... như một lẽ rất đời.
Phan Nam xin trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm tiêu biểu:

SÂU TRONG MẮT EM

Nếu đôi mắt nói được nhiều như thế
Thì em cứ việc lặng im thôi
Tôi sẽ thức quá nửa đêm để thấy
Có thứ mỏng manh hơn tinh tú trên trời

Khi tôi hỏi chuyện cỏ cây, mặt đất
Ngày chỉ tôi đi về phía mùa trăng
Trong những hôm mà muôn loài thức trắng
Xem đom đóm đêm đốt một trời rằm

Tôi nhìn thấy những đốm màu đức hạnh
Tất cả nổi lên giữa một nền đen
Hình như rõ một giọt buồn trong vắt
Khi tôi trót nhìn vào sâu mắt em.

MÙA HẠNH PHÚC TRẦN TÌNH CƠN MƠ CŨ

Đưa nhau về với hồi ức thời gian
Mùa hạnh phúc nằm trong ngàn thương nhớ
Đêm hôm qua con mơ mình nhỏ bé
Mẹ ba mươi đội vạt nắng quái chiều...
Mái ngói một đời mặc áo rong rêu
Kể cho ai nghe chuyện trần thống khổ?
Quả na nứt một hàm đen cười như thể
Qua bão giông vẫn nhân hậu giống bà
Con chắc mình hát gì đó ngân nga
Bầu trời rộng bằng cánh đồng nước nổi
Cha đốt thuốc vẽ muôn vàn ngọn khói
Thả bao xa cũng không quá luỹ làng
Anh dắt con đi khắp nẻo lang thang
Men theo mép những con đường lầy lội
Đốt rạ đồng hun ra bầy dế trũi
Và dạy con đếm năm tháng thế này:
Một
Hai
Rồi ba!
Hoá ra trong mơ con ba tuổi mẹ à!
Căn phòng im lặng, chẳng chút thiết tha
Ra soi gương sao con giờ lớn vậy
Giường, chiếu, chăn màn vẫn còn giận lẫy
Cơn mơ đêm qua con giữ lại một mình
Con hai mươi không lời lẽ thanh minh
Mùa hạnh phúc trần tình cơn mơ cũ.

KHÓI ĐỒNG BẰNG

Khói tháng Sáu vùng trời chiều cay mắt
Gốc rạ gầy mẹ nhặt bỏ trong mơ
Con giấu đâu cho bớt những khạo khờ
Nỗi thị thành nằm rêu phong mái phố

Con đi tìm trong ấu thơ lần nữa
Bắt chuồn kim đậu bên mé bờ rào
Xem mưa chiều lộp độp phía ngoài ao
Đón cha về mang hương nồng vị khói

Lũ ve sầu hát bài ca xuyên tối
Đám trẻ con quăng pháo đất nổ đùng
Bông thiên lý giật mình cũng rưng rưng
Nở mùa hoa, ru chị nằm thao thức

Con lớn lên rõ thời gian rưng rức
Phố thị đưa xa chái bếp nhà mình
Lưng bà còng, cõng một giấc điêu linh
Nhóm lửa bao lần, ông không về lại

Con đã đi những tháng ngày mê mải
Tóc mẹ đan thêm bao sợi khói chiều
Cha thường ngồi phía đầu hè đăm chiêu
Sao con không để tóc dài như vạt khói?

Đường trở về giờ gần như muôn lối
Xác ve sầu ở lại tháng Sáu xưa
Con vẫn là con, không hết khạo khờ
Nhớ khói đồng bằng làm dài thêm tháng Sáu.

CHỜ DỊU DÀNG Ở CHÂU ĐẠI DƯƠNG

Người đàn ông tóc vàng chơi harmonica cuối phố
Bản Revoir mang hơi gió biển mặn mòi
Những nốt nhạc bắt chuyến xe chiều muộn
Ra bến tàu, hoà nhịp sóng ngoài khơi


Ở châu Đại Dương, có gì không em ơi?
Tôi thấy biển tung đầy trời bọt trắng,
Những chuyến tàu đưa hoàng hôn về đảo xa thầm lặng,
Và trong mắt mỗi người là một thế giới rất riêng


Tôi nghe mồn một chuyện mùa sang
Khi đám mây vỡ oà, đổ mưa vào thành phố
Tôi âm thầm xới tung nhánh cỏ
Cho nỗi buồn từ gốc rễ trôi đi


Vậy mà sao em chưa nói thêm gì?
Sao không kể tôi nghe nỗi lòng thân thuộc ấy?
Có phải chăng một lằn ranh ngờ ngệch
Vô tình ngăn cách em?


Nhưng tôi vẫn chờ tiếng thì thầm từ Châu Đại Dương
Chờ đôi mắt em thốt lên những điều dịu dàng nhất
Hơi ẩm gió mùa mang làn hương sự thật
Còn tôi thương em... như một lẽ rất đời.

