Gặp cô, cô than.
Chị
ơi em muốn mời chị về trường giao lưu với học sinh. Nhưng tụi nó giờ ngán văn
học lắm rồi. Gặp học trò, học trò nhăn nhó. Cô ơi sao mà biểu con học những
truyện con không thấy hay, không hấp dẫn chút nào. Con ước đừng có môn văn
trong trường học.
Tôi
từng ước như em. Trong khi tôi đã mê đọc từ những năm tiểu học. Mê tới nỗi nội
tôi phải cấm, gặp đọc ở đâu chửi tới đó hoặc giao công việc nhiều để tôi không
còn thời gian đọc. Cấm, tôi đem sách vô buồng kiếm ánh sáng len theo kẽ hở mà
đọc. Giao việc, tôi vừa đọc vừa đương lưới vừa giặt đồ. Mê văn tới vậy nhưng
tôi thường mếu máo khi bị kêu lên nêu lại dàn ý tả người, dàn ý của những bài
văn nghị luận. Tôi nhức đầu khi thầy biểu tôi cho biết hình thức tác động tới
nội dung hay nội dung tác động tới hình thức như thế nào? Những điều này khi
viết văn, vật lộn nhiều tôi mới phân biệt được hai đứa nó, mới hiểu hai đứa nó
là một cặp ôm cứng nhau, không dễ gì tách ra và cũng không dễ nhận rõ đứa nào
đang quyết định đứa nào. Giở lại những kiệt tác từng đọc, nhất là những tác
phẩm dịch, không khỏi thán phục về ý tứ, chất liệu, tầng nghĩa, nghệ thuật sắp
đặt và nhiều cái khác nữa. Vậy mà thời đi học tôi ngáp lên ngáp xuống. Thầy tôi
nói kinh điển đó em, tôi dạ, thầm nghĩ chắc nó hay nhưng trong đầu tôi là một
khoảng trống dài dằng dặc. Cảm giác lạc lõng khi học văn giống như kiểu tôi
thấy ba tôi guộng từng chùm lá sầu đâu nhai rạo rạo và nuốt lìm lịm trong ánh
mắt thỏa mãn. Thật ngon không? Tôi cũng bắt chước nhai và tôi thấy nó đắng hơn
mật. Một kiểu đắng chằng đắng ngắt, giày xéo từng cái gai lưỡi, súc miệng lỡ
còn dính một miếng ở kẽ răng cũng thấy rùng mình. Cuộc đời tôi khó bề biết được
cái ngon của sầu đâu.
Năm
gần ba mươi tuổi, trong một mùa gió lạnh buốt, tôi gắp một chùm bông sầu đâu
đưa vào miệng... Nhiều hôm sau tôi còn nghe trong hơi thở phảng phất hương vị
đậm đà quyết liệt của món gỏi kỳ lạ của quê nhà. Tôi biết ăn sầu đâu từ đó,
thậm chí có thể ăn nó vào những ngày nóng bức của mùa hè. Cái mùa nắng gắt,
nước kiệt, lá xanh lặc lìa, vị đắng trong sầu đâu gần như cô đặc nhất, đắng như
thuốc kí ninh và vô cùng độc địa với người yếu bụng. Sầu đâu ngon nhất là ăn
trong mùa gió bấc, lá rụng tơi bời, cành chỉ trơ lại chồi non và những chùm
bông xanh mướt. Vậy mà tôi đã chấp nhận được sầu đâu nghịch mùa, thậm chí ăn
ngon lành với những loại nước chấm không dành cho nó. Do tôi đủ lớn hay do tôi
được thưởng thức cái khoảnh khắc tinh tuý nhất của món ngon mà ghiền. Dường như
cả hai. Văn học chính thống không khác món gỏi sầu đâu, cá tính và thu hút mãnh
liệt. Nhưng nó không phải là món ruột của hầu hết mọi người. Vậy mà các em học
sinh buộc phải nhai ngấu nghiến bất chấp bụng dạ mạnh yếu, bất chấp mùa màng
nóng lạnh. Các em nhăn nhó ói mửa trong con mắt khó hiểu của thầy cô, ngon lành
quá mà sao các em không mở lòng thưởng thức? Văn, cái hay nhất là hồn cốt ẩn
chứa trong từng câu chữ. Hồn văn, lòng văn là thứ rất mơ hồ, khó nắm bắt, nó
chỉ hiện ra khi người đọc mở lòng đón nhận. Với một tâm thế ác cảm, thì những
hàng chữ trải dưới mắt chỉ là mớ ký tự lạt lẽo khô cằn. Ngay cả người chuyên
nghiệp văn chương, cái nào thích sẽ đọc say sưa quên giờ giấc, không thích đọc
vài trang đã ngủ. Các em học sinh thì không được tự do lựa chọn, các em phải
học những thứ ngoài sở thích. Nó phổ thông không? Món gỏi sầu đâu gây nghiện và
bổ dưỡng nhưng không hề phổ thông. Văn chương phổ thông cũng chưa phổ thông.
