Duyên đến vì trà... - tản văn của Phan Nam

3:41 PM |
Ảnh sưu tầm (internet). 

Mỗi khoảng không gian và thời gian đều cho ta những trải nghiệm quý giá ở đời. Dấu chân của ta nơi quán vắng đọng lại trong tiềm thức mạch nước ngầm chưa bao giờ vơi cạn, ngày ngày lắng đọng trong tâm hồn. Tôi đã đến và cảm nhận thành phố nơi tôi đang sống những thanh âm trong trẻo và ngọt ngào như vậy. Đắm chìm cùng buổi hò hẹn cuối ngày, ánh hoàng hôn giăng mắc trên những tàng cây ngọt lành, điểm xuyết từng chiếc lá vàng rơi lao xao hè phố. Len lỏi qua dòng người đang vội vã chạy đua theo giây phút cuối ngày, tôi hẹn Quỳnh ở Trà duyên quá khách, một quán trà hiếm hoi của Đà thành, tọa lạc trên đường Hoàng Diệu. Bao mệt mỏi bon chen sau một ngày làm việc tan biến tự lúc nào, thân xác bỗng nhiên thư thái lạ kỳ khi bàn tay nâng nhẹ chén trà đặt lên đôi môi. Người trẻ uống trà cảm nhận duyên lành sắp đến, chỉ cần một chút sóng gợn trên mặt nước cũng đủ làm tâm hồn nghiêng ngả theo bước đường tha nhân.
Không cần thao thiết gọi mời ngoài đường ngoài sá, mặc kệ bao giông tố vây quanh đời sống với những hơn thua được mất, tách trà neo đậu cõi lòng khoảnh khắc của an nhiên và hạnh phúc. Trên đời mấy ai tìm được tri âm, như trà ngon phải tìm được người thưởng thức, thêm tách trà là thêm bằng hữu tâm giao: “Ngoài hiên mây trắng bay về đâu/ Bên cửa nàng thơ đợi khách xa/ Ai biết lòng này đang luống đợi/ Một ngày có cớ để pha trà (Đợi tri âm, Bạch Vân Nhi). Chỉ biết dừng lại đong đếm cho mình khoảnh khắc thong dong tự tại hiếm có, nhấm nguộm trà cảm nhận cuộc đời huyền diệu còn dành cho ta ngăn kéo bí mật chưa kịp lật mở, bí mật ấy đang khuất lấp giữa những nét đẹp đời thường mộc mạc dung dị, hằng ngày ta vẫn chạm vào, nhìn thấy mà không hề hay biết.
Ảnh Quỳnh chụp tại Trà duyên quá khách (325 Hoàng Diệu, Đà Nẵng) ngày 18.05.2018
Cuộc gặp cơ hồ như cơn gió thoảng qua, chưa biết vẫy gọi điều gì, cảm xúc vẫn còn hay đã mất, tựa như làn sóng trong tách trà, cẩn thận gìn giữ mắt môi. Bóng chiều đã đổ tự lúc nào, tôi, Quỳnh, chị Mười và anh Triều miệt mài phối cảnh dung nhan cho tác phẩm, khi cái nghiệp đã đeo bám giữa cõi đời phù phiếm, nắm chặt cũng là vứt bỏ. Thật đặc biệt và thú vị khi được hòa quyện xúc cảm và trí lực cho một địa chỉ đặc biệt, có lẽ chưa thật nhiều người biết đến, cũng như nguồn khách không thật sự phong phú nhưng việc duy trì Trà duyên quá khách cũng là duy trì cảm hứng sống và ngọn lửa yêu thương âm ỉ cháy qua bao giai đoạn cuộc đời. Tôi luôn tâm niệm cuộc sống luôn nhiều màu, chỉ cần mình sống thật lòng và nhiệt tâm thì tất thảy quả ngọt hoa thơm tự nhiên sẽ nảy nở giữa dòng đời vô ngã.
Trà dần cạn, đèn dần sáng, người dần nhạt. Màn đêm thăm thẳm ngoài kia phủ lên một màu lung linh huyền ảo của những ngọn đèn đường. Thưởng trà là cảm nhận dòng chảy vô tận của sự sống, dành cho người và dành cho ta. “Duyên đến vì trà, cuộc đời của con người nằm trong chén trà ấy”(Trà duyên, Phạm Thị Thúy Quỳnh), chưa kịp chạm vào tách trà, người vội nói lời giã biệt, người đi rồi biết đến khi nào gặp lại, chỉ còn khung cửa lặng lẽ ngân lên nốt nhạc thời gian…
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Nâng cánh ước mơ...

9:55 AM |
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm. 

Chiều ngày 28.05, nhân dịp quốc tế thiếu nhi 01.06, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (số 78 Lê Duẩn) diễn ra khai mạc triển lãm tranh đặc biệt mang tên “nâng cánh ước mơ”. Triển lãm giới thiệu gần 80 bức tranh do các em thiếu nhi khuyết tật, mồ côi hoặc có hoàn cảnh bất hạnh sáng tác với nhiều màu sắc, bố cục, nét vẽ rất riêng như bức tranh “Nghiên cứu đĩa bay”, “Vũ điệu Chăm Pa”, “Tết cô trò”, “Bảo vệ biển đảo Việt Nam”, “Phố hoa”, “Ra phố mùa xuân”… Em Phan Thị Na (trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai) chia sẻ: “Cuộc triển lãm đã tạo điều kiện để trẻ em Đà Nẵng cùng tạo lập và nâng cao các hoạt động giáo dục, thẩm mỹ, tạo động lực khích lệ tinh thần giúp trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi bất hạnh có thêm tài năng nghệ thuật, giúp chúng em vươn lên và hòa nhập với cộng đồng”.
Trao giấy chứng nhận cho các em có tranh tham gia triển lãm.
Có những ước mơ tưởng chừng đơn giản với người bình thường nhưng lại là tất cả đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hy vọng triển lãm lần này sẽ mang lại cho người xem cảm xúc đặc biệt, mở lòng mình để cùng các em nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của những thân phận kém may mắn, từ đó động viên, chia sẻ, giúp đỡ các em nhiều hơn. Đây còn là hoạt động xã hội rất ý nghĩa và bổ ích trong dịp hè 2018, triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 20.6.2018.
Tin, ảnh: PHAN NAM.
Dưới đây là một số tác phẩm tham gia triển lãm:
Em sẽ là ngư dân, Đoàn Văn Minh Huy, TT hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Tết cô trò, Ngô Toàn Chiến, TT hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Yêu biển Việt Nam, Trương Tuấn Anh, TT hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Vũ điệu Chăm Pa, Thái Bảo Ngọc, TT nuôi dạy trẻ em khó khăn Đà Nẵng.
Phố Hoa, Thái Bảo Trâm, TT nuôi dạy trẻ em khó khăn Đà Nẵng.
                                                                                                                                    Blog Phan Nam.

