|
Ảnh tư liệu internet. |
Bài
hát “Tiến về Hà Nội” nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1948 ở vùng tự do Ba Thá (Hà
Đông). Tôi có biết địa danh Ba Thá này, khi còn nhỏ tôi theo học ở trường học
sinh Miền Nam Mai Lĩnh (Chương Mỹ-Hà Đông) thì Ba Thá chỉ cách trường chúng tôi
hơn chục cây số, và cũng cách thị xã Hà Đông khoảng vài chục cây số đường đất. Hóa
ra, từ kháng chiến chống Pháp, Ba Thá đã là “vùng tự do” theo cách nói hồi đó,
hay “vùng giải phóng” theo cách nói sau này. Bài hát của Văn Cao, theo những
người đã chứng kiến cuộc “Tiến về Hà Nội” của những người lính Cụ Hồ ngày
10.10.1954, cách đây tròn 64 năm, là “đúng đến từng nhịp chân chiến sĩ”:
“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”
Đó vừa là nhịp hành khúc, vừa là tiếng reo hoản hỉ của một dân tộc đã tự
giành lấy Độc lập cho đất nước mình sau chín năm trường kỳ kháng chiến và làm một
“Điện Biên chấn động địa cầu”. Năm 1948, Văn Cao vừa tròn 25 tuổi (ông sinh năm
1923), và bài hát “Tiến về Hà Nội” là một tác phẩm âm nhạc tràn ngập tính tiên
báo. Bài hát ấy cũng được viết ra ở nơi chỉ cách Hà Nội hơn 30 cây số. Thực dân
Pháp, dĩ nhiên, không hề biết sự ra đời của bài hát này, còn toàn dân Việt Nam
cũng chỉ hát lên từ ngày giải phóng Thủ đô 10.10.1954. Hà Nội có bao nhiêu bài
hát hay ngợi ca từng mặt hồ, từng con phố, từng di tích lịch sử, nhưng “Tiến về
Hà Nội” là bài hát duy nhất viết về cuộc tiến quân về giải phóng Thủ đô từ khi
Thủ đô còn trong tay thực dân Pháp, khoảng thời gian mà bài hát ra đời tới ngày
Thủ đô giải phóng kéo dài 6 năm. Đó là một điều đặc biệt kỳ lạ. Đầu năm 1955, hồi
ấy tôi mới 9 tuổi, lần đầu được ra Hà Nội từ Nghệ An-ra để “du học lớp 1” bên
Trung Quốc.
|
Ảnh sưu tầm internet. |
Với tôi, Hà Nội hồi đầu gặp gỡ ấy là quán kem Long Vân bên bờ Hồ
Hoàn Kiếm, nơi tôi được ông anh họ dẫn đi chơi và cho ăn que kem đầu tiên trong
đời. Que kem thật đặc biệt với một đứa bé nhà quê mới từ Quảng Ngãi tập kết ra
Bắc như tôi, nhưng nó đọng lại trong tôi đúng 63 năm rồi. Còn Hà Nội, mãi ba
năm sau, khi từ Khu học xá Nam Ninh về nước, tôi mới bắt đầu biết về Hà Nội. Và
bài hát tôi được nghe lần đầu vào dịp Quốc khánh 2.9 năm 1958 là bài hát của nhạc
sĩ Doãn Nho, cũng mở đầu bằng chữ “Tiến”, nhưng là “Tiến bước dưới quân kỳ”. Bài
hát này được nhạc sĩ Doãn Nho viết vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
tháng 5 năm 1958 ngay trên đỉnh đồi A1 khi nhạc sĩ đi với đoàn văn công quân đội
về thăm và biểu diễn tại chiến trường xưa:
“ Vừng đông đã hửng sáng/ núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa”…
“Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim”…
Buổi
sáng sớm ngày 2.9.1958, tôi từ nhà ở Thái Hà ấp theo má tôi bắt tàu điện đi lên
Cửa Nam, và đứng trong biển người chờ xem duyệt binh. Khi đoàn quân rầm rập qua
Cửa Nam tiến về đường Nam Bộ, tôi bỗng nghe ầm vang bài hát ấy cất lên từ những
hàng quân. Cảm giác nổi gai ốc vẫn là cảm giác còn trong tôi sau 60 năm mỗi khi
nhớ lại buổi sáng khi mình được nghe bài hát ấy. Không biết các chiến sĩ trong
đoàn quân diễu binh đã tập bài hát trong bao nhiêu lâu, nhưng họ hát thì đều và
mãnh liệt tới mức như những đợt sóng trào làm rung động mọi người dân đứng xem.
Mãi sau này, khi được chơi thân thiết với Văn Cao, tôi mới được nghe ông nói về
sự ra đời của bài hát “Tiến về Hà Nội”. Thì ra, như bao sáng tạo đích thực
khác, bài hát ra đời cũng khá tình cờ, và Văn Cao cũng viết rất nhanh bài hát
này. Thậm chí, khi hoàn thành, bài hát còn bị phê bình là “lạc quan tếu” kia đấy.
Thì vào năm 1948 ấy, ai dám nghĩ ngay tới ngày về Hà Nội oai hùng như thế, đẹp
tuyệt vời như thế. Nhưng Văn Cao đã nghĩ. Và đã thấy. Nghệ thuật mang tính dự
báo là như vậy.
THANH THẢO.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.