Chùm thơ của tác giả Phan Nam (số 2)

2:52 PM |

Sinh ra và lớn lên ở xứ sở biển xanh cát trắng quanh năm, vùng đất Quảng Nam "chưa mưa đã thấm". Nơi đây cũng đã từng khởi sinh và dưỡng nuôi bao hồn thơ trác tuyệt. Vì thế cũng không mấy làm lạ khi Phan Nam còn rất trẻ đã có bút lực mạnh mẽ, vững vàng trên nhiều thể loại viết đặc biệt là thơ. Em có lối viết hồn nhiên, thoáng đạt nhưng cũng không kém phần nhân văn, có sự tìm tòi, sáng tạo với hàng loạt dung từ mới lạ, giàu hình ảnh, xúc cảm. Dù còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường nhưng em đã xây dựng được hình ảnh, vóc dáng nghệ thuật của mình bằng nhiều tác phẩm giá trị được chọn đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ từ trung ương đến địa phương. Phan Nam là cây bút trẻ năng lực, triển vọng trong bầu trời nghệ thuật đương đại.
Nhà thơ Văn Nguyên Lương.

Không thể và có thể

anh không thể đi hết chiều dài đất nước
cũng giống anh không thể đi hết chiều sâu lòng em
tình yêu chúng mình trong như dòng sông phía trước
không bao giờ dừng lại
cho đến phía sương mờ tương lai

một mai anh khoác màu xanh áo lính
lên đường theo tiếng gọi quê hương
em có chờ anh
em có đợi anh
trong khúc dân ca, trong câu hát ru, trong lời thương ban đầu

đôi bạn trẻ ngập ngừng bao lâu
đôi mắt em lá cờ Tổ Quốc tung bay
đôi môi em đập muôn trùng ngọn sóng
đôi hài in dấu son vĩnh cửu

anh không thể đếm hết cát bụi quê hương
anh không thể đong hết nghĩa tình, yêu thương
và bao nhung nhớ
chân thật giản dị vô cùng.

Tổ quốc

Tổ quốc là gì nhỉ
Có phải từ trang sử tôi đã học
Có phải từ cuốn sách tôi đã đọc
Có phải từ vết thương hóa thành vần thơ

Tôi sinh ra trong thời bình
Tôi không biết đến chiến tranh
Tôi chỉ biết đến nỗi đau trong phim, trong tranh, trong ảnh
Trong lời kể vọng về xa xưa

Tôi đi qua lời ru của mẹ thuở hương sữa mùi lúa ngọt ngào trên đôi môi
Tổ quốc đã cho tôi ăn
Tổ quốc đã nuôi tôi lớn
Tổ quốc đã tặng tôi tiếng yêu đầu tiên
Dòng huyết quản ngậm chặt giọt phù sa

Tôi nghe Tổ quốc dạt dào tiếng ca
Nghe trong máu gập ghềnh sỏi đá                          
Nghe trong tim màu cờ sắc áo
Bay mãi đến tận ngày sau

Tôi nắm tay em và hỏi
Tổ quốc là gì nhỉ?
Em trao tôi nụ hôn đầu đời và nói
Tổ quốc in dấu trong bàn chân người lính trẻ.

Dáng mẹ

ngôi nhà thơm mùi ngói mới
mẹ đón vào lòng linh hồn các anh
khi những cánh chim trời cất cao khúc hát hòa bình
hóa ngọn lửa xua tan giá lạnh

ơi người mẹ, người mẹ của đất nước
một đời hi sinh vì cháu con
một đời nước mắt cạn đêm tròn
anh không về, lá cờ trong tim rực cháy

khóe mắt mẹ ngời ngời tháng bảy
chiếc áo bà ba dần sờn cũ bạc màu
mưa ngâu ướt đẫm khi chúng con dang tay
hòa trong mạch máu

một điều ước, con chỉ xin trọn vẹn một điều ước
chúng con sẽ là con của mẹ, muôn đời
dẫu hôm nay cỏ đã phủ xanh trời
ngôi nhà nghi ngút hình hài nhang khói...

PHAN NAM.

