Bé Bê Lim (Hoàng Dạ Thi), con gái
út của hai thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, làm thơ từ lúc chưa
biết chữ. Sau mấy chùm thơ của em được in trên báo, các nhà báo, nhà thơ liên
tục đến nhà hỏi chuyện để viết bài khen. Em sợ quá, làu bàu với mẹ: "Con
làm thơ để chơi, có chi mà cứ phỏng vấn!". Đúng là có thứ thơ để chơi
thật. Các nhà thơ Việt Nam sau này đa số nghiêm túc, làm thơ để giáo dục, nên
ít chơi thơ. Nhưng cũng có không ít người chơi thơ rất thâm hậu.
Chơi
thơ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đến nay. "Chơi thơ (trong
sáng tác) là trò chơi trí tuệ và là thú vui tao nhã lúc trà dư tửu hậu. Muốn
chơi thơ, người chơi phải rành luật thơ, lại phải thâm thúy, nhạy cảm mới ứng
đối được. Chơi chữ, chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất. Chơi thơ
là chơi chữ với lối hồi văn liên hoàn, họa vần, họa chữ, nói lái, độc vận, điệp
từ, hay chơi cấu trúc thơ. Sách "Chơi chữ Hán Nôm" (NXB Thuận Hóa,
2002) của Hải Trung giới thiệu hàng chục cách chơi cấu trúc thơ của Trung Quốc,
Việt Nam xưa như dạng "thuận nghịch độc", hay "Thuận Hán, nghịch
Nôm", cấu trúc vòng tròn, xoắn ốc, hình Hà Đồ, thơ hình núi...
Ví
dụ bài thơ "Vũ Trung Sơn Thủy" của vua Thiệu Trị chỉ 56 chữ Hán, mà
có thể đọc đến 64 bài thất ngôn bát cú, 64 bài thất ngôn tứ tuyệt. Nhưng
chơi thơ như vua Thiệu Trị là cực khó, phải thâm thúy chữ Hán và rất sành thơ
mới làm được. Đa số các cụ đồ hay chữ thường chơi thơ thuận nghịch độc. Hàn Mặc
Tử từ nhỏ đã có bài thơ "Cửa sổ đêm khuya", có thể đọc ngược
xuôi theo 6 cách: Hoa cười nguyệt rọi cửa
lồng gương/ Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương/ Tha thiết liễu in hồ gợn sóng/
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương/ Xa người nhớ cảnh tình lai láng/ Vắng bạn thơ
ngâm rượu bẽ bàng/ Qua lại yến ngàn dâu ủ lá/ Hòa đàn sẵn có dế bên tường.
Đọc ngược:Tường bên dế có sẵn đàn hòa/ Lá
ủ dâu ngàn yến lại qua... Bỏ hai chữ đầu mỗi câu sẽ có bài thơ ngũ ngôn, rồi
lại đọc xuôi, đọc ngược (Nguyệt rọi cửa lòng gương/ Buồn thêm nỗi vấn vương...).
Rồi bỏ hai chữ cuối mỗi câu lại có bài thơ mới, đọc xuôi đọc ngược...
|
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (ảnh: tư liệu internet) |
Có
lần nhà văn Trần Dần kể với tôi về người bạn thơ ở Hà Nội, ông gọi là
"thi sĩ Chúc Bờ sông" vì ông ấy ở bên bờ Sông Hồng. Thi sĩ Chúc có
nhiều bài thơ cực ngắn, viết xong rồi cất vào hòm, bạn bè tới vui chén rượu thì
lấy ra "ngắm". Ví dụ có bài có cái nhan đề là "Vợ chồng".
Còn cả bài thơ chỉ có một chữ: Xong! Trần
Dần bình: "Vợ chồng - Cái mớ bòng
bong ấy gọi là xong!". Nhưng Phùng Quán lại chê là lời bình quá dài
dòng! Đó là một cách chơi thơ rất tài tử. Thơ Bút Tre cũng là một thứ thơ
chơi thâm hậu. Với cách ngắt vần lục bát trái khoáy, nhà thơ đã biến mọi thứ
nghiêm túc thành trò cười: Con ruồi là
giống hiểm nguy/ Một chân của nó rất vi trùng nhiều... Nhưng ông đã làm nên
một trường phái thơ mới nổi tiếng ở Việt Nam: Trường Phái Bút Tre! Thơ Bút Tre Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng
trận Điện Biên trở về là cách chơi vắt dòng lục bát tài hoa, tạo ra
nhịp điệu mới trong lục bát Việt Nam. Sau này trường phái Bút Tre trẻ
phát triển liên tục: Núi Voi trông
thật giống con voi/ Có cả đầu đuôi có cả vòi / Núi cũng như người hăng sản
xuất/ Đầu thì trồng sắn đít trồng khoai...
Đa
số thơ chơi là thơ xướng họa. Nhà thơ Lý Hoài Xuân kể, hồi chung tỉnh Bình Trị
Thiên, một hôm trong một cuộc họp có cả vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị
Mỹ Dạ cùng dự, nhà thơ Văn Lợi liền ứng tác viết vào mảnh giấy bài thơ bốn
câu, rồi chuyền cho Mỹ Dạ: Lâm vào cảnh
sắc ngàn xưa/ Thị vàng rơi xuống ngẩn ngơ lòng người/ Mỹ nhân sắc nước hương
trời/ Dạ nào chẳng muốn trao lời tri âm. Bốn câu thơ những chữ đầu mỗi câu
kết thành tên Lâm Thị Mỹ Dạ. Mỹ Dạ chưa kịp đọc xong, Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi
cạnh, liếc đọc rồi làm ngay bài thơ họa chuyển cho Văn Lợi, cũng bốn chữ đầu
thành tên Lâm Thị Mỹ Dạ: Lâm ly kẻ mặt
chau mày/ Thị thành son phấn làm bay hương đồng/ Mỹ miều má thắm môi hồng/ Dạ còn
trong sáng như dòng sông quê. Văn Lợi liền ứng tác tiếp bài thơ khác. Lần
này bốn chữ đầu bốn câu thành tên Hoàng Phủ Ngọc Tường: Hoàng hôn về lối xóm/ Phủ bóng người gái
quê/ Ngọc ngà nơi thôn dã/ Tường tận càng đam mê. Hoàng Phủ đọc xong, nhẹ
nhàng đưa cho Lâm Thị Mỹ Dạ. Mỹ Dạ đỏ mặt, rồi ứng tác ngay bài họa:
Hoàng
cung xưa vẫn còn đây
Phủ rêu năm tháng xanh dày thời gian
Ngọc kia lũ đã cuốn tràn
Tường giăng kín mít bóng hoàng hôn
buông.
Chơi
thơ là sinh hoạt lý thú của làng thơ, làm cho người nghe sảng khoái và yêu thêm
sự bí ẩn và kỳ diệu của thơ!
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.