VỀ QUẢNG TRỊ - thơ Hoàng Anh 79

2:04 PM |
VỀ QUẢNG TRỊ

Bên dòng Thạch Hãn đang mưa
Xuôi về Thành Cổ còn thưa bóng người
Về đây để nhớ một thời
Mịt mùng khói chiến nhuốm trời tang thương

Em chờ bên đó Hiền Lương
Con sông Bến Hải yêu thương nối bờ
Qua đồi sim tím mộng mơ
Tím tình yêu tím đợi chờ sắc son

Gio Linh nước mắt hãy còn
Mẹ lầm lụi bế đầu con trở về
Chân gầy guộc dạ tái tê
Mênh mông sông nước tình quê đong đầy

Trường Sơn chạm tới chân mây
Nhìn đồng lúa mới hây hây chín vàng
Chuông chùa chầm chậm vọng vang
Giọt nghe thánh thót giọt loang nhiệm mầu

Bốn mươi năm một nỗi đau
Bốn mươi năm đất nẫu nhàu thịt xương
Dòng sông Thạch Hãn ngậm sương
Màu sương tang tóc đoạn trường trong ta!
 
HOÀNG ANH 79
( Long Xuyên )
Xem tiếp…

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN MỚI SỐ 9 - 2016

3:04 PM |
Thưa quý vị đồng tác giả Văn Mới số 9 
Tạp chí Văn Mới có 7 chuyên mục: Truyện, Thơ, Bài viết của các nhà văn, Tản văn, Phê bình, tiểu luận và giới thiệu văn học, Văn học nước ngoài, Tin văn.
Mục lục tác giả:

1- Truyện:
 - San hô đỏ người ở đâu của Mai Vũ ( Nha Trang )
 - Thung lũng tình yêu của Võ Anh Cường ( Đà Lạt )
 - Bức họa cuối cùng của Vương Tâm ( Hà Nội )
 - Chùa cổ của Phạm Thị Thúy Quỳnh ( Hòa Bình )
 - Vòng ký ức tháng Ba của Phan Trang Hy ( Đà Nẵng )
 - Ngôi nhà trên bến Đằng Giang của Đăng Lưu San ( Hà Nội )

2- Thơ:
 - Đinh Ngọc Diệp ( Viết bên bờ sông, Tỉnh thức, Thơ tặng ) Thanh Hóa
 - Đặng Diệu Thoa ( Gửi Giêng Hai, Biển đêm,Lãng đãng thu ) Ninh Bình
 - Nguyễn Địch Long ( Ngã tư phố Nối, Hoa soan, Trở lại La khê) Hà Nội
 - Phan Văn Nam/ Phan Nam ( Hồn hoa, Tình yêu thuở đầu, Ngôi nhà thanh xuân ) Quảng Nam 
 - Hoàng Vũ Thuật ( Những xác chết nổi loạn, Những điều lạ lẫm, Đất chết ) Quảng Bình
 - Đoàn Mạnh Phương ( Hà Nội )
 - Trần Nhương ( Hà Nội ) Bài thơ Vừa Đủ  


3- Bài viết của các Nhà văn:
 - Hoàng Minh Tường ( Hà Nội ): Nguyễn Văn Vĩnh, một đỉnh núi mờ sương
 - Nguyễn Quang Thân ( Sài Gòn ): Đường ống Sông Đà- " Nỏ thần" đừng vô ý lần 2
 - Nguyễn Quang Thiều ( Hà Nội ): Người Mỹ lên sếp thì gầy. Người Việt lên sếp thì béo 

 4- Tản văn:
 - Chùm tản văn của Nguyễn Quang Lập ( HCM ): Cái miệng hình số 8, Đêm chong đèn ngồi nhớ Trịnh
 - Chùm tản văn của Lê Hứa Huyền Trân ( Bình Định ): Màu của mưa, Mùa hoa dã quỳ
 - Tản văn của Nguyễn Tiến Lộc ( Bắc Ninh ): Hồn rượu
 - Tản văn của Nguyễn Anh ( Nha Trang ): Hắn làm Phó giáo sư

