Bob Dylan và những hòn đá lăn - bài viết Phan Nam

3:15 PM |

Trong lễ vinh danh Nobel văn chương 2016, Bob Dylan tuy vắng mặt nhưng ông đã gửi bài diễn thuyết đến Ủy ban Nobel Thụy Điển, trong đó có đoạn: “Bất cứ ai khi viết một cuốn sách hay một bài thơ, một vở kịch, một ca khúc... đều có thể nuôi dưỡng giấc mơ bí mật từ trong sâu thẳm”. Với mục đích chuyển tải những tác phẩm của Bob Dylan đến gần với công chúng VN, dịch giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh vừa cho ra mắt cuốn sách “Bob Dylan - những hòn đá lăn” (NXB Hội Nhà văn 2017).
Trong lời tựa của tác phẩm, dịch giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh viết: “Dịch, nghe, đọc, hiểu, cảm Bob Dylan âu đó cũng là sự đi cùng niềm đam mê của mình, mong muốn tìm kiếm đồng cảm với hiện hữu lúc này Bob Dylan và những ca khúc, ca từ đầy chất văn chương của ông thuộc về bạn, về tôi và mỗi chúng ta”. Chắc hẳn chúng ta cùng đã từng nghe đến “giấc mơ của người gieo trồng” đối với các tác phẩm thi ca, nhạc họa được chuyển tải đến công chúng bằng tâm huyết và sức sáng tạo của mỗi nghệ sĩ. Hơn 50 năm lao động miệt mài, nhạc sỹ, ca sỹ, diễn viên, nhà biên kịch... người Mỹ đã để lại gia tài đồ sộ ở mọi lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, trong đó có 42 album âm nhạc với hàng chục ca khúc được vinh danh toàn cầu.
Có thể kể ra các ca khúc nổi tiếng của ông như: Like a rolling stone, Rainy day women #12 & 35, Lay lady lay, Gotta serve somebody... Dylan là nhạc sĩ đầu tiên nhận được giải thưởng Nobel trong lĩnh vực văn chương đã chứng tỏ ông là người nhạc sĩ, có tầm ảnh hưởng trong suốt nhiều thập kỷ trở lại đây. Dịch giả Lê Đức Thịnh giới thiệu tác phẩm của ông qua cuốn sách mới nhất không chỉ mong muốn công chúng tiếp cận nhiều hơn đến ca từ tuyệt vời của ông mà còn trong tâm thế thưởng thức: tình khúc thì lãng mạn, thắm thiết và sâu lắng; du khúc thì đầy chất giang hồ, bụi bặm và mạnh mẽ; nhạc phản chiến phản kháng thì đi đến tận cùng của đối cực... Ca từ tuyệt vời của Bob Dylan cuốn ta trong cơn gió tự do, nhịp nhàng và quyến rũ: “Bao nhiêu năm núi non vững chãi/ rồi chìm mất vào giữa biển sâu?/ Bao nhiêu năm con người mới hiện hữu/ trước khi được hưởng tự do?/ Bao nhiêu lần ta quay đầu nhìn lại/ rồi vờ ngoảnh mặt làm ngơ?/ Bạn ơi, câu trả lời cuốn trong gió/ Câu trả lời để gió cuốn đi”. Tác phẩm Bob Dylan dẫn dắt công chúng vào mê trận của ca từ, với nỗi niềm đồng cảm đến sâu cùng số phận của con người, đồng thời lên án mạnh mẽ thói hư tật xấu, phản biện bóng tối án ngự từ sâu thẳm khiến chúng ta đắm chìm trong tội lỗi, và cầu mong sự giải thoát: “Khi bạn không có gì trong tay/ bạn chẳng có gì để mất/ bây giờ bạn đã hiện nguyên hình/ bạn không có mật để che giấu/ Cảm giác thế nào nhỉ/ cảm giác thế nào nhỉ/ khi chỉ có một mình/ phải sống không nhà/ như một kẻ hoàn toàn vô danh/ như một hòn đá lăn?” (trích ca khúc Như một hòn đá lăn).
Cuốn sách với 40 ca khúc của Bob Dylan được chuyển tải sang tiếng Việt cùng với lời giới thiệu khá kỹ lưỡng của dịch giả Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, chắc chắn độc giả sẽ hài lòng trong việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ vĩ đại thế kỷ XX, và là một tài liệu hữu ích trong việc nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông.
Đà Nẵng, 24.10.2017
PHAN NAM.

Phan Nam và dịch giả, nhà thơ Mộc Nhân Lê Đức Thịnh tại Đại Lộc, ngày 22.10.2017
Bản tin trên báo công an Thành phố Đà Nẵng.

Blog Phan Nam. 

