|
Nhà thơ Vi Thùy Linh, đại diện thế hệ thơ cách tân đương đại |
Nữ nghệ sĩ Mỹ Barbra Streisand từng nói: “Nghệ thuật không tồn tại
chỉ để giải trí mà còn để thách thức trí tuệ, để khơi dậy, thậm chí để làm
nhiễu loạn trong cuộc tìm kiếm sự thực không ngơi nghỉ”. Và trong cuộc kiếm
tìm ấy, cách tân thơ Việt là xu thế tất yếu để văn chương Việt nói chung
và thơ Việt nói riêng có thể hội nhập với nền văn học hiện đại thế giới.
Những dấu ấn thơ cách tân
Trước năm 1975, tạm chia hai dòng thơ: thơ tiền chiến và thơ kháng
chiến. Thơ tiền chiến từ năm
1930-1945 với trào lưu Thơ mới ghi dấu những thay đổi căn bản cho hành trình
thơ hiện đại Việt Nam. Thơ mới có nhiều câu rất mới, lạ so với thơ ca truyền
thống. Lãng mạn, mộng mơ và cô độc là tâm trạng chung của các nhà thơ trường
phái này. Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã khẳng định: “Không
lấy một người so sánh với một người, hãy lấy thời đại so sánh với thời đại. Tôi
quyết rằng chưa có thời đại nào phong phú như thời đại này trong lịch sử thi ca
Việt Nam. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở
như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như
Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế
Lan Viên và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Giai đoạn 1945-1975, đất
nước trải qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đây là thời kỳ thơ ca của
những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng,
khác xa với thơ trữ tình của những năm ba mươi. Thi ca hướng đến phong cách
hiện thực, đại chúng. Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp kéo
dài suốt 9 năm đã ảnh hưởng sâu sắc đến thơ Việt. Những cây bút tiêu biểu của
giai đoạn này: Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Chính
Hữu, Tố Hữu… Đặc biệt, nhà thơ Quang Dũng qua “Tây Tiến” cho thấy một giọng thơ
riêng biệt, hào hùng mà diễm lệ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùng
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
(Trích “Tây Tiến” - Quang Dũng)
Từ 1965 - 1975, một cao trào sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến
chống Mỹ được phát động, do đó thấm đẫm chất xã hội học và dấu ấn của văn hóa
thời chiến. Một thế hệ của dòng thơ này: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn,
Bùi Minh Quốc, Hữu Thỉnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mĩ Dạ…
Một con đường đất đỏ như son,
Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng,
Một ý chí bay ra đầu ngọn súng,
Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù
(Trích “Trên một chiếc xe tăng”- Hữu Thỉnh)
Do chú trọng đến “chúng ta”, ít nhắc đến cái “tôi” riêng lẻ nên
các cá tính thơ không thật sự nổi bật trong thời kỳ này. Khi đất nước hòa bình,
thống nhất từ năm 1975 đến 1986, những thể nghiệm cách tân, hay khuynh hướng
hiện đại hóa thơ ca vẫn chưa thu hút được nhiều cây bút tham gia. Hầu hết các
cây bút vẫn tiếp nối mạch thi pháp truyền thống và mới chỉ có một nhóm nhỏ
quyết tâm đổi mới thơ mạnh mẽ.
Và cách tân của thơ trẻ đương đại
“Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, bên cạnh những khuynh
hướng bảo tồn thơ truyền thống, thơ Việt xuất hiện trào lưu mới thường được gọi
chung bằng cụm từ: thơ cách tân sau 1975 - khuynh hướng này bao gồm những vấn
đề từ vi mô đến vĩ mô của đời sống hiện đại, từ những góc khuất trong tư tưởng,
tình cảm con người, ý thức và vô thức... Những nhìn nhận, đánh giá tỉnh táo
chân xác từng giá trị của lịch sử, cật vấn những thân phận người, phổ biến là
tự sự, độc thoại trong tác phẩm của mình”, nhà thơ Mai Văn Phấn nhận xét.
Còn nhà thơ Trần Quang Quý thì nói về thơ cách tân giai đoạn này: “Háo hức,
nhiệt huyết, tư duy thơ mới lạ, trường liên tưởng sâu rộng... cả những tuyên bố
khá ồn ào, to tát về cách tân thơ Việt, về việc khai tử thi pháp cũ và “chôn”
truyền thống”.
Những tác giả thơ nổi bật của cách tân thơ thời kỳ này là những
cây bút đã có quá trình sáng tác từ trước 1975 như: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần
Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng... và nhóm khác là những cây bút
xuất hiện sau 1975 như: Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc,
Mai Văn Phấn... Sau đó, những cây bút đương đại thường được kể đến: Vi Thuỳ
Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh
Tài...
Ngoài kia
Tất cả thành phố cây xanh bỗng rực vàng cành khô. Lá vàng ngân nga
như những át cơ hồi hộp
Căn phòng say mềm tay
Ánh vàng toát từ những lọ gốm như mồ hôi mặt trời chiều
Níu anh, em sóng...
Không thể đu lên giữ chiếc kim giờ hiện thực
Vì khuôn mặt chúng ta là chiếc đồng hồ
(Trích “Mùa thụ mầm” - Vi Thùy Linh)
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét: “Các nhà thơ sau 1975
không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao. Cũng viết về những
cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc họa
được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn
trước". Cách tân thơ cũng là mang đến một ý thức mới trong việc
cảm nhận thơ. Nhà thơ không chỉ làm chức năng diễn giải, mô tả hay cổ động. Nhà
thơ và bạn đọc bình đẳng và đồng sáng tạo. Người đọc cảm giác được vận động
trong không gian tự do với nhiều chiều gợi mở, những biên độ cảm xúc không giới
hạn. Marcel Reich-Ranicki, nhà phê bình văn học đương đại Đức nhận định: “Không
thể phủ nhận rằng thi ca có lúc có khả năng - cho dù không thay đổi được ngay
thế giới - song có thể làm cho thế giới đó trở nên dễ chịu hơn. Vâng, nó có thể
lay động con người khỏi trạng thái thờ ơ, và thậm chí có thể đánh bật nó khỏi
những lối mòn tư duy cố hữu”.
VŨ THANH HOA
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.