Xem tiếp…

Về lại phố xưa... - tản văn của Trần Nguyên Hạnh

11:56 PM |
Tác giả Trần Nguyên Hạnh. 

Rời quê lên phố đi học. Những con đường làng yên bình bỗng thay bằng những con đường nhựa bóng láng, rộn ràng người xe. Những góc trời quê xanh thẳm cỏ cây bỗng thay bằng những tòa nhà cao tầng ngột ngạt. Có lúc bỗng thấy phố như xa lạ với chính mình. Vậy mà gắn bó cùng phố mới hiểu lòng của phố. Sống ở phố lâu ta mới bồi hồi nhận ra cái nhịp sống chầm chậm trôi chảy cùng những điều bình dị dễ thương đến ngỡ ngàng.
Phố ngày ấy là nơi những người trẻ hăm hở tìm đến. Hành trang mang theo là sự kỳ vọng của gia đình.Thị thành phồn hoa là nơi họ nuôi dưỡng những giấc mộng thanh xuân rực rỡ. Có ai đến phố mà không một lần nghĩ đến việc chọn phố làm nơi tá túc. Chọn một con đường với hàng me xanh làm nơi thư thả những buổi chiều rảnh rỗi, chọn quán cà phê yêu thích làm nơi gặp gỡ bạn bè. Cuộc sống ở phố đâu chỉ có những con đường rộn ràng người xe. Phố cũng có những góc bình yên để những người trẻ tìm kiếm phút giây thư thái giữa những xô bồ. Bao người trẻ tìm đến phố như để tìm chút sôi động cho cuộc sống của chính mình. Phố dù chật hẹp vẫn có chỗ để những người trẻ tìm đến nương náu. Phố bao dung và trắc ẩn vẫn dang tay đón lấy những mảnh đời tìm đến phố mưu sinh.
Phố khiến ta nhung nhớ trong những điều bình dị nhất. Đó là hình ảnh những người già buổi sáng ra công viên tập dưỡng sinh. Là hình ảnh một cặp vợ chồng tuổi đã cao nắm tay nhau băng qua đường. Là hình ảnh một cặp đôi cồng kềnh giá vẽ, cọ màu chiều cuối tuần ra công viên mong bắt lấy những khoảnh khắc đời thường ý nghĩa. Là hình ảnh những bạn trẻ đạp xe thong dong đến trường. Những ngày đẹp trời qua cửa sổ một quán cà phê có kẻ thẩn thờ bắt gặp hình ảnh một đám trẻ con nụ cười hồn nhiên nối đuôi nhau đi dã ngoại. Mùa xuân gió lùa qua khe cửa, khóe môi người bỗng khẽ nở một nụ cười. Ở phố dù không có những quãng trời ngập tràn cây cỏ nhưng những khoảnh khắc bình dị tìm được ở phố vẫn khiến mỗi người thêm yêu cuộc sống này.
Trở về căn nhà trọ từng một thời tá túc mà lòng bình yên như thể trở về với quê nhà. Men theo lối nhỏ đi vào, vẫn căn nhà trọ ngày xưa, vẫn gốc bằng lăng thân quen nơi mỗi chiều ngồi đọc sách, vẫn bụi hoa nhài thơm ngát bên lối đi vào. Phố đón kẻ trở về bằng một làn gió mùa xuân khe khẽ, bằng câu chuyện năm mới vui vẻ, bằng cái ôm ấm áp của bác chủ trọ từng một thời xem kẻ ở thuê như là con gái. Bao yêu thương xúc động cứ thế trỗi dậy cùng những buồn vui giấu kín, chỉ có phố mới hiểu. Góc phố ngày xưa cùng anh đi qua nay đã là góc phố kỷ niệm. Trở về như bắt gặp lại mình trong một buổi chiều đạp xe tung tăng vui cười, cùng anh hàn huyên chuyện trò dưới gốc me già. Khoảnh khắc ấy cứ dội vào tim khiến bao kỷ niệm ngày xưa chảy tràn trong ký ức. Chẳng biết người giờ ở nơi nao. Chỉ có mình ta, ngồi đây lòng thương nhớ một khung trời xưa cũ.
Thời gian cứ thế trôi chảy không ngừng, cuộc đời lại đưa mỗi người tìm đến chân trời khác. Ở một nơi chốn xa lạ có lúc cảm thấy lòng chạnh buồn nhung nhớ cảnh cũ, người xưa. Người ta nói rằng theo thời gian có những sự việc chúng ta sẽ nhớ và sẽ quên nhưng cái cảm giác mà nó mang lại sẽ theo ta suốt một đời. Về lại phố xưa chính là về với kỷ niệm yêu dấu. Về để tìm lại chính mình của một thời mộng mơ say đắm. Về để thấy rằng vẫn có một miền yêu thương đang đợi chờ dẫu những cuộc bôn ba vẫn còn đó. Và về để hiểu ra ngoài quê nhà, ta còn có những góc phố thân thương mà ở đó một phần đời của ta đã ở lại. Phố cũng hiền hòa như con đường làng, như cánh đồng, ngọn cỏ. Ở phố cũng có những con người chân chất và hồn hậu như miền quê nuôi ta khôn lớn. Chẳng ai có thể quên được những người đã đi cùng ta một đoạn đời, quên được những con phố nơi ta từng cư ngụ. Một ngày trở về, mới biết phố đã ru ta những đêm dài...
TRẦN NGUYÊN HẠNH