Xem tiếp…

Chùm thơ của tác giả Ngô Thị Thục Trang

9:31 AM |

Ngô Thị Thục Trang là một cô giáo dạy hóa tại trường THCS Nguyễn Khuyến - Đà Nẵng, nhưng sinh ra và lớn lên tại thôn An Bằng xã Đại Thạnh huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Trong hóa học, ngoài các nguyên tố, hợp chất, nguyên tử thì điều hấp dẫn học trò là các phản ứng hóa học. Đối với trẻ con, các phản ứng hóa học như một thứ phép thuật làm thăng hoa cảm xúc.

Tôi không rõ ở trường, cô giáo Ngô Thị Thục Trang có mê hoặc học trò bằng những thí nghiệm hóa học không? Nhưng có một điều tôi gần như chắc chắn: đã từng có những phản ứng hóa học thú vị xảy ra trong chính cô giáo này. Một trong những phản ứng hóa học đáng ghi nhận là: chưng cất, lắc trộn những mảnh ký ức làng quê để thành những… tập hợp thơ. Và, nói một cách nào đó, thơ của Ngô Thị Thục Trang là những “phản ứng hóa học”, là tiếng dội của tâm hồn. “Sinh ra từ cánh đồng làng” (NXB Đà Nẵng 2018) là tập thơ mới nhất của Ngô Thị Thục Trang. Trong tập thơ này, tác giả dường như dành trọn vẹn tình cảm của mình cho làng quê, ấu thơ và mẹ, ấu thơ với cánh đồng, ấu thơ với bầu trời và mặt đất, ấu thơ với những hao khuyết dằng dặc về sau... 

Ngôn ngữ thơ của Ngô Thị Thục Trang bình dị, dường như không trau chuốt, là những “phản ứng hóa học” đơn sơ, chứ chưa hay không kỳ vỹ, choáng ngợp. Thơ Ngô Thị Thục Trang là tâm tình của một người quê, đã xa quê, đã mất quê mà luôn muốn trở về. Sự trở về ấy, không hẳn là trên không gian địa lý bằng trong tâm tưởng, với bao hoài niệm vui buồn.
Nhà văn Trần Nhã Thụy giới thiệu

CHIẾC DÙ CỎ

chiếc dù cỏ không che được nắng mưa
con vẫn ước ngàn lần cầm lại
chiếc dù cỏ xanh những mùa thơ dại
nàng công chúa lấm lem của cung điện bãi bờ

hoa bưởi cài thơm mái tóc tuổi mười ba
chùm ổi sẻ nấp im sau vòm xanh lá nõn
vương quốc thanh bình ru giấc mơ đằm ngọt
sương thẹn thùng tan trên dù cỏ cầm tay

mấy mươi mùa dâu bể tràn qua
chiếc dù cỏ rời tay
công chúa nhỏ, những phương trời lưu lạc
nắm hạt đỏ mang theo có rải dấu quay về?

góc vườn xưa vẫn bình yên nắng dọi buổi mai hiền
hoa cam thảo hồng lên màu nhung nhớ
chiếc dù cỏ đây rồi
rung rinh sương đọng hạt
nàng công chúa lấm lem òa khóc
quê nhà ơi
tuổi thơ ơi
cho con được quỳ hôn lên bao mùa dừng lại giữa cỏ hoa...

CÁNH ĐỒNG LÀNG

Tôi sinh ra từ cánh đồng làng
Bóng cò trắng đậu vào đêm trăng muộn
Mạ non mơn man
Ru giấc tôi nồng ấm
À ơi, ngủ ngoan, mẹ cấy ruộng gần

Tôi vục tôi vào cánh đồng làng
Từng vốc nắng ngấm sâu vào da thịt
Chú dế gảy đàn trước mùa chạy lụt
Nước tràn bờ, tan tác khúc đàn vui

Tôi băng qua cánh đồng của tôi
Thả diều bay một miền gió khác

Tôi băng qua cánh đồng của tôi
Mùi bùn đất mỗi ngày mỗi nhạt

Tôi đi ngang những cánh đồng làng
Đàn cò vút lên
Buổi chiều ập xuống
Mùa gặt vàng ươm
Mồ hôi người thấm mặn
Tôi nhặt bông lúa rơi như nhặt lại mình

Nhặt lại tôi của những bình minh
Những trưa rang trời
Những chiều mây thẳm
Nhặt lại tôi của cánh chuồn chở mùa trên cánh mỏng
Tre nở hoa rồi
Tôi có về quảy gánh đồng xa?

VẪN MÙA ĐÔNG NGĂN NGẮT BÃI BỜ

Vết bầm trên chân con đã tan từ mùa đông xa lắc
mẹ vẫn nhớ sao, con đường lầy lội
con một mình đến lớp
đội rét, đội sương
môi tái nhợt bình minh
vách nứa, phên tre, gió xô giọng đọc bài con lập cập
dòng sông lẳng lặng chảy bên

Cây bồ quân trĩu trĩu trái xanh
không dám trèo, chỉ ngước mắt nhìn lên
con nhặt trái xâu giấc mơ ngọt lịm
cây bồ quân của mùa đông nắng mỏng
có chùm kẹo sọc xanh sọc đỏ
sáng bừng góc quán nghèo
có đám trẻ mơ làm người lớn
thách nhau quay không đứt chiếc vít tre
có hòn cuội quăng canh một, canh hai
lò cò lò cò
nhắm mắt làm sao tìm lại được
sông đến biển hay về với biển?

Hòn cuội lăn
con lần không ra nền lớp cũ
cây bồ quân mấy mươi mùa chín đỏ?

