Có
những tác giả tuổi rất trẻ nhưng viết những câu thơ “cũ kỹ, cằn cỗi”. Bởi những
vấn đề ấy, tâm trạng ấy, những ngôn từ ấy, thế hệ nhà thơ đi trước đã đào xới
và vun bón thành những trái ngọt sum suê được trải nghiệm bằng cả cuộc đời họ
đi cùng lịch sử có đủ huy hoàng và mất mát, thế hệ sau nếu vẫn lặp lại một cách
nông cạn và tẻ nhạt thì chỉ là những phiên bản lỗi…
Thơ trẻ tức là tác giả đang tuổi trẻ?
Vừa
qua Rằm Nguyên Tiêu, cũng là Ngày thơ Việt Nam, tôi chợt nghĩ một chút về thơ
trẻ.
“Anh ở lại phố nghèo
xuân biết má hồng xiêm em ngọt
Quả môi thơm đầu mùa
Vườn ổi hương
chim thương thường đến ăn hạt nhớ
Mái à ơi mưa nguồn
Mi khép góc phùn đông”
Và:
“tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em…”
Hẳn
nhiều người nghĩ đây là thơ của thế hệ 8X,7X… tức là của những nhà thơ trẻ
đương đại (mà chúng ta quen nghĩ “trẻ” là tuổi ghi trong lý lịch) nhưng thực ra
đó là thơ của nhà thơ sinh năm 1929, mất năm 2008 - nhà thơ Lê Đạt và nhà thơ
sinh năm 1936, mất năm 2006 - nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Vậy
thì “thơ trẻ” không đóng khung trong cái nghĩa hẹp của tuổi tác giả, mà
có thể coi “Thơ-Trẻ” ở chỗ nó “đang chuyển động, đang gợi một giải thoát mới, một
hướng mở mới”. Thật khó nếu đòi hỏi những người trẻ mỗi khi cầm bút là phải làm
một cuộc cách mạng thế kỉ, phải mang đến một tác phẩm đột phá xuất sắc nhưng
trong mỗi bài thơ, mỗi câu thơ, mỗi từ dùng, cần để lại dấu ấn của một quan
sát, một cảm nhận, một suy ngẫm khác lạ.
Có
những tác giả tuổi rất trẻ nhưng viết những câu thơ “cũ kỹ, cằn cỗi”. Bởi những
vấn đề ấy, tâm trạng ấy, những ngôn từ ấy, thế hệ nhà thơ đi trước đã đào xới
và vun bón thành những trái ngọt sum suê được trải nghiệm bằng cả cuộc đời họ
đi cùng lịch sử có đủ huy hoàng và mất mát, thế hệ sau nếu vẫn lặp lại một cách
nông cạn và tẻ nhạt thì chỉ là những phiên bản lỗi. Cũ kỹ còn là sự trùng lặp
nhau, giống từ ý tưởng tới phong cách, như nhà thơ Phan Hoàng có lần nhận xét:
“Khi đọc thơ của một số tác giả trẻ hiện nay, nếu che đi tên của họ thì sẽ chẳng
phân biệt được bài thơ nào là của ai vì viết cứ na ná nhau!”
Trẻ luôn cần mới và lạ
Nhưng
nếu tách rời tuổi của tác giả với tác phẩm của họ, cũng là cách nhìn phiến diện.
Mỗi thời đại đều ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận của người nghệ sĩ. Khi giá trị
Chân -Thiện - Mĩ của thời đại thay đổi cũng như mối tương quan toàn cầu ảnh hưởng
sâu sắc đến những người trẻ, thì tất yếu nhận thức của họ sẽ thay đổi theo. Và
vấn đề của họ là viết ra sao, để những độc giả, những đồng nghiệp, những nhà
phê bình thấy họ thực sự “trẻ, mới, lạ” một cách “thuyết phục và hay”.
Những
người viết trẻ vẫn đang tìm những con đường khác nhau để đi. Họ tìm sự thay đổi
về hình thức thể hiện: cấu trúc ngắt dòng, phân mảnh hoặc lắp ghép, liền mạch
theo lối văn xuôi, đưa ngôn ngữ nói vào thơ, sử dụng những dấu chấm câu khác biệt,
cố ý không theo trật tự quen thuộc… Họ tìm sự thay đổi về tư duy sáng tác: thơ
viết với trường liên tưởng rộng, đa chiều, đa nghĩa, các biện pháp hư cấu, ẩn dụ,
ảo giác, đào sâu cái “tôi” bản thể, đồng thời gửi gắm những thông điệp có thể rất
trừu tượng có thể rất gồ ghề trần trụi tạo những ấn tượng khác hẳn với thế hệ
thơ thiên về cấu trúc vần điệu, hình tượng theo nguyên mẫu đời sống hiện thực,
ngợi ca về con người công dân mang những bổn phận và trách nhiệm rập khuôn,
trong giới hạn an toàn.
Những thách thức với thơ trẻ
Hàn
Mạc Tử có bài thơ đăng báo đầu tiên khi 14 tuổi, Chế Lan Viên viết tập thơ Điêu
tànkhi 17 tuổi, quả là “tài không đợi tuổi”. Vẫn luôn có những tranh luận gay gắt,
những quan điểm trái chiều về Thơ trẻ. Những giá trị mới thường không dễ được
công nhận tức thì. Có ý kiến cho là Thơ trẻ hiện nay đánh đố người đọc, thiếu
nhạc tính, rối chữ, lủng củng và vì thế khó tiếp cận, khó cảm thụ. Viết mới-lạ
nhưng những nhà thơ trẻ cần tìm cách kết nối được các thế hệ người đọc. Dám
khai mở, bứt phá nhưng thơ vẫn giàu cảm xúc trí tuệ, tinh tế và sang trọng. Làm
thơ là hướng tới những giá trị cao đẹp, văn minh, không phải để chiều theo thị
hiếu tầm thường, dễ dãi. Đi đôi với cách tân câu chữ, cần chú trọng đến tư tưởng
của bài thơ, những ám ảnh thời đại, những cảm nhận sâu sắc, nhân văn.
Nhà
phê bình Chu Văn Sơn có nói: “Không nên
dùng thước đo ngày xưa để đánh giá thơ trẻ hôm nay. Khi một tác phẩm mới ra đời
có nhiều luồng dư luận, lại là một điều đáng mừng. Thơ có nhiều nhóm khác nhau
và nhiều quan điểm khác nhau, đó chính là sự phát triển. Đã qua cái thời có duy
nhất một thủ lĩnh làm thỏa mãn mọi thị hiếu người đọc.”
Hi
vọng những tác giả trẻ bằng tài năng và nhiệt huyết của thời đại mình sẽ tạo được
những dấu ấn mạnh mẽ cho thơ trẻ nước nhà.
VŨ THANH HOA
http://i629.photobucket.com/albums/uu11/troimay/Hinh%20Dep%202016/a1e8726acd947fe7859c5ae7dd96e9b5_zpsrmkv9j0u.gif
ReplyDeleteEm trai vui nhiều !