“CHƯỞNG” KIM DUNG VỚI TUỔI THƠ TÔI
Điểm nổi bật trong tác phẩm của Kim Dung là lòng nhân đạo, nhân
ái và đi vào chiều sâu tâm linh, trí tuệ. Đọc Kim Dung, ta tìm thấy những giá
trị văn hóa phương Đông và văn minh Trung Hoa…
Kim Dung đã chắt lọc tinh hoa của tiểu thuyết
võ hiệp truyền thống, hòa trộn với sức sáng tạo và nền tảng kiến thức sâu rộng,
mượn chuyện giang hồ để gửi gắm tình đời nên được độc giả Việt Nam cả bình dân
và bác học mến mộ.
Khơi dậy ước muốn hành
hiệp trượng nghĩa
Tôi biết đến tác phẩm của Kim Dung vào đầu
những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn học phổ thông. Ngày ấy, đã thành thói
quen, sau bữa cơm tối, cả gia đình lại quây quần bên chiếc radio chạy bằng hai
quả pin cối, nghe các tác phẩm văn học Trung Quốc. “Anh hùng xạ điêu” của Kim
Dung đưa tôi đi khắp xứ Trung Hoa, đến những hòn đảo đẹp như thiên đường và cả
đại mạc Mông Cổ xa xôi rền vang vó ngựa…
|
Nhà văn Kim Dung để lại di sản đồ sộ các tiểu thuyết võ hiệp. |
Có lần, vào năm cuối cấp THPT, đạp xe lên phố
huyện, tôi vào cửa hiệu cho thuê truyện duy nhất lúc bấy giờ. Thuê liền dăm tập
của bộ tiểu thuyết “Thiên long bát bộ”, tôi đề ra mục tiêu làm sao trong một
đêm phải xong ba tập. Quê nghèo chưa có điện, đèn dầu bố mẹ chỉ cho thắp đến 21
giờ rồi tắt để đi ngủ, tôi lấy đèn pin của bố rồi trùm chăn đọc. Sáng ra, tôi
trả đèn dưới gối bố rồi đi học, tối về nghe ông phàn nàn không hiểu sao pin mềm
nhũn hết cả. Thế rồi, tôi đem truyện đến lớp cho các bạn thuê lại, thay nhau
đọc. Khoảng hơn một tuần tôi thu hồi được vốn. Sau đận ấy, việc thuê và cho
thuê lại truyện Kim Dung khiến tôi “có tích lũy”.
Trong ký ức thuở học trò, tiểu thuyết
Kim Dung khơi dậy ước mơ ham hiểu biết, được hành hiệp trượng nghĩa
qua từng nhân vật chính diện, cũng như phản diện. Nhân vật được ông khắc họa
theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt. Trương Vô Kỵ trong “Ỷ
thiên đồ long ký” hoàn hảo từ trí tuệ đến võ công. Quách Tĩnh trong “Anh hùng
xạ điêu” nhân hậu, khờ khạo nhưng lại được bù nhờ sự sắc sảo từ người vợ Hoàng
Dung.
Dương Quá của “Thần điêu đại hiệp” thì thông
minh nhưng cực đoan. Vi Tiểu Bảo trong “Lộc đỉnh ký” thì quá ma lanh, sự tinh
khôn của một người vượt lên từ đáy xã hội. Chỉ có Tiêu Phong ở “Thiên long bát
bộ” là nhân vật đàn ông đúng nghĩa, vừa tài giỏi, trượng nghĩa, vừa chung thủy,
sâu sắc… Nếu lúc nhỏ ta thích được anh hùng cái thế, đáng bậc trượng phu như
Quách Tĩnh, Kiều Phong thì lớn hơn chút lại ước mình được phong lưu như Lệnh Hồ
Xung, Đoàn Dự hay Vi Tiểu Bảo...