Xem tiếp…

Phiêu bồng đò dọc... - tản văn của Nguyễn Nhã Tiên

5:00 PM |
Trong khá nhiều bến đò trên dòng Thu Bồn hay là dòng Vu Gia từ thượng nguồn đổ về biển, mỗi khi có dịp ngược xuôi trên những chuyến đò dọc chạy ngang qua là tôi đều có thể nhắm mắt lại gọi đúng tên từng bến bờ. Bến Phú Thuận đông vui tấp nập; bến Giao Thủy, Vân Ly mênh mông lãng mạn tiếng hò; bến Trung Phước phố chợ ồn ã; bến Dầu tĩnh mịch trầm tư... Nhiều nhà văn, nhà thơ đất Quảng xưa nay nổi tiếng trên văn đàn như Bùi Giáng, Phạm Hầu, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Trinh Đường, Tạ Ký... đều sinh ra từ các làng quê bên những bến sông này. Bây giờ thì tất cả đã là người xưa, đã “hồn muôn năm cũ”. Thử đọc lại một đoạn văn của nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về con đò dọc ngày xưa trên bến sông Thu Bồn để tưởng bước chân ông đã từng qua đây. “Từ làng tôi đi Hội An thì buổi chiều ra bến sông Thu Bồn, xuống đò. Tối, đò nhổ, rời bến, lúc chống chèo, lúc căng buồm chạy phăng phăng trên mặt nước. Nửa đêm thức giấc, chập chờn trong tiếng hò. Tiếng hò văng vẳng đâu sau lái đò mình, ơi ới trên những chiếc khác cùng xuôi dòng sông, giọng nam nữ đối đáp nhau vang vọng giữa trăng nước”.
Sinh thời, tác giả kịch bản phim tài liệu “Dòng sông hát” - Trần Thanh Lục - đã bao lần đưa GS-TS Trần Văn Khê lênh đênh trên những chuyến đò dọc trên sông Thu Bồn và Vu Gia nghiên cứu cảm âm, ký âm, các làn điệu hò chèo thuyền, hò đua ghe để hoàn thiện bộ phim khá công phu của ông. Họ bây giờ cũng đã là phần hồn trên sông nước này.
Còn đối với nhà thơ Trinh Đường thì chuyến đò dọc trên dòng sông Thu Bồn vào một đêm mưa gió của hơn nửa thế kỷ trước là chuyến đò duyên phận. Nói một cách khác, chuyến đò năm xưa ấy đã có công khích lệ làm nên một Trinh Đường thi sĩ cho đến mãi về sau này. Trong những lần ông về thăm quê, hầu như lần nào nhà thơ cũng thường rủ tôi làm bạn đường. Khi thì đi xe khách, lúc thì ngẫu hứng đò giang, qua những lần như thế, tôi mới hiểu ra cái chuyến đò nên duyên phận ông và thơ là như thế nào. Có một đêm mưa gió đầy trời trên dòng Thu Bồn, một chàng trai trẻ ngồi gập người phía mũi của con đò cố phụ chèo chống với người lái đò đưa con đò kịp về nhà sau những ngày chàng trai xuôi phố Hội rong chơi. Mưa càng lúc càng to. Nước sông Thu cuồn cuộn xiết chảy đục ngầu phù sa. Con đò cố hết sức nhưng chừng như đến lúc không đủ lực bơi ngược dòng, mũi muốn bạt tấp vào bờ. Trong khi đó, cái bến quê nằm dưới chân hòn Ngang mịt mù trong mưa gió còn xa lắc. Vậy là người lái đò đành cho con thuyền ghé vào bờ cắm sào neo đậu dưới hàng tre bên bờ sông nghỉ lại qua đêm. Đêm đó mặc cho ai ngủ, chàng trai trẻ chong ngọn đèn bão thức thâu đêm trong mui bầu bạn say sưa với tập “Lửa thiêng” của Huy Cận mới mua từ nhà sách Hội An đem về, đến độ quên khuấy cả gió mưa tầm tã giăng kín con thuyền. Chàng trai trẻ trên chuyến đò dọc ấy chính là Trinh Đường vào cái thời xa lơ xa lắc trước Cách mạng Tháng Tám. Mãi về sau này, trong lời bạt của Trinh Đường viết cho tập thơ “Tao phùng” của Huy Cận, ông đã đưa cái chi tiết này vào như một cái duyên nhuốm màu tiền định: “Và từ đấy, nó (“Lửa thiêng”) trở thành người bạn đường của tôi hơn nửa thế kỷ nay”. Chao ôi, cái bến mà Trinh Đường cùng người lái đò cắm con sào neo đậu trong cái đêm mưa gió xa xưa đó giờ là đâu trên quãng sông này?
Nhưng tất cả mọi bến bờ xuất hiện trong trí nhớ vốn hoang vu của tôi xem ra đã bao lần biển dâu bồi lấp, chỉ có những vạt nắng chiều trên cái bến Xuân ửng sáng sắc hoa cải vàng của mẹ tôi là không chịu tắt bao giờ! Đấy là thời con sông chảy qua làng tôi đêm đêm đầy ắp tiếng hò của bao chàng trai, cô gái. “Nong tằm, ao cá, nương dâu/ Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò”. 
Sông Thu (ảnh: Vũ Công Điền)
Tuổi thơ tôi từng được mẹ cho đi theo xuôi ngược trên những chuyến đò dọc mẹ thuê chở hàng như: thuốc lá, dầu phụng, đường bát, ớt khô... xuôi về bán ở các chợ Hội An, chợ Hàn. Và rồi ngược lại, mẹ tôi mua các loại hàng hóa ở phố như vải may mặc, ni-lông che mưa, dầu lửa, đèn pin... chở về bỏ mối lại cho các sạp ở chợ Phú Thuận, Gia Cốc, Phường Đông. Đông vui nhất là vào mùa Tết, những chuyến đò dọc chở hàng hóa đi về lại càng tấp nập hơn. Bởi thế, cái bến đò ngày Xuân suốt đêm ngày trở thành nơi cho những cuộc hội hè không dứt. Nhà tôi chỉ cách bến đò một cái cồn nhỏ. Đất màu ven sông hễ đến cuối mùa đông là nhà nào cũng gieo rau cải. Sau khi thu hoạch, nhiều vạt cải người ta để lại lấy giống cho mùa sau. Vì thế, cứ sang Xuân là hoa cải trổ vàng rực cả bến sông. Đấy cũng là cái bến Xuân ngập đầy thiên đường của tuổi thơ tôi! Chỉ có điều, đến khi tôi biết bập bẹ nghêu ngao “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ Bao lũ chim rừng họp đàn trên bến Xuân” thì mẹ tôi đã trở thành người xưa và cái bến Xuân thiên đường ấy cũng đã lở xuống sông sâu tự bao giờ.
Bây giờ, ngồi con đò dọc, tôi đang gọi ơi ới ngày xưa trên dòng sông vắng. Trả lời tôi là miên man âm thanh gió lạnh. Là nắng Xuân ửng trên dòng sông như vô vàn hồi quang tự bến xưa trôi về. Bỗng dưng, ngồi đây mà tôi lại nhớ đến cái bến My Lăng siêu hình trong thơ của thi sĩ Yến Lan: “Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”. Trên con đò dọc này giờ chẳng có ánh trăng nào hết, chỉ có nắng chiều gieo trên mặt sông se sắt vàng. Nhưng quả thật, nói như Yến Lan về cái bến My Lăng của ông, rằng “Những ai đã có lần đứng đợi một chuyến đò... Và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi. Bến My Lăng ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn”.
Vâng, chỉ bằng cách đó, cơ may tôi còn gặp lại cái bến Xuân xưa với những chuyến đò dọc chất ngất những câu hò...
NGUYỄN NHÃ TIÊN
(Nguồn: nld.com.vn)

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí văn hóa Phật Giáo số 282 (ngày 01.10.2017)

2:17 PM |
Trân trọng giới thiệu tạp chí văn hóa Phật Giáo số 282 (phát hành ngày 01.10.2017)




Blog Phan Nam giới thiệu.