Dù sông không lần nào trở lại
vẫn mùa đông ngăn ngắt bãi bờ
mẹ vẫn nhắc về vết bầm đã tan trên bắp chân con
Phan Nam, chị Thục Trang và anh Đinh Lê Vũ tại ABC bakery Danang tháng 03.2017
CON GÁI MIỀN TRUNG

em - con gái miền Trung
nấu ăn nêm nhiều gia vị
cọ ngực sông Thu suốt tuổi mười lăm

lên sáu bồng em
mười tuổi sàng gạo
mùa đông bấu mười ngón chân đường trơn đến lớp
rút mái tranh nhen lửa thổi cơm
nón cời trải lúa phơi giữa đường
vừa đuổi gà vừa ngủ gật
ê a hát
“ta hỏi rắn
rắn đi đâu”
nghe chị Hằng gọi chú Cuội ời ời
suýt vỡ mất trăng

em – con gái miền Trung
quen dè xẻn, để dành
chỉ trái tim trao trọn vẹn

miền Trung gánh hai đầu đất nước
em kê vai miền Trung

NƠI ĐẦU TIÊN

Trong  ngôi nhà ấy con lần đầu tiên khóc
lần đầu tiên mọc răng
lần đầu tiên bi bô
lần đầu tiên té đau
lần đầu tiên sốt cơn sốt người

Ngôi nhà ấy là nơi đầu tiên con rời xa
nơi đầu tiên con quay về
sau cuộc hành trình đầu ngõ
nơi đầu tiên cho con nỗi nhớ
ngoài nỗi nhớ đầu vú mẹ và mùi trầu thơm môi bà

Ngôi nhà ấy - thứ đầu tiên cho con niềm tự hào
"nhà tau đó - một vườn ổi chín"
con là công chúa, là hoàng hậu, là vua
trong ngôi nhà tranh ấy
dưới con là muôn triệu " thần dân "
dế, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn
và đàn gà lông mướt như tơ
liếp chiếp theo chân mẹ bươi gốc chuối

Trong ngôi nhà ấy con lần đầu tiên bị đòn roi
lần đầu tiên học bài học chu đáo và trung thực
từ gấp quần áo đến nhặt rau
lần đầu tiên tập không khóc
bằng cách nhìn mây trôi

Nơi đầu tiên cho con
một sân trăng
một lối xoan
sau mùa xám xịt
ngôi nhà tuổi thơ –  nơi cho con
sợi dây vin bước đầu tiên…
NGÔ THỊ THỤC TRANG
Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn

Xem tiếp…

Thị trấn hoa vàng... - tản văn của Nguyễn Thị Diệu Hiền

1:15 PM |
Ảnh: Hải Hoàng.
Thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) hiền lành, nhỏ nhắn như một bàn tay. Cứ ngỡ  câu thơ Vũ Hữu Định trong bài "Còn chút gì để nhớ" là viết cho góc phố dịu dàng này vậy: "Đi dăm phút đã về chốn cũ". Vậy có điều gì đau đáu không gọi thành tên khi tháng 4 đã bước đi những ngày cuối cùng vội vã? Hoa giáng hương, người Quảng Nam quen gọi là hoa sưa. Lạ cho loài hoa có xuất xứ từ những khu vườn Tiên Mỹ, Tiên Cẩm, Tiên Châu…, mấy năm nay về làm đổi thay khuôn mặt Tiên Kỳ. Hoa sưa được trồng ở các trục đường chính là Huỳnh Thúc Kháng và đường 10/3, đường Trần Quý Cáp; và hai bờ kè ven sông Tiên. Tháng 4, trong “nhị độ sưa”, những cung đường rực rỡ vẻ thanh xuân. Chưa bao giờ thấy quê mình đẹp và quyến rũ đến thế. Một sớm mai thức dậy, trong màn sương bồng bềnh, thị trấn bừng lên sắc hoa vàng. Bên kia bờ kè, hàng hoa in bóng dưới dòng Tiên, vàng cả lòng sông xanh biếc mây trời lúc “nắng xuống trời lên”. Hiếm có loài hoa nào nở rộ và mang màu vàng đến nôn nao như hoa sưa. Mới hôm trước còn e ấp và oằn trĩu những nụ xuân xanh. Hôm sau, khi còn chìm trong màu mờ ảo, hoa sưa đã làm phố thị bừng tỉnh. Hoa nở như một dàn đồng ca, cất lên từ lúc tờ mờ sương. Hương hoa dịu nhẹ, thoảng đưa. Từng chuỗi hoa dài đến 20cm, có khi mỗi chuỗi còn tẻ ra đến hai ba nhánh nhỏ, những hoa là hoa. Nhiều cành trĩu hoa. Nhiều cây chưa chịu ra lá, chỉ rưng rức sắc vàng.
Hoa sưa vàng ở thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước (ảnh Nguyễn Khắc Đức)

 Nhưng thai nghén suốt một năm, để rồi mãn khai chỉ đúng hai ngày. Đời hoa ngắn ngủi. Cái đẹp mong manh. Chợt đến rồi đi. Lại nữa, trời thường hay bấc vào đúng kỳ hoa nở, dân gian gọi là bấc hoa sưa. Nên ai cũng “lạy trời đừng mưa”, vì nếu trời mà ghen ghét, đố kỵ với cái đẹp, thì hoa vừa chớm nở cũng tơi bời rơi rụng. Mỗi nụ hoa li ti như là một giọt nắng ươm vàng. Hoa rơi cũng là những vũ điệu bất tận của cái đẹp. Cứ nhìn từng cánh vàng xoay xoay, chao nghiêng, tung bay trong gió để rồi rải một thảm vàng dưới ven đường là cũng khiến người yêu hoa mê đắm. Cái đẹp giã từ nguồn cội để tiếp tục một hành trình mới: “Hoa rơi chẳng phải vô tình/ Hóa mùn dành để thắm cành hoa sau”. Cái triết lý “cần có nhau”, để làm đẹp cho đời một lần nữa được gợi nhớ. Có dịp thả bộ trên những con đường sưa ở xứ Tiên, hẳn ai cũng lắng đọng những cảm xúc bình yên, mơ mộng. Một lần, vì chuyến đi công tác, tôi trở về khi hoa đã tưng bừng hết sắc thôi hương. Con phố khô khan màu rơi rụng. Tôi có cảm giác mình vừa lỡ hẹn. Một nỗi tiếc nuối, hụt hẫng và trống vắng đến không ngờ, như mình vừa đánh rơi điều gì thật quý giá. Tự an ủi mình, rằng vẫn còn đó vô số hình ảnh đẹp đến mê hồn được bạn bè lưu giữ; rằng chưa đầy hai tuần nữa, hoa lại thêm một lần nở để xôn xao.  Rồi nhủ lòng, hãy cứ vui vì mỗi mùa hoa sưa, bạn bè, những tay nhiếp ảnh từ khắp nơi tìm về xứ Tiên để ghi lại  những khoảnh khắc đẹp hiếm hoi, để vẻ đẹp quê  mình được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin. Và như thế, Tiên Kỳ của tôi, mỗi độ cuối xuân đầu hạ, rộn rã khoác thêm màu áo mới: thị trấn hoa vàng! Một mùa vàng nữa vừa đi qua. Thị trấn trở lại màu xanh non tươi tắn. Rồi sẽ vào hạ với sắc tím bằng lăng và sắc đỏ của hoa phượng, những màu hoa của tuổi học trò. Nhưng sắc vàng hoa sưa vẫn vương hoài trong ký ức, như câu ca của Trịnh: “Em đến bên đời hoa vàng rực rỡ, nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ…”.
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN
Nguồn: baoquangnam.vn

Xem tiếp…

Sinh ra từ cánh đồng làng... - bài viết của Phan Nam.

