Giới thiệu tập san mục đồng tập 02 - 2017 chủ đề Nắng hạ

9:20 AM |
Trân trọng giới thiệu tập san Mục đồng tập 02 - Nắng hạ:



Blog Phan Nam giới thiệu

Xem tiếp…

Lối ra nào cho nghệ thuật công cộng? - Hòa Bình

9:46 AM |
Nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng những tác phẩm nghệ thuật được đặt trong không gian công cộng. Trong khi đó, các tác phẩm lại phải ráng sức tìm chỗ đứng mà… không có. Tìm lối ra cho nghệ thuật công cộng là mục đích của buổi tọa đàm "Nghệ thuật công cộng từ A đến Z", do Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tổ chức, diễn ra chiều 19-8 tại TP HCM. Lần đầu tiên tại Việt Nam các khái niệm "kiến trúc hạnh phúc", "ngạc nhiên bền vững"… được đưa ra bàn thảo gợi lên những ước mơ và khao khát sáng tạo nghệ thuật đặt trong không gian công cộng như ở TP HCM.
Tác phẩm thừa, nơi đặt thiếu
"Người Việt chúng ta không hề thiếu các tác phẩm nghệ thuật phù hợp, thậm chí sau nhiều lần tổ chức các trại sáng tác điêu khắc, lần nào cũng "tồn đọng" hàng trăm tác phẩm được chắt lọc từ sáng tạo của các nghệ sĩ và đã đoạt giải thưởng, xong lại bị "xếp kho", chất đống lên hoặc đổ nát dần dưới nắng mưa, không hề được sắp đặt, trưng bày cho đúng nơi, đúng chỗ, đúng tầm, đạt hiệu quả về thẩm mỹ và mang lại lợi ích cho cộng đồng" - nhà điêu khắc Phan Gia Hương nói. "Nghệ sĩ rất trăn trở với sáng tạo, yêu nghề thì vẫn phải làm nghề nhưng nhiều người bắt buộc phải sáng tạo những thứ không đúng với tâm nguyện" - nhà điêu khắc Phạm Đình Chiến cho hay. Theo bà Hương: "Nhu cầu của công chúng rất cần nhưng cứ mỗi lần bàn đến chuyện nghệ thuật công cộng lại "đụng chạm" với cơ quan quản lý đô thị, quản lý công viên cây xanh… nên vấn đề vẫn ách tắc. Chúng ta chưa hề có bất cứ quy hoạch đô thị nào chuẩn bị sẵn không gian cho tác phẩm nghệ thuật công cộng. Hàng trăm tác phẩm điêu khắc nằm dưới nắng mưa bên quận 9, số tác phẩm trong Công viên Tao Đàn cũng bị trả lời là không trưng bày được vì công viên còn để tổ chức hội chợ" .
Mong một lối ra
Nhu cầu nghệ thuật công cộng rõ ràng là quá lớn, không chỉ đối với TP HCM mà còn ở các đô thị Việt Nam nhưng các nghệ sĩ chỉ biết loay hoay trong sáng tạo của mình và hầu như không có lối ra. "Tác phẩm điêu khắc thường rất lớn về kích cỡ, nặng về trọng lượng nên nếu không sử dụng với mục đích công cộng thì sau khi dự thi hoặc trưng bày, triển lãm ít ngày, tác giả cũng chẳng biết làm thế nào với "đứa con tinh thần" quá khổ của mình. "Cuộn" của tôi sau khi đoạt giải và triển lãm một thời gian, tôi mang về nhà" - nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến từng đoạt giải Vàng điêu khắc năm 2016 nói. Ly Hoàng Ly chưa thể trả lời được rằng sau bao nhiêu vất vả để hoàn thành "Thuyền nhà thuyền", chị sẽ mang tác phẩm của mình đi đâu sau thời gian trưng bày trong triển lãm ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại (quận 2). "Tôi cứ thử hình dung tác phẩm "Thuyền nhà thuyền" của Ly Hoàng Ly nếu được đặt ở vị trí cuối đường phố đi bộ Nguyễn Huệ chẳng hạn. Chỗ đó nhìn ra sông Sài Gòn. Tác phẩm có tên "Thuyền nhà thuyền" rất phù hợp với ý nghĩa của thành phố khởi nguồn từ một thương cảng như Sài Gòn. Và công chúng cũng như du khách dạo bước tới phố đi bộ sẽ được tương tác với tác phẩm thì thật tuyệt vời.