Xem tiếp…

Bài bolero đầu tiên... - Vũ Đức Sao Biển

5:11 PM |
Một câu hỏi đặt ra là nhạc sĩ nào đưa dòng âm nhạc ấy vào nền âm nhạc Việt để viết bài bolero đầu tiên. Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Điệu nhạc du nhập các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin (Ba Lan, 1810-1849), Bizet (Pháp, 1838-1875) và Debussy (Pháp, 1862-1918) sử dụng viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latin. Nó trở thành âm nhạc của quần chúng. Bolero Mỹ Latin là một thứ giai điệu phóng khoáng và trữ tình. Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các điệu thức tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra hẳn một dòng nhạc bolero mới; xôn xao hơn, rực rỡ hơn, lãng mạn hơn và đậm chất Latin. Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha. Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách chơi, cách xử lý ca khúc.
Bolero du nhập Việt Nam những năm 1950. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức ấy, biến nó thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã viết thành công bài rumba bolero đầu tiên, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam, hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique - SACEM). Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông là Trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau này đổi tên là đường Cường Để và nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều năm 1952. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là một cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn (Bình Định) đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Ca khúc được thu thanh lần đầu tiên năm 1953 bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất với tiếng hát của danh ca Minh Trang. Chính Lê Trọng Nguyễn soạn hòa âm và phối khí cho dàn nhạc chơi bài này. Thật không ngờ, bài tình ca viết với điệu thức rumba bolero đầu tiên lại có sức chinh phục và cuốn hút người nghe đến vậy. Nắng chiều được phát liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn, Đài Pháp Á (đường Hàm Nghi, Sài Gòn) và Đài phát thanh Huế. Lúc bấy giờ, người ta chỉ được nghe nhạc qua sóng phát thanh từ radio; nhà nào sang lắm mới có được máy pick up hát đĩa than. Nhiều thế hệ ca sĩ sau bà Minh Trang như Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh và các ông Anh Ngọc, Ngọc Long cùng hát Nắng chiều và cũng được người yêu nhạc tán thưởng.
Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều đúng quy chuẩn của một ca khúc, xét về mặt nhạc pháp. Ca khúc được viết với cung sol trưởng; mỗi ô nhịp 4/4 rất ít nốt nên tiết tấu khoan thai, vận dụng nhịp ngoại tài tình, chuyển âm giai rất phong phú. Đặc biệt, đoạn điệp khúc được ông biến tấu qua mi thứ - âm giai tương đương cùng bộ khóa, nên giai điệu ca khúc rất mềm mại và đẹp. Âm hình cấu tạo của ca khúc gồm đoạn A (A1 + A2) + B (B1 + B2) + A’ (giống như A2). Cấu trúc ca khúc cổ điển nhưng nội dung lại hàm chứa nét nhạc hiện đại và lãng mạn như phong cách rumba bolero Mỹ Latin. Ca từ của Nắng chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là con người từng thẩm thấu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa… Anh nhớ xót xa dưới tre lá ngà/Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh/Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu dàng nắng chiều ngừng trôi”. Bạn để ý đấy, một bài tình ca rất lãng mạn nhưng không hề có động từ “yêu” hay danh từ “người yêu” nào trong đó. Ngay cô gái ngày ấy cũng chỉ được mô tả là “Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh” chứ không nói “yêu anh”, bởi nói “yêu anh” thì nghe phàm tục quá! Đúng ra, có một chỗ tác giả viết “Hình bóng yêu kiều kề hoa tím, biết đâu mà tìm” nhưng “yêu kiều” ở đây là tính từ mất rồi. Tình ý của ca khúc thật nhẹ nhàng nhưng quá đỗi sâu lắng, say đắm, nhớ nhung. Bản nhạc được các nhà xuất bản An Phú (Sài Gòn), Tinh Hoa (Sài Gòn) và Tinh Hoa (Huế) in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản. Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch dương. Cả hai nữ danh ca này có vẻ như rất mến mộ Lê Trọng Nguyễn. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca!
Vậy đó, Nắng chiều với phong cách rumba bolero đầu tiên đã trở thành bài tình ca đẹp nửa sau thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Nó thoát hẳn phong cách xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero Mỹ Latin; tạo nên một phong cách bolero Việt Nam chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo). Về sau này, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục lối sáng tác ấy để viết hai ca khúc Bến giang đầu (Nắng chiều 2) và Chim chiều không tổ. Hai ca khúc này đều viết với cung re trưởng; chất bolero thật đậm nét. Ông còn là người dung nạp tài hoa các điệu nhạc đặc trưng của Mỹ và đảo Hawaii như jazz, blue, boston rock, slow để viết những bài tình ca khác. Các nhạc sĩ hòa âm sau này đã hòa âm cho ca sĩ hát Nắng chiều với các điệu khác nhau như rumba, bolero, calypso, baiao hoặc nhanh hơn chút nữa thì chachacha. Từ năm 1955 trở đi, miền Nam phát triển một hệ tình ca mới chủ yếu sử dụng dòng bolero làm chủ đạo. Nhạc sĩ Trúc Phương (Nguyễn Thiện Lộc) đẩy bolero chậm lại hơn nữa, dung hợp với phong cách dân ca Nam bộ sáng tác một loạt bài tình ca bolero cung thứ với ca từ rất lạ, được xem là “vua bolero” Sài Gòn. Nhiều nhạc sĩ khác cũng đồng thời dùng bolero viết tình ca, hình thành hẳn một dòng nhạc bolero trữ tình, đặc sắc, gần gũi với đông đảo người nghe nhạc.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN.
Nguồn: Báo Thanh Niên

Xem tiếp…

Dáng hình con gái - chùm thơ Huệ Thi

11:40 AM |
Tác giả: Huệ Thi, tên thật: Nguyễn Thị Huệ, sinh 1982 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Dù cô mới chính thức xuất hiện trên văn đàn trong thời gian gần đây, nhưng Huệ Thi đã gây được ít nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc với sự ra đời liên tiếp của các tập thơ: Khát khao, Bóng quê và hôm nay là Đa đoan. Huệ Thi đã có khá nhiều tác phẩm được chọn đăng trên các báo và tạp chí văn nghệ. Hiện cô là hội viên của Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Chúng tôi xin giới thiệu chùm thơ mới của cô (ĐHT)

DÁNG HÌNH CON GÁI

Mẹ gom bao nhiêu giọt sương
Ngọc ngà nụ cười con gái
Cho con đôi mắt long lanh
Mẹ gói cả bầu trời xanh

Nước suối trong của đại ngàn xa thẳm
Nhuộm óng mái tóc tơ non
Mẹ chiu chắt cả ánh trăng rằm
Phả vào đôi môi cong mơ màng thiếu nữ

Nửa khuyết lấp đầy trọn vẹn yêu thương
Mẹ hứng từng giọt sương đêm
Vuốt ve thân hình vệ nữ
Mượt da con lụa là giấc mơ cổ tích

Công chúa lòng mẹ ước mong
Mẹ quì gối tựa ân trên xin mọi giọt nắng hồng
Tô thắm lung linh ngọt đời thân con gái
Đôi má ửng, thẹn thùng còn mãi

Vời vợi hương sắc tinh khôi
Mẹ vắt trọn tình yêu một thời
Mẹ tham lam, xin trọn điều chắt lọc
Một đời con thanh sắc chẳng nhạt nhoà.

