Nhờ cuốn Thi nhân Việt Nam của
Hoài Thanh - Hoài Chân (in lần đầu năm 1942) mà nhiều người mới biết được Nam
Trân (15/2/1907 - 21/12/1967), với tập thơ Huế, đẹp và thơ (1939). Gần
đây, Đặng Thị Hảo và Nguyễn Hữu Sơn phát hành cuốn Nam
Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, tập hợp các bài viết công phu, nhiều thông
tin, cuốn sách trở thành một tư liệu quý về một con người tài năng và tài hoa,
nhưng còn ít người biết đến.
Sinh thời, Nam Trân còn
chủ trì dịch Nhật ký trong tù, Thơ Đường, Thơ Tống, Người Xô Viết chúng
tôi, Thơ và từ Mao Trạch Đông, Thơ văn Lý Trần… Ông cũng đặt dấu ấn
trong việc giảng dạy Kinh thi và Đường thi.
Sau khi đọc lại cuốn sách Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo,
dịch giả (NXB Tri thức), nhưng không điểm sách, PGS-TS Nguyễn Thị
Thanh Xuân chia sẻ một góc nhìn về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Trân.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết
này đến bạn đọc.
1. Những năm cuối 1960, khi đọc Thi nhân Việt Nam, tôi còn nhớ cảm giác kỳ cục của
mình lúc ấy: vừa sung sướng (vì ông là người Quảng Nam, lấy bút danh Nam Trân,
trùng với cách gọi trái bòn bon quê tôi), vừa hơi buồn vì nghĩ ông chỉ làm thơ
cho Huế mà thôi. Nhưng rồi lại vui khi thấy những bài thơ trích trong tập Huế,
đẹp và thơ lại mang đậm cái nhìn và cái chất giọng của người xứ Quảng,
chẳng mượt mà, ẻo lả, chúng có những nét gọn, dứt khoát, thuần phác.
|
Nhà thơ Nam Trân |
Thơ về Huế thì nhiều và không ít bài hay, nhưng kiểu viết của
Nam Trân thì không có mấy người, nên Hoài Thanh đã cho rằng ông làm “lối thơ tả
chân biệt thành một lối”.
Được ra Huế chơi từ nhỏ, tôi lang thang dọc khu Kim Long và thơ
thẩn với sông Hương, trầm tư với chùa Linh Mụ, mơ mộng với Dòng Thiên An, như
vậy mà sao tôi vẫn bị ám ảnh bởi những câu thơ năm chữ trần trụi của ông: “Lửa
hạ bừng bừng cháy/ Làn ma trốt trốt bay/ Tiếng ve rè rè mãi/ Đánh đổ giấc ngủ
ngày/ Đường sá ít người đi/ Bụi cây lắm kẻ núp/ Xơ xác quán nước chè/ Ra vào
người tấp” - trong bài Huế, ngày Hè. Có lẽ trong thơ ca, tìm được một cách nhìn
khác và một giọng lạ là đủ đóng đinh vào ký ức người đọc rồi.
Bẵng đi gần nửa thế kỷ, giờ cầm trên tay cuốn Nam Trân -
nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, tôi thấy có cơ hội biết được đầy đủ hơn một
khuôn mặt làm văn chương mà mình từng ái mộ. Đôi khi, cái ý nghĩ về việc mình
nhớ mồn một những nhà văn nào đó ở trời Tây mà lại xa lạ với những nhà văn ở xứ
mình làm tôi bất an thật sự. Vì thế tôi cảm động khi biết một Nam Trân lặng lẽ
đi đúng vòng đời có 60 năm, trải qua nhiều vị trí và không gian khác nhau, để
lại những dấu ấn đáng kể trong ký ức của giới chuyên môn.
Rời quê nhà (Đại Lộc, Quảng Nam) từ sớm, Nam Trân học ở Huế
(trường Quốc học) và ở Hà Nội (trường Bảo hộ), sau khi đỗ tú tài, ông làm việc
ở Huế, lên đến chức Thị lang Bộ Lại. Từ 1945 đến 1954 ông tham gia kháng chiến
ở Quảng Nam, sau đó tập kết ra Bắc, trải qua nhiều công việc. Ông từng là ủy
viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1, từ năm 1959 về làm quản lý
phòng tư liệu của Viện Văn học.
Trong 8 năm cuối đời, Nam Trân đã tập trung dịch thuật và tham
gia biên soạn, cũng như giảng dạy các khóa ngắn hạn, theo yêu cầu của Viện Văn
học.
2. Nam Trân có Huế, đẹp và thơ, gồm 37 bài, tập
hợp từ những bài thơ đăng rải rác trên các báo cả nước. Ngay sau đó, 7 bài thơ
của ông được chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam, được khen là độc
đáo. Có thể xem đó là cú vượt vũ môn lần thứ nhất của Nam Trân, là một lần cho
tất cả, để ông được ghi nhận là nhà thơ Việt Nam.
Qua chuyện này, ta thấy cần có đôi mắt xanh và một công trình để
đời của nhà phê bình biết chừng nào! Dù vậy, người làm nghiên cứu và giảng dạy
về thơ Việt Nam hôm nay hình như vẫn còn nợ Nam Trân trong việc đưa ông vào một
phối cảnh nghiên cứu kỹ và đầy đủ hơn giữa những nhà thơ cùng thời.
32 bài viết mang tính chất tưởng niệm, nghiên cứu, hồi ức ở công
trình Nam Trân - nhà thơ, nhà giáo, dịch giả cho thấy được một
Nam Trân nổi bật vì thơ và một Nam Trân được cảm phục, yêu mến vì kiến thức
vững vàng, phong cách tận tụy, cẩn trọng, thể hiện trong từng văn bản.
Người viết tự hỏi: theo như tiểu sử, Nam Trân chỉ học có 12 năm chữ Hán
rồi học tú tài Pháp, vậy mà làm sao ông có một nền tảng chữ Hán và chữ Pháp
đáng nể trọng đến như vậy? Dẫu biết thế hệ của Nam Trân, truyền thống đọc và tự
học là phổ biến, nhưng còn công việc ở triều đình Huế và hoạt động kháng chiến,
thời gian đâu? Cho nên, đôi khi chúng ta ra sức phê phán các thiết chế cũ, cũng
vô tình phủ định không ít các giá trị mà tiền nhân đã tạo nên bằng tâm huyết và
kinh nghiệm của cả cộng đồng.
Và thực tế cũng cho thấy, phần nhiều các khuôn mặt lớn của trí
thức Việt Nam thế kỷ 20 đều là những người đã trải qua nhà trường Nho học và
Tây học. Nam Trân, trong cuộc đời không dài của mình, đã để lại một hình ảnh
đẹp trong lòng đồng nghiệp, phải chăng bởi vì ông có chung một cốt cách của
những người trí thức thuở ấy?
Nguyễn Thị Thanh Xuân.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.