1:21 PM |

 Là một cây bút quen thuộc của xứ Quảng và cả nước, tác giả Ngô Thị Thục Trang vừa ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay “Sinh ra từ cánh đồng làng” (NXB Đà Nẵng tháng 03.2018). Tập thơ chọn lọc 36 bài thơ với chỉ 80 trang in nhưng cũng đủ chuyển tải mạch ngầm xuyên suốt của làng quê, chảy qua tâm hồn chị những ký ức đẹp đẽ, trong sáng, khắc khoải. Đến với văn chương từ rất sớm, cùng với sự cổ vũ, động viên từ phía gia đình, chị đã xuất bản hai tác phẩm “Chết vì kiến cắn” (truyện ngắn, NXB Văn hóa-văn nghệ 2014) và tập tản văn “Còn xanh không, thiên đường thơ ấu” (NXB Dân Trí 2016). Khai thác đề tài không phải là mới nhưng qua cách thể hiện của tác giả, tập thơ tái hiện bức tranh đồng làng một cách mộc mạc, chân phương và lắng đọng. Những dòng thơ mượt mà hiện lên tâm trí người đọc tràn đầy xúc cảm, tác giả cứ như rút ruột ra viết, bày tỏ hết lòng nỗi thương niềm nhớ đối với gia đình, quê hương. Trước khi đến với thơ Thục Trang, tôi đã đọc hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “xưa tôi sống trong làng/ giờ làng sống trong tôi”, phải chăng dòng Vu Gia, Thu Bồn ngày ấy lặng lẽ bồi đắp miền đất trong tâm tưởng khắp các ngôi làng của vùng Đại Lộc nên nơi đây đã sinh ra biết bao văn nhân, thi sĩ, để mỗi lần nhắc đến lòng người không khỏi nôn nao, bồi hồi. Có lẽ tôi cũng được sinh ra từ cánh đồng làng, cũng một làng quê nghèo trung du nghèo khó của xứ Quảng như tác giả, nên sự đồng cảm dần dần được hiện ra, phát lộ rõ nét khi lần lượt khám phá từng thi phẩm của chị, khiến tôi đọc một mạch, không dừng lại: “Tôi băng qua cánh đồng của tôi/ Thả diều bay một miền gió khác/ Tôi băng qua cánh đồng của tôi/ Mùi bùn đất mỗi ngày mỗi nhạt” (Cánh đồng làng), tâm lý rất đỗi bình thường của một đứa trẻ dứt áo ra đi tìm miền đất mới nơi ánh đèn phố thị, vẫn tự trách mình thật thầm kín và dễ thương. Khoảng trời ấu thơ với biết bao hồi ức tươi đẹp với sân trăng, lối xoan, mảnh vườn, bãi bờ, nồi than, bếp lửa, tiếng quê, bến cũ... đưa độc giả như lạc vào bức tranh cổ tích trong trẻo, ngọt ngào, những con chữ như đang tắm mát tâm hồn người con viễn xứ. Trong bức tranh đa sắc màu được tác giả dày công vun đắp, dòng thơ dành cho mẹ để lại nhiều khắc khoải, mơ hồ khiến đứa trẻ thị thành bật khóc giữa bóng đêm, ngày đêm trông ngóng về ngày tháng xa xăm: “Đàn chim sẻ sà vào nhặt thóc/ ai cầm sào đuổi giúp mẹ nắng trưa/ lũ chúng con phố người bay nhảy/ sân cũ mẹ vào ra lặng lẽ với mùa (...)/ Lũ chúng con - bầy chim sẻ vô tâm/ mổ thóc lớn lên từ lòng bàn tay mẹ/ cứng cáp rồi rẽ bay muôn ngả/ sân cũ mẹ với chiều đổ bóng lặng im” (Mẹ với chiều), có cảm giác như nghẹn ứ giữa cổ họng khi đọc dòng tâm sự của tác giả dành cho mẹ, thi ảnh đẹp nhưng cũng ngập tràn tiếc nuối, u buồn.
Tác giả Ngô Thị Thục Trang. 
Nhiều chi tiết nhỏ, rất nhỏ trong những bài thơ của Thục Trang gợi lên hình ảnh quê nhà đầy khốn khó, chan chứa cái nghĩa, cái tình chưa bao giờ vơi cạn. Tập thơ nho nhỏ ẩn hiện giữa sương khói quê nhà, chập chùng tận hiến qua ngày tháng, lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn nhưng cũng chứa chan nhiều trăn trở, day dứt của một người luôn nặng nợ với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã thốt lên “quê hương là chùm khế ngọt” thì quả thực chùm khế ấy đã thể hiện rất đủ đầy, sâu sắc qua tập thơ “sinh ra từ cánh đồng làng”, ít nhất là chúng ta đọc để cảm nhận, để tri ân, để thấu hiểu mỗi dấu chân của chúng ta trong cuộc đời này đều đọng lại một điều gió đó đáng kể, nhiều khi điều đặc biệt làm xao xuyến tâm can không phải đến từ vật chất có thể cầm nắm và hưởng thụ. Tình cảm thiêng liêng đối với quê hương, đất nước là sợi dây kết nối tâm hồn mỗi người chúng ta đến gần nhau hơn, trong cái không khí quen thuộc ấy, mùa xuân hiện diện trong thơ Thục Trang với nguồn cảm hứng dạt dào và ngập tràn thi vị: “mắc nợ tháng giêng nồi than chưa kịp quạt/ bàn tay con lạnh dọc phố người/ phải tháng giêng cùng mẹ đứng bên dòng sông lở/ chờ con về cời bếp lửa hong tay” (Mắc nợ tháng giêng), “Chị vẫn nhớ cây bồ quân bên vại nước/ đêm mưa/ trái rụng đầy sân/ trái non quá/ em thờ thẫn nhặt/ bữa ấy trời xanh như thể ăn năn (Thức kịp mùa xuân), “mẹ ơi mùa xuân này con gái mẹ/ xin cúi đầu im lặng trước thời gian/ khi bất giác con chạm vào mây trắng/ chiều mẹ ngồi nhặt thóc bên thềm” (Lời nguyện mùa xuân)... Khi đọc tập thơ “sinh ra từ cánh đồng làng”, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Ngôn ngữ thơ của Ngô Thị Thục Trang bình dị, dường như không trau chuốt, là những ‘phản ứng hóa học’ đơn sơ, chứ chưa hay không kỳ vĩ, choáng ngợp. Thơ Ngô Thị Thục Trang là tâm tình của một người quê, đã xa quê, đã mất quê nhà mà luôn muốn trở về”. Những nỗi buồn khó có thể nói thành lời được chuyển tải thành thơ như lời tâm sự thỏ thẻ, nhẹ nhàng, ẩn chứa biết bao gam màu đan xen. Lật mở từng trang thơ là góp nhặt từng sợi tơ lòng thêu dệt nên bức tranh lớn về cuộc đời, về những vui buồn trong cõi nhân sinh. Khép lại tập thơ giữa tiếng thở đều đặn của cuộc sống thường ngày, khát khao vươn tới những điều tốt đẹp, chảy tràn trong trái tim: hôm qua là bao giờ/ buổi nhập nhoạng mẹ kêu về tắm truồng/ dưới gốc mãng cầu/ có chị gà mới yêu lần đầu nhảy nhầm chuồng/ ve ve đội đất bám bẹ thơm lột vỏ/ ngậm cong cần câu, trăng theo về treo một vệt sáng trước sân (...)/ cả thơ ấu lấm lem kia nữa/ có chắc một chặng đường tôi đã từng qua?! (Bài cho thơ ấu).
Đà Nẵng, tháng 05.2018
PHAN NAM.