HÃY SỐNG THẢN NHIÊN

Nếu một ngày em thản nhiên bất chợt
nước mắt hoá khô, trái tim dần băng giá
khi nỗi đau và buồn vui xếp ngang hàng không cần mặc cả
nghĩa là anh đã tự đánh rơi em

Nếu một ngày em vẫn một mình gánh gồng mạnh mẽ,
tự độc thoại cùng đêm
tự đau lòng, tự tủi thân trong vô hình vạn trạng
không cần một ai xót thương bầu bạn
có nghĩa em chẳng còn gì và dặn lòng: đừng đục khoét
thản nhiên

Nếu một ngày em vuốt tóc bên hiên
thương vạt nắng sợi nghiêng sợi úa
tự khuyếch đại nỗi đau qua tháng năm vây bủa
thất vọng chính mình và bao dung cả cơn gió đi hoang

Nếu một ngày em chợt ngỡ ngàng: phải học cách yêu thương
cười lạc quan vì tương lai còn nhiều hướng rẽ
gói tròn quá khứ, bước đi trên chông gai mạnh mẽ
anh sẽ chẳng là gì
em cười đến an nhiên...


Hơn nửa hành trình ngược xuôi cơm áo
Nhìn lại sắc hương ngày cũ
Chợt buồn chợt vui
Có những ký ức ngỡ chôn vùi
Bùng lên như ngọn lửa

Đôi lúc tiếc thầm vì tự tay mở toang cánh cửa
Đón bão sau mưa 
Đời
Biết mấy là vừa đủ để ngồi toan tính
Khóc như trẻ thơ một đêm,
sáng mai đưa tay thơm giọt sương vô tình rơi
trên cành lá
Bỗng ngô nghê nghiêng ngả
Em hiền tựa cỏ khô

Đã từng đào huyệt mộ
Chôn chặt lắm bi ai, trách cơn gió xát lòng quật lại
Mầm bi hài hồi sinh 
Vui buồn chỉ biết lặng thinh
Khổ đau riêng mình buộc lại
Sóng ngầm tạt vào đâu, chỉ dám thét gào tê tái
Đa đoan một kiếp đa mang

Quá nửa đời lỡ bước sang ngang
Quên dần phố hội
Bỏ hẳn cuộc vui
Tiếng ca điệu sáo chôn vùi
Bỗng dưng sớm ra nghe đời thổn thức
Chới với không một bàn tay, tự mình siết tràn khuôn ngực
Sao nhạt nhoà, cười như trẻ lên ba.

HUỆ THI

Xem tiếp…

Khúc bolero cho em - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

10:45 AM |
Ảnh sưu tầm.
KHÚC BOLERO CHO EM

 Tóc dài và mắt em xưa
 Người đi buổi đó vẫn chưa thấy về
 Tháng mười mưa gió lê thê
 Ai còn hát khúc Bolero buồn

 Chiều nay đón nhỏ tan trường
 Mai kia mốt nọ đâu còn đón đưa
 Nhớ lần hai đứa trú mưa
 Nhỏ cứ sợ ướt nép vừa vào tôi

 Ngoài trời nặng hạt mưa rơi
 Lòng tôi nhỏ biết đầy trời bão giông
 Nhỏ ôm kỷ niệm sang sông
 Nhỏ cười hay khóc khi lòng tôi đau

 Xin đừng dỗ ngọt đời nhau
 Nhớ quên rồi cũng một màu thê lương
 Có ai qua khúc sông buồn
 Vớt trăng chết đuối giữa trường giang, sâu!

 THIÊN ĐƯỜNG TRÊN MÂY

 Cầu vồng mở đường cao tốc
 Cho ta về lại cõi tiên
 Thánh thần để rồi cũng khóc
 Đời nhau bảy nổi ba chìm

 Sống làm sao không thiếu sót
 Bao đồng mà chẳng lo xa
 Bỏ quên một rừng trí thức
 Chôn vùi hương sắc muôn hoa

 Lời hứa là thứ rẻ nhất
 Đi sau giọng nói tiếng cười
 Niềm tin là thứ đắt nhất
 Khi mình đã chọn sân chơi

 Nếu biết đời là cõi tạm
 Tính toán hơn nhau cái đầu
 Sao cứ mơ làm thần thánh
 Đưa người vào cuộc bể dâu

 Vén mây nghe chiều lưu luyến
 Vườn đào hoa lá xôn xao
 Cõi tiên có người rơi lệ
 Về trần ta thấy lòng đau

 MIỀN TRUNG NƯỚC TÔI 

 Tôi lặng người theo tiếng sét thinh không
 Đồng bằng hổm rày mưa dầm thúi đất
 Nắng mệt mỏi mặt trời đi trốn biệt
 Thì làm gì có nắng ấm miền Trung

 Dãy đất thân yêu, cơn bão lũ tột cùng
 Cuốn theo hết biết bao người và của
 Thượng Đế hỡi, dân tôi chưa hết khổ
 Lại nhận thêm bao thảm họa trái ngang

 Nước lũ dâng cao hay nước mắt tủi hờn
 Cuộc sống mong manh bên thềm bóng tối
 Những gương mặt cứ hằn sâu kinh hãi
 Quỳ lại trời xin được chút mưa ơn

 Đất nước Rồng Tiên còn trăm khổ ngàn buồn
 Khi hạnh phúc bị cuộc đời xé rách
 Bởi sự thật chưa bao giờ có thật
 Tự dối mình và lừa dối lẫn nhau!

TRÚC THANH TÂM

Xem tiếp…

NGỦ RỪNG - tản văn của Phan Nam.

