Cây
viết trẻ Phan Nam tên
thật là Phan Văn Nam, sinh năm
1995, quê quán Tiên Phước - Quảng Nam. Sinh viên Báo chí Trường ĐH Sư
phạm Đà Nẵng, đã có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo, tạp chí,
website... Sở trường của Phan Nam là tản văn với nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở
làng quê. Xin trân trọng giới thiệu!
1.
Chớm
đông. Những hơi lạnh quê nhà tràn qua chiếc áo mỏng manh khi bố ra đồng. Đất trời
vội chuyển mình qua những cơn mưa ngày. Tôi chợt đưa tay hứng từng giọt mưa thấm
vào lòng người nỗi buồn man mác khó tả. Thương bố trải qua bao biết bao mùa
đông mà cái rét thấm vào khuôn mặt bao vẻ âu lo. Dựng lên một trại nhỏ, bố thắp
lên ngọn lửa ấm trong những chuyến đi bứt mây rừng, bẻ măng, bắt ốc… Bố đốt lửa
vừa để sưởi ấm vừa để um khói xua đuổi muỗi cho qua giấc ngủ đêm đông nơi rừng
sâu nước độc. Chỉ khi xa ánh điện đêm vào rừng mới thấy sự quý giá của ngọn
lửa giúp con người có thể trụ vững mưu sinh trong hoàn cảnh tăm tối. Đời bố gắn
bó với sương khói trong những đêm mùa đông như thế, để nuôi tôi ăn học thực hiện
giấc mơ trên giảng đường đại học. Chỉ ở quê nhà tôi mới cảm nhận hết bếp lửa
thắp sáng yêu thương. Khói chờn vờn quanh bếp rồi bay lên bầu trời chất chứa
xúc cảm trong vô định. Khói cay cay mắt mẹ cho tôi bữa cơm gia đình đầy ấm áp,
hạnh phúc mà chắc chắn bao đứa trẻ nào trên cõi đời nào cũng một lần thèm khát.
Bàn tay gầy của mẹ lam lũ nắng mưa cũng chỉ mong muốn những đứa con trưởng
thành, có thể tự lập trong cuộc sống. Dẫu biết bếp gas, bếp điện có hiện đại đến
đâu cũng không thể thay thế được bếp lửa của mẹ, với cái kiềng ba chân vững chải
tạo ra những đốm than hồng. Làn khói bốc lên dẫu có mong manh đến đâu cũng tạo
ra sự ấm ấp cho bao kiếp người, gắn kết miền yêu thương gói trọn trong gian bếp
nhỏ.
2.
Có
đi qua bao mùa đông mới thấy hết ánh lửa ngọt ngào luôn cháy rực trong tâm can
con người. Dẫu biết có trải qua cay đắng, sự hi sinh lam lũ mới cho ta thành quả
thơm tho trong từng tâm hồn giản dị, mộc mạc. Những con người “chôn nhau cắt rốn”
ở nơi chốn thôn quê luôn cảm nhận được điều kỳ diệu từ những làn khói chiều
chôn dấu qua từng hạt bụi, từng dấu chân. Mùa này người dân quê tôi lại tất bật
với mùa làm đồng, để ươm mầm hạt giống chờ mùa vàng vẫy gọi. Lòng tôi bâng
khuâng nhớ những chiều tháng ba nắng dát vàng qua cánh đồng lúa vàng ươm. Cánh
diều căng gió trải dài qua bước chân tuổi thơ một đời mải chạy trên cánh đồng
lúa thơm ngát nghĩa tình của làng quê. Giấc mơ ấp ủ trong mầm lúa chợt vút
cao trên bầu trời quê thương, gió mang theo hình hài của hương khói đốt đồng vẫy
gọi nơi nào đó tưởng chừng xa xôi lắm. Tôi chỉ biết mỗi lần nhắm mắt lại là
hương khói lại nồng nàn đôi môi, cay xè sóng mũi, hiện hình trong trái tim. Tôi
thấy giọt mồ hôi của ba mẹ một đời lam lũ, tôi thấy nụ cười hạnh phúc của ba mẹ
khi gánh lúa vàng nặng trĩu trên lưng, tôi thấy giọt nước mắt của ba mẹ ngày
tôi cầm giấy báo đậu đại học chạy qua đồng làng… tất cả như ẩn hiện qua làn
khói tưởng chừng hư vô. Miên man từng gốc đất quê hương cho ta niềm riêng thăm
thẳm. Trải qua tháng năm đắm mình trong hình hài của sợi khói vô tri.
