Tôi phải kể sao về thầy nhỉ? Thầy, một thầy giáo già người dong
dỏng cao, giọng nói và cử chỉ thầy lúc nào cũng mềm mỏng, từ tốn.
Thầy, một người thầy giảng bài hấp dẫn và dễ hiểu. Nhưng tôi, đứa
học trò lạnh lùng năm xưa lại không thích thầy chỉ vì thầy dạy môn
Lý, môn học mà tôi ghét cay ghét đắng trong tất cả các môn.
Giọng giảng bài của thầy to, không sang sảng mà đầy ấm áp đã đưa
chúng tôi trôi ngược về mấy thế kỷ trước. Học đến chương Điện, một
học sinh ghét Lý như tôi mà còn phải tò mò mở tròn mắt chăm chú
nghe thầy mở đầu bài giảng bằng phát minh của Edison, thầy đưa cả
bốn mươi mấy đứa trong lớp trở về cuộc sống khốn khó, thời của
những cái máy nghe đài xưa lắc lơ mà hồi còn nhỏ, thầy cũng như bao
người dân đã sử dụng nó để nghe tin tức ngoài mặt trận khi đất nước
còn kháng chiến chống Mỹ. Tôi hình dung ra cảnh trong lúc pháo nổ bom
rơi ngoài đường thì xung quanh cái máy nghe đài kêu rèn rẹt trong
những ngôi nhà đóng kín cửa, mọi người đang ngóng chờ tin chiến trận
mà người thân họ xông pha ngoài đó. Cái bóng đèn dây tóc bình thường
quen thuộc trong đời sống, qua lời kể của thầy, nó trở nên sống
động, tưởng chừng như nó đã góp mặt vào lịch sử văn minh nhân loại
kể từ khi nhà bác học vĩ đại Thomas Edison sáng chế ra.
Tôi dở Lý nhất lớp, có lẽ vì thế nên thầy quan tâm tôi thật
nhiều. Tiết nào thầy cũng gọi tôi phát biểu ít nhất một lần, tôi
rất khó chịu. Thật là còn gì “nhục” hơn khi câu hỏi nào tôi biết câu
trả lời thì ông thầy không gọi, còn câu hỏi nào tôi không biết thì
thầy lại gọi! Và thế là tôi cứ luôn bị gọi lên phát biểu ý kiến
trong tình cảnh dở khóc dở cười nhất, đơ mặt ra nhìn thầy, còn thầy
nhìn tôi mỉm cười rồi nhẹ nhàng bảo ngồi xuống. Cái thói quen đáng
ghét của thầy “hay gọi tôi phát biểu” đó còn khiến tôi không được
thoải mái. Tới tiết thầy, tôi phải cố tập trung không dám lơ đãng dù
đôi lúc mệt hoặc buồn ngủ cách mấy. Bởi thầy có thể “tóm” tôi bất
cứ lúc nào, bởi tôi không muốn thấy ánh mắt thất vọng của thầy khi
thầy biết tôi không tập trung, bởi tôi không muốn thầy thất vọng trước
bao tâm huyết thầy bỏ ra. Nhưng, người thầy tận tụy ấy chẳng bao giờ
dành chút thời gian để la mắng học sinh. Lần đầu tiên trong đời, tôi
có một ông thầy giáo lý tưởng như thế, thầy chỉ luôn nói: “Con chưa
học bài”, “Con chưa làm bài tập”, “Lần sau cố gắng lên con!”, “Ừ,
giỏi!”. Lời quở trách của thầy chỉ có vậy, lời động viên của thầy
cũng chỉ có vậy, cùng với ánh mắt thầy buồn buồn hoặc sáng lên
lúc thầy quở trách hoặc ngợi khen chúng tôi.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, tới tiết Lý, cả lớp chúng tôi đứng lên
hát tặng thầy. Hát xong, thầy cảm ơn và đó cũng là lần đầu tiên
thầy dành ra mấy phút khuyên bảo chúng tôi vài điều. Ký ức tôi đến
giờ vẫn còn đọng lại lời thầy hôm đó, đọng lại rõ nhất một câu
nói của thầy hồi ấy đã khiến nước mắt tôi rơi: “Thầy không có bất
cứ suy nghĩ xem thường một học sinh nào. Đối với thầy, các em sau
này đều có thể thành đạt. Nhất định là các em sẽ thành đạt, nếu
các em cố gắng.”. Tôi có cảm nghĩ thầy dành riêng lời đó cho mình. Có
bao giờ, bạn hối tiếc khi bạn không còn cơ hội đền đáp ơn nghĩa một
người? Có bao giờ, bạn hối tiếc khi bạn không còn cơ hội biểu lộ
tình cảm và sự biết ơn đối với người đã quan tâm, lo lắng cho
bạn?... Xa thầy, tôi đã hối tiếc về điều đó. Suốt năm lớp Mười Hai,
tôi tìm thầy khắp trường nhưng không gặp vì thầy dạy buổi chiều, tôi
học buổi sáng. Chỉ đôi lúc ngồi học trong lớp, tôi bất chợt trông
thấy thầy ngoài sân, bóng dáng thầy lúc nào cũng âm thầm, lặng lẽ,
đơn độc một mình. Tại sao chưa bao giờ thầy được học sinh nào ngưỡng
mộ nhắc tới hoặc vây quanh trò chuyện thân mật? Hay có lẽ bởi tình
thương thầy dành cho chúng tôi lặng lẽ quá chăng!...
Một buổi trưa nọ tan học, thầy sắp bước ra khỏi cổng. Điều ước
nhỏ nhoi của cô học trò sắp rời xa trường rồi cũng đến. Vâng, chỉ
một điều ước nhỏ nhoi là được gặp, hỏi thăm thầy thôi mà sao tôi đã
phải chờ đợi rất lâu? Ông Trời chắc đã hiểu cho tấm lòng thành của
một đứa học trò ngoan dành cho thầy thầy nên đã cho tôi được gặp thầy hôm
ấy! Cô gái vốn ít nói, trầm tính như tôi hôm đó bỗng nhiên dám đứng
giữa sân trường cất tiếng gọi to: “Thầy!... Thầy ơi!...”; thời gian như
ngưng đọng, đóng băng tiếng gọi để nó âm vang mãi trong niềm vui sướng
mãnh liệt về kỷ niệm Mười Một khó quên. Thầy quay lại, tôi cúi đầu
chào thầy rồi vội vàng hỏi: “Năm nay thầy có dạy lớp Mười Hai
không?”. Thầy nheo đôi mắt yếu ớt lại, trìu mến nhìn tôi: “Không con
à! Thầy dạy dở lắm nên thầy không được dạy Mười Hai.” Ngày cuối
năm, đứng nói chuyện với nhỏ bạn, khi tôi hỏi bạn còn nhớ ông thầy
dạy Lý năm lớp Mười Một không, bạn nói: “Nhớ chứ, hồi đó tiết nào
ổng cũng rảo khắp lớp, gọi hết đứa này tới đứa kia phát biểu. Sợ
muốn chết!”, tôi cười với bạn, thầm mong được trở lại ngày ấy.
Nhớ đến lời thầy năm ấy, tôi cảm phục tấm lòng vị tha và
niềm tin thực sự thầy dành cho chúng tôi. Thầy, người thầy lý tưởng
nhất trong đời tôi. Và bây giờ, tôi ao ước được nghe thầy kể lại
chuyện Edison và sự ra đời của chiếc bóng đèn dây tóc một lần nữa…
NGUYỄN
KHÁNH TUYẾT VY.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.