Tuổi thơ đi qua luôn mang trong mình nó những hoài niệm mà có
lẽ suốt cuộc đời mỗi người không thể nào quên. Và với tôi, đứa trẻ được sinh ra
tại vùng đồi núi trung du Tiên Phước (Quảng Nam), ký ức về những loài cây hoang
dại luôn để lại những kỷ niệm đặc biệt. Bạn có thể có một tuổi thơ đẹp mà bạn
luôn muốn “xin một chiếc vé” để trở về. Nhưng với tôi lại khác, chắc chắn rồi. Thằng
bé con nhà nông chân lấm tay bùn, từ nhỏ đã rong chơi ngoài đường ngoài sá,
ngoài đồng ngoài gò thì tuổi thơ luôn ẩn chứa trong đó, rất nhiều mảng màu tối
sáng mà đến bây giờ tôi vẫn không thể nào khám phá hết được. Những đứa trẻ nhà
quê không được trang bị đầy đủ kiến thức, về những hiểm nguy ngoài thiên nhiên,
đã khiến một mảng ký ức về một số loại cây mọc hoang dại ngoài thiên nhiên trở
nên ám ảnh và lặp lặp lại trong giấc mơ.
Nhớ ngày xưa, vào một mùa hè tôi và
thằng em kề tôi được mẹ giao cho việc trông coi bò trên rẫy. Lúc bầy bò thản
nhiên gặm cỏ thì khoảng thời gian dài dằng dặc đó tạo thành một khoảng trống
khó có thể vùi lấp. Đó là một buổi trưa, tôi và đứa em đang nằm trên phiến đá bằng
phẳng ngắm mây trời thì nhìn thấy một bụi cây to với những chùm quả xanh dài
trông rất bắt mắt. Và thế là hai anh em tôi tha hồ hái quả ra đập chơi rồi ném
qua ném lại...
|
Cây Đùng đình (ảnh: internet) |
Sau đó chúng tôi xuống suối và bị một hiện tượng kỳ lạ: ngứa. Ngứa
không thể nào chịu nổi, ngứa đến nỗi mà tôi và thằng em phải cởi toàn bộ quần
áo ngâm mình hàng giờ dưới suối. Đó là một kỷ niệm sởn gai ốc khắc sâu vào tâm
trí tôi. Mãi sau này ba tôi cho biết đó là cây đùng đình có quả rất “ngứa”
không được đụng vào, có lẽ hai anh em là hai đứa trẻ nghịch dại mà không hề hay
biết. Tra cứu thêm thông tin thì loại cây này còn có tên gọi khác là cây đủng
đỉnh, cây đồng đình, cây móc... có tên khoa học là Caryota mitis, là loài thực vật có hoa thuộc họ Cau
(Arecaceae). Điều đặc biệt là loại
cây này ra quả rất đẹp, vẻ đẹp cuốn hút của chùm quả đã khiến anh em tôi ngày
xưa một phen hú vía.
Tuổi thơ đi qua, mùa hè
là mùa để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất, tất nhiên không phải trong thi ca,
nhạc họa. Ba mẹ làm nông thì chỉ mong con cái học hành đạt điểm cao, con thì học
để lấy điểm thì lấy đâu ra sở thích nào đặc biệt ngoài những giờ rong ruổi vỗ
béo cho trâu bò theo cách truyền thống: thả rông. Và dĩ nhiên những đứa trẻ
cũng tha hồ được rong chơi, tha hồ dầm mưa dãi nắng. Và có một loại cây nữa
cũng đọng lại kinh hoàng trong tôi, mà người dân quê tôi thường gọi là cây “sưng
lu”, đây là một loại cây thân gỗ, lá to và có nhựa đen. Tôi sợ cây này đến nỗi
chỉ cần nhắc đến là rùng mình. Cây này lạ ở chỗ những người bị dị ứng với cây
không dám đến gần, dù chỉ là cái bóng của nó. Khi đến gần dù chưa tiếp xúc vẫn
có thể bị phồng rộp da, ngứa ngáy rất khó chịu. Nhiều lần ngoài bờ ngoại bụi vô
tình quẹt phải cây là tôi bị dị ứng ngay, khi ngứa càng gãi vùng da bị phồng rộp
sẽ lan rộng ra, lúc đó theo kinh nghiệm của người dân quê tôi thì dùng lá mướp
và muối chà nhẹ lên vùng da bị ngứa có thể giúp thuyên giảm cảm gác ngứa ngáy.
