Vẫy ngoài vô tận... - bài viết của Phan Nam

4:26 PM |

Tự xa xưa, ông cha ta có câu ca “đi bộ thì khiếp Hải Vân/ đi thuyền thì khiếp sóng thần hang dơi” nói lên e ngại của khách lữ hành bốn phương khi vượt đèo cũng như ca ngợi sự hùng vĩ, đắc địa của con đèo được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Còn thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt, thế kỷ 19 để lại cho hậu thế những câu thơ tuyệt tác “Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu/ chia hai Thuận, Quảng một con đèo”, ấy là đèo Hải Vân, ranh giới tự nhiên của Huế và Đà Nẵng ngày nay. Dẫu chỉ cách xa hơn trăm cây số và bức tường thành Hải Vân chắn ngang, giữa hai tỉnh thành Huế-Đà Nẵng tưởng chừng như xa lắm, việc giao lưu văn hóa, nghệ thuật thiếu tính kết nối và hầu như bị bỏ ngỏ. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ khi hai tỉnh thành bắt tay nhau xây dựng hồ sơ công nhận Hải Vân quan là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hải Vân tự ngàn xưa đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao văn nhân thi sĩ với rất nhiều các tác phẩm để đời và bây giờ càng được biết đến nhiều hơn với sự quan tâm của hai địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử đặc biệt của di tích.
Ông Đặng Việt Dũng, trưởng ban tuyên giáo thành ủy TPĐN tặng hoa cho đại diện hội mỹ thuật TT Huế & Đà Nẵng
Ngày 26.04, tại bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn) diễn ra triển lãm mỹ thuật “kết nối Hải Vân Quan” giới thiệu 62 tác phẩm của 44 tác giả, trong đó có 20 tác phẩm vẽ về văn hóa Hải Vân quan đã tạo nên một bức tranh lớn đa phong cách, đa sắc màu, với màn trình diễn nhiều đường nét, bút pháp của nhiều họa sỹ đương đại Việt Nam, các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu: sơn dầu, tổng hợp, khắc gỗ, acrylic, sơn mài, trúc chỉ, thủ ấn họa...
Bức tranh 'đệ nhất hùng quan', họa sỹ Hồ Đình Nam Kha.
Bức tranh 'thực tế Hải Vân Quan', họa sỹ Võ Thanh Tịnh.
Ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc sở văn hóa thể thao & du lịch TP Đà Nẵng phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm: “Nghệ thuật với ngôn ngữ riêng của mình có thể kết nối trái tim với trái tim, mang con người lại gần nhau hơn để cùng nhau chung tay xây dựng những điều tốt đẹp. Tôi mong muốn sau triển lãm này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa mang tính kết nối giữa hai địa phương, được tiếp tục phối hợp tổ chức để Hải Vân quan xứng đáng là biểu tượng cho tình đoàn kết giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng”. Được tổ chức trong thời gian diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2018), triển lãm mang lại cho công chúng yêu thích nghệ thuật thị giác những ấn tượng đẹp khi thưởng thức các tác phẩm của họa sỹ đến từ hai vùng đất. Cơn mưa rào bất chợt rơi phía ngoài khuôn viên bảo tàng gợi nhắc những câu thơ của Hoàng Trung Thông viết trên đỉnh đèo: “Choáng ngợp quá trong niềm vui giải phóng/ Hay bâng khuâng trong cảnh sắc tuyệt vời/ Ta muốn hóa là mây một lát/ Để bay nhìn biển núi Hải Vân ơi!”.