4:35 PM |
1.
Tôi rất phục bố tôi ở cái khoản “ngủ rừng”, nghĩa là có thể ngủ liền mấy đêm trong rừng sâu và chỉ một mình. Chỉ cần mắc võng lên và chui vào, đốt một đống lửa trại thật to để sưởi ấm là có thể yên giấc. Những người gắn bó với rừng có thể hiểu rừng đến nỗi mỗi âm thanh vọng lại, mỗi bóng hình chập chờn đều không thể làm tan biến nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào từng thớ thịt. Ngày xưa, rừng ở quê tôi được khai thác rất chọn lọc, chỉ có chọn cây to và hoàn toàn bằng thủ công, dùng rìu để đốn cây. Vì thế, những người thường xuyên đi rừng như bố tôi có thể biết chính xác chỗ nào có cây, có gỗ trong rừng. Đặc biệt vào mùa mật ong rừng, chuyện ngủ rừng của bố là điều thường xuyên như cơm bữa. Ngày bố trở về sau chuyến đi dài là ngày đặc biệt thu hút đối với lũ trẻ chúng tôi, vì chiều bố sẽ cõng về tầng ong non và sáp ong đã được vắt đi, nhưng vẫn còn nồng đượm mật ngọt, bỏ vào môi sẽ cảm nhận tinh túy hương hoa của đất trời đang thấm trong huyết quản. Tôi là đứa con của rừng và từng nhiều lần ngủ trong rừng nhưng nỗi sợ thì vẫn còn xâm chiếm đến nỗi từng dấu chân, từng hơi thở xoáy sâu trong cơn mê sảng. Ngủ rừng và kiếm tiền từ rừng không phải là chuyện dễ dàng, nó thường được đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Có lẽ vì thế mà bố tôi có thể nhấm rượu như uống nước suối, nói chuyện thâu đêm suốt sáng trong khi cây cối đắm chìm vào cơn mơ tự lúc nào. Điều đặc biệt nhứt với tôi là đêm đêm lên đỉnh đồi có thể trông thấy thành phố Tam Kỳ rực sáng bàng bạc phía xa xa trong ánh điện mặc dầu khoảng cách ngắm nhìn không phải là gần. Ngủ ở rừng thì có chuyện gì để nói, nếu không phải là đắm chìm sự mệt nhọc hằn lên thân xác, mà chưa biết đến bao giờ mới được giải thoát. Rừng đối với tôi, vẫn là một nơi bí ẩn ghê gớm lắm, trên mặt đất không có đường người ta đi mãi rồi thành đường mòn, và chính những con đường mòn chằng chịt xa xôi ấy đã nuôi chúng tôi khôn lớn, bay đến bầu trời thành phố. Quả là những con đường kỳ lạ...
2.
Ở quê tôi, bây chừ chuyện lên rừng không còn khó khăn như trước, kể từ khi phong trào trồng keo nở rộ. Tôi nghĩ, ở miền đất trung du khô cằn sỏi đá, không còn cây nào phù hợp hơn cây keo. Và kể từ đó, từng tấc đất từ làng lên đến bìa rừng trở nên quý giá hơn bao giờ hết, khi vào ngày nông nhàn không còn phải th hương cầu thực vì chuyện đi xa đã nhường lại cho con cái của họ. Người dân tiếp tục ngủ rừng để làm rẫy, ngủ rừng để trồng keo, cho đến khi khai thác keo... có lẽ giấc ngủ của họ đã gắn chặt với rừng. Bây chừ, nhìn những mảng xanh bạt ngàn của keo, tôi lại cảm thấy vui, bởi vì nếu không có keo, thú thực lên rừng cũng chẳng biết trông chờ vào điều gì. Có thể ở phố nhìn vào những mảng xanh thấy lòng mình thanh thản dịu êm nhưng ở rừng nhìn màu xanh cây lá lại thấy lòng buồn nhiều hơn vui. Dòng chảy của rừng đã phủ lên nỗi khát khao kiếm tìm tương lai tưởng chừng như xa xôi mà cũng gần gụi lắm. Tôi nhớ, thuở nhỏ, có lần tôi phải ngủ ở rừng mấy đêm liên tiếp để giữ lúa. Hồi ấy, nhà tôi còn làm lúa nằm sâu trong rừng, nơi có con suối ngày đêm rì rào chảy. Và lũ chim sẻ đông đẹt ấy bay xuống ruộng phá lúa đến giờ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí tôi. Làm lúa để kiếm miếng ăn nhưng bây chừ lúa thóc cũng không còn quan trọng nữa nên ước mong về cây keo có lẽ là suy nghĩ thiết thực nhất. Trồng keo, dễ trồng, dễ chăm sóc, lại thích hơn với địa hình đồi gò, hang hốc, đá sỏi... Nhưng có lẽ, cây keo còn ở phương trời nào xa vời lắm, vì khi thu lợi từ cây keo thì chắc chắn đến một lúc nào đó, ta cũng sẽ phải trả giá. Hồi nhỏ ngủ trong rừng, tôi bị con ma đuổi bắt, may mà con ma chỉ hiện diện trong giấc mơ...
Đà Nẵng, tháng 09.2017
PHAN NAM

Xem tiếp…

Giới thiệu tuần báo văn nghệ TP HCM số 470 - ra ngày 05.10.2017

9:27 AM |
Tuần Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TP.HỒ CHÍ MINH
Số 470, ra ngày thứ năm, 05.10.2017.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:
. Mấy vấn đề lớn trong “Sử đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh / Đào Ngọc Đệ.
Truyện ngắn:
. Nỗi đau / Phụng Tú.
. Cưới tháng Ngâu / Lê Ngọc Minh.
. Hoa hướng dương / Nguyễn Trần Bé.
. Niềm tin / Bùi Thị Thu Hằng.
Tạp bút:
. Thầy tôi và những chiếc lồng đèn / Y NGuyên.
Thơ:
. Hoài niệm / Nguyễn Hồng Vinh.
. Say say bốn mùa / Phạm Phương Lan.
. Con sóng vô bờ / Phạm Hồng Soi.
. Tình ca biển / Phan Nam.
. Hờn với nắng / Trương Nam Chi.
. Mẹ có buồn không? / Trần Ngọc Mỹ.
. Buổi sáng sài Gòn / Đỗ Tấn Thảo.
. Viết thay cho người tôi yêu / Khaly Chàm.
. Đêm nghe hát bài chòi / Trần Vạn Giã.
Góc nhỏ Sài Gòn:
. Nghệ sĩ mặt nạ / Đoàn Đại Trí.
Văn học nước ngoài:
. Không thể tẩy sửa lịch sử chiến tranh Việt Nam / Robert Freeman, Ngô Mạnh Hùng (biên dịch).
. Sức sống trường tồn của một ấn phẩm / Juri Kozlov (Nga), Lê Sơn (giới thiệu và dịch).
. Maxim Gorki Ngọn cờ Văn học Cách mạng Nga / Hoàng Xuân Huy.
Từ trang tư liệu cũ – Trao đổi – Nghiên cứu – Lí luận phê bình:
. Nguyên bản Phạm Quỳnh (kỳ 3) / Năm Châu Đốc.
. Mấy vấn đề nhờ GS. Phan Huy Lê giải thích… / Giá Khê.
. Về quan điểm cho rằng Nguyễn Ánh thống nhất đất nước / Nguyễn Văn Toàn.
Bút ký, ghi chép, hồi ức, chân dung:
. Còn bao nhiêu Mẹ Liệt sỹ như thế / Hoàng Kim Hậu.
Văn chương và cảm nhận:
. “Đường trần” không đơn độc / Nguyễn Văn Thịnh.
Báo chí:
Điểm tin, bài văn hóa văn nghệ:
. Văn học nghệ thuật TP.HCM 30 năm đổi mới / Thanh Bình Nguyễn.
. Ngày Sân khấu Việt Nam 2017 / Cao Nguyễn, Ánh Tuyết.
. Đêm Ballet tại Nhà hát Thành phố / Nguyễn Minh, Kim Sa.
. Festival 20 năm Làn Sóng Xanh – Hành trình của những ngôi sao và người yêu nhạc Việt / Đam Thy, Kim Thanh.
. 7 tour đường sông mới của SaiGontourist / Đông Lan, Thanh Thảo.
. Kỷ niệm 27 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Liên bang Đức: Triển lãm sách Đức và khai trương gian hàng sách tiếng Đức / Nguyễn Dương, Châu Huỳnh.
. Đọc “Những thành phố trôi dạt của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên / Lê Văn.
. Thiết kế sản phẩm tuyên truyền phổ biến giáo dục luật pháp – Một cuộc thi có ý nghĩa / Dương Đông.
. Giải Marathon quốc tế TP.HCM / Quốc Phú, Thùy Trang.
. Trung thu cho em / Phương Thảo, Lê Vy.
. Lễ Hội Nghinh Ông Cần Giờ 2017 / Thanh Vân, Hoàng Yến.
Viết ngắn:
. Tình thương; Nụ cười trẻ thơ; Chia sẻ / Thái Hoàng.
Kính văn nghệ:
. Từ nhảm tới mất phẩm chất / Tú Văn.
Thầy thuốc văn nghệ:
. U xơ tử cung / Bác sĩ Đào Ty Tách.
Blog Phan Nam.

