1.
Tôi rất phục bố tôi ở cái khoản “ngủ
rừng”, nghĩa là có thể ngủ liền mấy đêm trong rừng sâu và chỉ một mình. Chỉ cần
mắc võng lên và chui vào, đốt một đống lửa trại thật to để sưởi ấm là có thể
yên giấc. Những người gắn bó với rừng có thể hiểu rừng đến nỗi mỗi âm thanh vọng
lại, mỗi bóng hình chập chờn đều không thể làm tan biến nỗi sợ hãi đã ăn sâu
vào từng thớ thịt. Ngày xưa, rừng ở quê tôi được khai thác rất chọn lọc, chỉ có
chọn cây to và hoàn toàn bằng thủ công, dùng rìu để đốn cây. Vì thế, những người
thường xuyên đi rừng như bố tôi có thể biết chính xác chỗ nào có cây, có gỗ
trong rừng. Đặc biệt vào mùa mật ong rừng, chuyện ngủ rừng của bố là điều thường
xuyên như cơm bữa. Ngày bố trở về sau chuyến đi dài là ngày đặc biệt thu hút đối
với lũ trẻ chúng tôi, vì chiều bố sẽ cõng về tầng ong non và sáp ong đã được vắt
đi, nhưng vẫn còn nồng đượm mật ngọt, bỏ vào môi sẽ cảm nhận tinh túy hương hoa
của đất trời đang thấm trong huyết quản. Tôi là đứa con của rừng và từng nhiều
lần ngủ trong rừng nhưng nỗi sợ thì vẫn còn xâm chiếm đến nỗi từng dấu chân, từng
hơi thở xoáy sâu trong cơn mê sảng. Ngủ rừng và kiếm tiền từ rừng không phải là
chuyện dễ dàng, nó thường được đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Có lẽ vì
thế mà bố tôi có thể nhấm rượu như uống nước suối, nói chuyện thâu đêm suốt
sáng trong khi cây cối đắm chìm vào cơn mơ tự lúc nào. Điều đặc biệt nhứt với
tôi là đêm đêm lên đỉnh đồi có thể trông thấy thành phố Tam Kỳ rực sáng bàng bạc
phía xa xa trong ánh điện mặc dầu khoảng cách ngắm nhìn không phải là gần. Ngủ ở
rừng thì có chuyện gì để nói, nếu không phải là đắm chìm sự mệt nhọc hằn lên
thân xác, mà chưa biết đến bao giờ mới được giải thoát. Rừng đối với tôi, vẫn
là một nơi bí ẩn ghê gớm lắm, trên mặt đất không có đường người ta đi mãi rồi thành
đường mòn, và chính những con đường mòn chằng chịt xa xôi ấy đã nuôi chúng tôi
khôn lớn, bay đến bầu trời thành phố. Quả là những con đường kỳ lạ...
2.
Ở quê tôi, bây chừ chuyện lên rừng
không còn khó khăn như trước, kể từ khi phong trào trồng keo nở rộ. Tôi nghĩ, ở
miền đất trung du khô cằn sỏi đá, không còn cây nào phù hợp hơn cây keo. Và kể
từ đó, từng tấc đất từ làng lên đến bìa rừng trở nên quý giá hơn bao giờ hết,
khi vào ngày nông nhàn không còn phải th hương cầu thực vì chuyện đi xa đã nhường
lại cho con cái của họ. Người dân tiếp tục ngủ rừng để làm rẫy, ngủ rừng để trồng
keo, cho đến khi khai thác keo... có lẽ giấc ngủ của họ đã gắn chặt với rừng.
Bây chừ, nhìn những mảng xanh bạt ngàn của keo, tôi lại cảm thấy vui, bởi vì nếu
không có keo, thú thực lên rừng cũng chẳng biết trông chờ vào điều gì. Có thể ở
phố nhìn vào những mảng xanh thấy lòng mình thanh thản dịu êm nhưng ở rừng nhìn
màu xanh cây lá lại thấy lòng buồn nhiều hơn vui. Dòng chảy của rừng đã phủ lên
nỗi khát khao kiếm tìm tương lai tưởng chừng như xa xôi mà cũng gần gụi lắm.
Tôi nhớ, thuở nhỏ, có lần tôi phải ngủ ở rừng mấy đêm liên tiếp để giữ lúa. Hồi
ấy, nhà tôi còn làm lúa nằm sâu trong rừng, nơi có con suối ngày đêm rì rào chảy.
Và lũ chim sẻ đông đẹt ấy bay xuống ruộng phá lúa đến giờ vẫn còn ám ảnh trong tâm
trí tôi. Làm lúa để kiếm miếng ăn nhưng bây chừ lúa thóc cũng không còn quan trọng
nữa nên ước mong về cây keo có lẽ là suy nghĩ thiết thực nhất. Trồng keo, dễ trồng,
dễ chăm sóc, lại thích hơn với địa hình đồi gò, hang hốc, đá sỏi... Nhưng có lẽ,
cây keo còn ở phương trời nào xa vời lắm, vì khi thu lợi từ cây keo thì chắc chắn
đến một lúc nào đó, ta cũng sẽ phải trả giá. Hồi nhỏ ngủ trong rừng, tôi bị con
ma đuổi bắt, may mà con ma chỉ hiện diện trong giấc mơ...
Đà Nẵng, tháng 09.2017
PHAN NAM
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.