Nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đang thiếu
trầm trọng những tác phẩm nghệ thuật được đặt trong không gian công cộng. Trong
khi đó, các tác phẩm lại phải ráng sức tìm chỗ đứng mà… không có. Tìm lối ra
cho nghệ thuật công cộng là mục đích của buổi tọa đàm "Nghệ thuật công cộng
từ A đến Z", do Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tổ chức, diễn
ra chiều 19-8 tại TP HCM. Lần đầu tiên tại Việt Nam các khái niệm "kiến
trúc hạnh phúc", "ngạc nhiên bền vững"… được đưa ra bàn thảo gợi
lên những ước mơ và khao khát sáng tạo nghệ thuật đặt trong không gian công cộng
như ở TP HCM.
Tác phẩm thừa, nơi đặt thiếu
"Người Việt chúng ta không hề
thiếu các tác phẩm nghệ thuật phù hợp, thậm chí sau nhiều lần tổ chức các trại
sáng tác điêu khắc, lần nào cũng "tồn đọng" hàng trăm tác phẩm được
chắt lọc từ sáng tạo của các nghệ sĩ và đã đoạt giải thưởng, xong lại bị
"xếp kho", chất đống lên hoặc đổ nát dần dưới nắng mưa, không hề được
sắp đặt, trưng bày cho đúng nơi, đúng chỗ, đúng tầm, đạt hiệu quả về thẩm mỹ và
mang lại lợi ích cho cộng đồng" - nhà điêu khắc Phan Gia Hương nói. "Nghệ
sĩ rất trăn trở với sáng tạo, yêu nghề thì vẫn phải làm nghề nhưng nhiều người
bắt buộc phải sáng tạo những thứ không đúng với tâm nguyện" - nhà điêu khắc
Phạm Đình Chiến cho hay. Theo bà Hương: "Nhu cầu của công chúng rất cần
nhưng cứ mỗi lần bàn đến chuyện nghệ thuật công cộng lại "đụng chạm"
với cơ quan quản lý đô thị, quản lý công viên cây xanh… nên vấn đề vẫn ách tắc.
Chúng ta chưa hề có bất cứ quy hoạch đô thị nào chuẩn bị sẵn không gian cho tác
phẩm nghệ thuật công cộng. Hàng trăm tác phẩm điêu khắc nằm dưới nắng mưa bên
quận 9, số tác phẩm trong Công viên Tao Đàn cũng bị trả lời là không trưng bày
được vì công viên còn để tổ chức hội chợ" .
Mong một lối ra
Nhu cầu nghệ thuật công cộng rõ ràng
là quá lớn, không chỉ đối với TP HCM mà còn ở các đô thị Việt Nam nhưng các nghệ
sĩ chỉ biết loay hoay trong sáng tạo của mình và hầu như không có lối ra.
"Tác phẩm điêu khắc thường rất lớn về kích cỡ, nặng về trọng lượng nên nếu
không sử dụng với mục đích công cộng thì sau khi dự thi hoặc trưng bày, triển
lãm ít ngày, tác giả cũng chẳng biết làm thế nào với "đứa con tinh thần"
quá khổ của mình. "Cuộn" của tôi sau khi đoạt giải và triển lãm một
thời gian, tôi mang về nhà" - nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến từng đoạt giải
Vàng điêu khắc năm 2016 nói. Ly Hoàng Ly chưa thể trả lời được rằng sau bao
nhiêu vất vả để hoàn thành "Thuyền nhà thuyền", chị sẽ mang tác phẩm
của mình đi đâu sau thời gian trưng bày trong triển lãm ở Trung tâm Nghệ thuật
đương đại (quận 2). "Tôi cứ thử hình dung tác phẩm "Thuyền nhà thuyền"
của Ly Hoàng Ly nếu được đặt ở vị trí cuối đường phố đi bộ Nguyễn Huệ chẳng hạn.