 5- Phê bình, Tiểu luận, Giới thiệu
 - Vũ Nho ( Hà Nội ): Niềm riêng người lính - Đọc tuyển tập thơ Trần Bá Dũng - NXB Hội nhà văn 5-2016
 - Tiểu Luận của Bùi Hồng Quân ( Phú Thọ ): Làm thơ nhất định khó
 - Đỗ Ngọc Yên ( Hà Nội ) Tháng 5 nhớ người Tây Tiến

 6- Văn Học nước ngoài:
 - Vừa quấn xì gà vừa nghe đọc sách- Truyện Nam Tư, Ngô Bích Thu dịch
 - Vì sao người bán hàng chửi thề- Truyện Hoa Kỳ, Trương Thị Mai Hương dịch
 - Chùm thơ lãng mạn Hoa Kỳ Ngô Tự Lập dỊch 
 7- Tin Văn:
 - Hội thảo thơ quốc tế 
 - Tiêu chí phê bình thơ 




Xem tiếp…

THỊ TRẤN BÂY GIỜ CHIỀU VẮNG MÙA THU - thơ Ngưng Thu

2:47 PM |

Thị trấn vẫn xuân màu biếc
mùa đâu dỗi hờn chi hạt nắng lang thang
không mùa thu đèn phố vẫn lên vàng
anh níu niềm đau làm chi tình tội
ngọn gió xao lòng mùa thu lạc lối.

Anh cứ nhả vần du ca lòng núi
thị trấn vẫn ươm màu sắc thẵm niềm quê
khúc diễn ngôn mơ khoả lấp lòng chiều
có khoảng trống nào u mặc như đêm.

Bong khúc tình trầm một thoáng hơi men
thị trấn còn say hương mùa thu cũ
chiều vắng mây thưa nhớ làn môi thở
rượu chuốc một ghè thu biết nào lơi.


NGƯNG THU
Xem tiếp…

BẾN CẦU QUÊ TA - thơ Hồng Tâm

2:12 PM |
BẾN CẦU QUÊ TA

Sao anh không về thăm lại quê hương
Nơi có sông Vàm Cỏ Đông xuôi dòng nước chảy
Anh ở đâu ? Một lần về chốn cũ
Đường phố sương rơi mây trắng vẫn hoài bay

Biên giới vùng sâu tiến tới tương lai
Mái trường thân yêu ngập tràn tiếng trẻ
Đường xá thênh thang đẹp từng con phố
Thắm nụ cười dân của huyện ta

Bao năm rồi anh mãi xa nhà
Sống lang bạt nơi phương trời lạ
Nhớ nha anh hãy về thăm xứ
Anh thấy quê ta đẹp hơn mỗi ngày

Anh về nguồn thăm những hàng cây
Thăm địa đạo chiến trường xưa oanh liệt
Theo trang sử ngàn năm nước Việt
Máu cha ông đỏ thấm quê hương

Bến Cầu quê mình khởi sắc đi lên
Mai mốt đi vào huyền thoại
Tình yêu chúng ta là mãi mãi
Về quê hương tìm lại chính mình


HỒNG TÂM


Xem tiếp…

CHÂN ĐẤT - thơ Trương Thị Bách Mỵ

9:35 AM |
Nơi những vòng ôm gán vào đất trời ý nghĩ chia lìa
mặt trời bỗng bùng lên 
rực rỡ
Cháy từ phía tuổi thơ mẹ dạy con những bước chân đầu tiên từ nhà ra ngõ
Nhìn đôi mắt mẹ mà đi không ngớt tiếng cười

Con đường gập ghềnh đến trường bước lên cỏ mà đi
chiều điểm mười về ngang 
cỏ hát
những bước yên bình vọng động tương lai
Bà nội đong gạo bằng ô 
yêu thương từ cách khỏa
Cha chất rơm cây lưu dấu mùa vàng
những bước chân bốn mùa dãi nắng...

Bước ra ngõ một hôm con ngước lên trời
Chín tầng cuốn theo từng hồi biến đổi
Nông nổi
xiêu theo chiều ngọn gió cuồng
mây ngàn cuộn sóng
...

Con hát lời những cánh chim di
Lời gió mát chặng đầu oanh liệt
Đầu làng cây rơm vàng ,trăng khuyết
Bà thả tay ô gạo mới vương đầy

Đứng trông ngọn núi nọ thành kẻ lạc cuối bãi
Những vẫy tay từ bốn mùa gắn vào đất trời ý nghĩ chia lìa
Mặt trời bừng lên 
rực rỡ
Chân bám đất hiền khô nỗi buồn thành mây ngang trời cuộn sóng...

