Cuộc đời đi qua bao nhiêu cánh cửa?/
Sau những cánh cửa ấy có gì?, đó là hai câu đề từ trong tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần
Ngọc Mỹ, sau tập “khát những mùa yêu” và “ban mai của bé”. Những ai đã đọc thơ
của chị có lẽ đều có chung cảm nhận về một hồn thơ dạt dào tình yêu, bút lực dồi
dào và cảm quan tinh tế trước bộn bề con chữ. Có lẽ, ở một tác giả trẻ, dành thời
gian, tâm sức cho thi ca, cho văn chương là một điều rất khó khăn. Nhưng tôi
nghĩ chị đã làm được điều đó, với một niềm hứng khởi mới mẻ, một nhân duyên văn
nghệ tràn đầy. Tập thơ “bài thơ vỗ cánh” của tác giả Trần Ngọc Mỹ vừa được NXB
hội nhà văn ấn hành tháng 04.2017 với 68 bài thơ qua 136 trang thơ dày dặn. Lật
mở từng trang thơ, tác giả sẽ đưa người đọc khám phá một miền thơ với đầy khao
khát tuổi trẻ, trầm tĩnh nhưng cũng nhiều nổi loạn, mạnh mẽ. “Có những lúc ta trốn vào con tim nhân hậu/
cuộc đời buồn chẳng biết ta đâu/ câu thơ dịu dàng như bàn tay mẹ/ đón ôm ta xoa
dịu mái đầu”, đó là khổ thơ trong tập thơ “khát những mùa yêu” (xuất bản
2015) của tác giả với nhiều câu thơ hồn hậu, dịu dàng. Và đến tập thơ này, tác
giả cho ta thấy thơ chị đã sâu sắc hơn, đầy đặn hơn và ngôn từ cũng được chắc lọc
rất kỹ càng. Tôi nghĩ đó là những câu thơ mềm mại thắp lửa cho những mùa yêu
còn đang giăng đầy phía trước, mở ra cánh cửa thi ca với biết bao mảng màu đan
xen, đầy đủ cung bậc cảm xúc của một người đàn bà đa cảm, đa sầu. Và sau cánh cửa
ấy có gì?
sau cánh cửa, tôi tìm thấy một tôi an yên nhất
mở rộng trái tim, nới rộng tâm hồn
trong bình lặng, khâu vá những vết thương
bằng bao dung, bằng tình yêu chân thật
(Cánh cửa thi ca)
Sau cánh cửa ấy chính là một tình yêu rộng mở, bao
dung và trọn vẹn. Tình yêu xuyên suốt trong tập thơ “bài thơ vỗ cánh” gợi nhiều
sức hút trong lòng độc giả với một niềm si mê, chất ngất. Ta có thể bắt gặp rất
nhiều nghĩ suy của người đàn bà đã trót gửi trao vào một ngôi nhà, để rồi dành
hết tâm sức cho ngôi nhà ấy, với người đàn ông và đứa con, kết tinh của một mùa
yêu. “Anh yêu ơi, điều em nói đây, em
biết, em không cần tô vẽ/ anh như vầng sáng trên cao/ kiên nhẫn ngày ngày thanh
tẩy/ bao dung muộn phiền đời em...”, đó là những câu thơ rất trẻ với gói
trọn yêu thương và kiêu hãnh vô cùng. Rồi tình yêu thương ký gửi vào mắt, môi,
trái tim... trong cuộc sắp đặt dịu dàng của tạo hóa, ban cho mỗi chúng ta tâm
hồn biết yêu thương và chia sẻ. Rồi tấm lòng người mẹ trẻ cũng được khắc sâu
trong nỗi niềm rất thật: “Mẹ kỳ cọ hạt
bụi năm tháng/ mong chỗ nào con chạm vào cũng sạch sẽ thơm tho...”, bởi vậy
chẳng ai đo đếm được sự hi sinh của mẹ khi sinh ra, nuôi nấng đứa con nên
người. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “khu vườn cỏ dại” của nhà thơ Đinh Thị Như
Thúy: “Vì những bông hoa dại/ Thầm lặng
nở trên cỏ ướt/ Như những mảnh mặt trời/ Tự nguyện buộc ràng tôi vào mái nhà
này/ Những công việc không tên/ Bàn tay thô ráp...”, có lẽ là sự hi sinh
của người phụ nữ dành cho con cái, cho gia đình đã làm nên những vần thơ rất
đáng trân trọng được chính họ âm thầm phác họa. Những công việc tưởng chừng như
không có gì nhưng ước muốn “chỗ nào con chạm vào cũng sạch sẽ thơm tho” chính
là ước muốn đưa con đến với điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất mà người mẹ suốt
đời tận hiến. Sâu thẳm trong thơ Trần Ngọc Mỹ ở tập thơ thứ ba này ngoài đôi
mắt tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm còn là hành trình đi tìm bản ngã, khát vọng chinh
phục chữ nghĩa với nỗi niềm giăng kín trong năm tháng dài đằng đẵng.