Đề cao lòng yêu nước
và nghĩa khí
Nếu như thời thơ ấu, tìm đến tiểu thuyết Kim
Dung theo kiểu có gì đọc nấy thì đến bậc đại học tôi bắt đầu đọc có hệ thống
hơn. Tôi tìm đọc từ những tác phẩm đầu tiên như: Thư kiếm ân cừu lục, Bích
huyết kiếm cho đến các bộ truyện có sự gắn kết về thời gian để hiểu hơn về cốt
truyện, các tuyến nhân vật cũng như sự gửi gắm triết lý của nhà văn. Có thể
thấy, chủ nghĩa yêu nước là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Kim Dung. Sự
độc lập tự chủ của dân tộc Hán luôn được ông nhấn mạnh, nhất là trong các tác
phẩm có bối cảnh Trung Quốc bị đe dọa bởi những người Khiết Đan, Nữ Chân, Mông
Cổ…
Dần dần chủ nghĩa yêu nước trong tiểu thuyết
của ông cũng bao gồm cả các dân tộc ít người tạo thành Trung Quốc rộng lớn bây
giờ. Ví dụ, trong “Anh hùng xạ điêu”, Thành Cát Tư Hãn và các con của ông được
nhấn mạnh là những vị tướng tài ba, những dũng sĩ kiêu hùng trên đại mạc. Khang
Hy trong “Lộc đỉnh ký” là vị vua tài năng, có lòng trắc ẩn với ước muốn hòa hợp
dân tộc để xây dựng một đại Thanh lớn mạnh. Hay Tiêu Phong trong “Thiên long
bát bộ”, dù là người Khiết Đan nhưng được người Hán nuôi dưỡng nên đã vì người
Hán mà ngăn cản vua Liêu tiến quân, tránh được cuộc chiến tranh tàn khốc.
Còn nhớ, lúc trà dư tửu hậu, nói về tiểu
thuyết Kim Dung, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhận xét, các tác phẩm
của ông giống như cuốn từ điển thu nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung
Hoa. Ông đã đề cập đến nhiều lĩnh vực từ y thuật, võ thuật, âm nhạc, thư pháp,
cờ vây, trà đạo…, cho đến các triết lý của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão… Ông đã
tôn trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc
biệt là các mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, anh em, nhất là giữa sư phụ với
đồ đệ và giữa các huynh đệ với nhau.
Truyện Kim Dung có nhiều nhân vật được khắc
họa theo lối ấn tượng, mỗi người có một tính cách riêng biệt. Về bản chất, các
nhân vật chia rõ chính - tà nhưng sự thật tà không hẳn là gian ác, mà chính
cũng không thuần là nhân nghĩa. Có những nhân vật ra mặt đức độ rất lâu như
Nhạc Bất Quần trong “Tiếu ngạo giang hồ”, đến một lúc nào đó lại hiện rõ sự
gian ác, tráo trở làm người đọc không khỏi bất ngờ. Duy chỉ Vi Tiểu Bảo trong
“Lộc đỉnh ký” là không theo mô thức của các nhân vật chính, không phải là một
biểu tượng của một anh hùng hảo hán, chính tà bất phân, không theo một tiêu
chuẩn đạo đức nhất định, nhưng sống “nghĩa khí”, hết lòng vì bạn.
Nhà văn Vũ Đức Sao Biển, người thực hiện bộ
biên khảo 5 tập: “Kim Dung giữa đời tôi”, viết về 12 bộ sách võ hiệp của
Kim Dung từ phong cách xây dựng nhân vật, võ công, tình yêu, rượu, âm nhạc đến
pháp luật… nhận định: Điểm nổi bật trong tác phẩm Kim Dung chính là lòng nhân
đạo, nhân ái. Kim Dung đi vào chiều sâu tâm linh, trí tuệ, biểu dương tình yêu
thương giữa con người với con người.