Xem tiếp…

Mẹ ngồi xâu chỉ thềm trưa - tản văn Nguyễn Thành Giang

2:51 PM |
Trong kí ức của con, miên man chảy một dòng thời gian qua suốt tuổi thơ mình. Và, trong những khoảng thời khắc của giờ, của ngày, của tháng, của mùa đi, hình bóng mẹ vẫn chập chờn bên thềm nhà, trưa tháng 3 đầy nắng. Có khi là xắc mớ măng vòi, có khi vò lấy những hạt cải, hạt ngò làm giống cho mùa sau. Nhưng có lẽ, nhớ nhất vẫn là những trưa mẹ ngồi may áo bên thềm. Và, con luôn giữ một việc khá thích thú, ấy là xâu chỉ vào kim giúp mẹ. Nhà mình ngày ấy nền nhà đắp đất thôi, và tất nhiên, trước thềm hiên cũng là thềm đất. Mẹ thường ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ và thấp. Chiếc ghế ấy ba tự đóng bằng những miếng gỗ tạp kiếm được về. Sau một buổi sáng vất vả ngoài đồng và dưới chợ, trưa của mẹ thường cũng không có một giây phút nghỉ ngơi. Áo quần của tụi con và của ba sờn rách theo ngày, mẹ đem ra ngồi vá lại hết. Mẹ ngồi tỉ mẩn với từng đường kim mối chỉ, khi cái nắng hè xoáy vào mái hiên, và những cơn gió trưa nhè nhẹ thổi. Thềm đất ấy, cơn gió ấy, cái nắng ấy đã quện sâu vào kí ức của con như một dấu ấn đẹp đầy thơ. Những ngày cái nghèo còn quẩn quanh bám lấy ngọn khói bếp, bám lấy gia đình mình và cũng bám lấy cuộc đời mẹ ba. Nhưng cũng những ngày ấy, con mới thực sự là một đứa trẻ vô tư, hạnh phúc nhất trong ngôi nhà nhỏ, trong vòng tay ba mẹ. 
Từ lúc còn lon ton lút chút chạy bám bên mẹ, con đã rất thích mỗi khi nhìn mẹ may vá quần áo chỉ bằng một cây kim và những bó chỉ trên tay mình. Bàn tay gầy gò, nhiều chai sần của mẹ trở nên nhịp nhàng lạ thường dưới con mắt đầy hiếu kì của con. Những buổi trưa của con bắt đầu không ngủ từ đó. Thấy con ngồi bên, chăm chú nhìn, mẹ lại xoa đầu mỉm cười. Và, với sự nghịch ngợm của mình, nhiều khi con làm cho mẹ hoảng lên và lo lắng. Bởi những khi có việc gì, mẹ chạy ra vườn hay xuống bếp làm gì đấy, con lại táy máy nghịch vào đống kim chỉ. Không ít lần, kim chích vào tay con khá sâu. Thằng bé nghịch ngợm hồi ấy chỉ biết khóc thét lên, như bắt đền mẹ. Thường thì lúc ấy, con vừa làm mẹ lo, vừa đánh thức giấc ngủ trưa ít ỏi của ba ngoài võng. Đôi khi, chính vì vậy, ngoài bị kim đâm, còn phải ăn thêm vài cái roi của ba. Lớn lên một chút, khi mắt mẹ ngày càng kém, thì con được mẹ giao cho nhiệm vụ xâu chỉ vào lổ kim mỗi khi mẹ vá quần áo. Thềm nhà sau nhiều năm bằng đất, cũng được lát xi măng mỏng. Nhưng trưa hè vẫn nắng, mẹ vẫn ngồi vá áo và không có một giấc ngủ trưa nào. Mỗi lần xâu chỉ giúp mẹ, con thấy lòng vui như làm một việc gì đó ý nghĩa lắm. Mẹ cũng mỉm cười bởi thấy con trai đã biết làm những việc nho nhỏ nhưng ấm lòng mẹ. Bởi ngoài mắt mờ đi, đôi tay mẹ cũng dần run theo thời gian. Không có các con xâu chỉ giúp, mẹ sẽ rất khó khăn trước khi vá được những cái áo, cái quần cho cả gia đình. Với còn, những trưa hè như vậy còn đọng mãi trong trí nhớ của mình. Sau khi xâu chỉ xong, con còn ngồi bên, xếp lại những bộ quần áo mẹ đã vá xong, để mẹ bớt thêm một chút vất vả. Bao tháng ngày đi qua, con dần lớn lên và trôi dần ra khỏi bờ tre, mảnh vườn nhà mình. Những cuộc mưu sinh, những chuyến đi xa đã làm con không có thời gian gần gũi với đường kim mối chỉ của mẹ. Hiếm hoi lắm con mới có một lần ngồi xâu kim giúp mẹ. Còn có lẽ, những lúc vá quần áo cho gia đình, mẹ phải tự lần mò rất khó khăn cũng như tốn rất nhiều thời gian. Nhiều khi, lang thang trên một vùng quê lạ, trưa nắng hè, ngồi nhìn một người phụ nữ nào đó bên thềm nhà vá áo, lòng con lại nghĩ rưng rưng. Biết đâu, chính thời khắc ấy, mẹ cũng đang ngồi một mình vá áo bên thềm trưa nhà mình. Và cũng biết đâu, lúc ấy, mẹ lại nghĩ về đứa con mãi lang bạt giữa đời chưa có điểm dừng. Quê nhà nhiều khi hiện về trong trí nhớ con, khuất sau xa lắm những ngôi nhà cao tầng, những phố xá bon chen, những nẻo đường hun hút mù mù gió bụi.
Nắng đã phả những dòng hơi nóng xuống khắp những miền đất quê hương. Con về lại nhà, ngồi giữa cái nắng quê mà lòng bùi ngùi nhớ cái thuở xâu chỉ luồn kim giúp mẹ. Thời gian thì mãi miết trôi đi với những biến động khôn lường. Giờ, khi đời sống cũng đã khá lên một chút, áo quần cũng không đến nỗi rách nhiều như ngày trước, thì việc mẹ ngồi vá áo vá quần mỗi trưa cũng thưa thớt hẳn đi. Giấc ngủ trưa của mẹ cũng đã có trong lịch làm việc một ngày nhà nông. Những vất vả gian lao của mẹ dù chỉ mới bớt đi một phần nhỏ, nhưng cũng làm con cảm thấy vui và tạm yên lòng. Con cứ chờ một buổi trưa nắng hè, được ngồi bên, được xâu chỉ giúp mẹ như những ngày thơ bé. Để thấy lòng nhỏ lại. Để cảm nhận được những niềm vui đơn giản nhưng rất quý của một thằng con trai dành cho người mẹ quê nghèo...

