“Qua tuần nhà mình đi, Mây có thích thì mình để lại địa chỉ. Lúc nào tiện
thì ghé lại!”.
Là lời nhắn của ông chủ tiệm. Thời
gian trước gặp nhau, mình có nghe ông ngập ngừng chuyện đi ở với đôi mắt đầy tư
lự. Mình trọ học rồi đi làm, ở khu này đã bảy tám năm, chứng kiến giá đất cát
tăng theo từng tháng, không trừ mặt bằng của Nica. Và cũng từ khung cửa sổ
phòng trọ, nhìn sang đối diện, mình thường ám ảnh bởi nhân dáng vợ ông chủ. Một
kiểu phụ nữ ôm chứa quá nhiều uẩn ức nhưng giỏi cam chịu và thu vén. Song kể cả
đã kìm nén, những nhọc nhằn của một kiếp làm vợ vẫn bướng bỉnh trồi lên trên
gương mặt của bà. Nhân duyên như đôi tay người đầu bếp cừ khôi khéo léo phối trộn
nguyên phụ liệu. Những ông trót mê các loại thú chơi ở đời, mê đến quên mình
đang đứng ở thế kỷ thứ mấy sau Công nguyên thường là mảnh ghép còn lại của kiểu
phụ nữ như bà chủ tiệm sách. Thế mới ăn đời ở kiếp được với nhau.
Bà chủ tiệm không hục hặc hay mỉa mai
chồng mình vì chuyện thu nhập bán sách không đủ để ông mua lại mấy cuốn sách
quý mà ông lăm le thường trực. Chưa nói chuyện ăn học của hai bé Ni, Ca. Nhưng
cơm áo hữu hình là loại axit mạnh bào mòn con người ta khiến bản thể trở nên
rúm ró, khó coi. Hữu sự chồng chất lên vai khiến bà trở thành bóng ma lặng lẽ với
kiểu mặt vô hồn, người đối diện thoáng cảm giác gai người. Thế nên, khách đến
tiệm rất ngại gặp bà vào vai người bán. Bởi sách vốn là thứ hàng hóa đặc biệt,
đặc biệt trong cả cách giao dịch bán mua. Họ thích nhìn ông chủ say sưa khi hai
bên luận về sách. Trong cảnh huống ấy, cả người ông bỗng màu nhiệm và bình thản
như lời Đức Phật Thích Ca phán bảo tôn giả A Nan khi ngài sắp nhập Niết bàn.
Đó là đối với khách hàng. Khi ông
thoát khỏi con người tham ái và vô minh của chính mình để trở nên thanh tao giả
tạm. Những lúc vãn khách hay trời trở về chiều đột ngột, ông kéo ghế ngồi trước
cửa tiệm, co ro như con mèo đói nắng mà sợ nắng. Nắng nguội rồi nhưng cố hắt
xéo vào gương mặt ông, hoa lên chỗ ông ngồi. Như trêu ngươi người đàn ông tội
nghiệp. Bên cạnh chỗ ông, là hàng xe máy, xe đạp của tiệm internet bên cạnh gửi
hộ. Lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào, tiệm internet phải nhờ khoảng vỉa hè của
Nica. Có những buổi chiều thưa việc, mình khóa xe ở phòng rồi lội qua chỗ ông
chủ ngồi. Hai chú cháu có khi không nói với nhau câu nào, chỉ nhấp nước trà thật
loãng và nhìn trầm ngâm. Đôi mắt nào đi lạc khỏi con phố quen có hàng sưa đang
mùa trơ lá. Đôi mắt ông chủ thoáng cái đã biến mất như một đứa bé con lẫn vào
đám đông đang mùa vũ hội đường phố.
- Hay buôn bán thêm chi đó, Mây thấy được không?!
- Vậy chú còn toàn tâm với sách chứ ạ?
Nghe vậy cũng rất lạc quan, ba người,
thêm cả vợ ông chủ quyết tâm làm mới tiệm sách bằng cách cơi nới không gian đọc
tầng hai thành quán cà phê sách. Khách tới vừa có thể đọc sách, vừa uống cà
phê, hoặc có thể lướt web tùy thích. Nhưng rồi việc bán buôn không bù đắp nổi
chi phí thuê mặt bằng và nhân viên. Rồi cũng tới ngày Nica lùi vào quá vãng. Cửa
giờ đóng im ỉm, bên ngoài một miếng A4 ép nhựa đề cho thuê mặt bằng kèm số điện
thoại. Không còn người đàn ông tóc tai lòa xòa tận mang tai, hằng ngày cầm chổi
lông gà quét từng hạt bụi trên giá sách. Không còn những chuyến xe bất chợt, những
lần nhảy tàu vội vã đi về phương Nam xa xôi. Điện thoại, số quen không nhắn
tin: “Mình vừa Sài Gòn về, có quyển sách Mây dặn!”. Nôn nao làm nhanh cho hết
việc để được xin phép về sớm. Nín thở đợi sếp gật đầu rồi vội vàng mất hút. Có
sách mình muốn, có ấm nước đậu ván của những buổi chiều đợi mùa sưa lên lá non,
hai chú cháu cười, nói với nhau rất nhiều thứ xung quanh cuốn sách mới và cả
chuyến đi vừa qua.
Gia đình Nica đã về nơi ở mới. Nica
trở thành quán ăn. Tuy việc buôn bán không phát triển lắm nhưng thu nhập khá
hơn bán sách. Mỗi tội, thương ông chủ, vườn sách ngày xưa ông vẫn trưng ra
nhưng ai đến đọc thì đọc. Thành thư viện tại nhà miễn phí cho nhiều người. Mình
sợ ông buồn cho đoạn rẽ này nên ít ghé lại, song thỉnh thoảng vẫn hay nhận được
email của ông.
- Ngày trước thấy Mây nhìn bản Anh cuốn Gone with the wind, mình đã muốn
tặng. Mình và Mây đều thích cô “Pansy” của Margaret Mitchell vì nhiều lý do. Chỉ
tiếc...
Chú bỏ lửng câu nói. Mà thật ra không
cần nói ra những gì mà cả hai người đều đã hiểu. Tối hôm sau chú mang cuốn sách
qua chỗ mình ở với nụ cười lạ gắn hờ trên đôi môi thâm lại. Mình đã nhớ khoảnh
khắc ấy rất rõ. Đêm đó mình đã mơ được
nhìn thấy Vườn sách Nica và cả Cuốn theo chiều gió bản Anh ở đúng vị trí mà
mình đã ngắm nó cách đó nhiều năm sau.
PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG
(Nguồn: vannghedanang.org.vn)
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.