Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp của con người. Có nhiều cách
để giao tiếp. Có loại giao tiếp thông tín. Cũng có loại giao tiếp mang yếu tố
nghệ thuật. Trong giao tiếp nghệ thuật (ca hát, hò vè, đọc, ngâm thơ, kể
chuyện,…) nói lái có những đặc trưng riêng biệt. Nó là sản phẩm trí tuệ, chứa
nhiều hàm ý trong bộc lộ tư tưởng, tình cảm của con người. Chất liệu của nói
lái là ngôn từ trong kho từ vựng dân tộc, nhưng được gia công theo nhiều phương
thức trong đảo vần giữa phụ âm đầu, phần vần và thanh sắc của từ ngữ đó. Mỗi
vùng quê Bắc - Trung - Nam đều có những phương thức đảo vần riêng biệt.
|
Tranh: Báo Tuổi trẻ cười |
Người lao động trong xã hội cũ thường dùng cách nói lái để
vạch mặt bọn địa chủ, cường hào, ác bá. Một lần nọ, Trạng Quỳnh đem đến tặng
Chúa một lọ tương, thế nhưng, phía ngoài, Trạng Quỳnh dán nhãn đề hai chữ
"Đại phong". Chúa thấy thế, liền bảo: "Nhà ngươi lại muốn chơi
khăm ta à? Ta sẽ phạt trăm roi đó! Cái lọ tương sao lại đề đại phong?".
Trạng Quỳnh thưa lại: "Bẩm thưa, vậy là có gì sai ạ! "Đại" là
"to", "phong" là "gió". "Gió to" thì ắt
tường đổ, mà tường đổ ắt tượng lo. Tượng lo là lọ tương". Nghe thế, Chúa
gật đầu cho là phải, đành tha tội cho Trạng Quỳnh.
Lần
đó, Hồ Xuân Hương cùng Chiêu Hổ đi xem hội. Thấy các vị quan lại lộng tía, tán
vàng che đầu rôm rả, Hồ Xuân Hương liền ra vế đối: "Lọng tía, tán vàng,
che đầu nhau mỗi khi nắng cực". Chiêu Hổ thấy nhiều bậc quan ngự trên
thuyền rồng có mui che, buồm thỏng, liền ứng đối ngay: "Thuyền rồng, mui
vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo". Chữ nắng cực đối với chữ lộn lèo với câu
trên quả thật là một cách chơi chữ đại tài! Vừa "tục" lại vừa
"thanh".Trong kho tàng văn học cổ điển nước nhà, Hồ Xuân Hương
"Bà chúa thơ Nôm" đã để lại cho hậu thế biết bao thi tác chứa đựng
những giá trị nhân văn sâu sắc. Về phương diện nói lái, bà cũng thuộc loại xuất
sắc. Người đàn bà hay thơ này cuộc đời chịu phận đa thê. Trong đó có Chiêu Hổ
là người ít nhiều sẻ chia một phần tình đời của bà. Giai thoại về Hồ Xuân Hương
và Chiêu Hổ có nhiều. Trong đó có chuyện giữa hai người đã đối
"nghịch" nhau nhờ tài nói lái.
Cũng
là đố "tục" nghĩa "thanh", ở Nam Bộ cũng có trường hợp
tương tự. Một cụ đồ nọ, quê ở Hóc Môn ra vế đối sau đây: "Trai Hóc Môn,
vừa hôn vừa móc", vế đối đã nói lái một từ chỉ địa danh Hóc Môn, thành Hôn
Móc. Mà Hôn và Móc là hai động từ chỉ hành vi của nam đối với nữ. Nghe vế đối
xong, một ông đồ nọ, quê ở Gò Công liền ứng đối ngay: "Gái Gò Công vừa
gồng vừa co". Vế đối thật là chỉnh: "Gò Công là địa danh, còn gồng và
co là hai động từ chỉ hành vi của nữ đối nam. Do vậy, cặp câu đối nói lái:
"Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc/ Gái Gò Công vừa gồng vừa co là chuẩn mực
của đố "tục" có nghĩa "thanh".