NGUYỄN THÀNH GIANG

Xem tiếp…

Dịu dàng dòng sông tuổi thơ... - bài viết Phan Nam.

9:23 AM |

Trở về tuổi thơ với những trang văn hồn hậu, thấm đẫm nghĩa tình, nhà văn Nguyễn Kim Huy đã đưa độc giả nhỏ tuổi khám phá những điều đặc biệt trong không gian làng quê qua tác phẩm mới “triền sông thơ ấu” (NXB Kim Đồng, tháng 06.2017).
Là “bà đỡ” của nhiều tác phẩm văn học, nhà văn Nguyễn Kim Huy cũng là một tác giả quen thuộc với độc giả qua sáu tác phẩm đã xuất bản với đầy đủ thể loại: từ thơ, truyện, tạp văn, chuyên luận văn học và tiểu thuyết. Và trên tay tôi lúc này là tác phẩm mới nhất của ông, tập truyện thiếu nhi “triền sông thơ ấu” bao gồm 10 truyện ngắn. Mỗi câu chuyện như một bức tranh đan xen những gam màu sáng tối được phác họa qua giọng văn trong trẻo, hồn nhiên và không kém phần dí dỏm. Được biết đến nhiều với vai trò là một nhà thơ, với những câu thơ duyên dáng, mềm mại: “Kìa cô bé ấy/ Nụ cười như hoa/ Kìa cô bé ấy/ Dáng người kiêu sa/ Kìa cô bé ấy/ Đẹp như trăng rằm/ Mắt nhìn đen láy/ Xinh như ngàn sao/ Tóc dài vai xõa/ Đẹp đến nao lòng/ Và cô bé ấy/ Chợt đến chợt đi/ Và cô bé ấy/ Thoáng gần thoáng xa/ Cái cô bé ấy/ Tên là Thi ca” (Kìa cô bé ấy). Có lẽ, chất thơ đã ngấm vào văn xuôi khiến cho mỗi câu văn ông viết chảy tràn vào tâm trí độc giả như một mạch ngầm trong trẻo và tươi mới. Những chữ giàu chất thơ hơn tính kịch có lẽ là một thế mạnh được ông khai thác triệt để trong tác phẩm lần này. Thơ ẩn hiện trong chuyện như một nỗi xúc động tự nhiên, nồng nàn, bởi vì ông chính là nhà thơ luôn mang đến hạt giống ươm mầm yêu thương: “Tình yêu học trò trong sáng đắm say chẳng bao giờ có dịp tỏ bày ấy đã mãi mãi còn lại trong tôi với tất cả sự tinh khiết, đẹp đẽ vô ngần của nó, “tôi vẫn nghĩ về em như nghĩ về hạnh phúc” dù “có thể suốt đời em không biết được tôi đâu”. Tác giả đã bước vào cái tuổi đã không còn trẻ nữa nhưng vẫn hướng ngòi bút về các độc giả nhỏ tuổi với thế giới tâm hồn phong phú, hồn nhiên nhưng cũng đầy biến động. Ở nơi đó, đồng Bộng hiện thật đáng sợ khiến thằng cu “lầm lũi đi như chạy trên cánh đồng Bộng. Đi một mình, lúc chạng vạng, lại đúng lúc trời mưa âm u xám xịt nữa chứ”. Thế giới tuổi thơ được tô vẽ trong nỗi sợ thêu dệt bởi muôn vàn câu chuyện ma mị, chuyện người lớn ra đường gặp ma, tối về ngủ chiêm bao thấy ma khiến cho cậu bé tái mét mặt mày. “Chúc thượng lộ bình an/ tau đi ngả ni có bông có hoa/ mi đi ngả nớ có ma đón đường” (đồng dao), không chỉ còn trong chuyện kể của ông nội, thằng cu gặp ma thật: “Lù lù sau lưng tôi mấy bước chân là một con ma lùn tịt, ngang phè, đầy người phủ một lớp lông lá xám xịt đang dềnh dàng bước tới”. Thằng cu co giò bỏ chạy trong nỗi sợ hãi tột độ, thế nhưng về nhà cậu mới biết là dì Hai Thời, người bà con xa đến thăm nhà. Mặc dầu không gặp ma “nhưng mấy cái bánh tráng nướng nát vụn ướt nhẹp đã nhão nhoẹt ra rồi”.
Truyện “triền sông thơ ấu” kể về kỷ niệm với con sông Trầu êm đềm thuở ấu thơ và con sông này cũng được gợi lại ở cuối tập sách trong không gian làng quê nghèo khó nhưng chứa chan nghĩa tình của tác giả, làng Đông An, xã Tam Mỹ Tây-Núi Thành-Quảng Nam. Những câu chuyện đẹp như thơ cứ hiện ra trước mắt qua những tái hiện chân thật, tinh tế của tác giả. Cậu bé tên Hanh tính tình hậu đậu, đụng đến đâu hư đến đó nhưng ước muốn giúp đỡ gì đó phụ mẹ vẫn chưa bao giờ nguội tắt trong cậu. May mắn thay, ông Sáu hàng xóm tốt bụng rủ cậu đi câu cá chung và lần đầu tiên cậu đã làm vui lòng mẹ. Để lại ấn tượng sâu sắc còn có nhân vật đặc biệt “Hai Kiểu” mặc dầu ông đã trở thành người muôn năm cũ nhưng vẫn sống giữa làng như minh chứng cho một thời nghèo khó, đói kém nhưng những người sống trong đó luôn bao dung lẫn nhau, sẻ chia biết bao niềm vui nỗi buồn. Ước mơ giản dị ngày ấy sao mà bùi ngùi, thương cảm đến thế, cho nhân vật “tôi” trong truyện hay cho chính tác giả giữa bao phiền muộn trong đời: “Và ngày ấy, cái ước mơ cao xa cháy bỏng trong lòng tôi, luôn thôi thúc trong tôi không phải điều gì khác hơn là... một chiếc xe đạp. Phải, một chiếc xe đạp, dù chỉ cọc cạch đôi bánh chắp vá và cái sườn xe trơ trọi như đôi đứa bạn bè may mắn của tôi, để đến trường. Bao đêm hình ảnh chiếc xe đạp hiện lên trong giấc mơ của tôi, quyến rũ và ngọt ngào biết bao” (Tôi đi học). Những giấc mơ dịu dàng trong trẻo cứ lần lượt hiện về cho một thuở khó khăn, gian truân nhưng cũng lắm kỷ niệm và khát khao. Chợt nhớ đến “giấc mơ bay” của nhà văn Hoàng My mà tôi tình cờ đọc được: “Tôi lớn lên ở miền Trung. Những năm đó, họa hoằn mới thấy máy bay. Thậm chí cả máy bay trên ti-vi cũng là điều xa xỉ (...) Nên chỉ cần nghe tiếng ầm ì mơ hồ đâu đó, là cả bọn con nít hồ hởi chạy ra sân, ngước mặt lên trời, loay hoay tìm kiếm. Bầu trời ngày đó rộng và xanh kỳ lạ, vời vợi ngày nắng ráo”. Hình như, những giấc mơ tuổi hoa tái hiện trong ký ức luôn xao động và có sức quyến rũ kỳ lạ, thực khó lý giải về một miền tuổi thơ còn đang “mải miết trôi”, và chưa bao giờ dừng lại.
Nhà văn Nguyễn Kim Huy
Trong tập truyện ngắn “triền sông thơ ấu”, tôi cũng rất ấn tượng truyện “mây bay về phía hòn Rơm”, kể về cây khế kỷ niệm trong khu vườn nhà đã được ông Nhàn bán đi và sau đó vì người con trách móc mà lão ngã bệnh. Nhưng trong cái rủi có cái may, khi nhân duyên giữa lão Nhàn và bà Tư được vun đắp khi hai người tuổi đã vào tuổi xế chiều. Nhân, cậu con trai muốn bù đắp cho cha mình những ngày tháng cô lẻ nuôi con nên quyết tâm tổ chức đám cưới, mà theo tác giả mô tả đó là “đám cưới có một không hai tự cổ chí kim ở làng Đông Mỹ này”. Câu chuyện với câu hát về của lũ trẻ đã khơi gợi biết bao ân tình da diết thuở xưa “cô dâu chú rể làm bể bình bông” ăn sâu vào tiềm thức biết bao thế hệ tuổi thơ. Xuyên suốt tập truyện là một không gian làng quê đầy ắp nghĩa tình, với biết bao yêu thương được bồi đắp từ phù sa sông Trầu. Với giọng văn nhẹ nhàng lắng đọng, đôi khi tung tẩy hài hước để lại nhiều dư vị đẹp trong lòng người đọc. Đôi lúc, tác giả chưa tiết chế cảm xúc nên câu văn lan man dài dòng, mạch truyện dàn trải và cũng chưa thực sự cuốn hút. Thế nhưng, với những ai đã sinh ra từ dòng sông, đang sống với những yêu thương ngọt ngào thì cuốn sách chính là quà tặng đầy dịu dàng và ý nghĩa. Như trong hai câu thơ của tác giả Nguyễn Kim Huy từng viết: “Quê nhà chưa đến mùa gặt hái/ Ngày đã thơm trái quả ngọt ngào”.
Tiên Phước, 19.09.2017
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Giới thiệu tạp chí Đất Quảng số 162 - tháng 10.2017