Xem tiếp…

Chùm thơ của nhiều tác giả (số 2)

12:26 PM |
Thời gian luôn là giấc mơ đẹp, đầy ắp ký ức và hoài niệm. Một lần ngồi vá áo ở Trường Sa, Nguyễn Hưng Hải xuất thần với cảm xúc đồng đội rất thơ: “Tôi ngồi vá lạ vào quen lần đầu”. Còn bạn thơ trẻ Phan Nam thì thương hoài ngày tháng cũ, cứ ngắm nhìn “ngàn cánh hoa khắc sâu vào đất mẹ/ hỏi thời gian có cách nào xóa nhòa”. Trở về với ngày xưa đôi khi “thời gian như con trẻ”, dẫu “húp cái nghèo vẫn cười ngây thơ/ lũ qua rồi trắng cả cơn mơ”. Thời gian là vậy, mãi là người bạn đời tri âm với bao nhiêu buồn vui hoài niệm của đời người: “Ta đi như là chạy/ Tay vẫn cầm tay nhau/ Ta yêu như là thở/ Biết đời cần có nhau”...
(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)
Tranh: Hoàng Đặng.
 MÙA SƯA BAY

Lồng ngực rung rinh những điều được mất
Sáng nay hàng trăm đôi mắt nhìn ai trong vắt
Chỉ xin một lần hôn nhẹ môi em
Dòng sông thôi ướt mềm.

Và bến xưa góc cũ nhuộm thắm sưa vàng
Ngày thì rộng tháng thì dài
Giấc mộng thoáng qua có còn đọng lại
Mùa sưa, em.

Chiếc áo chưa kịp khâu
Bàn tay vội quét đi màu hoa trinh nguyên khao khát
Bài toán chưa có lời giải
Người vội về đâu.

Về đâu người ơi
Sưa vàng mấy độ
Đi qua bến đời người
Những cuộc hẹn trăm năm...
PHAN NAM
TRẮNG CƠN MƠ

người nông dân gặt niềm hy vọng còn sót lại trên cánh đồng
ngày như khối lập phương trắng đều sáu mặt
hạt mồ hôi mẩy trên từng bông lúa lép
bặm môi vung liềm cắt đôi cơn lũ
đỏ mắt tìm không thấy hạt phù sa

dạ dày réo ầm như cơn lũ hôm qua
quẹt bùn lem buông tiếng thở dài chết lặng
đồng ngập mặn
mắt người ngập mặn
hạt phèn chua
chua xót cả một đời

ngửa mặt kêu trời
cao xanh có thấu
xót lũ trẻ lội trong xì xụp cháo
húp cái nghèo vẫn cười ngây thơ
lũ qua rồi trắng cả cơn mơ
NGUYỄN THÀNH TÂM
Tranh: họa sỹ Hoàng Đặng
VÁ ÁO Ở TRƯỜNG SA

Không em, áo buột đường tà
Tôi ngồi tôi vá Trường Sa cho mình
Vá từ cái thuở tân binh
Trường Sa bạn cũng như mình ngồi khâu

Thời gian như sợi chỉ mầu
Tìm đâu chỉ trắng cho màu trắng đây
Mũi xuống biển, mũi lên mây
Vụng chèo khéo chống từ ngày quen em

Áo thì trắng, chỉ thì đen
Toàn trai tráng cả ai thèm để tâm
Chỉ thương tấm áo đem ngâm
Ngại khi về phép em cầm lên xem

Áo thì trắng, chỉ thì đen
Tôi ngồi vá lạ vào quen lần đầu
Áo dù có trắng đến đâu
Cũng không trắng được như màu áo em

Chỉ dù đen thật là đen
Cũng không đen giống tóc em mượt mà
Còn may chỉ buột đường tà
Không em mà vẫn như là có em
Áo thì trắng, chỉ thì đen
Vá lành vào rách cho em khen lành…
NGUYỄN HƯNG HẢI
THỜI GIAN

Thời gian như con trẻ
Bôi bẩn hồng nhan nhau
Anh muộn phiền hằn kẽ
Em toan tính nát nhàu

Ta dìu nhau lận đận
Trên lối đời loanh quanh
Nhiều khi trên nẻo quạnh
Nghe gập ghềnh bước chân

Ta đi như là chạy
Tay vẫn cầm tay nhau
Ta yêu như là thở
Biết đời cần có nhau

Em hồn nhiên như thể
Yêu nhau là đủ rồi
Anh vô tư như thể
Có em là xong xuôi…

Chỉ thời gian là kẻ
Muốn chơi trò chia đôi
THÁI BẢO-DƯƠNG ĐỲNH

CHỊ TÔI LẤY CHỒNG

Đợi mùa
Tháng bảy mưa ngâu
Tôi về chị đã làm dâu cửa người
Duyên quê dìu dịu nét cười
Chị tôi mang cả lời mời qua sông

Nón nghiêng che khuất nửa vòng
Tôi đi tìm chị giữa ngong ngóng chiều
Lạc miền nắng xế mưa xiêu
Lắng nghe bông bưởi nói điều
                                                             tương tư

Mái lều khóm rạ chơ vơ
Còn đâu bóng chị bóng trưa ru mình

Chị giờ như đóa phù sinh
Chờ cây, cây chẳng nẩy cành đơm hoa

Anh theo chiến trận xa nhà
Ngàn thu mây lấp sương pha cõi người
Cửa nhà một bóng chơi vơi
Khói nhang chị nguyện về nơi
thương thầm

Duyên xưa trăng chẳng đến rằm
Tình xưa ai biết dâu tằm phụ nhau
Tôi về bên luống mưa ngâu
Mà thương thân chị làm dâu không chồng!
VÕ THỊ HỒNG TƠ