Bức tranh 'một thoáng Hải Vân', tác giả Ngô Thanh Hùng.
Bài & ảnh: PHAN NAM

Xem tiếp…

Tiếp lửa đam mê văn chương... - Bảo Anh

4:10 PM |
Quang cảnh hội nghị
Gần 30 năm kể từ trại viết dành cho các cây bút trẻ do Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) tổ chức, một cuộc hội ngộ dành cho những người viết trẻ ở vùng đất giàu truyền thống văn chương này mới lại được mở ra.
Đam mê
Hội nghị những người viết văn trẻ TP.Đà Nẵng mở rộng 2017, do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức, diễn ra vào ngày 25 - 26.11. Từ ý tưởng ban đầu là chỉ “mở rộng” ra khu vực Quảng Nam, nhưng thực tế hội nghị đã mở ra rất rộng. Trong số 36 tác giả trẻ dự hội nghị, ngoài những người hiện sinh sống, làm việc ở Đà Nẵng và Quảng Nam (trong đó có 12 tác giả đang sinh sống tại Quảng Nam, 8 tác giả sinh ra, lớn lên ở Quảng Nam), còn có những gương mặt đến từ Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cả những địa phương rất xa như Bình Dương, Hải Dương. Mỗi người một việc, một hoàn cảnh, một phong cách sáng tác nhưng khi về dự hội nghị này, tất cả đều có một điểm chung, ấy là niềm đam mê, tha thiết với văn chương, khát khao được gặp gỡ, chia sẻ với những người viết cùng thế hệ. Từ vùng núi cao Đông Giang (Quảng Nam), Alăng Văn Gáo tạm ngưng việc đi rừng nhảy xe đò về Đà Nẵng “để được gặp mọi người và để... đọc thơ”. Từ tỉnh Bình Dương, tác giả trẻ Trần Nguyên Hạnh - người gốc Quảng Nam, xin nghỉ phép hẳn một tuần “để được sống với không khí văn chương trẻ”. Các tác giả - doanh nhân trẻ như Lê Hồng Mận, Hoàng Bích Lệ, Ngô Võ Giang Trung... tạm dứt khỏi việc kinh doanh để được sống trọn vẹn với môi trường văn chương. Trong suốt thời gian tham dự sự kiện, họ đã tạm ngưng sử dụng điện thoại để “không bị chuyện làm ăn quấy rầy”. Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, ngay sau khi thông tin về hội nghị được công bố, rất nhiều bạn viết trẻ trong cả nước đã gọi điện, gửi thư đề nghị được tham gia. “Tinh thần và niềm đam mê văn chương của nhiều bạn trẻ thật đáng nể. Chỉ tiếc là do khả năng có hạn nên ngoài “người anh em ruột thịt” Quảng Nam, chúng tôi đã rất cố gắng và chỉ có thể mời thêm một ít đại biểu trẻ ở một số tỉnh khu vực miền Trung” - nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm nói thêm.
Các tác giả trẻ tặng hoa những nhà thơ, nhà văn đi trước (ảnh: Văn Thuận)
Kết nối thế hệ, “tiếp lửa” đam mê
Ngoài 36 tác giả trẻ (sinh từ 1980 trở về sau), tham dự hội nghị này còn có khá nhiều những gương mặt... không còn trẻ nữa. Đó là các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, Lê Trâm (Quảng Nam); Nguyễn Văn Thuận (Quảng Ngãi); Thái Bá Lợi, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Bùi Tự Lực, Võ Thị Kim Ngân, Trần Trung Sáng, Mai Hữu Phước (Đà Nẵng)... Nhìn lướt qua thì có vẻ “chỏi” với khoảng cách tuổi tác, nhưng những gì diễn ra tại sự kiện này thì lại rất gần gũi, thân mật và không hề có khoảng cách. Khi được mời phát biểu, hầu hết những người “không còn trẻ” đều không hề tỏ vẻ “đàn anh, cha chú”, đều nói rất ngắn với lý do “đến đây để nghe là chính, nhường sân chơi cho lớp trẻ”. Bên cạnh câu chuyện kết nối thế hệ, câu hỏi “làm thế nào để tác phẩm văn chương của người viết trẻ đến được với công chúng” đã được những người tham dự hội nghị bàn bạc nghiêm túc và sôi nổi. Trong khi có một số tác giả cho rằng cần có sự hỗ trợ từ các đơn vị xuất bản, kết hợp với truyền thông, PR thì ngược lại, Đỗ Hoàng Tâm (Quảng Nam) cho rằng phải bắt đầu từ cái quan trọng nhất, ấy là chất lượng tác phẩm. Anh nói: “Chỉ khi có được tác phẩm có giá trị thì mới nghĩ đến sự hỗ trợ của truyền thông, của các đơn vị xuất bản, phát hành và các nhà phê bình”. Trong khi một số người cho rằng người viết phải “đi tìm” người đọc bằng cách viết về những chuyện thật “hợp thời”, hợp “gu” thì ngược lại, Ngô Võ Giang Trung (Đà Nẵng), Diệu Ái (Quảng Trị), Trần Khánh Nguyên Sơn (Hải Dương) đều cho rằng trước hết phải “viết bằng cái mình có”, phải tạo nên những tác phẩm thật hay để người đọc “đi tìm” người viết. Và rồi câu chuyện trở nên sôi nổi hơn (thậm chí là “nan giải” hơn) với một loạt “đáp án” khác nhau khi Đỗ Tấn Đạt (Quảng Nam) đặt ra câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm hay?”. Hầu hết tác giả thuộc “thế hệ công nghệ số” tham dự hội nghị đều đề cập một phương thức phổ biến tác phẩm đang trở nên quen thuộc, ấy là môi trường mạng.
Nhà thơ Phan Chín (TBT Tạp chí Đất Quảng) phát biểu tại hội nghị 
(ảnh Văn Thuận).