CAO SƠN
Tác giả tiểu thuyết võ hiệp huyền thoại Kim Dung, tên thật là
Tra Lương Dung, vừa qua đời ở tuổi 94, sau thời gian dài chiến đấu với bệnh
tật. Kim Dung sinh ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết
Giang (Trung Quốc), trong một gia tộc khoa bảng. Ông là một trong những nhà văn
ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập
và là tổng biên tập đầu tiên của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959.
Trong 17 năm, từ 1955 - 1972, ông đã viết 15 cuốn tiểu thuyết. Với 300 triệu
bản in đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã
được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia…, ông
được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. Tác phẩm của ông đã
được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử… Tháng 2/2006, ông
được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc.
Nhai bắp rang đọc truyện Kim Dung
Có
một thời tôi từng mơ màng như nhân vật “em” trong “Bài thơ thứ hai gửi cho
người tình sầu cố xứ” của Trần Dzạ Lữ: “Em ước mùa đông trong chăn ấm/ Nhai bắp
rang đọc truyện Kim Dung…”. Nhưng rồi ước mơ vẫn chỉ là mơ ước thôi. Vì hồi ấy,
nhà nghèo, làm gì có chuyện vừa nhẩn nha bắp rang vừa “nhai” truyện của nhà
văn Kim Dung. Đến lúc mua được truyện Kim Dung thì đã qua rồi thời nhai bắp
rang thay cơm.
Thuở
ấy, đến nhà bạn học nhóm, thấy chị của bạn chong đèn đọc Kim Dung, trong tôi
dậy lên cảm giác thèm thuồng, chỉ là thèm đọc sách mà thôi. Mỗi khi giải xong
bài tập, tôi lân la đọc ké. Vì đọc ké những chương hồi không đầu không cuối
nên chỉ hiểu lơ mơ nhưng luôn mơ màng về những nhân vật trong sách.
“Sau
này có tiền, nhất định mua truyệnn của ông về đọc cho thỏa thích!” - là tôi tự
nhủ. Nhưng trước khi có đủ khả năng mua sách, tôi đã kịp xin tiền mẹ đạp xe đến
tiệm ở gần chợ thuê sách về đọc. Tranh thủ đọc đến quên mọi thứ, đọc rất vội.
Vừa nhanh trả cho chủ tiệm để đỡ tốn tiền thuê (tính bằng ngày) và để đổi quyển
khác. Có lúc đọc say sưa, để nồi cơm cháy khét hoặc nồi rau luộc chín đến
nhuyễn nhừ.
Sau
này một vài nhà trong thôn sắm được ti vi và đầu đĩa thì cả xóm chung tiền
thuê băng đĩa phim kiếm hiệp được chuyển thể từ truyện của Kim Dung về xem
chung. Vậy mà lạ, sau này, được sở hữu trọn bộ sách của Kim Dung trên giá
sách nhưng cảm giác lại không thú vị bằng hồi thuê sách đọc. Nhớ những trang
sách ố vàng, nhàu nhĩ. Có trang không lành lặn, bị mất chữ nên vừa đọc trang
sau vừa suy ngược lại tình tiết, diễn biến của trang trước.
Mỗi
quyển sách hay mỗi tác giả đều đem đến cho người đọc những cảm nhận riêng. Với
Kim Dung, tôi tin rằng ông đã thổi những ước mơ bay bổng vào tâm hồn thơ trẻ
của bao nhiêu người, trong đó có tôi. Người mơ một lãng tử giang hồ hành hiệp
trượng nghĩa; người mơ về một giai nhân tuyệt sắc lang bạt kỳ hồ.
Tôi
mê Kim Dung không chỉ vì những thế kiếm điêu luyện liên miên như nước chảy hoa
trôi của những cao thủ kiếm thuật hay sự gặp gỡ và chia ly của những cặp
“tiên đồng ngọc nữ”; mà trên hết, điều đọng lại sau cùng là triết lý nhân văn
thấm đẫm ông gửi qua từng trang sách: chính thắng tà.
CHÂU NỮ
|
Phan Nam (tổng hợp nhiều nguồn)
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.