19/06/2015
BÁCH MỴ



Xem tiếp…

SỐNG THẬT LÀM NGƯỜI KHÓ LẮM EM ƠI - thơ Trúc Thanh Tâm

10:17 AM |

Đất mẹ ơi, con sẽ về với đất
Nên bao điều cần nói hôm nay
Xin tạ lỗi với những người đang sống
Cám ơn đời cho ta hạnh phúc, đắng cay!

Ngày ly biệt, em hãy nên bình tĩnh
Khóc nhiều rồi, đã mấy mươi năm
Cả đời ta, thăm chưa giáp nước
Nghĩ thêm buồn chuyện của thế nhân!

Đem theo anh, em đừng quên giấy, viết
Những tập thơ tình bè bạn in chung
Anh sẽ tặng để làm quà qua cửa…
Thế giới bao la, chỉ một ngã tương phùng!

Chỉ biết được những giây phút cuối
Người yêu thầm và người lại yêu thơ
Anh trả lại trần gian bao vinh, nhục
Riêng tình em anh mang hết xuống mồ!

Bạn bè xa bao người hay muộn
Hãy nâng ly cạn hết rượu buồn
Anh nhớ mãi nụ cười của những người thân thích
Cõi sinh tồn nhiều lắm hoa thơm!

Tiếng chuông ngân qua tầng mây gió
Là lúc anh rời khỏi chốn mê đời
Quê hương ơi, bài thơ tình muôn thuở
Sống thật làm người khó lắm, em ơi!


TRÚC THANH TÂM

Xem tiếp…

ĐƯỜNG VỀ NHÀ CÒN RẤT XA - Tạp bút Phạm Thị Thúy Quỳnh.