Trương Công Tưởng (Bình Định), Lê Hồng Mận (Đà Nẵng), Trần Nguyên Hạnh (Quảng Nam).. đều không giấu giếm là trong những bước đi văn chương đầu tiên của họ, nơi họ “cậy nhờ” trước hết và nhiều nhất chính là mạng xã hội. Dù vậy, đó không phải là lựa chọn duy nhất và cuối cùng của những người viết trẻ khi mà hầu hết đại biểu trẻ đều bày tỏ nguyện vọng được công bố tác phẩm của mình trên các ấn phẩm giấy: trên các báo, tạp chí và sau đó là in thành sách. Và, gần như ngay lập tức, nguyện vọng ấy của những người viết trẻ đã bất ngờ nhận được cam kết hỗ trợ từ những người có trách nhiệm: nhà thơ Nguyễn Kim Huy - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước và nhà thơ Phan Chín - Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy bộc bạch: “Bằng đam mê, nhiệt huyết, tài năng của mình, các bạn đã và đang kết nối thế hệ, vậy thì hà cớ gì chúng tôi lại không cùng các bạn giữ gìn, làm bền chặt hơn sự kết nối ấy và cùng chung tay giữ lửa đam mê?...”.
BẢO ANH
Nguồn: baoquangnam.vn

Xem tiếp…

Khai mạc triển lãm ảnh “cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế” tại Đà Nẵng

12:09 AM |
Nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2018) và 132 năm ngày quốc tế lao động (01/05/1886 - 01/05/2018), Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Đà Nẵng tổ chức buổi triển lãm ảnh “cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ IX, Việt Nam 2017”. Với sự tham gia của gần 1.000 tác giả trong nước và quốc tế từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, cuộc thi đã nhận được hơn 11.000 tác phẩm ảnh với 4 chủ đề chính: tự do, phong cảnh, chân dung và cuộc sống đời thường đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc, văn hóa về đất nước, con người, cuộc sống mà các nghệ sỹ đã đi qua, sáng tác.
Công chúng tham quan triển lãm (ảnh Phan Nam)
Cuộc thi tuyển lựa 88 tác phẩm xuất sắc trao tặng giải thưởng gồm 8 huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 24 huy chương đồng, 40 bằng vinh dự của hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) và FIAP cùng với 557 tác phẩm trưng bày triển lãm. Triển lãm mang đến cho công chúng những góc nhìn mới, kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại cũng như phản ánh sinh động nét đặc trưng về đời sống văn hóa, sinh hoạt của nhiều quốc gia, dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nền văn hóa giữa các nước trong cộng đồng quốc tế cũng như xây dựng tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.
Tác phẩm “relationship”, huy chương vàng FIAP, tác giả Alla Sokolova, France.
Tác phẩm “under aurora”, huy chương bạc FIAP, tác giả Hongyun Guo, China
Triển lãm diễn ra tại khuôn viên bảo tàng Đà Nẵng từ ngày 24.04 đến hết ngày 03.05.2018.