Tác phẩm 'thuyền nhà thuyền' của Ly Hoàng Ly trong khuôn viên công ty TNHH MTV cơ khí Chu Lai, Trường Hải, Quảng Nam (ảnh: Nguyễn Huỳnh Mạnh Khải)
Hoặc các không gian đô thị khác như Phú Mỹ Hưng (quận 7), Sala (quận 2) chẳng hạn cũng rất phù hợp với vẻ đẹp hiện đại của tác phẩm" - bà Nguyễn Thế Thanh đưa ý kiến. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Điêu khắc toàn quốc, phụ trách mảng điêu khắc phía Nam, bà Phan Gia Hương khẳng định: "Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, không gian đô thị của TP HCM và Hà Nội đều đã trải dài ra qua nhiều quận huyện nhưng từ rất lâu rồi, không ai để ý rằng không gian công cộng của những khu vực trung tâm của hai thành phố này rất xấu. Tượng chỉ được đặt ở một vài vị trí, không phải tượng nào cũng phù hợp. Và tượng cũng chỉ là một trong số rất nhiều hình thức tác phẩm điêu khắc hiện đại. Rất cần có một bảo tàng lịch sử để lưu giữ các tác phẩm cũ và bắt buộc phải trình bày lại bộ mặt nghệ thuật công cộng của hai TP Hà Nội và TP HCM bằng các tác phẩm đương đại phù hợp với không gian hiện nay".
Bảo tồn văn hóa và thu lợi
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khẳng định trong xã hội hiện đại, kinh tế thương mại phát triển mạnh mẽ còn sự kháng cự của cộng đồng lại rất yếu ớt. Do quá nghiêng về lợi ích vật chất nên ở mọi đô thị, bản sắc và nét riêng đều bị xóa nhòa, đặc biệt các cộng đồng thiểu số, văn hóa bản địa còn mất nhanh hơn bởi tốc độ đô thị hóa. Theo ông Hoàng Thúc Hào, người kiến trúc sư cần góp phần bảo vệ cho sự đa dạng văn hóa và bảo tồn văn hóa cho cộng đồng thiểu số. Với mỗi đô thị, cần tạo ra những công trình mang tính ngạc nhiên bền vững. "Chẳng hạn như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) luôn là một ngạc nhiên cho chính cộng đồng địa phương và du khách, người ta có thể sống hạnh phúc vui vẻ ở đó và vẫn có được thu nhập tốt. Chùa Một Cột (Thái Bình) cũng là một ngạc nhiên bền vững, đã tồn tại hàng trăm năm chứ không chỉ gây sốc tức thời" - ông Hoàng Thúc Hào đưa ví dụ. Trao đổi thêm về khái niệm "ngạc nhiên bền vững", nghệ sĩ Ly Hoàng Ly cũng kể lại: "Khi đến Chicago (Mỹ), tôi đã rất ngạc nhiên với công trình "Cổng mây" hay tên khác là "Hạt đậu" (do hình dáng rất giống hạt đậu) nằm trong công viên Thiên Niên Kỷ. Đây là một công trình nghệ thuật công cộng rất nổi tiếng, được đầu tư tới hơn 23 triệu USD. Để xây dựng công viên Thiên Niên Kỷ, chính phủ đã đầu tư tới 475 triệu USD. Đây là một công trình khổng lồ tập trung các tác phẩm nghệ thuật công cộng, mỗi năm thu hút từ 2- 5 triệu khách tới thăm Chicago chỉ vì tác phẩm "Cổng mây" hay "Hạt đậu" này".
HÒA BÌNH
(Nguồn: nld.com.vn

Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Đặng Xuân Xuyến

11:37 PM |
Tên thật: Đặng Xuân Xuyến
Bút danh khác: Hạ Vinh Thi, Thái Đắc Xuân, Đỗ Quang Ân.
Sinh ngày 17.04.1966
Quê quán: Đỗ Hạ, Quang Vinh, Ân Thi, Hưng Yên.
Tốt nghiệp Đại học Văn Hóa Hà Nội.
Đã từng công tác tại Viện Sử Học Việt Nam.
Cư trú: 7/61 Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội
Các tác phẩm chính: Doanh nghiệp với thị trường, điểm yếu của người đàn ông mạnh mẽ, điềm báo và kiêng kỵ trong dân gian, tiếng nói của ngôn ngữ cử chỉ trong giao tiếp, khám phá bí ẩn con người qua khuôn mặt, dáng hình, tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của người Việt, vào chùa lễ Phật, những điều cần biết, tử vi kiến giải, tử vi vấn đáp, tập thơ Cưỡng Xuân (NXB Hội nhà văn)...

NGƯỜI ƠI... NGƯỜI Ở...
- Tặng N.M.P -   

Ngơ ngác níu tìm “người ơi người ở”  
Chống chếnh men say “người ở đừng về”  
Quan họ dặt dìu  
Chông chênh câu hát  
“Yêu nhau cởi áo trao nhau”
“Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”...

Run rẩy
Thẹn thùng
Ngẩn ngơ yếm thắm
Líu ríu tơ tình ai kẻ giăng tơ?

Quan họ dùng dằng
“Người ơi người ở”
Lập cập chữ yêu chưa dám tỏ bày

Ngơ ngác níu tìm
Chống chếnh men say... 

CHIA TAY
 - Với N.M.P-

Chia tay nhé
Đừng buồn em nhé
Chút nắng chiều vội vã chạy từ lâu
Em đừng tiếc gió chiều bảng lảng
Ánh hoàng hôn tím sẫm chân trời
Em đừng tiếc phút giây ngóng đợi
Đừng tiếc chiều đếm lá vàng rơi.

Chia tay nhé
Đừng buồn em nhé
Ánh hoàng hôn vụt tắt lâu rồi
Em nhớ đến bến sông ngày ấy
Nhặt cho anh câu hát lỡ quên
Em hãy đến gốc đa đầu ngõ
Xóa giùm anh dòng chữ mộng mơ.

Chia tay nhé
Đừng buồn em nhé
Đêm tàn canh
Vọng tiếng ơi đò
Qua bến cũ đừng nghe sóng dội
Cũng đừng nhìn ghế đá tuổi thơ
Dẫu lòng em day dứt vô bờ
Câu ca cũ
Con đò chiều
Và gió chiều bảng lảng
Em hãy nhớ giờ là kỷ niệm
Dư âm buồn
Day dứt cũng thế thôi
Ta chia tay
Đêm hết đã lâu rồi.

QUA ĐÒ
- Với N.M.P-

Chiều trở lại bến xưa
Thấy sông trôi khác quá
Mây trời bay cũng lạ
Gió hình như chuyển mùa.

Đâu tiếng ai cười đùa?
Đâu đêm trăng thao thức?
Sông ơi còn thổn thức
Vắt ngược dòng về đâu?

Đã qua mấy mùa ngâu
Em sao chưa về lại?
Đò xưa ơi khờ dại
Neo mình đậu nơi đâu?

Em giờ ở nơi đâu?
Có thương về chốn cũ?
Có tan vào giấc ngủ
Buốt lạnh vài giọt ngâu?

Nắng tắt màu từ lâu
Mưa đã thôi tầm tã
Gió ngừng cơn vật vã
Sông oải mình, ngác ngơ.

Sao ta mãi thẩn thơ
Thương một thời lỡ dở...
"Người xưa đâu xa vắng
Ai đưa tôi qua đò".
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Xem tiếp…

Rồi lẻ loi như gió... - bài viết Phan Nam

2:34 PM |
Với một phong cách sáng tác vô cùng phóng khoáng và hiện đại, tập thơ “rồi lẻ loi như gió” (NXB hội nhà văn quý I/2016) tập hợp những bài thơ được tác giả Hồ Huy Sơn sáng tác trong khoảng thời gian đã lâu, thế nhưng cảm xúc thì vẫn vẹn nguyên như mới. Tập thơ được chia làm 2 phần rất rõ ràng: “cô đơn trong thế giới loài người” và “tôi là đứa trẻ hư” sẽ đưa độc giả khám phá một bản ngã của tác giả trẻ sinh năm 1985, sinh ra ở miền gió Lào cát trắng Nghệ An, và anh dấn thân vào thi ca như đang uống cạn huyết mạch suối nguồn. Lật mở từng trang thơ ta có thể thấy tác giả hoàn toàn làm chủ con chữ trong sự “vượt thoát” của nỗi cô đơn, trường liên tưởng rộng cộng với sự thành thật khi khai mở cảm xúc đã tạo nên nhiều bất ngờ cho độc giả, đặc biệt sẽ rất thú vị với các độc giả trẻ.
Có thể thấy ngay từ bài thơ đầu tiên “ngày chủ nhật” được tác giả sáng tác vào ngày 14.03.2013 gây ấn tượng bởi tầm khái quát cho cả phần đầu của tập thơ, nghĩa là thơ tự vấn tâm hồn tác giả, và nhà thơ đối diện với lòng mình trong nỗi cô đơn đã trào dâng trong mầm mống của sự sáng tạo: vách tường bầy mối trễ nãi/ để mặc xác chữ ốm o/ câu chuyện cổ tích khép lại/ ta tự nhốt mình quá lâu/ trong căn phòng thiếu nắng/ trách sao ý nghĩ lụi tàn... Tác giả tự nhận “ý nghĩ lụi tàn” nhưng khi từ từ đọc và cảm nhận xác chữ hoàn toàn bay bổng trong một không gian mênh mông, tất nhiên là ẩn chứa cái tôi cá nhân mãnh liệt của tác giả, đồng thời chính “cái tôi” ấy song hành cùng niềm đam mê và sáng tạo. Trong bài thơ “là lúc thơ tức nước vỡ bờ”, tác giả viết: “thơ sống lại rồi!/ người ta xúm quanh/ “sao mà dại dột?”/ nhưng thơ im lặng/ hồ huy sơn cũng im lặng/ cái tên đành viết thường” không chỉ ẩn chứa nỗi niềm cô đơn dằng vặc của một người làm thơ trẻ và nỗi buồn vùng vẫy khiến họ khao khát thoát khỏi cô đơn đang bủa vây khi đối diện với thi ca. Trong phần đầu tập thơ, tác giả có chủ ý đi tìm sức sống và sự tồn tại của thi ca trong đời sống xô bồ ngày nay, khi họ lên tiếng chính là bản lĩnh và trách nhiệm của người cầm bút. Và tất nhiên, trong dòng chảy của thời sự, có những dòng thơ bao dung rất lạ, nhường chỗ cảm xúc dâng trào:
Đường vẫn dài tít tắp
Tôi lẫn với hoàng hôn
Rồi lẻ loi như gió
Bạt ngàn trong ngày buồn
                         (Phía Bắc)
Làm sao biết gió lẻ loi, chắc có lẽ chỉ có mình tâm hồn tinh tế của thi sĩ mới tỏ tường, khi đường về vắng bóng giai nhân, những ngày tháng lạc nhau phải cần dùng đến “la bàn” để định vị. Thi ca không chỉ là cái duyên, cái nặng, cái nợ, cái nghiệp... mà còn là cái tình. Cái tình hiện diện rõ ràng trong giây phút “giãi bày”: thông thênh một nẻo về/ anh muốn được cùng em đi trên con đường dậy hương hoa sữa/ chúng mình rất yêu mùa thu/ cả anh và em đều tan ra trong mùi hương dịu ngọt/ bất chất những con gió lùa. Thật thi vị, lãng mạng và trong veo như cơn gió len lỏi qua mái nhà mang theo hương hoa nồng nàn để rồi trao nhau nụ hôn đầu tiên. Rồi “ô cửa” mở ra và cũng chính từ đây khơi nguồn tư tưởng cho mạch thơ ở phần sau của tập thơ, tôi nghĩ đây là những câu thơ vô cùng độc đáo và đáng trân trọng: chúng ta đi ra từ cửa mình của mẹ/ rồi mắc kẹt giữa nhân gian/ với muôn vàn ô cửa...
Trong phần hai “tôi là đứa trẻ hư” gồm 14 bài thơ với nhiều phân khúc về quê hương. Tác giả quay về nguồn cội với biết bao trăn trở, hoài niệm và dâng trào trong đó nổi bật là tình yêu sắt son với Tổ Quốc “rất thiêng liêng và đáng tự hào”. Tác giả nhớ về cánh đồng “xấp xõa cánh trắng”, ở nơi đó có “những giọt mồ hôi của cha đổ xuống/ tong tóc đường cày ban trưa”, và giấc mơ của đứa con: “ước/ vết chân chim thôi hằn lên vết mẹ/ ngày cuối năm không có người tới nhà đòi nợ/ mẹ về già cuộc sống ấm no”. Tác giả tự nhận mình là “đứa trẻ hư” nhưng khát khao về cánh đồng quê hương chưa bao giờ nguội tắt, phải chăng chính điều đó đã làm nên tên tuổi Hồ Huy Sơn trên thi đàn? Và còn nhiều, nhiều nữa nhưng điều đặc biệt khác trong tập thơ “rồi lẻ loi như gió”, tôi nghĩ đây không chỉ là cuốn sách dành cho người yêu thơ.