Chỗ đó nhìn ra sông Sài Gòn. Tác phẩm có tên "Thuyền nhà thuyền" rất
phù hợp với ý nghĩa của thành phố khởi nguồn từ một thương cảng như Sài Gòn. Và
công chúng cũng như du khách dạo bước tới phố đi bộ sẽ được tương tác với tác
phẩm thì thật tuyệt vời.
|
Tác phẩm 'thuyền nhà thuyền' của Ly Hoàng Ly trong khuôn viên công ty TNHH MTV cơ khí Chu Lai, Trường Hải, Quảng Nam (ảnh: Nguyễn Huỳnh Mạnh Khải) |
Hoặc các không gian đô thị khác như Phú Mỹ Hưng (quận
7), Sala (quận 2) chẳng hạn cũng rất phù hợp với vẻ đẹp hiện đại của tác phẩm"
- bà Nguyễn Thế Thanh đưa ý kiến. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt
Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Điêu khắc toàn quốc, phụ trách mảng điêu khắc phía
Nam, bà Phan Gia Hương khẳng định: "Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng,
không gian đô thị của TP HCM và Hà Nội đều đã trải dài ra qua nhiều quận huyện
nhưng từ rất lâu rồi, không ai để ý rằng không gian công cộng của những khu vực
trung tâm của hai thành phố này rất xấu. Tượng chỉ được đặt ở một vài vị trí,
không phải tượng nào cũng phù hợp. Và tượng cũng chỉ là một trong số rất nhiều
hình thức tác phẩm điêu khắc hiện đại. Rất cần có một bảo tàng lịch sử để lưu
giữ các tác phẩm cũ và bắt buộc phải trình bày lại bộ mặt nghệ thuật công cộng
của hai TP Hà Nội và TP HCM bằng các tác phẩm đương đại phù hợp với không gian
hiện nay".
Bảo tồn văn hóa và thu lợi
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khẳng định
trong xã hội hiện đại, kinh tế thương mại phát triển mạnh mẽ còn sự kháng cự của
cộng đồng lại rất yếu ớt. Do quá nghiêng về lợi ích vật chất nên ở mọi đô thị,
bản sắc và nét riêng đều bị xóa nhòa, đặc biệt các cộng đồng thiểu số, văn hóa
bản địa còn mất nhanh hơn bởi tốc độ đô thị hóa. Theo ông Hoàng Thúc Hào, người
kiến trúc sư cần góp phần bảo vệ cho sự đa dạng văn hóa và bảo tồn văn hóa cho
cộng đồng thiểu số. Với mỗi đô thị, cần tạo ra những công trình mang tính ngạc
nhiên bền vững. "Chẳng hạn như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) luôn là một
ngạc nhiên cho chính cộng đồng địa phương và du khách, người ta có thể sống hạnh
phúc vui vẻ ở đó và vẫn có được thu nhập tốt. Chùa Một Cột (Thái Bình) cũng là
một ngạc nhiên bền vững, đã tồn tại hàng trăm năm chứ không chỉ gây sốc tức thời"
- ông Hoàng Thúc Hào đưa ví dụ. Trao đổi thêm về khái niệm "ngạc nhiên bền
vững", nghệ sĩ Ly Hoàng Ly cũng kể lại: "Khi đến Chicago (Mỹ), tôi đã
rất ngạc nhiên với công trình "Cổng mây" hay tên khác là "Hạt đậu"
(do hình dáng rất giống hạt đậu) nằm trong công viên Thiên Niên Kỷ. Đây là một
công trình nghệ thuật công cộng rất nổi tiếng, được đầu tư tới hơn 23 triệu
USD. Để xây dựng công viên Thiên Niên Kỷ, chính phủ đã đầu tư tới 475 triệu
USD. Đây là một công trình khổng lồ tập trung các tác phẩm nghệ thuật công cộng,
mỗi năm thu hút từ 2- 5 triệu khách tới thăm Chicago chỉ vì tác phẩm "Cổng
mây" hay "Hạt đậu" này".
HÒA BÌNH
(Nguồn: nld.com.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.