NHỚ RẤT NHIỀU LÀ NHỚ ĐƯỢC BAO NHIÊU?

Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?
Có biết những buổi xót lòng đôi mùa lũ sông
ngập đồng, lúa chết
Khói rạ chiều quê hun hao gầy mắt biếc
Có cậu bé nhà bên bắt bầy cá diếc
Bỏ tận đáy chum như sợ tuổi thơ đi mất
cuối ngày
Về lại con đường đá sỏi mùa mưa bay
Theo tiếng sáo diều ra quá triền đê phía ngoài đầu xóm
Gặp bà cụ khuyết răng cười nguyên miệng móm
Đứng dựa gốc tre chờ mãi thằng con từ phố sắp về nhà

Nhớ rất nhiều là nhớ những ngày qua
Thiên lý nồng hương,
chiều hạ buồn mắt bão
Lũ ve sầu được mùa sục sạo
Mừng khóm hòe gần độ biết đơm bông
Hàng cây năm ấy ông trồng
Đẻ những tán xòe, tán xanh trong lòng người ở lại

Có còn đâu thơ dại?
Đủ cho nỗi đau mùa cũ tự mọc mầm
Đứng trước bóng mình để dặn nỗi trầm ngâm:
“Đừng khóc!
Vì còn dấu chân cõng muôn vàn lời hứa.”
Học tiếng vỡ lòng từ quê hương lần nữa
Để biết yêu hơn một làng xưa, nắm đất, gia đình
Rồi nơi đâu đó thuộc về hình hài cũ
Người đã biết mình là trọn một sinh linh

Trong nỗi nhớ có hạt nắng bình minh
Có dấu gót giày về trên nền gạch mốc
Trong tiếng mở cửa về cọ diêm đốt thuốc
Là trăn trở nốt xem: nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?

HUYỀN THƯ

Xem tiếp…

CÁCH TÂN THƠ VIỆT VÀ NHỮNG DẤU ẤN - Vũ Thanh Hoa

11:59 AM |
Nhà thơ Vi Thùy Linh, đại diện thế hệ thơ cách tân đương đại
Nữ nghệ sĩ Mỹ Barbra Streisand từng nói: “Nghệ thuật không tồn tại chỉ để giải trí mà còn để thách thức trí tuệ, để khơi dậy, thậm chí để làm nhiễu loạn trong cuộc tìm kiếm sự thực không ngơi nghỉ”. Và trong cuộc kiếm tìm ấy, cách tân thơ Việt là xu thế tất yếu để văn chương Việt nói chung và thơ Việt nói riêng có thể hội nhập với nền văn học hiện đại thế giới.

Những dấu ấn thơ cách tân

Trước năm 1975, tạm chia hai dòng thơ: thơ tiền chiến và thơ kháng chiến. Thơ tiền chiến từ năm 1930-1945 với trào lưu Thơ mới ghi dấu những thay đổi căn bản cho hành trình thơ hiện đại Việt Nam. Thơ mới có nhiều câu rất mới, lạ so với thơ ca truyền thống. Lãng mạn, mộng mơ và cô độc là tâm trạng chung của các nhà thơ trường phái này. Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã khẳng định: “Không lấy một người so sánh với một người, hãy lấy thời đại so sánh với thời đại. Tôi quyết rằng chưa có thời đại nào phong phú như thời đại này trong lịch sử thi ca Việt Nam. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Giai đoạn 1945-1975, đất nước trải qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đây là thời kỳ thơ ca của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khác xa với thơ trữ tình của những năm ba mươi. Thi ca hướng đến phong cách hiện thực, đại chúng. Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài suốt 9 năm đã ảnh hưởng sâu sắc đến thơ Việt. Những cây bút tiêu biểu của giai đoạn này: Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Tố Hữu… Đặc biệt, nhà thơ Quang Dũng qua “Tây Tiến” cho thấy một giọng thơ riêng biệt, hào hùng mà diễm lệ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùng
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
(Trích “Tây Tiến” - Quang Dũng)
Từ 1965 - 1975, một cao trào sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ được phát động, do đó thấm đẫm chất xã hội học và dấu ấn của văn hóa thời chiến. Một thế hệ của dòng thơ này: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Hữu Thỉnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mĩ Dạ…
Một con đường đất đỏ như son,
Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng,
Một ý chí bay ra đầu ngọn súng,
Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù
(Trích “Trên một chiếc xe tăng”- Hữu Thỉnh)
Do chú trọng đến “chúng ta”, ít nhắc đến cái “tôi” riêng lẻ nên các cá tính thơ không thật sự nổi bật trong thời kỳ này. Khi đất nước hòa bình, thống nhất từ năm 1975 đến 1986, những thể nghiệm cách tân, hay khuynh hướng hiện đại hóa thơ ca vẫn chưa thu hút được nhiều cây bút tham gia. Hầu hết các cây bút vẫn tiếp nối mạch thi pháp truyền thống và mới chỉ có một nhóm nhỏ quyết tâm đổi mới thơ mạnh mẽ.