PHAN NAM.

Xem tiếp…

Cảm thức một dòng sông... - tản văn của Phan Nam.

9:52 AM |
Tôi sinh ra ở một vùng quê trung du đầy nắng và gió của vùng đất xứ Quảng. Khi xa quê chắc hẳn trong mỗi người con đất Quảng Nam vẫn luôn nhớ về quê hương hiền hòa đã nuôi dưỡng tâm hồn mình và người Quảng xa quê luôn vấn vương câu ca dao như nhắc nhớ đến một vùng quê đầy tươi đẹp: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm – Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”. Riêng tôi khi xa quê vẫn không thể quên được một dòng sông vô cùng độc đáo đã gắn bó tôi từ thưở ấu thơ: dòng sông Tiên nước chảy ngược dòng. Con sông quê tôi có dòng chảy vô cùng độc đáo từ Đông sang Tây, nước cuồn cuộn chảy len lỏi qua vùng đồi núi trập trùng. Dòng sông quê tôi đẹp từ trong tâm thức của tôi, đó là vẻ đẹp của tạo hóa của thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nơi tôi sinh ra và lớn lên. Dòng sông Tiên là linh hồn của quê cha đất tổ đã cho quê hương bao hương hoa trái ngọt được sinh ra trong lòng đất mẹ.
Dòng sông Tiên là linh hồn của quê cha đất tổ (ảnh internet)
Nói đến đây chắc nhiều người đã từng nếm thử quả bòn bon là đặc sản và là quà tặng của vùng đất xứ Tiên. Trong sâu thẳm tâm hồn tôi dòng sông luôn chứa đựng trong nó bao điều bí mật mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ khám phá hết. Đó là vẻ đẹp xanh man mát của cây cối tươi tốt ven bờ, vẻ đẹp bàng bạc của dòng nước dưới ánh trăng vàng, vẻ đẹp của sóng nước li ti lăn tăn trong những chiều hoàng hôn buông xuống, màu xanh lục của mặt nước gợi cảm giác rất bình yên và trong lành của khí trời… Chính dòng chảy kì lạ này đã lan tỏa đến tâm hồn của những người con xa quê những cảm giác bình yên, thánh thiện. Dòng sông quê tôi đẹp từ tên gọi, đó là vẻ đẹp của chốn “bồng lai tiên cảnh”. Nếu ai đã một lần đặt chân đến đây cũng phải lưu luyến không muốn quay về. Nhân dân quê tôi lưu truyền câu ca dao mà từ lâu đã đi vào lời ru của mẹ cho tôi từng giấc ngủ:
“Sông Tiên nước chảy ngược dòng
Ai lên Tiên Phước đừng mong ngày về”
Dòng sông mang vẻ đẹp yên bình khi hoàng hôn buông xuống (ảnh internet)
 Dòng sông Tiên muôn đời chảy ngược đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân quê tôi bao điều tốt đẹp về quê hương. Đối với tôi dòng sông Tiên là cả một cuộc đời, là những kỉ niệm tươi đẹp nhất từ thuở chập chững bước đi những bước đi đầu tiên, là cả tuổi ấu thơ bên gia đình, thầy cô, bạn bè. Cái đẹp của dòng sông quê tôi là vẻ đẹp của tự nhiên, bắt nguồn từ tự nhiên và nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi những rung động thẩm mỹ có sức cuốn hút của bao điều tốt đẹp. Còn sâu trong tâm khảm những vẻ đẹp của dòng sông mà tôi không thể quên được trong cuộc đời, những con người xa quê dù đi mô về mô cũng không thể xóa được hình ảnh con sông kì lạ, độc đáo:
“Đường lên Tiên Phước quanh quanh
Có con cò trắng đậu cành thương thương
Sông Tiên nước chảy đôi đường
Bậu về nhắn bạn người thương đang chờ”.
                                                                            PHAN NAM

Xem tiếp…

Giới thiệu tập san Áo Trắng tháng 04.2018 - Thương nhớ miền Trung

9:56 AM |

Đón xem! Đón xem!

