Nhiều năm qua, sách du ký, nhật ký, tự truyện… và mới đây là sách khởi
nghiệp được xuất bản khá nhiều, đã và đang thành trào lưu. Thị trường sách nhờ
vậy đã trở nên phong phú và sôi động hơn...
Khởi nghiệp: Những lời có cánh
Có thể nói, chưa bao giờ sách về chủ
đề khởi nghiệp của các tác giả trong và ngoài nước được xuất bản nhiều như hai
năm trở lại đây và cũng được giới trẻ quan tâm khá nhiều. Nhiều NXB tham gia
trào lưu ấn hành sách khởi nghiệp, như NXB Phụ nữ có “Tủ sách Khởi nghiệp” với
các quyển: “9 chiến lược học tiếng Anh cho người Việt”, “Khởi nghiệp từ A tới Z
đơn giản trên một chiếc khăn giấy”, “3 cách nhanh nhất để thành công và
giàu có”… NXB Trẻ có “Marketing theo dữ liệu lớn”, “Con đường đi đến thành công
bằng sự tử tế”, “Dạy con dùng tiền”…
Không chỉ được PR rầm rộ, mà các tựa
sách khởi nghiệp cũng dùng những từ “có cánh”: Nhà sách Fahasa có “Tủ sách khởi
nghiệp, giúp bạn thành công”, trong đó có các quyển “Bí quyết dành cho người khởi
nghiệp”, “Khởi nghiệp từ A đến Z”, “Học khởi nghiệp ở vùng đất hứa”, “100
quy luật bất biến để thành công trong kinh doanh”... Nhà sách trên mạng Tiki
cũng có “Vượt biển lớn - cách đi lên của người khởi nghiệp từ 5 xu”, “Nhà đầu
tư thông minh”, “Doanh nghiệp nhỏ, ý tưởng lớn”… Đáng chú ý là hầu hết sách khởi
nghiệp đều của các tác giả, nhà kinh tế nước ngoài. Trong đó, sách khởi nghiệp
của Adam Khoo - tỷ phú trẻ tuổi người Singapore, gồm: “Làm chủ tư duy, thay đổi
vận mệnh”, “Bí quyết tay trắng thành tỷ phú”, “Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc
tỷ”, “Chiến thắng trong trò chơi cuộc sống”… luôn nằm trong top sách kinh tế
bán chạy.
Adam Khoo từng được biết đến với quyển
“Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” (dành cho người trưởng thành), “Con cái chúng ta đều
giỏi” (chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con). Adam Khoo chia sẻ chi tiết bí quyết
thành công trong kinh doanh và cuộc sống qua từng trang viết, kiểu như “Kinh
nghiệm sống và sự trưởng thành không phụ thuộc vào việc bạn đã sống bao lâu, mà
phụ thuộc vào việc bao nhiêu năm qua bạn đã và đang sống như thế nào”, hoặc
“Làm thế nào để có thu nhập bạc tỷ từ số 0”. Bạn đọc của trang mạng Tiki.vn nhận
xét về những cuốn sách khởi nghiệp của Adam Khoo: “Sách viết chi tiết, cụ thể,
có tâm, có thể áp dụng trong thực tế”; “Một trong những cuốn sách dạy làm giàu mà
tôi thích nhất”; “Một quyển sách đáng đọc và thật sự may mắn tôi đã đọc được
nó, một quyển sách truyền cho bạn một sức mạnh để vực dậy mọi khó khăn ở hiện tại
và tiến lên về phía trước”…
Du ký: Khám phá thế giới qua sách
Bên cạnh sách du ký, gần đây, sách nhật ký, tự truyện cũng
xuất bản khá nhiều. Tháng 4 vừa qua, NXB Kim Đồng phát hành quyển “Hành trình
yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân”. Sách do mẹ nuôi của bé Thiện Nhân - chị Trần
Mai Anh, viết. Trước đó, Kawa Chan ra mắt cuốn “Nhật ký của mẹ” bằng tranh
dành cho cho cậu con trai đầu lòng của mình. Ngoài ra, “Nhật ký son môi”
(Gào), “Nhật ký FA” (Đu Đồ Đút & Lee D) được giới trẻ quan tâm…
|
Phần lớn các tác giả trong nước xuất
bản sách du ký là tác giả trẻ. Và độc giả của sách loại này cũng phần lớn là
người trẻ. Bởi vì, một khi không thể đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, tận
mục sở thị phong cảnh, bạn trẻ thích phiêu lưu vẫn có thể khám khá qua từng
trang sách. “Mỗi tựa sách là những dòng ký sự tràn đầy nhiệt huyết của những
con người đam mê xê dịch và dấn thân ở xứ người”, hoặc “Nếu bạn không xách ba
lô lên và đi thì nằm nhà du lịch qua những trang sách sống động này cũng đủ thỏa
mãn lắm rồi” - ấy là lời giới thiệu về những bộ sách du ký của các nhà sách.
Ngược lại, sách du ký của tác giả nước ngoài thường là của tác giả lớn tuổi.
Sau hành trình xuyên châu Á, nhà văn Mỹ Paul Theroux viết cuốn “Phương Đông lướt
ngoài cửa sổ”. Sách xuất bản cách đây khá lâu, được dịch ra nhiều thứ tiếng và
được tái bản nhiều lần, được xem là tác phẩm kinh điển về thể loại du ký. Tương
tự, “Vào trong hoang dã” (Jon Krakauer, Mỹ) cũng để lại cảm hứng lớn cho giới
trẻ bởi sự dấn thân chinh phục thiên nhiên hoang dã của tác giả. Tương tự, “Ăn,
cầu nguyện, yêu” của nữ tác giả người Mỹ Elizabeth Gilbert (đã chuyển thành
phim cùng tên) kể về hành trình của tác giả qua 3 lãnh thổ: Ăn (Italy), Cầu
nguyện (Ấn Độ) và Yêu (đảo Bali, Indonesia). “Sách hay, nhẹ nhàng, dành cho những
ai mất cân bằng cuộc sống và phù hợp với phụ nữ” - là những nhận xét về tập
sách này của nhiều độc giả Việt Nam.
Có một điều khá thú vị, trên thị trường
sách du ký hiện nay, nếu của nước ngoài thì chủ yếu là các tác giả nam, còn
trong nước lại chủ yếu của các tác giả nữ. Đó là “Đảo thiên đường”, “Nụ hôn
thành Roma” (Di Li), “Tôi là một con lừa”, “Con đường Hồi giáo” (Nguyễn Phương
Mai), “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”, “Bánh mì thơm, café đắng” (Ngô Thị
Giáng Uyên). Dương Thụy, sau khi ra mắt 3 tập du ký “Trả lại nụ hôn”, “Venise
và những cuộc tình Gondola”, “Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ” đã chuyển sang viết
sách du ký cho thiếu nhi: “SuSu và GoGo đi Singapore”. Còn Di Li, nhà văn ưa xê
dịch, đầu năm 2017 tiếp tục ra mắt sách du ký “Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ” và
dự định cuối năm này phát hành cuốn du ký thứ tư sau khi đặt chân đến châu Phi.
CHÂU NỮ
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.