Chưa
bao giờ trên văn đàn Việt, thi ca nở rộ như hiện nay, người làm thơ ngày càng
nhiều đã chứng tỏ sự tồn tại của thi ca trong dòng chảy đời sống. Số lượng tác
giả và người làm thơ và các ấn phẩm thơ nhạc xuất bản ngày càng nhiều đã khiến
cho công chúng “bội thực” thi ca. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy từng chỉ ra rằng:
“Thơ có lúc cũng bị giết chết bởi một cái bẫy dịu dàng khác, mà chúng ta không
phải lúc nào cũng nhận ra, đó là cái bẫy của thói quen sử dụng ngôn từ”. Đúng
là thơ hiện nay nhiều, rất nhiều thế nhưng đối với các tác giả trẻ dường như viết
thơ và làm thơ ngày càng khó. Đội ngũ các tác giả trẻ khó tính với chính mình
cũng như các tác phẩm do mình làm ra, mà theo tôi nghĩ đó là cá tính sáng tạo
và mong muốn khẳng định chính mình của các tác giả trẻ.
Và
trong thời gian gần đây, rất nhiều những cây bút trẻ của xứ Quảng đã đưa thơ trẻ
tỉnh nhà hình thành nên một diện mạo mới, không lẫn vào đâu được. Đó là Ngô Thị
Thục Trang với “những sợi tóc rời đi/
hương đêm còn ấm/ những sợi tóc không có ngày sinh/ đan trên tay em/ an phận nỗi
buồn”. Những người làm thơ trẻ hôm nay với điểm nhìn hoàn toàn mới đã tạo
nên sức sống mới của thi ca thông qua những điểm nhìn, ngôn từ khác lạ, tưởng
như chưa từng có tiền lệ trong thơ. Nhà thơ trẻ Đỗ Tấn Đạt hiện đang công tác tại
công ty CP ô tô Trường Hải khơi dòng bản ngã của chính mình: “ta-con dế than lầm lũi/ ngữa mặt nhìn trời vỗ
đôi cánh gầy đen/ ta-con mối đùn cưa gỗ mạt/đục bám mãi rồi cũng thành quen”,
để rồi thi sĩ thốt lên từ đáy sâu cõi lòng: “về làm một chân hương mà nghe ông bà độ lượng/ câu thơ giữ chút hiếu của
riêng mình”.
Nhà
thơ Du Tử Lê đã nhận xét thơ tác giả Bách Mỵ (Đại Lộc): “Tiếng thơ Trương Thị
Bách Mỵ vẫn là một trong những tiếng thơ cho thấy bản lĩnh chữ, nghĩa của một
người trẻ hôm nay ở Việt Nam” với những câu thơ đầy nỗi niềm quê hương: “thì đã mùa hè thì đã mùa xuân/ và cứ nắng và
cứ yêu như thế/ đêm rời làng gói theo tiếng quốc/ ngày rời làng bỏ lại tiếng ve
ran”. Đóng góp vào bản đồ thơ trẻ Đất Quảng có Alăng Văng Gáo, chàng trai
Cơ Tu ở miền rừng núi Đông Giang tung bay như gió: “đừng hỏi gió từ đâu đến gió đến từ đâu/ trong lòng cuộc sống mỗi chúng
ta/ gió cho đi tất cả mà không nhận về gì cả”. Trong rất nhiều tác giả trẻ
làm thơ, duy trì làm thơ và xem thi ca như một phần không thể thiếu như Đỗ
Hoàng Tâm (Tam Kỳ), Trần Vương (Đại Lộc), Ploong Plênh (Tây Giang), Nguyễn
Thành Giang, Nguyễn Thị Minh Thùy (Tam Kỳ), Nguyễn Thành Tâm (Thăng Bình)…
Trong
hành trình dấn thân vào con đường thi ca, các tác giả trẻ Ngô Thị Thục Trang, Đỗ
Tấn Đạt, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Tấn Cả... đã khẳng định tên tuổi trên các
văn đàn cả nước và tác phẩm của họ cũng được phổ biến rộng rãi. Có thể nói
chính họ đã vực dậy tinh thần thi ca ngày càng dâng trào, sôi sục và được phác
họa rõ nét trong thời gian gần đây. Vẫn biết “cơm áo không đùa với khách thơ”
nhưng họ đã luôn đổi mới tìm tòi để thi ca có sức sống, tạo được những dư âm nhất
định trong lòng công chúng. Thơ trẻ Quảng Nam chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn nữa
khi sự sáng tạo chưa bao giờ dừng lại trong mạch thơ đang âm ỉ cháy trong ngòi
bút của các tác giả trẻ hiện nay.
PHAN
NAM
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.