Xem tiếp…

Quầy báo giữa lòng phố... - bài viết Phan Nam

12:26 PM |
Ông Võ Đình Tân, nhân vật trong bài viết
(ảnh Phan Nam) 

Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nóng cũng như ngày lạnh, mỗi khi có dịp đi qua ngã năm Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ - An Nhơn, hình ảnh ông lão với quầy báo khép nép dưới tán cây bàng hiện lên trong tâm trí tôi. Ông tên Võ Đình Tân, sinh năm Tân Sửu 1961, nguyên quán Việt An, Hiệp Đức, Quảng Nam. Ông thức dậy từ sáng sớm dọn hàng phục vụ những độc giả báo giấy hiếm hoi còn sót lại, hay họ vẫn tìm đến mua báo ủng hộ và tìm lại cảm giác ngày xưa được nhâm nhi từng con chữ còn thơm mùi mực mới, trên những trang báo được chắt lọc thông tin một cách cẩn thận.
Nhiều lần ghé mua báo ủng hộ, tôi nhận thấy ông rất tận tâm, nhiệt thành với vai trò “sứ giả” văn hóa của báo chí, mặc kệ những quay cuồng trong dòng chảy thông tin thời đại bùng nổ internet và các trang mạng xã hội. Hỏi ra mới biết, quầy báo tuy nhỏ với các ấn phẩm báo chí ngày càng bị thu hẹp nhưng quầy báo đã gắn bó với ông gần hai mươi năm, ông tỏ bày vẫn sẽ tiếp tục với công việc cho đến khi báo giấy không còn xuất bản nữa mới thôi. Ông tỏ bày thời còn trai trẻ làm đủ thứ việc lao động chân tay để kiếm sống, tuy vậy số phận không cho ông tìm được bến đỗ cuộc đời đúng nghĩa, đến nay vẫn côi cút một thân một mình giữa dòng đời. Bây chừ già cả, sức khỏe suy yếu nên ông không thể tìm công việc khác, đành chấp nhận gắn bó với quầy báo, thu nhập tuy thấp nhưng vẫn đủ nuôi sống bản thân. Nghe ông chia sẻ, lòng tôi nôn nao lạ kỳ, những quầy báo nơi phố thị đang ngày càng thu hẹp và biến mất tự lúc nào không ai hay biết, trong khi đó vẫn còn có người thiết tha, mặn mà với công việc bán báo  giữa thời buổi báo giấy phát hành khó khăn như hiện nay.
Nhìn ngón tay gầy gầy xương xương của ông lão miệt mài sắp xếp, vuốt thẳng những tờ báo còn lại trên chiếc bàn bé nhỏ, lòng tôi xốn xang, dâng trào những nỗi niềm khó tả. Quầy báo lặng lẽ phơi mưa, đón nắng qua từng tháng năm cuộc đời, thông tin được đưa đến với biết bao thế hệ bạn đọc, chỉ còn ông lão hằng ngày thong dong ngắm nhìn phố xá, dòng đời. Bàn tay ông lặng lẽ đong đếm từng tờ báo ăm ắp thông tin đang đợi chuyển tải đến độc giả…
PHAN NAM.
Bài viết đã được đăng trên chuyên mục "Nhàn đàm" báo Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 8.7.2018
Xem tiếp…

