Hội nghị những người viết văn trẻ Đà
Nẵng (mở rộng) 2017 do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức vào ngày 25.11, với sự tham
dự của hơn 30 cây bút trẻ tiêu biểu đến từ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung
như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Thừa thiên Huế... Đây
là sự kiện văn học đầu tiên dành cho lớp người cầm bút trẻ tại miền Trung thu
hút sự quan tâm công chúng. Trong số những cây bút trẻ tham dự hội nghị lần
này, phần lớn đều có độ tuổi ở thế hệ 8x, 9x. Cũng có một số đại biểu ở độ tuổi
lớn hơn, nhưng nói chung, họ là những cây bút xuất hiện trong thời gian gần
đây, với phong cách trẻ trung, sung mãn, góp phần tạo nên diện mạo mới mẻ, sôi
động của dòng văn học miền Trung vốn trầm lắng lâu nay.
Không phải đến bây giờ, khi Hội nghị
những người viết văn trẻ khởi động thì những cây bút trẻ của Đà Nẵng mới đươc
nhắc đến. Tuy nhiên, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của những cây bút trẻ miền
Trung tính từ nhiều năm qua. Nội dung hội nghị tập trung xung quanh các vấn đề:
Văn học trẻ đứng trước những thách thức và đòi hỏi lớn từ phía người đọc và sứ
mệnh của văn chương. Nghệ thuật viết tiểu thuyết, nghệ thuật viết truyện ngắn,
ngôn ngữ thơ… luôn đặt ra cho mỗi nhà văn, cho mỗi giai đoạn phát triển của văn
học. Vậy trong giai đoạn hiện nay các tác giả trẻ phải đi tìm con đường nghệ
thuật mới như thế nào cho văn chương?
Ngay trong những tác phẩm tham dự hội
nghị của mình lần này, những người viết trẻ đã bày tỏ những nghĩ suy, trăn trở
của họ trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn viết về Tổ quốc : Tổ quốc là gì nhỉ/ Có phải từ trang sử tôi
đã học/ Có phải từ cuốn sách tôi đã đọc/ Có phải từ vết thương hóa thành vần
thơ (Tổ quốc - Phan Nam).
Về gia đình: con đã chạy theo giấc mơ phù phiếm/ để mẹ chờ đợi/ và
đau/khi chú chim non trở về mang theo những vết thương/ bản giao hưởng
mùa hè có giọt mồ hôi và ánh nhìn bao dung của mẹ/ cho con tìm lại
mình/ sau những tháng ngày trôi... (Bản giao hưởng mùa hè - Nguyễn Thị Minh Thùy).
Về tình yêu: Sống chỉ một lần nên ta cứ yêu thôi/ đừng thắc
mắc đã cuối cùng chưa nhỉ/ cũng đừng hỏi khi nào ta ngơi nghỉ/ câu trả lời nằm ở
cuộc yêu sau… (Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau - Ngô Võ Giang Trung).
Về tuổi trẻ: Chúng mình bây giờ đã lớn/ Bao giờ cho tới ngày xưa/ Bao giờ cùng nhau
ngồi lại/ Rưng rưng biết mấy cho vừa/ Thung lũng lúc nào cũng nắng/ Thung lũng
lúc nào cũng mưa/ Dốc cũ hoa vàng ngày ấy/ Mà người năm trước về chưa? (Thung lũng - Trương Công Tưởng).
Về nghệ thuật: “Cái mới, khi ra đời
thì luôn phải chịu những ánh nhìn thiếu thiện cảm, những cách đánh giá mang
tính chủ quan... Nó phải trải qua nhiều thử thách và cần có thời gian để thể hiện,
để khẳng định chính mình. Tiểu thuyết mới cũng vậy. Phê bình văn học thì luôn dựa
vào những giá trị truyền thống để nhìn nhận, đánh giá và phán xét, chính vì thế
khi mới ra đời, tiểu thuyết mới phải hứng chịu nhiều sóng gió từ phía dư luận”. (Đặc
điểm tiểu thuyết mới - Nguyễn Thanh Tuấn).