Trong
văn học cận đại nước nhà, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là một tác giả tài
ba. Một hôm, có người đến xin ông câu đối để treo ở đền thờ Bà Hỏa. Nguyễn
Khuyến viết xong đưa cho khách mang về và bảo rằng, về nhà cứ thế treo lên. Khi
phong thư bóc ra, người ta chỉ thấy hình cái chày dựng đứng. Mọi người không
hiểu ra làm sao, liền cử người quay lại kính nhờ nhà thơ giải nghĩa.
Cụ
Nguyễn Khuyến tươi cười, vuốt râu mà rằng: "Cái chày đứng nói lái có nghĩa
là đừng cháy". Mừng đền Bà Hỏa vừa làm xong mà có câu đối chúc phúc ngắn
gọn, súc tích như thế thì gì bằng. Qua sự việc này, người ta càng thêm quý
trọng sự uyên bác của cụ Tam nguyên Yên Đổ.
Ở
Bắc Ninh, Hà Nội thuở trước có câu đối nói lái cũng rất hay. Một bên xướng:
"Chị chờ em ở chợ Chì" (chợ Chì là địa danh thuộc huyện Quế Võ - Bắc
Ninh). Bên kia đối lại là: "Tao kéo mày về keo táo" (Keo Táo thuộc
huyện Gia Lâm - Hà Nội). Hai câu đối, lái rất chuẩn về từ lẫn nghĩa. Cũng ở
nhiều địa phương phía Bắc còn lưu giữ trong dân gian câu đố sau đây: "Bên
đây cưa ngọn bên kia cũng cưa ngọn, đố là cái gì?". Bên kia trả lời:
"Cưa ngọn nói lái là con ngựa. Hai bên đều cưa ngọn, vậy là có hai con
ngựa!".
Trả
lời như vậy thật là chí lý. Bên đố lại đố tiếp như sau: "Bên đây cưa ngọn,
bên kia cưa ngọn mà không phải hai con ngựa là cái gì?". Bên đáp trả lời:
"Là cái nạng!". Câu trả lời như thế quả thật lý thú bất ngờ. Bởi vì,
một cành mà cưa hai bên thì còn lại hình chữ "V", thân cây chắp lại
phía dưới, thành chữ y dài (Y). Chữ y dài thì hình cái nạng. Trả lời như thế
thì rõ ràng không ai bắt bẻ được.
Người
ta đố nhau bằng nói lái để mua vui khi cùng nhau lao động như giã gạo, cấy hái,
chèo đò… Trong hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình) có trường hợp bên xướng hò câu:
"Thiếp hỏi chàng: Con cá đối nằm trên cối đá, chàng thông minh hãy đối trả
thiếp nghe". Bên hò đáp (thường là nam) đáp lại: "Hỡi thiếp ơi, con
mèo cụt nằm trên mút kèo, tiện mô thì nằm đó, không kể nhà nghèo hay
sang". Trong cặp câu đối đáp trên đây, cá đối nói lái là cối đá và mèo cụt
nói lái là mút kèo, quả thật người lao động tinh tế, tài ba làm sao.
Cũng
ở Lệ Thủy, có giai thoại một anh thư sinh đi câu cá ở sông nước Kiến Giang.
Chưa có kiến thức về câu kéo, buông câu mãi mà cá chẳng cắn câu, nên một cô gái
đi ngang liền ghẹo cười: "Cá có đâu mà ngồi câu đó", câu ghẹo thật
tài vì cô gái đã dùng phép nói lái có đâu và câu đó thật hài hòa.