Giới thiệu tập san Áo trắng tháng 7.2018 - Thương nhớ núi rừng

12:12 AM |

Đón xem! Đón xem!

- Tập san ÁO TRẮNG "Thương nhớ núi rừng" (Tháng 7/2018) sẽ "trình làng" trong vài ngày tới: Thứ Hai 16/7/2018.
- Đất nước ta bạt ngàn rừng núi với những "đặc sản" về cảnh vật, con người, món ăn, truyền thống văn hóa... rất đặc sắc và rất riêng! Hãy cùng các cây bút Áo Trắng làm một cuộc "dạo chơi tâm tưởng" về với miền thương nhớ ấy, để tâm hồn bất chợt được "xanh lên" một màu xanh dịu mát và đầy sức sống...
- Mời tiếp tục viết bài cho các chủ đề tiếp theo của Áo Trắng: "Thương nhớ ngày xưa" (gởi trước ngày 1/8/2018), "Thương nhớ người dưng" (gởi trước ngày 1/9/2018), "Thương nhớ trường xưa" (gởi trước ngày 1/10/2018).
- Sau đây là toàn bộ nội dung của Áo Trắng số này:

ÁO TRẮNG Số 6. 2018
(Phát hành thứ hai 16. 7. 2018)
“THƯƠNG NHỚ NÚI RỪNG”
+ VĂN: 

Bùi Việt Phương, Thùy Như, Amilie Phan, Hồng Ngọc, Diệp Thanh, Lâm Hạ, Lê Thị Cẩm Tú, Lê Quang Kết, Đoàn Hạo Lương, Lò Duy Bưu, Lê Đức Đồng. 
* Tạp bút dự thi “Gia đình tôi”: Văn Huệ Mẫn (Long An), Lê Phượng (Quy Nhơn), Nguyễn Thị Ngọc Liên (Hưng Yên), Diêu Tuệ (ĐH Luật TP.HCM), Lê Thị Thanh Lê (Khánh Hòa), Phan Thị Thanh Ly (Hội An), Ý An (Hà Nội), Võ Chí Nhất (TP.HCM).

+ THƠ: Nguyễn Tấn On, Trương Đình Tuấn, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Thanh Xuân, Dương Ngọc Yến, Đinh Hạ, Trần Thị Mai Hương, Hoàng Lan, Kai Hoàng, Lê Trường An, Ngô Công Tấn, Diệp Vy, Thanh Trắc Nguyễn Văn, Phùng Hiếu, Nguyễn Thanh Tuấn, Trúc Thanh, Phạm Thị Đào, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Túy Tâm, Nguyễn Hữu Khiêm.
+ CÁC MỤC KHÁC:
*Thơ Thầy Cô: Lê Vinh (Bình Định)
*Giới thiệu cây bút trẻ: Phan Nam (Đà Nẵng)
*Hương vị quê nhà: Thịt chua Thanh Sơn (Lê Minh Hải)
*Du lịch: Suối Chí ở Quảng Ngãi (Lưu Huyên).
+ CHỦ ĐỀ CÁC SỐ TỚI:
- 15.8.2018: Thương nhớ biển đảo
- 15.9.2018: Thương nhớ ngày xưa
- 15.10.2018: Thương nhớ người dưng
- 15.11.2018: Thương nhớ trường xưa
+ THÔNG BÁO: 
*Bạn đọc ở TP.HCM có thể mua tập san Áo Trắng tại Nhà sách NXB TRẺ, số 161B Lý Chính Thắng, Quận 3. Gía 30.000 đ/ cuốn. Bạn đọc ở Đà Nẵng mua Áo Trắng tại Chi nhánh NXB TRẺ, số 280 D Trưng Nữ Vương, q. Hải Châu. Các bạn ở nơi khác có thể mua Áo Trắng tại các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc, hoặc mua trên mạng Tiki. *Dưới bài viết gửi cho Áo Trắng, ngoài bút danh các bạn nhớ ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ ATM (nếu có), để chúng tôi dễ dàng gửi báo biếu và nhuận bút. Sau 1 tháng, bài được chọn đăng trên Áo Trắng, chúng tôi sẽ gửi bảo đảm báo biếu và nhuận bút.
*Bài gửi cho Áo Trắng nếu viết theo chủ đề, xin gửi trước 40 ngày về email: at_bien@yahoo.com
Cám ơn các bạn.

