Con
đường từ Đà Nẵng đẹp như cổ tích với hàng dừa xanh ngắt, những bãi cát trải dài
vô tận, vang vọng câu hát tựa sóng vỗ đưa tôi đến miền đất vô cùng xa lạ nhưng
cũng rất đỗi quen thuộc: phố cổ Hội An. Ở Đà Nẵng chừng mấy năm, trong khi nhiều
người khác đã mòn gót phố Hội, với vô vàn các tác phẩm, ký ức, hình ảnh, kỷ niệm
được lưu giữ tại nơi đây thì tôi mới đến đây chừng vài lần, trong nỗi khao khát
dịu dàng. Nói là đến với phố Hội nhưng thực ra tôi đang tìm đến cốt cách, tâm hồn,
sự thủy chung mộc mạc của đất và người xứ Quảng đã nuôi dưỡng, uốn nắn biết bao
xúc cảm, yêu thương trong lòng người trẻ như tôi. Lần đầu đến phố Hội vào một
ngày nắng đẹp, tôi cùng chị lang thang chụp hình trong nỗi buồn hoang hoải
đương đốt cháy da thịt. Cũng chỉ ghé quán café nào đó nói đủ thứ chuyện trên trời
dưới đất, bỏ mặc dòng đời ngược xuôi với đủ thứ lo toan, mệt mỏi và cũng kịp
ghi lại đôi dòng cảm xúc vội vàng: Mỗi bước
chân bám chặt rêu phủ/ Tôi lang thang qua ngóc ngách cuộc đời/ Kết sợi dừa từ
đôi tay cần mẫn/ Chở che cơn gió mặn mòi…
Hồn
phố neo đậu trong tâm trí tôi qua từng góc nhỏ tưởng chừng chẳng có gì để nói, nhưng
luôn ẩn chứa sức sống tiềm tàng chan chứa miền tâm tưởng xa xôi. Mỗi bước chân
lao xao lắng nghe tiếng thời gian vỡ trên mái nhà, màu vàng của bức tường dọc
ngang đủ sức khơi gợi những bóng hình ẩn hiện đâu đây, dòng sông Hoài mải miết
lắng sâu hồn phố… bức tranh yên ả dịu dàng đến nỗi không cần phải tô vẽ, điểm
trang. Tôi đọc bài thơ Hồn phố của nhà thơ La Trung khá tình cờ nhưng cũng tràn
đầy khao khát, dâng trào: Gánh phong trần
đọng lại những giọt thơ/ theo tiếng guốc vỡ òa sau ngõ ngách/ trăng mười bốn trải
tơ vàng mái cổ/ lữ khách say hồn vịn phố ngẩn ngơ. Còn đó những nỗi âu lo
theo từng nhịp thăng trầm của đô thị cổ trăm năm thương cảng, còn đó biết bao
con người ngày đêm nặng gánh mưu sinh, còn đó bài toán giữ gìn và phát triển ăn
mòn tâm tư nỗi niềm của những người con đã trót thương, trót nhớ, trót vương vấn
với Hội An, nhưng lên trên tất cả là mỗi góc nhỏ lặng lẽ nơi phố Hội luôn ám ảnh
trong ta một thứ tình cảm ngọt ngào khó lòng xóa nhòa. Nhớ lần đầu tiên đến Hội
An, vội vàng như cơn gió thoảng hoặc tâm trí, trên đường trở về thành phố hiện
đại bên bờ sông Hàn, nhắm mắt lại vẫn thao thức một điều gì đó tiếc nuối, thực
khó diễn tả thành lời. Ở Hội An, tôi không vội đong đếm trời xanh mây trắng
trên đầu, cũng không vội ngắm nhìn mỗi ngóc ngách, mỗi ngôi nhà với những mặt
hàng tơ lụa gấm vóc, những phòng trưng bày nghệ thuật đầy thu hút và sáng tạo,
những ánh đèn huyền bí và mê hoặc, tôi chỉ mong góp nhặt cho mình chút dịu dàng
yêu thương qua những ngày giông bão. Lòng chợt mường tượng giây phút nhà thơ
Nguyễn Ngọc Hạnh ngẩn ngơ giữa cái “ngã ba tình” đẹp đẽ đến lạ lùng. Lang thang
đến mệt nhoài mới tìm quán café nào đó nghỉ chân giây lát trước khi trở về cuộc
sống thường nhật hằng ngày.
|
Uống cà phê ở phố cổ Hội An (ảnh Phan Nam) |
Nhớ
có lần đọc bài viết có nhắc đến chi tiết Hội An buồn quá, tĩnh lặng quá, cần phải
tìm chút động khi người đàn ông trung niên thả rớ bắt cá chỉ để phục vụ… dạ dày
của mấy con cò trắng. Tự nhiên có chút xao động khi mỗi bước chân, mỗi cái đụng
chạm, mỗi khoảnh khắc trôi qua trong đôi mắt lữ khách chẳng phải là “cảnh động”
đánh thức vẻ đẹp, giấc mơ di sản. Trôi qua cảnh quay đẹp, khung hình lạ lẫm là
đôi quang gánh bạc màu, là thông điệp nghệ thuật gửi gắm qua mỗi tác phẩm mới lần
lượt ra đời chứng tỏ sức sống Hội An cháy bỏng như cái cách mà mỗi ngày chúng
ta tìm đến phố Hội, con đường ngắn nhất để tìm đến… chính mình. Chỉ hi vọng ngày
nào cũng được lang thang Hội An, cho thỏa lòng rứa thôi: Ngã ba này là bến sông xưa/ hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp/ bao năm rồi
người xa biền biệt/ bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm… (Hội An, thơ Nguyễn Ngọc
Hạnh).
PHAN NAM.
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.