9:21 AM |
Tôi từng đọc một bài thơ mang tên “Bi ca”, có mấy lời rằng:
Hát điệu buồn muốn rơi nước mắt,/ Ngóng trông xa những muốn trở về,/ Thương nhớ làng quê, da diết não nề…
Nhà của tôi ở trên miền núi cao, đường đi rất xa, cần vượt qua muôn vàn cảnh trí mới có thể tìm lại chốn xưa. Rời khỏi mái gianh khói bếp, mong muốn đặt chân tới phương trời xa để rồi nay lại đè nén niềm rưng rưng thương nhớ mảnh đất ấy trong tim. Xe lao trên những triền dốc, thấp thỏm vì những khúc cua vắng người. Bên này, vách núi dựng. Bên kia, mây quẩn quanh vực sâu thăm thẳm, chờm lên cả cây cối mướt xanh. Ven đường, hoa dại nở tràn, nhìn kỹ, hoá ra đó là loài Tỷ Muội mãn khai quanh năm, vạt này nối tiếp vạt kia tạo ra cung đường đầy màu sắc. Nhà của tôi ở trên miền núi cao, khí hậu bốn mùa trong lành, nhưng đường lại rất khó đi, ổ gà ổ voi không thiếu. Mùa mưa đến, đất bùn ẩm ướt nhão nhoét chỉ mong làm người ta trượt ngã. Hạ sang rồi, nắng hanh thổi tung cát bụi ngập cả vòm xanh. Ấy là trong quá khứ, giờ đây công nghệ đã len lỏi lên tận non núi heo hút, trải con đường mới, cũng phần nào tránh hành hạ khách tới từ phương xa. Gió thốc, đánh thức đôi mắt đương mải mê với cảnh, tôi bỗng nảy ra ý nghịch, tháo tung mái tóc để ba ngàn sợi phiền não thoả thuê với thiên nhiên. Từng khóm cây, bụi cỏ, nhành hoa khi thì trắng ngần thanh tân, khi thì xanh mát dịu lòng, khi thì vàng tươi rực rỡ cứ thế lướt qua. Rõ ràng bản thân đang tiến về phía trước, vậy mà đã mang tâm thế nhặt cánh hoa tàn.
Còn nhớ, trường mẫu giáo năm xưa lợp mái gianh thủng lỗ chỗ có thể để vệt nắng nhanh chân soi vào khuôn mặt lem luốc của đứa trẻ đang ngủ gật hay để mưa trút xối xả làm nhòe cả những mặt bảng nguệch ngoạc chữ cái chưa thành hình. Trường mẫu giáo nằm trên triền đồi, mùa xuân tới, hoa dại nở rộ đưa hương mộc mạc mà khi lên phố người ta sẽ vĩnh viễn chẳng cảm nhận được; Hạ sang rồi, hoa sim hoa mua thay nhau nhuộm tím một vùng đợi lũ trẻ tới hái những trái chín tươm ánh mặt trời ngọt lịm đến nao lòng. Thấp thoáng phía xa có bụi mâm xôi xanh mướt, năm nào cũng dâng ra những trái tim mọng đỏ chực vỡ tan để dào ra dòng huyết ngọt lành. Trong ký ức, mọi thứ dường như vẫn vẹn nguyên. Thuở ấu thơ, khoảng trời của tôi nằm phía sau chợt Chiềng sầm uất, nơi ấy có bãi rác chất cao và cống nước đen ngòm bốc mùi khó chịu. Tường bao quanh chợ dù có cao đến mấy cũng không ngăn nổi tôi tìm mọi cách trèo lên và ngồi ngắm vòm không vô tận. Mây bồng bềnh muôn hình muôn vẻ, bóng tà dương tô hồng gương mặt non nớt. Mây vẫn trôi, chưa từng ngừng lại, chưa từng bao dung, cũng như thời gian mải miết không ngừng. Ngoảnh đầu lại, trong đáy mắt ta đều đã hằn dấu vết tháng năm, quen với những tiếng thở dài chỉ riêng mình thấu hiểu. Mỗi sáng mùa thu, gió mát nhẹ thổi, dịu dàng và mềm mại. Tôi thích nhắm mắt lại để tận hưởng cái ôm của gió, nghĩa tình của gió. Khi ấy, biết bao nhiêu vết thương cũng sẽ lành lại. Năm nay, lập thu rồi mà trời vẫn đày ải nhân gian, gió nóng thốc cuốn theo bụi bặm, vương cả vào đáy mắt. Tri Nhân bảo: “Cát bụi trần ai”. Ừ thì trần ai, ngắm cảnh lại càng rầu lòng, buồn vì cảnh, thế thôi…
Đường về nhà vẫn còn rất xa, cảnh cũ cứ thế ùa về như thước phim quay chậm. Từng mong rời khỏi miền sơn cước, dấn thân vào chốn phồn hoa. Vậy mà thành thị lại càng khiến ta lạc loài đơn độc. Gió mây vạn tượng, lòng người sâu thẳm, chợt nhận ra non xanh nước biếc mới là tri âm.
PHẠM THỊ THÚY QUỲNH.