Và cách tân của thơ trẻ đương đại

 “Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, bên cạnh những khuynh hướng bảo tồn thơ truyền thống, thơ Việt xuất hiện trào lưu mới thường được gọi chung bằng cụm từ: thơ cách tân sau 1975 - khuynh hướng này bao gồm những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô của đời sống hiện đại, từ những góc khuất trong tư tưởng, tình cảm con người, ý thức và vô thức... Những nhìn nhận, đánh giá tỉnh táo chân xác từng giá trị của lịch sử, cật vấn những thân phận người, phổ biến là tự sự, độc thoại trong tác phẩm của mình”, nhà thơ Mai Văn Phấn nhận xét. Còn nhà thơ Trần Quang Quý thì nói về thơ cách tân giai đoạn này: “Háo hức, nhiệt huyết, tư duy thơ mới lạ, trường liên tưởng sâu rộng... cả những tuyên bố khá ồn ào, to tát về cách tân thơ Việt, về việc khai tử thi pháp cũ và “chôn” truyền thống”.
Những tác giả thơ nổi bật của cách tân thơ thời kỳ này là những cây bút đã có quá trình sáng tác từ trước 1975 như: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng... và nhóm khác là những cây bút xuất hiện sau 1975 như: Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn... Sau đó, những cây bút đương đại thường được kể đến: Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài...
Ngoài kia
Tất cả thành phố cây xanh bỗng rực vàng cành khô. Lá vàng ngân nga như những át cơ hồi hộp
Căn phòng say mềm tay
Ánh vàng toát từ những lọ gốm như mồ hôi mặt trời chiều
Níu anh, em sóng...
Không thể đu lên giữ chiếc kim giờ hiện thực
Vì khuôn mặt chúng ta là chiếc đồng hồ
(Trích “Mùa thụ mầm” - Vi Thùy Linh)
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét: “Các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao. Cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc họa được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước". Cách tân thơ cũng là mang đến một ý thức mới trong việc cảm nhận thơ. Nhà thơ không chỉ làm chức năng diễn giải, mô tả hay cổ động. Nhà thơ và bạn đọc bình đẳng và đồng sáng tạo. Người đọc cảm giác được vận động trong không gian tự do với nhiều chiều gợi mở, những biên độ cảm xúc không giới hạn. Marcel Reich-Ranicki, nhà phê bình văn học đương đại Đức nhận định: “Không thể phủ nhận rằng thi ca có lúc có khả năng - cho dù không thay đổi được ngay thế giới - song có thể làm cho thế giới đó trở nên dễ chịu hơn. Vâng, nó có thể lay động con người khỏi trạng thái thờ ơ, và thậm chí có thể đánh bật nó khỏi những lối mòn tư duy cố hữu”.