Những
không gian khác đầy rộng mở cũng được hình thành trong thơ kèm theo đôi chút
chông chênh của tuổi trẻ: “Hãy vươn vai,
đừng cúi đầu bạn nhé/ Giấc mơ mây vời vợi cưỡi đỉnh đồi/ Những cột mốc tạm
dừng khi thấy mỏi/ Chẳng phiền lòng trước thế giới đang trôi”. Đôi mắt nhà
thơ vượt thoát khỏi thực tại để hòa vào bể đời rộng lớn, nhiều hiểm nguy nhưng
cũng tràn đầy lòng nhân ái, thắp sáng tình yêu thương giữa con người với con
người, như trong bài thơ “Cho Giulia Renaldo dấu yêu”, tác giả viết: “Mặt trời quả cảm đã cứu được em/ Điều kỳ
diệu khiến loài người phải tin/ Phải nghiêng mình trước linh hồn bất tử/ Giulia
dấu yêu”. Cũng vẻ đẹp ấy, cũng đắm say ấy, cũng xúc động ấy... thế những
khi đi vào thơ dường như được biến đổi trở nên ảo huyền hơn, lung linh hơn,
mộng mị hơn. Nhứt thiết, thơ của phái đẹp thường thiên về cái đẹp thông qua cảm
quan tinh tế, nhiều khắc khoải. Mỗi câu thơ là tiếng lòng được chắt lọc một
cách có ý thức, đưa người đọc thưởng ngoạn những dư vị ngọt ngào của cuộc sống,
dẫu có đôi chút cô độc và lan man, âu cũng đã đưa những tâm hồn đồng điệu tìm
đến bày tỏ lẫn nhau. Thi sĩ lặng lẽ gieo vần thơ vào đời như những mạch sóng
ngầm chực trào dâng nhưng cũng đầy đam mê, nhiệt huyết: “Ôi, chúng ta cày xới cánh đồng chữ nát bươm/ Bởi nỗi buồn quàng quanh
không lối thoát/ Ở nơi này ngày nghiêng trôi xô lệch/ Dốc núi phủ bụi gầy mắt
nhau”. Đối diện nỗi buồn, thi sĩ gieo nỗi buồn vào thơ và mang đến cho độc
giả cảm xúc trọn vẹn, nhẹ tựa cơn gió ký gửi rung động thẩm mỹ thoáng qua trong
đời. “Bài thơ vỗ cánh” mang đến cho đời vẻ đẹp muôn hương muôn sắc, muôn màu
muôn điệu, lặng lẽ cất lên bản giao hưởng tình yêu cuộn trào trong sâu kín nỗi
nhớ, khát vọng. Và ở trong “bài thơ vỗ cánh”, Tổ quốc là linh hồn thắp sáng
câu thơ bay bổng:
Biển xô lên muôn nhịp
sóng rộn ràng
Buồm căng ngực xõa gió
khát vọng
Chẳng câu thơ nào đủ
đẹp để cô đọng
Những dáng hình hăm hở
tiến ra khơi
(Tiễn người
ra khơi I)
Khi trái tim thi sĩ hòa chung tiếng sóng đất nước,
người làm thơ luôn ý thức về trách nhiệm và khát khao vươn khơi để bảo vệ hồn
thiêng sông núi. Nhưng có lẽ “chẳng câu
thơ nào đủ đẹp để cô đọng” nên trái tim nữ sĩ thao thức “biết nhớ nhung sẽ giăng kín đêm dài/ giữa
trùng khơi thức dậy ngàn con sóng”. Ở đâu đó trong tập thơ còn có hình ảnh
đầy xúc động về cánh đồng quê hương, về người mẹ và bữa cơm nhà, về người cha
quá cố đã hóa khói sương... Tất cả, tất cả hòa quyện, đan xen vào nhau làm nên
thi phẩm “bài thơ vỗ cánh” neo đậu tâm khảm người đọc. Có lẽ, với tôi, cách tốt
nhứt vẫn là lật mở từng trang sách, đọc và cảm nhận.
Tiên Phước, những ngày đầu tháng 05.2017
PHAN NAM.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.