Đà Nẵng, tháng 04.2017
PHAN NAM.


Xem tiếp…

Giới thiệu tuần báo văn nghệ TP HCM số 461 (03.08.2017)

4:15 PM |
Số báo 461 phát hành thứ năm 3-8-2017 giới thiệu nhiều sáng tác mới của tác tác giả :

THƠ: TRỊNH CÔNG LỘC- PHAN NAM- VĨNH THÔNG- VÕ NGỘT- LÊ NHỰT TRIẾT- LÊ VĂN TRƯỜNG

VĂN : ĐÀO NGỌC ĐỆ- NGUYỄN THANH TUẤN- THANH DƯƠNG HỒNG- VŨ ĐỨC NGHĨA- NGUYỄN NGỌC YẾN- TRỊNH TUYÊN- VÕ TẤN CƯỜNG- LƯU NGUYỄN- ROBERT BARR...

ĐỌC SÁCH :
Đọc " HOA RƠI HỮU Ý " của LÊ THIẾU NHƠN .
Bài PN.TDOAN.
 NHIỀU BÀI MANG TÍNH THỜI SỰ CẬP NHẬT NHIỀU VẤN ĐỀ NÓNG :
- PHÚC DĨ :
Tự do báo chí là tự do bịa đặt, xuyên tạc và bóp méo sự thật hay sao ?
- MINH TÂM :
Những kẻ kích động người khác phạm tội bằng việc đưa, truyền bá tin sai sự thật trên mạng phải bị trừng trị .
- TRÚC HƯƠNG:
Phạm Chí Dũng lại giở giọng cồn đồ đường phố.
- VŨ HẢI :
Thành tích " kinh hoàng " của luật sự ngụy dân chủ.
- MỘC HƯƠNG:
Chuyện hài trên mạng : Linh mục ban phép lạ như Chúa Giêsu.
Bìa : Tranh của Mình Chi- Minh Tuệ - từ cuộc thi Vẽ Nên Cổ Tích do NXB Kim Đồng tổ chức - do HS Tô Chiêm cung cấp .

Kính chúc mọi người một ngày mới tràn đầy niềm vui.


Xem tiếp…

Trúc Thanh Tâm chiều nay mưa phố

3:54 PM |

 CHIỀU NAY MƯA PHỐ
 - Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 -

 Bây giờ tôi định dạng tôi
 Bảy mươi năm giữa tình đời đảo điên
 Qua hai thế kỷ ưu phiền
 Nợ còn đeo đẳng từ tiền kiếp xưa

 Đời nay mưa nắng trái mùa
 Nên đau khổ cứ cợt đùa cõi mê
 Gót chân đau nhói lối về
 Dường như bão rớt trên quê hương nhà

 Những mùa xuân cũ đã xa
 Và mùa xuân nữa chợt già trong tôi
 Học chưa hết cấp làm người
 Mà sao nước mắt chín muồi trên mi

 Một người tiễn một người đi
 Tình quê gởi lại từ khi xa người
 Dòng sông thơ ấu mất rồi
 Chiều nay mưa phố ngậm ngùi, thấy sông !
 
ĐỜI CÒN KIẾP SAU  

 Một chút gì còn lại
 Trên môi mắt một người
 Đời chia bao nhánh khổ
 Suốt đường trần chông gai.

 Bốn phương nào cũng nắng
 Tám hướng một vùng mưa
 Sóng lòng dâng thành bão
 Người trở thành... người xưa.

 Ta thấy trời cố quận
 Cây đa và mái đình
 Chiếc cầu tre thuở đó
 Ráng chiều vàng bờ kinh.

 Lòng người còn u ám
 Dưới hào quang từ bi
 Lời kinh không thể mở
 Cửa thiên đường ta đi.

 Thượng Đế luôn sòng phẳng
 Nếu còn nợ nần nhau
 Không thể vay không trả
 Nên đời còn kiếp sau!
28.4.2017

BÀI THƠ TÌNH MUÔN THUỞ 
- Quý mến tặng tất cả bạn bè -

 Anh rất vui, trái đất chưa tận thế
 Nên bao điều cần nói hôm nay
 Xin tạ lỗi với những người đang sống
 Cám ơn đời cho anh hạnh phúc, đắng cay.