Xem tiếp…

Tính cách vùng miền trong bài ca dao - Trang Lộc

10:00 AM |

 Nếu tục ngữ thiên về lí trí, là phán đoán rút ra từ thực tiễn đời sống lao động, đời sống xã hội thì ca dao lại thiên về tình cảm, bởi nội dung phản ánh đậm chất trữ tình. Vì thế, ngôn ngữ ca dao thường gợi nhiều hơn tả, kể. Bài ca dao sau là minh chứng:
 Rồng chầu ngoài Huế,
 Ngựa tế Đồng Nai.
  Nước sông trong chảy lộn sông ngoài,
                                                             Thương người xa xứ lạc loài tới đây…
 Xét về cấu trúc, thường thì ca dao kết cấu lối đối – tỉ hai phần rõ rệt: phần đầu gợi hứng, nêu vấn đề để đối chiếu nội dung chính phần sau mà bộc lộ tình cảm chủ thể trữ tình. Điều đặc biệt bài ca dao này: tư tưởng tình cảm gợi ra ngay trong từng câu phần đầu (ngoại cảnh). Phần “hứng” đã gợi ra phần “tỉ”, ngôn từ ẩn dụ- vừa giàu nghĩa hiện thực vừa đậm sác thái biểu tượng. “Rồng chầu ngoài Huế” người đọc nghĩ ngay đến hình ảnh Rồng đang phủ phục bên đền đài, cung điện, thành quách, cảnh trí vùng đất kinh kì, biểu hiện uy lực vương triều (nhà Nguyễn). “Chầu” là sự phục tùng, tuân thủ theo qui tắc ứng xử trong quan hệ giao tiếp theo chuẩn mực cái đẹp của con người vùng đất kinh kì, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc. Chính điều đó đã hình thành tính cách con người Huế : Nề nếp, gia phong, khuôn phép, thanh lịch đến mức cầu kì trong mọi mặt đời sống. Chùa Thiên Mụ, núi Ngự Bình, lăng tẩm, thành quách vẫn trầm mặc soi bóng xống dòng Hương Giang thơ mộng ngàn đời để trở thành di sản văn hoá vật thể hậu thế. Đến nhã nhạc cung đình Huế lại được vinh danh thành di sản phi vật thể của nhân loại. Tất cả đều sản sinh ra từ tính cách con người Huế( chủ thể văn hoá).
Xuôi vào nam, trước “độ mang gươm đi mở cõi”, Đồng Nai, vùng đất mênh mông, bát ngát còn hoang vu thuở ấy xuất hiện “Ngựa tế Đồng Nai”. Ta hình dung hình ảnh ngựa đang sải bước, tung vó để phi nước đại trên miền đất rộng lớn mà không gặp phải sự cản trở nào. Phải chăng đó là biểu hiện khát vọng tự do, tung hoành của người Nam Bộ (nói chung), Đồng Nai (nói riêng). Phóng khoáng, bộc trực, thân tình mà dung dị. trong mọi mặt đời sống. Dấu ấn đậm chất Nam bộ trong sinh hoạt văn hoá : Đờn ca tài tử từng được xướng thành văn hoá phi vật thể. Loại hình này phản ánh tính cách mộc mạc, dân dã mà thắm đượm nghĩa tình người vùng sông nước miệt vườn. Sử sách ghi rằng : năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam, ngược sông Đồng Nai – Sài Gòn , Ông “lấy Đồng Nai làm huyện phước Long và sài gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (Biên Hoà) và Phiên Trấn dinh (Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất” Từ đó những bước khai phá người Việt mở cõi đến tận cùng vùng đất Nam Bô ngày nay..Vì vậy Nam Bộ là nơi hội tụ cư dân đàng ngoài, đàng trong vào sinh cơ lập nghiệp. “Nước sông trong chảy lộn sông ngoài” là như thế. Vì thời cuộc, vì mưu sinh mà người mọi miền phải “chảy lộn” để tìm đến miền đất hứa. Có dị bản chép “Nước sông trong sao chảy lộn sông ngoài”. Chữ “sao” từ dùng để hỏi khi đối thoại, người hỏi muốn biết hoàn cảnh đẩy đưa người đến đây, tìm sự đồng cảm, sẻ chia. Người thì bất mãn thời cuộc, người vì đói nghèo tha hương cầu thưc, người không  chịu cảnh áp bức quan lại, tựu trung đều là kẻ xa xứ. Bởi vậy tình người đọng lại câu “Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Cách nói, cách bày tỏ tình cảm rất bộc trực, tự nhiên “Thương”, không khuôn sáo, cầu kì; rất dân dã rất đời! là mệnh lênh trái tim “cưu mang đùm bọc”nhau. Kể chi thành phần xuất thân, sá chi sang hèn… vì thế cũng có dị bản “Thương người quân tử lạc loài tới đây”.Người tới trước giúp đỡ người đến sau, người thuận lợi giúp người khó khăn, cứ thế đời trước truyền đời sau làm nên cốt cách “trọng nghĩa tình” người Nam bộ như ngày nay.
 Thế mới hay bài ca dao trên như gợi nhắc người đời về giai đoạn lịch sử hình thành cư dân Nam Bộ, còn là biểu hiện tính cách người vùng miền khác nhau. Hai câu kết bài ca dao theo môtip quen thuộc, lời mời chào “Tới đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây lại về”. “về” hay không “về” nhưng bao giờ tâm thức họ hướng về “Cố quốc” (Rồng chầu ngoài Huế). Thời nay, con cháu vẫn không nguôi tấm lòng nhớ thương ấy “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Bởi người Việt Nam đời nào cũng vậy, ở đâu cũng thế (người xa xứ) luôn ẩn chứa tinh thần dân tộc, nghĩa cử đồng bào.

TRANG LỘC
Trường THCS Lê Đình Chinh, Ninh Thuận.
Nguồn: Đất Đứng



Xem tiếp…