- Tập san ÁO TRẮNG Thương nhớ miền Trung (tháng 4/2018) sắp trình làng vào Thứ Hai 23/4/2018.

- Ai đó đã ví miền Trung đẹp và hấp dẫn như “thắt đáy lưng ong” của người thiếu nữ, với nhiều cảnh sắc bên núi bên biển thật hùng vĩ và hữu tình... Nơi đây cũng chịu nhiều thiên tai bão lũ hằng năm, đã tạo nên những con người chịu thương chịu khó, sống thâm trầm mà đầy tình thương mến... Hãy cùng các cây bút Áo Trắng về thăm miền Trung để “một lần rồi nhớ mãi không quên”...

ÁO TRẮNG Số 3. 2018 (Phát hành thứ hai  23. 4. 2018)

THƯƠNG NHỚ MIỀN TRUNG
VĂN: 
Nhật Linh, Nhược Nam, Nguyễn Bá Hòa, Mạnh Hoài Nam, Võ Chí Nhất, Ngô Thuận, Cúc Dại, Trương Thị Thúy, Phan Nam, Hà Thị Khánh Vân, Nguyễn Hồng Minh.
Tạp bút dự thi “Gia đình tôi”: Kai Hoàng (Bà Rịa), Quỳnh Đêm (ĐH Dược Hà Nội), Thảo Nhi (Huế), Diệp Linh (Long An), Thu Hiền (Đà Nẵng), Thạch Đà (Cà Mau), Sơn Trần (Quảng Ngãi).
THƠ:                                                                                                                                      Nguyễn Tấn Sĩ, Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Tấn On, Trần Văn Nghĩa, Bình Địa Mộc, Ngàn Thương, Phùng Hiếu, Vu Trầm, Nguyễn Cường, Nguyễn Hoài Ân, Hà Quảng, Trần Thành Nghĩa, Võ Khoa Châu, Nguyễn Tấn Thái, Đỗ Hoàng Tâm, Nguyễn Mai Huyền, Trúc Thanh, Văn Luân, Đoàn Hạo Lương, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Trần Bình Tuấn
CÁC MỤC KHÁC:
*Thơ Thầy Cô: Nguyễn Hữu Phú *Thơ Sinh viên: Phan Thị Huế (ĐH Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh Thủy (ĐH Qui Nhơn) *Bài thơ yêu thích: Nguyễn Đức Phước *Giới thiệu cây bút trẻ: Việt Trúc (ĐHSP Huế) *Hương vị quê nhà: Mít hông Tam Kỳ (Đỗ Duy Hoàng) *Du lịch: Đền Pashu ở Nepal (Hoàng Ngọc).
CHỦ ĐỀ CÁC SỐ TỚI:                  
*15.5. 2018: Thương nhớ miền Bắc
*15.6. 2018: Thương nhớ miền Nam
*15.7.2018: Thương nhớ núi rừng
*15.8.2018: Thương nhớ biển đảo
THÔNG BÁO:
*Bạn đọc ở TP.HCM có thể mua tập san Áo Trắng tại Nhà sách NXB TRẺ, số 161B Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM. Giá 30.000 đ/ cuốn. Các bạn ở xa có thể mua Áo Trắng tại các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc, hoặc mua trên mạng Tiki.
*Dưới bài viết gửi cho Áo Trắng, ngoài bút danh các bạn nhớ ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ ATM (nếu có), để chúng tôi dễ dàng gửi  báo biếu và nhuận bút. Sau 1 tháng, bài được chọn đăng trên Áo Trắng, chúng tôi sẽ gửi bảo đảm báo biếu và nhuận bút.
*Bài gửi cho Áo Trắng nếu viết theo chủ đề, xin gửi trước 40 ngày về email: at_bien@yahoo.com. Cám ơn các bạn.                                                      
Blog Phan Nam.


Xem tiếp…

Dương Hằng và những viên kẹo ngọt... - bài viết của Phan Nam.