 Ngày ly biệt, em hãy nên bình tĩnh
 Khóc nhiều rồi, đã mấy mươi năm
 Cả đời anh, thăm chưa giáp nước
 Nghĩ thêm buồn chuyện của thế nhân.

 Đem theo anh, em đừng quên giấy, viết
 Những tập thơ tình bè bạn in chung
 Anh ký tặng để làm quà qua cửa
 Ở cõi âm, văn hóa họ rất cần.

 Chỉ biết được những giây phút cuối
 Người yêu thầm và người lại yêu thơ
 Anh trả lại trần gian bao vinh, nhục
 Riêng tình em, anh mang hết xuống mồ.

 Bạn bè xa, bao người hay muộn
 Hãy nâng ly cạn hết rượu buồn
 Anh nhớ mãi nụ cười của những người thân thích
 Cõi sinh tồn nhiều lắm hoa thơm.

 Tiếng chuông ngân qua tầng mây gió
 Đưa hồn anh ra khỏi bến mê đời
 Sống thật làm người đâu phải dễ
 Đất nước mình còn điên đảo, em ơi.

TRÚC THANH TÂM.

Xem tiếp…

Ai sống ở hiệu sách Nica - tản văn của Phạm Thị Hải Dương

12:56 AM |
Con đường trầy trụa rẽ vào xóm trọ vẫn còn đấy nhưng Nica thì đã rời đi. Nica, tên tiệm sách đầu đường, đã chuyển về nơi ở mới. Nghe đâu một căn cấp bốn bình thường, lọt sau lưng mấy trục đường ô bàn cờ. Mới tuần trước, còn lân la bên đó ngắm con bướm xanh đậu trên bìa cuốn Lolita, nằm khoan thai trên giá  gỗ cao nhất của tiệm. Hôm sau, lúc cầm hóa đơn thanh toán mấy cuốn của Patrick Modiano, thì cầm thêm mẩu giấy nhỏ từ tay chị nhân viên.
“Qua tuần nhà mình đi, Mây có thích thì mình để lại địa chỉ. Lúc nào tiện thì ghé lại!”.
Là lời nhắn của ông chủ tiệm. Thời gian trước gặp nhau, mình có nghe ông ngập ngừng chuyện đi ở với đôi mắt đầy tư lự. Mình trọ học rồi đi làm, ở khu này đã bảy tám năm, chứng kiến giá đất cát tăng theo từng tháng, không trừ mặt bằng của Nica. Và cũng từ khung cửa sổ phòng trọ, nhìn sang đối diện, mình thường ám ảnh bởi nhân dáng vợ ông chủ. Một kiểu phụ nữ ôm chứa quá nhiều uẩn ức nhưng giỏi cam chịu và thu vén. Song kể cả đã kìm nén, những nhọc nhằn của một kiếp làm vợ vẫn bướng bỉnh trồi lên trên gương mặt của bà. Nhân duyên như đôi tay người đầu bếp cừ khôi khéo léo phối trộn nguyên phụ liệu. Những ông trót mê các loại thú chơi ở đời, mê đến quên mình đang đứng ở thế kỷ thứ mấy sau Công nguyên thường là mảnh ghép còn lại của kiểu phụ nữ như bà chủ tiệm sách. Thế mới ăn đời ở kiếp được với nhau.
Bà chủ tiệm không hục hặc hay mỉa mai chồng mình vì chuyện thu nhập bán sách không đủ để ông mua lại mấy cuốn sách quý mà ông lăm le thường trực. Chưa nói chuyện ăn học của hai bé Ni, Ca. Nhưng cơm áo hữu hình là loại axit mạnh bào mòn con người ta khiến bản thể trở nên rúm ró, khó coi. Hữu sự chồng chất lên vai khiến bà trở thành bóng ma lặng lẽ với kiểu mặt vô hồn, người đối diện thoáng cảm giác gai người. Thế nên, khách đến tiệm rất ngại gặp bà vào vai người bán. Bởi sách vốn là thứ hàng hóa đặc biệt, đặc biệt trong cả cách giao dịch bán mua. Họ thích nhìn ông chủ say sưa khi hai bên luận về sách. Trong cảnh huống ấy, cả người ông bỗng màu nhiệm và bình thản như lời Đức Phật Thích Ca phán bảo tôn giả A Nan khi ngài sắp nhập Niết bàn.