NGƯỜI THIẾU PHỤ TRANG ĐIỂM

Mười hai giờ mười tám phút
Người thiếu phụ đang ngồi khỏa trắng giấc mơ
Trong chiếc gương có hình oval cũ kỹ
Cô đang kéo đôi chân mày chạm về phía mặt trời
Có thể là dài như một tiếng thở
Cô dùng lớp phấn hồng quét ngược
Đôi mắt xanh màu thảo nguyên
Chiếc gương bây giờ là hình trái đất
Có đôi mắt màu đại dương
Từng lớp phấn phủ như cơn lốc về
Trăng vỡ mềm môi
Cô khóc trên gương mặt mình
Sau lớp thủy tinh
Lỗ chỗ thịt da rát bỏng
Cô mở hộp tìm mấy câu đồng dao

Tám lẻ dôi
Đôi lên chín
Chín lẻ một
Mốt lên mười
Cô chuyền chuyền đôi tay
Chuyền một
Chuyền hai
Chuyền ba
Trăng vỡ rồi
Cô chuyền trên tay
Đôi mắt xanh màu đại dương
Đôi mắt xanh màu thảo nguyên
Cô khóc trên gương mặt mình
Sau lớp thủy tinh
Lỗ chỗ thịt da rát bỏng.
NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ
TRẢ VAY

Có gì bất chợt đâu đây
Có gì vừa chạm chiều nay bất ngờ
Cả đời nương tựa bơ vơ
Mong manh ngọn cỏ đôi bờ lau khô

Ai đè lên giấc chiêm bao
Mà đêm cứ ngắn ngày sao quá dài
Có gì mà cứ trần ai
Mơ cho thấm nỗi u hoài thế nhân

Chôn nhau chỉ có một lần
Cắt bao giờ hết nợ nần trót vay...
                                          29.3.2018
NGUYỄN NGỌC HẠNH.

 Chùm thơ trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 29.04.2018:

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Xem tiếp…

Trà duyên... - truyện ngắn của Phạm Thị Thúy Quỳnh

9:38 AM |
(Ảnh sưu tầm) 
1. Quán trà ấy nằm ở góc phố, quán rất nhỏ mang cái tên “Năm xưa”. Năm xưa, năm xưa, người đọc lên lại thấy phảng phất biết bao kỷ niệm ùa về. Chủ quán là một cô gái độ hai lăm hai sáu, thường mặc một chiếc áo dài kiểu cổ màu xanh trứng sáo, mái tóc đen dài luôn kẹp hờ sau lưng, ánh mắt lúc nào cũng bình thản an nhiên dường như thấu triệt mọi thứ trên đời.
Khách đến quán chủ yếu là khách quen, mà khách mới đến lần đầu cũng đều phải tìm đường quay lại. Bởi trà, bởi người, bởi hoa. Chủ quán bảo ấy là trà duyên, mỗi một con người sinh ra trên đời nếu đã vương duyên với trà tức là đang muốn tìm về một cõi yên tĩnh, nảy trong lòng một chút thiện tâm giữa vòng xoáy hồng trần. Ngồi trước ấm trà, tĩnh tọa giây lát, nhìn vào những lá trà xoay tròn rồi chìm dần xuống, người ta bỗng nhìn thấy được cả kiếp trước, đời sau của mình. Có người hỏi chủ quán, cô chỉ cười bảo:
– Ấy là trà duyên.
***
Trời đổ cơn mưa, anh và em tìm chỗ trú chân ở trong quán trà nhỏ. Đôi ta đến đây mới lần đầu. Quán trà mang đậm phong vị cổ kính, dường như rêu phong thời gian đã bám dày trên từng chiếc bàn gỗ sẫm màu, từng chiếc mành chạm họa tiết hoa mai ngậm sương, những đóa sen trắng dường như chẳng bao giờ úa tàn. Chao ôi, cái màu trắng thanh tân ấy khiến anh nhớ đến ngày mình gặp nhau. Tương phùng do duyên, duyên phận trong đời như nước chảy, người đến kẻ đi, vậy mà anh lại bị đôi mắt em thu hút.
Chủ quán đợi cho chúng ta kịp trao nhau ánh mắt mới bước ra ôn tồn hỏi han. Anh là người không thích trà, còn em thì khác. Anh không biết làm sao đành gọi thứ trà sen mà em yêu thích nhất. Cô gái trẻ cẩn thận đặt bộ trà cụ xuống, để cho khách tự pha, anh hỏi vì sao, cô mỉm cười bảo:
– Để biết cách nâng niu từng mối duyên phận.
– Nhưng tôi không biết cách pha trà.
Cô gái trẻ đặt tay lên ngực mình, nụ cười trên môi càng lúc càng dịu dàng. Trong thoáng chốc ấy anh như hiểu ra, anh không cần phải tráng ấm chuyên trà, chỉ pha một chén mộc mạc theo đúng lòng mình mong muốn. Em ngồi đó, chống cằm nhìn anh lóng ngóng, trà vương vãi ra bàn. Trông anh như một chú bé đang chơi đồ hàng cùng bọn con gái thuở ấu thơ. Trà pha ra, nước xanh trong như cõi trần vô dục, hương thơm thoảng qua giống như mùi tóc em xao xuyến.
Phan Nam và Quỳnh tại nhà sáng tác Đà Nẵng, 04.05.2018.