9:46 AM |
MỜI ĐỌC TẠP CHÍ ĐẤT QUẢNG SỐ 162
Tạp chí Đất Quảng số 162 (tháng 10/2017) phát hành ngày 10/10/2017 với các nội dung sau:
* Phần VĂN XUÔI giới thiệu truyện ngắn của các tác giả: Trần Quốc Cưỡng (Chuyện ở núi Thanh Phong); Hương Văn (Người hai quê); Phạm Thị Hải Dương (Ở Trại Điên). Cùng với đó là ghi chép “Hà Giang mùa không lễ hội” của Lê Trâm và tản văn “Mẹ ngồi xâu chỉ thềm trưa” của Nguyễn Thành Giang.
* Phần THƠ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Giúp (Đêm xa quê gặp người anh Quảng Nam); Nguyễn Hải Triều (Đại Bường); Nguyễn Thánh Ngã (Nếp nhăn); Nguyễn Tường Thuật (Muống quê); Hoàng Tâm (Dòng sông tự tình); Mai Văn Hoan (Nhớ mẹ); Đào Thanh Sơn (Đôi mắt của mẹ); Nguyễn Thị Minh Thùy (Mẹ không biết dùng facebook); Vũ Thiên Tường (Mùa đông); Thụy Du (Phố lạc mùa); Trần Thanh Thoa (Mùa hạt nhớ lên đòng); Phan Nam (Buổi chiều); Nguyễn Chiến (Mưa thiếu phụ, Góc mưa); Mai Thanh Vinh (Đợi mùa, Ngày đông); Đỗ Tấn Đạt (Một lối về giữa Huế, Mùa tôi); Trần Võ Thành Văn (Những tiếng kêu, Cả tin); Lê Thị Điểm (Hẹn với Thanh Hà, Viết cho ngày sinh).
* Chuyên trang NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH với các bài viết: “Mấy ghi nhận từ sân chơi mỹ thuật khu vực” (Võ Như Diệu); “Trinh Đường, từ "Hồi ức đầu thu" đến "Trò chơi phù thế" (Phùng Tấn Đông); “Khoảng trống tình yêu ngàn lần xao xuyến gọi...” (Lê Thành Văn).
* Chuyên mục ÂM NHẠC giới thiệu 2 ca khúc: “Ngọc Linh ơi mùa vui đến rồi” (Nhạc & lời: Lê Xuân Bá) và “Tình yêu Nam Giang” (Nhạc & lời: Trần Cao Vân).
* Chuyên mục VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI giới thiệu truyện ngắn “Cá hồi chấm hồng” của Tanaka Kõtarõ (Nhật Bản) qua bản dịch của Trương Thị Mai Hương.
* Chuyên mục TRÀ DƯ TỬU HẬU là bài viết “Tản mạn về narcissist” của Lê Đức Thịnh.
* Chuyên mục VĂN HỌC - HỌC VĂN với bài viết “Trung thu ngày ấy...” của Lê Thùy Liên.
Bìa 1 Đất Quảng số này là bức tranh sơn mài “Rằm tháng 8” của Lê Đình Chinh (tác phẩm đoạt giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng lần thứ 22-năm 2017). Phần tranh, ảnh phụ bản với sự góp mặt của Đoàn Minh Thuần, Lê Thắm, Trần Tấn Vịnh,
Nguyễn Thanh Thiệp và Nguyễn Điện Ngọc. Tham gia minh họa sỗ này là các họa sĩ Trương Bách Tường và Võ Như Diệu.

Blog Phan Nam.

Xem tiếp…