Trở về tuổi thơ với những
trang văn hồn hậu, thấm đẫm nghĩa tình, nhà văn Nguyễn Kim Huy đã đưa độc giả
nhỏ tuổi khám phá những điều đặc biệt trong không gian làng quê qua tác phẩm mới
“triền sông thơ ấu” (NXB Kim Đồng, tháng 06.2017).
Là “bà đỡ” của nhiều tác phẩm văn học,
nhà văn Nguyễn Kim Huy cũng là một tác giả quen thuộc với độc giả qua sáu tác
phẩm đã xuất bản với đầy đủ thể loại: từ thơ, truyện, tạp văn, chuyên luận văn
học và tiểu thuyết. Và trên tay tôi lúc này là tác phẩm mới nhất của ông, tập
truyện thiếu nhi “triền sông thơ ấu” bao gồm 10 truyện ngắn. Mỗi câu chuyện như
một bức tranh đan xen những gam màu sáng tối được phác họa qua giọng văn trong
trẻo, hồn nhiên và không kém phần dí dỏm. Được biết đến nhiều với vai trò là một
nhà thơ, với những câu thơ duyên dáng, mềm mại: “Kìa cô bé ấy/ Nụ cười như hoa/ Kìa cô bé ấy/ Dáng
người kiêu sa/ Kìa cô bé ấy/ Đẹp như trăng rằm/ Mắt nhìn đen láy/ Xinh như ngàn
sao/ Tóc dài vai xõa/ Đẹp đến nao lòng/
Và cô bé ấy/ Chợt đến chợt đi/ Và cô bé ấy/ Thoáng gần thoáng xa/ Cái cô bé ấy/ Tên
là Thi ca” (Kìa cô
bé ấy). Có lẽ, chất thơ đã ngấm vào văn xuôi khiến cho mỗi câu văn ông viết chảy
tràn vào tâm trí độc giả như một mạch ngầm trong trẻo và tươi mới. Những chữ giàu
chất thơ hơn tính kịch có lẽ là một thế mạnh được ông khai thác triệt để trong
tác phẩm lần này. Thơ ẩn hiện trong chuyện như một nỗi xúc động tự nhiên, nồng
nàn, bởi vì ông chính là nhà thơ luôn mang đến hạt giống ươm mầm yêu thương: “Tình yêu học trò trong sáng đắm say chẳng
bao giờ có dịp tỏ bày ấy đã mãi mãi còn lại trong tôi với tất cả sự tinh khiết,
đẹp đẽ vô ngần của nó, “tôi vẫn nghĩ về em như nghĩ về hạnh phúc” dù “có thể suốt
đời em không biết được tôi đâu”. Tác giả đã bước vào cái tuổi đã không còn
trẻ nữa nhưng vẫn hướng ngòi bút về các độc giả nhỏ tuổi với thế giới tâm hồn
phong phú, hồn nhiên nhưng cũng đầy biến động. Ở nơi đó, đồng Bộng hiện thật
đáng sợ khiến thằng cu “lầm lũi đi như chạy
trên cánh đồng Bộng. Đi một mình, lúc chạng vạng, lại đúng lúc trời mưa âm u
xám xịt nữa chứ”. Thế giới tuổi thơ được tô vẽ trong nỗi sợ thêu dệt bởi
muôn vàn câu chuyện ma mị, chuyện người lớn ra đường gặp ma, tối về ngủ chiêm
bao thấy ma khiến cho cậu bé tái mét mặt mày. “Chúc thượng lộ bình an/ tau đi ngả ni có bông có hoa/ mi đi ngả nớ có
ma đón đường” (đồng dao), không chỉ còn trong chuyện kể của ông nội, thằng
cu gặp ma thật: “Lù lù sau lưng tôi mấy
bước chân là một con ma lùn tịt, ngang phè, đầy người phủ một lớp lông lá xám xịt
đang dềnh dàng bước tới”. Thằng cu co giò bỏ chạy trong nỗi sợ hãi tột độ,
thế nhưng về nhà cậu mới biết là dì Hai Thời, người bà con xa đến thăm nhà. Mặc
dầu không gặp ma “nhưng mấy cái bánh
tráng nướng nát vụn ướt nhẹp đã nhão nhoẹt ra rồi”.
Truyện “triền sông thơ ấu” kể về kỷ
niệm với con sông Trầu êm đềm thuở ấu thơ và con sông này cũng được gợi lại ở
cuối tập sách trong không gian làng quê nghèo khó nhưng chứa chan nghĩa tình của
tác giả, làng Đông An, xã Tam Mỹ Tây-Núi Thành-Quảng Nam. Những câu chuyện đẹp
như thơ cứ hiện ra trước mắt qua những tái hiện chân thật, tinh tế của tác giả.