Giữa xô bồ, ta trao cho nhau một chén trà trong, em và anh không cần kiểu cách, dốc cạn cả lòng nhau. Anh và em đưa mắt nhìn nhau, khoảnh khắc ấy chừng như hàng thế kỷ, liệu đôi ta có thể ngồi như vậy mãi hay không? Ngoài kia đầy huyên náo, anh chỉ muốn trốn ở chốn này, trốn vào trong lá trà, ấm tách, tự giữ cho mình một thoáng bình an. Anh sợ hãi những gương mặt ngoài kia, anh sợ hãi những con người với tấm lòng bon chen không ngớt. Dừng lại một chút thôi em. Ngày mai anh sẽ trở về, là một nhà văn âu lo cùng cơm áo gạo tiền, em sẽ trở về là một cô gái lãng mạn đa sầu. Hai thứ đó bổ trợ cho nhau, và chờ khi chúng ta về chung một lối. Liệu trăm năm còn có đủ? Anh gõ nhẹ mặt bàn, chén trà rung khẽ, từng xoáy nước hút hồn anh, anh và em cùng nhìn vào trong chén. Thấy hiện lên cảnh non sông tráng lệ. Trời đang về đêm, trăng sáng thấu tỏ, giữa nhà tranh vườn quỳnh có một văn sĩ đang ngồi trước bàn viết. Chàng ngắm nhìn đóa quỳnh trông trăng say đắm, chốc chốc lại họa lên trang giấy những giòng chữ tài hoa. Giữa ánh trăng mờ ảo say lòng, bên kia sông đang chìm trong ánh sáng điện đường, ánh sáng giả tạo của những kẻ ham vinh hoa phú quý…
Đêm buông xuống, vầng trăng trong trẻo hào phóng ban cho nhân gian muôn sắc ngọc, Hà Nội đã lui về sau một ngày hối hả nhuốm mùi thuốc súng và dây thép hòng nghỉ ngơi dưỡng sức. Để rồi bước ra trong vẻ ngoài bảnh bao với những bộ trang phục lộng lẫy, nhón chân vào Thuỷ Tạ, Khâm Thiên, ngây ngất trong tiếng đàn ca sênh phách cùng những phồn hoa một thời.
Những câu chuyện đó đã lùi về một thế giới khác – một thế giới mà văn sĩ coi là truỵ lạc, bê tha. Chàng giống như một nhà Nho sinh nhầm thời, cả ngày vui với sách vở cổ kim, nhìn cảnh bàn tay ngoại bang cày nát non sông mà chỉ biết nhỏ lệ thở dài. Văn sĩ sống ẩn dật, lánh khỏi con người và cả cái công nghệ của thời thế, chỉ ham hương sắc dạ quỳnh. Chàng không ưa nên nàng cũng ghét lây, chỉ ngẩng cao đầu kiêu hãnh trông về phía đèn hoa rực rỡ ngập mùi rượu cồn và thuốc phiện. Văn sĩ sống thanh cao bên Quỳnh, nàng là cảm hứng và tình yêu của những trang văn thấm đẫm hơi thở thời cuộc.
Chàng đặt cho nơi mình sống một cái tên thật kêu, thật cổ: Quỳnh Uyển. Quỳnh Uyển mà duy có nàng thôi. Đêm nay chàng lại đọc những trang văn mới viết cho Quỳnh nghe, nàng là độc giả đầu tiên của văn sĩ.
Bao giờ cũng vậy, Quỳnh sẽ ngồi đó ngẫm ngợi, thi thoảng mỉm cười đàm luận đôi câu. Ngoan ngoãn và dịu dàng. Hương thơm từ suối tóc nàng làm chàng ngây ngất. Văn sĩ lấy làm hài lòng, chàng viết rất nhiều, từ những kẻ ăn mày cho tới các vị quan tai to mặt lớn miệng quát Xà – lù – mẹc. Thế giới này sinh ra là để nằm gọn trong trang viết của chàng, sống vì chàng.
Văn sĩ đặt bút xuống, chấm một nét đầu tiên, chàng lại viết. Chàng sẽ viết gì đây? Quỳnh khe khẽ cúi xuống, để cho mái tóc mềm sượt qua vai chàng. Tứ văn bay bổng, những con chữ giăng hàng trên trang giấy, chàng đang ở nơi nao?
– Những câu chuyện của anh luôn khiến em hoảng loạn. – Quỳnh bảo.
– Em xem, trăng kia có mấy khi tròn. – Văn sĩ cười.
Trời tang tảng, Quỳnh lui vào đài hoa, nàng ủ rũ nói:
– Em e sợ những kết thúc không viên mãn, em sợ sự điên cuồng trong đó.
– Cuộc đời của chúng ta chẳng phải luôn điên loạn đấy sao. – Văn sĩ mơ màng.
Văn sĩ yêu Quỳnh nhưng nàng mong manh quá, yếu ớt quá, mấy ngày nay tấm áo xanh của nàng đã xuống màu hẳn, vàng vọt như cát pha, khuôn ngọc cũng nhợt nhạt đi. Chàng đau lòng nhìn Quỳnh đang gượng cười với mình rồi đứng lên xoa nhẹ gò má trắng nhợt của nàng. Dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ, đêm dài sắp hết, Quỳnh bỗng buồn rầu lưu luyến. Để rồi nhành ngọc cứ rũ mãi xuống, cánh hoa rụng hết thảy. Kiếp quỳnh hoa đêm nở ngày tàn, kiếp hoa mong manh.
Văn sĩ khóc nấc lên khi người yêu về với chúa hoa. Quỳnh bị trời xanh giày xéo, thanh bạch một đời, nay chỉ trơ lại vài đốt tay rỉ máu, cánh hoa trong trắng tinh khôi còn đượm hương lẫn vào bùn đất. Văn sĩ nâng xác nàng lên, tắm rửa cho nàng dưới sự chứng kiến của Nguyệt Thần, chàng cầm lòng không đậu, cớ sao cái đẹp cứ bị trêu ngươi?
Sông núi trải bao còn, giang sơn đã đổi chủ, Quỳnh Uyển xưa nay vùi thây trong lòng đất dưới sự tàn phá khốc liệt của thời gian để lưu lại cái hào hoa trăm năm trước. Sau ngày Quỳnh mất, văn sĩ cũng thành người thiên cổ. Người tri âm đã đi còn cầm bút làm gì? Lòng tiếc hoa lùi vào dĩ vãng. Từ bờ sông Hồng trông ra, vườn cũ chỉ còn là một cái gò nhỏ mà cỏ dại mọc tràn.
Anh ngẩng nhìn em, thấy đôi mắt em đã đẫm lệ. Ai từng bảo trà khiến ta tìm được kiếp trước kiếp sau. Anh kiếm tìm chủ quán, mong giãi bày đôi câu. Cô gái trẻ vẫn mỉm cười hiền dịu, đặt tay lên trái tim mình, đáp:
– Ấy là trà duyên.

2.