Tìm trên mạng thì hầu như có rất ít thông tin về loại cây này. Trong tài liệu:
“các loại cây dị ứng thuộc họ xoài (ANACARDIACEAE R. Br.) ở Việt Nam” có đề cập
đến các loại cây thuộc chi sưng và được mô tả như sau: “cây gỗ hoặc cây bụi,
đơn tính (tạp tính), có thể gây dị ứng khi tiếp xúc, nhựa chuyển thành màu đen
khi tiếp xúc với không khí”. Trong các loại cây thuộc chi sưng, nguồn tài lệu có
đề cập đến loại cây có tên là “sưng nhỏ (tên khoa học: Semecarpus humilis Evrard & Tardieu), được phân bố chủ yếu ở tỉnh
Quảng Nam. Đặc điểm của loại cây này lá: nhựa mủ, lá, vỏ, quả gây ngứa và sưng,
rộp da. Loài có khả năng gây dị ứng rất mạnh, với những người mẫn cảm có thể bị
dị ứng khi đến gần cây tươi, chưa cần tiếp xúc trực tiếp”. Quê tôi thuộc vùng
trung du Tiên Phước (Quảng Nam) nên có lẽ cây “sưng lu” mà người dân địa phương
thường gọi là loại cây này.
Và có một loại cây nữa mà
thuở ấu thơ, bọn trẻ chúng tôi cũng rất thích nghịch dại đó là cây mọc dại tại vườn nhà, lá hình răng cưa và đặc
biệt là có chất gây ngứa rất mạnh. Cây này dễ tìm nên chúng tôi thường nhổ cây,
bứt lá để quẹt lên mình đứa khác cho bọn chúng “ngứa chơi”, mà sau này chính kể
cố tình làm cho người khác người khác ngứa ngáy cũng bị cảm giác ấy khắp tay
chân. Về nhà bị ba má rầy la mà vẫn chưa sợ, cứ trưa trưa nắng hè là lội
|
Cây lá han (ảnh: internet) |
khắp
vườn kiếm lá lén bỏ vào khắp mình mẩy đứa khác. Cây lá ngứa này đi hết thời thơ
ấu của tôi và đám bạn như một “kẻ giao rắc tội ác” cho người khác, mà những đứa
trẻ ngây thơ nào đâu biết hết tác hại của loại cây này. Bây chừ, tôi tìm lên mạng
mới biết loại cây này có tác hại rất ghê gớm: “Đặc trưng của lá là chứa chất
làm ngứa rất mạnh, phương ngôn có câu: “Ngứa
như phải lá Han”, khi chạm vào lá cả cơ thể sẽ bị phát ngứa, lở loét và buốt
thấu da thịt. Với những người da mỏng, nếu đụng phải loại han voi còn có thể
gây dị ứng tới mức tử vong” (theo báo VnExpress). Nguồn tư liệu mạng internet đều
gọi là cây lá han với lời cảnh báo cây này có thể gây nguy hiểm khi đi trên đường.