11:48 AM |
Bìa cuốn sách "Bay đi, khướu ơi"
Men theo những trang viết của Dương Hằng, có thể thấy tác giả đưa độc giả về một thuở hồn nhiên, trong sáng và thú vị biết bao. Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” những các bạn nhỏ luôn chứng tỏ mình có cái nhìn rất lạ trước cuộc sống diệu kỳ, đó là những mảng màu tươi vui, những khúc ngoặt bất ngờ với một vài điểm xuyết mơ hồ, long lanh. Đọc truyện của Dương Hằng, chỉ cần đọc một loáng là xong, bởi cốt truyện tưởng chừng như không có gì, tựa viên kẹo ngọt dần tan trên đôi môi, buộc ta phải cảm nhận từng con chữ đang chuyển động. Mười lăm truyện ngắn trong tập truyện “Bay đi, khướu ơi” (NXB Kim Đồng), có thể thấy những cô cậu học trò vô cùng hồn nhiên và trong sáng, với rất nhiều bối cảnh từ vùng nông thôn đến thành thị, nhưng tựu trung lại chính là niềm ước mơ, nỗi khao khát có những người bạn mới, có một cuộc sống mới trong đôi mắt trẻ thơ. Câu chuyện “vị khách lạ” kể về một chú cảnh sát mật vì công việc nên đến ở và gặp gỡ chủ nhà nhỏ tuổi. Và cuộc sống của khách và chủ có thêm những cuộc trò chuyện, những lần đối thoại bất ngờ, và “vị khách” ra đi để lại cho cả chủ và khách những hồi ức tươi đẹp: “Mẹ rất bình thản nói với tôi rằng cuộc sống cũng cần những vị khách lạ ghé thăm”. Rồi câu chuyện rất thật của anh Tun và bé Khẹc, với lối hành văn đầy tự nhiên, trong sáng, độc giả nhỏ tuổi sẽ vô cùng thích thú với sự nghịch ngợm đầy đáng yêu của bé Khẹc. Bé Khẹc đã làm đảo lộn cuộc sống của anh Tun bằng những trò đùa tinh quái để đến một ngày kia bé Khẹc phải nghỉ học để chữa bệnh mắt đỏ, anh Tun cảm thấy trống vắng vô cùng, và rồi Tun kết luận: “Phải nói rằng, cái Khẹc là chúa phiền phức. Nhưng kể ra, nó lại là đứa “bạn thân nhất” của tôi”. 

“Cất nỗi buồn vào ngăn tủ” và “chim én đã về” là hai câu chuyện cũng khá hay và ý nghĩa. Đó là nỗi buồn của một cô bé bị mẹ quản thúc quá chặt chẽ khiến cô bé lầm tưởng là mẹ không yêu thương cô, đến khi cô gửi lá thư của mình đến chuyên mục phát thanh trong trường, Hoàng, anh chàng phát thanh đã đến gặp mẹ cô bé, đến lúc này cô bé mới nhận ra mẹ rất yêu thương mình. Những dòng chữ vô cùng cảm động chạm vào trái tim trẻ thơ: “Hãy thấy mình thật may mắn vì còn có mẹ ở bên và can đảm tâm sự với mẹ nhiều bạn của tớ nhé. Tớ dám chắc, mẹ sẽ hiểu và bạn cũng nhận được yêu thương từ mẹ thôi. Tớ mãi sẽ là ngăn tủ nhỏ để cậu cất giấu nỗi buồn vào trong đó, tớ luôn ở đây và lắng nghe”. Còn câu chuyện “chim én đã về” kể về sự xuất hện bất ngờ của bé Bun, “sau khi tôi chào đời, mẹ tôi không thể sinh thêm lần nữa”, và bé Bun xuất hiện trở thành thành viên chính thức của gia đình tôi. Từ đó, bức tranh mùa xuân của tôi ngoài “những gánh hàng hoa, những đám mây bồng bềnh thăm thẳm, hàng cây còn lác đác vài chiếc lá úa vàng, cảnh đường sá tấp nập, cây quấy, cây đào dập dìu trên phố...” còn có thêm “từng đàn chim én nhỏ sẽ chao liệng trên bầu trời”, nhưng buồn thay khi Bun chỉ là “chim én lạc bầy”. Với một cách hành xử nóng vội, bồng bột của tuổi mới lớn, tôi đã đuổi em đi, sau đó bức tranh của tôi đoạt giải nhất nhưng tôi không còn cảm thấy vui. Có lẽ tôi đã không đúng nhưng cuối cùng tôi đón em vào lòng “và rồi, tổ ấm của tôi ríu rít trở lại bởi tiếng nói cười”. 
Nhà văn Dương Hằng.