Cách dạy càng không dễ tiếp nhận chút nào. Những nhà phê bình kể cả nghiệp dư
và chuyên nghiệp muốn mổ xẻ một tác phẩm văn chương phải đọc tới đọc lui, bày
tác phẩm đó ra trước mắt, trích đúng những câu hay, dẫn đúng những đoạn tuyệt
vời. Học sinh khi vào phòng thi vật lộn với bài phân tích tác phẩm nhưng không
cho nhìn tác phẩm. Trí nhớ nào chứa nổi? Để vượt qua được những kỳ thi, học sinh
buộc lòng phải thuộc bài mẫu kiểu như ý một, cộng ý hai cộng ý ba cộng ý n
thành đại ý. Gom hết đại ý lại suy ra tác phẩm này xuất chúng. Những em trí nhớ
ẹ như tôi nhắc tới học văn luôn cảm thấy rùng mình. Dạy văn để làm gì? Có phải
dạy văn là dạy học sinh biết tác phẩm này hay chỗ nào, thông điệp kia sâu sắc
làm sao để các em trưởng thành thông qua những bài học? Không đâu. Những bài
học cao quý các em đã nghe đầy tai, ghi nhớ đầy đầu rồi. Chúng ta lấy cối xay
nhuyễn gỏi sầu đâu, các em nín thở ực hết một hơi, dẫu cưỡng ép thì mọi thứ
cũng có thể gọn gàng vào bụng, nhưng cơ thể hấp thụ được cái gì? Những thông
điệp hay ho kia, thấm vào tâm trí em được mấy phần? Hay nó như những dòng nước
xối vào một cánh cửa đóng chặt không còn một chút kẽ hở nào. Mọi thứ sẽ trôi
tuột như chưa từng đến. Chỉ còn lại nỗi chán ghét, mỏi mòn. Ai cũng biết văn
học nuôi lớn cánh cửa tâm hồn. Tiếp xúc nhiều với những giá trị văn chương đích
thực, lớp phù sa nhân cách được cày xới cho nó ngày càng màu mỡ. Các em nói,
vậy thì hãy cho em học những tác phẩm nhẹ nhàng, những câu chuyện đơn giản gần
gũi, phù hợp tâm lý, đọc là đồng tình, không có cái gì ẩn sâu bên trong cả, đọc
tới đâu hiểu tới đó, có cảm giác không đọc cũng hiểu.
Thầy nói không được, như thế thì không cần học
văn. Ở nhà sách có đủ, ngôn tình diễm tình hay văn học thị trường hay các thứ
bí quyết hạnh phúc, bí quyết lấy lòng… Các em đọc cả đời thì cũng chỉ đi loanh
quanh trong ngôi nhà đơn điệu của mình. Báu vật không bao giờ là thứ dễ tìm, nó
cũng không có một quy luật riêng biệt nào để nhận ra giữa trùng trùng cát đá.
Khoảng cách giữa cát đá và ngọc ngà quá xa và cần lắm một điểm tựa trung gian?
Đương nhiên thầy là điểm tựa đó. Vậy thầy phải chăng là một giá trị gần với
ngọc nhất? Tôi có biết những người thầy giống như thần tượng của học trò. Mỗi
tiết học giống như một buổi trò chuyện về văn chương của một nhà tư vấn chuyên
nghiệp đáng tin cậy. Hầu hết họ đều đọc nhiều, có người còn viết được, thích
khám phá cuộc sống như một nhà văn và đương nhiên họ không phải là những người
giỏi soạn những bài văn mẫu. Hầu hết
học trò họ đều ao ước có được một địa vị (tri thức) như thầy, được ngưỡng mộ
như thầy... Phải chăng ước mơ là nền tảng của con đường tự mày mò để hoàn
thiện? Nếu có khả năng tự học, tương lai có thành một người thành đạt hay
không, tôi không dám chắc, điều tôi chắc chắn là giỏi tự học, mọi người dễ dàng
tìm thấy thầy cũng như bước qua được cái bóng của tất cả những vị thầy. Nói tới
đây người viết giật mình. Rủi mà người viết có thẩm quyền, phải chăng sẽ có một
chiến dịch buộc thầy cô gò lưng đọc sách, hay sẽ dày công nghiên cứu một chương
trình dạy văn tuyệt hảo? Làm gì có chương trình hoàn hảo và thích hợp với mọi
đối tượng? Chương trình nên cứng nhưng cách thực hiện và quản lý cần phải thật
mềm. Hãy để cho họ tự đi trên đôi chân của họ. Hầu hết những thầy cô dạy văn
đều là những người từng yêu quý văn chương. Họ sẽ tự tìm cho mình cách hào hứng
trụ lại với trang văn và truyền cái hào hứng đó cho học trò. Áp một cách dạy
hay ho nào đó cho tất cả thầy cô, chúng ta đang ép những người không biết ăn
sầu đâu phải mếu máo nhai nuốt món ăn đắng ngắt trong những ngày nghịch mùa
trái tiết.
Văn
học vốn dĩ là món dịu dàng nồng hậu, sao dạy học văn ở những lớp phổ thông
nhiều năm qua cứ mãi loay hoay cùng mùa đắng?
http://i629.photobucket.com/albums/uu11/troimay/Hinh%20Dep%202016/a1e8726acd947fe7859c5ae7dd96e9b5_zpsrmkv9j0u.gif
ReplyDeleteCafe em trai !