Sau cơn mưa, hôm sau nắng đã đổ lên thành phố. Bất giác lại đem đến chút yên bình thoáng qua, hơi sương còn đọng trên những tàng cây rộng, lấp lánh như ngọc. Khách vào quán là một chàng trai trẻ, trong đôi mắt còn vương nét sầu bi. Ngày ấy, anh hay đưa người thương đến đây để tìm khoảng không gian riêng tư cho chuyện tình đẹp tưởng như vĩnh cửu. Vậy mà giờ đây chỉ riêng người lẻ bóng.
Chủ quán đưa ra một chén nước trong, bên cạnh chẳng có trà cụ hay chỉ một lá trà duy nhất. Khách ngước mắt nhìn cô thắc mắc, chủ quán vẫn nở nụ cười nền nã trên môi. Chén nước sôi thoáng bỗng run lên rồi trong các vòng xoáy hiện ra cảnh người ở kiếp trước:
Sân khấu rộn tiếng cười, đậm nét phồn hoa thuở thịnh thế, màn nhung vén lên, đèn nến vụt tắt, để lộ ra bóng tài tử giai nhân. Hóa ra họ đang diễn một khúc Lã Bố hý Điêu Thuyền. Người xem kịch im lặng, đắm mình vào chuyện tình thê lương. Kỳ lạ thay, giữa lúc ấy, Điêu Thuyền chẳng màng đến Lã Bố, chỉ đau đáu ngắm nhìn một chéo áo xanh. Mà chéo áo ấy thuộc về một thư sinh nho nhã, năm nay chàng lên kinh dự thi, tạm thấy chốn hào hoa mà đặt chân tới. Ánh mắt họ chạm nhau, thoáng chốc đã được khắc ghi đến suốt kiếp.
Nàng thẹn thùng dùng vạt áo giấu đi gương mặt. Liệu chàng có đang nhìn ta chăng? Nếu chàng động lòng, vậy thì vì ta hay vì phấn son châu ngọc? Nho sinh ngước mắt, tự nhủ rằng nụ cười ấy dành cho ai? Tiếng tục khách lao xao bên tai, hay nàng đang động lòng vì ai khác? Vậy là, chàng quay lưng rời gót.
Họ gặp nhau một lần nữa ở trước bảng vàng, nhưng vị tân Trạng Nguyên lại lặng lẽ đi lướt qua nàng. Nhà vua đã ban hôn ước cho chàng và công chúa, nho sĩ đã quên ánh mắt trên sân khấu hôm nào. Duyên phận được se trong thoáng chốc, tan thành mây khói. Điêu Thuyền thấy hụt hẫng, bỗng chốc dầm dầm lệ sa. Cứ như thế, hai người để lỡ mất nhau...
Khách thấy trái tim đau nhói, tất thảy sự không bằng lòng trên thế gian đều đến từ nhân quả kiếp trước. Bấy giờ chủ quán mới đặt xuống bàn một bình trà xanh trong vắt, khách bỗng chốc tỉnh ngộ. Nhân sinh chẳng phải cũng giống như trà hay sao…

3.

Phố chuyển sang đêm, ánh sáng ban ngày đã bị thay thế bởi đèn điện le lói đủ mọi màu sắc. Thủ đô là nơi nuôi dưỡng ước mơ cũng là nơi nhấn chìm biết bao nhiêu số phận. Có người lên, kẻ xuống, người đến, kẻ đi, nhưng cho dù tất thảy đều nhận ra điều bi kịch thì vẫn tình nguyện nhắm mắt bước vào, chỉ vì một thoáng phồn hoa. Trăm năm cũng chỉ như cát bụi, cớ chi mà cứ mãi bon chen?
Trăng lên, dòng ngân hà nghiêng nghiêng. Từ chín tầng trời, dòng thác trăng đổ xuống trùm lên thành phố.
Ở đây, người ta đã thôi ngắm trăng. Có lẽ bởi ánh đèn, hoặc bởi đã không cần tri âm nữa. Trăng chỉ tỏ khi thấy tri âm, nước mắt ngàn năm của vầng trăng ấy có ai từng thấu hiểu?
Ngoài ban công của quán trà, văn sĩ im lặng ngắm trời cao. Có một ngôi sao sáng tỏa trên đầu, bỗng nhiên lóe lên giống như giọt lệ của thần linh kết đọng cả vạn thế kỷ. Tay anh hơ trên miệng chén trà, để làn hương ấm áp ngấm dần vào thể xác và linh hồn. Trăng đang rầu rĩ, bỗng nghển cổ mà trông. Ai từng bảo ánh trăng lạnh lẽo? Có chăng cũng chỉ lạnh với tục nhân. Văn sĩ buông tiếng thở dài.
Chủ quán đứng bên giò địa lan đương trổ, lặng lẽ trông về phía ban công. Nỗi đau của những kẻ sinh nhầm thời đã biến họ trở thành tri kỷ. Văn sĩ nhìn vào từng xoáy nước ngày một dày đặc trong chén trà, giống như bão lòng của chính bản thân. Anh thấy bóng áo dài cùng với nụ cười nền nã, đôi mắt ấy giống như thấu triệt, soi sáng cả tâm linh bụi bặm của thế gian.
– Đời thì bạc. – Văn sĩ bảo.
– Chuyện đời có mấy khi toại lòng người? – Chủ quán cười.
– Chúng tôi nhếch nhác lắm phải không cô? Sống trong cái thời nhiễu nhương này, những văn nghệ sĩ có tâm thì khổ.
– Ai cũng có sứ mệnh của riêng mình, chi bằng cứ nghĩ như vậy cho thỏa lòng.
– Đời đáng cười. Những người khắc khoải cả đời với chữ như chúng tôi thì cứ chịu đày đọa mãi, quả đúng là phận giời hành. Kiếp sau xin đừng làm thân phu chữ!
Mùi trầm nhẹ tỏa, chủ quán mỉm cười bốc một nắm trà cho vào trong chén, nước sôi dội lên, những lá trà chịu đựng rồi nở ra. Chìm nổi mấy phen, nước trà tỏa hương ngan ngát, trong vắt như sương. Cô vuốt lại nếp áo, im lặng. Chén trong tay văn sĩ khẽ run lên, bên trong hiện ra ánh mặt trời xán lạn. Dưới ánh mặt trời ấy, có một cây hoa đào đang mãn khai rực rỡ. Văn sĩ trầm trồ, không nỡ dứt khỏi những cánh hồng của thuở xuân sắc. Ấy vậy mà, chớp mắt, giông bão nổi lên vùi dập tất thảy. Gốc đào chỉ còn trơ lại cành lá xác xơ, hoa nát thành cát bụi rắc rụng đầy mặt đất.
– Sự sinh và tử, được và mất cách nhau chỉ trong gang tấc, buồn vui chuyển hóa, họa phúc không ngừng. Trong vòng xoáy này, nỗi buồn của chúng ta là một thứ xa xỉ phẩm, ai cũng đáng thương, ai cũng bế tắc. Cớ chi cứ phải đày đọa mình mà không thể sống ung dung tự tại, không lo sợ trước bão giông, giữ lấy một tấm lòng trong thiên hạ, tránh khỏi những sự chướng tai gai mắt giữa buổi nhiễu nhương?
Văn sĩ sững sờ, vụt ngoảnh nhìn chủ quán. Cô mỉm cười nền nã, đặt tay lên trái tim.
Trà duyên… Duyên đến vì trà, cuộc đời của con người đều nằm trong chén trà ấy. Lần đầu tiên, văn sĩ thấy mầm sen trắng nảy ra trong lòng, mái tóc huyền vương vấn đâu đây và ánh trăng bỗng chốc từ bi chiếu tỏa gột sạch bụi bặm trên thế gian này…
PHẠM THỊ THÚY QUỲNH.

Xem tiếp…