Cuộc sống thật sự rất kỳ diệu với cảm nhận đầy yêu thương nhân hậu của một tác giả trẻ. Bạn đọc cũng sẽ bật cười với những dòng chia sẻ hồn nhiên của tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma”, nhưng cũng thật đáng yêu: “Lớp trưởng, chúng tớ biết lỗi rồi. Bố tớ mà biết thì tớ chỉ có no đòn thôi. Lớp trưởng đừng chấp nhặt hai kẻ xấu trai này nhé, lớp trưởng xinh đẹp? Giờ ra chơi, lên sân thượng, hai kẻ xấu trai muốn tạ lỗi ạ”. Có lẽ những bức tâm thư được viết trong mảnh giấy nhỏ mà ai cũng trải qua một lần trong đời? 

Qua những câu chuyện được phác họa ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều dễ dàng nhận thấy là điểm nhìn đầy tinh tế, xúc cảm của tác giả Dương Hằng. Viết cho trẻ nhỏ là rất khó, nhưng với sự tiếp xúc và cảm nhận ở một rung động chân thành, tác giả đã đưa người đọc chu du qua từng miền đất đẹp đẽ của tuổi thơ. Có lẽ quá chú trọng vào tâm lý tính cách của nhân vật mà tác giả thiếu đi những chấm phá trong cốt truyện, và đâu đó cách giải quyết vấn đề được đặt ra có phần cảm tính, chủ quan. Những câu chuyện của Dương Hằng ấn tượng bởi bối cảnh được miêu tả đầy chất thơ, ngọt ngào và vô cùng lãng mạn. Mỗi câu chuyện như một tản văn ngắn đầy cảm xúc được lồng ghép vào những nhân vật, dẫu là thoáng qua nhưng tấm lòng son sắt với đời là một điều rất đáng trân trọng, gìn giữ.
Đà Nẵng, tháng 07.2017

PHAN NAM.

Xem tiếp…

Sinh viên Đà Nẵng giao lưu với các nhà thơ lão thành...

8:50 AM |
 Tối ngày 07.04, trong không gian ấm áp của startup coffee (733 Nguyễn Tất Thành), các bạn sinh viên hiện đang sinh sống và học tập tại Đà Nẵng có dịp giao lưu cùng với các nhà thơ lão thành trong đêm thơ nhạc do trung tâm khởi nghiệp phối hợp với khoa văn-báo chí ĐH Duy Tân tổ chức. Đêm thơ nhạc có sự tham dự của nhà giáo, nhà thơ Lê Công Cơ, nhà báo, nhà thơ Võ Kim Ngân, Trần Tuấn, Nguyễn Ngọc Hạnh, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, nhà văn Bùi Tự Lực...
Nhà thơ Nguyễn Kim Huy giao lưu với sinh viên (ảnh DUT startup coffee)
Cũng trong dịp này, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tổ chức phát hành tập thơ “phơi cơn mưa lên chiều” vừa mới xuất bản đầu năm. Nhà giáo Lê Công Cơ chia sẻ về những năm tháng chiến tranh hào hùng và khoảnh khắc chiến thắng của quân và dân ta qua bài thơ “quê hương ơi”, nhà báo Trần Tuấn với “những trích đoạn Hoàng Sa” được viết những ngày giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển nước ta năm 2014. Đêm thơ nhạc góp phần hun đúc tinh thần yêu nước trong lòng các bạn sinh viên, nuôi dưỡng tình yêu thơ văn, góp phần giữ gìn và xây dựng đất nước trong tương lai.

PHAN NAM.