Cũng
ở vùng sông nước Kiến Giang này có chuyện, một ông đồ dẫn trò đi dã ngoại. Gần
chiều, thầy và trò ngồi nghỉ lại ở một rìa rừng. Thầy đồ ra vế đối: "Chiều
thật nhim". Một học trò nhanh nhẩu xin thầy đối lại. Vế đối là: "Chim
thật nhiều". Trò nọ được thầy đồ xoa đầu khen hay vì đã vận dụng nghệ
thuật nói lái rất chuẩn, lại vừa mô tả được cảnh vật nơi thầy và trò đang ngồi
nghỉ chân.
Sau
ngày đất nước giải phóng, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến đời sống của
nhiều người, trong đó có người thầy giáo. Biết bao từ nói lái ra đời để chỉ
những nỗi bĩ cực đó. Thầy giáo phải tháo giày để nhặt phân. Thầy giáo tháo ủng
(ở đây có nghĩa không có ủng đi), thủng áo. Thầy giáo ôm giáo án phải dán áo
mới đến lớp. Nhà trường phải nhường trà. Cô thầy là những cây thồ (thồ xe đạp
ấy!) để kiếm thêm tiền. Có lương hưu rồi sẽ lưu hương, v.v… Nét hài hước hóm
hỉnh trong những cách nói lái ấy chứa đựng sự cảm thông, vượt khó của những
người ngày ngày bước lên bục giảng.
Cũng
trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước ấy, trong quân đội xuất hiện câu nói lái
rất thú vị, mang ý nghĩa nhân văn là: "Nhà cấp tướng/ Nhường cấp tá".
Quảng Bình thời kỳ đó nghèo lắm. Để diễn tả điều này, có người đã nói lái cho
vui: "Đến Đèo Ngang là đến xứ Đang Nghèo". Có người mở quán sửa chữa,
phục hồi máy thu thanh, lấy tên hiệu là "Đài tắp lự" (nói lái của
"Đài tự lắp").
Trong
số các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Văn Lợi (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao
và Du lịch Quảng Bình) là người có tài ứng khẩu, nói lái và làm câu đối có vận
dụng yếu tố nói lái rất giỏi. Khi lên chức ông ngoại ở năm thứ 3, có khách đến
chơi, nhà thơ Văn Lợi đều nói: "Dạo này mình vừa oai vừa ngọng".
"Oai" là vì lên chức mới, còn "ngọng" là vì hay nhái giọng
của cháu ngoại khi cháu lên 3. Lúc còn ở Huế, thuở tỉnh Bình Trị Thiên chưa
chia tách, trong một lần đi thực tế về nông trường nọ, gồm anh, Hoàng Phủ Ngọc
Tường, Tô Nhận Vỹ, Xuân Hoàng, Hoàng Vũ Thuật… cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vốn
người gầy yếu, lại phải đi đường dài nên khi đến nơi, chưa kịp nhận phòng nghỉ
thì Trịnh Công Sơn đã lăn kềnh ra ghế ở phòng khách. Nhà thơ Xuân Hoàng thấy
thế, bèn ra vế đối: "Đi phong trào, chưa trao phòng đã trồng phao để trào
phong". Đang lúc bạn bè gật gù, ngẫm nghĩ tìm câu đối thì Văn Lợi đã xuất
đối đối ngay: "Đến nông trường để trồng nương (tức trồng các cây trên
nương rẫy - TG), mới trông nường (tức nàng - tiếng miền Trung - TG) đã trương
nòng". Câu đối lái của Văn Lợi vừa chuẩn lại vừa hóm.
Nói lái, nhiều góc độ, nhiều hoàn cảnh, người lao động đã
bộc lộ tình cảm đa chiều của mình. Hãy còn rất nhiều. Bài viết này chỉ mới điểm
qua. Đây là một di sản văn hóa quý cần sưu tầm, tổng kết đặng góp phần làm
phong phú thêm kho từ vựng của chúng ta.
Tác giả: HẢI THANH
(Nguồn: Văn nghệ Bông Tràm)
http://www.bongtram.com/2015/09/noi-lai-nghe-thuat-choi-chu-oc-ao-hai.html
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.