Cậu bé tên Hanh tính tình hậu đậu, đụng đến đâu hư đến đó nhưng ước muốn giúp đỡ
gì đó phụ mẹ vẫn chưa bao giờ nguội tắt trong cậu. May mắn thay, ông Sáu hàng
xóm tốt bụng rủ cậu đi câu cá chung và lần đầu tiên cậu đã làm vui lòng mẹ. Để
lại ấn tượng sâu sắc còn có nhân vật đặc biệt “Hai Kiểu” mặc dầu ông đã trở
thành người muôn năm cũ nhưng vẫn sống giữa làng như minh chứng cho một thời
nghèo khó, đói kém nhưng những người sống trong đó luôn bao dung lẫn nhau, sẻ
chia biết bao niềm vui nỗi buồn. Ước mơ giản dị ngày ấy sao mà bùi ngùi, thương
cảm đến thế, cho nhân vật “tôi” trong truyện hay cho chính tác giả giữa bao phiền
muộn trong đời: “Và ngày ấy, cái ước mơ
cao xa cháy bỏng trong lòng tôi, luôn thôi thúc trong tôi không phải điều gì
khác hơn là... một chiếc xe đạp. Phải, một chiếc xe đạp, dù chỉ cọc cạch đôi
bánh chắp vá và cái sườn xe trơ trọi như đôi đứa bạn bè may mắn của tôi, để đến
trường. Bao đêm hình ảnh chiếc xe đạp hiện lên trong giấc mơ của tôi, quyến rũ
và ngọt ngào biết bao” (Tôi đi học). Những giấc mơ dịu dàng trong trẻo cứ lần
lượt hiện về cho một thuở khó khăn, gian truân nhưng cũng lắm kỷ niệm và khát
khao. Chợt nhớ đến “giấc mơ bay” của nhà văn Hoàng My mà tôi tình cờ đọc được:
“Tôi lớn
lên ở miền Trung. Những năm đó, họa hoằn mới thấy máy bay. Thậm chí cả máy bay
trên ti-vi cũng là điều xa xỉ (...) Nên chỉ cần nghe tiếng ầm ì mơ hồ đâu đó,
là cả bọn con nít hồ hởi chạy ra sân, ngước mặt lên trời, loay hoay tìm kiếm. Bầu
trời ngày đó rộng và xanh kỳ lạ, vời vợi ngày nắng ráo”. Hình như, những giấc mơ tuổi hoa tái hiện trong ký ức
luôn xao động và có sức quyến rũ kỳ lạ, thực khó lý giải về một miền tuổi thơ
còn đang “mải miết trôi”, và chưa bao giờ dừng lại.
|
Nhà văn Nguyễn Kim Huy |
Trong tập truyện ngắn
“triền sông thơ ấu”, tôi cũng rất ấn tượng truyện “mây bay về phía hòn Rơm”, kể
về cây khế kỷ niệm trong khu vườn nhà đã được ông Nhàn bán đi và sau đó vì
người con trách móc mà lão ngã bệnh. Nhưng trong cái rủi có cái may, khi nhân duyên
giữa lão Nhàn và bà Tư được vun đắp khi hai người tuổi đã vào tuổi xế chiều.
Nhân, cậu con trai muốn bù đắp cho cha mình những ngày tháng cô lẻ nuôi con nên
quyết tâm tổ chức đám cưới, mà theo tác giả mô tả đó là “đám cưới có một không hai tự cổ
chí kim ở làng Đông Mỹ này”. Câu chuyện với câu hát về của lũ trẻ đã khơi
gợi biết bao ân tình da diết thuở xưa “cô dâu chú rể làm bể bình bông” ăn sâu
vào tiềm thức biết bao thế hệ tuổi thơ. Xuyên suốt tập truyện là một không gian
làng quê đầy ắp nghĩa tình, với biết bao yêu thương được bồi đắp từ phù sa sông
Trầu. Với giọng văn nhẹ nhàng lắng đọng, đôi khi tung tẩy hài hước để lại nhiều
dư vị đẹp trong lòng người đọc. Đôi lúc, tác giả chưa tiết chế cảm xúc nên câu
văn lan man dài dòng, mạch truyện dàn trải và cũng chưa thực sự cuốn hút. Thế
nhưng, với những ai đã sinh ra từ dòng sông, đang sống với những yêu thương
ngọt ngào thì cuốn sách chính là quà tặng đầy dịu dàng và ý nghĩa. Như trong
hai câu thơ của tác giả Nguyễn Kim Huy từng viết: “Quê nhà chưa đến mùa gặt hái/
Ngày đã thơm trái quả ngọt ngào”.
Tiên Phước,
19.09.2017
PHAN NAM.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.