Blog Phan Nam.

Xem tiếp…

Thơ của một người Quảng... - bài viết Phan Nam.

10:02 AM |
Ảnh bìa tập thơ 'Ăn trộm mùa thu' (ảnh Phan Nam)
Nhà thơ Bình Địa Mộc:
THƠ CỦA MỘT NGƯỜI QUẢNG
 Nhà thơ Bình Địa Mộc, tên thật Đỗ Thanh Toàn, một tác giả thơ quen thuộc xứ Quảng vừa mới ra mắt tập thơ đầu tay “Ăn trộm mùa thu” (NXB Hội nhà văn quý II, 2018). Tác phẩm không có lời tựa dài dòng của như những tập thơ khác mà chỉ có đôi dòng giới thiệu ngắn của tác giả: “Làm thơ và viết truyện ngắn từ năm 1980 nhưng sau đó ngưng viết, mãi đến năm 2010 mới viết lại. Đã có bài đăng trên các báo trung ương và địa phương, các trang web trong và ngoài nước. Với tôi được viết, được chuyện trò với bạn đọc là niềm hạnh phúc lớn”. Đây là thành quả sau chặng đường sáng tác, chơi văn nghệ sau gần mấy mươi năm của tác giả, bao gồm 61 bài trong gần 100 trang in. Hồn thơ của Bình Địa Mộc được hình thành qua những giông bão quăng quật của đời sống, những giằng xé trong cõi nhân sinh, nỗi niềm đau đáu của thi nhân hướng về đất nước với tâm thế và trách nhiệm của người cầm bút. Lật mở từng trang thơ, điều dễ dàng nhận biết thế mạnh của Bình Địa Mộc là thể thơ lục bát của dân tộc, nhưng qua sáng tạo của thi sĩ, con chữ được chắt lọc, quẫy đạp trong bản ngã, nối liền cái tình cái nghĩa một cách rõ ràng, tự nhiên: “Anh về nhớ bước nhẹ thôi/ Kẻo con nắng vỡ làm đôi ngập ngừng/ Gió vài sợi dửng dừng dưng/ Lạc tà áo một thuở từng tung tăng” (về đi tháng ba).

