Một
chút xáo động cho những ngày cuối thu, lòng chợt buồn man mác nhận ra tấm thân
mình đương khát yêu thương, & cho những bông hoa mùa trần gian: "đời
là bể khổ, và hạnh phúc nằm ở chỗ, ta được sinh ra", cảm ơn anh Trần Duy Trung rất nhiều ạ...
Trên
tay tôi là tập thơ đầu tay của anh, một người anh tôi chưa từng gặp, chưa từng
nói chuyện, ngay cả trên mạng xã hội cũng rất ít khi tương tác. Có lẽ anh là một
người điềm tĩnh, còn tôi thì không sôi nổi. Tập thơ với 39 bài thơ, nhiều bài
tôi đã đọc trên không gian mạng, đọc đi đọc lại & thích, chỉ vầy thôi. Thơ
anh là tập hợp của những trường liên tưởng lạ, đầy tính ẩn dụ. Tôi trân trọng
& ngưỡng mộ anh bởi tình cảm đong đầy, chân thành & có trách nhiệm được
anh gửi gắm trong thơ. Nói như nhận xét dành cho thơ anh mà tôi tình cờ đọc được
trong bài giới thiệu của anh Trương Đình Phượng, cũng là một bạn viết: “đọc thơ
Trần Duy Trung có cảm giác đang chứng kiến cuộc dâng hiến của một con tằm,
Trung làm thơ như rút ruột mình ra mà viết”.
Duy
Trung là một con người từng trải, dẫu còn trẻ nhưng không vì thế mà anh dễ dãi,
viết vội, đặc biệt là với thơ, anh chọn cho mình một con đường riêng, chắt lọc
mà sâu sắc, hàm súc mà đầy đủ, mộc mạc mà thanh thoát. Tập thơ chỉ gồm 39 bài
thơ với 68 trang giấy, có lẽ anh đã bỏ bớt một số bài từ tập bản thảo 50 bài
khi đoạt giải cuộc thi thơ “tác phẩm đầu tay” của tổ chức Du Tử Lê Foundation.
Điều đặc biệt trong tập thơ này là từ trang 54 đến trang 64 anh bỏ trống với lời
nhắn: “những trang bỏ trắng cuối cuốn sách này là khoảng trống dành cho bạn…”,
tôi dự định sẽ viết một bài thơ chép tay tặng anh vào một trang trong đó, hi vọng
là tôi có thể làm được. Trong tập thơ này, tôi thích nhứt là bài Khúc tao nôi
cho Trần, tình cảm của người cha dành cho con khiến đất trời cũng phải cảm động,
nghiêng ngả, huống chi là lòng người.
|
Gia đình nhà thơ Trần Duy Trung (ảnh chia sẻ từ facebook) |
Ngôn ngữ được anh cô đọng hết mức có thể,
nhưng vẫn diển tả tình cảm ngọt ngào, trĩu nặng và sâu lắng: cha đến mở cửa giấc mơ/ nhìn con ngoan thiếp
ngủ…/ cha thấy dòng sông/ và những cánh buồm đỏ/ những con đường và mặt trời ở
đó/ hoan ca mùa tinh khôi (Khúc tao nôi cho Trần). Những không gian đa chiều
mở ra cho độc giả khoảng trống tưởng tượng và ở đó mỗi người chúng ta soi tâm
thức vào đó để cùng đồng hành sáng tạo cùng tác giả. Thơ anh chú trọng về ý thức,
tâm hồn nhạy cảm, phong phú, tuy nhiên giọng thơ chưa có bước đột phá để tiếp
thêm nội lực cho không gian suy tưởng, gây đôi chút tiếc nuối. Những xáo động
trong thơ anh tĩnh lặng, nhẹ nhàng, hình ảnh thơ, đôi khi, rơi vào lối mòn,
chưa thực sự tươi mới, tuy vậy vẫn lột tả được sức sống đặc biệt trong thơ: trong đôi mắt em xáo động/ những giọt mùa
tan nhanh trên sóng nước/ và bài ca buổi sáng như một đôi cánh vút/ lao vào vẻ
đẹp của tháng Giêng (Bài ca buổi sáng).
Trong
Những bông hoa mùa trần gian, anh viết: “cái
hôn ngày hôm qua/ cái ôm ngày hôm nay/ như bông hoa/ chúng ta đang rộ nở/ chúng
ta tận hiến cuộc đời cho mỗi phút giây/ cho sự hiện diện này/ rực rỡ và duy nhất//
vì cuộc đời là có thật/ vì tình yêu là có thật”, tình cảm, tình yêu là khái
niệm mà muôn đời con người cũng không thể lý giải đầy đủ, và thi ca làm chức
năng xóa nhòa khoảng cách, ranh giới giữa người với người, làm chúng ta thức tỉnh,
vươn tới cõi giới đẹp đẽ tạo hóa ban tặng. Trong bức tranh thi ca đa màu sắc
đương rộ nở như hiện nay, chỉ “cần một hiện diện vắng mặt” cũng làm ta phải lưu
tâm, nhứt là khi nó xuất phát từ khát vọng chinh phục cái đẹp của người viết, dẫu
không đễ gì chạm tới cái đích đó, nhưng khi đọc thơ Trần Duy Trung, niềm tin ấy
vẫn còn hiện diện ở chung quanh ta…
PHAN NAM.
(*) Nhân
đọc tập thơ Sự tĩnh lặng của nước, NXB Đà Nẵng & Domino Books xuất bản, quý
III, 2018.
Cảm ơn em, Phan Nam!
ReplyDelete