ĐÌNH LÀNG HỘI AN: DẤU ẤN NGƯỜI XƯA
Về quê hương Tiên Phước, Quảng Nam giàu truyền
thống văn hóa, lịch sử hình thành trên nền trầm tích Sa Huỳnh đôi bờ sông Tiên
du khách sẽ ngỡ ngàng về vùng đất, con người nơi đây. Làng cổ Lộc Yên với những
ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm, bao bọc bởi ngõ đá rêu phong bạc màu thời
gian, thấp thoáng dưới làn sương mờ như dẫn lối bước chân lạc vào miền cổ tích.
Sau khi thăm thú Lộc Yên chỉ cần xuôi về xã Tiên Châu, khách viếng thăm sẽ ngỡ
ngàng trước nét đẹp cổ xưa của đình làng Hội An, ngôi đình duy nhất còn lại
tương đối nguyên vẹn ở mảnh đất trung du “xứ Tiên”. Tên làng Hội An do tiền hiền
Nguyễn Phúc (làng
Đại Đồng, Phú Thị, Tây Lộc, nay là Phú Ninh) cùng với ông cha đi trước khai
khẩn, sinh sống, tạo dựng vào khoảng thời gian cuối thế kỷ XVIII. Có một điều
thú vị là làng Hội An trùng tên với đô thị cổ rất lớn cũng ở Quảng Nam, tuy
nhiên cần phải phân biệt cho rõ đình làng Hội An tọa lạc trên một nền đất đặc
địa mặt tiền tỉnh lộ DT 614, đối diện Uỷ ban xã Tiên Châu thuộc huyện Tiên
Phước, tỉnh Quảng Nam.
|
Mái đình xứ Tiên (ảnh: Phan Nam) |
Cũng giống như các đình
làng khác ở phía đông xứ Quảng, đình làng Hội An mang đậm dấu ấn điêu khắc của
phường mộc Vân Hà (Tam Thành, Phú Ninh). Các đường nét hoa văn tinh sảo trên gỗ
mít còn lưu giữ khá rõ nét thể hiện bàn tay tài hoa cũng những nghệ nhân mộc
xưa. Cột đình vững chãi được dựng trên những tảng đá to, sân đình được lát
gạch. Mái đình được tu sửa nhiều lần, hiện nay được lợp bằng mái ngói mũi tên và
mái âm dương. Trải qua gần 200 năm hứng chịu sương gió và đạn bom, một số công
trình của đình làng đã bị hư hại như: nhà kho, nhà hội họp, nhà thủ hộ, nhà thờ
Bà Tư (một người có công với làng trong việc đóng góp cúng tế). Hiện nay, đình
làng chỉ còn phần đình chính và nhà kho nhưng vẫn thể hiện rất rõ kiến trúc lâu
đời của cư dân Tiên Phước xưa, bao gồm 24 cột đình đường kính 30cm, các kèo
được nguyên vẹn với các chạm trổ hình cuộn sóng, hoa văn cổ xưa.
Người có công rất lớn
trong việc xây dựng mái đình là đô đốc học Nguyễn Đình Tựu (1882 – 1888), một
nhà giáo uyên bác sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tiên Châu, Tiên Phước anh hùng.