VŨ THANH HOA


Xem tiếp…

BỤI CÂY TRÊN BỨC TƯỜNG XÁM - tản văn của Nguyễn Khánh Tuyết Vy

12:00 AM |
Giảng đường vắng, vài đám sinh viên ngồi rải rác. Tiết học trôi qua thật chán và vô ích, tôi ngồi bên ô cửa sổ thường lệ cho khuất tầm mắt giảng viên để giở xem những quyển sách cần thiết. Cơn đau đầu lại đến với tôi khi đồng hồ điểm bốn giờ chiều, giọng giảng bài của cô vẫn vang bên tai. Tôi ngừng đọc sách, phóng tầm mắt ra ngoài khung cửa, ra mảng trời nhỏ xíu. Giữa thành phố chật chội, bầu trời đã bị những toà nhà đồ sộ xen giữa những mái ngói và những sân thượng ngổn ngang xé nhỏ thành nhiều mảnh. Tôi tìm gió, gió vẫn thổi vi vu. Tôi tìm mây, may mắn cho tôi, trời còn sót lại một cụm mây trắng nhỏ.
Cảnh quan ngoài trời cũng không đẹp mắt chút nào! Bao nhiêu sự hỗn tạp của thành phố gom tụ về khu trường đại học, thời sinh viên chẳng lấy gì làm thơ mộng giữa khu phố ngộp hàng quán và xe cộ vốn để phục vụ cho những hành trình theo đuổi tri thức của chúng tôi, làm no bụng và làm mát cổ họng chúng tôi trong những ngày lịch học dày đặc. Đối diện khung cửa sổ tôi ngồi, một ban công đầy những sào phơi đồ và treo lủng lẳng chai nhựa đen bẩn được cắt phân nửa, bên trong chứa ít đất và trồng mấy cái cây èo uột và héo lả vì nắng. Nơi góc ban công, duy nhất một chiếc chậu to vươn ra những cành lá xanh nhạt, tươi tắn. Những chiếc lá mỏng manh như đang hát trong gió mơn man, những chiếc lá tạo nên chút sinh khí cho khoảng sân nhà nham nhở. Những cành lá của bốn giờ chiều hôm nay đánh thức kí ức bốn giờ chiều năm xưa… Một năm học cách đây gần mười năm, nhưng những cành lá hoang dại ngày đó chưa trôi khỏi kí ức tôi, một loài cây mà chẳng bao giờ tôi biết tên. Năm lớp Sáu, tôi được cô giáo cho ngồi bên cửa sổ lớp học, bàn thứ hai. Từ ô cửa nhìn ra, chỉ có một bức tường vôi xám xịt, bạc màu thời gian; đó là bức tường của rạp hát Quốc Thanh kế bên trường học. Bức tường khá rộng và dài, trên bức tường mọc ra một bụi cây sum suê gần chỗ tôi ngồi.
Tôi thích nhìn những chiếc lá mướt xanh ấy đong đưa mỗi khi trời nổi một ngọn gió dù là rất nhẹ, chưa bao giờ tôi thấy một màu xanh nào ngọt ngào, yên ả đến thế! Lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ có tâm hồn còn ngợp mộng trang cổ tích, một đứa trẻ ngây thơ nhìn đời với vô vàn ý nghĩa tuyệt dịu, nên bụi cây giản dị mà cũng mang lại cho tôi chỗ ngồi lý tưởng lắm. Vào những giờ học không cần sự tập trung cao, tôi luôn thả mắt ra phía bụi cây dại, trò chuyện với nó. Trò chuyện với loài cây; tôi không nhất thiết phải nói thành lời, không cần dùng ngôn từ để diễn đạt. Cây có thể đọc được ý nghĩ của tôi và đáp lại bằng tiếng nói rất nhỏ, cây “gật đầu” và  “lắc đầu” bằng cách phất phơ cành lá, lúc ấy, tôi thấy những cành lá giống như những cây phất trần của ông Bụt trong cổ tích. Hồi ấy, việc học của học sinh cấp Hai không căng thẳng như bây giờ. Trường tôi hồi ấy cũng không chạy theo thành tích, tôi được đắm chìm hoàn toàn trong những màu sắc xinh tươi và sáng sủa của tri thức, tri thức là một mặt trời toả ánh sáng đặc biệt, thứ ánh sáng nhiều màu. Tuy vậy, tôi cũng có không ít nỗi vui buồn. Những khi trong lòng có tâm sự, tôi đều nhìn ra những cành lá ấy để thấy chúng “gật gù” đồng cảm cùng tôi. Cả những lúc rảnh rang, tôi cũng nhìn chúng để ngỏ với chúng lời yêu thương tận đáy lòng mình. Những nhành cây hoang theo tôi suốt bốn mùa, chúng thật hiền và lặng lẽ. Nơi ô cửa đó, tôi có những phút giây bình yên và hạnh phúc nhất. Tôi cũng yêu cả màu xám xịt của bức tường, màu mà bụi và nước mưa đã tô vẽ lên bức tường. Nhìn bức tường cằn cỗi và đen đúa, tôi không khỏi khâm phục bụi cây dại. Tại sao giữa bức tường thô cứng, chỉ có bụi cây ấy mọc lên? Mà lại mọc lên một cách tươi tốt, sum suê, khoẻ khoắn, cành lá đâm thẳng ra như thách thức nắng mưa?... Tuy cũng có những nhành cây úa vàng do buổi trưa nắng gắt, nhưng tôi vẫn khâm phục bụi cây sống sót được trên bức tường cằn cỗi, bức tường luôn hấp thụ lượng nhiệt rất lớn vào ban ngày khác nào một sa mạc, vậy mà bụi cây không chỉ sống được mà nó còn đâm ra những cành xanh tốt. Những mối quan hệ bạn bè và thầy cô chiếm phần lớn tâm trí và ấn tượng của tôi. Bụi cây dại nhòa nhạt dần trong tôi khi tôi lên lớp Bảy, cô chủ nhiệm mới cho tôi ngồi ở vị trí khác. Khung cảnh sân trường, những người bạn mới đã thu hút tôi hơn những nhành cây hoang dại ngày trước.
Nỗi buồn sẽ lớn dần khi người ta ngày một lớn khôn, cho đến lúc nào đấy, người ta đủ khả năng chịu đựng được. Tôi nuôi mầm hy vọng và giữ lấy niềm tin để vượt qua nghịch cảnh cuộc sống. Tôi nhận ra mình đã sống theo cái đạo của cỏ cây hay phẩm chất kiên cường của bụi cây hoang ngày xưa mọc trên bức tường xám xịt. Kỉ niệm chỉ có tôi, bụi cây hoang dại và bức tường cũ kĩ; nhưng đó không chỉ là kỉ niệm mà đó còn là một bức tranh gợi vẻ đẹp của sức sống cỏ cây. 

NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY
Nguồn: bongtram.com


Xem tiếp…

THƠ BÂY GIỜ NHIỀU QUÁ - Bùi Kim Anh

10:51 AM |

Thơ bây giờ nhiều quá. Người làm thơ nhiều. Nhiều những tập thơ. Câu lạc bộ thơ nhiều. Nhiều giao lưu thơ. Giới thiệu thơ nhiều. Nhiều người nói về thơ… Và như vậy ranh giới giữa thơ hay và chưa hay thật khó phân biệt.

Bây giờ còn có xu hướng thơ ‘hot’ và ‘không hot’ trong có chế thị trường này nữa.

Như vậy làm thơ là một nhu cầu muốn có, khác đi là không thể thiếu ở khá nhiều người và cũng xa lạ ở rất nhiều người. Không thể dạy nhau làm thơ. Có một cháu gái vừa học chuyên văn lớp 10, nói muốn trở thành nhà thơ. Khi tâm sự cháu kể về mẹ mình – người đàn bà làm lẽ với nhiều khổ cực, cháu đã khóc và muốn làm thơ tặng mẹ. Yêu văn, có năng khiếu văn chương và đầy tâm trạng – cô gái đã có những yếu tố cần có của người làm thơ. Hãy viết đi trước khi nghĩ sẽ là nhà thơ. Đâu có thể dạy nhau niêm luật, dạy nhau vần điệu là có thể làm thơ. Học trò bây giờ cũng học về các thể loại thơ, thày cô bây giờ giảng cho trò về các thể loại thơ. Nhưng không có nghĩa các thày cô giáo văn đều làm thơ, tất cả học trò sau những tiết học lý thuyết – hay còn gọi là lý luận ấy, đều làm thơ và thành nhà thơ. Có những nhà thơ chưa qua lớp học nào do gia cảnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt mà vẫn làm thơ và làm thơ rất hay.
Vậy thơ, trước tiên do nhu cầu tự thân, tự giải thoát và bộc bạch. Hoàn cảnh sống, môi trường sống hình thành những định hướng, xu hướng khác nhau trong cuộc sống. Theo con đường văn chương hay khoa học, làm thày hay làm thợ… do bản thân chọn, do gia đình, do hoàn cảnh quyết và nhiều khi đưa đẩy như số phận – ngoắt một cái khi ra trường, ngoắt một cách khi giữa chừng, thậm chí ngoắt một cái khi cuối đời. Kể cả làm thơ hay viết văn hình như cũng định vị. Có nhà văn làm thơ được nhưng ít khi, gần như không viết, không có chủ định. Có nhà thơ cũng viết truyện, ký nhưng hình như ít thành công. Bây giờ thì có nhà viết nhiều thứ lắm – thơ, báo, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, rồi phê bình… rồi cứ nhầm lẫn chẳng biết mình viết gì hay hoặc thấy mình cái gì cũng hay. Vậy ai dạy ai viết văn, làm thơ hay tự chính mình?
Còn nữa, khi về già, đúng hơn là về hưu lại làm thơ. Hay dở không bàn mà rủ nhau làm thơ, rủ nhau tham gia CLB thơ, in thơ chung , riêng và đi giao lưu huyện này tỉnh nọ. Không bàn vì có những bài thơ hay, câu thơ hay, có những bài chỉ dừng ở báo tường, thơ cổ động nhưng đều là niềm vui, đáng trân trọng. Bộc bạch tâm tự hoàn cảnh, tiếp xúc, đi đó đây âu cũng là nhu cầu của mọi người, nhất là người lớn tuổi. Người thích đi lễ chùa, người đi sân bóng, CLB múa hát… thì có người thích làm thơ. Một đời sống tâm hồn thoát ra từ lo toan, bận rộn và cả tuổi già. Viết có vần, vỡ vần và cả không vần rồi từ từ nghe, từ từ đọc, từ từ rút kinh nghiệm và thủng thẳng làm thơ. Đó là sự vận động tự thân khi làm thơ.

Mỗi ngày có những tập thơ ra đời.