Xem tiếp…

Bông dừa cạn... - tản văn của Trần Minh Hợp

5:18 PM |
Hồi xưa xem phim Bông dừa cạn mới biết cái bông mọc rải rác ê hề trong xóm có tên là dừa cạn. Bọn con nít từ đó đã hãnh diện gọi đúng tên bông. Chuyện phim là cuộc đời của cô gái mồ côi tên Nương thích bông dừa cạn, mơ ước làm nên cái bánh của riêng mình. Sau chìm nổi đời thiếu nữ bị bội bạc ở xó chợ, em cũng tìm lại được hạnh phúc và nhào được cái bánh của nỗi nhớ tuổi thơ. Em đặt tên nó là bánh bông dừa cạn... Dừa cạn trôi qua ấu thơ tôi như đọt cây ngọn cỏ bình thường vì người ta không chưng cúng, không cắm bình, không làm nước hoa, tinh dầu thiên nhiên gì được... Lâu lâu ký ức bộ phim hồi lại khi thấy một cánh hoa quen thuộc mọc trơ trơ một bụi nhỏ. Ngó cánh hoa tím hồng run run, ngỡ sắp đứt rụng. Nhớ lại bộ phim để nhẩm lại cái tên bình dân nhà quê của nó.
Tháng năm bớt nắng, định rời Long Xuyên vì đã đắm đuối trong gió mát sông Hậu, nhưng cuối cùng chọn ở lại chở cô gái mang tên loài hoa Thiên Lý đi tìm vải Lãnh Mỹ A ở xứ lụa Tân Châu vì không nỡ để cô ấy rong ruổi một mình. Qua phà Năng Gù, hít một hơi dài gió sông. Quẹo lên hướng Phú Tân, con đường miền Tây xôm tụ bóng người. Những rổ sơ ri, rổ xoài, ổi hái trong vườn bưng ra trước cửa bán cho người đi đường, nhiều khi nhìn khô vỏ vì ế ẩm. Nắng đang lên thì thắng kít xe bởi một quang cảnh đẹp ngỡ ngàng... Một ruộng hoa dừa cạn đang mùa nở hồng rượm. Đồng ruộng trăm ngàn gốc hoa phá vỡ hình ảnh mặc định trong ký ức tôi về những bụi dừa cạn cô lẻ. Dừa cạn nối dừa cạn nở bung tràn từ đầu lộ đến tận bờ sông. Len bước chân vào trong từng lối mòn nhỏ xíu cảm thấy những cánh hoa nhỏ khỏ vào da thịt. Ngọn gió nhẹ như chiếc lược chải qua thảm hoa bồng bềnh. Vạn cánh hoa hồng lất phất theo nhịp gió làm mê mẩn rụng rời đôi chân.
Người chủ nhà, sống trên ngôi nhà sàn đặc trưng của vùng ngập nước, thong thả nhìn những người qua đường ghé chơi. Chị trồng dừa cạn không phải để cho đẹp, cũng chẳng thu tiền chụp ảnh mười ngàn đồng một suất như cánh đồng tam giác mạch, cũng chẳng để làm thức ăn, bánh trái hay khâu vòng nguyệt quế bán cho du khách. Chị trồng để làm thuốc. Người dân An Giang có bài thuốc mát gan bằng dừa cạn. Cả hoa cành rễ lá đem phơi khô nấu thuốc uống. Khi thấy hoa nở rực rỡ nhất, chị sẽ nhổ mang đi làm thuốc. Dừa cạn bình dị đã hóa thành thảo dược. Người dân xứ Phú Tân nhiều khi không đủ tiền, không có thì giờ đi làm chuyện thiện thì tranh thủ trồng những góc dừa cạn để tặng cho những nhà bốc thuốc nam từ thiện. Coi như được làm phước từ những gốc hoa giản đơn, từ một chút rướn sức lao động. Chị chủ nhà dặn đi nhè nhẹ để hoa bớt ngã giập, vì chị sắp nhổ gửi cho thầy thuốc nam. Tự dưng thấy những cánh hoa “thua về sắc, kém về hương” - như Nương tự sự trong phim Bông dừa cạn - hôm nay thêm vẻ đẹp rực rỡ kỳ lạ, thiện lành.
Giờ bất chợt gặp bụi dừa cạn là càng thương nhiều một đời hoa mỏng manh...
TRẦN MINH HỢP
nguồn: tuoitre.vn

Xem tiếp…