Dẫu mới quen biết anh trong thời gian gần đây, nhưng anh luôn cho thấy mình luôn nghiêm túc, nghiên cẩn trong chữ nghĩa, mỗi khi hoàn thành bài thơ anh thường đọc đi đọc lại nhiều lần, đôi lúc công bố rồi nhưng vẫn muốn chỉnh sửa lại cho đến khi vừa ý mới thôi. Sáng tác trong thời gian dài với biết bao dâu bể, biến động của cuộc sống nhưng dường như thơ Bình Địa Mộc vẫn lãng mạn hồn nhiên, trong sáng khắc khoải như thuở ban đầu. Những cái nhìn tinh tế, những nỗi niềm day dứt, những hoài niệm khôn nguôi trong sâu thẳm hiện về, tắm mát hồn thơ giữa đường đời chật hẹp, mãi loay hoay với công cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn “cơm áo không đùa với khách thơ”. “lại đi về phía cô miên/ nghĩa là chợ vẫn còn phiên cuối cùng/ dăm ba khách bước chập chùng/ lệ tha phương bỗng dưng dùng dằng rơi” (nghĩa là), cảm xúc trong thơ Bình Địa Mộc tươi mới, vẹn nguyên những cũng không kém phần chân tình, mộc mạc.  Thơ anh luôn nặng nợ ân tình với quê nhà, tựa hơi thở hằng ngày được anh nuôi dưỡng: “Giữa Sài Gòn ăn tô mỳ Quảng/ Còn sang hơn mỹ vị cao lương/ Nghe người quở buồn chi bảng lảng/ Nhích lại gần. Tôi nhớ Quế Sơn” (Mỳ Quảng Sài Gòn).
Từ trái qua: Nhà thơ Bình Địa Mộc, Phan Nam, anh Đỗ Hoàng Tâm tại Tam Kỳ tháng 4.2017
Tình yêu là một phần không thể thiếu trong thi ca, tình cảm ấy thực dễ thương, ấm áp, chia ngọt sẻ bùi trong những ngày ta cô đơn, buồn bã nhất: “em bếp núc bù đầu bù cổ/ hạt bụi vương chẳng biết dụi mắt nào/ làn khói mỏng tưởng chừng mơ mộng/ giàn mướp rung ong bướm nỡ vô tình/ đêm chong đèn loay hoay tìm ẩn số/ đời tàn hơi chưa biết yêu ai/ anh thích gì ở em/ nói nhanh lên/ kẻo tích tắc lại quên/ giống kim đồng hồ cuối năm hối hả/ đẩy thời gian nhộn nhịp đón xuân về (tích tắc). Cân bằng giữa viết lách và trách nhiệm của nghệ sỹ, giữa bao dung và vị tha, của hiện thực và thẩm mỹ, thơ và đời, đời và thơ như hòa nhập làm một, không thể tách rời. Thêm nữa, cảm hứng đất nước hiện diện đau đáu trong trái tim mỗi người: “Mai thức dậy trùng dương xanh dát nắng/ Áo em vàng dệt nỗi nhớ mênh mang/ Bởi có thể bên kia bờ biển vắng/ Con thuyền nào cũng dậy sóng Việt Nam”. Nhà thơ Trần Hữu Dũng nhận xét: “Thơ ca luôn nhắc nhở về cuộc sống hỗn mang, nhiễm độc không khí, tai ương, tàn phá chiến tranh nhưng vẫn còn hạnh phúc bình dị mái ấm, trái tim nhân hậu, bảo bọc, yêu thương của đồng loại quanh đây. Bản chất con người luôn mang những thi tính tốt đẹp. Khép lại tập thơ “Ăn trộm mùa thu”, bạn đọc cảm nhận những tự khúc thế sự mà tác giả trao gửi thật chân thành và sâu lắng tận đáy lòng”.
Đà Nẵng, 5.7.2018
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Hiên nhà... - tản văn của Diệu Ái