Chia sẻ về quan niệm sáng tác của mỗi
người, Hồ Diễm Kiều nói: “Tôi viết văn theo kiểu nhẹ nhàng, đơn giản những
gì xảy ra trong cuộc hằng ngày. Đơn giản như hoài niệm, lưu giữ từng khoảnh khắc
ký ức. Với văn thơ đem đến cho mình tâm hồn đẹp và cảm thấy yêu cuộc sống này
hơn”.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội
nhà văn Đà Nẵng, Tổng biên tập tạp chí Non Nước cho biết: “Hiện nay, một bộ phận
bạn đọc đã chuyển dần từ việc đọc sách giấy sang sách điện tử. Trong tương lai
tôi nghĩ rằng sách điện tử, phương tiện đọc thông qua internet sẽ chiếm ưu thế.
Sự tương tác giữa nhà văn và bạn đọc là tức thời. Phương tiện đọc đã thay đổi,
thì cách viết của nhà văn cũng phải thay đổi. Vậy các bạn trẻ phải viết như thế
nào để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu bạn đọc hôm nay và lôi kéo được bạn đọc đến với
văn chương. Trên tinh thần đó, nhân dịp hội nghị lần này, tạp chí Non Nước số mới
nhất (tháng 12.2017) sẽ trân trọng giới thiệu tác phẩm của 27 tác giả trẻ,
gồm văn xuôi, thơ và nghiên cứu phê bình văn học. Do khuôn khổ có hạn, chúng
tôi chưa thể giới thiệu đầy đủ các tác phẩm của các bạn trẻ về tham dự . Hy vọng
đầu năm 2018, trong tập sách dành riêng cho tác giả văn học trẻ, chúng tôi sẽ
giới thiệu đầy đủ hơn diện mạo của văn học trẻ của Đà Nẵng và miền Trung”.
Một
số tác giả tiêu biểu đã có các tác phẩm thơ văn, nghiên cứu lý luận in riêng
như: Nguyễn Đỗ Quốc Văn (Màu vẽ cuộc sống, tập truyện Nxb Hội nhà văn
2017); Lê Hồng Mận (Có một chuyện tình trên những ngón tay êm
(thơ 2015); Về ăn một bữa cơm nhà (thơ – tản văn 2017); Nguyễn thị Diệu
Ái (Mưa từ cõi tạm, tập truyện Nxb Văn hóa văn nghệ 2016), Bởi cuộc đời không
có giá như (tập truyện Nxb Văn hóa văn nghệ 2017); Đinh thị Trang (Tìm hiểu
miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Nxb Thông tin và Truyền Thông 2014;
Từ ngữ nghề biển ngư dân Đà Nẵng, Nxb Hội nhà văn 2016); Nguyễn Thanh Tuấn
(Tiếng gọi lúc nửa đêm, tập truyện, Nxb Hội nhà văn 2015): Đoàn Minh Châu
(M-Z, 2008; Có thể, 2012); Đông Phước Hồ (Tiếng vọng non ngàn, Nxb
Thanh Niên 2010); Bách Mỵ (Đêm chảy dài trên tóc, Thơ Nxb Hội nhà văn
2017)... Còn lại, các tác giả khác cũng đều là những cái tên quen thuộc
trên nhiều mặt báo cả nước như: Phạm Thị Hải Dương, Sơn Trần, Phan Nam, Bùi
Tiến Sỹ, Phạm Thị Mỹ Liên, Tâm Giao, Trần Khánh Minh Sơn, Ngô Võ Giang Trung,
Nguyễn Hải Lý, Đỗ Tấn Đạt...
|
TRẦN TRUNG SÁNG
(Nguồn: Báo Quảng Nam)
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.