Nhà xuất bản nhiều và mọi người thường chọn NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học. Phí xuất bản cao hơn nhưng ai cũng nghĩ tập thơ của mình sẽ có giá trị vì được duyệt qua NXB chuyên ngành văn chương. Có sao đâu, mình cảm thấy vui và sướng là được. In một tập thơ là khoảng 10 triệu. Ghi khoảng thôi vì có tập giấy đẹp, trình bày đẹp, số lượng nhiều thì tốn khá nhiều tiền – khoảng 20 triệu chẳng hạn. Ghi khoảng thôi vì có tập in bình thường, số lượng ít thì giá thành thấp hơn. Người làm thơ, nói chung vốn chẳng giàu có gì. Với người có con cái tài trợ hoặc có quan hệ ngoài xã hội tài trợ thì việc in tập thơ vô tư. Còn phần lớn để in thơ là phải chiu chắt. Thơ gửi in báo phải xếp hàng vì nhiều thơ gửi tới tòa soạn quá. Nhuận bút thấp – 50.000đ/ bài, báo Văn nghệ nơi ai làm thơ cũng muốn được đưa lên thì 150.000đ/ bài, rồi báo Văn nghệ Công an, tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi báo tạp chí địa phương… nhuận bút cao hơn và ai cũng nao nức. Được in thơ trên báo nào cũng chụp hình đưa lên trang cá nhân. Thơ in tập rồi có bán được đâu – trừ một số tập thơ được coi là ‘hot’ và giỏi tiếp thị. Các cửa hàng sách từ chối hoặc nhận dăm cuốn chiếu cố và dặn – lâu lâu quay lại nhé. Thôi thì in 200-300 cuốn hoặc 500 tặng bạn bè. Mà rõ khổ, thơ mình không bán được cũng chẳng muốn mua thơ ai, chỉ thích được tặng. Có nên coi mua thơ bạn là một hành vi văn hóa chăng
Nhắc thơ ‘hot’ là thơ thế nào nhì? Kêu từ nhan đề tập thơ đã. Tên ấn tượng mạnh, gợi cảm xúc, gợi tình nữa càng tốt. Nội dung, ngôn từ, thể loại rất đời, rất hiện đại. Tất nhiên, trừ một vài nhà thơ đã thành danh mà bây giờ còn gọi là có ‘thương hiệu’. Cái gì chứ thơ ‘hot’ thì 1 vài nghìn cuốn bán vô tư, có nhà sách, NXB đầu tư. Có tập thơ bán được còn do chính tác giả quảng bá tốt trên các trang mạng. Đấy là trường hợp các bạn làm thơ trẻ thôi. Các bạn trẻ không những thơ hiện đại lại còn giỏi máy tính, truyền thông. Cánh nhiều tuổi biết lên mạng, biết vào Facebook (mạng xã hội) đã là giỏi lắm rồi. Một cách quảng bá cho tập thơ là tổ chức buổi giới thiệu thơ. Cũng tốn lắm đây. Nào địa điểm. Nào phông, hoa. Nào người nói. Nào bánh kẹo, nước uống. Đấy là nhẹ nhàng. Mạnh tay hơn thì tiệc mặn- 5, 7 có khi cả 10 mâm bàn. Mạnh quan hệ nữa thì báo, đài đến quay phim, đưa tin… Nhẹ thì khoảng 10 triệu. Mạnh thì 20, 30 triệu gì đó. Đấy là không bàn đến được tài trợ hay không như in thơ vậy. Làm rầm rộ rồi đâu vẫn là đó, ta vẫn là ta. Chưa tính chuyện xong rồi mua cái bực mình chẳng biết bỏ đâu. Lại nói về thơ ‘hot’, đúng hơn là thơ mang tính thời sự. Một bài thơ xuất hiện mang tính thời sự được dân mạng truyền nhau, được cả báo nước ngoài đưa tin. Bài thơ làm rung động bao trái tim người đọc kể cả người chẳng bao giờ quan tâm đến thơ. Có người nói – các nhà thơ viết bao năm, in bao tập chẳng nổi tiếng bằng một bài thơ này. Nghĩ sao về thơ đấy trong trường hợp cụ thể như vậy?

Thơ hôm nay, vui chút là cả nước làm thơ. Khi xã hội có bao điều cần nghĩ, khi đạo đức có bao điều cần bàn và cả lúc con người bức bối – bế tắc, hy vọng – mất hy vọng… thì càng nảy nở, càng đa dạng. Không cần bàn đến truyền thống hay hiện đại vì thơ là cuộc sống tâm hồn của con người thời đại. Tự thơ sẽ định cách thể hiện của riêng nó mà người làm thơ là người chấp bút.

BÙI KIM ANH
Nguồn: vanhocquennha


Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Nguyễn Thị Minh Thùy

2:56 PM |
Sinh năm 1992, từng là sinh viên trường Đại học Quảng Nam. Thơ chị đã được đăng trên một số báo, tạp chí như: tạp chí Non Nước, báo Quảng Nam, tạp chí Đất Quảng... Phan Nam xin trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm tiêu biểu:

NHỮNG ĐƯỜNG RAY SỐ PHẬN

bão cuộc đời đánh bật em và anh ra khỏi đường ray hạnh phúc
đã từng mơ ước dắt dìu nhau trên cùng một con đường
nhưng đôi tay ta nhỏ bé quá
cạn ngày
chưa thể chạm vào nhau...
và khi đứng trước sự lựa chọn
anh nuốt nước mắt vào trong nhường cho em phần khóc
anh ôm bão tố nhường cho em bình yên
buông đôi tay
đánh rơi phận mình...
em không thể bình yên đâu anh
giữa cơn đau vây bủa
giữa hàng ngàn rào cản đã nhiều lần ta cố bước qua nhưng
không thể
hạnh phúc tưởng thật gần
phút chốc chợt xa xôi
anh đừng nói mãi câu xin lỗi
đừng để em thấy đôi mắt anh buồn trong những chiều trôi
có những ước mơ giản đơn thôi
nhưng mãi mãi ta không thể với tới
chiều rồi
bên ấy anh có bình yên không?