Có một loại cây dạng hình
củ, có quả đỏ thường cho chim chào mào ăn đó là cây ráy, sự nguy hại của cây
này bọn trẻ thôn quê được cảnh báo từ sớm. Ngày xưa quanh nhà, bố mẹ tôi thường
phá bỏ hầu hết cây ráy chỉ để lại một, hai bụi phòng khi có trường hợp khẩn cấp
xảy ra. Phải nói đây là loại cây mọc nhiều đến mức trở nên quá quen thuộc với
người dân thôn quê. Cây này gây ngứa ghê gớm như vậy nhưng theo nhiều tài liệu ghi
chép chúng có “vị
|
Cây Ráy (ảnh: internet) |
nhạt, tính hàn có tác dụng rất tốt để trị mụn nhọt, ghẻ, sưng
bàn tay, bàn chân”. Khi bị đứt tay chảy máu theo kinh nghiệm dân gian có thể
dùng ráy với một ít muối đắp lên có thể giúp cầm máu. Báo tuổi trẻ online với
bài “cây ráy gây ngứa” ghi chép đặc điểm của cây ráy như sau: “Ráy là loại cây
mềm cao 0,3-1,4m, có thể dài tới 5m nhưng phía dưới bò, trên đứng, dưới đất có
thân rễ hình cầu sau phát triển dần thành củ dài, có nhiều đốt ngắn, trên đốt
có vẩy màu nâu. Lá to hình tim dài 10-50cm, rộng 8-45cm, cuống mẫm dài 15-120
cm. Bông mo mang hoa cái ở phía gốc, hoa đực ở phía trên và tận cùng bằng một
đoạn bất thụ. Phần dưới của mo tồn tại xung quanh các quả mọng, hình trứng màu
đỏ”. Cây ráy mà tôi thường gặp nhất chính là loại cây thuộc mô tả trên. Tuy
nhiên, wikipedia dẫn nguồn tài liệu rất phức tạp về họ ráy (Araceae), có tới
106 chi và 4205 loài. Tuổi thơ tôi đặc biệt thích nhất là món canh khoai môn, một
loại cây có họ hàng với cây ráy, chỉ cần bữa ăn có nấu món này là thể nào cũng ăn
|
Cây khoai môn (ảnh: internet) |
hết cơm. Bà cố của tôi rất thích trồng khoai môn, bà thường chọn mảnh đất tơi xốp,
âm ẩm, và có thể rào kỹ để trồng khoai môn. Tuy thích ăn khoai môn nấu canh là
vậy nhưng tôi cũng rất sợ cảm giác ngứa ngáy khi tiếp xúc với cây này. Mỗi khi
bà tôi cạo củ môn, tôi thường chỉ ngồi bên cạnh lặng lẽ nhìn mà không dám sờ
vào như những thức ăn “cây nhà lá vườn” khác. Ngay cả mẹ tôi cũng không dám cạo
củ môn mà thường nhờ bà tôi làm. Khoai môn được ghi chép trên wikipedia là cây
thuộc họ ráy, còn có tên gọi khác là môn ngọt (tên khoa học: Colocasia esculenta (L.) Schott). Khoai
môn có củ cái và củ con, chứa nhiều tinh bột và dùng để chế biến thức ăn nhiều
món ăn, trong đó có món canh khoai môn và canh cari mà ngày xưa tôi rất thích.
Tuổi thơ của tôi còn gắn
bó với rất nhiều loại cây nữa nhưng trong bài viết nhỏ này không thể kể tên hết.
Rõ ràng, với những loại cây mang đến cảm giác ngứa ngáy, thậm chí dẫn đến tử
vong nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ sẽ rất tai hại, nhất là khi đi dã
ngoại hoặc thăm thú thiên nhiên. Ngày xưa, tôi thường tiếp xúc và gắn bó với những
kỷ niệm “nhớ đời” nên tôi luôn sợ hãi nếu như nhắc đến những loại cây mang lại
cho ta cảm giác không hề dễ chịu chút nào. Dẫu sao, đó cũng là một mảng tuổi
thơ đọng lại trong đứa trẻ sống dưới chân núi như tôi. Nhớ quá, những ngày xưa
thân ái...
(*) Bài viết có tham khảo một số nguồn tài liệu trên internet
Tiên Phước, tháng 2.2017
PHAN NAM.
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete