|
Thiếu
nữ chụp hình
dưới ngõ đá rêu phong (ảnh: internet)
|
|
1.
“Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước cho lòng vấn vương”, câu ca dao thấm
vào mạch nguồn bao đời nay của người dân miền trung du xứ Quảng. Dòng sông Tiên
quanh co, uốn lượn qua những đồi núi trập trùng khắc khoải trong tâm tưởng của
mỗi người về một làng quê thanh bình, yên ả. Làng quê cổ tích đắm chìm trong miền
đá rêu phong làm cho mỗi bước chân người lữ thứ bao lần in dấu, ngất ngây.
Trầm tích đất mẹ đã hình thành nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo tạo
nên linh hồn xứ Tiên đó là “văn hóa đá” như cách gọi của nhạc sĩ Vũ Đức Sao
Biển. Là một người con chôn nhau cắt rốn ở mảnh đất này tự bao giờ đã lắp ghép
nên hồn quê trong tôi những phiến đá vô tri mà ẩn chứa linh hồn của quê hương
xứ sở. Đá trong tiềm thức của tôi là một vật liệu để đúc nhà, làm bếp tạo nên
dáng dấp làm nơi xây dựng tổ ấm. Tôi còn nhớ thuở xưa quê tôi người dân làm nhà bằng đất sét nện
liên kết với đá, để khô làm nên tường nhà thật cao và vững chãi, từng đất
giương ra với đất trời chở che bao phận người qua mưa nắng giá rét. Nhà chính
tường đất, nhà phụ phên tre, mái tranh, bậc đá là lối đi về… chính là hình hài
của kiến trúc lâu đời ở Tiên Phước quê tôi. Nhà nào khá giả hơn thì gỗ mít
ba gian thờ phụng nhưng nhất quyết không thể thiếu sân gạch ngõ đá được quay ra
mặt tiền nơi đất trời tụ hội làm nơi đón tiếp khách lạ. Đá còn được dùng để
phân cách địa giới rất rõ ràng, ở quê tôi hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều những
bậc đá được chất cao vút giữa các vườn tược để phân cách ranh giới. Các bậc đá rêu phong ẩn nấp
dưới bóng mát cây trái bốn mùa phì nhiêu, từng tầng đất đá còn có tác dụng chống
xói mòn và lở đất. Tuy nhiên, hiện giờ dấu vết của những bậc đá không còn nhiều,
vườn tạp phần lớn được chuyển đổi để thâm canh được cao hơn.
|
Ngõ
đá Tiên Phước quê tôi (ảnh: Phan Nam)
|
|
Ngõ đá vẫn vậy, vẫn
muôn đời vẫy gọi con cháu tha phương quay về chốn cũ. Người dân xứ Tiên lưu giữ ngõ đá góp phần hài hòa kiến trúc hiện đại
phần nào đã được phủ bê tông giúp cho nơi lưu trú cứng cáp hơn trước, còn góp
phần gìn giữ cốt cách tâm hồn con người xứ Tiên luôn giữ cho tâm thanh thản, sống
hài hòa với thiên nhiên. Mặc dầu bây giờ cuộc sống phát triển, không gian hiện
đại đang dần phủ bóng làng quê, người dân cũng dần thích nghi với cuộc sống mới
nhưng sao hiện hữu trong tôi vẫn một chút man mác buồn. Rồi đây, những ngôi nhà
“lá mái” sẽ dần mất đi, ngõ đá cũng sẽ phá vỡ để nhường chỗ cho ngõ “bê tông” để
các phương tiện có thể di chuyển lên xuống thuận tiện. Ngày xưa được leo lên leo
xuống ngõ đá tỏa ngát hương đất mà sao lòng lại nhớ đế thế! Bậc đá, ngõ đá lặng
lẽ in hằng cho mình một đời sống, chiến đấu cùng với dân tộc có thể phải lặng lẽ
chìm vào quá khứ “vô tri vô giác” đúng như lúc khai thiên lập địa. Làng cổ Lộc
Yên quê tôi được nhiều người biết đến với những ngôi nhà cổ sống mãi với thời
gian, không gian ngõ đá bao bọc làng quê vương cái hồn, cái tình chân chất, mộc
mạc của cư dân ven con sông chảy ngược. Đi trong bóng mát của hương bưởi,
hàng cau lủng lẳng mùi quê, thoang thoảng vị ngọt thanh trà, những chùm bòn bon
phác họa nên một bức tranh mà trong mỗi giấc mơ tôi như lạc bước thời gian. Nhà
nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ trong một tham luận tại hội thảo quốc tế đã chỉ ra
rằng: Tiên Phước là “vùng đất trung du, có giá trị về lịch sử văn hóa, cùng với
không gian kiến trúc làng cổ còn tương đối nguyên vẹn, dự định cho phát triển
du lịch sinh thái”. Mong sao dự định này sẽ sớm trở thành hiện thực để giá trị
làng cổ được phát huy và bảo tồn.