Đó là đối với khách hàng. Khi ông thoát khỏi con người tham ái và vô minh của chính mình để trở nên thanh tao giả tạm. Những lúc vãn khách hay trời trở về chiều đột ngột, ông kéo ghế ngồi trước cửa tiệm, co ro như con mèo đói nắng mà sợ nắng. Nắng nguội rồi nhưng cố hắt xéo vào gương mặt ông, hoa lên chỗ ông ngồi. Như trêu ngươi người đàn ông tội nghiệp. Bên cạnh chỗ ông, là hàng xe máy, xe đạp của tiệm internet bên cạnh gửi hộ. Lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào, tiệm internet phải nhờ khoảng vỉa hè của Nica. Có những buổi chiều thưa việc, mình khóa xe ở phòng rồi lội qua chỗ ông chủ ngồi. Hai chú cháu có khi không nói với nhau câu nào, chỉ nhấp nước trà thật loãng và nhìn trầm ngâm. Đôi mắt nào đi lạc khỏi con phố quen có hàng sưa đang mùa trơ lá. Đôi mắt ông chủ thoáng cái đã biến mất như một đứa bé con lẫn vào đám đông đang mùa vũ hội đường phố.
- Hay buôn bán thêm chi đó, Mây thấy được không?!
- Vậy chú còn toàn tâm với sách chứ ạ?
Nghe vậy cũng rất lạc quan, ba người, thêm cả vợ ông chủ quyết tâm làm mới tiệm sách bằng cách cơi nới không gian đọc tầng hai thành quán cà phê sách. Khách tới vừa có thể đọc sách, vừa uống cà phê, hoặc có thể lướt web tùy thích. Nhưng rồi việc bán buôn không bù đắp nổi chi phí thuê mặt bằng và nhân viên. Rồi cũng tới ngày Nica lùi vào quá vãng. Cửa giờ đóng im ỉm, bên ngoài một miếng A4 ép nhựa đề cho thuê mặt bằng kèm số điện thoại. Không còn người đàn ông tóc tai lòa xòa tận mang tai, hằng ngày cầm chổi lông gà quét từng hạt bụi trên giá sách. Không còn những chuyến xe bất chợt, những lần nhảy tàu vội vã đi về phương Nam xa xôi. Điện thoại, số quen không nhắn tin: “Mình vừa Sài Gòn về, có quyển sách Mây dặn!”. Nôn nao làm nhanh cho hết việc để được xin phép về sớm. Nín thở đợi sếp gật đầu rồi vội vàng mất hút. Có sách mình muốn, có ấm nước đậu ván của những buổi chiều đợi mùa sưa lên lá non, hai chú cháu cười, nói với nhau rất nhiều thứ xung quanh cuốn sách mới và cả chuyến đi vừa qua.
Gia đình Nica đã về nơi ở mới. Nica trở thành quán ăn. Tuy việc buôn bán không phát triển lắm nhưng thu nhập khá hơn bán sách. Mỗi tội, thương ông chủ, vườn sách ngày xưa ông vẫn trưng ra nhưng ai đến đọc thì đọc. Thành thư viện tại nhà miễn phí cho nhiều người. Mình sợ ông buồn cho đoạn rẽ này nên ít ghé lại, song thỉnh thoảng vẫn hay nhận được email của ông.
- Ngày trước thấy Mây nhìn bản Anh cuốn Gone with the wind, mình đã muốn tặng. Mình và Mây đều thích cô “Pansy” của Margaret Mitchell vì nhiều lý do. Chỉ tiếc...
Chú bỏ lửng câu nói. Mà thật ra không cần nói ra những gì mà cả hai người đều đã hiểu. Tối hôm sau chú mang cuốn sách qua chỗ mình ở với nụ cười lạ gắn hờ trên đôi môi thâm lại. Mình đã nhớ khoảnh khắc ấy rất rõ.  Đêm đó mình đã mơ được nhìn thấy Vườn sách Nica và cả Cuốn theo chiều gió bản Anh ở đúng vị trí mà mình đã ngắm nó cách đó nhiều năm sau.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
(Nguồn: vannghedanang.org.vn)

Xem tiếp…