NHỮNG GƯƠNG MẶT CUỐI CHIỀU

những mặt người cuối chiều
lướt qua nhau
vội vã
và hững hờ
không niềm thương cảm
họ mang ý niệm gì trên tay?
cơm áo gạo tiền?
tình yêu?
hay hơn thua được mất?
mà vẫn miệt mài chạy
mình mắc cạn lại đây
với thứ ánh sáng hấp hối cuối ngày
nhắm mắt lại
nghe những thanh âm quá vãng tìm về
ừ, thôi!
cuộc tình này rồi sẽ chìm trôi
cơm áo gạo tiền hơn thua được mất rồi sẽ tan vào cát bụi
những mặt người cuối chiều lầm lũi
cho nhau chút nắng tàn nơi khóe mắt
trước khi màn đêm bao trùm tất cả
đêm lặng im và lạnh lẽo
như cái cách người lướt qua nhau lúc chiều...

KHI TA VỀ

khi ta về
phố đã lên đèn
phản chiếu những gương mặt vừa lạ vừa quen
không dám kêu tên
sợ nhầm lẫn với tên người bạn cũ
mỗi lần nhắc lại không khỏi ngậm ngùi
khi ta về
quán cafe vẫn thản nhiên chờ đợi
vẫn chỗ ngồi cũ và những bài hát cũ
ta giật mình nhìn lại
mình cũng có mới mẻ gì đâu
cũng toàn ôm những hoài niệm nát nhàu
chẳng bao giờ trở lại
khi ta về
mới hay lòng người đã đổi thay
ta chua chát hiểu ra chẳng ai đủ kiên nhẫn cho hai từ: chờ đợi
khi dòng sông cuộc đời cứ mãi trôi
thôi!
ta bỏ lại phố sau lưng với vùng trời thương nhớ!

EM LÀ ĐÔI CHÂN CỦA ANH

anh
bước vào cuộc đời
đôi chân không lành lặn như bao người khác
chơi vơi ước mơ
chơi vơi những hình dung về hạnh phúc
mọi thứ mơ hồ...
và em đã đến
không phải lướt qua anh rồi đi
không phải những động viên, an ủi hời hợt
em dừng lại
đặt bàn tay nóng vào trái tim anh
sưởi ấm một phận người...
anh mặc kệ người ta nói gì khi nhìn anh bước bên em
anh mặc kệ những xì xào khi em chở anh trên chiếc xe đạp cũ
đừng buồn nghe em
khi ta đã cùng khóc cùng cười
cùng dắt dìu nhau trên con đường chông gai phía trước
anh tin có em
đôi chân anh được tiếp thêm sức mạnh
để đứng vững giữa cuộc đời này
số phận nào chẳng mang trong mình ít nhiều đắng cay
nụ cười nào chẳng trả giá bằng nhiều đêm giông gió
cùng bước bên anh nhé
đừng lo lắng hay ngại ngùng gì cả
hạnh phúc chờ mình ở cuối con đường!

NGƯỜI CON CỦA GIÓ

thiên thần bé nhỏ
con đã đến vào một ngày đầy gió
nhưng cô tin con cảm thấy ấm áp
khi bên cạnh con có ba mẹ chở che...
con ơi !
cuộc đời mỗi người không phải là đường thẳng
và ba con đã chọn ngã rẽ khác
chông gai hơn
và nhiều khi cô độc...
ba con nhiều lần đối diện với những con gió thốc
khi xung quanh ba là bao nhiêu thân phận
sự sống của họ mong manh vô cùng
ba con đã đến với tấm lòng bao dung
dắt họ qua bóng tối
nhưng ba lại đau cơn gió tâm hồn mình
khi phải đứng trước nhiều lựa chọn
nhường bình yên cho phận người
nhận về mình bão tố
ba con không phải Thánh thần đâu
nhưng cả đời ba đã sống vì người khác
nếu sau này nắm đôi tay ba con có thấy chai sạn
hãy hiểu rằng ba đã đau rất nhiều...
con gái ơi !
cô mong con hãy sống như gió
giữ vững niềm tin yêu
và cho đi mà không mong nhận lại
như cách ba con đang dâng hiến cho đời
nghe con !

NGUYỄN THỊ MINH THÙY

Phan Nam và chị Minh Thùy tại Tam Kỳ, mùa hè năm 2016.