|
"Văn
hóa đá" ở Tiên Phước - Quảng Nam
|
(ảnh: Phan Nam)
|
2.
Nói lan man như thế vì trong mạch máu của tôi, hình ảnh về ngõ đá,
mái đất, nhà tranh, phên tre… sẽ không bao giờ mất đi như tâm hồn hướng về cội
nguồn của biết bao lớp người. Những người ra đi, những người ở lại không bao
giờ mong muốn những giá trị hiện hữu nhạt nhòa trong hoài niệm. Bề dày
tầng vỉa văn hóa của miền trung du “có con cò trắng đậu cành thương thương” đã
nuôi dưỡng bao lớp người lớn lên và họ đã sống, chiến đấu và xây dựng cho quê
hương. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, hai
câu thơ của Chế Lan Viên luôn luôn vang vọng trong tâm thức của nhiều người.
Thế nhưng, khi tôi đứng đây ngay tại quê nhà, tôi vẫn cảm thấy tâm hồn mình hụt
hẫng qua từng lớp bụi thời gian, tôi luôn có cảm giác bao hình ảnh nơi tôi sinh
ra sẽ chìm mãi vào cõi vĩnh hằng. Ngõ đá ơi! Ngõ đá! Ngươi đã
bao lần làm ta trầy xước, chảy máu khi vấp ngã thời ấu thơ thơ dại nhưng sao
khi ta lớn lên rồi lòng ta lại nhói đau nhiều hơn khi cái cũ dần mất đi để
nhường chỗ cho cái mới. Miền đá rêu phong ẩn hiện trong những mảnh rời ký ức
tạo nên bức tranh của tuổi thơ tôi với biết bao hoài niệm. Nhiều lần
dạo bước ở quê nhà tôi được hít hà không gian hài hòa ngập ngụa trong tâm hồn.
Trong không khí đó vấn vương hương lúa ngào ngạt, đong đầy mùi rơm rạ thấm vào
tiềm thức của bao người dân chân lấm tay bùn. Bao sương gió của miền đá phần
nào khắc họa lên cái tình phong sương của những tâm hồn hiếu khách của một miền
quê êm đềm. Hi vọng
nền “văn hóa đá” thấm sâu vào hồn thiêng đất cổ sẽ được được tự tay người dân bảo
tồn và duy trì để ta có thể cảm nhận được thời gian vỡ trên từng phiến đá.
Không hiểu sao mỗi lần lạc trên bước đường quê hương, miền đá tuổi thơ như thì
thầm vẫy gọi tôi chìm vào mảnh cảm xúc vừa hư vô, vừa sâu thẳm: Có duyên lấy đặng chồng nguồn/ Ngồi
trên ngõ đá có buồn cũng vui (Ca
dao).
Quê nhà Tiên Phước, ngày 8.3.2016
PHAN
NAM
|
Mặt trước kiến trúc nhà cổ
của ông Trần Khiêm - Lộc Yên,
Tiên Cảnh (ảnh: Internet)
|
http://i963.photobucket.com/albums/ae113/ngocdung26769/B13_zpsj0f5ramv.gif
ReplyDeleteThăm em cafe nhé !
Cảm ơn anh HA79 ghé nhà em thường xuyên ạ :) :)
Deletehttp://file.vforum.vn/hinh/2014/12/cam-on-18.jpg