3.
Những
nẻo đường quê Việt dường như đều nặng vương sợi khói ẩn chứa biết bao điều diệu
kỳ. Ở đâu có khói là ở đó trái tim luôn ấm áp bởi bếp lửa cội nguồn. Sợi dây gắn
kết tâm hồn con người luôn bắt nguồn từ những điều nhỏ bé mà ta khó lòng hình
dung ra được. Khói sương đi vào tiềm thức của mỗi chúng ta từ khi chôn nhau cắt
rốn đến khi mang đi hạt cát quê nhà bay đến khoảng trời xa lạ. Có lẽ làn khói
mong manh có linh hồn muốn chúng ta phải trân trọng, gìn giữ. Mỗi độ xuân
về trông thấy khói lam chiều là lòng tôi có một cảm giác đặc biệt rất khó diễn
tả, vừa náo nức lại vừa bâng khuâng muốn quay về quê nhà đón giao thừa. Khói gắn
bó với con người chỉ trong giây phút và khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng nó chính là
một mảnh của đời người. Từng góc cạnh của làng quê đều thấp thoáng làn khói: từ
bếp đun trà của ông, tách cà phê nóng buổi sớm của ba, khói trưa khi mẹ vào bếp,
đám lá khô được gom đốt lúc hoàng hôn, khói đốt đồng vấn vương mỗi chiều…
Đặc biệt nhất vẫn là khói nghi ngút chiều cuối năm bốc lên từ nồi bánh Tết. Cả
nhà quây quần gói bánh trong không khí ấm áp ngập tràn. Dường như khói được
sinh ra để cho mỗi chúng ta cảm nhận được hạnh phúc gia đình tỏa ra từ gian bếp.
Nồi bánh Tết thường rất lớn nên ba phải chọn khoảng đất trống lớn ở đầu ngõ để
đặt ông Táo, rồi cả nhà lại quây quần đợi bánh chín, hàn huyên nói cười vui vẻ.
Tự bao giờ làn khói đã chìm sâu vào tâm thức tôi một cách tự nhiên như dòng chảy
ngọt ngào của sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn. Mỗi khi về quê tôi luôn được uống
giọt mê say của mùa xuân trong vô hình, bắt nguồn từ những điều giản dị rất khó
nhìn thấy, nhường chỗ cho xúc cảm lên ngôi. Tình cờ tôi đọc được bài thơ “Mùi
khói” của tác giả Trần Sang (An Giang), in trong tập thơ “Sông muôn đời vẫn thế”,
những vần thơ lay động tâm hồn tôi: “mười
năm con vẫn không phải là người của phố / nhớ khói bếp nhà mình quá / mẹ
ơi! / mười năm sao con không rứt ra được phố? / con cũng không biết mình đang /
chờ đợi một điều gì / và mắc nợ một nơi để đi về / mênh mông thương nhớ…”. Khói
luôn mang lại trong lòng tôi một chút gì đó cao quý, thiêng liêng nhưng cũng vừa
giản dị, gần gũi. Có lẽ vì khói gắn bó với người dân quê tôi một đời từ lúc còn
nghe câu hát nằm nôi. Đối với tôi khói chính là linh hồn phác họa yêu thương,
nuôi dưỡng tâm hồn từ những điều bé nhỏ.
PHAN NAM
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.