Xem tiếp…

Giới thiệu tập san Áo Trắng số tháng 12.2016

3:17 PM |
ÁO TRẮNG Số 11. 2016 (Phát hành thứ hai 19. 12. 2016)
TÌM NHAU TRONG MÙA ĐÔNG
VĂN: 
Chân Thuyên, Đặng Hương Trà, Nguyên Hà, Nguyễn Vũ Hương Mai, Minh Nhựt, Phong Lin, Lê Thị Cẩm Tú, Hồ Thu, Mạnh Hoài Nam, Hà Hữu Nết, Gia An, Ngô Hoàng Anh, Hoàng Mi, Chung Thanh Huy, Lâm Hạ, Ngô Thị Thục Trang…
THƠ: 
Nguyễn Tấn Sĩ, Quốc Sinh, Hắc Tố Quyên, Dương Vũ, Du Du, Nguyên Tiêu, Phạm Ánh, Ngô Hà Phương, Phương Trâm, Ngọc Kim Long, Thanh Lương, Nguyễn Thu Thảo, Nguyễn Thành Trung, Mai Tuyết, Nguyễn Đức Sử…
CÁC MỤC KHÁC:
*Nguyệt ký: Lê Minh Quốc 
*Thơ Thầy Cô: Thạch Đà 
*Thơ Sinh viên: Phan Nam, Đoàn Thúy 
*Giới thiệu Cây bút trẻ: Rêu 
*Bông hồng cho tình đầu: Nguyễn Văn Thảo 
*Nụ hồng: Huỳnh Như Thảo 
*Du lịch: Thánh đường Cù lao Giêng (Đức Vinh)
* Hương vị quê nhà: Bánh bò hấp xửng (Nhã Thi).
CHỦ ĐỀ CÁC SỐ TỚI: 
*15. 1. 2017: Xuân 2017
*15. 3. 2017: Nụ tầm xuân
*15.4. 2017: Miền cỏ xanh
THÔNG BÁO: 
*Bạn đọc ở TP.HCM có thể mua tập san Áo Trắng tại Nhà sách NXB TRẺ, số 161B Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM. 
*Dưới bài viết gửi cho Áo Trắng, ngoài bút danh các bạn nhớ ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ ATM (nếu có), để chúng tôi dễ dàng gửi báo biếu và nhuận bút. Sau 1 tháng, bài được chọn đăng trên Áo Trắng, chúng tôi sẽ gửi bảo đảm báo biếu và nhuận bút.
*Bài gửi cho Áo Trắng nếu viết theo chủ đề, xin gửi trước 1 tháng về email: at_bien@yahoo.com
Cám ơn các bạn.

 Nguồn: Gia đình Áo Trắng

Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Trúc Thanh Tâm (An Giang)

9:46 AM |
 
  CÒN MỘT VẾT THƯƠNG 

  Ngước lên thấy lạ mặt người
  Nhìn ngang ngửa thấy một trời bể dâu
  Thư hùng còn một nhát dao
  Vết thương âm ỉ cứ trào máu tươi

  Giết nhau rồi bịt miệng đời
  Đằng sau tiếng nói giọng cười vuốt ve
  Hồn đêm mù mịt vỉa hè
  Tỳ bà ai dạo não nề khúc mưa

  Tin người nên bị bùa mê
  Sống là cõi tạm đừng thề thốt chi
  Một bầu khí quyển sân si
  Giữa trầm luân lạc người đi kẻ về

  Một lần được khóc với quê
  Và xin tạ tội lỗi thề năm xưa!

  KHÚC RU TÔI   


  Ở đâu cũng thấy quê nhà
  Ở đâu cũng nhớ tiếng gà trưa quen
  Đời còn nhiều thứ ta quên
  Chỉ còn tình để mình tìm về nhau

  Thiên đường địa ngục ở đâu
  Trong lòng ta với sắc màu ước mơ
  Đời tôi là cả đời thơ
  Gởi quê hương, gởi ngày xưa của mình

  Sống là trả nợ ân tình
  Chết là mắc nợ câu kinh làm người
  Ta về đứng trước gương soi
  Em ơi có thấy đất trời đảo điên.

  SÔNG TRẸM MỘT THỜI XA


  Thời gian gõ nhịp đang rơi
  Thới Bình hôm đó đầy trời sắc thu
  Bên nhau giây phút tạ từ
  Nhưng anh vẫn thấy rừng U Minh hồng

  Ghe buôn theo nước xuôi dòng
  Cây tràm cây đước nặng lòng quê ơi
  Ai un ngọn khói lên trời
  Nhìn mây viễn xứ ngậm ngùi riêng anh

  Trả em một khoảng trời xanh
  Hương ngày tháng cũ long lanh mắt người
  Chiều xưa sông Trẹm mưa rơi
  Chiều nay mưa phố anh ngồi nhớ em!


TRÚC THANH TÂM


Xem tiếp…