Nhà
văn Đà Linh (tên thật là Nguyễn Đức Hùng) vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ
30 phút ngày 30.9.2013 tại nhà riêng, ở một con hẻm phố Đường Thành, Hà Nội. Đà
Linh mất không đột ngột. Anh đã biết trước kết cục này của mình từ 3 tháng trước,
khi Bệnh viện Việt - Đức khẳng định là căn bệnh ung thư dạ dày của anh đã di căn ra toàn cơ thể. Khi
tôi ra Hà Nội và tới thăm anh, Đà Linh rất mệt, nằm trên giường, nhưng sắc mặt
vẫn bình thản. Anh chấp nhận số mệnh.
Chúng
ta, rồi ai cũng phải chấp nhận số mệnh, cũng phải nói “vâng” với nó khi tới lượt.
Nhưng Đà Linh mới 55 tuổi. Với một nhà văn, thì đó là tuổi chín chắn của sáng
tác. Truyện ngắn của Đà Linh cũng thường có những cái kết khá bất ngờ, khá đột
ngột. Bây giờ, anh chính là nhân vật duy nhất trong truyện ngắn cuối cùng của
anh, một truyện ngắn cũng có kết thúc đột ngột. Và đau buồn.
Tôi
lật giở lại tập sách Mãi mãi là bí mật của tôi in năm 2004. In ở NXB
Lao Động. Nhiều năm sau, đó là NXB mà Đà Linh đã chuyển về công tác cho tới khi
anh vĩnh viễn rời nó. Trong tập sách của tôi có một bài ngắn viết về một tập
truyện ngắn của Đà Linh in trước năm 2004. Tôi giật mình vì cái đầu đề của bài
viết này: “Khi những quan hệ bị chặt gãy”. Nhưng với nhà văn, khi thân xác ra
đi thì tác phẩm có thể vẫn còn lại, vì tác phẩm là tinh anh của nhà văn. Tôi muốn
chép lại bài viết rất ngắn này như lời tiễn biệt một nhà văn, và một người em
đã từng thân thiết trong rất nhiều năm.
“Khi những
quan hệ bị chặt gãy”
Truyện
ngắn như một ánh chớp, trước khi tắt nó vừa kịp soi rõ một cái gì. Cái gì ấy
nhiều khi khá bất định, nhưng nó lại làm nên những dáng nét, dù thấp thoáng, để
truyện ngắn người này khác truyện ngắn người kia.
Đà
Linh cũng đã bắt đầu có “thâm niên” viết truyện ngắn, nhưng cái nổi bật ở anh không phải kỹ thuật,
mà là giọng văn. Cái giọng tưng tửng, khô khô, nhiều khi như tường thuật lạnh
lùng.
Nhưng
giấu bên dưới cát khô lại có một mạch nước ngầm nhân ái. Đà Linh quan tâm đến số
phận nhân vật, nhưng trước hết, anh quan tâm đến quan hệ giữa các số phận ấy,
những mối quan hệ có bề ngoài đơn giản nhưng bên trong phức tạp. Và một khi những
mối quan hệ được thiết lập giữa các nhân vật bị đứt gãy, lập tức lộ ra những
khoảng trống mang tính bi kịch. Những nhân vật của Đà Linh, phần lớn đều có
chút gì đó “tưng tưng”, không bình thường. Không phải họ muốn vậy, mà thực ra,
cái “kênh” của tác giả thường “tăm” được những nhân vật kiểu như vậy. Vasilli
Suksin cũng từng có những nhân vật gàn gàn dở dở kiểu như vậy (nhưng dĩ nhiên
Suksin xử lý truyện ở một tầm cao hơn nhiều, vì ông là một thiên tài).
Cái
khát khao của những nhân vật “hơi có vấn đề” trong truyện Đà Linh thật ra lại rất
bình thường. Họ muốn thiết lập những quan hệ đồng đẳng với người khác, họ khao
khát sự thông cảm, tình thương yêu, và chính họ cũng khát khao yêu thương người
khác. Nhưng với họ, thiết lập một quan hệ đã khó, giữ được quan hệ ấy lâu bền
càng khó hơn. Chúng ta, những người được coi là “bình thường” cũng chẳng đã từng
gặp những vấn đề như vậy hay sao?
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.