3:20 PM |

Đôi lần ngẩn ngơ giữa phố, mình thường trông vào hiên nhà người ta để bắt gặp vài ba rung động nhỏ rồi nhớ nhung đến hiên nhà mình. Hiên nhà là nơi mình và cậu em trai thường chơi ô làng mỗi trưa hè trốn ngủ. Ô làng tức trò ô ăn quan, trò chơi quen thuộc của tụi con nít nhà nghèo ngày ấy. Chỉ quẩn quanh với mấy chục viên đá cuội, cuộc chơi lặp đi lặp lại chẳng biết bao buổi trưa hè mà không làm đứa nào chán. Tụi mình đã đi qua những trưa hè oi ả bên hiên nhà bình yên như vậy.
Hiên nhà là chỗ ngày xưa cô em gái nhõng nhẽo vẫn thường nằm ăn vạ. Em khôn lắm, không bao giờ ra sân nằm vạ vì sợ bẩn. Mỗi lần mẹ tất tả xách giỏ đi chợ mà không cho đi theo, thể nào em cũng ngồi bệt xuống đó rồi òa khóc giãy nảy. Hiên nhà độ Tết về, ba thường chưng hai chậu bông cúc đối xứng hai bên. Nên từ hồi nhỏ xíu đến lớn, đó cũng là góc dành để chụp ảnh gia đình. Ba khoác vai mẹ, mẹ ôm con, chị nắm tay em, cứ thế là lấy được hình nhà mình đông đủ. Hiên là nơi bạn út nhà mình ngồi chống cằm, chỉ trỏ hỏi vì sao này vì sao nọ tên gì, bầu trời màu nhiệm ấy liệu em có bay lên được, vũ trụ bao la đó em ước được đặt chân lên một lần. Hồi nhỏ, tụi mình cũng từng ước mơ vậy, rồi lớn lên mới biết, thế giới rộng nhưng không phải nơi chốn nào cũng đầy ưu tiên và yêu thương tận tụy như góc nhà mình đâu.
Trước hiên nhà, mường tượng hình ảnh nội và ngoại, người nhai trầu người hút thuốc, kéo ghế ngồi đó trò chuyện cùng nhau. Khoảnh khắc chẳng bao giờ trở lại bởi nội về trời ngót nghét đã năm năm. Bữa ngoại về, thấy ngoại ngồi lặng ở đấy mà rớm nước mắt mơ hồ nghĩ rồi hình ảnh này khó bắt gặp thêm nhiều lần hơn nữa. Cũng góc ấy chiều chiều, khi ngang qua hiên nhà nào đó, thấy hai ông bà ngồi cặm cụi nhổ tóc bạc cho nhau mà đắm lòng chi lạ. Mình vốn xúc động và thương tha thiết với những tình cảm mặn nồng bền lâu qua năm tháng. Lại xa xôi nghĩ tới người thương sau này ngồi đó cùng mình, tụi mình hẳn sẽ đeo kính rồi nhổ tóc cho nhau hệt vậy, có ông già vỗ đùi khoái trá mặc bà già siêng càm ràm ở bên. Hiên nhà là nơi níu giữ yêu thương, như ngày xưa mỗi lần ngoại xuống chơi rồi về, chị em thủ thỉ thu nón, giấu dép để ngoại khỏi xa. Rồi khi người vừa quay ngoắt đi, thể nào cũng có đứa kéo áo ngoại rồi ngồi khóc kêu trời.
Ảnh: Diệu Ái
Hiên nhà là nơi mẹ đứng ngóng mỗi lúc có đứa đi xa trở về. Là nơi tiễn đưa, chia tay nhau bằng bao cái ôm siết chặt. Mắt mẹ đỏ hoe thương con mà nghẹn ngào chẳng nói. Như bất kỳ bà mẹ nào khác, mẹ luôn muốn gần gũi bên con, được nhìn chúng lớn lên rồi trưởng thành mỗi ngày. Bữa cơm vắng người, sẽ chống đũa thở dài nhắc nhớ đứa này đứa nọ. Thi thoảng vẫn nghỉ để về nhà, lại nghe hỏi sao lúc nào cũng về nhà, về nhà mãi thế. Nhiều người lắm bận tâm nên khi tha hương rồi chẳng có thời gian đứng trước hiên nhà bắt gặp mẹ cha đang trông ngóng mình mòn mỏi. Bất hạnh của đời người là khi chẳng tìm ra lý do để bồi hồi xúc động lúc trở về tổ ấm. Từng biết đôi này đôi nọ nên duyên khi trú mưa trước hiên nhà người lạ hay cũng đôi nào hôn nhau vụng trộm trước nhà người ta rồi mãi chia xa. Có lần, mình tự đắm đuối trước hiên nhà đầy hoa, rồi thẫn thờ nghĩ tới nơi sau này cùng người thương ở đó, chẳng cần hình dung giàu có gì cho cam.
Giữa mênh mông người và thênh thang đời, xã giao với người này rồi thân ái với người kia, dù ngọt ngào đến mấy cũng chẳng thiết tha bằng gia đình có cha mẹ và anh chị em máu mủ. Nơi chốn xa hoa đẹp đẽ là bao cũng đâu bằng ngôi nhà thân thuộc, ở đó ta đã thương yêu trọn vẹn từng ngóc ngách lớn lên cùng mình...
DIỆU ÁI.

Xem tiếp…