Theo tư liệu trên wikipedia: Nguyễn Đình Tựu đỗ phó bảng khoa Mậu Thìn (1868),
làm quan đến chức tán thiện phán Độc ty, ông là người mô phạm
khuôn mẫu, uyên bác nổi tiếng, học trò của ông có những nhà yêu nước nổi tiếng
như tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, phó bảng Nguyễn Duy Hiệu
(hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam kháng Pháp). Ông là người đề xuất xây dựng đình
làng Hội An để thờ tự các bậc vong niên khai hoang mở cõi, thờ thần Hoàng làng
và đặc biệt là tiền hiền Nguyễn Phúc, nhằm tri ân tiền nhân là người đầu tiên đặt
chân đến tạo hình quê hương xứ sở. Chủ ý của ông đã được được Chánh tổng Tiên
Quý Nguyễn Đình Dương (huyện Hà Đông, thuộc phủ Tam Kỳ) và nhân dân đồng thuận,
phát công xây dựng. Nhờ sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân, ròng rã
hơn 2 năm công trình mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều tư liệu còn
cho biết “trong kháng chiến chống Pháp, đình là
nơi Xã đội trưởng dân quân Trương Phước Tín (hy sinh năm 1955) chọn làm nơi hội
họp du kích địa phương, bàn kế hoạch đánh địch”…
|
Đình làng Hội An – nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử. (ảnh: Phan Nam) |
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Kim Thiện: “Phía trước ngôi
đình chính có bức bình phong được xây bằng đá núi, vữa vôi và trên
mặt có khắc chữ Ÿ (Phước) rất lớn
được đắp bằng những mảnh sành sứ. Khu khuôn viên đình làng được xây
tường kiến cố bằng vật liệu đá, vữa vôi đường, có cổng đi vào từ
hướng Đông. Hai bên cổng được khắc hai câu liễn lớn có nội dung: Bá Niên Tố Trứ Thanh Danh Địa, Tứ Diện
Hoành Khai Đạo Nghĩa Môn (tạm dịch là: Thanh danh của vùng đất
được tạo dựng từ hàng trăm năm, Cửa đạo đức nghĩa nhân theo đó cũng
được lan truyền bốn phương), phía trên là câu Tiên Hội Môn”. Hiện nay các bức bình phong, một số kiến trúc xưa
đã biến mất hoàn toàn do sự tác động của thời gian và các biến cố lịch sử, chỉ
còn lưu giữ một số hoa văn, họa tiết ở mái đình và các kèo, đầu cù. Đầu năm
2014, sau khi trình hồ sơ xếp hạng di tích, UBND huyện Tiên Phước đã chi 300
triệu đồng trùng tu khẩn cấp, xây dựng tường rào cổng đình kiên cố, bảo vệ mái
đình nhằm tránh tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, sự phá hủy của thời gian lên
ngôi đình gần 200 tuổi đời đã thể hiện rất rõ khi công trình đang dần xuống cấp,
có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, và như thế có nghĩa là mái đình duy nhất ở xứ
Tiên có nguy cơ biến mất. Ngày 21-7-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết
định số 2276/QĐ-UBND công nhận Đình làng Hội An là di tích văn hóa
lịch sử.
Đình làng Hội An từng là
nơi thờ tự, ngưỡng vọng của nhân dân với các bậc tiền nhân đã có công khai phá,
mở cõi, lập làng. Nhang khói nghi ngút còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
của dân tộc ta với công lao to lớn của các liệt sĩ, những người vô danh đã hi
sinh sương máu để giữ gìn quê hương xứ sở, bảo vệ sự bình yên của xóm làng. Việc
giữ gìn đình làng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của con cháu đối
với di sản cha ông để lại, góp phần tôn tạo giá trị truyền thống, bảo vệ văn
hóa dân tộc. Ngày nay, mặc dầu các lễ nghi từ xa xưa đã được lượt bớt nhưng lễ
Kỳ Yên vào tháng 6 âm lịch hằng năm vẫn diễn ra rộn ràng, nhân dân trong vùng lại
náo nức tụ họp về mái đình để chứng kiến nghi thức rước sắc và tham gia hội
làng. Nghi lễ góp phần tôn tạo phục dựng văn hóa, đồng thời thể hiện ước vọng,
mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân cư an lạc, hồn quê hội tụ…
Đây cũng là dịp để nam
thanh nữ tú gặp mặt giao lưu, thể hiện sự khéo léo trong việc dọn đồ cúng tế
như làm bánh, thổi xôi, kết hoa quả, sản vật dâng lên bề trên. Hội làng còn thể
hiện sự tương quan trong các mối quan hệ cộng đồng, bản sắc văn hóa con người
và vùng đất xứ Tiên. Đình làng Hội An thể hiện đầy đủ nếp sống tốt đẹp của con
người Tiên Phước, thể hiện đặc trưng không thể tách rời trong kiến trúc nhà cổ
còn lưu giữ đến ngày nay, đình làng còn mang giá trị tâm linh văn hóa rất lớn
góp phần điều tiết nếp sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Qua bài viết này,
người viết hi vọng đình làng sẽ được cấp kinh phí trùng tu thường xuyên để lưu
giữ bảo vệ mái đình, nơi chứa đựng giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta,
xứng đáng là nơi hội tụ thiên thời – địa lợi – nhân hòa của đất và người “xứ
Tiên”.
Quê nhà Tiên Phước, tháng 3.2016
PHAN
NAM
Comments[ 0 ]
Post a Comment
Quý vị chỉ cần copy link hình và dán vào ô comment.